ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 63/KH-UBND |
Tuyên Quang, ngày 28 tháng 03 năm 2025 |
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG SỐ 68-CTR/TU NGÀY 10/01/2025 CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 37-CT/TW NGÀY 10/7/2024 CỦA BAN BÍ THƯ VỀ ĐỔI MỚI CÔNG TÁC ĐÀO TẠO NGHỀ CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN ĐÁP ỨNG YÊU CẦU CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN
Thực hiện Chương trình hành động số 68-CTr/TU ngày 10/01/2025 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 10/7/2024 của Ban Bí thư về đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn (sau đây viết tắt là Chỉ thị số 37-CT/TW của Ban Bí thư và Chương trình hành động số 68-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy);
Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 68-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
Các sở, ban, ngành thuộc tỉnh và chính quyền các cấp quán triệt, tuyên truyền, phổ biến và cụ thể hoá Chỉ thị số 37-CT/TW của Ban Bí thư và Chương trình hành động số 68-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thực hiện đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn theo chức năng, nhiệm vụ, địa bàn quản lý và chương trình công tác, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội gắn với tình hình cụ thể của cơ quan, địa phương, đơn vị.
2. Yêu cầu
Đảm bảo sự phối hợp thường xuyên, hiệu quả, phân công trách nhiệm của các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các tổ chức, cá nhân liên quan, nhất là vai trò người đứng đầu trong thực hiện đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW của Ban Bí thư và Chương trình hành động số 68-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đảm bảo nghiêm túc, thiết thực, hiệu quả, đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở; thường xuyên kiểm tra, giám sát, định kỳ hằng năm báo cáo kết quả, tiến độ thực hiện; thực hiện sơ kết, tổng kết theo quy định.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu tổng quát
Xác định vai trò của nông dân tiếp tục là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Do vậy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tăng tỷ trọng kinh tế công nghiệp và dịch vụ; bảo đảm an ninh lương thực; hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
2. Mục tiêu cụ thể
Phấn đấu đến năm 2030, 100% số xã trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới đạt tiêu chí Lao động (tỷ lệ lao động qua đào tạo, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ) theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới; trong đó đến năm 2025, 100% các xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt chỉ tiêu tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt từ 70% trở lên; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt từ 20% trở lên.
III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM VÀ PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ
1. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo; kiểm tra, giám sát đối với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân cấp huyện, nhất là người đứng đầu phải thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng kế hoạch đào tạo nghề phù hợp với thị trường lao động, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu học nghề, việc làm của người dân, gắn với bảo tồn, phát huy không gian văn hoá, tiềm năng du lịch khu vực nông thôn; tổ chức đào tạo nghề gắn với mô hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, hướng tới chuyển dịch cơ cấu kinh tế, sản xuất lớn. Hoàn thiện bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước; xây dựng các mô hình kết nối giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động ở từng vùng, từng huyện, thành phố; thực hiện tốt công tác đào tạo nghề cho người sản xuất, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các chủ thể liên kết tạo đột phá trong phát triển nhân lực theo Đề án cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng phát triển nông, lâm nghiệp, thuỷ sản hàng hoá, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, đặc sản theo chuỗi liên kết bảo đảm chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.
Chỉ đạo triển khai chương trình, chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2030, gắn với thực hiện các chương trình MTQG giai đoạn 2021-2030. Tiếp tục ưu tiên đào tạo nghề cho lao động thuộc diện đối tượng chính sách, người có công, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật; quan tâm đào tạo nghề cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở chuyển sang học nghề, khuyến khích hoạt động vừa tổ chức học nghề kết hợp học văn hoá phổ thông để nâng cao kiến thức văn hoá và nâng cao kỹ năng nghề cho học sinh, sinh viên trước khi tham gia thị trường lao động; triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề cho người lao động, đặc biệt là lao động trong các khu công nghiệp, bộ đội xuất ngũ, người cao tuổi còn đủ sức khỏe có nhu cầu tham gia thị trường lao động.
Thường xuyên kiểm tra, giám sát, coi trọng chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; huy động sự tham gia, giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
- Cơ quan chủ trì: Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nông nghiệp và Môi trường, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.
- Cơ quan phối hợp: Các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị có liên quan.
- Thời gian thực hiện: Hằng năm.
2. Đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn
2.1. Thực hiện cập nhật, bổ sung ngành, nghề đào tạo, chuẩn hoá nội dung đào tạo, kiểm định chất lượng chương trình đào tạo đảm bảo các điều kiện, yêu cầu tối thiểu và phù hợp với điều kiện thực tế của cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp; quan tâm, tăng cường giáo dục đạo đức nghề nghiệp, kiến thức về an toàn vệ sinh lao động, pháp luật, kinh doanh, khởi nghiệp, các kỹ năng mềm và đổi mới sáng tạo cho lao động nông thôn, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn. Coi trọng thực hành, nhất là từ thực tiễn sản xuất, kinh doanh; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong tất cả các khâu của quá trình đào tạo. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp nghiên cứu tổ chức đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp theo hướng mở, linh hoạt, phù hợp với đặc điểm của tỉnh, người học. Phát huy tính chủ động của người học, gắn kết đào tạo nghề với học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập ở khu vực nông thôn, góp phần xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam phát triển toàn diện, có ý chí, khát vọng xây dựng quê hương đất nước phồn vinh, hạnh phúc, có trình độ học vấn, năng lực đổi mới sáng tạo và tổ chức sản xuất tiên tiến, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.
- Cơ quan chủ trì: Các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh.
- Cơ quan phối hợp: Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nông nghiệp và Môi trường, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp có liên quan.
- Thời gian thực hiện: Hằng năm.
2.2. Tăng cường công tác tư vấn nghề nghiệp, khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn gắn với công tác dự báo xu hướng phát triển và nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo của các doanh nghiệp và thị trường lao động trong và ngoài tỉnh để nâng cao tỷ lệ lao động có việc làm mới sau đào tạo; tập trung đào tạo lại nguồn nhân lực nông thôn thông qua thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các dự án về giáo dục nghề nghiệp thuộc chương trình MTQG, đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ, gắn với bảo tồn, phát huy không gian văn hoá khu vực nông thôn, tận dụng lợi thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thích ứng với quá trình đô thị hoá, già hoá dân số và biến đổi khí hậu, góp phần xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại.
- Cơ quan chủ trì: Sở Giáo dục và Đào tạo; Ủy ban nhân dân huyện, thành phố; các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh.
- Cơ quan phối hợp: Sở Nông nghiệp và Môi trường và các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp có liên quan.
- Thời gian thực hiện: Thường xuyên.
2.3. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh tăng cường liên doanh, liên kết chương trình đào tạo với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh; chủ động hợp tác đào tạo và đào tạo theo nhu cầu, địa chỉ sử dụng của doanh nghiệp để nâng cao chất lượng đào tạo nghề và kết nối việc làm cho người học sau đào tạo.
- Cơ quan chủ trì: Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh.
- Cơ quan phối hợp: Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nông nghiệp và Môi trường, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp có liên quan.
- Thời gian thực hiện: Thường xuyên.
3. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức xã hội về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của đào tạo nghề cho lao động nông thôn đối với phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, nâng cao dân trí và đời sống của người dân nông thôn. Phổ biến về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn và sự chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn. Nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền địa phương, người dân về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tới phát triển kinh tế nông nghiệp, cơ cấu ngành nghề và trình độ sản xuất tại khu vực nông thôn. Làm tốt công tác quảng bá, nhân rộng những mô hình hay, điển hình tốt sau học nghề.
- Cơ quan chủ trì: Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nông nghiệp và Môi trường, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.
- Cơ quan phối hợp: Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp có liên quan.
- Thời gian thực hiện: Hằng năm.
4. Đào tạo nghề cho lao động nông thôn cần gắn với đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng số cho người dân
4.1. Tận dụng hiệu quả cơ hội Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đào tạo nghề cho lao động nông thôn cần gắn với đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng số cho người dân, góp phần phát triển kinh tế số, xã hội số khu vực nông thôn; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Triển khai hiệu quả các chính sách đầu tư, hỗ trợ đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và phát triển kinh tế tập thể khu vực nông thôn. Triển khai các chương trình, đề án đào tạo, đào tạo lại phục vụ chuyển đổi nghề cho người dân do biến đổi khí hậu và tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Rà soát, đánh giá nguồn nhân lực, xây dựng và thực hiện các chương trình đào tạo chuyên ngành cơ giới nông nghiệp và chế biến nông sản như: Cơ khí nông nghiệp, cơ khí thực phẩm, công nghệ sau thu hoạch, công nghệ thực phẩm.
- Cơ quan chủ trì: Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nông nghiệp và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.
- Cơ quan phối hợp: Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, có liên quan; Các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh.
- Thời gian thực hiện: Hằng năm.
4.2. Đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với phương thức sản xuất tiên tiến, hiện đại, phù hợp với nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao; thúc đẩy tích hợp đa giá trị, nâng cao giá trị gia tăng, phát huy lợi thế của địa phương thông qua triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển cơ giới hoá nông nghiệp và chế biến nông lâm thuỷ sản đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.
- Cơ quan chủ trì: Các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh;
- Cơ quan phối hợp: Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nông nghiệp và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; tổ chức, doanh nghiệp có liên quan.
- Thời gian thực hiện: Hằng năm.
4.3. Tăng cường quản lý, triển khai công tác đào tạo nghề gắn với chuyển giao công nghệ mới. Quan tâm công tác bồi dưỡng kiến thức về thị trường, thương mại nông sản, sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao và thực hiện chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm)…cho các thành viên Hợp tác xã, chủ trang trại, nông dân; liên doanh, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị.
- Cơ quan chủ trì: Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nông nghiệp và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.
- Cơ quan phối hợp: Các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh và tổ chức, doanh nghiệp có liên quan.
- Thời gian thực hiện: Hằng năm.
5. Huy động các nguồn lực đảm bảo cho công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn
5.1. Bảo đảm nguồn lực, các điều kiện nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn từ các đề án, kế hoạch phát triển kinh tế
- xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia. Quan tâm triển khai, lồng ghép các nguồn lực thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo cho lao động nông thôn, nhất là nguồn lực hỗ trợ về vốn, phương tiện sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, giới thiệu việc làm sau học nghề. Thực hiện cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ để nâng cao hiệu quả, chất lượng đào tạo nghề. Đẩy mạnh xã hội hoá, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho công tác đào tạo nghề, nhất là ở những ngành, nghề, những nơi có điều kiện; khuyến khích tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phát triển cơ sở đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tiếp tục đầu tư đồng bộ, bảo đảm cơ sở vật chất cho đào tạo nghề, nhất là những nghề gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, với công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn; trong đó chú trọng, nâng cấp, chuẩn hoá cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc hiện đại, phấn đấu xây dựng Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang thành trường trọng điểm đào tạo công nhân kỹ thuật có trình độ tay nghề cao, trở thành Trường Cao đẳng chất lượng cao giai đoạn 2026-2030.
- Cơ quan chủ trì: Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nông nghiệp và Môi trường, Sở Dân tộc và Tôn giáo, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.
- Cơ quan phối hợp: Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, có liên quan; các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh.
- Thời gian thực hiện: Hằng năm.
5.2. Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp có chất lượng; huy động sự tham gia của các nhà khoa học, các nghệ nhân, doanh nhân, người sản xuất giỏi, lao động có tay nghề cao tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đội ngũ nhà giáo, lưu ý cân đối cơ cấu nhà giáo phù hợp với nhu cầu đào tạo của tỉnh; đào tạo, bồi dưỡng và bố trí nhà giáo dạy một số ngành, nghề còn thiếu như: Hướng dẫn du lịch, kỹ thuật chế biến các món ăn; chế biến và bảo quản lương thực, thực phẩm; công nghệ hàn; kỹ thuật dệt thổ cẩm;…
- Cơ quan chủ trì: Các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh;
- Cơ quan phối hợp: Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nông nghiệp và Môi trường, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; tổ chức, doanh nghiệp có liên quan.
- Thời gian thực hiện: Hằng năm.
(Có biểu nhiệm vụ chủ yếu kèm theo)
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành thuộc tỉnh; Ủy ban nhân dân huyện, thành phố
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ quán triệt, phổ biến, triển khai thực hiện Kế hoạch này. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, tham mưu, đề xuất nội dung thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; báo cáo tình hình, kết quả thực hiện trước ngày 30/11 hằng năm và đột xuất theo yêu cầu về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Giáo dục và Đào tạo tổng hợp, báo cáo).
2. Sở Giáo dục và Đào tạo: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp triển khai thực hiện Kế hoạch. Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân tỉnh định kỳ, đột xuất theo quy định.
3. Sở Tài chính:
Căn cứ kế hoạch đầu tư công, kế hoạch đầu tư vốn các chương trình MTQG trung hạn 5 năm, hằng năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh lồng ghép, phân bổ vốn đầu tư để thực hiện kế hoạch theo quy định của Luật Đầu tư công và các quy định của pháp luật.
Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách địa phương, các nguồn kinh phí từ các chương trình, dự án, đề án có liên quan theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, nguồn tài trợ, viện trợ quốc tế, nguồn huy động từ xã hội, cộng đồng và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác để tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh về cơ chế tài chính trong công tác quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí thực hiện Kế hoạch theo quy định của pháp luật hiện hành.
4. Sở Nông nghiệp và Môi trường: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tuyên truyền, triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Hướng dẫn, triển khai và kiểm tra, giám sát, đánh giá đối với công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn.
5. Sở Khoa học và Công nghệ: Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai tập huấn kỹ năng số, công nghệ số tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp góp phần nâng tỷ lệ lao động có các kỹ năng số trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan đề xuất triển khai thực hiện các đề tài, dự án khoa học và công nghệ trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.
6. Sở Dân tộc và Tôn giáo: Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan trong việc tuyên truyền, triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện chính sách, phát triển giáo dục nghề nghiệp tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh.
7. Cục Thống kê tỉnh: Thông tin kết quả điều tra, thống kê tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ trên địa bàn tỉnh hằng năm.
8. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Tuyên Quang: Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường thời lượng, chất lượng tin, bài nhằm nâng cao nhận thức và tiếp tục tuyên truyền các nội dung về đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.
9. Ủy ban nhân dân huyện, thành phố
Xây dựng, ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện Kế hoạch này trên địa bàn phù hợp với các đề án, chương trình, kế hoạch về xây dựng nông thôn mới, phát triển nguồn nhân lực, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Tuyên truyền, thực hiện hiệu quả các chính sách về đào tạo nghề và hoạt động hỗ trợ giáo dục nghề nghiệp thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia.
Thực hiện quản lý, kiểm tra hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn theo quy định của pháp luật. Kịp thời báo cáo, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
10. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh
Xây dựng kế hoạch của đơn vị để triển khai thực hiện Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh phù hợp với tình hình thực tế tại cơ sở. Bố trí kinh phí, huy động nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa phù hợp với điều kiện của đơn vị nhằm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra.
Trên đây là Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 68-CTr/TU ngày 10/01/2025 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 10/7/2024 của Ban Bí thư về đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn của Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang. Yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan chủ động, nghiêm túc triển khai thực hiện./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN |
BIỂU TỔNG HỢP MỘT SỐ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
THỰC
HIỆN CHỈ THỊ SỐ 37-CT/TW NGÀY 10/7/2024 CỦA BAN BÍ THƯ VỀ ĐỔI MỚI CÔNG TÁC ĐÀO
TẠO NGHỀ CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN ĐÁP ỨNG YÊU CẦU CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA
NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN
(Kèm theo Kế hoạch số: 63/KH-UBND ngày 28 tháng 3 năm 2025 của Ủy ban nhân
dân tỉnh)
TT |
Nhiệm vụ, giải pháp |
Cơ quan chủ trì |
Cơ quan phối hợp |
Thời gian hoàn thành |
1 |
Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo; kiểm tra, giám sát của cấp uỷ, tổ chức Đảng, chính quyền đối với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn |
|
|
|
1.1 |
Xây dựng, triển khai kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn phù hợp với thị trường lao động, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu học nghề, việc làm của người dân, gắn với bảo tồn, phát huy không gian văn hoá, tiềm năng du lịch khu vực nông thôn; tổ chức đào tạo nghề gắn với mô hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, hướng tới chuyển dịch cơ cấu kinh tế, sản xuất lớn. |
|
|
|
|
Kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2025-2030 |
Sở Giáo dục và Đào tạo |
Sở Nông nghiệp và Môi trường; UBND huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan |
Trước 31/12/2025 |
1.2 |
Triển khai chương trình, chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2030, gắn với thực hiện các chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2030. Tiếp tục ưu tiên đào tạo nghề cho lao động thuộc diện đối tượng chính sách, người có công, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật… |
Sở Giáo dục và Đào tạo |
Các sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội có liên quan |
Hằng năm |
1.3 |
Tăng cường kiểm tra, giám sát, coi trọng chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Huy động sự tham gia, giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. |
Sở Giáo dục và Đào tạo |
Các sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội có liên quan |
Hằng năm và giai đoạn |
2 |
Đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn |
|
|
|
2.1 |
Triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh; trong đó, tập trung triển khai, hướng dẫn thực hiện đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn gắn với phương thức sản xuất tiên tiến, hiện đại, phù hợp với nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao. |
Sở Nông nghiệp và Môi trường |
Các cấp uỷ đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh |
Hằng năm và giai đoạn |
2.2 |
Tiếp tục triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh; cập nhật, phát triển chương trình đào tạo các ngành, nghề mới theo chủ trương, định hướng, nhu cầu và giải pháp phát triển kinh tế đối với từng lĩnh vực ngành. |
Sở Giáo dục và Đào tạo |
Các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh |
Hằng năm và giai đoạn |
2.3 |
Đổi mới căn bản công tác hướng nghiệp, phân luồng trong giáo dục phổ thông phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh; triển khai thực hiện tốt chủ trương vừa tổ chức học nghề vừa kết hợp học văn hoá phổ thông để nâng cao kiến thức văn hoá và kỹ năng nghề cho học sinh, sinh viên trước khi tham gia thị trường lao động. |
Sở Giáo dục và Đào tạo |
Các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh |
Hằng năm và giai đoạn |
3 |
Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn |
|
|
|
3.1 |
Tuyên truyền sâu rộng, phổ biến, quán triệt, nâng cao nhận thức xã hội; nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của đào tạo nghề cho lao động nông thôn đối với phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững; về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn và sự chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn. |
Các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh; UBND cấp huyện |
|
Thường xuyên |
3.2 |
Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cấp uỷ, chính quyền, người dân về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tới phát triển kinh tế nông nghiệp, cơ cấu ngành nghề và trình độ sản xuất tại khu vực nông thôn |
Các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh; UBND cấp huyện |
|
Thường xuyên |
4 |
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn cần gắn với đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng số cho người dân |
|
|
|
4.1 |
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng số cho người dân, góp phần phát triển kinh tế số, xã hội số khu vực nông thôn; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. |
Sở Giáo dục và Đào tạo |
Các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh |
Hằng năm và giai đoạn |
4.2 |
Đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với phương thức sản xuất tiên tiến, hiện đại, phù hợp với nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao; thúc đẩy tích hợp đa giá trị, nâng cao giá trị gia tăng, phát huy lợi thế huyện, thành phố thông qua triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển cơ giới hoá nông nghiệp và chế biến nông lâm thuỷ sản đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. |
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh |
Sở Giáo dục và Đào tạo; các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh, |
Hằng năm và giai đoạn |
5 |
Huy động các nguồn lực đảm bảo cho công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn |
|
|
|
5.1 |
Bảo đảm nguồn lực, các điều kiện nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Quan tâm triển khai, lồng ghép các nguồn lực thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo cho lao động nông thôn, nhất là nguồn lực hỗ trợ về vốn, phương tiện sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, giới thiệu việc làm sau học nghề. |
Sở Giáo dục và Đào tạo |
Các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh |
Hằng năm và giai đoạn |
5.2 |
Tiếp tục đầu tư đồng bộ, bảo đảm cơ sở vật chất cho đào tạo nghề, nhất là những nghề gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, với công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn. |
Sở Giáo dục và Đào tạo |
Các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh |
Hằng năm và giai đoạn |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.