ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 587/KH-UBND |
Hải Dương, ngày 08 tháng 3 năm 2022 |
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẢI DƯƠNG NĂM 2022
Căn cứ Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/01/2021 của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 4044/QĐ-UBND ngày 31/12/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương phê duyệt kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2021. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo tỉnh Hải Dương năm 2022 với các nội dung cụ thể như sau:
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu
Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chính sách giảm nghèo để cải thiện đời sống, tăng thu nhập cho người dân, hạn chế tái nghèo, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, tạo điều kiện cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; gắn các mục tiêu giảm nghèo bền vững với tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu và các chính sách về an sinh xã hội.
2. Một số chỉ tiêu chủ yếu
- Giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 1,75% theo Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; giảm tỷ lệ hộ cận nghèo xuống còn 2,00% (theo quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025);
- 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được vay vốn các chương trình tín dụng chính sách ưu đãi.
- 100% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế và được hưởng các quyền lợi về khám chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh có đăng ký khám chữa bệnh bảo hiểm y tế theo quy định; 100% các đối tượng thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình khi có nhu cầu được hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế và được hưởng các quyền lợi về khám chữa bệnh theo quy định.
- 100% học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được miễn giảm học phí, các khoản đóng góp theo quy định;
- 100% các hộ nghèo, cận nghèo trong tỉnh được tiếp cận với nguồn nước sạch, hợp vệ sinh;
- Tăng cường vận động ủng hộ quỹ "Vì người nghèo" để bổ sung nguồn lực hỗ trợ chương trình làm nhà ở và các khoản hỗ trợ đột xuất khác cho hộ nghèo và hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn;
- Tập huấn chuyển giao khoa học, tiến bộ kỹ thuật, hướng dẫn cách làm ăn, hỗ trợ giống cây trồng vật nuôi cho 600 lượt người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; xây dựng 02 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho 10 hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo theo chương trình khuyến nông.
II. CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Công tác thông tin, truyền thông
- Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc Phát động phong trào thi đua: “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và trong các tầng lớp nhân dân về tiêu chí tiếp cận nghèo đa chiều, mục tiêu giảm nghèo bền vững, góp phần tạo được sự đồng thuận và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự đồng tâm, hiệp lực của toàn xã hội trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo, tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của nhà nước, của cộng đồng để thoát nghèo, vươn lên khá giả.
- Đảm bảo 100% các xã, phường, thị trấn tuyên truyền, truyền thông về công tác giảm nghèo, các chính sách hỗ trợ đối với hộ nghèo, cận nghèo trên hệ thống truyền thanh cấp xã và các thôn, khu dân cư để người dân được biết.
- Vận động, hướng dẫn người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo có kiến thức, kinh nghiệm trong lao động, sản xuất, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội.
- Hỗ trợ, giúp đỡ người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo có điều kiện nâng cao hiểu biết pháp luật, kịp thời tiếp cận các dịch vụ pháp lý miễn phí.
2. Hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập
a) Tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo:
Giải quyết thủ tục cho vay đối với các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, học tập… từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Căn cứ khả năng cân đối ngân sách, ngân sách cấp tỉnh, ngân sách cấp huyện bổ sung nguồn vốn ủy thác để thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi ở các địa phương có tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo cao với mức lãi suất cho vay theo quy định của Chính phủ tùy từng thời kỳ.
b) Thực hiện chương trình khuyến công, khuyến nông, hỗ trợ sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo hiệu quả:
- Tập huấn, phổ biến kiến thức sản xuất; xây dựng các mô hình sản xuất khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm, nuôi trồng thuỷ sản; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, chuyển giao khoa học công nghệ, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi cho các hộ nghèo và cận nghèo, hộ mới thoát nghèo;
- Hỗ trợ phát triển sinh kế, phát triển ngành nghề nông thôn, nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, xây dựng mô hình hợp tác liên kết sản xuất cho các nhóm hộ nghèo và cận nghèo tham gia tăng thu nhập, giúp giảm nghèo bền vững.
c) Dạy nghề và tạo việc làm cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo:
- Triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó ưu tiên đối với lao động thuộc diện hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người khuyết tật, người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu số có nguyện vọng, nhu cầu học nghề đều được tham gia học nghề theo quy định.
- Tăng cường vận động các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tiếp nhận lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo vào làm việc. Tiếp tục tổ chức hiệu quả các sàn giao dịch việc làm và phiên giao dịch việc làm lưu động tại các huyện, xã để tạo điều kiện cho người nghèo, cận nghèo có cơ hội tìm việc làm tăng thu nhập.
3. Thực hiện chính sách xã hội
a) Về bảo hiểm y tế
- Thực hiện cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho 100% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định; hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình theo quy định.
- Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của các đơn vị cơ sở y tế và đẩy mạnh các hoạt động xã hội hoá chăm sóc sức khoẻ cho người nghèo.
b) Về giáo dục đào tạo
Bảo đảm 100% học sinh, sinh viên thuộc các hộ nghèo, cận nghèo được miễn giảm học phí theo quy định; mức học phí miễn giảm tương đương với mức học phí công lập trên cùng địa bàn theo quy định của UBND tỉnh. 100% học sinh thuộc hộ nghèo được hỗ trợ chi phí học tập. Giúp đỡ, tạo điều kiện cho con, em hộ nghèo tiếp tục theo học ở các bậc học cao hơn.
c) Về nhà ở
- Tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo quy định của Chính phủ và UBND tỉnh.
- Đẩy mạnh vận động các doanh nghiệp, các tổ chức chính trị, tổ chức xã hội, cán bộ công chức, viên chức, người lao động, các nhà hảo tâm xây dựng "Quỹ vì người nghèo", huy động nguồn lực của cộng đồng, gia đình, dòng họ nhằm tiếp tục thực hiện hỗ trợ hộ nghèo có khó khăn về nhà ở.
d) Về trợ cấp xã hội và chính sách hỗ trợ khác
- Thực hiện trợ cấp xã hội thường xuyên, đột xuất tại cộng đồng cho các đối tượng bảo trợ xã hội theo quy định.
- Trợ giúp khó khăn, hỗ trợ tiền điện cho các hộ nghèo theo quy định.
- Thực hiện các chính sách hỗ trợ đảm bảo các hộ nghèo, cận nghèo trong tỉnh được tiếp cận với nguồn nước sạch, hợp vệ sinh.
e) Chính sách trợ giúp pháp lý
Thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người có khó khăn về tài chính theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý.
4. Hỗ trợ hộ nghèo thuộc diện bảo trợ xã hội, người dân tộc
Ưu tiên trong thực hiện các chính sách đối với người nghèo thuộc diện bảo trợ xã hội, người dân tộc trong đó chú trọng việc hỗ trợ nhà ở, thực hiện các chính sách; xây dựng các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu (thuỷ lợi nhỏ, trường học, trạm y tế, đường dân sinh, chợ, điện nước sinh hoạt....).
5. Nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo
- Tổ chức Hội nghị truyền thông nâng cao năng lực, hiểu biết cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tại các xã, phường, thị trấn nhằm phổ biến về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của tỉnh được truyền thông sâu rộng, tạo thành phong trào thi đua cùng giúp nhau giảm nghèo hiệu quả.
- Tập huấn nâng cao nhận thức, năng lực tổ chức thực hiện các chính sách giảm nghèo cho trên 2.000 cán bộ thuộc Ban chỉ đạo giảm nghèo các huyện, thị xã, thành phố (gọi chung là cấp huyện), cán bộ chủ chốt các xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) và đội ngũ trưởng, phó thôn, khu dân cư; gắn kết thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia với thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, tăng cường phân cấp cho cơ sở, tạo cho cơ sở chủ động trong quá trình lập kế hoạch, điều hành quản lý các hoạt động của các chương trình.
6. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá
Xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện kiểm tra, giám sát việc thực hiện chương trình giảm nghèo tại cấp huyện, cấp xã và hộ gia đình theo quy định.
7. Tăng cường lồng ghép Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới và Chương trình MTQG giảm nghèo
Thực hiện lồng ghép nội dung giảm nghèo và an sinh xã hội trong Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới với Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, đảm bảo các hộ nghèo, hộ cận nghèo đều được hỗ trợ, tạo điều kiện trong các hoạt động của các chương trình để đảm bảo thoát nghèo, thoát cận nghèo bần vững.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
- Phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan thực hiện các chính sách trợ giúp hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo như: bảo hiểm y tế, giáo dục, tín dụng, nhà ở, dạy nghề tạo việc làm...trình Ủy ban nhân dân tỉnh nguồn lực để thực hiện chương trình và đề xuất cơ chế, chế độ hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội (nếu thấy cần thiết);
- Tổ chức tuyên truyền chính sách, tập huấn nâng cao năng lực cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp; kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của tỉnh, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định;
- Hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo đúng quy định.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Lồng ghép việc thực hiện các chỉ tiêu giảm nghèo trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội; tham mưu trình UBND tỉnh bổ sung nguồn vốn ủy thác qua Ngân hàng chính sách tỉnh để thực hiện chi vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách xã hội khác trên địa bàn; phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh cân đối, bố trí đảm bảo nguồn kinh phí thực hiện Kế hoạch giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.
3. Sở Tài chính
- Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội căn cứ khả năng cân đối ngân sách địa phương tham mưu UBND tỉnh cân đối, bố trí kinh phí để đảm bảo thực hiện Kế hoạch theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.
- Đề xuất nguồn lực cho chương trình giảm nghèo, cơ chế, chính sách, lồng ghép với các chương trình phát triển kinh tế xã hội khác của tỉnh.
- Hướng dẫn, kiểm tra việc quản lý, sử dụng, quyết toán nguồn kinh phí thực hiện kế hoạch giảm nghèo theo đúng mục tiêu, chế độ tài chính hiện hành.
4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tập huấn, phổ biến kiến thức sản xuất nhân rộng mô hình giảm nghèo; hướng dẫn khuyến nông, lâm, ngư…; thực hiện các chính sách hỗ trợ đảm bảo các hộ nghèo, cận nghèo trong tỉnh được tiếp cận với nguồn nước sạch, hợp vệ sinh;
Tham mưu giúp Ban chỉ đạo tỉnh chỉ đạo thực hiện các nội dung thuộc chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và Chương trình giảm nghèo, xây dựng các mô hình hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo giúp các hộ nghèo tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình, đảm bảo giảm nghèo bền vững.
5. Sở Y tế
- Chỉ đạo các cơ sở y tế thực hiện tốt công tác khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT của người nghèo, cận nghèo và phối hợp với các hội, đoàn thể tổ chức các hoạt động khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, cận nghèo. Thực hiện công tác quản lý và phát huy hiệu quả Quỹ khám chữa bệnh người nghèo
- Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế trong tỉnh, đặc biệt là trạm y tế xã, phường, thị trấn.
6. Sở Giáo dục và Đào tạo
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai, hướng dẫn thực hiện hiệu quả các quy định về miễn, giảm học phí và các khoản đóng góp theo quy định, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân;
- Đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục, vận động các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội và nhân dân quan tâm, chăm lo phát triển cơ sở vật chất, trường lớp, hỗ trợ sách vở, đồ dùng học tập, học bổng cho học sinh thuộc hộ nghèo; tạo mọi điều kiện để trẻ em nghèo được đến trường;
- Chỉ đạo các trường chuyên nghiệp phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tuyên truyền, hướng dẫn, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn được tiếp cận nguồn vốn vay theo chương trình tín dụng đối với học sinh sinh viên.
7. Sở Công thương
Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan xây dựng và tổ chức triển khai các đề án khuyến công quốc gia, đề án khuyến công địa phương; Chủ trì phối hợp với các sở, ngành, địa phương xây dựng đề án phát triển các làng nghề tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
8. Sở Xây dựng
Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở trên địa bàn tỉnh theo quy định.
9. Sở Tư pháp
Tổ chức và nâng cao hiệu quả các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. Phối hợp tham mưu, đề xuất, triển khai thực hiện các chính sách liên quan đến lĩnh vực tư pháp cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chức năng, nhiệm vụ.
10. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch
- Chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu Ban chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh hướng dẫn, triển khai hoạt động của thiết chế văn hóa, thể thao các cấp nhằm đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể thao ở cơ sở cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, ưu tiên hỗ trợ người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo.
- Lồng ghép các chương trình phát triển văn hóa, thể thao với chương trình giảm nghèo.
11. Sở Nội vụ
Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp trình các cấp có thẩm quyền khen thưởng đối với các cơ quan, đơn vị, huyện, xã, thôn, khu dân cư và hộ gia đình có thành tích giảm nghèo bền vững theo quy định.
12. Sở Thông tin và Truyền thông
- Phối hợp với các đơn vị của Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai chương trình hỗ trợ hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo theo quy định chuẩn nghèo quốc gia, chuẩn cận nghèo quốc gia sử dụng dịch vụ viễn thông công ích điện thoại cố định mặt đất trả sau hoặc dịch vụ thông tin di động mặt đất trả sau.
- Phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Sở Lao động Thương binh và Xã hội trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thông tin, báo chí trên địa bản tỉnh thường xuyên tổ chức tuyên truyền sâu rộng về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về giảm nghèo; thông tin, hỗ trợ đầu thu kỹ thuật số cho hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định.
- Hướng dẫn, thẩm định, cấp phép kịp thời theo quy định cho các đơn vị, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh có nhu cầu xuất bản các ấn phẩm thông tin, tài liệu không kinh doanh tuyên truyền về chính sách giảm nghèo.
13. Đài phát thanh truyền hình tỉnh, Báo Hải Dương
Tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của tỉnh; các chính sách hỗ trợ đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo; đưa tin những kinh nghiệm, những mô hình giảm nghèo hiệu quả, những điểm sáng, gương người nghèo vươn lên thoát nghèo, các mô hình chuyển đổi sản xuất giúp nông dân thoát nghèo của các xã, phường, thị trấn.
14. Bảo hiểm xã hội tỉnh
Thực hiện triển khai cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ nghèo, người thuộc hộ cận nghèo, người thuộc hộ gia đình làm nông lâm ngư nghiệp có mức sống trung bình (theo quy định của Trung ương và của Tỉnh) đảm bảo đối tượng được thụ hưởng chính sách kịp thời, đầy đủ.
15. Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh Hải Dương
Chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn đơn giản hóa các quy trình, thủ tục và đảm bảo đúng quy định; tiếp tục ưu tiên vốn cho các ngành, lĩnh vực, chương trình, đề án trọng điểm quốc gia, theo chỉ đạo của Chính phủ, Thống đốc NHNN và của tỉnh; kịp thời triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng trong việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng; tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để giảm lãi suất cho vay; triển khai có hiệu quả chương trình kết nối ngân hàng - khách hàng.
16. Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh
- Thực hiện chính sách hỗ trợ tín dụng cho người nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay học sinh sinh viên, cho vay xuất khẩu lao động, nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, giải quyết việc làm, cho vay hộ nghèo làm nhà ở…đảm bảo các thủ tục vay được thuận tiện, đúng quy định hiện hành;
- Ngân hàng Chính sách xã hội bám sát nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương, chủ động khảo sát nhu cầu vốn của hộ nghèo và đối tượng chính sách tích cực đề xuất Ngân hàng trung ương bổ sung vốn phục vụ các đối tượng; chủ động báo cáo đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh các giải pháp huy động nguồn lực trên địa bàn tỉnh, đề xuất việc bổ sung ổn định nguồn vốn ủy thác cho vay từ ngân sách cấp tỉnh và cấp huyện.
17. Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hải Dương và các Hội, Đoàn thể
Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các đoàn thể tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tỉnh Hải Dương, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên Cộng sản HCM tỉnh chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan tuyên truyền vận động nhân dân và các hội viên tham gia thực hiện tốt và giám sát quá trình thực hiện rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn. Tích cực, chủ động khai thác các nguồn vốn cho hộ nghèo, cận nghèo vay phát triển sản xuất kinh doanh, dịch vụ; vận động các tổ chức, cơ quan, đơn vị, các hộ khá, giàu nhận giúp đỡ các hộ nghèo; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao chất lượng cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”. Tăng cường các biện pháp vận động xây dựng và phát huy hiệu quả nguồn quỹ “Vì người nghèo” các cấp.
18. UBND các huyện, thị xã, thành phố
- Rà soát, kiện toàn, thành lập Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia cấp huyện năm 2022 theo cơ cấu, thành phần của Ban chỉ đạo cấp tỉnh;
- Căn cứ vào kết quả, điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2021, các đặc điểm, nguyên nhân nghèo của các hộ ở địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch giảm nghèo và cụ thể hóa các nội dung, nhiệm vụ giảm nghèo, đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch về giảm nghèo năm 2022; có các giải pháp giảm nghèo phù hợp theo từng đặc điểm, nguyên nhân nghèo của các hộ gia đình để giảm nghèo bền vững;
- Bố trí ngân sách và huy động các nguồn lực để thực hiện kế hoạch giảm nghèo tại địa phương, tập trung hỗ trợ các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, các đối tượng bảo trợ xã hội, dân tộc thiểu số; có các giải pháp quan tâm hỗ trợ không để các hộ nghèo thuộc diện chính sách người có công nghèo và tái nghèo, bố trí đủ và ổn định cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp xã;
- Phân công cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị giúp đỡ các hộ nghèo, hộ cận nghèo của địa phương; vận động các doanh nghiệp đóng trên địa bàn quan tâm, sử dụng lao động thuộc hộ nghèo;
- Phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành; đồng thời chỉ đạo các phòng chức năng thuộc huyện, UBND cấp xã triển khai thực hiện các chỉ tiêu, chính sách, giải pháp giảm nghèo; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách của Trung ương, của tỉnh đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo;
- Tăng cường công tác tuyên truyền về các chủ trương, chương trình, chính sách giảm nghèo; các chính sách hỗ trợ đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo; các gương điển hình về giảm nghèo để khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên thoát nghèo; phát động phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”;
- Chỉ đạo, hướng dẫn các xã, phường, thị trấn tổ chức rà soát, xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo đảm bảo chính xác, kịp thời, công khai; xác định, nắm chắc nguyên nhân nghèo để có giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ phù hợp, có hiệu quả.; đồng thời cập nhật thông tin hộ nghèo vào phần mềm quản lý;
- Chỉ đạo cấp xã tăng cường công tác kiểm tra đánh giá, theo dõi, quản lý chặt chẽ biến động của các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn, báo cáo kịp thời về BCĐ Giảm nghèo cấp tỉnh theo quy định./.
|
KT. CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.