ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 5488/KH-UBND |
Lâm Đồng, ngày 03 tháng 8 năm 2021 |
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 10-CT/TU NGÀY 02/8/2021 CỦA TỈNH ỦY VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH COVID-19 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG
Thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TU ngày 02/8/2021 của Tỉnh ủy về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện, như sau:
I. Bối cảnh tình hình:
1. Tình hình dịch bệnh Covid-19:
1.1. Dịch bệnh Covid-19, nhất là biến chủng Delta đang diễn biến rất phức tạp, đã lan ra 62/63 tỉnh, thành trong cả nước; đặc biệt, số ca mắc tăng cao tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, gây tổn hại lớn đến tính mạng, sức khỏe của người dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội và mọi mặt của đời sống xã hội.
1.2. Ở tỉnh ta, mặc dù đã có nhiều biện pháp mạnh trong công tác phòng chống dịch nhưng đến ngày 02/8/2021, toàn tỉnh ghi nhận 53 ca mắc Covid-19 tại các huyện, thành phố.
1.3. Tại các tỉnh giáp ranh với tỉnh ta có số ca mắc Covid-19 ngày càng tăng cao và đặc biệt tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; tuy nhiên, vẫn có nhiều người dân từ các tỉnh vùng dịch trở về Lâm Đồng không khai báo y tế hoặc khai báo không trung thực, không chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là lái xe, phụ xe vận chuyển hàng hóa đường dài.
1.4. Trong quá trình thực hiện, còn địa phương không nghiên cứu kỹ và chấp hành chỉ đạo của tỉnh, từ đó phát sinh các ca dương tính trong cộng đồng - các đối tượng cách ly còn chủ quan, không chấp hành nghiêm quy chế cách ly, do đó nguy cơ là rất lớn.
2. Dự báo thời gian tới:
2.1. Qua đánh giá mức độ nguy cơ theo quy định tại Quyết định số 2686/QĐ-BCĐQG ngày 31/5/2021 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19, tỉnh Lâm Đồng đang ở mức “nguy cơ cao” đối với dịch bệnh Covid-19 (có 8/12 huyện, thành phố xếp loại mức nguy cơ).
2.2. Nếu lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, không quản lý chặt chẽ các đối tượng nguy cơ và không chấp hành nghiêm các quy định của tỉnh về phòng chống dịch, nguy cơ dịch bùng phát trên địa bàn tỉnh là rất cao. Trong khi đó, điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực y tế của tỉnh còn hạn chế, không đáp ứng được nhu cầu chăm sóc y tế nói chung, điều trị và dự phòng dịch bệnh Covid-19 nói riêng nếu dịch bùng phát trên diện rộng.
II. Mục đích, yêu cầu:
1. Mục đích:
1.1. Tập trung ngăn chặn, chủ động phòng, chống dịch bệnh theo diễn biến tình hình dịch bệnh của địa phương; đẩy lùi, tiến tới kiểm soát tốt dịch bệnh, không để dịch lây lan và bùng phát trên địa bàn tỉnh; đặt sức khỏe, tính mạng nhân dân lên trên hết, trước hết, sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái “bình thường mới”.
1.2. Tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; thường xuyên kiểm tra, rà soát các khâu, các điều kiện, biện pháp phòng, chống dịch để sẵn sàng đáp ứng nhanh khi tình thế thay đổi.
1.3. Tất cả các địa phương trong tỉnh đều là “vùng xanh” trong thời gian sớm nhất để củng cố niềm tin của người dân Lâm Đồng.
2. Yêu cầu:
2.1. Tổ chức thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, hiệu quả cao nhất các nghị quyết, quyết định, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, hướng dẫn của Bộ Y tế và Chỉ thị số 10-CT/TU ngày 02/8/2021 của Tỉnh ủy Lâm Đồng với phương châm “Phòng thủ chặt, tấn công thần tốc” nhằm kiềm chế, không để lây lan rộng trên địa bàn tỉnh. Hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở cùng vào cuộc một cách chủ động, thực chất, quyết liệt, tập trung cao nhất triển khai đầy đủ, nghiêm túc, đồng bộ các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid- 19; huy động các lực lượng, các nguồn lực và sự tham gia của doanh nghiệp, sự tin tưởng, đồng lòng, chấp hành và tham gia của toàn thể nhân dân trong công tác phòng chống dịch.
2.2. Thực hiện tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo đảm bảo xuyên suốt, đồng bộ, nhất quán từ tỉnh đến cơ sở trong công tác phòng chống dịch, không tùy tiện, giải quyết linh động đối với những trường hợp đã được quy định cụ thể về việc cách ly, truy vết.
2.3. Thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền và yêu cầu toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19; hiểu rõ tính chất, mức độ lây lan của dịch bệnh Covid-19 để bình tĩnh phòng tránh, chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch tại cơ quan, nơi cư trú và công cộng.
2.4. Tăng cường trách nhiệm tập thể cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp gắn với nêu cao trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu; việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 do cấp ủy các cấp, trực tiếp là Ban Thường vụ cấp ủy, đồng chí bí thư cấp ủy chỉ đạo và chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo tỉnh về hiệu quả công tác phòng, chống dịch tại địa phương, đơn vị mình quản lý. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương; kiên quyết xử lý nghiêm các cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, không làm tròn nhiệm vụ; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm, cố tình không chấp hành các quy định, làm lây lan dịch bệnh cho người thân và cộng đồng; bảo đảm phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng tiêu cực, lãng phí trong phòng, chống dịch.
2.5. Chủ động, tích cực chia sẻ kinh nghiệm, các mô hình hay, cách làm tốt trong phòng, chống dịch bệnh như mô hình cách ly “3 lớp”, “4 tại chỗ” và thôn, tổ dân phố, khu dân cư để nghiên cứu triển khai nhân rộng trên toàn địa bàn tỉnh.
III. Nhiệm vụ chung:
1. Tập trung cao nhất công sức, thời gian, ưu tiên nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân; nâng cao tinh thần trách nhiệm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; đảm bảo thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân và bảo đảm điều kiện, duy trì, ổn định sản xuất - kinh doanh trong điều kiện có thể để có nguồn lực phòng, chống dịch và phục vụ nhân dân.
2. Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, phát huy trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền, sự ủng hộ, hợp tác của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân; thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, hiệu quả các nghị quyết, quyết định, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, hướng dẫn của Bộ Y tế và các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác phòng, chống dịch bệnh trong tình hình mới. Quyết tâm hạn chế tối đa sự lây lan của dịch bệnh và những tác động tiêu cực của dịch bệnh đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân trên địa bàn tỉnh.
3. Cấp ủy, chính quyền các cấp phát huy cao độ tinh thần tự lực, tự cường, 4 tại chỗ, tuyệt đối không trông chờ, ỷ lại, phải tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong phạm vi, địa bàn, đối tượng quản lý, căn cứ tình hình thực tế tự quyết định theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao, kịp thời báo cáo cấp trên trực tiếp tháo gỡ những vấn đề khó khăn, vướng mắc, vượt thẩm quyền; không để mất khả năng kiểm soát dịch bệnh. Luôn nắm chắc, dự báo tốt tình hình, vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể của ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị mình, trên cơ sở đó chủ động đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp kịp thời, phù hợp, khả thi, hiệu quả phòng, chống dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội.
4. Thực hiện các biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn, cao hơn, đi trước một bước ứng với từng cấp độ nguy cơ của dịch bệnh; thực hiện tốt các yêu cầu giãn cách cá nhân với cá nhân, gia đình với gia đình, tuyệt đối không tập trung đông người.
5. Người đứng đầu cấp ủy Đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương phải chủ động chuẩn bị các phương án, kịch bản kịp thời ứng phó mọi tình huống, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan trong công tác phòng, chống dịch, phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống nhân dân phù hợp với thực tiễn và diễn biến tình hình địa phương để chủ động điều hành, tổ chức thực hiện, tránh bị động, lúng túng. Xử lý nghiêm đối với những cán bộ, lãnh đạo chủ chốt thực hiện không nghiêm trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
IV. Nhiệm vụ cụ thể:
1. Công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19:
1.1. Thường xuyên đánh giá mức nguy cơ (theo Quyết định số 2686/QĐ-BCĐQG của Ban Chỉ đạo quốc gia) tại từng thời điểm, địa bàn để quyết định áp dụng các biện pháp thực hiện ở mức cao hơn, nhanh hơn, chặt chẽ hơn mức nguy cơ; siết chặt công tác phòng chống dịch đảm bảo “chặt ngoài, chặt trong”, chủ động, linh hoạt, sáng tạo, bám sát thực tiễn, đảm bảo nhất quán trong công tác tham mưu chỉ đạo thực hiện.
Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Y tế, Công an tỉnh và UBND các huyện, thành phố.
1.2. Thực hiện một số biện pháp hành chính trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19:
a) Tiếp tục thực hiện nghiêm quy định bố trí 50% cán bộ, công chức, viên chức làm việc trực tuyến tại nhà; giáo Sở Nội vụ kiểm tra việc thực hiện nội dung này đối với các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh.
b) Các cơ quan: ngân hàng, kho bạc, thuế, cấp điện, cấp thoát nước, viễn thông trên địa bàn tỉnh tổ chức bộ phận thường trực với chế độ làm việc riêng (làm việc, ăn, nghỉ tại trụ sở, hạn chế tiếp xúc với các bộ phận khác) để sẵn sàng kích hoạt phương án trực tiếp làm việc và ăn nghỉ 24/24 tại trụ sở cơ quan trong trường hợp cơ quan, đơn vị bị phong tỏa hoặc giãn cách đề phòng, chống dịch Covid-19.
c) Thực hiện nghiêm các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong thời gian tổ chức kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2021 lần 2; chú ý đảm bảo phòng dịch (ăn, nghỉ và thi tại khu vực riêng) đối với các thí sinh từ tỉnh khác đăng ký thi tại địa phương.
d) Thực hiện tốt các yêu cầu giãn cách cá nhân với cá nhân, gia đình với gia đình, không tập trung đông người, không đi ra khỏi huyện, thành phố khi không thực sự cần thiết. Đối với người cư trú trên địa bàn huyện, xã này nhưng làm việc ở huyện, xã khác thì thu xếp, bố trí nơi ở tạm gần nơi làm việc, tránh thường xuyên đi, về giữa các địa phương với nhau.
đ) Từ 21 giờ 00, ngày 04/8/2021, vận động người dân không ra khỏi nhà và hạn chế phương tiện đi lại sau 21 giờ 00 ngày hôm trước đến 05 giờ 00 sảng hôm sau, trừ trường hợp khẩn cấp như hỏa hoạn, cấp cứu và trường hợp đặc biệt nhưng vẫn đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu và nhu cầu của người dân.
e) Thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh, bảo đảm thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch tại các cơ quan, đơn vị; nhất là tại các cơ sở: y tế, trường học, nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, chợ, siêu thị; thường xuyên cập nhật đánh giá trên bản đồ antoancovid.vn.
g) Huy động sự vào cuộc thiết thực của các ngành, đoàn thể tham gia vào công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
h) Tổ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại các sở, ngành, đơn vị, doanh nghiệp: có kế hoạch, nhiệm vụ cụ thể theo trách nhiệm, quyền hạn của mình để tổ chức thực hiện trong công tác phòng chống dịch.
i) Rà soát, kiểm tra phương án 3 tại chỗ của các doanh nghiệp đã đăng ký, kiên quyết yêu cầu dừng sản xuất đối với các doanh nghiệp không đáp ứng các yêu cầu phòng chống dịch.
Cơ quan chủ trì thực hiện: Các sở, ban, ngành, đoàn thể; Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh và UBND các huyện, thành phố.
1.3. Các giải pháp chuyên môn y tế phòng, chống dịch bệnh Covid-19:
a) Từ 0 giờ 00 ngày 04/8/2021, thực hiện cách li tập trung 14 ngày và cách ly tại nhà 14 ngày (sau khi hoàn thành cách li tập trung) đối với trường hợp F1 và tất cả các trường hợp đi về từ vùng đang phong tỏa và các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; trong thời gian này, tuyệt đối không để người bị cách ly rời khỏi địa điểm cách ly và không để giao tiếp với những người xung quanh; mở rộng khu cách ly dự phòng, kích hoạt toàn bộ các khu cách ly tập trung hiện có (kể cả các khu cách ly tập trung có thu phí) trên địa bàn tỉnh. Nếu vi phạm thì xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
b) Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, kiểm soát nhiễm khuẩn trong các khu cách ly, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo trong khu cách ly. Triển khai 10 đơn nguyên điều trị (20 giường bệnh) tại 10 Trung tâm Y tế huyện, với 200 giường bệnh; đưa vào hoạt động 2 Khu điều trị Covid-19 với 500 giường bệnh.
c) Quyết định thành lập Bệnh viện dã chiến và phương án hoạt động của Bệnh viện dã chiến với quy mô từ 300-500 giường bệnh do Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban chỉ đạo; huy động các sở, ban, ngành, đoàn thể tham gia công tác phòng chống dịch; khi có trên 600 người mắc bệnh Covid-19 thì huy động, tận dụng các cơ sở trường học,... để thành lập bổ sung các Bệnh viện dã chiến.
d) Tăng cường công tác kiểm soát, đặc biệt là đội ngũ lái xe, phụ xe vận chuyển hàng hóa đường dài.
đ) Chuẩn bị sẵn sàng vật tư, trang thiết bị, thuốc, sinh phẩm, hóa chất theo phương châm “4 tại chỗ”; sẵn sàng các phương án về cơ sở cách ly, cơ sở điều trị để có thể tiếp nhận số lượng lớn các trường hợp cách ly, các trường hợp mắc bệnh theo khả năng của tỉnh; thiết lập các cơ sở thu dung, điều trị ban đầu cho nhóm bệnh nhân Covid-19 nhẹ và không có triệu chứng tại các địa điểm như: ký túc xá, trường học, ...theo Văn bản số 5838/BYT-KCB ngày 21/7/2021 của Bộ Y tế. Chuẩn bị ngay phương án huy động toàn bộ các bệnh viện tuyến huyện, bệnh viện tư nhân...để thu dung, điều trị cho nhóm bệnh nhân vừa và nặng; chú ý phải đảm bảo đủ hệ thống cấp oxy tại các cơ sở này; đồng thời, đảm bảo nhân lực, các trang thiết bị, vật tư y tế và các điều kiện cần thiết để sẵn sàng đáp ứng khi diễn biến dịch bệnh gia tăng trên địa bàn tỉnh.
e) Tăng cường công tác xét nghiệm sàng lọc chủ động với các đối tượng có nguy cơ tại các cơ sở khám, chữa bệnh, các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, khu vực chợ, siêu thị; tiếp tục nâng cao năng lực xét nghiệm trên địa bàn tỉnh.
g) Bảo đảm nhu cầu y tế cho người dân, bảo đảm hệ thống thường trực cấp cứu, số lượng xe cứu thương, oxy y tế, máy thở...; tổ chức sàng lọc, phân loại F0 theo tình trạng bệnh lý để tập trung điều trị bệnh nhân Covid-19, hạn chế tối đa tử vong; bảo đảm duy trì khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh khác có nhu cầu.
h) Xây dựng và triển khai kế hoạch dự trữ thuốc, vật tư y tế hợp lý đảm bảo cung ứng đủ thuốc, vật tư y tế đảm bảo duy trì khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh khác khi có nhu cầu, không để tình trạng người dân bị bệnh mà không được tiếp cận dịch vụ y tế. Thực hiện nghiêm các quy định về quản lý giá thuốc, không để tình trạng lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 đề đầu cơ, găm hàng, đẩy giá thuốc lên cao.
i) Thực hiện nghiêm các quy định về bệnh viện, phòng khám an toàn trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19; tổ chức sàng lọc, phân luồng đối với tất cả cán bộ y tế, khách, người bệnh và người nhà người bệnh khi ra vào các cơ sở y tế.
Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Y tế, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và UBND các huyện, thành phố.
1.4. Phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong vận chuyển hàng hóa:
a) Tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền trong nhân dân (trên các phương tiện thông tin đại chúng, loa truyền thanh, tờ rơi, tờ gấp,...) để nâng cao ý thức, trách nhiệm của nhân dân và lái xe, phụ xe vận chuyển hàng hóa trong phòng chống dịch; đồng thời, quản lý chặt chẽ các trường hợp đi về từ các địa phương, khu vực, địa điểm có dịch.
b) Kiểm tra kỹ phương tiện vận chuyển hàng hóa liên tỉnh đi qua các Chốt/trạm, yêu cầu đăng ký lái xe, phụ xe (nếu có) để theo dõi, quản lý chặt chẽ lịch trình di chuyển của các lái xe, phụ xe vận chuyển hàng hóa liên tỉnh đảm bảo nguyên tắc “một cung đường, hai điểm đến”.
c) Tăng cường giám sát các nhà xe trong việc không cho lái xe, phụ xe về khu dân cư, gia đình để tránh lây nhiễm dịch ra cộng đồng. Tuyệt đối không để lái xe, phụ xe vận tải liên tỉnh tiếp xúc gần với người dân trong tỉnh.
d) Kiểm soát chặt chẽ đối với phương tiện vận chuyển hàng hóa liên tỉnh và xe cứu thương (đối với xe vận chuyển hàng hóa chỉ cho phép có 1 lái xe và tối đa 1 phụ xe, không cho người khác đi cùng; đối với xe cứu thương chỉ cho phép 01 lái xe, 01 nhân viên y tế, 01 người nhà và 01 người bệnh), tuyệt đối không để lợi dụng chở người từ vùng dịch về địa phương. Trường hợp có người khác đi cùng trên phương tiện vận chuyển hàng hóa liên tỉnh đến Lâm Đồng mà không phải là phụ xe đã đăng ký trước với cơ quan chức năng thì đưa đi cách ly tập trung.
đ) In và phát đủ phù hiệu cho các phương tiện vận tải lưu thông nội tỉnh.
Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Giao thông vận tải, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (in và phát phù hiệu), UBND các huyện, thành phố.
1.5. Phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở:
a) Phát huy hiệu quả hoạt động của Tổ Covid-19 cộng đồng; huy động tối đa sự tham gia của lực lượng dân quân tự vệ, dân phòng, đội tự quản, các đoàn viên, hội viên, nhất là đoàn viên thanh niên tình nguyện, cựu chiến binh...để vừa phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, vừa giảm tải cho lực lượng chính quy, lực lượng tuyến đầu trong công tác kiểm soát dịch bệnh; thực hiện tốt hoạt động giám sát, truy vết của các Tổ Covid-19 cộng đồng, tuyệt đối không bỏ sót các trường hợp từ nơi khác trở về địa phương và không tùy tiện cho phép cách ly tại nhà trái quy định.
b) Thực hiện nghiêm việc tiếp nhận và giám sát cách ly y tế tại nhà đối với người hết thời gian cách ly tập trung trở về địa phương và các trường hợp này được xem như F1; khoanh vùng, xử lý ngay khi có trường hợp mắc bệnh xuất hiện, quyết liệt truy vết các trường hợp F1, F2 và áp dụng các biện pháp cách ly theo quy định; bảo đảm trang thiết bị phòng hộ cho lực lượng tuyến đầu, tình nguyện viên.
c) Thành lập Tổ phản ứng nhanh Covid-19 để kịp thời xử lý các vụ việc phát sinh đột xuất, cấp bách.
d) Cán bộ tham gia phòng, chống dịch thực hiện tốt công tác dân vận khéo, ứng xử hài hòa, thuyết phục trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Xử lý nghiêm các trường hợp chống đối.
đ) Lắp đặt bổ sung và phát huy hiệu quả hệ thống camera an ninh để giám sát việc chấp hành của người dân trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
e) Các thôn, tổ dân phố, Tổ Covid-19 cộng đồng có trách nhiệm kiểm tra, giám sát toàn bộ lái xe, phụ xe vận chuyển hàng hóa liên tỉnh, người tạm trú, nhà trọ, nhà cho thuê trên địa bàn; hàng ngày, tổng hợp, báo cáo UBND cấp xã để theo dõi, quản lý.
Cơ quan chủ trì thực hiện: UBND các huyện, thành phố.
2. Triển khai Chiến dịch tiêm vắc xin:
2.1. Tổ chức triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 đảm bảo đúng đối tượng, an toàn, nhanh chóng theo số lượng vắc xin được Bộ Y tế phân bổ; bổ sung ưu tiên các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao trong cộng đồng như: tiểu thương tại các chợ, trung tâm thương mại, quầy tạp hóa; nhân viên giao nhận hàng hóa (shipper, bưu tá); nhân viên ngân hàng, bưu chính, viễn thông, điện, nước; nhân viên vệ sinh thu gom rác; nhân viên bán hàng tại tất cả các cửa hàng xăng dầu; đảm bảo tiến độ tiêm chủng theo Kế hoạch số 5333/KH-UBND ngày 28/7/2021 của UBND tỉnh.
2.2. Triển khai phương án tiêm vắc xin lưu động, sử dụng xe tiêm vắc xin lưu động (sau khi tiếp nhận) ở các khu vực rộng rãi (nếu điểm lưu động có động đối tượng tiêm) và tổ chức tiêm vắc xin kể cả sau 18 giờ; đơn giản hóa một số thủ tục không thực sự cần thiết trong tiêm vắc-xin.
Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Y tế và UBND các huyện, thành phố.
3. Các nhiệm vụ an ninh trật tự:
3.1. Chủ động xây dựng và thực hiện các phương án bảo đảm an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật; không để xảy ra lợi dụng tình trạng dịch bệnh Covid-19 để vi phạm pháp luật.
3.2. Tăng cường bám sát địa bàn, tuần tra, kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, quản lý chặt chẽ tại các Chốt kiểm soát; phát huy vai trò của công an cấp xã, dân quân tự vệ, hệ thống chính trị ở cơ sở để hỗ trợ người dân theo phương châm “gần dân, an dân”.
3.3. Xử lý nghiêm tất cả các vi phạm trong phòng, chống dịch Covid-19, tuyệt đối không bao che; giao Công an tỉnh kịp thời, khẩn trương điều tra, khởi tố các vụ án làm lây lan dịch bệnh nếu đủ điều kiện theo quy định.
Cơ quan chủ trì thực hiện: Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và UBND các huyện, thành phố.
4. Về đảm bảo cung ứng và lưu thông hàng hóa:
4.1. Tạo điều kiện cao nhất để lưu thông hàng hóa bảo đảm an toàn, liên thông, thống nhất, thông suốt giữa các tỉnh, thành phố và địa bàn nội tỉnh; có biện pháp kiểm soát chặt chẽ tại điểm đầu và điểm cuối trong chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa, vận chuyển.
4.2. Huy động sự tham gia của lực lượng Công an, Quân đội trong vận chuyển, cung ứng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm khi cần thiết. Trước mắt, giao Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải chuẩn bị sẵn sàng 01 đội xe vận chuyển hàng hóa thiết yếu (khoảng 50 xe, tải trọng tối thiểu 15 tấn/xe) để vận chuyển hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân trong tỉnh trong trường hợp dịch lan rộng.
4.3. Chuẩn bị thiết lập một số kho, bãi tập trung để dự trữ và trung chuyển hàng hóa thiết yếu trong tỉnh (tại thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc, huyện Đức Trọng...).
4.4. UBND các huyện, thành phố xây dựng phương án sẵn sàng phát phiếu cho người dân đi chợ vào ngày chẵn, lẻ khi có chỉ đạo của UBND tỉnh; bắt buộc tiểu thương tại các chợ đeo kính chắn giọt bắn trong quá trình giao dịch với khách hàng.
4.5. Yêu cầu nhân viên bán hàng tại các cửa hàng xăng dầu phải mặc đồ bảo hộ y tế trong suốt thời gian giao dịch với khách hàng.
4.6. Tổ chức sản xuất nông nghiệp hợp lý, đảm bảo cung ứng kịp thời, đầy đủ rau, củ, quả cho nhân dân trên địa bàn tỉnh và các địa phương vùng dịch.
4.7. Thường xuyên kiểm tra, giám sát giá cả hàng hóa trên thị trường; kịp thời phát hiện các trường hợp găm hàng, tăng giá và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định, đảm bảo ổn định giá cả thị trường.
Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường tỉnh và UBND các huyện, thành phố.
5. Bảo đảm an sinh xã hội, ổn định sản xuất kinh doanh:
5.1. Chăm lo sức khỏe và đời sống nhân dân, đặc biệt là người có công, gia đình chính sách, người nghèo, phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người neo đơn không nơi nương tựa, người khuyết tật, người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn, người mất việc làm do dịch bệnh và lực lượng tuyến đầu chống dịch; tiếp tục hỗ trợ cho người dân, người lao động, người sử dụng lao động kịp thời, hiệu quả; thường xuyên rà soát, cập nhật không bỏ sót đối tượng Căn cứu trợ, tuyệt đối không để ai bị thiếu ăn, thiếu mặc.
5.2. Thực hiện khẩn trương Nghị quyết số 68-NQ/CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 1900/QĐ-UBND ngày 20/7/2021 của UBND tỉnh về chính sách hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
5.3. Bảo đảm cung ứng, hỗ trợ kịp thời lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm trực tiếp đến người dân ở khu vực phong tỏa.
5.4. Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, thiết lập, tăng số lượng đường dây nóng hoạt động 24/24 giờ và công bố rộng rãi để người dân trong tỉnh kịp thời thông tin, đề nghị hỗ trợ về chăm sóc y tế và an sinh xã hội, gồm:
- Đường dây nóng hỗ trợ y tế (Sở Y tế phụ trách tiếp nhận thông tin).
- Đường dây nóng hỗ trợ an sinh xã hội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phụ trách tiếp nhận thông tin).
- Công khai và duy trì 24/24 giờ số điện thoại của Bí thư, Chủ tịch cấp xã để tiếp nhận thông tin hỗ trợ người dân trên địa bàn gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19.
5.5. Thực hiện điều chỉnh giảm giá nước sạch sinh hoạt, điện sinh hoạt, cước phí dịch vụ viễn thông, vận động các chủ nhà trọ miễn, giảm, giãn, hoãn tiền thuê nhà trọ cho người lao động và học sinh, sinh viên (nếu có) trên địa bàn tỉnh.
5.6. Chuẩn bị sẵn sàng phương án miễn, giảm, giãn, hoãn nghĩa vụ thuế cho các tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
5.7. Rà soát thực hiện giảm lãi suất, khoanh giãn nợ đối với một số tổ chức, cá nhân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
5.8. Thực hiện tốt công tác hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, nhân dân trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư và sản xuất kinh doanh.
5.9. Tiếp tục rà soát, đề xuất tỉnh ban hành bổ sung các chính sách hỗ trợ đối với lực lượng tham gia phòng, chống dịch và người dân, nhất là các đối tượng khó khăn để không ai bị bỏ lại phía sau.
5.10. Yêu cầu các lực lượng hoạt động tập trung để làm công tác xã hội, thiện nguyện phải thực hiện nghiêm quy định 5K trong suốt quá trình hoạt động.
5.11. Các tổ chức chính trị, xã hội và các đoàn thể phát huy vai trò, có giải pháp quan tâm chăm lo cho đoàn viên, hội viên gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19; đồng thời, tích cực hưởng ứng phong trào hướng về đồng bào vùng dịch; Hội Chữ Thập đỏ tỉnh phối hợp với các đoàn thể tổ chức hỗ trợ suất ăn miễn phí, các siêu thị “0 đồng”, phiên chợ “0 đồng” cho các đối tượng gặp khó khăn.
Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Y tế, Sở Công Thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư; Cục Thuế tỉnh; Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh và các Ngân hàng Thương mại; Hội Chữ thập đỏ tỉnh; các tổ chức đoàn thể và UBND các huyện, thành phố.
6. Nhiệm vụ về truyền thông, công nghệ thông tin:
6.1. Tăng cường và đa dạng hóa các biện pháp, hình thức truyền thông, tạo hiệu ứng lan tỏa, nâng cao nhận thức, truyền cảm hứng cho nhân dân tin tưởng, đồng thuận, đồng lòng với các biện pháp phòng chống dịch; tăng thời lượng tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, cách làm hay, đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, kích động, đưa tin sai sự thật về phòng, chống dịch Covid-19.
6.2. Tăng cường hệ thống truyền thông ở cơ sở, phát huy vai trò đội ngũ tuyên truyền viên, hệ thống loa truyền thanh ở xã, phường, thị trấn thường xuyên đọc các bản tin tuyên truyền, phổ biến, vận động người dân; phát huy tốt nội dung tuyên truyền qua tờ rơi đã cấp cho từng hộ gia đình, lái xe, phụ xe,...
6.3. Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc truy vết, xét nghiệm, tiêm chủng và phòng, chống dịch.
6.4. Tuyên truyền về hiệu quả của công tác tiêm chủng, chất lượng và sự an toàn của các chủng loại vắc xin; lộ trình và đối tượng được tiêm vắc xin.
6.5. Sở Tư pháp tổ chức in ấn tài liệu tuyên truyền (Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, của Thủ tướng Chính phủ; Công điện của Thường trực Ban Bí thư; Nghị quyết của Chính phủ; Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 02/8/2021 của Tỉnh ủy và Kế hoạch này) để cấp đến từng cơ quan, đơn vị, thôn, tổ dân phố, khu dân cư trên địa bàn tỉnh.
Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tư pháp; Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Lâm Đồng và UBND các huyện, thành phố.
7. Về bảo đảm hậu cần:
7.1. Thực hiện các hình thức, cơ chế mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị, phương tiện phục vụ phòng chống dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 79/NQ-CP ngày 22/7/2021 của Chính phủ, bảo đảm số lượng hợp lý, kịp thời, minh bạch, hiệu quả, không để tiêu cực, thất thoát, lãng phí.
7.2. Ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ chi hoạt động thường xuyên; kinh phí phòng, chống dịch Covid-19 được chuyển nguồn sang năm tiếp theo, kinh phí cho các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết được điều chỉnh để chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.
7.3. Chủ động cân đối ngân sách, tăng nguồn dự phòng và nguồn chi khác để đảm bảo phục vụ kịp thời công tác phòng, chống dịch bệnh. Nghiên cứu đề xuất chế độ chính sách cho một số lực lượng tham gia phòng chống dịch Covid-19 chưa được hưởng các chế độ hỗ trợ hiện nay.
7.4. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh làm việc với Học viện Lục quân để có phương án sẵn sàng hỗ trợ lực lượng, phương tiện phục vụ công tác phòng chống dịch.
7.5. Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Tỉnh đoàn Lâm Đồng vận động thành lập đội xe cấp cứu tình nguyện (khoảng 50 xe 7 chỗ) để hỗ trợ người dân khi có nhu cầu.
Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Tài chính, Sở Công Thương, Sở Giao thông vận tải; Tỉnh đoàn Lâm Đồng; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và UBND các huyện, thành phố.
8. Về tổ chức, nhân lực:
8.1. Kiện toàn, nâng cao năng lực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp; có bộ phận thường trực chỉ đạo, điều phối 24/24 giờ, tổ chức theo từng nhóm về chuyên môn, hậu cần, nhân lực, truyền thông, giao thông vận tải, cứu trợ, hỗ trợ.
8.2. Huy động cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở y tế, cá nhân trên địa bàn tham gia hoạt động phòng, chống dịch và thực hiện các biện pháp bảo đảm các điều kiện phòng bệnh cho người được huy động (bao gồm cả tiêm chủng và trang thiết bị phòng hộ cá nhân) theo hướng dẫn, điều phối của Bộ Y tế.
8.3. Rà soát, đánh giá lực lượng đội ngũ y tế của tỉnh để có kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực, trình độ phục vụ công tác phòng chống dịch.
Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Nội vụ, Sở Y tế, các tổ chức đoàn thể và UBND các huyện, thành phố.
V. Tổ chức thực hiện:
1. Sở Y tế:
1.1. Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này.
1.2. Kịp thời tham mưu triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh phù hợp với diễn biến tình hình thực tế của địa phương và theo từng cấp độ nguy cơ của dịch bệnh.
1.3. Tham mưu đầu tư nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống tiêm chủng tại địa phương và tổ chức triển khai Chiến dịch theo đúng số lượng vắc xin được cấp, không được để lãng phí bất cứ nguồn vắc xin nào, đảm bảo an toàn tiêm chủng.
2. Các sở, ban, ngành cấp tỉnh: tiếp tục nêu cao vai trò, trách nhiệm trong việc chủ động thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch này; tổng hợp các khó khăn, vướng mắc hoặc các nội dung vượt thẩm quyền, báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền kịp thời xem xét, giải quyết.
3. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị xã hội: Phối hợp, hỗ trợ, giám sát các sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thành phố trong quá trình thực hiện Kế hoạch này.
4. UBND các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc: Xây dựng kế hoạch - hướng dẫn cụ thể, chi tiết phù hợp với tình hình địa phương để tổ chức triển khai việc thực hiện Kế hoạch này.
Với tinh thần đảm bảo sức khỏe và an toàn tính mạng cho người dân là trên hết, trước hết và cấp bách, đề nghị các địa phương và các ngành triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch này./-
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.