ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 588/KH-UBND |
Bắc Kạn, ngày 16 tháng 9 năm 2022 |
KẾ HOẠCH
XÂY DỰNG LÀNG NGHỀ RƯỢU BẰNG PHÚC, HUYỆN CHỢ ĐỒN VÀ LÀNG NGHỀ SẢN XUẤT MIẾN DONG CÔN MINH, HUYỆN NA RÌ NĂM 2022 - 2023
Căn cứ Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn;
Căn cứ Quyết định số 801/QĐ-TTg ngày 07/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021-2030;
Căn cứ Quyết định số 850/QĐ-UBND ngày 13/5/2020 của UBND tỉnh Bắc Kạn về ban hành Kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn giai đoạn 2020 - 2025 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
Căn cứ đặc điểm tình hình thực tế tại địa phương, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch xây dựng làng nghề Rượu Bằng Phúc, huyện Chợ đồn và làng nghề sản xuất Miến dong Côn Minh, huyện Na Rì như sau:
I. THỰC TRẠNG NGHỀ TẠI XÃ BẰNG PHÚC VÀ CÔN MINH
1. Tại xã Bằng Phúc
- Nghề nấu rượu được phổ biến tại 9/9 thôn với 300/626 hộ trực tiếp nấu rượu theo phương pháp truyền thống, thủ công, nhỏ lẻ từ nhiều năm nay, tập trung nhiều nhất ở các thôn: Nà Bay, Nà Pài, Bản Khiếu, Nà Hồng, Bản Chang, Nà Quân.
- Sản lượng rượu sản xuất đạt 209.130 lít/tháng tương đương hơn 6.000 lít/ngày; số lượng lao động tham gia vào hoạt động nấu rượu là 791 người.
- Nghề phụ: 100% các hộ nấu rượu tận dụng bã rượu để chăn nuôi lợn, trung bình mỗi năm nuôi 3 lứa, với tổng số lượng khoảng 4.911 con/lứa. Đây cũng là nguồn thu nhập chính của các hộ gia đình.
- Trong số hộ nấu rượu có 92/300 hộ có đăng ký kinh doanh, chiếm 30,67%; có 129/300 hộ có Giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm (hoặc bản cam kết sản xuất đảm bảo ATVSTP) chiếm 43,0%.
- Doanh thu từ hoạt động nấu rượu và chăn nuôi lợn của các hộ ước đạt 65.131,28 triệu đồng/năm, thu nhập bình quân của người trực tiếp sản xuất rượu từ 4 - 5 triệu đồng/tháng tuỳ thuộc vào quy mô sản xuất.
- Tại thôn Nà Pài có 02 Hợp tác xã sản xuất kinh doanh rượu đã có sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh là HTX rượu men lá Thanh Tâm và HTX rượu men lá Bằng Phúc.
- Về công tác bảo vệ môi trường: Nghề nấu rượu và đặc biệt là việc phát triển chăn nuôi lợn đã thải ra môi trường một lượng chất thải không nhỏ từ quá trình nấu rượu (nước thải sau khi ngâm gạo, nước thải trong quá trình chưng cất; khí thải, bụi, nhiệt độ, than tro do sử dụng củi đốt để nấu và chưng cất; một phần bã rượu không sử dụng hết) và hoạt động chăn nuôi (phân lợn, thức ăn thừa và nước rửa chuồng). Hiện nay việc thu gom nước thải từ hoạt động nấu rượu được thu gom bằng hệ thống mương rãnh và tự ngấm, tự tiêu; chất thải và nước thải từ hoạt động nuôi lợn chưa được thu gom xử lý triệt để, chỉ có 81/300 hộ có hệ thống Bioga chiếm 27,0%, còn lại các hộ thu gom bằng hố phân để tự tiêu, tự ngấm hoặc phục vụ hoạt động trồng trọt; cơ sở hạ tầng của xã còn kém về nhiều mặt.
- Kết quả rà soát đối chiếu với quy định về công nhận làng nghề, làng nghề nấu rượu xã Bằng Phúc cơ bản đã đạt 02/03 tiêu chí đó là: Tiêu chí có tối thiểu 20% tổng số hộ trên địa bàn tham gia các hoạt động ngành nghề nông thôn (toàn xã có 300/626 hộ trực tiếp nấu rượu, đạt 47,92%); tiêu chí có ít nhất 02 năm hoạt động liên tục (hoạt động nấu rượu tại xã Bằng Phúc có từ lâu đời và được duy trì liên tục cho đến nay).
Chưa đạt 01/03 tiêu chí là: Chưa đáp ứng các điều kiện bảo vệ môi trường làng nghề theo quy định của pháp luật, cụ thể:
+ Chưa có hạ tầng bảo vệ môi trường của làng nghề bao gồm: Hệ thống thu gom nước thải, nước mưa bảo đảm nhu cầu tiêu thoát nước của làng nghề; hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung bảo đảm nước thải sau xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; điểm tập kết chất thải rắn đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường; khu xử lý chất thải rắn bảo đảm quy định về quản lý chất thải rắn.
+ Chưa có Phương án bảo vệ môi trường làng nghề bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
+ Chưa thành lập tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường làng nghề hoạt động theo quy chế do Ủy ban nhân dân xã ban hành.
2. Tại xã Côn Minh
- Nghề sản xuất miến dong trên địa bàn xã có 65/682 hộ làm miến dong, đạt
9,5% tổng số hộ. Hoạt động sản xuất kinh doanh của 65 hộ ổn định 05 năm liên tục. Hiện nay trên địa bàn xã chưa có phương án bảo vệ môi trường, đăng ký môi trường đối với sản phẩm miến dong.
Vì vậy, xét theo tiêu chí công nhận Làng nghề miến dong Côn Minh đạt 1/3 tiêu chí, do đó không đủ điều kiện công nhận làng nghề.
- Kết quả rà soát Làng nghề miến dong tại cụm thôn, gồm (04 thôn): Thôn Bản Cào, Bản Cuôn, Nà Làng và Chợ B:
+ Có 48/221 hộ làm miến dong (chiếm 21%), trong đó: Thôn Bản Cào có 24/56 hộ, thôn Bản Cuôn có 6/47 hộ, thôn Nà Làng 9/35 hộ, Chợ B có 9/83 hộ; hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định 05 năm liên tục; các hộ đã ký cam kết bảo vệ môi trường, tuy nhiên vẫn chưa đảm bảo theo yêu cầu quy định.
Vì vậy, xét theo tiêu chí công nhận làng nghề, cụm 04 thôn này đạt 2/3 tiêu chí, do đó chưa đủ điều kiện công nhận làng nghề. UBND huyện Na Rì đề xuất thực hiện xây dựng Làng nghề tại cụm 04 thôn, gồm: Thôn Bản Cào, Bản Cuôn, Nà Làng, Chợ B, xã Côn Minh.
3. Đánh giá chung
Ngành nghề Rượu Bằng Phúc và sản xuất Miến dong Côn Minh hiện nay đang có xu hướng phát triển tốt. Công tác xúc tiến thương mại nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm đã được địa phương, các hộ, cơ sở sản xuất, HTX quan tâm thực hiện. Nhiều cơ sở, HTX, hộ gia đình làm nghề đã tích cực tham gia Chương trình OCOP, sử dụng nguồn lao động, nguyên liệu tại chỗ của địa phương góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn, tăng thu nhập, cải thiện và nâng cao đời sống của người dân góp phần quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế như: Công tác tuyên truyền, phổ biến phát triển nghề gắn với bảo vệ môi trường sinh thái chưa được thực hiện thường xuyên, sản xuất sản phẩm còn mang tính nhỏ lẻ, thủ công, sản phẩm chưa có thương hiệu chung để quảng bá thương hiệu sản phẩm của làng; kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, kinh doanh và bảo vệ môi trường tại địa phương chưa được quan tâm đầu tư đúng mức để thúc đẩy phát triển thành làng nghề; môi trường còn bị ô nhiễm, chưa có giải pháp khắc phục, xử lý triệt để.
II. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
Xây dựng làng nghề với quy mô, trình độ công nghệ ngày càng tiên tiến; gắn với sản phẩm là thế mạnh của địa phương, có giá trị kinh tế cao, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; khuyến khích, hỗ trợ các chủ thể sản xuất tích cực tham gia Chương trình OCOP. Tạo mô hình làng nghề để tham quan học tập và mở rộng trên địa bàn tỉnh.
2. Yêu cầu
- Xây dựng làng nghề Rượu Bằng Phúc tiến tới gắn với phát triển du lịch cộng đồng và tạo thành chuỗi phát triển du lịch của tỉnh. Tên của làng nghề gắn với tên của nghề và địa danh của xã.
- Xây dựng làng nghề sản xuất Miến dong tại cụm thôn (Bản Cào, Bản Cuôn, Nà Làng, Chợ B) tiến tới phát triển trên toàn xã Côn Minh. Tên của làng nghề gắn với tên của nghề và địa danh của một thôn, hoặc xã.
III. NỘI DUNG THỰC HIỆN
1. Đối với tiêu chí chưa đạt
- Xây dựng kế hoạch chi tiết, lộ trình thực hiện các nội dung tiêu chí theo yêu cầu về xây dựng phát triển làng nghề.
- Xây dựng hệ thống thu gom nước thải, thoát nước và xử lý nước thải tập trung bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường của làng nghề.
- Xây dựng điểm tập kết, khu xử lý chất thải rắn đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường làng nghề.
- Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân xây dựng phương án, cam kết bảo vệ môi trường làng nghề theo quy định.
- Thành lập tổ chức tự quản, phân công trách nhiệm cho các tổ chức, cá nhân thực hiện bảo vệ môi trường làng nghề theo quy định. Khuyến khích việc xây dựng hương ước, quy ước về bảo vệ môi trường làng nghề.
2. Đối với tiêu chí đã đạt
Bao gồm: Tiêu chí có tối thiểu 20% tổng số hộ trên địa bàn tham gia các hoạt động ngành nghề nông thôn; tiêu chí có ít nhất 02 năm hoạt động sản xuất kinh doanh liên tục cần rà soát, đánh giá lại, đồng thời xây dựng, nâng cao chất lượng các tiêu chí này.
3. Các nội dung thực hiện khác
- Xây dựng cơ sở hạ tầng cải thiện điều kiện sản xuất và bảo vệ môi trường làng nghề, xây dựng biển chỉ dẫn, quảng cáo, quảng bá, cổng chào…
- Cải tạo, nâng cấp và hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tôn tạo cảnh quan không gian làng nghề phục vụ sản xuất gắn với phát triển du lịch.
- Xây dựng khu trình diễn, không gian trưng bày, giới thiệu quảng bá sản phẩm của làng nghề. Hỗ trợ đào tạo, nâng cao năng lực, đào tạo thiết kế mẫu mã sản phẩm, vệ sinh an toàn lao động, kỹ năng quản lý, kiến thức kinh doanh.
- Chuyển giao khoa học công nghệ, kết hợp công nghệ mới với kỹ thuật, công nghệ truyền thống để nâng cao hiệu quả sản xuất sản phẩm. Thiết kế, cải tiến mẫu mã sản phẩm, phát triển sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu thị trường.
- Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển thương hiệu cho các sản phẩm theo các chương trình, kế hoạch xúc tiến thương mại, Chương trình OCOP; hỗ trợ xây dựng trang thông tin điện tử giới thiệu, quảng bá sản phẩm, bán hàng trực tuyến. Xây dựng các điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại trung tâm thương mại, điểm du lịch để quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm.
- Hỗ trợ các cơ sở sản xuất, hợp tác xã, xây dựng thương hiệu, hệ thống truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý, bộ nhận diện thương hiệu cho các sản phẩm; hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể sản xuất tại các làng nghề lập hồ sơ tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP.
- Xây dựng các tuyến, điểm và tổ chức hoạt động du lịch, thăm quan, trải nghiệm làng nghề.
- Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức, cá nhân và xã hội về vai trò và tầm quan trọng của việc phát triển làng nghề trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
4. Lập hồ sơ công nhận làng nghề
Thực hiện theo quy định tại Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn và các văn bản có liên quan hướng dẫn trình tự công nhận làng nghề.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Thực hiện tốt vai trò là đầu mối trong công tác quản lý nhà nước đối với làng nghề; chủ trì, phối hợp với UBND huyện Chợ Đồn, Na Rì tổ chức đánh giá, khảo sát thực trạng, xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện các nội dung, tiêu chí theo quy định để đảm bảo đủ điều kiện công nhận làng nghề; hướng dẫn thủ tục lập hồ sơ công nhận làng nghề theo quy định.
- Chủ trì phối hợp với các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân huyện và đơn vị có liên quan kiểm tra, hướng dẫn thực hiện kế hoạch xây dựng làng nghề; thường xuyên cập nhật, báo cáo tiến độ xây dựng làng nghề.
- Bố trí các nguồn lực, dự án hỗ trợ các nội dung xây dựng làng nghề thuộc phạm vi ngành quản lý.
- Tham mưu UBND tỉnh thành lập Hội đồng xét công nhận làng nghề; tiếp nhận hồ sơ, chủ trì thẩm định, trình UBND tỉnh công nhận làng nghề.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường
- Hướng dẫn chi tiết về quản lý và bảo vệ môi trường làng nghề đối với tổ chức, cá nhân, hộ gia đình khi tham gia hoạt động làng nghề; tổ chức kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện tiêu chí bảo vệ môi trường làng nghề.
- Bố trí các nguồn lực, dự án hỗ trợ các nội dung xây dựng làng nghề thuộc phạm vi ngành quản lý.
- Chủ trì thẩm định tiêu chí bảo vệ môi trường làng nghề.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện tham mưu UBND tỉnh cân đối, bố trí vốn để thực hiện nội dung xây dựng làng nghề nêu trên; hướng dẫn quản lý, sử dụng nguồn kinh phí đầu tư xây dựng làng nghề.
- Thẩm định tiêu chí hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định tối thiểu 02 năm liên tục tính đến thời điểm đề nghị công nhận.
4. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan và UBND huyện tổ chức tuyên truyền, quảng bá thương hiệu, hình ảnh về làng nghề; xây dựng mô hình du lịch gắn với làng nghề.
- Bố trí các nguồn lực, dự án hỗ trợ các nội dung xây dựng làng nghề thuộc phạm vi ngành quản lý.
- Thành viên hội đồng thẩm định công nhận làng nghề.
5. Sở Công Thương
- Chủ trì, phối hợp với Sở, ngành liên quan và UBND huyện xây dựng và triển khai hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm làng nghề, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
- Bố trí các nguồn lực, dự án hỗ trợ các nội dung xây dựng làng nghề thuộc phạm vi ngành quản lý.
- Thành viên hội đồng thẩm định công nhận làng nghề.
6. Sở Khoa học và Công nghệ
- Hướng dẫn, hỗ trợ Hợp tác xã, cơ sở sản xuất áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến trong sản xuất, hệ thống truy xuất nguồn gốc, hệ thống mã số, mã vạch, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm làng nghề. Áp dụng công nghệ tiên tiến trong quá trình sản xuất.
- Bố trí các nguồn lực, dự án hỗ trợ các nội dung xây dựng làng nghề thuộc phạm vi ngành quản lý.
- Thành viên hội đồng thẩm định công nhận làng nghề.
7. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
- Hướng dẫn chỉ đạo, kiểm tra, tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ về đào tạo nghề, giải quyết việc làm và thực hiện các quy định về lao động, an toàn vệ sinh lao động, bảo hiểm xã hội đối với làng nghề.
- Thành viên hội đồng thẩm định công nhận làng nghề.
8. Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh.
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương xây dựng nông thôn mới và phát triển các sản phẩm OCOP trong làng nghề.
- Thành viên hội đồng thẩm định công nhận làng nghề.
9. UBND các huyện: Chợ đồn, Na Rì
- Phối hợp với Sở Nông ngiệp và PTNT tổ chức đánh giá, khảo sát thực trạng, xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện các nội dung, tiêu chí theo quy định để đảm bảo đủ điều kiện công nhận làng nghề.
- Chỉ đạo các phòng ban chuyên môn và cấp xã thực hiện các nội dung, tiêu chí đảm bảo theo quy định.
- Chủ động bố trí nguồn kinh phí từ ngân sách địa phương, kết hợp lồng ghép nguồn vốn của các chương trình, dự án và nguồn vốn hợp pháp khác trên địa bàn để xây dựng làng nghề.
- Tổ chức lập hồ sơ đề nghị công nhận làng nghề theo tiêu chí quy định tại Điều 5 Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xét công nhận.
10. UBND xã Bằng Phúc, Côn Minh
- Tổ chức tuyên truyền, vận động các cơ sở sản xuất, hộ gia đình cam kết thực hiện các nội dung quy định về làng nghề.
- Huy động các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình tham gia xây dựng làng nghề theo yêu cầu của cấp trên.
- Xây dựng kế hoạch, lộ trình và tổ chức thực hiện các nội dung để được công nhận làng nghề.
Trên đây là kế hoạch xây dựng làng nghề sản xuất rượu tại xã Bằng Phúc, huyện Chợ Đồn và làng nghề sản xuất Miến dong Côn Minh huyện Na Rì. Trong quá trình thực hiện nếu có phát sinh, khó khăn, vướng mắc đề nghị các đơn vị, địa phương báo cáo kịp thời về UBND tỉnh (thông qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để xem xét, giải quyết./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.