ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 5025/KH-UBND |
Phú Thọ, ngày 3 tháng 11 năm 2016 |
PHÁT TRIỂN LÀNG NGHỀ NÔNG THÔN TỈNH PHÚ THỌ GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
Căn cứ Quyết định số 185/QĐ-UBND ngày 21/01/2016 của UBND tỉnh Phú Thọ về việc duyệt Quy hoạch phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản tỉnh Phú Thọ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;
Căn cứ kết quả phát triển làng nghề nông thôn giai đoạn 2011 - 2015, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng và ban hành Kế hoạch phát triển làng nghề nông thôn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2016 - 2020. Nội dung cụ thể như sau:
KẾT QUẢ PHÁT TRIỂN LÀNG NGHỀ NÔNG THÔN GIAI ĐOẠN 2011 - 2015
- Công tác quản lý điều hành: Tỉnh Phú Thọ sớm phê duyệt Quy hoạch, Kế hoạch tổng thể về phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn, Chương trình bảo tồn làng nghề trên địa bàn tỉnh và ban hành nhiều Văn bản chỉ đạo điều hành, thường xuyên hướng dẫn, tăng cường quản lý về làng nghề, ngành nghề nông thôn;
- Công tác thông tin tuyên truyền: Thực hiện tốt các nội dung tuyên truyền về phát triển làng nghề nông thôn thông qua các phương tiện thông tin đại chúng (Đài PT và TH tỉnh, Báo), khẩu hiệu, tờ rơi, các hội nghị, hội thảo...;
- Công tác đào tạo, tập huấn, ứng dụng khoa học công nghệ: Công tác đào tạo nghề cho lao động trong làng nghề được chú trọng triển khai nhằm trang bị những kiến thức cơ bản nhất trong quá trình làm nghề, công tác tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật ứng dụng khoa học công nghệ được quan tâm thực hiện thông qua các chương trình: khuyến công, khuyến nông, xây dựng nông thôn mới...;
- Công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu sản phẩm: Hàng năm các làng nghề phát triển tốt, có các sản phẩm tiêu biểu đều được lựa chọn tham gia các Hội chợ trưng bày, giới thiệu sản phẩm. Qua đó nhiều làng nghề đã tìm được thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định và bước đầu xây dựng thương hiệu sản phẩm làng nghề;
- Công tác kiểm tra, giám sát: Phát triển làng nghề nông thôn thường xuyên được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo, kiểm tra, giám sát. Qua đó kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc và đề xuất sửa đổi cơ chế chính sách phù hợp với địa phương;
- Công tác thẩm định, xét công nhận làng nghề nông thôn: Ủy ban nhân dân tỉnh thường xuyên quyết định kiện toàn Hội đồng thẩm định xét cấp bằng công nhận làng nghề nông thôn với thành viên Hội đồng là lãnh đạo các sở, ngành liên quan; Hội đồng đã thực hiện tốt nhiệm vụ của mình trong việc khảo sát, thẩm định, đề nghị công nhận mới các làng nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh.
II. KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC LÀNG NGHỀ NÔNG THÔN
1. Tình hình hoạt động của các làng nghề
Đến hết năm 2015 toàn tỉnh có 69 làng nghề nông thôn được công nhận; tổng số lao động trong các làng nghề là 30.740 lao động (tăng 14.550 lao động so với năm 2011); tổng doanh thu của các làng nghề là 1.141,15 tỷ đồng. Các làng nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh có 4 nhóm chính:
- Nhóm làng nghề chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản: Hết năm 2015, có 38 làng nghề (tăng 21 làng nghề so với năm 2011), có 16.685 lao động tham gia hoạt động nghề (tăng 9.512 lao động so với năm 2011). Các sản phẩm chủ yếu như: Chè đen, chè xanh, bún, mì, bánh các loại...; tổng doanh thu của các làng nghề đạt 452,75 tỷ đồng(1); thu nhập bình quân của người lao động đạt 2 triệu đồng/người/tháng;
- Nhóm làng nghề thủ công mỹ nghệ (đồ gỗ, mây tre đan, dệt may...): Hết năm 2015 có 20 làng nghề (tăng 4 làng so với năm 2011), có 10.125 lao động tham gia hoạt động nghề (tăng 2.248 lao động so với năm 2011). Các sản phẩm chủ yếu như: Đồ mộc gia dụng, nón lá truyền thống, quần áo thổ cẩm, ván ép...; tổng doanh thu của các làng nghề trong nhóm năm 2015 đạt 488,7 tỷ đồng([1]); thu nhập bình quân của người lao động đạt 3,5 triệu đồng/người/tháng;
- Nhóm làng nghề xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng: Hết năm 2015 có 2 làng nghề; có 370 lao động tham gia hoạt động nghề, sản phẩm chủ yếu là: Vật liệu xây dựng, dịch vụ xây dựng...; tổng doanh thu của các làng nghề trong nhóm năm 2015 đạt 21 tỷ đồng; thu nhập bình quân của người lao động đạt 4 triệu đồng/người/tháng;
- Nhóm làng nghề gây trồng, kinh doanh sinh vật cảnh: Hết năm 2015 có 9 làng nghề (tăng 7 làng nghề so với năm 2011), có 3.560 lao động tham gia hoạt động nghề (tăng 2.790 lao động so với năm 2011), sản phẩm chính là: Hoa, cây cảnh...; tổng doanh thu của các làng nghề trong nhóm năm 2015 đạt 178,7 tỷ đồng(2); thu nhập bình quân của người lao động đạt 3 triệu đồng/người/tháng.
(Chi tiết các làng nghề có Phụ lục I, II đính kèm)
2. Kết quả hỗ trợ phát triển làng nghề nông thôn
- Hỗ trợ công nhận 32 làng nghề mới với tổng kinh phí 1.000 triệu đồng;
- Hỗ trợ 60 lượt làng nghề tham gia trưng bầy, giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại tại các Hội chợ với tổng kinh phí hỗ trợ 640 triệu đồng;
- Hỗ trợ đào tạo nghề cho 2.169 lao động trong làng nghề, kinh phí hỗ trợ là 4.620 triệu đồng;
- Hỗ trợ các làng nghề về máy móc, trang thiết bị, phát triển sản xuất, xây dựng nhãn hiệu thông qua các chương trình: Xây dựng nông thôn mới, khuyến nông, 135, 30a... với tổng kinh phí 5.680 triệu đồng.
1. Kết quả đạt được
- Các làng nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh phát triển tương đối đa dạng và ổn định; tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động ở nông thôn, nâng cao thu nhập, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn;
- Một số sản phẩm làng nghề có mẫu mã, chất lượng phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, góp phần thúc đẩy phát triển ngành dịch vụ, du lịch của tỉnh;
- Phát triển làng nghề nông thôn đã góp phần tăng giá trị sản xuất hàng hóa; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
2. Một số hạn chế
- Quy mô sản xuất các làng nghề nhỏ, manh mún; nguồn vốn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh ít, khả năng huy động vốn hạn chế; nguyên liệu phục vụ cho sản xuất của một số làng nghề khó khăn như: gỗ, mây tre...;
- Sản phẩm của các làng nghề hầu hết chưa có nhãn hiệu hàng hóa(3), chưa đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ. Chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, thị trường tiêu thụ sản phẩm hẹp, chủ yếu vẫn là thị trường nội địa(4);
- Vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường tại một số làng nghề còn hạn chế, hạ tầng làng nghề chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ.
3. Nguyên nhân
- Nguyên nhân khách quan: Phú Thọ là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, số lượng làng nghề nông thôn còn ít, hoạt động phân tán, chủ yếu tập trung tại các khu vực đông dân cư có điều kiện kinh tế xã hội phát triển. Ngân sách tỉnh hỗ trợ các hoạt động phát triển làng nghề hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển.
- Nguyên nhân chủ quan
Sự quan tâm của một số địa phương đối với hoạt động phát triển làng nghề còn hạn chế; nhận thức của một bộ phận cán bộ và nhân dân về vai trò của làng nghề chưa toàn diện;
Việc áp dụng các chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn gặp nhiều khó khăn; chưa có chính sách đặc thù, cụ thể khuyến khích các làng nghề phát triển.
Điều kiện làm việc tại các làng nghề còn nhiều khó khăn, thu nhập của người lao động thấp, các chế độ về bảo hộ lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động chưa được quan tâm đúng mức. Số lượng nghệ nhân, thợ có tay nghề giỏi ít, chưa được thường xuyên đào tạo.
Các làng nghề chưa quan tâm chú trọng đến công tác xây dựng và phát triển nhãn hiệu, hoạt động bảo hộ sở hữu trí tuệ. Các sản phẩm của làng nghề chưa được quảng bá rộng rãi và tính cạnh tranh của sản phẩm chưa cao.
KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN LÀNG NGHỀ NÔNG THÔN GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
I. DỰ BÁO TÌNH HÌNH TÁC ĐỘNG ĐẾN PHÁT TRIỂN LÀNG NGHỀ
- Thuận lợi
Phát triển nông nghiệp, nông thôn nói chung, phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn nói riêng luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo sát sao. Tỉnh đã phê duyệt quy hoạch phát triển nông, lâm, thủy sản đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 là một trong những cơ sở để chỉ đạo đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp trong giai đoạn 2016 - 2020.
Phú Thọ là tỉnh thuộc vùng trung du miền núi, có lợi thế về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển các mặt hàng nông sản với nhiều sản phẩm phong phú và đa dạng.
Việc mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế với các nước trong khu vực và trên thế giới đã tạo cơ hội lớn cho sản phẩm làng nghề có điều kiện mở rộng thị trường tiêu thụ và tăng khả năng xuất khẩu nhất là những sản phẩm đặc trưng của các vùng miền, hàng thủ công mỹ nghệ có nguyên liệu xuất xứ từ thiên nhiên, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
- Khó khăn
Quá trình hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế, bên cạnh những thuận lợi cũng phải đối diện với nhiều thách thức và khó khăn, đặc biệt là rào cản kỹ thuật về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm dẫn đến việc tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn và cạnh tranh ngày càng cao.
Nội lực kinh tế của tỉnh còn hạn chế, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp chưa được nhiều, nguồn lực hỗ trợ phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Chất lượng nguồn nhân lực của làng nghề nông thôn còn thấp, tỷ lệ lao động được đào tạo mang tính chuyên nghiệp còn ít; sự liên kết giữa các cơ sở sản xuất trong làng nghề còn hạn chế; bên cạnh đó môi trường một số làng nghề, khu vực có nghề đang có nguy cơ bị ô nhiễm.
1. Mục tiêu chung
Phát triển ngành nghề nông thôn với quy mô, trình độ công nghệ ngày càng tiên tiến; chú trọng phát triển làng nghề với các sản phẩm là thế mạnh của tỉnh, có giá trị kinh tế cao, gắn sản xuất làng nghề với các hoạt động du lịch, văn hóa, lễ hội truyền thống của tỉnh từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
Huy động mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế tham gia phát triển làng nghề, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
2. Mục tiêu cụ thể
- Tiếp tục củng cố và phát triển các làng nghề nông thôn đã được UBND tỉnh quyết định công nhận, đảm bảo các làng nghề hoạt động hiệu quả;
- Công nhận mới tối thiểu 15 làng nghề nông thôn, bình quân 3 làng nghề/năm (chi tiết theo Phụ lục III đính kèm);
- Hỗ trợ 20 làng nghề xây dựng nhãn hiệu hàng hóa và đăng ký các hình thức bảo hộ sở hữu trí tuệ; hỗ trợ xử lý ô nhiễm môi trường cho các làng nghề có nguy cơ ô nhiễm môi trường.
1. Đối với các làng nghề đã được UBND tỉnh quyết định công nhận
1.1. Củng cố, tạo điều kiện hỗ trợ để các làng nghề phát triển
- Về ứng dụng công nghệ vào sản xuất: Khuyến khích các hộ gia đình, cơ sở sản xuất thuộc làng nghề phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa phát huy thế mạnh của mỗi làng nghề; phát triển mô hình liên kết sản xuất nhằm tập trung đầu mối quản lý và thực hiện có hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đối với các làng nghề thủ công mỹ nghệ (nghề mộc, mây tre đan...): Khuyến khích các hộ gia đình, cơ sở sản xuất thuộc làng nghề đầu tư máy móc thiết bị hiện đại như máy bào, máy đục, máy mài, máy khoan, máy cuốn... kết hợp với kỹ thuật truyền thống nhằm tạo ra các sản phẩm có độ tinh xảo cao.
Đối với các làng nghề chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản: Đẩy mạnh hoạt động chuyển giao, ứng dụng công nghệ kỹ thuật, đưa các máy móc tiên tiến vào sản xuất; phát triển các làng nghề gắn với vùng nguyên liệu; sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường sinh thái.
- Xây dựng nhãn hiệu hàng hóa và đăng ký các hình thức bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm của làng nghề: Thường xuyên tổ chức tuyên truyền cho các cơ sở sản xuất và làng nghề về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xây dựng các hình thức bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các nhãn hiệu sản phẩm của làng nghề. Dự kiến giai đoạn 2016 - 2020 hỗ trợ xây dựng 20 nhãn hiệu sản phẩm làng nghề tập trung vào các sản phẩm có thị trường tiêu thụ ổn định như: chè xanh, đồ mộc, nón lá...;
- Cải thiện mẫu mã, chất lượng sản phẩm: Khuyến khích các làng nghề chủ động đa dạng hóa và đổi mới mẫu mã, chất lượng sản phẩm nhằm thỏa mãn nhu cầu cho mọi đối tượng tùy theo thị hiếu của người tiêu dùng ở từng khu vực thị trường, nhất là người tiêu dùng nước ngoài. Các sản phẩm như: Nón lá, quần áo thổ cẩm, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm đan lát...;
- Bảo vệ môi trường làng nghề: Cần tăng cường công tác tuyên truyền Luật bảo vệ môi trường nhằm nâng cao nhận thức trách nhiệm về công tác bảo vệ môi trường, nhất là đối với cơ sở sản xuất và người dân làng nghề.
Đối với các nghề, làng nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cần: Tuân thủ quy trình xử lý khí thải, nước thải và thu gom rác thải, chất thải rắn trong làng nghề, khu vực có nghề; đưa các quy định cụ thể về môi trường vào hương ước, quy ước của làng để các cơ sở sản xuất, hộ làm nghề thực hiện. Huy động các nguồn lực nhằm cải tiến, áp dụng các thiết bị công nghệ tiên tiến trong sản xuất giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
- Đối với các làng nghề hoạt động khó khăn, không ổn định(5): Đề nghị các làng nghề đề xuất với chính quyền, cơ quan chức năng nhằm tháo gỡ khó khăn cho các làng nghề. Đồng thời, tuyên truyền, vận động các cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ gia đình trong làng nghề cố gắng giữ gìn nghề. Trường hợp không thể hoạt động, không đảm bảo các tiêu chí làng nghề thì giải thể, thu hồi giấy công nhận theo quy định.
1.2. Phát triển làng nghề gắn với cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp
Phát triển các làng nghề theo hướng hình thành các cụm công nghiệp làng nghề, gắn với các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp hiện có trên địa bàn tỉnh phù hợp với quy hoạch tổng thể của tỉnh và các quy hoạch liên quan. Chuyển một số làng nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường vào các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp để xử lý ô nhiễm môi trường tập trung.
Xây dựng và phát triển các làng nghề đã quy hoạch nhằm khai thác tối đa lợi thế về quỹ đất và giao thông. Bố trí lại và tận dụng tối đa mặt bằng sản xuất, xây dựng nhà xưởng hợp lý, vừa phục vụ sản xuất, vừa thuận lợi cho quá trình giao thương, và có không gian cần thiết giới thiệu sản phẩm cho khách tham quan.
(chi tiết theo Phụ lục IV đính kèm)
1.3. Phát triển làng nghề gắn với du lịch
Xây dựng những làng nghề có điều kiện lợi thế về vị trí địa lý, có các sản phẩm đặc trưng bố trí gắn với các tuyến du lịch trên địa bàn tỉnh như:
- Tuyến du lịch Việt Trì - Xuân Sơn (Việt Trì - Thanh Sơn - Tân Sơn): Tập trung phát triển các làng nghề phục vụ du lịch tại huyện Thanh Sơn, Tân Sơn, giới thiệu các sản phẩm làng nghề: Rau Tân Đức, chè Địch Quả, chè Văn Luông, quần áo thổ cẩm Kim Thượng (Tân Sơn);
- Tuyến du lịch Việt Trì - Đảo Ngọc (Việt Trì - Tam Nông - Thanh Thủy): Phát triển các sản phẩm làng nghề: Sản phẩm đan lát Thanh Uyên, mộc Hiền Quan, sơn Tam Nông, tương làng Bợ, sinh vật cảnh Tân Phương (Thanh Thủy);
- Tuyến du lịch Việt Trì - Phù Ninh - Đoan Hùng (đi Tuyên Quang, Yên Bái): Giới thiệu các sản phẩm làng nghề: Bún bánh Hùng Lô, nón lá Gia Thanh, chè Phú Hộ, mộc Vân Du, sinh vật cảnh Hùng Long;
- Tuyến du lịch Đền Hùng - Đền Mẫu Âu Cơ, đầm Ao Châu (Việt Trì - Lâm Thao - Cẩm Khê - Hạ Hòa): Tập trung phát triển các làng nghề, giới thiệu các sản phẩm làng nghề: Tương Dục Mỹ, rắn Tứ Xã, nón lá Sai Nga, mỳ bún bánh Hiền Đa, chè Hạ Hòa.
2. Đối với các làng nghề xây dựng mới: Căn cứ điều kiện cụ thể, lợi thế của từng địa phương, khả năng truyền nghề, phát triển nghề... Xây dựng và đề nghị công nhận mới các làng nghề trong giai đoạn 2016 - 2020, tập trung 02 nhóm nghề ưu tiên, cụ thể:
- Nhóm nghề chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản: Dự kiến công nhận mới 11 làng nghề.
Xây dựng và phát triển các làng nghề chế biến chè an toàn, ứng dụng công nghệ tiên tiến, tuân thủ các quy định trong quá trình sơ chế, chế biến, gắn với vùng nguyên liệu, tập trung tại các huyện: Phù Ninh, Thanh Ba, Yên Lập, Tân Sơn, Hạ Hòa.
Phát triển nghề chế biến lâm sản theo hướng: Chế biến nguyên liệu gỗ phục vụ xuất khẩu; chế biến gỗ thanh và ván bóc, tập trung tại các huyện: Hạ Hòa, Đoan Hùng.
Xây dựng các làng nghề chế biến nông sản có máy móc, thiết bị chế biến hiện đại nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm với các sản phẩm đặc trưng như: bánh chưng, bánh giầy, nấm, mộc nhĩ... tại thành phố Việt Trì, huyện Lâm Thao.
- Nhóm nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ (đồ gỗ, mây tre đan...): Dự kiến công nhận mới 4 làng nghề.
Phát triển và nâng cấp về độ tinh xảo đối với các sản phẩm mộc theo hướng hàng hóa chất lượng cao tại huyện Thanh Ba, phát triển sản phẩm nón lá phục vụ du lịch tại huyện Cẩm Khê.
IV. MỘT SỐ GIẢI PHÁP TẬP TRUNG CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN
1. Về thông tin tuyên truyền
Tiếp tục tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển ngành nghề nông thôn bằng nhiều hình thức, trên các phương tiện thông tin đại chúng để các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân biết và thực hiện.
2. Về phát triển nguồn nguyên liệu
- Ưu tiên phát triển các nguồn nguyên liệu có thế mạnh của Phú Thọ như nguyên liệu họ tre (giang, nứa, luồng...), nguyên liệu mây, nguyên liệu gỗ, nguyên liệu chè... để phát triển các làng nghề nông thôn. Khai thác, tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương và sử dụng hợp lý, có hiệu quả;
- Khi quy hoạch vùng nguyên liệu cần tạo mối quan hệ gắn kết giữa việc đầu tư phát triển nguyên liệu với cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp và làng nghề.
3. Về phát triển nguồn nhân lực
- Chú trọng thực hiện thường xuyên việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với các nghề, làng nghề. Đào tạo nguồn nhân lực thông qua việc tập huấn, bồi dưỡng, hướng dẫn kỹ thuật của chương trình khuyến nông, khuyến công, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới...;
- Tăng cường đào tạo kiến thức về kỹ thuật và thiết kế sản phẩm cho thợ thủ công; tổ chức các hoạt động hỗ trợ thiết kế cho các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; đối với làng nghề có biện pháp khuyến khích các nghệ nhân, thợ giỏi trong và ngoài tỉnh kèm cặp, bồi dưỡng truyền nghề cho lực lượng lao động trẻ thông qua các lớp đào tạo, tập huấn...;
- Chủ động tìm kiếm, phối hợp với các chương trình, dự án quốc tế để thu hút các chuyên gia và các tình nguyện viên về phát triển ngành nghề nông thôn, các chuyên gia về phát triển sản phẩm, chuyên gia kỹ thuật sản xuất và thị trường nhằm hỗ trợ cho đội ngũ giảng dạy các cơ sở dạy nghề và các làng nghề trên địa bàn tỉnh (JICA, EMPRETEC...).
4. Về huy động nguồn lực
- Phát huy tối đa nội lực của nhân dân địa phương và các thành phần kinh tế; đa dạng hóa các hình thức huy động vốn như: Vốn nhàn rỗi trong dân, vốn tín dụng, vốn hỗ trợ của doanh nghiệp và các nguồn vốn khác...;
- Khuyến khích, vận động các cơ sở sản xuất thuộc làng nghề tăng vốn đầu tư nhằm mở rộng sản xuất, đầu tư máy móc hiện đại để phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh; đề nghị hệ thống ngân hàng, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đẩy mạnh cho vay đầu tư phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn, triển khai thực hiện có kết quả chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ.
V. NHU CẦU KINH PHÍ HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN LÀNG NGHỀ GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
1. Nhu cầu kinh phí
Khái toán nhu cầu kinh phí hỗ trợ phát triển làng nghề nông thôn giai đoạn 2016 - 2020 là 18.860 triệu đồng (bình quân 3.772 triệu đồng/năm).
2. Nội dung hỗ trợ
- Hỗ trợ thẩm định, công nhận mới làng nghề nông thôn: 550 triệu đồng. (kinh phí theo Quyết định số 3529/2003/QĐ-UB ngày 21/10/2003 của UBND tỉnh Phú Thọ về chính sách khuyến khích phát triển làng nghề trên địa bàn tỉnh);
- Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: 4.550 triệu đồng (kinh phí hỗ trợ theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, bố trí cho lao động trong làng nghề);
- Tập huấn, bồi dưỡng cán bộ làng nghề: 1.560 triệu đồng (kinh phí từ nguồn ngân sách tỉnh);
- Hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu sản phẩm làng nghề: 600 triệu đồng (kinh phí hỗ trợ theo chương trình của Sở Khoa học và Công nghệ);
- Hỗ trợ xử lý môi trường làng nghề: 4.000 triệu đồng (kinh phí từ nguồn ngân sách tỉnh);
- Hỗ trợ phát triển sản xuất làng nghề: 6.000 triệu đồng (kinh phí từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và chương trình khuyến công tỉnh Phú Thọ đến năm 2020 theo Quyết định số 1666/QĐ-UBND ngày 22/7/2014 của UBND tỉnh);
- Hỗ trợ kinh phí tham gia hội chợ: 1.600 triệu đồng (kinh phí từ nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ hàng năm tham gia Hội chợ Làng nghề Việt Nam, do Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức).
3. Bố trí và sử dụng kinh phí
Giao Sở Tài chính chủ trì, hàng năm cân đối các nguồn kinh phí, căn cứ các nội dung đề xuất trong kế hoạch trình UBND tỉnh xem xét, quyết định để tổ chức thực hiện.
(Chi tiết theo Phụ lục V đính kèm)
1. Sở Nông nghiệp và PTNT: Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh hướng dẫn thực hiện kế hoạch phát triển các làng nghề giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh, các chính sách có liên quan đến làng nghề; đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, đặc biệt là nâng cao tay nghề cho thợ kỹ thuật, phát triển đội ngũ nghệ nhân có tay nghề cao.
Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan thẩm định, trình UBND tỉnh công nhận làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh.
Tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh chỉ đạo các nội dung tăng cường quản lý làng nghề, ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Tổng hợp kết quả thực hiện kế hoạch, báo cáo UBND tỉnh.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và PTNT cân đối nguồn lực hỗ trợ cho các dự án, các chính sách hỗ trợ phát triển làng nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh.
3. Sở Tài chính: Hàng năm xây dựng kế hoạch sử dụng kinh phí phục vụ phát triển làng nghề nông thôn trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.
4. Sở Khoa học và Công nghệ: Chủ trì hướng dẫn đăng ký sở hữu trí tuệ đối với làng nghề nông thôn đặc trưng, có lợi thế của tỉnh. Đẩy mạnh hoạt động chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cho các làng nghề nông thôn, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu hàng hóa. Bố trí kinh phí cho các đề tài nghiên cứu ứng dụng cải tiến mẫu mã, bao bì, đóng gói... cho sản phẩm làng nghề.
5. Sở Công Thương: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT trong việc thực hiện Kế hoạch. Hàng năm, lựa chọn và hỗ trợ thực hiện mô hình trình diễn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật từ nguồn kinh phí khuyến công. Đẩy mạnh công tác hỗ trợ, tìm kiếm thị trường cho sản phẩm làng nghề, hình thành các trung tâm giới thiệu sản phẩm làng nghề trong đó có làng nghề nông thôn.
6. Sở Tài nguyên và Môi trường: Xây dựng kế hoạch quản lý, bảo vệ môi trường tại các làng nghề, cơ sở ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh đảm bảo phù hợp với Kế hoạch phát triển làng nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020. Rà soát, hỗ trợ các làng nghề xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề.
7. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội: Tổng hợp kế hoạch và hướng dẫn triển khai, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác đào tạo nghề, truyền nghề từ 3 tháng đến 1 năm.
8. Cục Thống kê tỉnh: Căn cứ danh mục ngành nghề nông thôn theo quy định, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu theo dõi về ngành nghề, làng nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh.
9. Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Phú Thọ: Chỉ đạo các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi để các chủ dự án, các cơ sở sản xuất kinh doanh trong làng nghề được vay vốn và được hưởng những ưu đãi về tín dụng theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn.
10. Sở Thông tin và Truyền thông: Chỉ đạo Cổng giao tiếp điện tử tỉnh, trang thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước trên địa bàn, Đài truyền thanh, truyền hình cấp huyện tăng cường tin, bài tuyên truyền nhằm thúc đẩy phát triển làng nghề nông thôn của tỉnh.
11. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Phú Thọ: Phối hợp với các sở, ngành liên quan đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, giới thiệu phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn, giới thiệu các sản phẩm và các chuyên đề phục vụ phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn.
12. UBND các huyện, thành, thị:
- Xây dựng kế hoạch chi tiết phát triển làng nghề nông thôn giai đoạn 2016-2020 và từng năm đảm bảo phù hợp với kế hoạch của tỉnh; ngoài các làng nghề nông thôn trong lộ trình theo kế hoạch này, các huyện, thành, thị xây dựng kế hoạch lựa chọn thêm các làng nghề nông thôn để chỉ đạo, phấn đấu công nhận nhằm đạt và vượt kế hoạch đề ra;
- Chỉ đạo lồng ghép có hiệu quả các chương trình, dự án trên địa bàn; huy động các nguồn lực từ cộng đồng dân cư kết hợp với nguồn kinh phí được hỗ trợ để phát triển các làng nghề theo quy hoạch, kế hoạch được duyệt;
- Định kỳ sơ kết, tổng kết, đánh giá việc thực hiện kế hoạch, báo cáo UBND tỉnh theo quy định.
Yêu cầu Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc kế hoạch nêu trên./.
Nơi nhận: |
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.