ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 41/KH-UBND |
Thanh Hóa, ngày 26 tháng 02 năm 2018 |
PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ TỈNH THANH HÓA NĂM 2018
TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ NĂM 2017
1. Về hoạt động sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã, tổ hợp tác
1.1. Về số lượng, doanh thu và thu nhập của hợp tác xã, tổ hợp tác
a) Về hợp tác xã: Tính đến ngày 31/12/2017, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 927 hợp tác xã, tăng 21 hợp tác xã so với thời điểm 31/12/2016, trong đó: 38 hợp tác xã đăng ký thành lập mới, 17 hợp tác xã giải thể do làm ăn yếu kém, sáp nhập và chuyển đổi sang loại hình kinh tế khác; doanh thu bình quân của một hợp tác xã đạt khoảng 3.300 triệu đồng/năm, tăng 14% so với thực hiện năm 2016.
b) Về tổ hợp tác: Đến hết năm 2017, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 850 tổ hợp tác được thành lập theo quy định, có chứng thực của chính quyền địa phương, tăng 47 tổ so với cùng kỳ; trong đó: có 150 tổ nông nghiệp, 258 tổ đoàn kết trên biển, 378 tổ tín dụng và 64 tổ hợp tác khác (thương mại, tiểu thủ công nghiệp, thủy sản…). Nhìn chung hoạt động của các tổ hợp tác tiếp tục được duy trì, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các thành viên.
c) Về liên hiệp hợp tác xã: Tỉnh Thanh Hóa hiện có 01 Liên hiệp hợp tác xã được đăng ký thành lập.
1.2. Về thành viên, lao động của hợp tác xã, tổ hợp tác
a) Về thành viên hợp tác xã: Tổng số thành viên của hợp tác xã đến hết năm 2017 là 43.522 người, tăng 706 người so với năm 2016.
b) Về thành viên tổ hợp tác: Tổng số thành viên của tổ hợp tác đến hết năm 2017 là 4.175 thành viên, tăng 250 thành viên so với năm 2016.
c) Về thu nhập bình quân: Thu nhập bình quân của lao động làm việc thường xuyên trong hợp tác xã, tổ hợp tác khoảng 24 triệu đồng/người/năm, tăng 20% so với năm 2016.
1.3. Về trình độ cán bộ quản lý hợp tác xã
Tổng số cán bộ quản lý trong các hợp tác xã, tổ hợp tác là 4.580 người, trong đó: 504 người (chiếm 11%) cán bộ quản lý có trình độ đại học, cao đẳng; số cán bộ còn lại có trình độ trung cấp, sơ cấp. Nhìn chung, trình độ, năng lực của đội ngũ quản lý hợp tác xã, tổ hợp tác còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế trong giai đoạn hiện nay.
II. TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN HỢP TÁC XÃ THEO THEO LĨNH VỰC
1. Lĩnh vực nông, lâm, ngư, diêm nghiệp
Đến 31/12/2017, toàn tỉnh có 585 hợp tác xã nông, lâm, ngư, diêm nghiệp, giảm 4 hợp tác xã (do giải thể) so với thời điểm cuối năm 2016. Nhìn chung, các hợp tác xã đã tích cực đổi mới trong hoạt động, thu hút thêm thành viên, huy động thêm vốn, tiếp tục đầu tư phát triển kinh doanh, làm tốt các khâu dịch vụ, như: mua sắm máy gặt đập liên hợp, máy làm đất, máy cấy - mạ khay, cải tạo nâng cấp lưới điện, trạm bơm nước, tu sửa và làm mới kênh mương nội đồng, mở rộng diện tích vườn ươm, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất nông nghiệp, phát triển thêm các khâu dịch vụ làm đất, gặt đập, gieo cấy mạ khay, sản xuất rau an toàn, vệ sinh môi trường, cung ứng vật tư nông nghiệp... Thông qua các khâu dịch vụ, các hợp tác xã ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu sử dụng dịch vụ của xã viên; đồng thời, phục vụ các hoạt động sản xuất kinh doanh của nhân dân trên khu vực, góp phần tăng sản lượng hàng hóa nông, lâm, thủy sản của tỉnh.
2. Lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp
Toàn tỉnh hiện có 141 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (giảm 3 hợp tác xã do giải thể so với thời điểm cuối năm 2016), trong đó: có 92 hợp tác xã công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và 49 hợp tác xã dịch vụ điện năng. Hoạt động của các hợp tác xã đã có sự gắn kết, hình thành và phát triển các cụm công nghiệp và làng nghề tại các địa phương. Nhiều hợp tác xã tích cực tìm kiếm thị trường, mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị, phương tiện phục vụ sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm và thu nhập cho thành viên, người lao động tại địa phương. Tổng số thành viên hợp tác xã công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp là
15.640 người; doanh thu trung bình một hợp tác xã khoảng 2.260 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân một lao động thường xuyên trong hợp tác xã khoảng 02 triệu đồng/người/tháng.
3. Lĩnh vực thương mại - dịch vụ
Toàn tỉnh hiện có 40 hợp tác xã thương mại - dịch vụ; hoạt động của các hợp tác xã tương đối ổn định và có bước phát triển khá; một số hợp tác xã tiếp tục đầu tư mở rộng kinh doanh, đồng thời làm tốt công tác tổ chức, quản lý nên hiệu quả kinh doanh được nâng lên; một số khác mở rộng hình thức kinh doanh, tham gia vào hoạt động quản lý, khai thác và kinh doanh chợ, vệ sinh môi trường, phục vụ tốt hơn nhu cầu tiêu dùng của nhân dân và thành viên, góp phần thúc đẩy tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ trên địa bàn tỉnh.
4. Lĩnh vực giao thông vận tải
Toàn tỉnh hiện có 27 hợp tác xã kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hóa, hành khách bằng xe ô tô được Sở Giao thông vận tải cấp phép hoạt động, giảm 7 hợp tác xã so với thời điểm cuối năm 2016, trong đó có 01 hợp tác xã thành lập mới. Hoạt động của các hợp tác xã vận tải tiếp tục duy trì hoạt động ổn định, nhiều hợp tác xã đã huy động thêm vốn, mạnh dạn đầu tư đổi mới phương tiện, mở thêm luồng, tuyến vận tải ra phạm vi ngoài tỉnh; đồng thời, nâng cao chất lượng phục vụ vận tải hàng hóa, hành khách, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hợp tác xã, xã viên và đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân. Tổng số thành viên viên hợp tác xã vận tải là 405 người; doanh thu bình quân một hợp tác xã đạt 250 triệu đồng; thu nhập bình quân của một lao động thường xuyên trong hợp tác xã đạt 4,2 triệu đồng/tháng; số lượng cán bộ quản lý hợp tác xã là 45 người, trong đó, cán bộ có trình độ cao đẳng, đại học trở lên là 15 người, chiếm 33,3%, số còn lại có trình độ trung cấp, sơ cấp.
5. Lĩnh vực xây dựng
Toàn tỉnh hiện có 11 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực xây dựng. Hầu hết các hợp tác xã có quy mô nhỏ, sử dụng lao động phổ thông và thi công các công trình có quy mô nhỏ, nhà dân, vốn đầu tư thấp, thời gian thi công ngắn. Tuy hiệu quả hoạt động chưa cao nhưng các hợp tác xã cũng đã tạo việc làm, thu nhập cho một bộ phận lao động nông thôn từ 2,5 đến 3 triệu đồng/người/tháng.
6. Quỹ tín dụng nhân dân
Toàn tỉnh hiện có 67 Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở với tổng số 104.869 thành viên, tăng 1,52% so với năm 2016; thu nhập bình quân mỗi lao động làm việc tại Quỹ đạt từ 80 - 100 triệu đồng/năm. Các quỹ hoạt động trên địa bàn 244 xã, phường, thị trấn thuộc 17 huyện, thị xã, thành phố. Các Quỹ tín dụng hoạt động tương đối hiệu quả, công tác phát triển thành viên được quan tâm, tạo nhiều việc làm, nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập cho các thành viên và người lao động. Thông qua Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở người dân, xã viên có cơ hội huy động thêm vốn, mở rộng ngành nghề hoạt động, cung ứng nhiều dịch vụ, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thực hiện các mục tiêu xã hội như tạo việc làm, hỗ trợ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững.
Ngoài các hợp tác xã hoạt động trên các lĩnh vực nêu trên, trên địa bàn tỉnh có 11 hợp tác xã dịch vụ vệ sinh môi trường, 45 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực kinh tế khác, đã tạo điều kiện cho các thành viên hợp tác xã có thêm việc làm, nâng cao thu nhập.
III. KẾT QUẢ THỰC HIỆN PHÁP LUẬT VÀ CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ
1. Kết quả triển khai Luật Hợp tác xã năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành
Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012, các Nghị định của Chính phủ, Quyết định, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, các Thông tư hướng dẫn về kinh tế tập thể của các Bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế tập thể như: Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 20/4/2015 của Tỉnh ủy về tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững; Quyết định số 4752/QĐ-UBND ngày 29/12/2014 của Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt đề án phát triển, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2015 - 2020; đồng thời, ban hành một số chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, đặc biệt là đối với hợp tác xã, như: bố trí kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hợp tác xã, xây dựng các mô hình thí điểm phát triển hợp tác xã kiểu mới theo Quyết định số 1822/QĐ-UBND ngày
02/6/2017 của UBND tỉnh về phê duyệt phân bổ kế hoạch vốn sự nghiệp Trung ương hỗ trợ thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới năm 2017; xây dựng đề án thí điểm đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học về làm việc có thời hạn ở các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2020; kiện toàn Ban Chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể tỉnh. Đặc biệt, thực hiện Quyết định số 377/QĐ-TTg ngày 29/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ, Công văn số 2833/BKHĐT-HTX ngày 04/4/2017 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh đã xây dựng báo cáo sơ kết thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012, báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo yêu cầu; đồng thời tổ chức sơ kết 05 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012 trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí, phát thanh truyền hình như: Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Thanh Hóa, Thời báo kinh doanh,… đã xây dựng và phát sóng các chuyên mục giới thiệu chính sách, pháp luật về kinh tế tập thể, các hợp tác xã điển hình tiên tiến. Từ đó, đẩy mạnh phong trào phát triển kinh tế tập thể tại các địa phương, ở các lĩnh vực ngành nghề, có tác động tích cực đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
2. Công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể
Triển khai thực hiện các quy định tại khoản 2 Điều 28, Điều 29 và Điều 30 Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã năm 2012, UBND tỉnh đã chỉ đạo, phân công trách nhiệm cụ thể trong công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể cho các sở, ngành, các địa phương trong tỉnh; đồng thời, giao cho phòng Tài chính - Kế hoạch của các huyện, thị xã, thành phố là đơn vị đầu mối, tham mưu công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể trên địa bàn. Cùng với việc thành lập Ban chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể cấp tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể tại địa phương nhằm tăng cường công tác chỉ đạo và phối hợp trong tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể. Công tác kiểm tra, giám sát việc thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012 của các cơ quan chức năng đối với hợp tác xã được tăng cường, nhằm giúp các hợp tác xã tổ chức, hoạt động đảm bảo theo quy định của Luật Hợp tác xã, từng bước đưa công tác quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể ngày càng hiệu quả hơn.
3. Kết quả triển khai các hoạt động hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể
3.1. Chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hợp tác xã
Nhìn chung, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hợp tác xã cơ bản đáp ứng yêu cầu trang bị kiến thức chủ yếu về quản trị, kỹ năng quản lý, góp phần nâng cao trình độ, nhận thức, năng lực cho cán bộ quản lý, chuyên môn của hợp tác xã. Ngoài nguồn kinh phí của Trung ương (năm 2017 Trung ương phân bổ 1.410 triệu đồng từ nguồn sự nghiệp của Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới), hàng năm nguồn ngân sách của địa phương đã dành 500 triệu đồng tổ chức 16 lớp bồi dưỡng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp cho 778 cán bộ quản lý và cán bộ kỹ thuật của hợp tác xã nông nghiệp.
3.2. Chính sách hỗ trợ về khoa học công nghệ
Trong những năm qua, tỉnh đã hỗ trợ các hợp tác xã thông qua việc triển khai các đề tài, dự án khoa học công nghệ cấp tỉnh tại các địa phương, hợp tác xã nông nghiệp về sản xuất giống lúa có năng suất cao; du nhập, tuyển chọn các giống tốt ở một số loại cây trồng; ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo, lai tạo giống chất lượng cao trong chăn nuôi, đặc biệt hỗ trợ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật du nhập nuôi thử nghiệm một số loại con nuôi mới như: cá hồi vân, cá tầm nga, đà điểu..., mang lại hiệu quả kinh tế cao và tạo thêm nghề nuôi trồng mới cho các trang trại, hợp tác xã và hộ nông dân. Một số địa phương đã bố trí kinh phí thực hiện chương trình khuyến công, khuyến nông, triển khai các đề tài, dự án, hỗ trợ hợp tác xã ứng dụng giống mới, bảo quản và chế biến nông sản, sản xuất các loại giống cây trồng.
3.3. Chính sách tín dụng
Nhằm đáp ứng nhu cầu vốn và dịch vụ thanh toán cho các thành phần kinh tế, trong đó có khu vực kinh tế tập thể, các tổ chức tín dụng đã cải tiến quy trình, thủ tục cho vay, khoanh nợ, gia hạn, miễn giảm lãi vay, tạo thuận lợi cho các hợp tác xã tiếp cận được nguồn vốn, góp phần giải quyết một phần khó khăn về vốn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh.
3.4. Chính sách thuế
Chính sách hỗ trợ về thuế đối với các hợp tác xã được quan tâm thực hiện, đã miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế môn bài và tiền thuê đất cho các hợp tác xã theo quy định. Các hợp tác xã nông nghiệp được miễn 100% thuế thu nhập doanh nghiệp phần thu nhập từ các hoạt động dịch vụ phục vụ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trực tiếp phục vụ đời sống xã viên.
3.5. Chính sách xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường
Thường xuyên vận động, hỗ trợ và tổ chức cho các hợp tác xã hưởng ứng tham gia các hội chợ, triển lãm thương mại do các bộ, ngành và địa phương tổ chức; hỗ trợ kinh phí thuê gian hàng, kinh phí vận chuyển hàng hóa, chi phí đi lại tại Hội trợ thương mại miền Tây Thanh Hóa; gắn quảng bá hình ảnh, thương hiệu du lịch của tỉnh với công tác xúc tiến thương mại để các hợp tác xã tham gia tìm kiếm thị trường, đối tác mở rộng thị trường.
3.6. Chính sách hỗ trợ hợp tác xã đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, đời sống của cộng đồng xã viên và tham gia các chương trình phát triển kinh tế - xã hội
Mặc dù Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21/12/2013 của Chính phủ đã quy định việc ưu tiên cho các hợp tác xã tham gia các chương trình phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với khả năng của hợp tác xã. Tuy nhiên, mỗi chương trình, dự án có tiêu chí, quy định về vốn, phương tiện, thiết bị, nhân lực, kỹ thuật khác nhau. Vì vậy, với khả năng cạnh tranh và năng lực nội tại của các hợp tác xã thì việc tham gia các chương trình này gặp nhiều khó khăn.
4. Kết quả đăng ký lại, chuyển đổi hợp tác xã
Trước thời điểm Luật Hợp tác xã năm 2012 có hiệu lực (ngày 01/7/2013), Tỉnh Thanh Hóa có 931 hợp tác xã. Hầu hết các hợp tác xã được thành lập nhưng chưa đáp ứng đầy đủ các quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012. Sau khi Luật Hợp tác xã có hiệu lực thi hành, tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành ra soát, sắp xếp, tổ chức đăng ký lại các hợp tác xã theo quy định. Đến nay, toàn tỉnh có 927 hợp tác xã, trong đó có 801 hợp tác xã thực hiện chuyển đổi, tổ chức lại hoạt động theo Luật Hợp tác xã, đạt 86,4%, còn 126 hợp tác xã hoạt động không hiệu quả phải tiếp tục thực hiện chuyển đổi, sắp xếp tổ chức lại, tiến hành giải thể hoặc đang chờ giải thể. Sau khi chuyển đổi, các hợp tác xã đã có những chuyển biến tích cực, việc xác định tư cách thành viên tham gia hợp tác xã rõ ràng hơn, xóa bỏ tình trạng thành viên hợp tác xã cũ đương nhiên là thành viên hợp tác xã mới; tất cả các thành viên đều thực hiện góp vốn và số vốn góp của từng thành viên đã tăng lên, góp phần mở rộng các hoạt động sản xuất kinh doanh, cung cấp dịch vụ của các hợp tác xã.
Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, tình hình phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh năm 2017 vẫn còn những khó khăn, hạn chế, đó là:
1. Nhìn chung, tình hình phát triển của các hợp tác xã còn chậm; số hợp tác xã thành lập mới tuy tăng hơn so với cùng kỳ nhưng còn ít so với tiềm năng, yêu cầu phát triển; một số hợp tác xã thiếu tính bền vững, năng lực nội tại vẫn trong tình trạng yếu kém, song việc khắc phục hiệu quả còn thấp, nhất là về vốn sở hữu, năng lực quản lý, điều hành, xây dựng phương án, dự án sản xuất - kinh doanh, nguồn nhân lực có trình độ và tay nghề,...
2. Sự hợp tác giữa các hợp tác xã và giữa các hợp tác xã với doanh nghiệp tuy có những chuyển biến, song nhìn chung chưa nhiều, kết quả còn hạn chế.
3. Số lượng hợp tác xã tiếp cận được với các chính sách hỗ trợ của nhà nước, đặc biệt là chính sách về hỗ trợ tín dụng và chính sách giao đất, cho thuê đất còn thấp.
4. Nguồn kinh phí ngân sách nhà nước dành để thực hiện các chính sách hỗ trợ hợp tác xã còn rất ít, cá biệt có những chính sách không được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm, ảnh hưởng rất lớn đến việc tổ chức triển khai thực hiện các chính sách đến hợp tác xã.
5. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm, tạo điều kiện cho hợp tác xã và tổ hợp tác hoạt động và phát triển.
6. Nhiều hợp tác xã chưa đổi mới, chuyển biến tích cực trong hoạt động, vẫn còn tình trạng trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước; thiếu tính chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc dẫn đến chất lượng hoạt động yếu kém. Phương thức hoạt động của hợp tác xã mang lại lợi ích cho thành viên chưa nhiều, thành viên thiếu tin tưởng, gắn bó với hợp tác xã.
7. Năng lực quản trị, điều hành của đội ngũ cán bộ quản lý các hợp tác xã còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới.
KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ NĂM 2018
I. DỰ BÁO NHỮNG THUẬN LỢI, KHÓ KHĂN
1. Thuận lợi
- Công tác phát triển kinh tế tập thể luôn nhận được sự quan tâm đúng mức của Đảng, Nhà nước và của tỉnh; nhiều chủ trương, chính sách đã được ban hành, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tập thể phát triển.
- Môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh ngày càng được cải thiện theo hướng thông thoáng, minh bạch, công bằng; công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh được các ngành, các cấp nỗ lực thực hiện và đạt nhiều kết quả tích cực, tạo nhiều thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và các thành phần kinh tế tập thể phát triển sản xuất, kinh doanh.
- Luật Hợp tác xã năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành ngày càng hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho việc tổ chức thành lập và hoạt động của hợp tác xã, tổ hợp tác; một số cơ chế, chính sách mới được ban hành trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tập thể phát triển, nhất là hợp tác xã.
2. Khó khăn
- Việc cụ thể hóa một số chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về kinh tế tập thể ở một số Bộ, ngành Trung ương còn chậm.
- Theo Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 và Quyết định số 12/2017/QĐ-TTg ngày 22/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ, thì một phần nguồn vốn để thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã theo Quyết định số 2261/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2015-2020 được lồng ghép trong Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới; chưa có nguồn ngân sách riêng cho phát triển kinh tế hợp tác xã, nên chưa thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế hợp tác xã phát triển.
- Nguồn ngân sách tỉnh Thanh Hóa và các địa phương trong tỉnh còn hạn hẹp, nên chưa bố trí được nguồn riêng để hỗ trợ cho khu vực kinh tế tập thể, trong khi nhu cầu hỗ trợ của các hợp tác xã là rất lớn.
- Hầu hết các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đều thiếu năng lực tài chính; cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị chưa đáp ứng được yêu cầu, trong khi trình độ của đội ngũ cán bộ quản lý hợp tác xã còn nhiều hạn chế, chưa thật sự tâm huyết gắn bó lâu dài với hợp tác xã.
- Hiện nay, chưa có nhiều doanh nghiệp liên kết với các hợp tác xã, tổ hợp tác do quy mô sản xuất, kinh doanh của các hợp tác xã, tổ hợp tác còn nhỏ, chưa tạo ra được khối lượng hàng hóa đủ lớn và đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của doanh nghiệp và chứa đựng nhiều rủi ro; công tác quản lý trong hợp tác xã kém hiệu quả, hạch toán chưa minh bạch.
II. ĐỊNH HƯỚNG, MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ NĂM 2018
1. Định hướng phát triển kinh tế tập thể
1.1. Định hướng chung
Tiếp tục phát triển rộng rãi kinh tế tập thể với nhiều hình thức, quy mô, trình độ khác nhau trong các ngành, lĩnh vực, địa bàn, nhất là ở những địa phương chưa có hợp tác xã. Đổi mới, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của những hợp tác xã hiện có trên cơ sở đảm bảo các nguyên tắc, giá trị hợp tác xã. Tập trung chỉ đạo, hướng dẫn hoàn thành công tác chuyển đổi, đăng ký lại hợp tác xã theo quy định. Trong lĩnh vực nông nghiệp tập trung làm tốt các dịch vụ đầu vào, đầu ra phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các thành viên; từng bước mở rộng ngành nghề sản xuất, kinh doanh tổng hợp; trong lĩnh vực phi nông nghiệp vừa tổ chức sản xuất vừa kinh doanh dịch vụ. Mở rộng các hình thức kinh doanh, liên kết giữa tổ hợp tác, hợp tác xã với các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.
1.2. Định hướng phát triển kinh tế tập thể trên các lĩnh vực
a) Về lĩnh vực nông, lâm, ngư, diêm nghiệp
- Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các hợp tác xã gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, nâng cao chất lượng các khâu dịch vụ cho thành viên và cộng đồng dân cư trên địa bàn.
- Tăng thêm các hoạt động của hợp tác xã theo mô hình kinh doanh đa ngành, vừa làm dịch vụ phục vụ hoạt động kinh tế thành viên, vừa phát triển chế biến, sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Chú trọng phát triển dịch vụ cung ứng vật tư và tiêu thụ nông sản cho thành viên, hộ thành viên…
- Khuyến khích các hợp tác xã mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh trên cơ sở liên kết, hợp nhất, sát nhập thành hợp tác xã có quy mô lớn hơn, thành lập Liên hiệp hợp tác xã.
b) Về lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp
- Đổi mới, nâng cao hiệu quả và mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh của các hợp tác xã hiện có.
- Gắn phát triển hợp tác xã với quá trình hình thành, phát triển các khu, cụm công nghiệp, làng nghề theo quy hoạch của tỉnh.
c) Về lĩnh vực thương mại - dịch vụ
- Đổi mới, nâng cao hiệu quả nhằm phục vụ tốt hơn cho hoạt động kinh tế, đời sống của thành viên và cộng đồng dân cư trên địa bàn.
- Phát triển các hình thức tổ chức liên kết kinh tế thích hợp giữa các hợp tác xã và giữa hợp tác xã với doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế khác.
- Phát triển hợp tác xã quản lý, kinh doanh khai thác chợ, nhất là hợp tác xã chợ đầu mối ở những nơi có điều kiện để thu hút đông đảo tiểu thương, người buôn bán tại chợ trở thành thành viên hợp tác xã.
- Phát triển mạnh mẽ tổ hợp tác, hợp tác xã thương mại của các hộ buôn bán cá thể.
d) Về lĩnh vực xây dựng
- Kết hợp đồng bộ các giải pháp về tài chính, quản lý và tổ chức để nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã hiện có, hiện đại hóa máy móc, thiết bị thi công, đổi mới công nghệ để nâng cao sức cạnh tranh của hợp tác xã.
- Thành lập mới hợp tác xã xây dựng ở các địa bàn dân cư, nhất là tại các thị trấn, thị tứ, thị xã. Phát triển hợp tác xã sản xuất vật liệu xây dựng ở những nơi có điều kiện thuận lợi về nguồn nguyên liệu, lao động, giao thông,...
đ) Về lĩnh vực giao thông vận tải
- Đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã vận tải, cung cấp các dịch vụ cần thiết (cơ khí, sửa chữa phương tiện vận tải,…) cho các thành viên hoạt động kinh doanh vận tải.
- Phát triển các hợp tác xã dịch vụ vận tải đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, cộng đồng dân cư hoặc các tổ chức, doanh nghiệp.
e) Về lĩnh vực tín dụng
- Tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các Quỹ tín dụng nhân dân hiện có; khuyến khích thành lập mới Quỹ tín dụng nhân dân ở những nơi có nhu cầu và đủ điều kiện theo quy định. Mở rộng quy mô, địa bàn hoạt động vững chắc, an toàn và đẩy mạnh thu hút thành viên tham gia Quỹ; mở thêm dịch vụ mới phục vụ thuận lợi cho các thành viên.
- Tập trung vốn cho thành viên vay để đầu tư vào phát triển sản xuất, kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mở rộng ngành nghề, phạm vi hoạt động. Liên kết tạo vốn cho các hợp tác xã trên cùng địa bàn nhằm phát triển sản xuất, kinh doanh.
g) Về lĩnh vực khác: Phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã trong các ngành và lĩnh vực khác, đặc biệt là hợp tác xã vệ sinh môi trường, hợp tác xã quản lý, kinh doanh khai thác chợ,…
3. Mục tiêu tổng quát
Phát triển kinh tế tập thể nhanh và bền vững, nòng cốt là hợp tác xã, với quy mô và hình thức đa dạng, linh hoạt trong tất cả các ngành, lĩnh vực, địa bàn. Tập trung khắc phục các hạn chế, yếu kém, nâng cao hiệu quả hoạt động trên cơ sở đảm bảo các nguyên tắc, giá trị hợp tác xã và các quy định của pháp luật; thu hút sự tham gia của đông đảo các tầng lớp xã hội; nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng các khâu dịch vụ đáp ứng các nhu cầu sản xuất, đời sống của các thành viên, đồng thời nâng cao hiệu quả xã hội thể hiện trong việc tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ các nhóm yếu thế, phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao dân trí, phát huy dân chủ, ổn định chính trị xã hội địa phương; tăng cường liên doanh, liên kết giữa các hợp tác xã với nhau và với doanh nghiệp để tạo ra chuỗi giá trị cung ứng sản phẩm hàng hóa cho các thành viên và thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.
4. Một số mục tiêu cụ thể năm 2018
- Thành lập mới từ 25 hợp tác xã trở lên.
- Số lượng thành viên mới tham gia hợp tác xã khoảng 3.500 người.
- Doanh thu bình quân năm của hợp tác xã đạt 3.630 triệu đồng, tăng 10% so với năm 2017.
- Lợi nhuận bình quân của hợp tác xã đạt 160 triệu đồng/năm, tăng 10,3% so với năm 2017.
- Thu nhập bình quân của người lao động thường xuyên trong hợp tác xã đạt 26,4 triệu đồng/năm, tăng từ 10% so với năm 2017.
- Tổng số cán bộ quản lý trong hợp tác xã là 4.755 người, tăng 125 người so với năm 2017, trong đó số cán bộ quản lý qua đào tạo trình độ đại học, cao đẳng trở lên tăng 151 người (tăng 26,8%) so với năm 2017.
5. Các giải pháp phát triển kinh tế tập thể năm 2018
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế tập thể nêu trên, các cấp, các ngành, địa phương cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:
5.1. Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Luật Hợp tác xã năm 2012 và các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể
- Các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Hợp tác xã năm 2012 và các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể; thường xuyên cập nhật, dành thời lượng thỏa đáng để đưa tin về các hợp tác xã điển hình tiên tiến trong phát triển sản xuất kinh doanh.
- Triển khai xây dựng các mô hình phát triển kinh tế tập thể kiểu mới, các hợp tác xã tiêu biểu, các gương điển hình, tiên tiến về phát triển kinh tế tập thể. Hàng năm, tổ chức tốt các đợt thi đua, các phong trào làm kinh tế giỏi; tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện để kịp thời tuyên dương, khen thưởng cũng như hỗ trợ để đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể.
- Xây dựng kế hoạch tuyên truyền, tập huấn Luật Hợp tác xã năm 2012 nhằm thống nhất nhận thức trong toàn bộ hệ thống quản lý nhà nước, nhân dân về bản chất hợp tác xã và các quy định trong Luật hợp tác xã 2012; kế hoạch tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật cho cán bộ quản lý hợp tác xã, thành viên hợp tác xã.
- Đề nghị Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên tích cực tham gia công tác tuyên truyền, động viên, tư vấn để các thành viên, hội viên tham gia hợp tác xã; tham gia giám sát, đánh giá và đề xuất các giải pháp hỗ trợ phát triển hợp tác xã.
5.2. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã của Trung ương, của tỉnh còn hiệu lực
- Tiếp tục triển khai thực hiện tốt việc hỗ trợ hợp tác xã tham gia hội chợ, triển lãm, tìm kiếm thị trường, quảng bá thương hiệu và xây dựng các gian hàng giới thiệu sản phẩm nông sản của địa phương.
- Thực hiện hỗ trợ trực tiếp hoặc hỗ trợ qua hình thức vay không lãi hoặc vay ân hạn để các hợp tác xã đầu tư, đổi mới trang thiết bị máy móc, phương tiện, công nghệ hoặc xây dựng các mô hình phát triển sản xuất.
- Tiếp tục thực hiện tốt chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cho các chức danh chủ chốt của hợp tác xã, trọng tâm là việc hỗ trợ tư vấn xây dựng điều lệ, phương án sản xuất kinh doanh; hướng dẫn và thực hiện các thủ tục đăng ký, tổ chức lại hoạt động của hợp tác xã theo quy định của pháp luật.
- Đối với các hợp tác xã đáp ứng các điều kiện, tiêu chí theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Thông tư số 15/2016/TT-BNNPTNT), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, thực hiện chính sách hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng theo Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 15/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2015 - 2020; ưu tiên bố trí vốn từ ngân sách Trung ương để thực hiện.
- Đối với các hộ nông dân khi gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh sẽ được thụ hưởng chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 142/2009/QĐ-TTg ngày 31/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Việc hỗ trợ được triển khai trực tiếp đến từng hộ nông dân thông qua chính quyền cấp xã.
- Tiếp tục thực hiện tốt chính sách hỗ trợ chế biến sản phẩm nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp cho các hợp tác xã theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ.
- Hỗ trợ đào tạo nghề cho thành viên và lao động làm việc ở các hợp các xã nông nghiệp theo Thông báo số 9611/TB-BNN-VP ngày 17/11/2017 của Bộ Nông nghiệp và PTNT.
- Hỗ trợ 05 hợp tác xã nông nghiệp xây dựng mô hình thí điểm theo Quyết định 4752/QĐ-UBND ngày 29/12/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh, với tổng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách tỉnh là 2.500 triệu đồng (mỗi hợp tác xã 500 triệu đồng); hỗ trợ 10 hợp tác xã nông nghiệp xây dựng mô hình phát triển sản xuất từ nguồn vốn Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa năm 2018.
5.3. Nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã
- Khẩn trương hoàn thành việc xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch thí điểm đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học về làm việc có thời hạn tại các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2018 - 2020.
- Tập trung hướng dẫn, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc, hoàn thành chuyển đổi, đăng ký lại hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã đối với các hợp tác xã đủ điều kiện theo quy định; đối với các hợp tác xã không đủ điều kiện, thực hiện các thủ tục để giải thể, sáp nhập theo quy định.
- Đẩy mạnh phát triển số lượng hợp tác xã trên tất cả các lĩnh vực, phấn đấu các xã đạt chuẩn nông thôn mới phải có ít nhất 01 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp hoạt động, tiến tới thực hiện mục tiêu mỗi xã phải có ít nhất 01 hợp tác xã hoạt động.
- UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện rà soát về tình hình đăng ký kinh doanh hợp tác xã và tình hình hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn để đánh giá đúng thực trạng hoạt động của khu vực kinh tế tập thể, từ đó có biện pháp chỉ đạo, quản lý phù hợp. Triển khai thực hiện nghiêm chế độ báo cáo định kỳ về hợp tác xã theo quy định.
- Khuyến khích, hỗ trợ các hợp tác xã nâng cao năng lực tổ chức, điều hành theo hướng cơ cấu bộ máy quản lý gọn, linh hoạt và năng động. Mở rộng ngành, nghề trong các lĩnh vực như: thương mại, các dịch vụ cơ khí, vận tải ở nông thôn, tín dụng nội bộ, quản lý chợ, cung cấp xăng dầu, cung cấp nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn, tham gia đấu thầu các công trình xây dựng hạ tầng ở nông thôn, như: đường giao thông nông thôn, thủy lợi, kênh mương nội đồng, xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo, trạm xá.
5.4. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể
- Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, nhằm phát huy vai trò của Liên minh Hợp tác xã tỉnh trong việc phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, người lao động của Liên minh Hợp tác xã tỉnh, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể trong tình hình mới.
- Củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể theo hướng có phòng chuyên trách và đội ngũ cán bộ đủ mạnh để tham mưu, đề xuất phát triển các loại hình kinh tế tập thể; tập trung hướng dẫn, hỗ trợ, quản lý hợp tác xã hoạt động trên các lĩnh vực, địa bàn do ngành, địa phương mình quản lý, theo dõi; đối với cấp huyện bố trí ít nhất 01 lãnh đạo UBND huyện và cán bộ chuyên trách để tổng hợp, tham mưu, đề xuất phát triển các loại hình kinh tế tập thể tại địa phương.
- Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý nhà nước về kinh tế tập thể. Xây dựng, ban hành các hướng dẫn chuyên môn, chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng về tổ chức, quản lý và hoạt động cho cán bộ hợp tác xã về kinh tế hợp tác trong ngành nông nghiệp.
5.5. Huy động các lực lượng xã hội, các tổ chức đoàn thể tham gia thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể
- Thực hiện lồng ghép các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế tập thể với các Chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, nhằm thu hút các nguồn lực phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác, liên kết.
- Quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy các hoạt động liên kết giữa các hợp tác xã và giữa hợp tác xã với doanh nghiệp nhằm tạo liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
- Huy động các nguồn lực của ngành, địa phương tham gia hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể. Tranh thủ sự tài trợ, hỗ trợ nguồn lực về tài chính và cơ sở vật chất của các nhà tài trợ quốc tế, các tổ chức tài chính quốc tế, các nguồn tài chính hợp pháp khác, đặc biệt là từ nguồn lực đầu tư của các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
- Nghiên cứu xây dựng cơ chế phối hợp với ngân hàng và các tổ chức tín dụng nhằm cải thiện khả năng tiếp cận vốn tín dụng của các hộ nông dân và trang trại tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã và các hình thức liên kết hợp tác sản xuất kinh doanh theo chuỗi cung ứng sản phẩm, dịch vụ.
1. Căn cứ nội dung kế hoạch này và các văn bản chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, yêu cầu Giám đốc các sở, Trưởng các ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, khẩn trương chỉ đạo xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể của ngành, địa phương, đơn vị mình và cụ thể hoá thành các nhiệm vụ trong kế hoạch công tác năm, bố trí đủ nguồn nhân lực và các điều kiện cần thiết, đảm bảo hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ được giao; định kỳ hàng quý, 6 tháng, năm báo cáo kết quả thực hiện về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.
2. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc triển khai Kế hoạch này đối với các sở, ban, ngành, các địa phương; định kỳ hàng quý, 6 tháng, 9 tháng, năm tổng hợp tình hình phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh; báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết những vấn đề vướng mắc, phát sinh, đảm bảo hoàn thành Kế hoạch đề ra./.
|
KT. CHỦ TỊCH
|
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.