ỦY BAN NHÂN DÂN
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4307/KH-UBND |
Kon Tum, ngày 29 tháng 11 năm 2024 |
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH BÌNH ỔN THỊ TRƯỜNG HÀNG HÓA DỊP TRƯỚC, TRONG VÀ SAU TẾT NGUYÊN ĐÁN ẤT TỴ NĂM 2025
Thực hiện Công điện số 121/CĐ-TTg ngày 26 tháng 11 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh Phát triển thị trường trong nước kích cầu tiêu dùng, Chỉ thị số 12/CT-BCT ngày 20 tháng 11 năm 2024 của Bộ Công Thương về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025;
Xét đề nghị của Liên ngành Sở Công Thương - Sở Tài chính tại Tờ trình số 115/TTr-LN ngày 25 tháng 11 năm 2024, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình bình ổn thị trường hàng hóa dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 với những nội dung cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Cung cấp hàng hóa dồi dào có chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân với giá bình ổn, hợp lý trong giai đoạn nhu cầu tăng cao (như dịp lễ, Tết…) nhằm giảm áp lực về cầu gây tăng giá đột biến ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, góp phần ổn định tình hình kinh tế xã hội của tỉnh.
- Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh gắn liền với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, định hướng, khuyến khích người tiêu dùng có thói quen, ưu tiên sử dụng hàng Việt.
- Thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa tiêu dùng thiết yếu với giá bình ổn tới tay người tiêu dùng nhằm tăng khả năng tiếp cận nguồn hàng bình ổn của nhân dân, đặc biệt đối với vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
2. Yêu cầu
- Hàng hóa phục vụ Chương trình phải đảm bảo chất lượng, rõ nguồn gốc xuất xứ và an toàn vệ sinh thực phẩm; lượng hàng hóa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân trên địa bàn tỉnh, kể cả trong trường hợp biến động thị trường.
- Giá bán các mặt hàng trong Chương trình phải đảm bảo ổn định trước, trong, sau Tết và thực hiện theo giá đăng ký đối với một số mặt hàng thiết yếu trong suốt thời gian thực hiện chương trình, không để khan hàng sốt giá.
- Có sự tham gia tích cực của các Sở, ban ngành, địa phương, bảo đảm quản lý kinh doanh đúng theo quy định của pháp luật, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
II. NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH
1. Tên Chương trình: Chương trình Bình ổn thị trường hàng hóa dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.
2. Doanh nghiệp tham gia
a) Đăng ký tham gia chương trình bình ổn có 02 đơn vị: Siêu thị WinMart, Siêu thị Co.opmart (các đơn vị tham gia không vay vốn ngân sách nhà nước).
b) Tổng lượng hàng hóa tham gia bình ổn: 9.395.866.667 đồng (bảng chi tiết kèm theo), trong đó:
- Siêu thị WinMart: 3.359.766.667 đồng.
- Siêu thị Co.opmart: 6.036.100.000 đồng (Ngoài danh mục hàng tham gia bình ổn Tết trên, đơn vị còn hơn 15.000 mặt hàng dự trữ khác với giá trị khoảng 50.000.000.000 đồng để phục vụ thị trường).
c) Mặt hàng tham gia chương trình
- Thực phẩm công nghệ: Đường, bột ngọt, nước mắm, dầu ăn (46.000 chai/gói); Mì tôm (151.000 gói); Trà, bánh, kẹo, hạt tết các loại (54.000 hộp).
- Lương thực: Gạo, nếp các loại: 2.500 túi.
- Thực phẩm tươi sống: 4.000 kg (thịt heo).
- Thực phẩm chế biến: 20.500 gói.
3. Phương thức bán hàng
Tổ chức theo phương thức bán hàng cố định, bán hàng lưu động.
a) Các điểm bán hàng cố định: Gồm 2 điểm bán hàng cố định trên địa bàn thành phố Kon Tum:
- Siêu thị WinMart: 01 điểm tại tầng 2, Trung tâm thương mại VinCom Plaza, 02 Phan Đình Phùng, phường Quyết Thắng, thành phố Kon Tum.
- Siêu thị Co.opmart: 01 điểm tại 205B Lê Hồng Phong, phường Quyết Thắng, thành phố Kon Tum.
b) Các điểm bán hàng bằng xe lưu động: Xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông; xã Đăk Blô, huyện Đăk Glei; xã Đăk Ring, huyện Kon Plông; thời gian thực hiện theo Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn năm 2025.
4. Nguồn vốn thực hiện chương trình bình ổn
- Nguồn vốn vay từ ngân sách tỉnh: 0 đồng.
- Nguồn vốn của doanh nghiệp: 9.395.866.667 đồng.
- Nguồn vốn vay từ các ngân hàng thương mại: Các doanh nghiệp chủ động tiếp cận vốn vay tại các ngân hàng thương mại (nếu có nhu cầu).
5. Công tác tuyên truyền
- Tại các điểm bán hàng cố định có treo các bảng pa nô, áp phích về chương trình bình ổn, các điểm bán hàng lưu động có treo băng rôn trên các xe bán hàng lưu động, mẫu do Sở Công Thương quy định.
- Các thông tin về chương trình bình ổn được công bố công khai rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng như: báo, đài.
6. Đối tượng và điều kiện doanh nghiệp tham gia Chương trình
a) Đối tượng: Doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã.
b) Điều kiện
- Doanh nghiệp đăng ký phải có chức năng kinh doanh phù hợp với các nhóm hàng trong chương trình.
- Có trụ sở chính, văn phòng tại tỉnh Kon Tum, có hệ thống nhà xưởng kho bãi, phương tiện vận chuyển việc phân phối hàng hóa và bán lưu động theo yêu cầu của chương trình.
- Cam kết có lượng hàng hóa cung ứng cho thị trường với số lượng lớn và xuyên suốt trong thời gian thực hiện. Đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ và nhãn mác sản phẩm. Niêm yết giá và bán theo giá niêm yết đối với các mặt hàng tham gia bình ổn.
- Có kế hoạch tổ chức kinh doanh, tạo nguồn hàng, phát triển mạng lưới bán lẻ đáp ứng được mục tiêu, nhiệm vụ ổn định giá cả hàng hóa.
Ngoài các mặt hàng đăng ký tham gia bình ổn giá, các đơn vị có thể tham gia bán một số mặt hàng khác nhưng phải trưng bày riêng khu vực hàng bình ổn.
Ngoài ra, Ủy ban nhân dân tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đóng trên địa bàn tỉnh tham gia chương trình bình ổn giá nhưng không tạm ứng vốn ngân sách để mở rộng thị trường bình ổn giá, với yêu cầu các doanh nghiệp phải chấp hành các quy định về đăng ký giá, treo biển nhận diện gian hàng bình ổn giá…
7. Quyền lợi và nghĩa vụ của các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn thị trường
a) Quyền lợi
Được các cơ quan, báo chí, đài phát thanh truyền hình quảng bá, thông tin sản phẩm, thương hiệu, hình ảnh doanh nghiệp, địa điểm bán hàng góp phần nâng cao uy tín, chất lượng của đơn vị.
b) Nghĩa vụ
- Đăng ký giá cả, số lượng và địa chỉ cụ thể của từng điểm bán hàng bình ổn giá của doanh nghiệp với liên Sở: Công Thương và Tài chính.
- Tổ chức bán hàng hóa tham gia bình ổn theo Chương trình đã đăng ký, đảm bảo sản phẩm chất lượng, an toàn và cung ứng đầy đủ hàng hóa trong thời gian tham gia bình ổn; giá bán các mặt hàng trong Chương trình phải đảm bảo ổn định trong thời gian tham gia bình ổn. Bố trí hàng hóa ở các vị trí thuận tiện, riêng biệt để người tiêu dùng dễ nhìn, dễ nhận biết và mua sắm.
- Kịp thời cung ứng hàng hóa khi thị trường có biến động bất thường hoặc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền và theo quy định của Chương trình.
- Sau 15 ngày kể từ ngày kết thúc chương trình bán hàng bình ổn giá doanh nghiệp tham gia phải báo cáo kết quả thực hiện theo hướng dẫn của liên ngành: Sở Công Thương - Sở Tài chính.
8. Cơ chế thực hiện Chương trình
a) Nguồn vốn
- Doanh nghiệp chủ động sử dụng từ nguồn vốn tự có.
- Doanh nghiệp thực hiện các thủ tục vay vốn (nếu có nhu cầu) và được đảm bảo giải ngân vốn vay theo quy trình cho vay của các ngân hàng thương mại.
b) Giá bán bình ổn thị trường đối với doanh nghiệp không tham gia vay vốn:
- Về niêm yết giá: Tất cả các mặt hàng bình ổn đều phải được niêm yết giá công khai và thống nhất ở tất cả các điểm tham gia bán hàng bình ổn. Việc niêm yết giá phải rõ ràng, không gây nhầm lẫn cho khách hàng và bán đúng giá đã niêm yết.
- Giá bán hàng hóa: Giá bán hàng bình ổn của các doanh nghiệp tham gia Chương trình phải đảm bảo ổn định trong suốt thời gian tham gia bình ổn, không để khan hàng sốt giá, doanh nghiệp đăng ký giá bình ổn trước khi tham gia Chương trình.
III. THỜI GIAN BÌNH ỔN VÀ KINH PHÍ THỰC HIỆN
1. Thời gian bình ổn
- Siêu thị WinMart tham gia bình ổn thị trường từ ngày 15 tháng 12 năm 2024 đến 15 tháng 02 năm 2025 (tổng số tiền tham gia 3.359.766.667 đồng và không tham gia vay vốn ngân sách nhà nước).
- Siêu thị Co.opmart tham gia bình ổn từ ngày 10 tháng 12 năm 2024 đến ngày 10 tháng 02 năm 2025 (tổng số tiền tham gia 6.036.100.000 đồng và không tham gia vay vốn ngân sách nhà nước).
2. Nguồn kinh phí: Vốn tự có của doanh nghiệp (không sử dụng nguồn ngân sách tỉnh).
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Công Thương
- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và đơn vị liên quan triển khai thực hiện Kế hoạch này; hướng dẫn các doanh nghiệp hoàn thiện các thủ tục đăng ký và tổng hợp đăng ký tham gia chương trình của doanh nghiệp.
- Chủ trì, phối hợp các sở, ngành chức năng, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố theo dõi, kiểm tra kế hoạch dự trữ hàng hóa, hoạt động bán hàng, báo cáo kịp thời tình hình biến động thị trường về Ủy ban nhân dân tỉnh để có hướng xử lý kịp thời.
- Phối hợp với Sở Tài chính, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố kiểm tra tiến độ tạo nguồn hàng thiết yếu của các doanh nghiệp về số lượng, chủng loại, chất lượng hàng hóa tham gia bình ổn, kiểm tra việc niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết, đối với các mặt hàng thiết yếu trong chương trình.
- Phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện, thành phố bố trí các điểm, quầy hàng cho doanh nghiệp bán hàng bình ổn (nếu có).
- Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Kon Tum gắn Chương trình Bình ổn thị trường với Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vay vốn với lãi suất ưu đãi (nếu có).
- Tổng hợp danh sách, các điểm bán hàng của các đơn vị tham gia bình ổn để cung cấp cho cơ quan báo, đài công bố rộng rãi cho các tầng lớp Nhân dân biết, việc thông tin, tuyên truyền đảm bảo chính xác, kịp thời, tránh thông tin sai lệch, gây nên những tin đồn thất thiệt, hoang mang trong dư luận, gây xáo trộn thị trường.
- Định kỳ, tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh về việc triển khai thực hiện Kế hoạch.
2. Đề nghị Cục Quản lý thị trường tỉnh xây dựng và triển khai kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật như: Đầu cơ, găm hàng, kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng gian, hàng giả, hàng không hóa đơn, chứng từ, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không nhãn mác, không đảm bảo an toàn thực phẩm; tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng quy định pháp luật.
3. Sở Tài chính tiếp tục theo dõi, kiểm soát chặt chẽ, giữ ổn định giá đối với các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá. Phối hợp với các ngành tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm pháp luật về giá trong việc không thực hiện niêm yết, kê khai, đăng ký giá đối với những hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu, hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục kê khai giá theo quy định.
4. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
- Tổ chức thông tin, tuyên truyền về Chương trình, doanh nghiệp và điểm bán tham gia Chương trình để người dân trên địa bàn biết để mua sắm.
- Hỗ trợ, bố trí địa điểm phù hợp, tạo điều kiện để doanh nghiệp tham gia Chương trình tổ chức bán hàng cố định và lưu động trên địa bàn.
- Phối hợp trong công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định tại các điểm bán hàng bình ổn thị trường trên địa bàn; công tác quản lý giá, kiểm tra, kiểm soát việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết trên địa bàn. Chủ động thông tin, phối hợp Sở Công Thương, Sở Tài chính xử lý kịp thời những bất ổn trong diễn biến cung - cầu hàng hóa và các trường hợp biến động giá trên địa bàn.
- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tích cực phối hợp, hỗ trợ Sở, ngành và doanh nghiệp tham gia Chương trình thực hiện nhiệm vụ bình ổn thị trường, hỗ trợ hoạt động của các phương tiện vận tải vận chuyển hàng hóa bình ổn thị trường.
5. Đề nghị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Kon Tum
- Chỉ đạo các Ngân hàng thương mại trên địa bàn tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp đã được phê duyệt tham gia Chương trình bình ổn, kể cả các đơn vị ngoài Chương trình nhưng có tham gia chuỗi cung ứng hàng hóa gắn kết với doanh nghiệp bình ổn thị trường để có chính sách cho vay phù hợp; gắn Chương trình bình ổn giá trước, trong và sau tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 trong Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp để đạt kết quả cao nhất.
- Giám sát, kiểm tra, kiểm soát quá trình tham gia Chương trình bình ổn giá của các tổ chức tín dụng, đảm bảo các tổ chức tín dụng thực hiện đúng cam kết khi triển khai thực hiện Chương trình.
6. Đề nghị các doanh nghiệp tham gia Chương trình: thực hiện chế độ báo cáo thường xuyên (02 lần/ tháng vào giữa và cuối mỗi tháng) về tình hình dự trữ, kinh doanh các mặt hàng thiết yếu của doanh nghiệp và báo cáo tình hình thị trường, giá cả, hoạt động mua vào, bán ra những mặt hàng tham gia bình ổn giá về Sở Công Thương, Sở Tài chính để theo dõi, tổng hợp hoặc báo cáo đột xuất theo yêu cầu của cơ quan chức năng khi thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa.
Yêu cầu các đơn vị, địa phương liên quan triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch này; trong quá trình triển khai thực hiện nếu có phát sinh khó khăn, vướng mắc thì kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Công Thương tổng hợp, tham mưu) xem xét, xử lý theo quy định./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
BIỂU TỔNG HỢP DANH MỤC MẶT HÀNG THAM GIA BÌNH ỔN GIÁ
(Kèm theo Kế hoạch số 4307/KH-UBND ngày 29 tháng 11năm 2024 của Uỷ ban nhân dân tỉnh)
STT |
Mặt hàng |
ĐVT |
Số lượng dự trữ |
Trị giá hàng dự trữ (đồng) |
A |
B |
C |
D |
E |
I |
Siêu thị WinMart, Siêu thị Co.opMart |
|
|
9.395.866.667 |
1 |
Gạo, nếp các loại |
Túi |
2.500 |
220.166.667 |
2 |
Mì ăn liền |
Gói |
151.000 |
1.744.100.000 |
3 |
Đường, bột ngọt, nước mắm |
Chai/gói |
32.000 |
1.507.500.000 |
4 |
Dầu ăn |
Chai |
14.000 |
827.200.000 |
5 |
Trà, bánh, kẹo, hạt tết |
hộp |
54.000 |
2.651.900.000 |
6 |
Thực phẩm chế biến |
Gói |
20.500 |
1.722.900.000 |
7 |
Ngành hàng thực phẩm tươi sống |
Kg |
4.000 |
722.100.000 |
|
Tổng Cộng |
|
|
9.395.866.667 |
(Bằng chữ: Chín tỷ, ba trăm chín mươi lăm triệu, tám trăm sáu mươi sáu nghìn, sáu trăm sáu mươi bảy đồng chẵn)
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.