ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 6221/KH-UBND |
Đà Nẵng, ngày 17 tháng 9 năm 2020 |
KẾ HOẠCH
TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
Thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 26/5/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 22/01/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; UBND thành phố ban hành Kế hoạch tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng với các nội dung chủ yếu như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trong Chỉ thị số 30-CT/TW.
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thực chất, liên tục và lâu dài từ các cấp chính quyền của thành phố và trong tất cả các ngành, lĩnh vực; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp và cán bộ, đảng viên trong lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
- Xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, đưa việc đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thành trách nhiệm, động lực và lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp Việt.
- Kiến tạo môi trường tiêu dùng an toàn, bền vững, củng cố niềm tin của người tiêu dùng vào Đảng, Nhà nước và xã hội, góp phần tạo nền tảng cho một xã hội tiêu dùng hạnh phúc và thịnh vượng.
- Nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của tổ chức, cá nhân cung cấp hàng hóa, dịch vụ, đồng thời nâng cao ý thức, khả năng tự bảo vệ của người tiêu dùng.
- Huy động các nguồn lực, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội tham gia công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
2. Yêu cầu
- Xác định rõ vai trò của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp và toàn thể cán bộ, đảng viên trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Chính quyền các cấp, các ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao phải xây dựng kế hoạch hàng năm về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; lấy kết quả thực hiện công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để đánh giá, xếp loại hàng năm đối với cá nhân và tổ chức, người đứng đầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan quản lý nhà nước.
- Tuyên truyền sâu rộng đến toàn thể cán bộ, đảng viên, cộng đồng doanh nghiệp và mọi tầng lớp nhân dân các quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; kịp thời biểu dương, khen thưởng đối với tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
II. NHIỆM VỤ VÀ PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM
1. Tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Các sở, ngành, tổ chức, chính quyền các cấp xây dựng và ban hành văn bản triển khai giám sát và đánh giá tại địa phương, cơ quan, đơn vị và trong lĩnh vực được phân công quản lý theo quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; coi đây là một trong những nội dung đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của cá nhân và tổ chức, người đứng đầu cơ quan, đơn vị; quy định rõ các tiêu chí cũng như các biện pháp, cơ chế đánh giá, giám sát một cách công khai, minh bạch.
2. Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tổ chức bộ máy chuyên trách, xác định rõ vai trò, đầu mối, điều tiết và giám sát các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; nâng cao năng lực thực thi pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức tham gia công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
a) Sở Công Thương
- Chủ trì, phối hợp với các sở ngành liên quan tham mưu UBND thành phố tổng kết, đánh giá việc thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nghiên cứu đề xuất việc sửa đổi, bổ sung Luật và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan phù hợp với yêu cầu về quản lý tại thành phố Đà Nẵng.
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng, tham mưu UBND thành phố ban hành Kế hoạch triển khai các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho từng năm trong giai đoạn 2021 - 2025 và tổ chức thực hiện.
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, ý thức, trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tham gia công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo hướng chuyên nghiệp, chuyên môn hóa, phù hợp với vị trí việc làm.
b) Sở Nội vụ
Phối hợp với Sở Công Thương nghiên cứu, báo cáo đề xuất UBND thành phố về việc kiện toàn hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại thành phố Đà Nẵng theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
c) Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Phối hợp với Sở Công Thương, Sở Tài chính nghiên cứu, đề xuất UBND thành phố ban hành cơ chế, chính sách xã hội hóa trong đầu tư, để thu hút các thành phần kinh tế tham gia công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
- Bố trí và đảm bảo nguồn vốn theo quy định trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại Kế hoạch này.
d) Sở Tài chính
Chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương và các đơn vị liên quan tổng hợp kinh phí thực hiện các nhiệm vụ tại Kế hoạch này theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
đ) Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố
Các cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ và lĩnh vực được phân công chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất UBND thành phố ban hành các giải pháp, chính sách để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ người tiêu dùng, đặc biệt liên quan đến chất lượng sản phẩm và an toàn thực phẩm.
e) Sở Thông tin và Truyền thông
- Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Khoa học và Công nghệ và các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật mới.
- Tiếp tục triển khai có hiệu quả Cổng Góp ý Đà Nẵng để tiếp nhận và xử lý các nội dung kiến nghị, phản ánh của người tiêu dùng.
g) UBND các quận, huyện
- Chủ động xây dựng kế hoạch, có giải pháp đẩy mạnh hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
- Xây dựng các bộ phận, công cụ tiếp nhận và xử lý các nội dung kiến nghị, phản ánh của người tiêu dùng tại địa phương.
3. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến chính sách, pháp luật; thông tin về chất lượng hàng hóa, dịch vụ và cảnh báo nguy cơ mất an toàn cho người tiêu dùng trên nguyên tắc công khai, minh bạch và đa dạng hóa phương thức truyền thông
a) Sở Công Thương
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu UBND thành phố ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện “Ngày Quyền người tiêu dùng Việt Nam 15-3”.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo, đài trên địa bàn thành phố, UBND các quận, huyện tăng cường tuyên truyền, giáo dục, phổ biến chính sách, pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng “yếu thế” (trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người tiêu dùng ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa,...)
- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các đơn vị liên quan tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đảm bảo công khai, minh bạch, đa dạng hóa phương thức truyền thông.
b) Sở Thông tin và Truyền thông
- Chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh truyền hình... đẩy mạnh công tác tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tăng cường giám sát của người dân, cộng đồng, các đoàn thể nhân dân, các cơ quan thông tin đại chúng đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
c) Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng
Chủ trì, phối hợp với các sở ngành liên quan nghiên cứu, mở các chuyên trang, chuyên mục và tăng thời lượng đưa tin về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; xây dựng các tài liệu, tin bài, phóng sự chuyên đề về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; biểu dương gương người tốt, việc tốt trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; phê phán công khai các hành vi thiếu trách nhiệm, các vi phạm nghiêm trọng trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của các tổ chức, các nhân trên phương tiện thông tin đại chúng để giáo dục phòng ngừa chung; đăng tin, bài về chất lượng hàng hóa, dịch vụ và cảnh báo những nguy cơ gây mất an toàn cho người tiêu dùng.
d) Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
Theo chức năng, nhiệm vụ và lĩnh vực được phân công chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, UBND các quận, huyện và các đơn vị có liên quan thực hiện việc giáo dục, tuyên truyền về pháp luật, chính sách, kỹ năng, kiến thức về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho học sinh, sinh viên các cấp tại cơ sở giáo dục và đào tạo, cơ sở giáo dục nghề nghiệp; đưa các nội dung này vào chương trình đào tạo hoặc lồng ghép vào các nội dung liên quan.
đ) Công an thành phố
Lồng ghép nội dung tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật có liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc.
e) UBND các quận, huyện
- Chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao hiểu biết, nhận thức về vai trò, ý nghĩa của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với sự ổn định, phát triển của địa phương cũng như ý nghĩa thiết thực với từng người dân và từng doanh nghiệp trên địa bàn.
- Chỉ đạo các cơ quan truyền thông tại địa phương đa dạng hóa công tác truyền thông, tăng thời lượng đưa tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; công khai minh bạch và thông tin rộng rãi, đầy đủ bằng hình thức phù hợp đến người tiêu dùng về chất lượng hàng hóa, dịch vụ.
4. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm và hỗ trợ người tiêu dùng
a) Công an thành phố
- Phối hợp với lực lượng quản lý thị trường và thanh tra các sở, ngành trong việc thanh tra, kiểm tra, giám sát các lĩnh vực, địa điểm kinh doanh có nhiều hoạt động kinh doanh, tiêu dùng; xác định, triệt phá các đường dây, tổ chức cá nhân sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ.
- Tăng cường đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; xử lý nghiêm các vụ án hình sự liên quan đến các hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng.
b) Cục Quản lý thị trường thành phố
- Tăng cường kiểm soát, hạn chế không để lưu thông trên thị trường hàng hóa, dịch vụ không đảm bảo chất lượng hoặc có nguy cơ gây mất an toàn cho người tiêu dùng.
- Hàng năm xây dựng các chương trình, kế hoạch về thanh tra, kiểm tra, giám sát và ngăn chặn các hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng tại thành phố.
c) Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng thành phố
Phối hợp với chính quyền địa phương và lực lượng quản lý thị trường, hải quan đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ngăn chặn tận gốc các hoạt động buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng cấm, gian lận thương mại, vi phạm quyền lợi người tiêu dùng qua biên giới, trên không, trên các vùng biển, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế.
d) Sở Khoa học và Công nghệ
- Tham mưu việc lựa chọn các tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, kiểm tra phương tiện đo và các tổ chức đánh giá sự phù hợp thực hiện kiểm định, đánh giá về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, nhằm đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng khi có tranh chấp.
- Hướng dẫn các sở, ban, ngành xây dựng quy chuẩn kỹ thuật địa phương theo quy định hiện hành.
5. Đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao vai trò trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và tổ chức xã hội trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
a) Sở Công Thương
- Phối hợp thông tin tuyên truyền và triển khai vận hành Hệ thống Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng 1800.6838.
- Chủ trì, phối hợp với các ngành đẩy mạnh triển khai thực thi Luật Cạnh tranh để góp phần tạo dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng.
- Phối hợp với UBND các quận, huyện tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ cấu tổ chức của tổ chức địa phương tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
- Chủ trì, phối hợp với các sở ngành liên quan tham mưu UBND thành phố tổ chức tổng kết, đánh giá thực hiện Quyết định số 1997/QĐ-TTg ngày 18/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giai đoạn 2016 - 2020 tại thành phố Đà Nẵng.
- Phối hợp với Sở Nội vụ trong việc đề xuất khen thưởng đối với tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có nhiều đóng góp tích cực trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn thành phố.
b) UBND các quận, huyện
- Kiện toàn bộ máy tổ chức về tham gia xử lý các vấn đề liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại địa phương quản lý.
c) Mặt trận Tổ quốc và tổ chức đoàn thể các cấp
- Phát động các phong trào nhằm khuyến khích, động viên toàn xã hội tham gia công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
- Hỗ trợ các hội, hiệp hội và doanh nghiệp trong việc xây dựng và thực hiện các quy tắc ứng xử để thực hiện các trách nhiệm của doanh nghiệp đối với xã hội và người tiêu dùng.
6. Chủ động tích cực hội nhập quốc tế trong các hoạt động hợp tác về bảo vệ người tiêu dùng trong khuôn khổ ASEAN và quốc tế
a) Sở Công Thương
- Chủ trì, phối hợp với Sở Ngoại vụ và các cơ quan, tổ chức liên quan thực hiện có trách nhiệm các cam kết quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà Việt Nam đã tham gia.
- Phối hợp với các ngành chức năng giải quyết các tranh chấp tiêu dùng, hàng hóa có khuyết tật, hàng nhập lậu tiêu thụ tại địa phương.
b) Sở Ngoại vụ, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các sở, ngành có liên quan
Phối hợp với Sở Công Thương đẩy mạnh các hoạt động liên quan đến hợp tác quốc tế về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện có trách nhiệm quán triệt, tuyên truyền, triển khai Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 22/01/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 26/5/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW và Kế hoạch hành động của Ban Thường vụ Thành ủy thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW; tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ tại Kế hoạch này, thực hiện lồng ghép với các Nghị quyết, chủ trương, chính sách đã ban hành và điều kiện thực tế tại cơ sở, cụ thể hóa thành những nhiệm vụ, giải pháp khả thi, tạo bước chuyển biến về nhận thức và hành động, đảm bảo phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành, địa phương, tổ chức, đoàn thể, cơ quan, doanh nghiệp, các nhân; huy động mọi nguồn lực để đẩy mạnh công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn thành phố. Trên cơ sở các nội dung nhiệm vụ và phân công trách nhiệm tại Kế hoạch này, các cơ quan, đơn vị xây dựng nội dung triển khai cụ thể và thường xuyên để triển khai thực hiện, báo cáo kết quả về Sở Công Thương định kỳ trước ngày 15/11 hàng năm.
2. Mặt trận Tổ quốc và tổ chức đoàn thể các cấp, Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thành phố Đà Nẵng xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể đẩy mạnh công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; vận động nhân dân, đoàn viên, hội viên gương mẫu chấp hành các quy định của pháp luật về về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
3. Sở Công Thương chủ trì tổ chức triển khai Kế hoạch này; theo dõi, đôn đốc các cơ quan đơn vị thực hiện các nhiệm vụ đã được phân công trách nhiệm; tổng hợp kết quả, báo cáo UBND thành phố theo quy định./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.