ỦY BAN NHÂN DÂN
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 603/KH-UBND |
Kon Tum, ngày 04 tháng 3 năm 2022 |
TRIỂN KHAI CHIẾN LƯỢC NGOẠI GIAO VĂN HÓA ĐẾN NĂM 2030
Triển khai Quyết định số 2013/QĐ-TTg ngày 30 tháng 11 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Chiến lược), Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện như sau:
1. Mục đích
- Triển khai có hiệu quả đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước nói chung, Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030 nói riêng phù hợp với đặc điểm, tình hình và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Kon Tum.
- Tôn vinh, nâng tầm văn hóa Việt Nam, thúc đẩy các hoạt động ngoại giao văn hóa của tỉnh nhằm thu hút các nguồn lực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
- Nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác ngoại giao văn hóa; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cấp, các ngành; chủ động, tích cực triển khai toàn diện, hiệu quả, có chiều sâu Chiến lược.
2. Yêu cầu
- Bám sát chủ trương, đường lối đối ngoại và chính sách phát triển văn hóa của đất nước đã được các kỳ Đại hội toàn quốc của Đảng, nhất là Đại hội XIII của Đảng đề ra(1) khi thực hiện Chiến lược.
- Gắn kết triển khai Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030 với việc triển khai các chiến lược trong lĩnh vực đối ngoại, văn hóa, an ninh, quốc phòng, thông tin đối ngoại, khoa học, giáo dục..., kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo từng giai đoạn và từng năm của tỉnh.
- Phát huy tính chủ động, tích cực và sáng tạo của tất cả các tổ chức, cá nhân; khai thác hiệu quả tiềm năng của toàn xã hội và của các tầng lớp nhân dân, bao gồm đồng bào Việt Nam ở nước ngoài trong xây dựng cơ chế, chính sách của ngoại giao văn hóa; đồng thời tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ làm phong phú nội dung, hình thức của các hoạt động ngoại giao văn hóa.
1. Mục tiêu tổng quát: Sử dụng công cụ văn hóa trong ngoại giao nhằm đưa quan hệ hợp tác giữa tỉnh Kon Tum với các đối tác ngày càng hiệu quả, đi vào chiều sâu, quảng bá giá trị, vẻ đẹp văn hóa của địa phương ra bạn bè quốc tế, tiếp thu tinh hoa nhân loại, huy động các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
2. Mục tiêu cụ thể
- Thúc đẩy và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ giữa tỉnh Kon Tum với các địa phương, đối tác của các nước; chủ động tổ chức các hoạt động văn hóa tại các địa phương có quan hệ hợp tác, trước mắt là các tỉnh của Lào, Campuchia, Thái Lan, Hàn Quốc; phấn đấu hàng năm tham gia các hoạt động văn hóa do các Bộ, ngành Trung ương tổ chức trong khuôn khổ Tuần/Ngày Việt Nam, Tuần/Ngày Văn hóa Việt Nam tại các nước.
- Triển khai hiệu quả hội nhập quốc tế về văn hóa theo định hướng đã đề ra. Quảng bá các giá trị văn hóa, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nói chung, của tỉnh Kon Tum nói riêng, thúc đẩy xây dựng thương hiệu địa phương, quan tâm phát triển ngành công nghiệp văn hóa, mở rộng thị trường cho hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ của tỉnh.
- Vận động công nhận các di sản mới (nếu có), bảo vệ và phát huy di sản văn hóa thế giới Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên; chủ động đăng cai các sự kiện quốc tế và khu vực về văn hóa, khoa học, giáo dục, thể thao, du lịch… (nếu có).
- Tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại để làm giàu bản sắc văn hóa dân tộc, phù hợp với thực tiễn của đất nước, của tỉnh Kon Tum, góp phần đóng góp vào xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; đồng thời bảo vệ các giá trị nền tảng tư tưởng của Đảng, thành quả của đất nước.
- Nâng cao chất lượng tham mưu, đánh giá và đề xuất các biện pháp triển khai có trọng tâm, trọng điểm các hoạt động ngoại giao văn hóa trong và ngoài nước với nội dung phong phú, hình thức đa dạng, sáng tạo, hiệu quả, phù hợp.
- Triển khai hiệu quả các thỏa thuận quốc tế đã ký kết; tiếp tục kết nối và ký kết các văn bản, thỏa thuận hợp tác trên các lĩnh vực văn hóa, khoa học, giáo dục... nhằm thu hút nguồn lực ở trong và ngoài nước, tạo động lực mới cho sự phát triển của tỉnh.
- Phối hợp hoàn thiện cơ chế phối hợp về ngoại giao văn hóa một cách hệ thống, đồng bộ, liên thông trên cơ sở phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cũng như thực tiễn phát triển của đất nước, địa phương và các cam kết quốc tế.
- Chủ trì tổ chức các hoạt động ngoại giao văn hóa trong khuôn khổ chức năng, nhiệm vụ của tỉnh; huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp, tổ chức đoàn thể và quần chúng Nhân dân trên địa bàn triển khai công tác ngoại giao văn hóa.
- Tăng cường phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng giữa ngoại giao văn hóa và thông tin đối ngoại, phát huy vai trò của các cơ quan báo chí, truyền thanh, truyền hình, cổng (trang) thông tin điện tử trong thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền đối ngoại.
- Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền thực chất, hiệu quả, trọng tâm. Kết hợp nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng, sáng tạo; tận dụng những lợi thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư về tốc độ, hàm lượng thông tin, khả năng tiếp cận công chúng; thúc đẩy kết hợp với ngoại giao số, ngoại giao công chúng.
- Phối hợp chặt chẽ giữa đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân, gắn kết chặt chẽ giữa ngoại giao văn hóa với ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế trong triển khai các hoạt động nhằm tạo sức mạnh tổng hợp phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
- Gắn kết chặt chẽ triển khai kế hoạch này với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo từng giai đoạn của tỉnh Kon Tum nhằm giới thiệu, quảng bá giá trị văn hóa, tiềm năng và thế mạnh về hợp tác, đầu tư, du lịch, đồng thời mở rộng giao lưu, hợp tác với các địa phương, đối tác trên thế giới.
- Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, giới thiệu sản phẩm văn hóa từ trong nước và tích cực hỗ trợ đồng bào Việt Nam ở các tỉnh Nam Lào và Đông Bắc Campuchia giữ gìn, phát huy bản sắc, truyền thống văn hóa Việt Nam ở nước sở tại; xem xét tổ chức các chương trình, hoạt động về nguồn cho đồng bào Việt Nam ở các tỉnh bạn thông qua các hoạt động tham quan, tìm hiểu địa điểm văn hóa, lịch sử…trên địa bàn tỉnh.
- Hỗ trợ doanh nghiệp giới thiệu năng lực, thế mạnh, giá trị văn hóa và định hình bản sắc văn hóa doanh nghiệp, từ đó tạo dựng niềm tin với các đối tác quốc tế; gắn kết các thương hiệu sản phẩm có chất lượng của tỉnh với các yếu tố văn hóa đặc sắc của đất nước, địa phương.
- Đẩy mạnh hoạt động ngoại giao văn hóa, giao lưu nhân dân với các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Campuchia, tỉnh Ubon Ratchathani - Thái Lan, quận Jinan, thành phố Iksan, tỉnh Jeonlabuk - Hàn Quốc ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, thiết thực, góp phần triển khai hiệu quả các nội dung hợp tác đã thỏa thuận.
- Tổ chức các hoạt động ngoại giao văn hóa nhân các chuyến thăm của đoàn cấp cao của tỉnh đi công tác nước ngoài và đón tiếp các đoàn cấp cao của bạn đến thăm và làm việc tại tỉnh Kon Tum. Đưa ngoại giao văn hóa trở thành một nội dung quan trọng trong gặp gỡ, hội đàm với các đối tác nước ngoài, cũng như trong các đề án, chương trình, kế hoạch hoạt động đối ngoại, xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch lớn của tỉnh.
- Chủ động tham gia các chương trình Tuần/Ngày Việt Nam ở nước ngoài, các hoạt động văn hóa nhân các sự kiện quan trọng nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, quảng bá du lịch quốc tế, trao đổi thương mại, tạo điều kiện mở rộng quan hệ hợp tác với đối tác các nước trên các lĩnh vực khác.
- Triển khai hiệu quả hội nhập quốc tế về văn hóa theo định hướng đã được đề ra tại Đề án định hướng hội nhập quốc tế của tỉnh Kon Tum đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành tại Quyết định số 526/QĐ-UBND ngày 13 tháng 6 năm 2017.
- Chủ động tham gia chương trình lớn về ngoại giao văn hóa do Trung ương tổ chức; đăng cai tổ chức các sự kiện văn hóa có yếu tố nước ngoài tại tỉnh, qua đó góp phần xây dựng thương hiệu ngành nghề, địa phương.
- Tiếp tục tăng cường giới thiệu con người Việt Nam thông qua hình ảnh các anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, cá nhân tiêu biểu như: danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi, đại thi hào Nguyễn Du, nhà giáo Chu Văn An... và đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó tăng cường việc tuyên truyền, giới thiệu, tôn vinh về tư tưởng cao đẹp của Người.
- Tăng cường phổ biến kiến thức cơ bản về văn hóa, ngoại giao văn hóa cho cán bộ, công chức, viên chức, công dân của tỉnh đi lao động, học tập, công tác trung và dài hạn ở nước ngoài... góp phần xây dựng hình ảnh người Việt Nam có văn hóa, tôn trọng pháp luật và có hiểu biết về văn hóa bản địa.
- Tiếp tục triển khai dạy tiếng Việt cho đồng bào Việt Nam ở các tỉnh giáp biên của Lào và Campuchia; thu hút học sinh, sinh viên các nước, nhất là sinh viên Lào và Campuchia đến học tập tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.
- Đầu tư nghiên cứu phát triển các sản phẩm văn hóa địa phương đặc sắc; thúc đẩy giới thiệu ngôn ngữ, phong tục tập quán, lễ hội, trang phục các dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh, các danh lam, thắng cảnh, các làng nghề truyền thống đến với bạn bè quốc tế.
- Lồng ghép hiệu quả, thực chất việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa thế giới Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây nguyên vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, du lịch, hợp tác, đầu tư của tỉnh, qua đó thúc đẩy việc giới thiệu và quảng bá các danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử, danh nhân văn hóa của đất nước; biến các danh hiệu này trở thành nguồn lực phát triển dựa trên việc bảo vệ các giá trị truyền thống và thiên nhiên trên địa bàn tỉnh.
- Nghiên cứu xây dựng, vận động công nhận loại hình danh hiệu phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh như: khu dự trữ sinh quyển thế giới, mạng lưới công viên địa chất toàn cầu, hành lang đa dạng sinh học.
- Tiếp thu có chọn lọc và sáng tạo tinh hoa văn hóa, tri thức, kinh nghiệm hay, khoa học tiên tiến thế giới vào Việt Nam phục vụ công cuộc xây dựng, phát triển tỉnh Kon Tum giàu đẹp, văn minh.
- Phản bác kịp thời, hiệu quả các luận điệu sai trái, xuyên tạc, tuyên truyền không đúng sự thật về các lãnh tụ, danh nhân, lịch sử, văn hóa, đường lối chính sách, đất nước, con người Việt Nam. Đẩy lùi hạn chế, ảnh hưởng của những sản phẩm văn hóa không lành mạnh từ bên ngoài xâm nhập vào tỉnh.
- Chú trọng đào tạo, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức có khả năng nghiên cứu, xây dựng chính sách về ngoại giao văn hóa, được đào tạo bài bản, có hiểu biết về tình hình thế giới, văn hóa các nước và văn hóa Việt Nam cũng như có kinh nghiệm thực tế về tổ chức sự kiện.
- Chủ động phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương tổ chức và phân công cán bộ, công chức, viên chức tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng về công tác đối ngoại, công tác Ngoại giao văn hóa.
- Bố trí nguồn ngân sách phù hợp, đồng thời thu hút nguồn lực xã hội hóa và các nguồn tài chính hợp pháp khác trong triển khai công tác Ngoại giao văn hóa. Khen thưởng, động viên kịp thời đối với các cá nhân, tập thể tiêu biểu, xuất sắc có đóng góp tích cực cho công tác ngoại giao văn hóa.
IV. KINH PHÍ, TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Kinh phí thực hiện Kế hoạch
- Được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước trong dự toán chi thường xuyên của các cơ quan, đơn vị, địa phương theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành. Đối với kinh phí thực hiện các đề án, chương trình, trên cơ sở phân cấp ngân sách, các đơn vị, địa phương căn cứ nội dung các đề án, chương trình đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, xây dựng dự toán thực hiện, tổng hợp chung trong dự toán kinh phí thường xuyên gửi cơ quan tài chính cùng cấp để trình cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn.
- Huy động nguồn xã hội hóa và các nguồn kinh phí hợp pháp khác để triển khai Chiến lược theo quy định.
- Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: có trách nhiệm bảo đảm kinh phí thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của kế hoạch bao gồm ngân sách nhà nước được bố trí theo quy định về phân cấp ngân sách hiện hành và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.
2. Tổ chức thực hiện
2.1. Các Sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
a) Sở, ban, ngành thuộc tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố theo chức năng nhiệm vụ chủ động đề xuất, tổ chức các hoạt động ngoại giao văn hóa cụ thể, báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch này gửi Sở Ngoại vụ tổng hợp trong báo cáo công tác đối ngoại hằng năm; huy động các nguồn lực hợp pháp trong xã hội để đẩy mạnh hoạt động ngoại giao văn hóa; bố trí nhân lực, phân công cán bộ tham gia tập huấn, bồi dưỡng để thực hiện Chiến lược.
b) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Sở Ngoại vụ và các sở, ngành, địa phương có liên quan tổ chức và triển khai các hoạt động ngoại giao văn hóa theo chương trình, kế hoạch hằng năm của tỉnh; tìm hiểu, nghiên cứu và đề xuất tổ chức các hoạt động văn hóa của tỉnh ra nước ngoài và tổ chức các hoạt động văn hóa có yếu tố nước ngoài trên địa bàn tỉnh; gắn kết hiệu quả việc thực hiện Kế hoạch triển khai Chiến lược này và Kế hoạch số 157/KH-UBND ngày 17 tháng 01 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc triển khai Chiến lược phát triển văn hóa và Chiến lược văn hóa đối ngoại đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
c) Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Sở Ngoại vụ, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tổng hợp, lồng ghép các hoạt động ngoại giao văn hóa trong quá trình tham mưu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh.
d) Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp Sở Ngoại vụ tiếp tục tham mưu việc triển khai việc dạy và phổ biến tiếng Việt tại các tỉnh của Lào và Campuchia.
đ) Sở Tài chính phối hợp Sở Ngoại vụ và các đơn vị liên quan tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí kinh phí sự nghiệp triển khai thực hiện Kế hoạch theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và phù hợp với khả năng cân đối ngân sách địa phương hàng năm theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.
e) Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp Sở Ngoại vụ và các sở, ngành, địa phương liên quan phối hợp các hoạt động thông tin đối ngoại với ngoại giao văn hóa; tham mưu triển khai Chiến lược truyền thông quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài trên địa bàn tỉnh.
g) Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp các Sở, ngành, địa phương liên quan tham mưu các giải pháp nhằm ứng dụng khoa học công nghệ trong các hoạt động ngoại giao văn hóa của tỉnh, kết nối và thúc đẩy sự tham gia của tri thức là người Việt Nam ở nước ngoài vào các hoạt động đóng góp vào sự phát triển khoa học và công nghệ, kinh tế - văn hóa - xã hội trên địa bàn tỉnh.
h) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cơ bản về văn hóa, ứng xử văn hóa cho công dân của tỉnh khi đi lao động ở nước ngoài.
i) Trường Cao đẳng cộng đồng Kon Tum chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành của tỉnh có kế hoạch tuyển sinh, thu hút sinh viên các nước, nhất là sinh viên của Lào và Campuchia sang học tập theo quy định.
k) Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tăng cường đổi mới các hình thức thông tin tuyên truyền đa dạng, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền về hoạt động ngoại giao văn hóa của tỉnh, của các cơ quan, địa phương, cá nhân, doanh nghiệp tổ chức.
l) Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chủ trì, phối hợp Sở Ngoại vụ và các sở, ban, ngành liên quan đề xuất, triển khai các hoạt động ngoại giao văn hóa trên địa bàn theo thẩm quyền phù hợp với Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; có trách nhiệm bảo đảm kinh phí thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của kế hoạch bao gồm ngân sách nhà nước được bố trí theo quy định về phân cấp ngân sách hiện hành và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.
2.2. Đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt nam tỉnh, các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh, các tổ chức nhân dân trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình tham gia tổ chức triển khai Chiến lược.
2.3. Sở Ngoại vụ
a) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành thuộc tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức triển khai Kế hoạch này; đồng thời theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc triển khai kế hoạch trên đảm bảo theo các quy định hiện hành.
b) Tổng hợp, lồng ghép các hoạt động ngoại giao văn hóa cụ thể vào kế hoạch công tác đối ngoại hằng năm của tỉnh.
c) Làm đầu mối của tỉnh trong phối hợp với các đơn vị của Bộ Ngoại giao trong triển khai Chiến lược tại địa phương. Định kỳ hoặc đột xuất tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và các Bộ, ngành Trung ương theo quy định.
Các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan theo chức năng nhiệm vụ của ngành, nhiệm vụ được giao: tổ chức triển khai Kế hoạch trên đảm bảo theo đúng các quy định hiện hành; trong quá trình triển khai thực hiện, trường hợp có khó khăn vướng mắc, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh biết, chỉ đạo (qua Sở Ngoại vụ tổng hợp tham mưu)./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN |
(1) Cụ thể là: “phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước” và “phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.