ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 57/KH-UBND |
Tuyên Quang, ngày 05 tháng 6 năm 2018 |
NÂNG CAO CHỈ SỐ HIỆU QUẢ QUẢN TRỊ HÀNH CHÍNH CÔNG TỈNH TUYÊN QUANG NĂM 2018 VÀ CÁC NĂM TIẾP THEO
Chỉ số Quản trị và hành chính công cấp tỉnh (gọi tắt là Chỉ số PAPI) là bộ chỉ số đo lường và đánh giá tính hiệu quả về quản trị và hệ thống hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam, dựa trên trải nghiệm của người dân; tạo động lực để lãnh đạo các cấp tại địa phương ngày càng nâng cao hiệu quả quản lý; góp phần hoàn thiện quá trình minh bạch, thúc đẩy cải cách, phát huy sự tham gia của mọi tầng lớp dân cư vào quá trình xây dựng, thực thi và giám sát việc thực thi chính sách.
Năm 2017, Chỉ số PAPI của tỉnh đạt 37,5/60 điểm, được xếp hạng ở nhóm các tỉnh đạt điểm trung bình cao, trong đó 03 chỉ số nội dung được đánh giá trong nhóm các tỉnh đạt điểm cao nhất là: Chỉ số tham gia của người dân ở cấp cơ sở, chỉ số công khai minh bạch và chỉ số trách nhiệm giải trình với người dân; 01 chỉ số (Chỉ số cung ứng dịch vụ công) đạt điểm trung bình cao; 02 chỉ số đạt điểm nhóm trung bình thấp là: Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công và thủ tục hành chính công.
Để kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế, tiếp tục nâng cao hiệu quả quản trị hành chính công của tỉnh trong năm 2018 và những năm tiếp theo, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện như sau:
1. Mục đích
- Nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công của tỉnh; tập trung ở chính quyền cấp cơ sở; kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế, xác định nhiệm vụ, giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả quản trị và hành chính công trên 06 nội dung chính: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công.
- Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp, UBND các cấp và mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ và phục vụ nhân dân góp phần nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính (CCHC) tại các cơ quan, địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh.
- Phấn đấu hằng năm Chỉ số PAPI của tỉnh được xếp trong nhóm có điểm trung bình cao trở lên.
2. Yêu cầu
- Việc thực hiện Kế hoạch nâng cao Chỉ số PAPI phải gắn với thực hiện có hiệu quả Kế hoạch CCHC giai đoạn 2016-2020 và kế hoạch hằng năm của tỉnh; đồng thời gắn với việc cải thiện, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số CCHC cấp tỉnh (PARINDEX).
- Kế hoạch được triển khai đồng bộ, liên tục tại các cơ quan, địa phương, đơn vị, đạt tỷ lệ 100% xã, phường, thị trấn tổ chức thực hiện có hiệu quả; đồng thời đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ.
II. NỘI DUNG, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP
1. Về nội dung tham gia của người dân ở cấp cơ sở
1.1. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về các quy định của pháp luật, đặc biệt là Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; các nội dung, vấn đề mà người dân có quyền được biết, được bàn, được tham gia thực hiện hoặc kiểm tra, giám sát việc thực hiện; trách nhiệm của chính quyền, cán bộ, công chức cấp xã, của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và của nhân dân trong thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.
1.2. Triển khai thực hiện nghiêm các quy định và tạo điều kiện thuận lợi để người dân được tham gia bàn bạc, đóng góp ý kiến, kiểm tra, giám sát các nội dung thuộc quyền của người dân theo Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn và các quy định khác của tỉnh, huyện, xã; trong đó chú trọng đối với những khoản đóng góp (xã hội từ thiện, xây dựng, sửa chữa công trình công cộng, xây dựng nông thôn mới,...), đảm bảo nguyên tắc dân chủ, do người dân quyết định thực hiện và quyết định mức đóng góp; có giám sát của Ban Giám sát đầu tư cộng đồng hoặc Ban Thanh tra Nhân dân.
1.3. Tăng cường hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy chế dân chủ ở cơ sở.
2. Về nội dung công khai, minh bạch
2.1. Công khai hộ nghèo và chính sách xã hội cho người nghèo
a) Thực hiện điều tra, rà soát, bình xét, công nhận, công khai kịp thời danh sách hộ nghèo hằng năm theo đúng quy định (đảm bảo đúng trình tự, thủ tục, thời gian, cách thức thực hiện, đối tượng,...).
b) Thường xuyên tiếp thu ý kiến đóng góp, kiến nghị, phản ánh của người dân; kịp thời xem xét, giải quyết theo đúng quy định; hoặc kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết đối với nội dung liên quan hộ nghèo và chính sách xã hội cho người nghèo.
2.2. Công khai ngân sách cấp xã và các khoản thu khác ở khu dân cư
a) Thực hiện đúng, đủ quy định về công khai, minh bạch thu chi ngân sách cấp xã theo quy định của Luật ngân sách nhà nước năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành; việc công khai phải cụ thể, chi tiết, hình thức công khai phải phù hợp, thuận tiện để người dân có thể tiếp cận và giám sát.
b) Phát huy vai trò giám sát của HĐND cấp huyện, cấp xã, các đoàn thể quần chúng, cán bộ, công chức và nhân dân; kịp thời ngăn chặn những dấu hiệu tiêu cực, xử lý theo đúng quy định của pháp luật đối với những trường hợp vi phạm các quy định về quản lý tài chính, tài sản công.
c) Tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản lý, nghiệp vụ tài chính ở cấp xã.
1.3. Tiếp tục thực hiện công bố, công khai quy hoạch, kế hoạch sử đất và các thủ tục hành chính về đất đai (giao đất, cho thuê đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thực hiện các thủ tục về quyền sử dụng đất,...) trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, trên Trang/cổng thông tin điện tử của Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp huyện và tại trụ sở UBND cấp xã; công khai kế hoạch đầu tư của các dự án trên địa bàn tỉnh theo quy định; tổ chức kiểm tra, giám sát để kịp thời chấn chỉnh việc thực hiện theo quy định.
3. Về nội dung trách nhiệm giải trình với người dân
3.1. Nâng cao trách nhiệm giải trình với người dân của chính quyền các cấp trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; thực hiện tốt công tác tiếp công dân; tập trung giải quyết có hiệu quả những kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo của công dân.
3.2. Tiếp tục bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, cán bộ UBND cấp xã, đại diện các tổ chức đoàn thể, đại biểu HĐND cấp xã; củng cố sự tin tưởng, tín nhiệm của người dân đối với cán bộ UBND cấp xã, đại diện các tổ chức đoàn thể, đại biểu HĐND cấp xã.
3.3. Nâng cao hiệu quả hoạt động và vai trò giám sát của Ban Thanh tra nhân dân.
4. Về nội dung kiểm soát tham nhũng
4.1. Tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản có liên quan về phòng, chống tham nhũng bằng nhiều hình thức để người dân biết, thực hiện giám sát.
4.2. Tăng cường các kênh tiếp nhận thông tin, nắm bắt ý kiến, phản ánh, kiến nghị của người dân đối với chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính, của công chức. Phát huy vai trò giám sát của Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội các cấp và nhân dân trong công tác phòng, chống tham nhũng; có cơ chế bảo vệ người dân khi thực hiện việc tố cáo hành vi tham nhũng.
4.3. Trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, đẩy mạnh CCHC, nâng cao chất lượng phục vụ; thực hiện tốt cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho tổ chức, cá nhân; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
4.4. Tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác phòng, chống tham nhũng, kiểm tra công vụ, việc giải quyết TTHC để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các trường hợp vi phạm; xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, đơn vị do mình phụ trách.
4.5. Tiếp tục thực hiện đổi mới và nâng cao chất lượng công tác tuyển dụng công chức, viên chức, người lao động vào cơ quan hành chính nhà nước. Thực hiện công khai, minh bạch trong tuyển dụng và các công tác khác về quản lý công chức, viên chức; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyển dụng.
5. Về nội dung thủ tục hành chính công
5.1. Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong thực hiện cải cách TTHC; thực hiện rà soát, kiến nghị đơn giản hóa TTHC theo quy định; giảm thời gian, chi phí thực hiện TTHC cho người dân, tổ chức. Kịp thời cập nhật, công khai đầy đủ TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, Cổng/Trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị.
5.2. Kiểm tra, đánh giá kết quả hoạt động của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại các cơ quan hành chính nhà nước các cấp, nhất là trách nhiệm của cán bộ, công chức trong việc tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả giải quyết TTHC cho người dân, tổ chức.
5.3. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của người dân đối với chất lượng cung cấp dịch vụ công, đặc biệt trong lĩnh vực y tế, giáo dục để kịp thời chấn chỉnh, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ.
6. Về nội dung cung ứng dịch vụ công
6.1. Tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý trong lĩnh vực khám, chữa bệnh, y tế dự phòng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý thông tin khám chữa bệnh; tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ tiên tiến để phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân; đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn; bồi dưỡng y đức của đội ngũ cán bộ, viên chức ngành y; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại các bệnh viện công lập tuyến cơ sở, giảm sức ép cho y tế tuyến trên; tăng cường tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trong đó chú trọng nâng cao tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện.
6.2. Cải thiện chất lượng giáo dục, tập trung nâng cao chỉ số về dịch vụ giáo dục tiểu học công lập; đổi mới quản lý giáo dục và đào tạo, chương trình học; củng cố kỷ cương, dân chủ trong nhà trường; xây dựng trường học an toàn, lành mạnh, thân thiện; bồi dưỡng đạo đức, tác phong của đội ngũ quản lý, giáo viên trong nhà trường.
6.3. Tiếp tục cải thiện cơ sở hạ tầng căn bản như: Nâng cấp lưới điện, bê tông hóa đường giao thông nông thôn; tiếp tục thực hiện cung cấp nước sạch theo Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường; thực hiện tốt dịch vụ thu gom, xử lý rác thải, nước thải,...
6.4. Giữ gìn an ninh, trật tự trên địa bàn khu dân cư; tiếp tục thực hiện nghiêm túc các chương trình, mục tiêu quốc gia về phòng, chống tội phạm, phòng, chống ma túy; đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh tổ quốc.
1. Người đứng đầu các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND huyện, thành phố; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung của Kế hoạch này; thường xuyên đôn đốc, theo dõi, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện; định kỳ hoặc đột xuất báo cáo kết quả thực hiện với Ủy ban nhân dân tỉnh, gửi Sở Nội vụ tổng hợp chung.
2. Sở Nội vụ:
2.1. Tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, tổng hợp tình hình và kết quả thực hiện, báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh theo quy định.
2.2. Tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính, kịp thời phát hiện và đề xuất xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện và hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu trong thực thi công vụ theo quy định.
2.3. Chủ trì, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan báo cáo kết quả thực hiện Chỉ số PAPI hằng năm, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để nâng cao Chỉ số PAPI của tỉnh.
3. Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh: Tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác cải cách TTHC; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, hưỡng dẫn các cơ quan, đơn vị trong thực hiện công khai TTHC theo quy định; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại các cơ quan, đơn vị; phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức rà soát các TTHC để đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ các quy định TTHC không còn phù hợp.
4. Sở Tư pháp: Cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh thường xuyên phối hợp với các ngành thành viên, UBND cấp huyện tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân.
5. Sở Xây dựng: Tham mưu giải pháp thực hiện các quy hoạch về xây dựng đã được phê duyệt, tăng cường quản lý nhà nước và công bố công khai quy hoạch xây dựng; thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện quy trình giải quyết các TTHC thuộc lĩnh vực ngành quản lý; nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC trong lĩnh vực cấp Giấy phép xây dựng, để cải thiện chỉ số nội dung thành phần về dịch vụ cấp phép xây dựng.
6. Sở Tài nguyên và Môi trường: Tham mưu các giải pháp để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản; công khai minh bạch các trình tự, thủ tục thực hiện các TTHC về đất đai; thực hiện kiểm tra, giám sát quy trình thực hiện thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, quy trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các quyền của người sử dụng đất; thực hiện các biện pháp bảo vệ tài nguyên nước. Chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Văn phòng Đăng ký đất đai, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả trong việc giải quyết các TTHC về đất đai để cải thiện chỉ số nội dung thành phần về dịch vụ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
7. Sở Y tế: Tham mưu giải pháp nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ y tế công lập, nhất là tại tuyến huyện, tuyến xã; thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo thực hiện đánh giá mức độ hài lòng của người dân đối với các dịch vụ công về y tế; nâng cao ý thức, trách nhiệm của đội ngũ công chức, viên chức, người lao động trong thực thi nhiệm vụ.
8. Sở Giáo dục và Đào tạo: Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học; thực hiện phương pháp đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công trên địa bàn tỉnh.
9. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Tăng cường hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quy trình rà soát, xét duyệt và công khai các hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và giải quyết các chế độ chính sách xã hội theo đúng quy định; phối hợp với Sở Y tế tham mưu giải pháp cải thiện chất lượng y tế trong chăm sóc người có công và đối tượng bảo trợ xã hội.
10. Sở Tài chính: Tổ chức thực hiện và hướng dẫn các địa phương thực hiện nghiêm các quy định, quy trình về công khai minh bạch trong quản lý ngân sách nhà nước đối với các cấp ngân sách theo quy định của Luật ngân sách nhà nước năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về quản lý ngân sách ở cơ sở, chú trọng việc thực hiện công khai ngân sách ở xã, phường, thị trấn.
11. Thanh tra tỉnh: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt trách nhiệm giải trình với người dân. Tham mưu thực hiện các giải pháp để cải thiện chỉ số nội dung thành phần về phòng, chống tham nhũng; thực hiện tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định
12. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Tuyên Quang, các cơ quan, địa phương, đơn vị đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền các nội dung của Chỉ số PAPI, đồng thời đưa tin, bài phản ánh về kết quả triển khai thực hiện đến nhân dân biết để tích cực hưởng ứng và kiểm tra, giám sát.
13. Công an tỉnh: Tiếp tục thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống tội phạm, phòng chống ma túy; đổi mới công tác tuyên truyền, vận động nhằm huy động sự tham gia tích cực của toàn dân trong công tác phòng, chống tội phạm và ma túy.
14. Bảo hiểm xã hội tỉnh: Phối hợp với các cơ quan liên quan tuyên truyền chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) trong nhân dân, phấn đấu đạt mục tiêu 100% người dân tham gia BHYT; hỗ trợ trong việc thanh toán thẻ BHYT. Phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra bảo đảm 100% số người lao động tham gia BHYT, đồng thời thực hiện tốt công tác giám định, kiểm tra tránh tình trạng lạm dụng, trục lợi Quỹ BHYT.
15. Ủy ban nhân dân huyện, thành phố
15.1. Thực hiện tuyên truyền, phổ biến nội dung, kết quả thực hiện Chỉ số PAPI hàng năm của tỉnh đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, cấp xã; chỉ đạo rà soát để khắc phục những tồn tại, hạn chế qua kết quả khảo sát hằng năm.
15.2. Xây dựng kế hoạch và chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn nâng cao hiệu quả thực hiện Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở, gắn với đẩy mạnh công khai, lấy ý kiến người dân trong quy trình xét hộ nghèo, công khai danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo; công khai, minh bạch các khoản thu, chi ngân sách của xã, phường, thị trấn,...
15.3. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng cấp xã và tuyên truyền để người dân biết, giám sát, kiểm tra.
15.4. Đẩy mạnh cải cách TTHC, giải quyết tốt các TTHC liên quan trực tiếp đến người dân như: đất đai, cấp giấy phép xây dựng, hộ tịch, đăng ký kinh doanh, lao động, thương binh và xã hội,...; tăng cường trách nhiệm của cán bộ, công chức trong việc hướng dẫn, tiếp nhận và giải quyết hồ sơ; thực hiện niêm yết công khai các TTHC đã được cấp có thẩm quyền công bố tại trụ sở làm việc của cơ quan, địa phương, đơn vị. Thực hiện đúng quy định và có hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển dịch vụ công trực tuyến; xử lý nghiêm trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức để xảy ra tình trạng chậm giải quyết TTHC, gây phiền hà cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp.
16. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ của mình có các hoạt động thiết thực và cụ thể trong việc thông tin, tuyên truyền, giám sát, phản biện xã hội đối với quá trình thực hiện nhiệm vụ, phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp của các sở, ban, ngành và Uỷ ban nhân dân các cấp trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Sở Nội vụ trong việc tổng hợp, xây dựng báo cáo Chỉ số PAPI hằng năm của tỉnh./.
Nơi nhận: |
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.