BAN CHẤP
HÀNH TRUNG ƯƠNG |
ĐOÀN TNCS HỒ
CHÍ MINH |
Số: 411-KH/TWĐTN-BTC |
Hà Nội, ngày 25 tháng 8 năm 2021 |
Căn cứ Điều lệ Đoàn và Chương trình công tác toàn khóa của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khóa XI; căn cứ Chỉ thị số 08-CT/TW ngày 20/8/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về lãnh đạo đại hội đoàn các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2022 - 2027, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn ban hành Kế hoạch tổ chức đại hội đoàn các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (gọi tắt là Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII) như sau:
1. Mục đích
- Tạo sự thống nhất và đồng bộ trong quá trình tổ chức Đại hội, Hội nghị Đại biểu (đối với các đơn vị không tổ chức Đại hội) Đoàn các cấp.
- Tổng kết đánh giá việc thực hiện Nghị quyết Đại hội các cấp nhiệm kỳ qua, xây dựng phương hướng hoạt động của nhiệm kỳ mới.
- Kiểm điểm vai trò lãnh đạo của tập thể Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đoàn các cấp và bầu Ban Chấp hành nhiệm kỳ mới đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ và đảm bảo thực hiện có hiệu quả nghị quyết do đại hội đề ra.
2. Yêu cầu
- Quán triệt sâu sắc tư tưởng chỉ đạo của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Chỉ thị số 08-CT/TW ngày 20/8/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của cấp ủy Đảng trong quá trình tổ chức đại hội.
- Công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội đoàn các cấp tiến tới Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII phải thực hiện phương châm kế thừa, đổi mới, sáng tạo, phát huy trí tuệ và trách nhiệm của cán bộ, đoàn viên; phát huy dân chủ đi đôi với giữ vững nguyên tắc; coi trọng chất lượng, hiệu quả, bảo đảm an toàn, thiết thực, hiệu quả.
- Báo cáo chính trị phải đánh giá đúng, thẳng thắn, trung thực, khách quan, toàn diện tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh nhiệm kỳ vừa qua; chỉ rõ ưu điểm, khuyết điểm, nguyên nhân, rút ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Đồng thời, xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhiệm kỳ mới phải sát với tình hình thực tế, có tính khả thi cao để tổ chức thực hiện hiệu quả.
- Đảm bảo nguyên tắc cấp ủy đảng lãnh đạo trực tiếp, toàn diện công tác cán bộ đoàn và quản lý cán bộ đoàn theo quy định về phân cấp quản lý cán bộ; các cấp bộ đoàn tham mưu với cấp ủy phối hợp với Ban Thường vụ đoàn cấp trên trong việc bố trí, sử dụng, điều động cán bộ đoàn cùng cấp. Ban Chấp hành nhiệm kỳ mới phải đặc biệt coi trọng chất lượng, có số lượng và cơ cấu hợp lý; tiêu biểu về trí tuệ, phẩm chất, uy tín, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo trong tình hình mới, thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội đoàn các cấp và Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII. Quá trình chuẩn bị nhân sự phải gắn với củng cố tổ chức cơ sở, nâng cao chất lượng đoàn viên, cán bộ đoàn, gắn với quy hoạch và đào tạo cán bộ.
- Đoàn đại biểu dự đại hội Đoàn cấp trên phải là những đồng chí tiêu biểu về phẩm chất, đạo đức, lối sống, đại diện cho trí tuệ của đoàn viên, thanh niên, có khả năng đóng góp thiết thực, hiệu quả vào sự thành công của đại hội.
- Đại hội đoàn các cấp là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng của tuổi trẻ, nhằm đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết, chương trình hành động đại hội đoàn các cấp và Đại hội toàn quốc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2017 - 2022; xây dựng phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi nhiệm kỳ mới; đồng thời tạo phong trào thi đua sôi nổi, không khí vui tươi, phấn khởi trong đoàn viên, thanh niên; đảm bảo đại hội ở mỗi cấp được tổ chức thiết thực, hiệu quả và tiết kiệm.
- Việc tổ chức đại hội đoàn các cấp tiến tới Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII phải thực hiện đảm bảo các quy định về công tác phòng, chống dịch Covid-19.
1. Các cấp bộ Đoàn tổ chức các hoạt động thi đua rộng khắp trong các cơ sở Đoàn trước, trong và sau đại hội, thể hiện vai trò xung kích, sáng tạo của thanh niên; thực hiện các công trình, hoạt động phong trào thiết thực chào mừng đại hội đoàn các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đoàn.
2. Tổ chức tuyên truyền, giáo dục về lịch sử hào hùng của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, những thành tựu, đóng góp của Đoàn trong tiến trình cách mạng Việt Nam; kết hợp giáo dục truyền thống lịch sử của dân tộc, truyền thống cách mạng của địa phương, đơn vị. Tuyên truyền về các tấm gương anh hùng trẻ tuổi, tấm gương đoàn viên thanh niên và tấm gương cán bộ đoàn, hội tiêu biểu các thời kỳ. Thông qua các hoạt động tuyên truyền, giáo dục về truyền thống, lịch sử của đất nước, của dân tộc nhằm mục đích bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tổ chức đoàn các cấp.
3. Hình thức tuyên truyền cần đa dạng, phong phú; kết hợp giữa tuyên truyền trực quan và tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang tin điện tử, mạng xã hội.
1. Nội dung đại hội đoàn các cấp thực hiện 04 nội dung sau:
(1) Tổng kết việc thực hiện nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ qua và xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi nhiệm kỳ 2022 - 2027.
(2) Thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII và dự thảo văn kiện Đại hội Đoàn cấp trên trực tiếp.
(3) Bầu Ban Chấp hành nhiệm kỳ mới.
(4) Bầu đoàn đại biểu dự Đại hội Đoàn cấp trên.
2. Nội dung Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII thực hiện nội dung (1), (2), (3) và nội dung bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đoàn, thông qua Điều lệ Đoàn sửa đổi (nếu có).
Xây dựng nội dung Hội nghị đại biểu đối với các đơn vị chưa hết nhiệm kỳ thực hiện theo Hướng dẫn tổ chức Đại hội của Ban Bí thư Trung ương Đoàn.
IV. VĂN KIỆN ĐẠI HỘI ĐOÀN CÁC CẤP
1. Dự thảo văn kiện
Dự thảo văn kiện đại hội đoàn các cấp cần bám sát định hướng chung của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn và các yêu cầu cụ thể trong Hướng dẫn tổ chức đại hội đoàn các cấp tiến tới Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII. Dự thảo văn kiện gồm các văn bản sau đây:
- Báo cáo tổng kết công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi nhiệm kỳ 2017 - 2022 và phương hướng công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi nhiệm kỳ 2022 - 2027.
- Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành.
- Nghị quyết Đại hội.
2. Tổ chức thảo luận, góp ý các văn kiện Đại hội
- Quá trình xây dựng dự thảo văn kiện đại hội đoàn các cấp cần nghiêm túc tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của cấp ủy cùng cấp; nghiêm túc tổ chức lấy ý kiến đóng góp của cấp ủy, tổ chức đoàn cấp dưới, của cán bộ lão thành, các đồng chí nguyên là cán bộ đoàn các thời kỳ, các nhà khoa học, nhân sĩ, trí thức, chuyên gia và cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên.
- Để nâng cao chất lượng thảo luận, đóng góp ý kiến vào văn kiện tại đại hội đoàn các cấp, Ban Chấp hành Đoàn các cấp cần chuẩn bị dự thảo nghị quyết Đại hội (gồm những định hướng lớn, nội dung cơ bản của báo cáo chính trị) để Đại hội thảo luận, quyết định. Đại hội đoàn các cấp phải dành thời gian thỏa đáng, phát huy trách nhiệm, trí tuệ của đại biểu trong thảo luận; bảo đảm dân chủ, kỹ lưỡng, sâu sắc, hiệu quả; các ý kiến khác nhau cần dành thời gian thảo luận, tranh luận, làm rõ, đi đến thống nhất trên tinh thần cầu thị, lắng nghe, đoàn kết, xây dựng.
V. CÔNG TÁC CHUẨN BỊ NHÂN SỰ BAN CHẤP HÀNH
1. Tiêu chuẩn Ủy viên Ban Chấp hành
- Nhân sự tham gia Ban Chấp hành đoàn các cấp đảm bảo tiêu chuẩn chung theo Quy chế Cán bộ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh ban hành kèm theo quyết định số 289 QĐ-TW ngày 10/02/2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng.
- Đối với nhân sự tham gia Ban Chấp hành Đoàn các cấp là cán bộ, công chức, viên chức ngoài đảm bảo các tiêu chuẩn chung thì phải đảm bảo các quy định hiện hành về công tác cán bộ của Đảng, Nhà nước và các quy định khác về tiêu chuẩn chức danh theo quy định của địa phương, đơn vị.
- Đối với cán bộ đoàn trong Quân đội, Công an, Ban Bí thư Trung ương Đoàn phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Cục Công tác Đảng và Công tác Chính trị, Bộ Công an hướng dẫn về tiêu chuẩn Ủy viên Ban Chấp hành và theo các quy định về tiêu chuẩn công tác cán bộ của ngành.
2. Độ tuổi bình quân của Ban Chấp hành Đoàn các cấp
- Cấp cơ sở: bình quân không quá 29 tuổi.
- Cấp huyện: bình quân không quá 30 tuổi.
- Cấp tỉnh: bình quân không quá 32 tuổi.
- Cấp Trung ương: bình quân không quá 36 tuổi.
* Đối với Đoàn cơ sở vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo độ tuổi bình quân của Ban Chấp hành có thể cao hơn 01 đến 02 tuổi cho phù hợp với tình hình thực tế.
* Độ tuổi bình quân của Ban Chấp hành trong lực lượng vũ trang (Quân đội nhân dân và Công an nhân dân) theo hướng dẫn riêng của Ban Bí thư Trung ương Đoàn.
3. Số lượng Uỷ viên Ban Chấp hành
a. Chi đoàn và chi đoàn cơ sở
- Có dưới 09 đoàn viên: Đại hội bầu Bí thư; nếu cần thiết thì có thể bầu thêm 01 Phó Bí thư.
- Có từ 09 đoàn viên trở lên: Ban Chấp hành có từ 03 đến 05 Ủy viên, trong đó có Bí thư và 01 Phó Bí thư.
b. Đoàn cơ sở: Ban Chấp hành có từ 05 đến 15 Ủy viên. Nếu Ban Chấp hành có dưới 09 Ủy viên thì có Bí thư và 01 Phó Bí thư; có từ 09 Ủy viên trở lên thì bầu Ban Thường vụ gồm Bí thư, Phó Bí thư và các Ủy viên Thường vụ. Đối với các xã, phường, thị trấn có thể có thêm 01 Phó Bí thư kiêm nhiệm.
c. Đoàn cấp huyện: Ban Chấp hành Đoàn cấp huyện có từ 15 đến 29 Ủy viên; Ban Thường vụ có từ 05 đến 09 Ủy viên; trường hợp đặc biệt do Ban Thường vụ Trung ương Đoàn hướng dẫn. Trong Ban Thường vụ có Bí thư và các Phó Bí thư. Đối với đoàn tương đương cấp huyện có từ 01 đến 02 Phó Bí thư; đối với đoàn các quận, huyện, thị, thành đoàn có thể có thêm 01 Phó Bí thư kiêm nhiệm.
d. Đoàn cấp tỉnh: Ban Chấp hành Đoàn cấp tỉnh có từ 21 đến 41 Ủy viên; Ban Thường vụ có từ 07 đến 13 Ủy viên và tối đa 03 Phó Bí thư.
- Đoàn khối các Cơ quan Trung ương, Đoàn khối các Doanh nghiệp Trung ương, Đoàn Thanh niên Bộ Công an Ban Chấp hành có từ 21 đến 45 Ủy viên; Ban Thường vụ có từ 07 đến 15 Ủy viên và không quá 03 Phó Bí thư.
- Tỉnh đoàn Thanh Hoá, Tỉnh đoàn Nghệ An được phép bầu tối đa 53 Ủy viên Ban Chấp hành, 17 Ủy viên Ban Thường vụ và tối đa 04 Phó Bí thư.
- Thành đoàn Hà Nội, Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh được phép bầu tối đa 59 Ủy viên Ban Chấp hành, 19 Ủy viên Ban Thường vụ và tối đa 04 Phó Bí thư.
e. Cấp Trung ương: Số lượng Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khóa XII căn cứ vào Đề án nhân sự Đại hội được Ban Bí thư Trung ương Đảng phê duyệt.
- Số lượng ứng cử viên trong danh sách bầu cử Ban Chấp hành và Ban Thường vụ khóa mới phải nhiều hơn số lượng cần bầu; số dư tối đa do đại hội (hội nghị) quyết định nhưng không quá 30% số lượng cần bầu, trong đó Ban Chấp hành cấp triệu tập đại hội (hội nghị) chuẩn bị số lượng nhân sự Ban Chấp hành và Ban Thường vụ có số dư từ 10% - 15%. Danh sách ứng cử viên do Ban Chấp hành cấp triệu tập đại hội (hội nghị) chuẩn bị là danh sách đề cử chính thức với đại hội (hội nghị). Bầu chức danh Phó Bí thư ở các cấp nên có số dư.
- Ban chấp hành Đoàn các cấp được xây dựng trên nguyên tắc số lượng hợp lý, đúng quy định; tránh cơ cấu hình thức, nhiều về số lượng nhưng chất lượng không cao, hoạt động không hiệu quả.
4. Cơ cấu Ban Chấp hành Đoàn các cấp
Ban Chấp hành Đoàn các cấp phải bảo đảm hợp lý giữa các cơ cấu:
- Cơ cấu hợp lý giữa các độ tuổi.
- Ủy viên Ban Chấp hành được tái cử và Ủy viên Ban Chấp hành mới.
- Ủy viên Ban Chấp hành là cán bộ chủ chốt, chuyên trách và kiêm nhiệm.
- Ủy viên Ban Chấp hành là cán bộ, đoàn viên thuộc các đối tượng, lĩnh vực (công nhân, nông dân, cán bộ, viên chức, học sinh, sinh viên, công an, quân đội; nhà khoa học trẻ, doanh nhân trẻ, vận động viên trẻ, trí thức trẻ tiêu biểu …).
- Một số tỷ lệ trong Ban Chấp hành cần đảm bảo:
+ Tỷ lệ nữ trong Ban Chấp hành đoàn cấp tỉnh ít nhất 25%, trong Ban Thường vụ ít nhất 15%; đối với đoàn trực thuộc Trung ương, tỷ lệ nữ không thấp hơn nhiệm kỳ trước. Tỷ lệ nữ trong Ban Thường vụ Đoàn từ cấp huyện trở xuống ít nhất 15%; phấn đấu trong thường trực các tỉnh, thành đoàn, đoàn trực thuộc, Đoàn cấp huyện và tương đương có cán bộ nữ.
+ Tỷ lệ Ủy viên Ban Chấp hành là người dân tộc thiểu số: bằng và phấn đấu cao hơn nhiệm kỳ cũ (đối với các địa phương có đông thanh niên dân tộc thiểu số).
Các tỉnh, thành đoàn, đoàn trực thuộc căn cứ tình hình thực tế hướng dẫn cụ thể tỷ lệ nữ, dân tộc… đối với cấp huyện và chỉ đạo cấp huyện hướng dẫn đối với cấp cơ sở theo nguyên tắc bằng và phấn đấu cao hơn nhiệm kỳ cũ.
5. Bầu trực tiếp Bí thư tại Đại hội
Thực hiện bầu trực tiếp Bí thư tại Đại hội ở một số đơn vị theo tỷ lệ sau:
- Cấp tỉnh: ít nhất 15% tổng số đoàn cấp tỉnh.
- Cấp huyện: ít nhất 20% đoàn cấp huyện của mỗi tỉnh.
- Cấp cơ sở (Đoàn cơ sở và Chi đoàn cơ sở): phấn đấu trên 60% đoàn cấp cơ sở, trong đó: phấn đấu trên 90% đoàn cấp cơ sở thuộc khối trường học; doanh nghiệp; công chức, viên chức; lực lượng vũ trang và ít nhất 05% khối địa bàn dân cư.
Ban Thường vụ Đoàn cấp trên trực tiếp lựa chọn, chỉ đạo các đơn vị bầu trực tiếp Bí thư tại Đại hội sau khi có sự thống nhất của cấp ủy cùng cấp.
6. Số lượng đại biểu đại hội đoàn các cấp
Số lượng đại biểu đại hội đoàn các cấp do Ban Chấp hành cấp triệu tập Đại hội quyết định, trong giới hạn sau:
a. Cấp cơ sở:
- Chi Đoàn cơ sở: tổ chức Đại hội đoàn viên.
- Đoàn cơ sở có dưới 120 đoàn viên tổ chức Đại hội đoàn viên (đối với các đơn vị đoàn viên không tập trung, công tác, sinh hoạt ở nhiều địa bàn khác nhau, có thể tổ chức Đại hội đại biểu, do Ban Thường vụ Đoàn cấp trên trực tiếp quyết định).
- Đoàn cơ sở có từ 120 đoàn viên trở lên tổ chức Đại hội đại biểu, số lượng đại biểu triệu tập ít nhất 60 đại biểu; khuyến khích Đoàn cơ sở tổ chức Đại hội đoàn viên.
b. Cấp huyện: từ 120 đến 200 đại biểu.
c. Cấp tỉnh: từ 200 đến 300 đại biểu. Riêng các đơn vị: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Nghệ An, Đoàn Bộ Công an và Ban Thanh niên Quân đội từ 300 đến 450 đại biểu.
d. Cấp Trung ương: dự kiến 1.000 đại biểu.
VI. THỜI GIAN TỔ CHỨC ĐẠI HỘI ĐOÀN CÁC CẤP
Ban Thường vụ Đoàn cấp tỉnh căn cứ tình hình thực tiễn nhiệm kỳ Đại hội của Đoàn cấp huyện và cấp cơ sở trực thuộc để quyết định việc kéo dài hoặc rút ngắn nhiệm kỳ (đối với các đơn vị cần áp dụng quy định kéo dài hoặc rút ngắn nhiệm kỳ), thống nhất đại hội 4 cấp trong năm 2022. Trong trường hợp đặc biệt như thiên tai, dịch bệnh... thời gian tổ chức đại hội đoàn các cấp có thể rút ngắn để phù hợp với tình hình thực tế.
1. Thời gian tổ chức đại hội điểm các cấp
- Đại hội điểm cấp cơ sở: hoàn thành trước ngày 15/02/2022.
- Đại hội điểm cấp huyện: hoàn thành trước ngày 15/4/2022.
- Đại hội điểm cấp tỉnh: hoàn thành trước ngày 15/8/2022.
2. Thời gian tổ chức đại hội đoàn các cấp
- Đại hội cấp cơ sở: không quá 01 ngày, hoàn thành chậm nhất trước ngày 31/5/2022.
- Đại hội cấp huyện: không quá 1,5 ngày, hoàn thành chậm nhất trước ngày 15/8/2022.
- Đại hội cấp tỉnh: không quá 02 ngày, hoàn thành chậm nhất trước ngày 15/10/2022.
- Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh: không quá 2,5 ngày, tiến hành vào tháng 12/2022.
1. Cấp Trung ương
Ban Chấp hành Trung ương Đoàn giao Ban Bí thư Trung ương Đoàn chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nội dung công việc sau:
- Xây dựng các dự thảo văn kiện của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khóa XI trình Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII; dự thảo báo cáo sửa đổi Điều lệ Đoàn và Điều lệ Đoàn sửa đổi (nếu có) để lấy ý kiến tại đại hội đoàn các cấp và lấy ý kiến rộng rãi trong cán bộ, đoàn viên, thanh niên; hoàn thiện trình Ban Chấp hành để Ban Chấp hành trình Đại hội. Ban hành trong quý IV/2021.
- Tham mưu Kế hoạch tuyên truyền đại hội đoàn các cấp, tiến tới Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII. Ban hành trong quý III/2021.
- Xây dựng Đề án tổ chức Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII, nhiệm kỳ 2022 - 2027. Ban hành trong quý III/2021.
- Tham mưu Hướng dẫn tổ chức đại hội đoàn các cấp. Ban hành trong quý III/2021.
- Tham mưu kế hoạch tổ chức Đại hội điểm Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các cấp. Ban hành trong quý III/2021.
- Thành lập Ban Tổ chức và các tiểu ban của Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII. Ban hành trong quý III/2021.
- Theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch này.
2. Các cấp bộ Đoàn từ cơ sở đến cấp tỉnh
- Ban Thường vụ Đoàn các cấp xây dựng đề án hoặc kế hoạch tổ chức Đại hội Đoàn và thành lập các tiểu ban giúp Ban Chấp hành chuẩn bị Đại hội cấp mình (Đoàn cơ sở quy mô đoàn viên nhỏ có thể thành lập các bộ phận hoặc tổ giúp việc).
- Ban Thường vụ các tỉnh, thành đoàn và đoàn trực thuộc xây dựng kế hoạch và chỉ đạo Đại hội điểm đối với các cơ sở đoàn trực thuộc.
- Ban Thường vụ Đoàn cấp dưới báo cáo đề án hoặc kế hoạch tổ chức Đại hội, việc chuẩn bị văn kiện, đề án nhân sự với cấp uỷ Đảng cùng cấp và Ban Thường vụ Đoàn cấp trên. Khi được cấp uỷ Đảng cùng cấp và Ban Thường vụ Đoàn cấp trên đồng ý thì mới tiến hành Đại hội.
- Cấp bộ Đoàn từ cấp huyện trở lên chọn một số cơ sở cấp dưới để chỉ đạo điểm rút kinh nghiệm. Đối với tổ chức Đoàn cơ sở còn yếu kém, cần tập trung củng cố, kiện toàn trước khi tiến hành Đại hội.
- Ban Thường vụ các tỉnh, thành đoàn, đoàn trực thuộc gửi báo cáo kết quả tổ chức đại hội điểm cấp cơ sở trước ngày 20/02/2022, báo cáo kết quả đại hội điểm cấp huyện trước ngày 20/4/2022; báo cáo kết quả tổ chức đại hội đoàn cấp cơ sở trước ngày 05/6/2022, báo cáo kết quả tổ chức đại hội đoàn cấp huyện trước ngày 20/8/2022, báo cáo kết quả tổ chức đại hội đoàn cấp tỉnh trước ngày 20/10/2022.
Căn cứ vào kế hoạch tổ chức Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII, các tỉnh, thành đoàn và đoàn trực thuộc báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của cấp ủy đảng, xây dựng kế hoạch, đề án và chỉ đạo việc tổ chức đại hội đoàn các cấp tại địa phương, đơn vị.
Nơi nhận: |
TM. BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐOÀN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.