ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4763/KH-UBND |
Quảng Nam, ngày 21 tháng 7 năm 2023 |
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NỘI DUNG “CẢI THIỆN DINH DƯỠNG” THUỘC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NĂM 2023
Căn cứ Quyết định số 1768/QĐ-BYT ngày 30/6/2022 của Bộ Y tế ban hành hướng dẫn thực hiện nội dung “Cải thiện dinh dưỡng” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 2873/QĐ-UBND ngày 25/10/2022 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch số 2053/KH-UBND ngày 07/4/2023 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Nam năm 2023; Quyết định số 987/QĐ-UBND ngày 17/5/2023 của UBND tỉnh về phân bổ kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023;
UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện nội dung "Cải thiện dinh dưỡng" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Nam năm 2023, cụ thể như sau:
I. MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU
1. Mục tiêu chung
Cải thiện tình trạng dinh dưỡng và giảm suy dinh dưỡng thấp còi, chăm sóc sức khỏe, nâng cao thể trạng và tầm vóc của trẻ em dưới 16 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và trẻ em sinh sống trên địa bàn các huyện nghèo.
2. Mục tiêu cụ thể, chỉ tiêu năm 2023
a) Mục tiêu cụ thể 1: Hạ xuống mức thấp các thể thiếu dinh dưỡng ở trẻ em dưới 16 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và trẻ em sinh sống trên địa bàn các huyện nghèo.
Các chỉ tiêu năm 2023 như sau:
- Phấn đấu giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể thấp còi sinh sống trên địa bàn các huyện nghèo xuống 1% so với năm 2022.
- Phấn đấu giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể gầy còm sinh sống trên địa bàn các huyện nghèo xuống từ 0,7%-1% so với năm 2022.
- Phấn đấu giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ học đường từ trên 5-16 tuổi thể thấp còi sinh sống trên địa bàn các huyện nghèo xuống 1% so với năm 2022.
b) Mục tiêu cụ thể 2: Cải thiện tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ em dưới 16 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; trẻ em, phụ nữ mang thai và cho con bú sinh sống trên địa bàn các huyện nghèo.
Các chỉ tiêu năm 2023 như sau:
- Tối thiểu 60% trẻ em dưới 16 tuổi suy dinh dưỡng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được bổ sung đa vi chất dinh dưỡng.
- Tối thiểu 60% phụ nữ mang thai sinh sống trên địa bàn các huyện nghèo được cung cấp viên đa vi chất từ khi phát hiện mang thai đến 01 tháng sau sinh.
c) Mục tiêu cụ thể 3: Bảo đảm ứng phó về phòng, chống suy dinh dưỡng trong tình huống khẩn cấp cho hộ gia đình nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo trên địa bàn các huyện nghèo.
Các chỉ tiêu năm 2023 như sau:
- Tăng tỷ lệ trẻ em 6-23 tháng tuổi sinh sống trên địa bàn các huyện nghèo ăn bổ sung đúng tối thiểu 5% so với năm 2022.
- Tỷ lệ hộ gia đình nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo được cung cấp các sản phẩm dinh dưỡng trong tình huống khẩn cấp trên địa bàn các huyện nghèo đạt tối thiểu 80%.
II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI THỰC HIỆN
1. Đối tượng hỗ trợ trực tiếp
- Trẻ em dưới 16 tuổi, phụ nữ mang thai và cho con bú, hộ gia đình, cơ sở y tế, trường học trên địa bàn các huyện nghèo.
- Trẻ em dưới 16 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo ở các huyện còn lại.
2. Phạm vi thực hiện:
Thực hiện trên địa bàn các huyện: Nam Trà My, Bắc Trà My, Nam Giang, Phước Sơn, Đông Giang, Tây Giang, Tiên Phước, Hiệp Đức, Quế Sơn, Nông Sơn, Thăng Bình, Duy Xuyên, Đại Lộc.
III. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG
1. Nhóm hoạt động chung
Tham gia các cuộc họp, hội thảo chuyên đề, hội nghị tập huấn; sơ kết… do Trung ương tổ chức. Thành phần gồm lãnh đạo và chuyên viên Sở Y tế, lãnh đạo và các chuyên viên của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.
Số đợt tham gia: 3-5 đợt trong năm 2023.
2. Nhóm hoạt động cụ thể
2.1. Hoạt động can thiệp phòng chống suy dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai và cho con bú, trẻ em từ 0 đến 16 tuổi.
Tuyến huyện có trách nhiệm triển khai các hoạt động can thiệp phòng chống suy dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai, bà mẹ đang cho con bú, trẻ em từ 0-16 tuổi trên địa bàn huyện theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Sở Y tế, cụ thể như sau:
a) Cung cấp các dịch vụ tư vấn dinh dưỡng cho bà mẹ từ lúc mang thai cho đến khi trẻ được 2 tuổi.
Thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 3598/BYT-BM-TE ngày 29/4/2021 của Bộ Y tế về hướng dẫn xây dựng và triển khai Chương trình “Chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời” và tài liệu “Hướng dẫn tư vấn dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời” của Viện Dinh dưỡng và các văn bản hiện hành.
b) Cung cấp sắt cho trẻ em gái vị thành niên, phụ nữ có thai
Thực hiện theo hướng dẫn tại Quyết định số 4944/QĐ-BYT ngày 27/11/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn quốc gia về phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng và hướng dẫn của đơn vị chuyên môn trực thuộc Bộ Y tế.
c) Bổ sung Vitamin A cho trẻ em từ 6 đến <60 tháng tuổi, trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng, tiêu chảy, sởi, viêm đường hô hấp cấp và bà mẹ trong 01 tháng sau sinh.
Thực hiện theo hướng dẫn tại Quyết định số 4944/QĐ-BYT ngày 27/11/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn quốc gia về phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng và các hướng dẫn của đơn vị chuyên môn trực thuộc Bộ Y tế.
d) Bổ sung kẽm cho trẻ em bị tiêu chảy cấp
- Liều lượng bổ sung:
+ Trẻ < 6 tháng: 10 mg/ngày x 14 ngày.
+ Trẻ ≥ 6 tháng: 20 mg/ngày x 14 ngày.
Thực hiện theo hướng dẫn tại Quyết định số 4944/QĐ-BYT ngày 27/11/2014 của Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn quốc gia về phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng và Quyết định số 4121/QĐ-BYT ngày 28/10/2009 của Bộ Y tế ban hành Tài liệu hướng dẫn xử trí tiêu chảy ở trẻ em.
e) Cung cấp sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ suy dinh dưỡng
- Cấp phát sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ trên 6 tháng đến 23 tháng tuổi bị suy dinh dưỡng thấp còi bổ sung vào bữa ăn của trẻ.
+ Thực hiện theo hướng dẫn tại Quyết định số 4944/QĐ-BYT ngày 27/11/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn quốc gia về phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng và các hướng dẫn của đơn vị chuyên môn trực thuộc Bộ Y tế. Hàm lượng các vi chất dinh dưỡng đảm bảo theo hướng dẫn nêu trên và các văn bản cập nhật.
+ Kết hợp tư vấn, hướng dẫn sử dụng tại hộ gia đình. Theo dõi, giám sát và báo cáo theo quy định.
- Cấp phát sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ học đường bị suy dinh dưỡng
+ Thực hiện theo hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Y tế.
+ Các trường tổ chức đánh giá tình trạng dinh dưỡng định kỳ để phát hiện trẻ suy dinh dưỡng, lập danh sách, tiếp nhận sản phẩm dinh dưỡng và cấp phát theo đợt. Tổ chức sử dụng sản phẩm dinh dưỡng tại trường, có theo dõi giám sát, báo cáo theo quy định; thực hiện lồng ghép với Chương trình dinh dưỡng học đường do Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện.
f) Phát hiện, điều trị và quản lý suy dinh dưỡng cấp tỉnh ở trẻ em tại cộng đồng
- Đối tượng: Trẻ em từ 0 đến 72 tháng tuổi được chẩn đoán suy dinh dưỡng cấp tính nặng.
- Phác đồ điều trị trẻ bị suy dinh dưỡng cấp tính nặng theo quy định hiện hành và các văn bản cập nhật của Bộ Y tế (nếu có).
- Thực hiện theo hướng dẫn tại Quyết định số 4487/QĐ-BYT ngày 18/8/2016 của Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn chẩn đoán về điều trị bệnh suy dinh dưỡng cấp tính ở trẻ em từ 0 đến 72 tháng tuổi và Quyết định số 3779/QĐ-BYT ngày 26/8/2019 của Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn thực hiện quản lý suy dinh dưỡng cấp tính ở trẻ em từ 0 đến 72 tháng tuổi và hướng dẫn của các đơn vị chuyên môn trực thuộc Bộ Y tế.
g) Tẩy giun định kỳ cho trẻ em dưới 6 tuổi và phụ nữ tuổi sinh đẻ chuẩn bị mang thai
Số lượng cấp phát: Trẻ em 2 đến dưới 6 tuổi, phụ nữ lứa tuổi sinh đẻ tẩy giun 02 lần/năm.
h) Lập kế hoạch và dự trữ nguồn sản phẩm dinh dưỡng cho việc ứng phó với ảnh hưởng thiên tai, thảm họa, dịch bệnh đối với việc chăm sóc dinh dưỡng bà mẹ mang thai và cho con bú, trẻ em
- Số lượng sản phẩm dinh dưỡng: theo nhu cầu thực tế của địa phương.
- Thực hiện theo hướng dẫn kỹ thuật chuẩn bị và ứng phó về dinh dưỡng trong tình huống khẩn cấp và các hướng dẫn của các đơn vị chuyên môn trực thuộc Bộ Y tế.
- Xây dựng kế hoạch ứng phó về dinh dưỡng với khẩn cấp hoặc lồng ghép trong kế hoạch ứng phó về thiên tai thảm họa của tỉnh; có phương án sử dụng các trang thiết bị, vật tư, thuốc, sản phẩm dinh dưỡng nếu không có tình huống khẩn cấp xảy ra một cách phù hợp, hiệu quả, tránh lãng phí.
i) Tăng cường chăm sóc dinh dưỡng cho phụ nữ có thai, bà mẹ cho con bú; tăng cường nuôi con bằng sữa mẹ và ăn bổ sung thông qua các hình thức truyền thông trực tiếp, thực hành dinh dưỡng tại Trạm y tế xã, phường, thị trấn, thôn bản.
Thực hiện theo Quyết định số 4128/QĐ-BYT ngày 29/7/2016 của Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản; Công văn số 3598/BYT-BM-TE ngày 29/4/2021 của Bộ Y tế về hướng dẫn xây dựng và triển khai Chương trình “Chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời” của Bộ Y tế và các hướng dẫn khác của các đơn vị chuyên môn trực thuộc Bộ Y tế.
j) Tổ chức thực hiện bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng và giáo dục dinh dưỡng cho học sinh bán trú/nội trú.
- Thực hiện theo các hướng dẫn chuyên môn của ngành Y tế và ngành Giáo dục và Đào tạo.
- Phối hợp giữa ngành Giáo dục và Đào tạo và ngành Y tế, lập kế hoạch, tập huấn cho các cán bộ triển khai dự án về tổ chức bữa ăn học đường, các kiến thức và kỹ năng giáo dục dinh dưỡng học đường, đẩy mạnh chất lượng giáo dục dinh dưỡng chính khóa và các hình thức ngoại khóa phù hợp với điều kiện địa phương. Cán bộ y tế có vai trò tham gia hướng dẫn chuyên môn và giám sát hoạt động cho các trường học triển khai bữa ăn bán trú và công tác giáo dục dinh dưỡng trong trường học, phối hợp với giáo dục dinh dưỡng tại gia đình. Triển khai các mô hình tạo nguồn thực phẩm tại chỗ ở địa phương thông qua kết hợp với các dự án thành phần khác của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
k) Tư vấn dinh dưỡng về chăm sóc dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực, phòng chống suy dinh dưỡng và thiếu vi chất dinh dưỡng tại trường học.
- Thực hiện theo các hướng dẫn hiện hành của ngành Y tế và ngành Giáo dục và Đào tạo (Thông tư số 23/2017/TT-BYT ngày 15/05/2017 của Bộ Y tế hướng dẫn việc lập hồ sơ theo dõi sức khỏe, khám sức khỏe định kỳ theo độ tuổi cho trẻ em; tư vấn chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai và trẻ em; Tài liệu hướng dẫn công tác y tế trường học ban hành theo Quyết định số 3822/QĐ-BGDĐT ngày 23/11/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các văn bản cập nhật nếu có).
- Phối hợp giữa ngành Giáo dục và Đào tạo và ngành Y tế, lập kế hoạch và tập huấn cho cán bộ triển khai dự án về dinh dưỡng và hoạt động thể lực hợp lý, các kiến thức và kỹ năng cần thiết để triển khai hoạt động. Ngành Y tế tham gia với vai trò hướng dẫn chuyên môn và giám sát hoạt động. Các cơ sở giáo dục tổ chức các hình thức tư vấn phù hợp, lồng ghép với chăm sóc y tế học đường. Tạo điều kiện cơ sở vật chất để học sinh có thể thực hành dinh dưỡng và hoạt động thể lực hợp lý.
2.2. Hướng dẫn, tổ chức khảo sát, theo dõi, đánh giá tình trạng dinh dưỡng của trẻ em dưới 16 tuổi hàng năm và định kỳ theo kế hoạch.
Thực hiện theo hướng dẫn của các đơn vị chuyên môn trực thuộc Bộ Y tế (tùy theo thực tế, có thể bao gồm: cân đo nhân trắc, xét nghiệm máu, phỏng vấn khẩu phần, chế độ ăn, thói quen tiêu thụ thực phẩm, phỏng vấn thông tin nhân khẩu học, tiền sử nuôi dưỡng, tiền sử bệnh tật...).
2.3. Cung cấp trang thiết bị đánh giá tình trạng dinh dưỡng của trẻ em cho y tế tỉnh, huyện, xã, thôn bản và trường học, cung cấp các dụng cụ thực hành dinh dưỡng, vật tư y tế, thực phẩm bổ sung, tài liệu để triển khai các hoạt động can thiệp tại cộng đồng.
- Tuyến tỉnh: Trang thiết bị cho các huyện theo định mức như sau:
+ Cân 30kg có máng: Huyện nghèo: 2 cái/xã, các huyện còn lại: 01 cái/xã.
+ Cân người lớn 120kg: Huyện nghèo: 4 cái/xã, các huyện còn lại: 2 cái/xã.
+ Mua thước đo 3 mảnh để đo chiều cao, chiều dài nằm: huyện nghèo: 3 cái/xã, các huyện còn lại: 01 cái/xã.
+ Bộ dụng cụ để thực hành chế biến thức ăn: 01 bộ/xã.
- Tuyến huyện: Tùy theo tình hình thực tế các loại trang thiết bị tại mỗi xã và nguồn ngân sách được phân bổ; có thể bố trí kinh phí để mua các trang thiết bị bổ sung cho các địa phương có nhu cầu (những xã còn thiếu do đông dân cư, có nhiều thôn, địa bàn rộng).
2.4. Nâng cao năng lực cho cán bộ y tế tuyến cơ sở, nhân viên y tế thôn bản, y tế trường học, giáo viên, cán bộ làm công tác dinh dưỡng ở trường học và liên ngành khác về cải thiện chăm sóc dinh dưỡng bà mẹ và trẻ em
Tuyến tỉnh:
- Thành phần: Lãnh đạo và chuyên trách dinh dưỡng tuyến huyện, lãnh đạo và chuyên viên Phòng Giáo dục và Đào tạo.
- Nội dung: Theo các hướng dẫn của Viện Dinh dưỡng, Bộ Y tế
Tuyến huyện:
- Tập huấn cho cán bộ dinh dưỡng tuyến xã về hướng dẫn triển khai và các kỹ thuật chuyên môn triển khai hoạt động về dinh dưỡng.
- Tập huấn cho y tế trường học và giáo viên trường học tại các tuyến về hướng dẫn hỗ trợ triển khai hoạt động về dinh dưỡng tại trường học: 01 lớp/huyện tại các huyện nghèo.
- Tập huấn cho cán bộ y tế thôn bản, cộng tác viên dinh dưỡng về hướng dẫn triển khai và các kỹ thuật chuyên môn triển khai hoạt động về dinh dưỡng: 01 lớp/huyện.
- Tùy theo nhu cầu thực tế, tổ chức đào tạo theo phương thức giảng viên trung ương tập huấn cho tỉnh/huyện, cán bộ tuyến tỉnh, huyện tập huấn cho tuyến xã, thôn.
2.5. Hoạt động về truyền thông dinh dưỡng
- Biên tập các nội dung truyền thông tại cộng đồng; nhân bản, phát sóng, phát hành nội dung truyền thông bằng nhiều hình thức và nhiều kênh, bao gồm truyền thông đại chúng, loa đài, báo giấy, tờ rơi, pano, internet - mạng xã hội, phần mềm công nghệ số.
- Tập huấn về kỹ năng truyền thông cho đội ngũ cán bộ y tế và liên ngành làm công tác chăm sóc dinh dưỡng bà mẹ trẻ em cấp huyện/xã/thôn/bản theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến phù hợp với thực tế địa phương và tính chất nội dung đào tạo.
- Tổ chức các buổi truyền thông tại thôn/bản/xã trong “Tuần lễ nuôi con bằng sữa mẹ”, “Tuần lễ Dinh dưỡng và phát triển”, ngày Vi chất dinh dưỡng, ngày tiêm chủng theo điều kiện và kế hoạch của địa phương và dựa trên các công văn hướng dẫn của Bộ Y tế.
2.6. Hoạt động về kiểm tra, giám sát, khảo sát, đánh giá thực hiện
Hoạt động kiểm tra, giám sát và đánh giá thực hiện theo Thông tư số 10/2022/TT-BLĐTBXH ngày 31/5/2022 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn giám sát và đánh giá thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Tuyến tỉnh: Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thực hiện việc theo dõi, kiểm tra, giám sát hoạt động dinh dưỡng tuyến huyện, xã và thôn, bản 01 đợt.
Tuyến huyện:
+ Lập kế hoạch thu thập các thông tin để khảo sát, đánh giá đầu vào cho các huyện, xã can thiệp: Thu thập thông tin dựa vào kết quả cân đo ngày 01-02/6/2022; số liệu cân đo trong hoạt động khám sức khỏe định kỳ tại trường học năm 2022; hằng năm có khảo sát, đánh giá lại và khảo sát, đánh giá cuối kỳ.
+ Tổ chức giám sát và đánh giá việc thực hiện tại Trạm Y tế, trường học và cộng đồng tối thiểu 01 đợt/năm.
IV. KINH PHÍ
Kinh phí thực hiện được bố trí trong dự toán kinh phí tại Quyết định số 987/QĐ-UBND ngày 17/5/2023 của UBND tỉnh về phân bổ kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023.
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Y tế
- Chủ trì, hướng dẫn, triển khai thực hiện Kế hoạch này trên phạm vi toàn tỉnh đảm bảo đạt tiến độ và chỉ tiêu đã đề ra;
- Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch; định kỳ hoặc đột xuất báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) và Bộ Y tế theo quy định.
- Theo dõi, đánh giá tiến độ giải ngân kinh phí của các đơn vị.
2. Sở Giáo dục và Đào tạo
- Đẩy mạnh truyền thông, giáo dục dinh dưỡng, tăng cường hoạt động giáo dục thể chất và thể thao trong trường học.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế tổ chức triển khai, thực hiện, giám sát các hoạt động về dinh dưỡng hợp lý trong trường học, bữa ăn học đường, an toàn thực phẩm, đánh giá tình trạng dinh dưỡng của học sinh, quản lý căn tin trường học, tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh; không quảng cáo và kinh doanh đồ uống có cồn, đồ uống có đường và các thực phẩm không có lợi cho sức khỏe trong trường học và bên cạnh trường học theo quy định.
- Chỉ đạo, đẩy mạnh triển khai các hoạt động liên quan đến dinh dưỡng hợp lý cho học sinh trong Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh theo Kế hoạch số 2442/KH-UBND ngày 21/4/2022 của UBND tỉnh.
3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh tuyên truyền và chỉ đạo việc thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý cho người lao động, đặc biệt là lao động nữ, lao động nữ đang mang thai, đang nuôi con nhỏ, lao động tại các khu/cụm công nghiệp, người lao động làm các nghề, công việc nặng nhọc, đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
4. Sở Thông tin và Truyền thông
- Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các Sở, Ban, ngành liên quan chỉ đạo, tổ chức các hoạt động truyền thông về dinh dưỡng, chú trọng các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức và thực hành dinh dưỡng hợp lý trên các phương tiện thông tin đại chúng.
- Phối hợp với Sở Y tế và các Sở, Ban, ngành liên quan trong việc kiểm soát quảng cáo về dinh dưỡng và thực phẩm.
5. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Chỉ đạo lồng ghép hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” giai đoạn 2022-2030 trên địa bàn tỉnh theo Kế hoạch số 558/KH-UBND ngày 24/01/2022 của UBND tỉnh kết hợp với dinh dưỡng hợp lý nhằm nâng cao sức khỏe và thể lực; phát huy mạnh mẽ phong trào văn hóa - thể thao quần chúng gắn với tăng cường tuyên truyền về lợi ích, tác dụng tích cực của việc rèn luyện thân thể, tập luyện thể dục thể thao thường xuyên đối với sức khỏe dinh dưỡng.
6. Sở Công Thương
Tăng cường quản lý về sản xuất, kinh doanh các sản phẩm không có lợi cho sức khỏe thuộc lĩnh vực quản lý.
7. Sở Tài chính
Hỗ trợ, hướng dẫn Sở Y tế cơ chế tài chính, thanh quyết toán các nguồn vốn ngân sách thực hiện Kế hoạch theo quy định.
8. UBND các huyện liên quan
- Căn cứ nội dung Kế hoạch này, chỉ đạo Trung tâm Y tế phối hợp với các Phòng, Ban liên quan xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ "Cải thiện dinh dưỡng" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn năm 2023.
- Tăng cường các hoạt động truyền thông giáo dục dinh dưỡng trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao kiến thức và thực hành của người dân về nuôi dưỡng trẻ nhỏ, dinh dưỡng hợp lý& để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống suy dinh dưỡng bà mẹ và trẻ em trên địa bàn.
- Định kỳ hoặc đột xuất khi có yêu cầu, tổng hợp báo cáo các hoạt động trên địa bàn theo các biểu mẫu liên quan quy định tại Thông tư số 10/2022/TT-BLĐTBXH ngày 31/5/2022 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về Sở Y tế, UBND tỉnh theo quy định.
Trên đây là Kế hoạch triển khai thực hiện nội dung "Cải thiện dinh dưỡng" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh năm 2023; yêu cầu các Sở, Ban, ngành, địa phương liên quan triển khai thực hiện. Trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch, nếu có vấn đề phát sinh, vướng mắc, đề nghị các Sở, ngành, địa phương, đơn vị phản ánh về Sở Y tế để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.