ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 43/KH-UBND |
Tuyên Quang, ngày 06 tháng 3 năm 2025 |
KẾ HOẠCH
PHÒNG, CHỐNG DỊCH, BỆNH TRUYỀN NHIỄM NĂM 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG
Căn cứ Quyết định số 270/QĐ-BYT ngày 22/01/2025 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Kế hoạch Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2025.
Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch Phòng, chống dịch, bệnh truyền nhiễm năm 2025 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, như sau:
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Giảm tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm, khống chế kịp thời dịch bệnh, không để dịch lớn xảy ra góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế, xã hội.
2. Mục tiêu cụ thể
- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và 100% trung tâm y tế huyện, thành phố, thành lập đội cơ động phòng, chống dịch, mỗi đội có từ 05 cán bộ trở lên.
- 100% các ổ dịch cũ dịch bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là các ổ dịch Sốt xuất huyết, bệnh dại được giám sát hằng quý, chủ động phát hiện sớm và xử lý kịp thời, hiệu quả, không để dịch lây lan ra diện rộng, hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả do dịch bệnh gây ra.
- 100% số huyện, thành phố và 20% số xã được giám sát một lượt trong năm.
- 100% cán bộ khoa Kiểm soát dịch bệnh của trung tâm y tế huyện, cán bộ trạm y tế xã, phường được tập huấn “Quy trình xử lý một vụ dịch” và “Quy trình giám sát một số bệnh truyền nhiễm”.
- Khống chế trường hợp tử vong do bệnh truyền nhiễm phổ biến.
- Khống chế, xử lý kịp thời các ổ dịch bệnh sốt xuất huyết, bệnh dại, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp biến chứng nặng hoặc tử vong.
II. MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Công tác tổ chức, chỉ đạo điều hành
- Chỉ đạo thường xuyên, kịp thời công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, trên cơ sở theo dõi chặt chẽ, bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh trong nước và trên thế giới, với quan điểm chủ động “Phòng bệnh từ xa, từ sớm, ngay từ cơ sở”.
- Nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp trong phòng, chống dịch bệnh; đảm bảo chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó với đại dịch hoặc các tình huống khẩn cấp về dịch bệnh với phương châm “4 tại chỗ”; xác định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của y tế cơ sở; củng cố, nâng cao năng lực của hệ thống phòng, chống dịch các tuyến, đặc biệt tại các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, khu vực miền núi, khu vực tập trung đồng bào dân tộc thiểu số và huy động sự tham gia của chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội trong phòng, chống dịch.
- Tăng cường phối hợp giữa ngành y tế với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan để triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm; đẩy mạnh phối hợp giữa ngành y tế, ngành giáo dục trong việc phòng bệnh tại các cơ sở giáo dục, trường học; giữa ngành y tế, ngành nông nghiệp trong việc phòng chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người.
2. Tăng cường công tác chuyên môn kỹ thuật
2.1. Công tác dự phòng, giám sát, kiểm soát bệnh, dịch truyền nhiễm
- Chủ động giám sát các bệnh truyền nhiễm, thực hiện giám sát định kỳ tại tất cả các cơ sở y tế và tại cộng đồng. Phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để tổ chức cách ly, thu dung, điều trị kịp thời. Triển khai điều tra, xác minh, khoanh vùng và xử lý triệt để tất cả các ổ dịch theo đúng quy trình, không để dịch bệnh lan rộng, kéo dài.
- Theo dõi chặt chẽ tình hình các bệnh truyền nhiễm, điều tra kịp thời các yếu tố dịch tễ liên quan đến ca bệnh. Phân tích số liệu giám sát một cách liên tục, hệ thống; dự báo xu hướng phát triển của từng loại bệnh dịch cụ thể ở từng địa phương để có biện pháp phòng, chống chủ động ngay từ đầu.
- Tăng cường năng lực thực hiện công tác kiểm dịch y tế quốc tế, đảm bảo kiểm soát các yếu tố nguy cơ và chủ động phòng chống dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn tỉnh.
- Ứng dụng công nghệ thông tin trong khai báo y tế, sổ sức khỏe điện tử, phần mềm giám sát bệnh truyền nhiễm để phân tích số liệu, báo cáo nhanh, chính xác về tình hình dịch bệnh.
- Tổ chức giám sát trọng điểm một số bệnh truyền nhiễm theo các chỉ số cảnh báo để có biện pháp phòng chống chủ động. Tăng cường hoạt động giám sát các dịch bệnh có tỷ lệ mắc cao hằng năm. Triển khai giám sát dựa vào sự kiện nhằm phát hiện sớm các sự kiện có nguy cơ gây bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, nhằm đáp ứng kịp thời, phù hợp, giảm thiểu tác hại đến sức khỏe cộng đồng.
- Duy trì hoạt động thường xuyên của các tổ, đội phản ứng nhanh tham gia phòng chống dịch bệnh tại địa bàn để kịp thời triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm và các sự kiện y tế công cộng. Tùy vào tình hình, diễn biến dịch bệnh cụ thể, có biện pháp kịp thời nhằm khoanh vùng, khống chế, dập tắt dịch bệnh, không để bùng phát, lây lan trên diện rộng.
- Tổ chức triển khai phong trào vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe Nhân dân; nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về thực hành vệ sinh cá nhân, sử dụng nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh trong công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
- Triển khai biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm cho cộng đồng; tổ chức giám sát nguy cơ, điều tra, xử lý, khắc phục hậu quả ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây truyền qua thực phẩm; tổ chức thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm.
- Thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm theo quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế.
2.2. Công tác tiêm chủng
- Tiếp tục thực hiện tốt công tác tiêm chủng mở rộng, đảm bảo các đối tượng được tiêm đủ mũi, đúng thời gian; thường xuyên rà soát, quản lý đối tượng, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho các trường hợp chưa được tiêm chủng đầy đủ.
- Tổ chức đánh giá nguy cơ, xác định vùng nguy cơ, rà soát đối tượng, xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai chiến dịch tiêm chủng chống dịch để giảm thiểu tối đa nguy cơ lây lan, bùng phát dịch bệnh; tăng cường kiểm tra đảm bảo an toàn tiêm chủng theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Y tế. Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các cơ sở tiêm chủng vắc xin dịch vụ, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêm chủng cho trẻ em ngoài Chương trình tiêm chủng mở rộng, tăng khả năng tiếp cận và hưởng dịch vụ y tế của người dân.
- Tăng cường chất lượng quản lý thông tin tiêm chủng, giám sát an toàn tiêm chủng; giám sát, tổng hợp, thực hiện việc chia sẻ thông tin, phân tích các trường hợp tai biến nặng sau tiêm theo quy định của hệ thống quản lý quốc gia về vắc xin.
2.3. Công tác điều trị
- Tăng cường năng lực thu dung, điều trị người bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh, đảm bảo chất lượng, giảm tối đa biến chứng nặng và hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong. Đảm bảo các điều kiện về trang thiết bị y tế, nhân lực để điều trị cho người bệnh thể vừa và nặng tại Bệnh viện đa khoa tỉnh; nâng cao năng lực điều trị, hồi sức cấp cứu bệnh nhân nặng tại trung tâm y tế tuyến huyện.
- Thường xuyên cập nhật phác đồ chẩn đoán, điều trị một số bệnh dịch cho cơ sở điều trị các tuyến nhằm bảo đảm chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời, đúng phác đồ hạn chế biến chứng nặng và không để tử vong. Phân tuyến điều trị các trường hợp bệnh phù hợp với năng lực của từng tuyến, bảo đảm chuyển tuyến kịp thời, an toàn.
- Thực hiện nghiêm việc sàng lọc, phân loại, phân luồng, kiểm soát triệt để người bệnh tới khám bệnh, chữa bệnh, người đi lại giữa các khoa, phòng để phòng, chống lây nhiễm chéo trong bệnh viện; đảm bảo công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại bệnh viện, nhất là tại các khoa điều trị bệnh nhân nặng; đảm bảo công tác quản lý chất thải, vệ sinh môi trường.
- Tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động khám, chữa bệnh của các phòng khám tư nhân, các cá nhân hành nghề y dược tư nhân.
3. Công tác tập huấn, truyền thông, giáo dục sức khỏe
- Tăng cường công tác truyền thông phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, và truyền thông nâng cao sức khỏe tại cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, chú trọng truyền thông nguy cơ, truyền thông trực tiếp; vận động người dân chủ động, tích cực tham gia vào công tác phòng, chống dịch bệnh. Tăng cường truyền thông, giáo dục sức khỏe, phổ biến kiến thức về chương trình tiêm chủng mở rộng và lợi ích của tiêm chủng phòng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho trẻ em để vận động nhân dân chủ động đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.
- Chủ động cung cấp thông tin về tình hình bệnh truyền nhiễm và các khuyến cáo phòng, chống; thực hiện truyền thông, tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội và qua hệ thống truyền thông cơ sở. Tổ chức triển khai các hoạt động truyền thông đặc thù với từng dịch bệnh truyền nhiễm; tập trung truyền thông phòng bệnh nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi. Quản lý thông tin y tế, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời khi xảy ra các sự cố, tai biến trong công tác phòng chống dịch bệnh và tiêm chủng; phối hợp các cơ quan có trách nhiệm xử lý kịp thời tin đồn, tin giả liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh và tiêm chủng gây hoang mang trong dân.
- Tổ chức các đợt cao điểm truyền thông phòng, chống bệnh truyền nhiễm; các chiến dịch tuyên truyền phong trào vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân và các chiến dịch truyền thông hưởng ứng các ngày phòng, chống dịch bệnh.
- Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn về giám sát, xử lý các loại dịch bệnh và tiêm chủng an toàn cho các đơn vị y tế, nhất là y tế cơ sở; Tập huấn cho cán bộ làm công tác thống kê báo cáo bệnh truyền nhiễm các tuyến về giám sát, thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm; tập huấn cho nhân viên y tế làm việc tại các khoa khám bệnh, khoa nội, truyền nhiễm về công tác kiểm soát nhiễm khuẩn và hướng dẫn chẩn đoán, điều trị các bệnh truyền nhiễm.
4. Công tác phối hợp liên ngành
- Tăng cường phối hợp liên ngành trong giám sát, phát hiện, chia sẻ thông tin và xử lý các loại dịch bệnh, trong công tác thông tin, truyền thông phòng chống dịch bệnh và trong hoạt động giám sát dựa vào sự kiện.
- Đẩy mạnh phối hợp giữa ngành y tế, ngành giáo dục để triển khai hiệu quả các hoạt động: Vệ sinh phòng bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm, cung cấp đủ nước uống, nước sạch và thường xuyên vệ sinh môi trường tại các cơ sở giáo dục, các trường học; tổ chức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của học sinh, cán bộ, giáo viên về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
- Đẩy mạnh phối hợp giữa ngành y tế và các sở, ngành, đơn vị liên quan để triển khai hiệu quả các hoạt động phòng, chống dịch bệnh trên các đàn gia súc, gia cầm, giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch ở động vật để xử lý triệt để ổ dịch và phòng, chống dịch bệnh lây từ động vật, thực phẩm sang người.
5. Đảm bảo nguồn lực, kinh phí cho công tác phòng chống dịch
- Xây dựng kế hoạch, dự toán kinh phí thực hiện công tác giám sát, xử lý chủ động và xử lý dịch. Bám sát thực tế, kịp thời đề xuất bổ sung kinh phí phù hợp với tình hình dịch bệnh và sử dụng kinh phí tiết kiệm, hiệu quả. Huy động các nguồn lực từ các chương trình y tế và các nguồn kinh phí khác cho công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.
- Chuẩn bị đầy đủ phương tiện, trang thiết bị, thuốc, hóa chất, kinh phí, nhân lực phục vụ cho công tác phòng chống dịch.
- Nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cao năng lực các tuyến, bảo đảm đủ năng lực điều tra, chẩn đoán, xử lý các loại dịch bệnh.
6. Công tác kiểm tra, thanh tra
- Tổ chức các đoàn kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng chống dịch bệnh, quản lý sử dụng vắc xin trong tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ, kiểm dịch y tế, truyền thông chỉ đạo tuyến tại các đơn vị, địa phương trong tỉnh.
- Thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh, tập trung vào các dịch bệnh nguy hiểm mới nổi và các bệnh lưu hành có số mắc, tử vong cao trên địa bàn.
- Kiểm tra, giám sát, hỗ trợ kỹ thuật cho các cơ sở điều trị về phân tuyến, phân tầng điều trị, phân luồng khám bệnh, cách ly, triển khai các giải pháp chống lây nhiễm chéo trong cơ sở y tế.
- Phối hợp kiểm tra, thanh tra liên ngành công tác phòng chống dịch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường tại các đơn vị, địa phương.
III. NGUỒN KINH PHÍ THỰC HIỆN
Sử dụng từ nguồn kinh phí ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định và theo phân cấp ngân sách hiện hành.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Y tế
- Chủ trì, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương về công tác chuyên môn; theo dõi việc triển khai công tác phòng chống dịch tại các cơ quan, đơn vị, địa phương; tổng hợp tình hình và kết quả các hoạt động, báo cáo cho Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định. Kịp thời tham mưu, đề xuất nội dung thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
- Theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình các bệnh truyền nhiễm trên địa bàn, nhất là sự gia tăng các trường hợp mắc bệnh lây qua đường hô hấp, viêm phổi nặng do vi rút, các bệnh truyền nhiễm phổ biến như: Sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng, bệnh dại, cúm gia cầm…; chủ động triển khai hiệu quả hoạt động giám sát thường xuyên, giám sát dựa vào sự kiện, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, nghi ngờ mắc bệnh trong cộng đồng, tại các cơ sở y tế để xử lý kịp thời, kiểm soát sự lây lan và hạn chế các trường hợp bệnh nặng, tử vong.
- Đảm bảo tổ chức thực hiện tiêm chủng mở rộng đúng tiến độ và triển khai hiệu quả chiến dịch tiêm chủng phòng, chống dịch Sởi để nhanh chóng kiểm soát tình hình.
- Đảm bảo công tác thu dung bệnh nhân, điều trị kịp thời, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển nặng, tử vong; thực hiện nghiêm các quy trình về sàng lọc, phân luồng, cách ly, đảm bảo phòng, chống nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo và không để xảy ra các ổ dịch trong các cơ sở y tế. Chuẩn bị sẵn sàng phương án trong tình huống gia tăng các trường hợp nhập viện do mắc bệnh truyền nhiễm.
- Đảm bảo công tác hậu cần, kinh phí, thuốc, vắc xin, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, nhân lực theo phương châm 04 tại chỗ; chuẩn bị các phương án đáp ứng với các tình huống có thể xảy ra và sẵn sàng triển khai các đội đáp ứng nhanh phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm.
- Xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ, tổ chức lực lượng, phương tiện ứng trực 24/24 giờ để xử lý kịp thời các tình huống phát sinh và thực hiện nghiêm công tác báo cáo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm theo đúng quy định.
- Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là tiêm chủng vắc xin phòng bệnh truyền nhiễm và các nội dung phòng chống bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi.... Cung cấp các tài liệu chuyên môn phục vụ công tác truyền thông phòng chống dịch cho các cơ quan, đơn vị, địa phương.
- Tham mưu, đề xuất kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh của tỉnh và hướng dẫn kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh cơ sở, đảm bảo đáp ứng yêu cầu trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
- Chủ động phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan liên quan trong việc đề xuất cho Ủy ban nhân dân tỉnh đảm bảo nguồn lực triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh.
- Tổ chức các đoàn liên ngành thường xuyên kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm tại các địa phương, vùng trọng điểm. Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về công tác phòng, chống dịch, tiêm chủng tại các đơn vị, địa phương theo thẩm quyền.
2. Sở Giáo dục và Đào tạo
- Phối hợp với ngành y tế đảm bảo triển khai hiệu quả các hoạt động vệ sinh môi trường, vệ sinh phòng bệnh cá nhân, đảm bảo cung cấp nước sạch, an toàn thực phẩm và tuyên truyền nâng cao nhận thức cho học sinh, cán bộ, giáo viên về phòng, chống bệnh truyền nhiễm tại các cơ sở giáo dục, các trường học.
- Chỉ đạo các cơ sở giáo dục trong và ngoài công lập phối hợp chặt chẽ với ngành y tế trong việc điều tra, rà soát các đối tượng là học sinh, phối hợp trong việc tổ chức tiêm chủng cho trẻ em theo hướng dẫn chuyên môn của ngành y tế; thực hiện tốt công tác y tế trường học, quản lý, tuyên truyền và chăm sóc sức khỏe học sinh.
- Phối hợp với ngành y tế tổ chức tuyên truyền cho giáo viên và học sinh phát hiện sớm bệnh truyền nhiễm và các biện pháp dự phòng; công tác thông tin và xử lý khi có trường hợp mắc bệnh trong trường học; triển khai hiệu quả các chiến dịch tiêm chủng vắc xin cho trẻ em theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
3. Sở Tài chính
Căn cứ vào khả năng cân đối của ngân sách địa phương, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí thực hiện Kế hoạch phòng chống bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh năm 2025 trên cơ sở các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch và đề nghị của các cơ quan, đơn vị có liên quan theo quy định của pháp luật và phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.
4. Sở Nội vụ, Sở Công Thương
- Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tăng cường quản lý, tuyên truyền đến các doanh nghiệp, cơ sở thuộc phạm vi quản lý thực hiện các biện pháp an toàn phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng dẫn của ngành y tế.
- Phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan kịp thời đề xuất tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện cho các đơn vị hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời gian nếu có dịch bệnh xảy ra.
5. Sở Nông nghiệp và Môi trường
- Phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế trong xây dựng kế hoạch, quy chế phối hợp và triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh lây từ động vật sang người theo quy định tại Thông tư liên tịch số 16/2013/TTLT-BYT- BNN&PTNT ngày 27/5/2013; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm ở các khâu, chuỗi thuộc ngành nông nghiệp quản lý để phòng chống dịch bệnh lây sang người. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tích cực phối hợp trong việc chia sẻ thông tin và phối hợp thực hiện các hoạt động phòng chống và xử lý dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người.
- Tổ chức và duy trì các hoạt động kiểm dịch động vật, xử lý triệt để các ổ dịch trên gia súc, gia cầm, chú trọng các bệnh có khả năng lây truyền sang người.
- Tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch cho gia súc, gia cầm để nhân dân chủ động áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch trong chăn nuôi.
6. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
- Phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn và triển khai công tác tuyên truyền tới du khách trong và ngoài nước đến tỉnh về biện pháp phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi.
- Thông tin cho ngành y tế về các đoàn khách du lịch đến từ các quốc gia có dịch; đồng thời phối hợp với ngành y tế kịp thời phát hiện, xử trí các trường hợp du khách có dấu hiệu của bệnh truyền nhiễm.
7. Báo Tuyên Quang, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh
Tăng cường công tác truyền thông kịp thời, chính xác về tình hình dịch, diễn biến của dịch, các biện pháp phòng, chống dịch và các chế tài xử phạt hành chính nếu vi phạm các quy định phòng, chống dịch để người dân biết và thực hiện; kêu gọi người dân đề cao cảnh giác, không hoang mang với dịch bệnh; nâng cao vai trò, trách nhiệm của người dân, cộng đồng, kêu gọi, vận động toàn dân cùng tham gia vào công tác phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh. Công tác truyền thông, tuyên truyền về phòng, chống bệnh truyền nhiễm, tiêm chủng vắc xin, nhất là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tiêu hóa và các bệnh lây truyền từ động vật sang người; cung cấp các khuyến cáo, hướng dẫn người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân, thay đổi hành vi để nâng cao sức khỏe bằng các hình thức phù hợp, lưu ý đối với các nhóm có nguy cơ cao dễ mắc bệnh như trẻ em, người cao tuổi, người có bệnh lý nền với sức đề kháng yếu.
8. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tuyên Quang và các tổ chức thành viên chỉ đạo các cấp hội, đoàn thể vận động đoàn viên, hội viên và người dân tích cực tham gia vào hoạt động phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm; phối hợp chặt chẽ với ngành y tế và các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương các cấp tổ chức thực hiện Kế hoạch này đạt mục tiêu, chỉ tiêu đề ra.
9. Ủy ban nhân dân huyện, thành phố
- Xây dựng, ban hành Kế hoạch phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2025 của địa phương và triển khai các hoạt động phòng chống dịch phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; củng cố các đội cơ động, bố trí đầy đủ nguồn lực, nhân sự, trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh tại địa bàn.
- Kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh cơ sở, đảm bảo đáp ứng yêu cầu trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
- Tổ chức giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm dịch bệnh truyền nhiễm tại cộng đồng, xử lý kịp thời không để dịch bùng phát, lan rộng. Tổ chức triển khai công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn theo phương châm “4 tại chỗ”. Huy động lực lượng của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội tham gia vào công tác phòng chống dịch.
- Tổ chức tuyên truyền để người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng; chủ động đến cơ sở y tế khi có dấu hiệu nghi ngờ và tích cực tham gia, phối hợp trong các hoạt động phòng chống dịch tại cộng đồng.
- Cân đối, bố trí kinh phí theo phân cấp ngân sách hiện hành để thực hiện kế hoạch phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm tại địa phương. Đảm bảo đầy đủ trang thiết bị, vật tư, phương tiện phục vụ phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm tại địa phương theo phương châm “4 tại chỗ”.
Yêu cầu các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố triển khai thực hiện Kế hoạch. Trong quá trình thực hiện, trường hợp phát sinh khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền, kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Y tế để tổng hợp) chỉ đạo, giải quyết./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.