ỦY BAN NHÂN DÂN
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 62/KH-UBND |
Thanh Hóa, ngày 06 tháng 4 năm 2025 |
KẾ HOẠCH
BẢO ĐẢM TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA NĂM 2025
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 227/TTg-CN ngày 27/02/2025 về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2025; căn cứ quy định của Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ , các Chỉ thị của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; trên cơ sở báo cáo của các ngành, đơn vị và Văn phòng Ban ATGT tỉnh tại Tờ trình số 33/TTr-BATGT ngày 12/3/2025, Công an tỉnh tại Công văn số 902/CAT-PC08 ngày 24/3/2025, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2025 như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong thực hiện công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT). Tăng cường hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong thực hiện các giải pháp đảm bảo TTATGT; tiếp tục kiềm chế, làm giảm tai nạn giao thông, phấn đấu năm 2025 tai nạn giao thông (TNGT) giảm 05% trên cả 03 tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương) so với năm 2024; phòng ngừa, giải quyết kịp thời ùn tắc giao thông, không để xảy ra tình trạng đua xe trái phép hoặc tình hình phức tạp về TTATGT trên địa bàn tỉnh.
2. Gắn trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương với kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo đảm TTATGT trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan, đơn vị trong thực thi công vụ. Nâng cao tinh thần trách nhiệm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương của lực lượng thực thi pháp luật về TTATGT trong đó công chức, viên chức và cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang trong các cơ quan, ban, ngành của tỉnh Thanh Hóa phải thật sự gương mẫu, đi đầu trong việc chấp hành các quy định về TTATGT.
3. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về TTATGT; thiết lập trật tự, kỷ cương trong chấp hành pháp luật về giao thông của người tham gia giao thông; nâng cao ý thức tự giác, ứng xử văn minh, chuẩn mực của người dân khi tham gia giao thông.
4. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác bảo đảm TTATGT, trong đó chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin và khoa học dữ liệu trong quản lý điều hành vận tải, chỉ huy, điều khiển giao thông, tuyên truyền an toàn giao thông; nâng cao hiệu quả công tác phát hiện và xử lý vi phạm về TTATGT qua hệ thống giám sát bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông đường bộ, hệ thống quản lý dữ liệu thiết bị giám sát hành trình và ghi nhận hình ảnh người lái xe.
II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM
1. Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Luật Đường bộ và các Nghị định của Chính phủ và Thông tư của các Bộ, ngành hướng dẫn chi tiết, thi hành Luật gắn với thực hiện các Chỉ thị của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác bảo đảm TTATGT[1].
2. Tiếp tục triển khai Quyết định số 2234/QĐ-UBND ngày 11/6/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc Phê duyệt Đề án chống ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Thanh Hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, bên cạnh đó nghiên cứu đề xuất thực hiện các giải pháp kéo giảm ùn tắc giao thông bền vững tại các khu vực thành phố và các đô thị của tỉnh, chủ động rà soát và kiến nghị sửa đổi những bất cập trong quy định pháp luật là nguyên nhân dẫn đến mật độ dân cư tập trung quá lớn trên khu vực hẹp, gây áp lực lớn so với khả năng đáp ứng của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông; quy hoạch đô thị treo, mật độ xây dựng lớn; mật độ đường và giao thông tĩnh thấp, giao thông công cộng và phi cơ giới, kết nối vận tải đa phương thức còn nhiều hạn chế.
3. Đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT, trong đó tập trung đổi mới nội dung, phương pháp, cách thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, lĩnh vực, địa bàn, gắn với đặc điểm kinh tế - xã hội, văn hóa của từng địa phương trên cơ sở ứng dụng hiệu quả mạng xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng để tiếp cận tới đông đảo quần chúng nhân dân; tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho đối tượng là trẻ em, học sinh, sinh viên; phát huy tính gương mẫu, chấp hành của cán bộ, công chức, viên chức và vận động người thân, gia đình chấp hành các quy định pháp luật về TTATGT, xây dựng văn hóa giao thông trong cộng đồng.
4. Bố trí tối đa lực lượng, phương tiện, ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin, tập trung tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các vi phạm về TTATGT, các vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT. Chú trọng thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông cho trẻ em học sinh, trong đó có các chuyên đề về phát hiện, xử lý các vi phạm về TTATGT cho trẻ em, học sinh; không giao xe cho người chưa đủ điều kiện; các quy định, hướng dẫn quy trình đưa, đón trẻ và quy trình quản lý học sinh các cấp nhằm nâng cao an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh. Tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu quả thực thi pháp luật về bảo đảm TTATGT, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm bảo đảm an toàn giao thông.
5. Tăng cường các giải pháp quản lý an toàn giao thông, quản lý lái xe tại các đơn vị kinh doanh vận tải, trong đó đẩy mạnh việc khai thác, sử dụng hệ thống xử lý dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình để phục vụ công tác quản lý vận tải; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm khả năng kết nối, sử d ụ n g chung các cơ sở dữ liệu giữa ngành Xây dựng, Công an, Y tế đảm bảo việc chia sẻ thông tin trong quản lý khám sức khỏe lái xe, quản lý tình trạng lái xe sử dụng ma túy, làm rõ trách nhiệm của doanh nghiệp vận tải trong thực hiện các quy định về bảo đảm TTATGT và trách nhiệm của doanh nghiệp khi xảy ra TNGT.
6. Tổ chức rà soát, hoàn thiện yêu cầu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo thẩm quyền, trong đó thực hiện việc đặt biển báo tốc độ khai thác tối đa đối với phương tiện giao thông đường bộ trên địa bàn để bảo đảm xe bốn bánh có gắn động cơ hoạt động thuận lợi, giữ gìn an ninh trật tự và an toàn giao thông theo đúng quy định của pháp luật; khẩn trương rà soát, kiến nghị, khắc phục, xử lý dứt điểm các điểm hay xảy ra TNGT, điểm tiềm ẩn TNGT, các bất hợp lý trong tổ chức giao thông, đồng thời tổ chức các hệ thống báo hiệu đường bộ hợp lý, cắm bổ sung biển báo hướng dẫn, kẻ vạch phân chia làn đường, phần đường..., sửa chữa, khắc phục hệ thống đèn tín hiệu giao thông, khôi phục hoặc mở rộng hệ thống tổng thể thành phố, đô thị lớn không để tình trạng “xử lý chỗ này, phát sinh chỗ khác”; bảo đảm trật tự đô thị, xử lý tình trạng lấn chiếm lòng đường, lề đường, trông giữ xe trái phép gây cản trở, ùn tắc giao thông.
7. Tiếp tục siết chặt và nâng cao chất lượng đăng kiểm và kiểm soát chặt điều kiện về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của các phương tiện cơ giới đường bộ; công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe.
8. Trên cơ sở thực hiện Kế hoạch số 118/KH-UBND ngày 02/6/2020 của UBND tỉnh về việc thực hiện Quyết định số 358/QĐ-TTg ngày 10/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án đảm bảo trật tự hành lang an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2020 - 2025, tiếp tục tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các vi phạm về hành lang an toàn đường sắt, lấn chiếm trái phép, mở lối đi tự phát.
9. Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong hoạt động đường thủy nội địa, trong đó tập trung siết chặt quản lý phương tiện thủy, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về TTATGT đường thủy, xóa bỏ bến đò ngang trái phép, bảo đảm an toàn tại các bến tàu khách, đặc biệt là trong mùa mưa bão, thiên tai; bên cạnh đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về TTATGT đường thuỷ và chỉ đạo thực hiện các giải pháp phòng chống đuối nước cho trẻ em.
10. Phối hợp, trao đổi, xử lý thông tin liên quan để nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo an ninh, an toàn hàng không, ngăn chặn và ứng phó kịp thời các tình huống khẩn nguy có thể xảy ra. Phối hợp tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật; tiếp tục xây dựng văn hoá giao thông hàng không cho mọi tầng lớp nhân dân.
11. Nâng cao năng lực cứu hộ, cứu nạn, cứu chữa nạn nhân và khắc phục hậu quả TNGT; bảo đảm khả năng tiếp cận hiện trường và cứu chữa thương tích cho nạn nhân TNGT.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao và các nhiệm vụ trọng tâm tại phần II Kế hoạch này, các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc, trong đó phân công một số nhiệm vụ cụ thể như sau:
1. Ban An toàn giao thông tỉnh
Trong thời gian chưa kiện toàn tổ chức và hoạt động của Uỷ ban ATGT Quốc gia theo quy định mới, Ban ATGT tỉnh tiếp tục hoạt động theo quy định hiện hành, tập trung tham mưu, chỉ đạo, triển khai các nhiệm vụ trọng tâm sau:
- Trên cơ sở các chỉ thị, kế hoạch, văn bản chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Uỷ ban ATGT Quốc gia và UBND tỉnh; ban hành các kế hoạch, văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện hiệu quả nhiệm vụ bảo đảm TTATGT năm 2025.
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức các hoạt động tập huấn, tuyên truyền pháp luật về TTATGT bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Tiếp nhận, xây dựng, in ấn và cung cấp các tài liệu truyền thông về TTATGT.
- Tham mưu cho UBND tỉnh thành lập các đoàn kiểm tra, hướng dẫn liên ngành hoặc chủ trì, phối hợp với các sở, ngành là thành viên Ban ATGT tỉnh, tổ chức kiểm tra đột xuất, định kỳ công tác bảo đảm TTATGT để đánh giá tình hình thực tế việc triển khai thực hiện tại các cơ quan, đơn vị, địa phương, từ đó tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, chấn chỉnh kịp thời những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc.
- Tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật về TTATGT trên địa bàn tỉnh; phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông” và các chuyên đề khác theo hướng dẫn của Ủy ban ATGT Quốc gia.
- Chủ trì tổ chức sơ kết, tổng kết tình hình TTATGT trên địa bàn tỉnh; theo dõi, tổng hợp, báo cáo kết quả triển khai thực hiện Kế hoạch này.
2. Công an tỉnh
- Tiếp tục tổ chức triển khai, thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành , đặc biệt là Nghị định số 168/2024/NĐ-CP ngày 26/12/2024 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe; phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành và các cơ quan có liên quan triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm TTATGT trên địa bàn tỉnh.
- Tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền đầu tư, xây dựng Trung tâm chỉ huy giao thông trên cơ sở kết nối, chia sẻ dữ liệu với các ngành và hệ thống cơ sở dữ liệu theo quy định tại Điều 75 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ , đồng thời sớm tổ chức lắp đặt hệ thống camera giám sát giao thông trên các tuyến đường bộ của tỉnh, trong đó trước mắt ưu tiên đầu tư, lắp đặt trên các tuyến Quốc lộ trọng điểm (Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh...) và các địa bàn phức tạp về TTATGT. Tăng cường ứng dụng, sử dụng hệ thống giám sát bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã được lắp đặt, hệ thống quản lý dữ liệu thiết bị giám sát hành trình và ghi nhận hình ảnh người lái xe, hệ thống cơ sở dữ liệu khác để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm TTATGT.
- Tiếp tục bố trí tối đa lực lượng, phương tiện tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy; tập trung xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT, ùn tắc giao thông như vi phạm nồng độ cồn, ma túy, chạy quá tốc độ quy định, đi không đúng phần đường, làn đường, tránh vượt không đúng quy định; các hành vi vi phạm về vận tải hành khách như: chở quá số người quy định, đón, trả khách không đúng nơi quy định..; vi phạm về vận tải hàng hóa như: chở hàng vượt quá tải trọng, quá kích thước thùng hàng, cải tạo... Đối với những trường hợp cán bộ, công chức, viên chức và chiến sĩ lực lượng vũ trang vi phạm quy định về nồng độ cồn, không hợp tác với lực lượng chức năng trong xử lý vi phạm phải có thông báo về cơ quan, đơn vị đang công tác, quản lý để có hình thức phối hợp, xử lý theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 35/CT - TTg ngày 17/9/2024.
- Đẩy mạnh công tác phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT, đa dạng hóa các nội dung, hình thức tuyên truyền, đặc biệt là qua mạng xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng để tiếp cận đông đảo quần chúng nhân dân; chú trọng tuyên truyền cho đối tượng học sinh, sinh viên; phát huy tính gương mẫu, chấp hành của cán bộ, công chức, viên chức và vận động người thân, gia đình chấp hành các quy định khi tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông trong cộng đồng. Phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, các đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông xây dựng các thông điệp, hướng dẫn, cảnh báo về TTATGT trên nền tảng số, tin nhắn trên điện thoại di động để người dân biết và chấp hành; tập trung cảnh báo các hành vi vi phạm phổ biến và chế tài xử lý theo quy định của pháp luật.
- Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông tiếp tục triển khai hiệu quả các nhóm nhiệm vụ bảo đảm TTATGT đối với lứa tuổi học sinh theo Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 21/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó tiếp tục bố trí lực lượng tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về TTATGT đối với lứa tuổi học sinh và gửi thông báo đồng thời đến Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường học, cơ sở giáo dục có học sinh vi phạm; định kỳ hàng tháng tập hợp kết quả báo cáo UBND tỉnh, Ban ATGT tỉnh (qua Văn phòng Ban ATGT tỉnh). Bên cạnh đó, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo và các Sở, ban, ngành có liên quan tổ chức triển khai nhiệm vụ hướng dẫn kỹ năng lái xe gắn máy an toàn cho học sinh tại các trường trung học phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp”.
- Đẩy mạnh cải cách hành chính, triển khai có hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến trong công tác bảo đảm TTATGT, trong đó tập trung làm tốt công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe cho người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng lái xe, xử lý tình huống cho học viên; công tác đăng ký xe toàn trình tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
- Khi xảy ra TNGT đặc biệt nghiêm trọng báo cáo nhanh với UBND tỉnh , Ban ATGT tỉnh (qua Văn phòng Ban ATGT tỉnh) về nguyên nhân ban đầu, tình hình cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả của vụ tai nạn. Điều tra, giải quyết kịp thời, chính xác, khách quan, toàn diện đối với các vụ TNGT; trong đó ưu tiên xử lý theo thủ tục rút gọn đối với các vụ TNGT có hậu quả từ nghiêm trọng trở lên có lỗi giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện gây TNGT để phối hợp với Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân tổ chức xét xử công khai, lưu động, góp phần tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông.
3. Sở Xây dựng
- Phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm theo thẩm quyền về xây dựng và quản lý xây dựng dọc hành lang các tuyến quốc lộ trọng điểm đi qua địa bàn các đô thị, các tuyến đường đô thị; đồng thời yêu cầu các đơn vị xây dựng công trình, doanh nghiệp vận tải tuyên truyền đến lái xe chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về TTATGT đặc biệt là việc chấp hành các quy định về tải trọng, kích thước thùng hàng; không để rơi vãi vật liệu trên đường và không tập kết vật liệu trên lòng, lề đường, vỉa hè, hành lang an toàn giao thông.
- Quá trình tổ chức thẩm định quy hoạch xây dựng (theo phân cấp) đối với các dự án có chức năng như: trung tâm thương mại, trường học, khu chung cư, khu công nghiệp... yêu cầu chủ đầu tư dự án phải bố trí quỹ đất dành cho bãi đậu xe; điểm dừng đỗ xe và ranh giới dự án nằm ngoài phạm vi hành lang giao thông đường bộ...nhằm bảo đảm an toàn giao thông.
- Chủ trì và phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục rà soát trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh về hệ thống cọc tiêu, biển báo, các vị trí biển báo bị che khuất tầm nhìn để chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ xử lý những tồn tại, hạn chế. Đánh giá công tác quản lý, duy tu, bảo dưỡng giao thông đường bộ thuộc quản lý của các địa phương; địa phương nào còn có những hạn chế, phải có giải pháp để giải quyết nhằm sửa chữa kịp thời, đặc biệt là trong mùa mưa lũ. Xây dựng, hoàn thiện định mức kinh tế kỹ thuật kinh phí bảo trì đường bộ cho phù hợp với thực tiễn, trong đó ưu tiên bố trí kinh phí xử lý các điểm hay xảy ra TNGT, điểm tiềm ẩn TNGT, các bất hợp lý trong tổ chức giao thông trên các tuyến đường bộ, các đoạn tuyến nguy hiểm, nguy cơ cao gây mất an toàn giao thông, nguy cơ sạt lở; đầu tư xây dựng các vị trí giao cắt giữa đường sắt và đường bộ; đầu tư, sửa chữa, nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đặc biệt ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.
- Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình giao thông, đảm bảo chất lượng; phối hợp tổ chức giao thông hợp lý trên các tuyến có mật độ giao thông cao để tránh ùn tắc giao thông.
- Phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh tăng cường công tác quản lý, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động vận tải hành khách (kiên quyết không để xảy ra tình trạng xe dù, bến cóc) và vi phạm của phương tiện chở người bốn bánh có gắn động cơ, chở hàng bốn bánh có gắn động cơ.
- Tiếp tục siết chặt hoạt động của các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới bảo đảm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, bảo đảm các phương tiện sau khi kiểm định đủ điều kiện tham gia giao thông.
- Chỉ đạo và phối hợp thực hiện hiệu quả công tác bảo đảm TTATGT đường thủy nội địa; nhất là các dịp cao điểm; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm đối với bến khách ngang sông, cảng, bến thủy nội địa, phương tiện, thuyền viên, người lái phương tiện chở khách trên đường thủy nội địa.
4. Sở Nông nghiệp và Môi trường
- Tổ chức thực hiện công tác rà soát, chỉnh lý biến động đất liên quan đến các tuyến giao thông sau khi hỗ trợ, đền bù giải phóng mặt bằng và sau giải tỏa vi phạm hành lang an toàn giao thông.
- Tiếp tục tham mưu chỉ đạo triển khai lắp đặt hệ thống camera giám sát và trạm cân tại các mỏ khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh đảm bảo đồng bộ, kết nối dữ liệu để theo dõi, giám sát chặt chẽ hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản, kịp thời phát hiện xử lý các vi phạm theo quy định, đặc biệt là phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông trong xử lý các vi phạm về tải trọng phương tiện.
- Chỉ đạo các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh cam kết chấp hành nghiêm túc việc đưa khoáng sản lên phương tiện vận tải tuân thủ đúng tải trọng cho phép; thực hiện nghiêm các quy định về vị trí đậu đỗ phương tiện, đảm bảo TTATGT, vệ sinh môi trường khi vận chuyển
5. Sở Giáo dục và Đào tạo
- Tiếp tục chỉ đạo và phối hợp với Tỉnh đoàn Thanh Hóa và các sở, ngành liên quan tăng cường các giải pháp bảo đảm TTATGT trong thanh, thiếu niên theo tinh thần Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 21/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới; tiếp tục phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và các đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc giáo dục thanh niên, học sinh tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về TTATGT; duy trì và nhân rộng các mô hình “Trường học an toàn giao thông”, “Cổng trường an toàn giao thông”. Phối hợp với các ngành chức năng tuyên truyền “Không giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông”.
- Tiếp tục triển khai tuyên truyền vận động giáo viên, học sinh thực hiện “Văn hóa giao thông”; nhân rộng các mô hình đảm bảo TTATGT trong nhà trường, lập các tổ đội thanh niên phối hợp đảm bảo TTATGT trong các dịp lễ hội, mùa thi tuyển sinh; duy trì hoạt động đảm bảo an toàn giao thông tại các cổng trường học; phối hợp phát động “Tháng cao điểm an toàn giao thông cho học sinh tới trường”.
- Phối hợp với Công an tỉnh, Văn phòng Ban ATGT tỉnh tổ chức tuyên truyền pháp luật về TTATGT trong trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn; chỉ đạo các cơ quan quản lý trường học, cơ sở giáo dục có hình thức xử lý nghiêm túc đối với các trường hợp học sinh vi phạm các quy định về TTATGT khi có thông báo của cơ quan công an; gắn tiêu chí tham gia giao thông an toàn với việc chấm điểm thi đua hàng năm của các cá nhân và nhà trường.
- Phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông tổ chức triển khai nhiệm vụ hướng dẫn kỹ năng lái xe gắn máy an toàn cho học sinh tại các trường trung học phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
- Thành lập các đoàn kiểm tra, đôn đốc, nắm bắt tình hình thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về TTATGT cho học sinh các trường học.
6. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch
- Chỉ đạo các đơn vị thông tin, truyền thông từ tỉnh đến cơ sở tuyên truyền những quy định mới của Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; thông tin kịp thời tình hình TTATGT trên địa bàn tỉnh; tiếp tục tuyên truyền việc chấp hành các quy định về TTATGT; việc kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng đối với các hành vi vi phạm nồng độ cồn, ma túy, chạy quá tốc độ quy định, đi không đúng phần đường, làn đường, tránh vượt không đúng quy định; các hành vi vi phạm về vận tải hành khách như: chở quá số người quy định, đón, trả khách không đúng nơi quy định..; vi phạm về vận tải hàng hóa như: chở hàng vượt quá tải trọng, quá kích thước thùng hàng, cải tạo...
- Định hướng, hướng dẫn các cơ quan báo chí trong tỉnh, hệ thống thông tin cơ sở trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT trên địa bàn toàn tỉnh (tập trung tuyên truyền bằng các nền tảng mạng xã hội, trên không gian mạng...) nhằm nâng cao ý thức, nhận thức và kỹ năng tham gia giao thông của người dân; biểu dương gương người tốt, việc tốt đi đôi với phê phán các hành vi cố ý vi phạm TTATGT, ứng xử thiếu văn hóa khi tham gia giao thông, đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ lực lượng chức năng thực thi công vụ bảo đảm TTATGT nhằm xây dựng môi trường giao thông an toàn, thân thiện từng bước hình thành văn hóa tham gia giao thông của người dân.
- Chỉ đạo xây dựng các tác phẩm văn hoá, nghệ thuật có tác dụng tuyên truyền, nhắc nhở người dân đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông.
- Chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp, tạo điều kiện cấp phép cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tổ chức sự kiện an toàn giao thông, treo băng zôn, khẩu hiệu tuyên truyền chấp hành pháp luật TTATGT theo kế hoạch của Ban ATGT các cấp.
7. Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, Báo Thanh Hóa
- Đẩy mạnh tuyên truyền chấp hành pháp luật về TTATGT và phản ánh kịp thời tình hình TTATGT trên hệ thống phát thanh, truyền hình; khuyến cáo người điều khiển phương tiện về những nguyên nhân, nguy cơ gây TNGT.
- Tiếp tục duy trì có hiệu quả các chuyên mục, bản tin về an toàn giao thông; tăng cường đưa tin tuyên truyền trên nền tảng mạng xã hội (zalo, facebook, youtube,…).
8. Sở Tài chính
- Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Công an tỉnh và các cơ quan có liên quan tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh cân đối ngân sách bố trí kinh phí thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm TTATGT theo phân cấp. Trong đó, ưu tiên bố trí kinh phí đầu tư, phát triển công trình giao thông và xử lý các điểm hay xảy ra TNGT, điểm tiềm ẩn TNGT, các bất hợp lý trong tổ chức giao thông; xây dựng, lắp đặt hệ thống giám sát bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông đường bộ .
- Tham mưu cho UBND tỉnh nguồn kinh phí dự phòng thực hiện các nhiệm vụ về tuyên truyền và các nhiệm vụ đột xuất cấp bách khác về TTATGT.
9. Sở Tư pháp
- Kiểm soát, tham gia ý kiến vào dự thảo văn bản quy phạm pháp luật về TTATGT do Ban ATGT tỉnh và các ngành chức năng khác tham mưu, soạn thảo, xây dựng.
- Hướng dẫn việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác bảo đảm TTATGT.
10. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh
- Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo đảm TTATGT; tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng phương tiện cá nhân trong đơn vị; nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ thực hiện kiểm tra tình trạng kỹ thuật của phương tiện cá nhân và chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm TTATGT. Nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch lái xe, kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe - máy quân sự.
- Chỉ đạo lực lượng kiểm soát quân sự, kiểm tra xe quân sự duy trì nghiêm việc kiểm tra, kiểm soát phương tiện quân sự hoạt động ngoài doanh trại, kịp thời phát hiện và kiên quyết đình chỉ lưu hành đối với phương tiện quân sự tham gia giao thông không đúng quy định; phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng xử lý nghiêm các trường vi phạm TTATGT thuộc thẩm quyền quản lý.
- Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về TTATGT để quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng, người lao động trong quân đội gương mẫu, tự giác chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về TTATGT.
- Chủ động phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng, sẵn sàng triển khai thực khai lực lượng, phương tiện thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn kịp thời, hiệu quả khi có yêu cầu, đảm bảo an toàn cho nhân dân và cán bộ, chiến sĩ tham gia.
11. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh và Tòa án nhân dân tỉnh
- Phối hợp hoặc chỉ đạo Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân cấp huyện phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra đẩy nhanh tiến độ khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án vi phạm quy định về TTATGT đường bộ.
- Lựa chọn đưa ra xét xử lưu động các vụ án điểm, dư luận xã hội quan tâm nhằm phổ biến, tuyên truyền pháp luật về TTATGT nâng cao hiệu quả răn đe, giáo dục, ngăn ngừa các hành vi vi phạm quy định về TTATGT.
12. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Hội nông dân tỉnh; Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh; Hội Cựu chiến binh tỉnh
- Tiếp tục chỉ đạo thực hiện phong trào “Toàn dân tham gia đảm bảo trật tự, an toàn giao thông”. Xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa bằng những hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với các nhóm đối tượng.
- Phối hợp tổ chức tuyên truyền vận động nhân dân đảm bảo lòng đường, vỉa hè, hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, xóa bỏ lối đi tự mở qua đường sắt.
13. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh
- Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn, vận động thanh thiếu nhi chấp hành pháp luật về TTATGT; đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Thanh niên với văn hóa giao thông”.
- Triển khai thực hiện chương trình phối hợp về đảm bảo an toàn giao thông, phát huy và nhân rộng mô hình thanh niên đảm bảo an toàn giao thông; thanh niên xung kích, thanh niên tình nguyện tham gia hướng dẫn đảm bảo an toàn giao thông, nhất là trong các dịp cao điểm lễ, tết, mùa thi, mùa du lịch.
14. Sở Y tế
- Chỉ đạo các cơ sở y tế nâng cao chất lượng kịp thời cứu chữa nạn nhân bị thương do TNGT; tổ chức kiểm tra công tác khám sức khỏe và cấp giấy khám sức khỏe cho người lái xe và người học lái xe; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm quy định; phối hợp với Sở Xây dựng, các doanh nghiệp vận tải tổ chức khám sức khỏe định kỳ, xét nghiệm ma túy đối với toàn bộ lái xe được khám sức khỏe; định kỳ tổng hợp báo cáo Bộ Y tế và Ban ATGT tỉnh.
- Chỉ đạo các cơ sở y tế thực hiện kiểm tra chất ma túy và nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện vào cấp cứu do TNGT, hàng tháng báo cáo số lượng và danh sách nạn nhân vào cấp cứu do TNGT và tình hình vi phạm quy định nồng độ cồn, ma túy của nạn nhân về Sở Y tế để tổng hợp báo cáo Ban ATGT tỉnh.
- Tổ chức tập huấn kiến thức về sơ cấp cứu ban đầu người bị TNGT cho các đơn vị chức năng, đội ngũ lái xe taxi, xe chở khách và tình nguyện viên.
15. UBND, Ban An toàn giao thông các huyện, thị xã, thành phố
Ban ATGT các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục hoạt động theo Quyết định số 3510/QĐ-UBND ngày 18/9/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc kiện toàn tổ chức và hoạt động Ban ATGT tỉnh; Ban ATGT các huyện, thị xã, thành phố, tập trung tham mưu, chỉ đạo, triển khai các nhiệm vụ trọng tâm sau:
- Tiếp tục nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước trong công tác đảm bảo TTATGT; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bảo đảm TTATGT của chính quyền cấp xã, phường, thị trấn; tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc công tác đảm bảo TTATGT trên địa bàn quản lý.
- Phát huy vai trò của các cơ quan, đoàn thể, các tổ chức trên địa bàn trong công tác phối hợp tuyên truyền trong nhân dân thực hiện các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông trong cộng đồng vì mục tiêu “Tính mạng con người là trên hết”. Các địa phương có hoạt động đường thuỷ tăng cường tuyên truyền, kiểm tra đảm bảo TTATGT đường thuỷ; quản lý hướng dẫn các hộ dân có phương tiện thuỷ gia dụng bảo đảm an toàn khi đi lại trên sông, hồ; dành thời lượng tuyên truyền đảm bảo TTATGT đường thủy trên hệ thống truyền thanh cơ sở; đặc biệt là trong mùa mưa bão.
- Chỉ đạo các lực lượng chức năng phối hợp chặt chẽ với lực lượng Cảnh sát giao thông và Công an cấp xã trong tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về TTATGT trên địa bàn.
- Tiếp tục rà soát, đẩy nhanh tiến độ xử lý các điểm hay xảy ra TNGT, điểm tiềm ẩn TNGT, các bất hợp lý trong tổ chức giao thông trên các tuyến đường bộ thuộc thẩm quyền quản lý hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử lý, khắc phục.
- Chủ động thực hiện các giải pháp chống ùn tắc giao thông; xây dựng phương án phân luồng, điều tiết giao thông; thực hiện quyết liệt việc quản lý lòng đường, vỉa hè, hành lang ATGT.
- Ban ATGT thành phố Thanh Hóa: Tiếp tục triển khai "Đề án xây dựng thành phố Thanh Hóa trở thành thành phố thông minh" với Đề án chống ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Thanh Hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; tiếp tục quy hoạch kết nối giao thông vận tải hợp lý trong đô thị với các khu vực lân cận; phối hợp với các sở, ngành khai thác hiệu quả hệ thống camera đã lắp đặt trên các tuyến giao thông đô thị để hỗ trợ công tác quản lý điều hành giao thông và xử phạt nguội các vi phạm TTATGT.
16. Hiệp hội vận tải ô tô Thanh Hóa
- Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp vận tải, đội ngũ lái xe thực hiện tốt các quy định của pháp luật về bảo đảm TTATGT; tuyển dụng đội ngũ lái xe đảm bảo yêu cầu, luôn nêu cao tinh thần phục vụ và đạo đức nghề nghiệp.
- Tiếp tục vận động các doanh nghiệp nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách, hàng hóa đáp ứng nhu cầu đi lại và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
- Tăng cường các giải pháp quản lý an toàn giao thông, quản lý lái xe tại các đơn vị kinh doanh vận tải; trong đó, chú trọng việc chia sẻ thông tin trong quản lý khám sức khỏe lái xe, xử lý lái xe sử dụng ma túy và các chất cấm khác; nêu cao trách nhiệm của doanh nghiệp vận tải trong thực hiện các quy định về bảo đảm TTATGT.
17. Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh
- Tham mưu xây dựng các kế hoạch, văn bản chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ đảm bảo TTATGT năm 2025. Tổng hợp tình hình, số liệu, báo cáo định kỳ, báo cáo đột xuất về TTATGT theo quy định.
- Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo về công tác tuyên truyền, tài liệu tuyên truyền do Ủy ban ATGT Quốc gia cung cấp và tình hình thực tế của tỉnh; tham mưu cho Ban ATGT tỉnh in ấn, cấp phát tài liệu tuyên truyền đến các ngành thành viên, các địa phương và các đơn vị liên quan.
- Tham mưu cho Lãnh đạo Ban ATGT tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các hội nghị, công tác tổ chức tập huấn cho cán bộ của các ngành, các cấp, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội về công tác bảo đảm TTATGT.
- Đảm bảo ứng trực 24/24h hàng ngày; các dịp cao điểm lễ, tết, ngày nghỉ cuối tuần để tiếp nhận thông tin và tham mưu phối hợp xử lý kịp thời các tình huống trong lĩnh vực đảm bảo TTATGT.
- Tham mưu sử dụng kinh phí phục vụ hoạt động thường xuyên của Ban ATGT tỉnh; đề xuất bổ sung kinh phí khi có nhiệm vụ phát sinh.
Trên đây là Kế hoạch bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2025; UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan chủ động tổ chức triển khai, thực hiện nghiêm túc và báo cáo kết quả thực hiện định kỳ hàng tháng, quý, năm về Văn phòng Ban ATGT (hoặc báo cáo đột xuất theo yêu cầu) để tổng hợp báo cáo Ủy ban ATGT Quốc gia và Chủ tịch UBND tỉnh ./.
|
KT. CHỦ TỊCH |
[1] cụ thể như: Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới” và Chương trình hành động ban hành kèm theo Nghị quyết số 149/NQ-CP ngày 21/9/2023 của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 23 - CT/TW của Ban Bí thư; Nghị quyết số 48/NQ-CP của Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022 -2025; Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới”; Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 21/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới”; Chỉ thị số 35/CT-TTg ngày 17/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ về “Xử lý cán bộ, công chức, viên chức và chiến sỹ trong lực lượng vũ trang vi phạm quy định điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; không hợp tác với lực lượng chức năng trong xử lý vi phạm”; Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ trong tình hình mới”; Quyết định số 2060/QĐ-TTg ngày 12/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo đảm TTATGT đường bộ, giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 ; Nghị quyết số 1313/NQ- UBTVQH15 đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua tại phiên họp thứ 37 ngày 25/9/2024 về giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm TTATGT từ năm 2009 đến hết năm 2023...
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.