ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4690/KH-UBND |
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 05 tháng 12 năm 2020 |
TỔ CHỨC GIẢI THƯỞNG SÁNG TẠO THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH LẦN THỨ 2 - NĂM 2021
Căn cứ Quyết định số 4515/QĐ-UBND ngày 04 tháng 12 năm 2020 của Ủy ban nhân dân Thành phố về ban hành Quy chế xét tặng Giải thưởng Sáng tạo Thành phố Hồ Chí Minh; Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Kế hoạch tổ chức Giải thưởng Sáng tạo Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 2 - năm 2021 (gọi tắt là Giải thưởng Sáng tạo) với các nội dung như sau:
1. Mục đích:
- Tôn vinh các tổ chức, cá nhân có các công trình nghiên cứu, giải pháp, tác phẩm sáng tạo đóng góp tích cực cho sự phát triển của Thành phố.
- Tuyên truyền sâu rộng, thúc đẩy tiềm năng và khẳng định năng lực sáng tạo của các tổ chức, cá nhân; phát huy truyền thống sáng tạo của người dân Thành phố góp phần xây dựng và phát triển Thành phố trong tình hình mới.
- Động viên, khuyến khích, tạo điều kiện cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân Thành phố tham gia hưởng ứng các hoạt động sáng tạo nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội và hội nhập quốc tế, đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh.
2. Yêu cầu:
- Hồ sơ đăng ký tham gia Giải thưởng Sáng tạo phải được sự tham gia, hưởng tích tích cực, toàn diện, đầy đủ đối với các nhóm lĩnh vực của Giải thưởng.
- Việc tổ chức xét tặng Giải thưởng phải bảo đảm dân chủ, khách quan, khoa học; bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ của tác giả (nhóm tác giả) và tuân thủ các quy định của pháp luật.
- Các công trình nghiên cứu, giải pháp, tác phẩm đăng ký tham gia Giải thưởng phải có tính mới và đã được ứng dụng vào thực tiễn, có hiệu quả trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh ít nhất 02 năm trở lên, góp phần giải quyết các vấn đề cấp bách trong xây dựng và phát triển Thành phố.
II. HÌNH THỨC TỔ CHỨC GIẢI THƯỞNG SÁNG TẠO THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH LẦN THỨ 2 - NĂM 2021
1. Tên Giải thưởng:
- Tiếng Việt: Giải thưởng Sáng tạo Thành phố Hồ Chí Minh
- Tiếng Anh: HoChiMinh City Creative Awards
2. Thời gian và hình thức tổ chức:
- Thời gian nhận hồ sơ tham gia: từ ngày 15 tháng 12 năm 2020 đến ngày 28 tháng 02 năm 2021.
- Thời gian tổ chức trao Giải thưởng: dự kiến ngày 19 tháng 5 năm 2021.
- Hình thức tổ chức trao Giải thưởng: Lễ công bố và trao tặng Giải thưởng Sáng tạo Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 2 - năm 2021.
III. ĐỐI TƯỢNG, CƠ CẤU, SỐ LƯỢNG, TIÊU CHÍ, HỒ SƠ, QUY TRÌNH XÉT TẶNG GIẢI THƯỞNG
1. Đối tượng đăng ký tham gia Giải thưởng:
Tác giả (nhóm tác giả) của các công trình nghiên cứu, giải pháp, tác phẩm phù hợp với một trong các nhóm lĩnh vực xét tặng Giải thưởng theo quy định tại Điều 5 Quy chế xét tặng Giải thưởng Sáng tạo Thành phố Hồ Chí Minh, đã được áp dụng, triển khai trên địa bàn Thành phố, mang lại hiệu quả.
2. Cơ cấu, số lượng và mức tiền Giải thưởng:
2.1. Cơ cấu Giải thưởng:
Giải thưởng Sáng tạo được xét trao tặng cho các công trình nghiên cứu, giải pháp, tác phẩm theo 07 nhóm lĩnh vực như sau:
- Lĩnh vực phát triển kinh tế: xét tặng cho các công trình nghiên cứu, giải pháp của tác giả (nhóm tác giả), góp phần tích cực trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế Thành phố.
- Lĩnh vực quốc phòng, an ninh: xét tặng cho các công trình nghiên cứu hoặc giải pháp của tác giả (nhóm tác giả), góp phần đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn Thành phố.
- Lĩnh vực quản lý nhà nước: xét tặng cho các công trình nghiên cứu, giải pháp của tác giả (nhóm tác giả) đã góp phần tăng cường hiệu quả của công tác cải cách hành chính; các công trình nghiên cứu, giải pháp của tác giả (nhóm tác giả) nâng cao hoạt động quản lý nhà nước trên các lĩnh vực nhằm xây dựng Thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình và nâng cao sự phục vụ của cơ quan nhà nước đối với yêu cầu của người dân, tổ chức.
- Lĩnh vực truyền thông: xét tặng cho các ứng dụng Thông tin và Truyền thông (ICT) của tác giả (nhóm tác giả) thực hiện tốt công tác truyền thông giữa chính quyền, tổ chức, doanh nghiệp và người dân, có tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng của Thành phố.
- Lĩnh vực văn học nghệ thuật: xét tặng cho các tác phẩm, sáng tác, công trình của tác giả (nhóm tác giả) có tác động tích cực đến việc khơi dậy truyền thống và tinh thần sáng tạo, có giá trị cao về văn học và nghệ thuật góp phần xây dựng và phát triển Thành phố.
- Lĩnh vực khoa học kỹ thuật: xét tặng cho các công trình nghiên cứu, các đề tài của tác giả (nhóm tác giả) đã được ứng dụng trong thực tiễn và đem lại hiệu quả, đóng góp tích cực trong sự nghiệp xây dựng và phát triển Thành phố thông minh, hiện đại.
- Lĩnh vực khởi nghiệp sáng tạo: xét tặng cho các công trình, giải pháp, mô hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tác giả (nhóm tác giả) có hiệu quả cao.
2.2. Số lượng và mức tiền Giải thưởng:
2.2.1. Số lượng Giải thưởng Sáng tạo tối đa là 70 giải, được phân chia theo cơ cấu như sau:
- Lĩnh vực 1 (phát triển kinh tế): 10 giải;
- Lĩnh vực 2 (quốc phòng, an ninh): 05 giải;
- Lĩnh vực 3 (quản lý nhà nước): 20 giải;
- Lĩnh vực 4 (truyền thông): 05 giải;
- Lĩnh vực 5 (văn học nghệ thuật): 10 giải;
- Lĩnh vực 6 (khoa học kỹ thuật): 10 giải;
- Lĩnh vực 7 (khởi nghiệp Sáng tạo): 10 giải.
Tùy tình hình thực tế Ban Tổ chức Giải thưởng có thể tăng hoặc giảm cơ cấu giải thưởng của từng lĩnh vực. Mỗi lĩnh vực có 01 giải Nhất, nhiều giải Nhì và nhiều giải Ba.
2.2.2. Mức tiền thưởng: Giải nhất: 200 triệu đồng; Giải nhì: 150 triệu đồng; Giải ba: 80 triệu đồng
2.2.3. Các tập thể, cá nhân đạt Giải thưởng được Ủy ban nhân dân Thành phố tặng Bằng khen và Biểu trưng Giải thưởng.
3. Quy trình, tiêu chí, hồ sơ xét tặng; đơn vị tiếp nhận hồ sơ:
3.1. Quy trình, tiêu chí, hồ sơ xét tặng:
- Cơ quan Thường trực Giải thưởng xây dựng Thể lệ mẫu cho các lĩnh vực Giải thưởng.
- Cơ quan chủ trì, phụ trách các lĩnh vực Giải thưởng căn cứ Quy chế xét tặng Giải thưởng, Thể lệ mẫu và căn cứ tình hình thực tiễn đối với lĩnh vực phụ trách xây dựng và ban hành Thể lệ xét tặng Giải thưởng phù hợp với từng lĩnh vực được phân công (bao gồm quy trình, thủ tục, tiêu chí, thành phần hồ sơ, thời gian, địa điểm tiếp nhận hồ sơ đăng ký tham gia Giải thưởng ...).
3.2. Đơn vị tiếp nhận hồ sơ đăng ký tham gia Giải thưởng:
- Tác giả (nhóm tác giả) của công trình nghiên cứu, giải pháp, tác phẩm phù hợp với một trong các nhóm lĩnh vực của Giải thưởng nộp hồ sơ đăng ký tham gia Giải thưởng về Cơ quan phụ trách của lĩnh vực tương ứng.
- Mỗi công trình nghiên cứu, giải pháp, tác phẩm chỉ được đăng ký tham dự 01 trong 07 nhóm lĩnh vực quy định tại Điều 5 Quy chế xét tặng Giải thưởng.
1. Thành lập Ban Tổ chức Giải thưởng Sáng tạo:
Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Quyết định thành lập Ban Tổ chức Giải thưởng Sáng tạo, gồm các thành viên sau:
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố, Trưởng ban;
- Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố phụ trách thi đua, khen thưởng, Phó Trưởng ban Thường trực;
- Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Phó Trưởng ban;
- Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng (Sở Nội vụ), Phó Trưởng ban;
Các thành viên, gồm:
- Trưởng ban Ban Tuyên giáo Thành ủy;
- Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thành phố;
- Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố;
- Giám đốc Sở Nội vụ;
- Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao;
- Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư;
- Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông;
- Giám đốc Sở Tài chính;
- Giám đốc Đài Truyền hình Thành phố;
- Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải phóng;
- Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thành phố;
- Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Thành phố.
2.1. Ban Thi đua - Khen thưởng (Sở Nội vụ): là Cơ quan Thường trực Giải thưởng:
- Tham mưu Ban Tổ chức Giải thưởng ban hành Kế hoạch tổ chức, Quyết định công nhận Giải thưởng, Kế hoạch công bố và trao tặng Giải thưởng Sáng tạo.
- Xây dựng Thể lệ mẫu cho các lĩnh vực của Giải thưởng và phối hợp, hỗ trợ các cơ quan được phân công chủ trì các lĩnh vực Giải thưởng ban hành Thể lệ cho từng lĩnh vực cho quá trình tổ chức xét tặng Giải thưởng Sáng tạo.
- Tham mưu Quyết định thành lập Ban Tổ chức, Hội đồng xét tặng Giải thưởng Sáng tạo cấp Thành phố, Hội đồng xét tặng Giải thưởng Sáng tạo các lĩnh vực.
- Chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức họp báo công bố các công trình Sáng tạo đạt giải.
- Xây dựng dự toán và thanh, quyết toán kinh phí tổ chức Giải thưởng Sáng tạo theo quy định.
- Tham mưu, giúp việc cho Ban Tổ chức Giải thưởng và Hội đồng xét tặng Giải thưởng cấp Thành phố trong quá trình tổ chức xét tặng Giải thưởng.
- Tiếp nhận các công trình, giải pháp, tác phẩm do cơ quan chủ trì các lĩnh vực đã đánh giá vòng 1 (sơ tuyển) để trình Hội đồng xét chọn Giải thưởng cấp Thành phố và phối hợp với Báo Sài Gòn Giải phóng thực hiện việc công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng.
2.2. Cơ quan phụ trách các lĩnh vực Giải thưởng Sáng tạo:
2.2.1. Phân công các cơ quan phụ trách các lĩnh vực của Giải thưởng bao gồm:
- Lĩnh vực 1 (phát triển kinh tế): Sở Kế hoạch và Đầu tư;
- Lĩnh vực 2 (quốc phòng, an ninh): Bộ Tư lệnh Thành phố;
- Lĩnh vực 3 (quản lý nhà nước): Sở Nội vụ;
- Lĩnh vực 4 (truyền thông): Sở Thông tin và Truyền thông;
- Lĩnh vực 5 (văn học nghệ thuật): Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Thành phố;
- Lĩnh vực 6 (khoa học kỹ thuật): Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thành phố;
- Lĩnh vực 7 (khởi nghiệp Sáng tạo): Sở Khoa học và Công nghệ.
2.2.2. Cơ quan phụ trách các lĩnh vực có nhiệm vụ:
- Triển khai, tuyên truyền về Giải thưởng Sáng tạo rộng rãi đến các đơn vị, cá nhân trong các ngành, lĩnh vực phụ trách.
- Ban hành Thể lệ dự thi phù hợp với tình hình thực tiễn của lĩnh vực được phân công chủ trì (theo các tiêu chí, thang điểm đã quy định tại Điều 7 Quy chế và Thể lệ mẫu của Cơ quan Thường trực Giải thưởng).
- Tiếp nhận các công trình, giải pháp, tác phẩm tham dự Giải thưởng Sáng tạo theo lĩnh vực được phân công chủ trì và báo cáo Ban Tổ chức Giải thưởng về số lượng hồ sơ đã tiếp nhận đúng thời gian quy định (thông qua Cơ quan Thường trực Giải thưởng).
- Tham mưu, đề xuất Ban Tổ chức Giải thưởng ban hành Quyết định thành lập Hội đồng xét tặng Giải thưởng theo lĩnh vực được phân công chủ trì (thông qua Cơ quan Thường trực Giải thưởng).
- Tổ chức xét giải theo quy trình, tiêu chí và thang điểm cho lĩnh vực được phân công chủ trì theo Thể lệ dự thi.
- Tham mưu và đề xuất các công trình nghiên cứu, giải pháp, tác phẩm đạt từ 75 điểm trở lên theo quy định tại Điều 8 Quy chế và gửi đầy đủ hồ sơ (kèm file điện tử) cho Hội đồng xét tặng Giải thưởng cấp Thành phố (thông qua Cơ quan Thường trực Giải thưởng).
- Phối hợp với Báo Sài Gòn Giải phóng thực hiện việc đưa tin, công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng về các công trình nghiên cứu, giải pháp, tác phẩm đăng ký tham gia Giải thưởng để lấy ý kiến đánh giá của bạn đọc tham khảo trong quá trình xét giải.
- Giải quyết các tranh chấp khiếu nại (nếu có) đối với các công trình, giải pháp, tác phẩm tham dự Giải thưởng Sáng tạo theo lĩnh vực được phân công chủ trì.
2.3. Đề nghị Ban Tuyên giáo Thành ủy:
- Chỉ đạo các cơ quan báo chí Thành phố và đề nghị các cơ quan báo chí Trung ương đóng trên địa bàn Thành phố thực hiện công tác truyền thông Giải thưởng, mở chuyên trang, chuyên mục để thường xuyên đưa tin, tuyên truyền trước, trong và sau khi công bố trao giải; đồng thời, tuyên truyền, quảng bá sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân các công trình, giải pháp, tác phẩm đạt giải tạo lan tỏa rộng rãi trong xã hội.
- Phối hợp với Cơ quan Thường trực Giải thưởng, Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì tổ chức họp báo giới thiệu Giải thưởng và công bố các công trình Sáng tạo đạt giải.
2.4. Sở Tài chính:
- Bố trí kinh phí để thực hiện Kế hoạch tổ chức Giải thưởng và hướng dẫn các đơn vị có liên quan về thực hiện các nội dung chi theo quy định tại Điều 4 Quy chế Giải thưởng Sáng tạo Thành phố Hồ Chí Minh.
- Hướng dẫn Cơ quan Thường trực Giải thưởng thanh, quyết toán theo quy định.
2.5. Sở Thông tin và Truyền thông:
- Phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy chỉ đạo các cơ quan báo chí Thành phố tổ chức tuyên truyền rộng rãi về Giải thưởng Sáng tạo trên các phương tiện truyền thông Thành phố tạo sự lan tỏa trong mọi tầng lớp nhân dân.
- Chỉ đạo Trung tâm báo chí Thành phố bố trí địa điểm, mời các phóng viên các báo đài Trung ương và Thành phố tham dự họp báo công bố Giải thưởng.
- Phối hợp Cơ quan Thường trực Giải thưởng chuẩn bị nội dung tổ chức họp báo và cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí trên địa bàn Thành phố.
2.6. Sở Văn hóa và Thể thao:
- Thực hiện công tác đưa tin cổ động, tuyên truyền về Giải thưởng trước, trong và sau khi công bố trao giải nhằm tạo sự lan tỏa sâu rộng đến tất cả nhân dân.
- Phối hợp Cơ quan Thường trực Giải thưởng chuẩn bị các nội dung (triển lãm, xây dựng kịch bản chi tiết, văn nghệ ...) phục vụ công tác tổ chức Lễ công bố và trao Giải thưởng.
2.7. Báo Sài Gòn Giải phóng:
- Mở chuyên trang, chuyên mục để thường xuyên đưa tin, tuyên truyền trước, trong và sau khi công bố trao giải; đồng thời, tuyên truyền, quảng bá sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân các công trình, giải pháp, tác phẩm đạt giải tạo lan tỏa trong các tầng lớp nhân dân.
- Tổng hợp ý kiến đánh giá của bạn đọc, người dân cho các công trình, giải pháp đăng ký tham gia Giải thưởng và các công trình, giải pháp đã được xét qua vòng sơ tuyển gửi về Ban Tổ chức Giải thưởng (thông qua Cơ quan Thường trực Giải thưởng) và Cơ quan chủ trì, phụ trách các lĩnh vực của Giải thưởng.
2.8. Đài Truyền hình Thành phố, Đài Tiếng nói Thành phố:
- Thực hiện công tác đưa tin, tuyên truyền về Giải thưởng mỗi tháng ít nhất 02 lần trước, trong và sau khi công bố trao giải nhằm tạo sự lan tỏa sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân.
- Đài Truyền hình Thành phố chủ trì, phối hợp Cơ quan Thường trực Giải thưởng chuẩn bị các nội dung (phim phóng sự, phân công người điều hành ...) phục vụ công tác tổ chức Lễ công bố và trao Giải thưởng.
2.9. Nhà Xuất bản Tổng hợp Thành phố:
Chủ trì, phối hợp Cơ quan chủ trì, phụ trách các lĩnh vực của Giải thưởng và Cơ quan Thường trực Giải thưởng thu thập tài liệu, xây dựng kỷ yếu đối với các công trình, giải pháp, tác phẩm đạt Giải thưởng.
2.10. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố, các tổ chức chính trị - xã hội Thành phố; Sở, ban, ngành Thành phố, Tổng Công ty, Công ty thuộc Thành phố; Ủy ban nhân dân các quận huyện và các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố:
- Tuyên truyền, tổ chức triển khai, vận động đoàn viên, hội viên, cá nhân, tập thể thuộc các cơ quan, đơn vị tích cực hưởng ứng về các nội dung của Giải thưởng nhằm tạo sự lan tỏa đến các ngành, các lĩnh vực và mọi tầng lớp nhân dân.
- Chủ động phát hiện, đề xuất, giới thiệu tập thể, cá nhân có các công trình nghiên cứu, giải pháp, tác phẩm Sáng tạo đăng ký tham gia Giải thưởng.
- Từ ngày 05/12/2020 đến ngày 15/12/2020:
+ Tham mưu ban hành Quy chế xét tặng Giải thưởng; Kế hoạch phát động Giải thưởng; Kế hoạch tổ chức xét tặng Giải thưởng; ban hành Quyết định thành lập Ban Tổ chức Giải thưởng.
+ Tổ chức triển khai, đưa tin, tuyên truyền về Giải thưởng.
+ Cơ quan Thường trực Giải thưởng ban hành Thể hệ mẫu và Cơ quan phụ trách các lĩnh vực Giải thưởng xây dựng ban hành Thể lệ xét chọn Giải thưởng đối với lĩnh vực được phân công phụ trách.
- Từ ngày 15/12/2020 đến ngày 28/02/2021:
+ Tiếp nhận hồ sơ đề nghị đăng ký tham gia Giải thưởng;
+ Cơ quan phụ trách các lĩnh vực Giải thưởng đề xuất thành lập Hội đồng xét tặng Giải thưởng của từng lĩnh vực;
+ Cơ quan phụ trách các lĩnh vực Giải thưởng giới thiệu các công trình, giải pháp, tác phẩm đăng ký tham gia Giải thưởng trên Báo Sài Gòn Giải phóng.
+ Tổ chức đưa tin, tuyên truyền về các công trình, giải pháp, tác phẩm đăng ký tham gia Giải thưởng.
- Từ ngày 01/3/2021 đến ngày 31/3/2021: Tổ chức xét sơ tuyển (vòng 1).
- Từ ngày 01/4/2021 đến ngày 15/4/2021:
+ Cơ quan phụ trách các lĩnh vực Giải thưởng gửi hồ sơ được thông qua vòng sơ tuyển về Cơ quan Thường trực Giải thưởng;
+ Giới thiệu các công trình, giải pháp, tác phẩm xét thông qua vòng sơ tuyển trên Báo Sài Gòn Giải phóng.
- Từ ngày 16/4/2021 đến ngày 30/4/2021: Tổ chức xét chung tuyển (vòng 2).
- Từ ngày 01/5/2020 đến ngày 19/5/2021: chuẩn bị các nội dung phục vụ Lễ công bố và trao tặng Giải thưởng Sáng tạo Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 2 - năm 2021. Cụ thể như sau:
+ Họp báo thông tin về các công trình, giải pháp, tác phẩm đạt giải;
+ Tổ chức đưa tin, tuyên truyền về các công trình, giải pháp, tác phẩm đạt giải;
+ Xây dựng kỷ yếu các công trình, giải pháp, tác phẩm đạt giải;
+ Tổ chức thiết kế, triển lãm, giới thiệu về các công trình, giải pháp, tác phẩm đạt giải;
+ Xây dựng phim phóng sự về quá trình tổ chức Giải thưởng;
+ Tham mưu bài phát biểu cho lãnh đạo Thành phố;
+ Xây dựng kịch bản chi tiết Lễ công bố và trao tặng Giải thưởng Sáng tạo Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 2 - năm 2021.
Trên đây là Kế hoạch tổ chức Giải thưởng Sáng tạo Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 2 - năm 2021.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu phát sinh những vướng mắc, khó khăn, đề nghị các thành viên trong Ban Tổ chức, Hội đồng xét chọn Giải thưởng, các cơ quan, tổ chức có liên quan báo cáo, đề xuất Thường trực Ủy ban nhân dân Thành phố để kịp thời chỉ đạo, đảm bảo tổ chức Giải thưởng Sáng tạo Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 2 - năm 2021 đạt kết quả tốt./.
|
CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.