ỦY BAN NHÂN DÂN
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 383/KH-UBND |
Điện Biên, ngày 09 tháng 02 năm 2021 |
Căn cứ Nghị quyết số 01-NQ/ĐH ngày 15/10/2020 Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Điện Biên lần thứ XIV;
Căn cứ Nghị quyết số 186/NQ-HĐND ngày 08/12/2020 của HĐND tỉnh Điện Biên về mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh 5 năm giai đoạn 2021 - 2025;
Căn cứ Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm, giai đoạn 2021-2025 ban hành kèm Quyết định số 1326/QĐ-UBND ngày 09/12/2020 của UBND tỉnh Điện Biên.
Trong 05 năm qua (giai đoạn 2015-2020) công tác thi đua, khen thưởng trên địa bàn tỉnh đã có nhiều đổi mới, chuyển biến tích cực. Các phong trào thi đua phát triển mạnh mẽ, sâu rộng, tạo động lực quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015-2020 và đặc biệt trong năm 2020 đã thực hiện thắng lợi mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh covid -19 hiệu quả và đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng kinh tế của tỉnh và nhiệm vụ chính trị của các các cấp, các ngành và từng cơ quan, tổ chức, đơn vị. Những kết quả đó đã góp phần tích cực vào thành tựu chung của đất nước. Qua những phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân là gương điển hình tiên tiến, tiêu biểu trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, được Đảng, Nhà nước ghi nhận và trao tặng các danh hiệu, hình thức khen thưởng cao quý và được các cấp vinh danh, khen thưởng.
Để thực hiện đạt kết quả cao nhất mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Điện Biên lần thứ XIV, thi đua lập thành tích thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2021-2025. Lập thành tích chào mừng các sự kiện chính trị trọng đại, các ngày lễ lớn của Đất nước, của tỉnh. Hưởng ứng phong trào thi đua với chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” do Thủ tướng Chính phủ phát động tại Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X và Phát động của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên tại Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Điện Biên lần thứ V với chủ đề “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, đổi mới thi đua xây dựng tỉnh Điện Biên phát triển nhanh, bền vững” đây cũng là phương châm xuyên suốt trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức các phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn tỉnh của cả giai đoạn 2021-2025.
UBND tỉnh Điện Biên ban hành Kế hoạch Phát động phong trào thi đua yêu nước thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Điện Biên và yêu cầu các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung thực hiện tốt những nội dung sau:
1. Mục đích
Nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong nhận thức, tư tưởng của các cấp ủy Đảng, chính quyền, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc triển khai, thực hiện các phong trào thi đua, phát huy được sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc trong tỉnh, của cả hệ thống chính trị từ tỉnh xuống cơ sở trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tinh thần sáng tạo của mỗi tổ chức, cá nhân, tạo khí thế thi đua sôi nổi, đưa công tác thi đua, khen thưởng trở thành động lực to lớn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định phát triển, nâng cao vị thế, uy tín của tỉnh. Phấn đấu xây dựng tỉnh Điện Biên phát triển nhanh, bền vững theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Điện Biên lần thứ XIV đã đề ra.
2. Yêu cầu
Phong trào thi đua phải được tổ chức, triển khai sâu rộng ở từng cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương với nội dung thiết thực phù hợp với tính chất, đặc thù, chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức và tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, chiến sĩ lực lượng vũ trang, nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Gắn trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong chủ trì tổ chức, phối hợp với MTTQ và các đoàn thể trong phát động, chỉ đạo tổ chức triển khai phong trào thi đua thuộc phạm vi quản lý; chủ động phát hiện, lựa chọn các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc để biểu dương, khen thưởng; tổ chức giao lưu, phổ biến, nhân rộng những sáng kiến, mô hình hay, cách làm hiệu quả.
II. MỤC TIÊU, NỘI DUNG THI ĐUA
1. Mục tiêu thi đua
Tiếp tục đổi mới cách thức tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc, phát huy nội lực, nâng cao hiệu quả quản lý, chỉ đạo, điều hành, tập trung phấn đấu hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu cơ bản kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đến 2025 như sau:
1.1. Các chỉ tiêu về kinh tế
- Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt 7,16%/năm; đến năm 2025, GRDP bình quân đầu người đạt trên 52 triệu đồng/năm.
- Cơ cấu kinh tế: Khu vực nông, lâm nghiệp chiếm 16,42%, giảm 2,34% so với năm 2020; công nghiệp - xây dựng 21,35%, tăng 2,25% so với năm 2020; dịch vụ 59,92%, tăng 2,28% so với năm 2020; Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 2,31 %, giảm 2,19% so với năm 2020.
- Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đến năm 2025 đạt 2.000 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021-2025 khoảng 95 nghìn tỷ đồng.
- Tổng sản lượng lương thực có hạt đến năm 2025 đạt 280 nghìn tấn. Tốc độ tăng đàn gia súc bình quân đạt 3,5%/năm.
- Giá trị sản xuất công nghiệp tăng từ 10-12%/năm.
- Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đến năm 2025 đạt 24.700 tỷ đồng; tăng bình quân đạt 15,61%/năm. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ giai đoạn 2021-2025 đạt 401 triệu USD; năm 2025 đạt 95 triệu USD.
- Phấn đấu đến năm 2025, đón khoảng 1.300 ngàn lượt khách, trong đó có 300 ngàn lượt khách quốc tế; tổng thu từ du lịch đạt 2.400 tỷ đồng.
1.2. Các chỉ tiêu về xã hội
- Quy mô dân số trung bình <66,8 vạn dân; tốc độ tăng dân số hằng năm <1,65%.
- Mỗi năm đào tạo nghề cho 8.000 - 8.300 lao động; tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt 80%; phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên (có văn bằng, chứng chỉ) đạt 40%; tạo việc làm mới cho 9.000 lao động/năm; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 2,5%.
- Giảm tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều từ 29,93% năm 2020 xuống còn dưới 16% năm 2025 (bình quân giảm 2,97 điểm %/năm), trong đó các huyện nghèo nhóm 1 giảm trên 4%/năm, các huyện nghèo nhóm 2 giảm trên 3,5%/năm.
- Tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt Tiêu chí quốc gia về y tế xã 95%; duy trì tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin đạt 95%; trên 90% dân số được quản lý sức khỏe; 13 bác sỹ/1 vạn dân; tỷ lệ người dân tham gia Bảo hiểm y tế trên 99%. 100% số trạm y tế xã có bác sỹ làm việc; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng (cân nặng/tuổi) giảm xuống còn <15%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng (chiều cao/tuổi) giảm xuống còn <20%.
- Trên 75% trường học đạt chuẩn quốc gia; trên 70% trường học đạt kiểm định chất lượng giáo dục. Đến năm 2025 đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, THCS mức độ 3; duy trì vững chắc kết quả xóa mù chữ mức độ 2, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, tiến tới phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ dưới 5 tuổi.
- 72% gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”; 65% số thôn, bản, tổ dân phố đạt danh hiệu “Thôn, bản, tổ dân phố văn hóa”; 93% số cơ quan, trường học đạt chuẩn văn hóa.
- Có 02 đơn vị cấp huyện hoàn thành xây dựng nông thôn mới; toàn tỉnh có 31 xã đạt chuẩn và 21 xã cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới (tương đương 45% số xã); không còn xã dưới 10 tiêu chí; bình quân đạt 14 tiêu chí/xã; có 45-50% số thôn, bản được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Phấn đấu ít nhất 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
1.3. Các chỉ tiêu về hạ tầng thiết yếu, môi trường
- 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã đi lại được quanh năm; 100% số trạm y tế có cơ sở hạ tầng bảo đảm quy định của Bộ Y tế; 100% phòng học và 90% phòng nội trú được kiên cố hóa; 98% hộ dân được sử dụng điện lưới.
- 100% xã có điểm phục vụ bưu chính, 100% khu vực có dân cư sinh sống, làm việc được phủ sóng thông tin di động mạng 4G, 5G, tỷ lệ thuê bao điện thoại di động sử dụng tiêu dùng dữ liệu đạt 71,5%; tỷ lệ hộ gia đình có thể kết nối Internet băng thông rộng cố định đạt 80%; tỷ lệ xã, phường, thị trấn có đài truyền thanh đạt 100%, tỷ lệ hộ gia đình được xem đài truyền hình tỉnh đạt 56%.
- 100% người dân thành thị được sử dụng nước sạch; trên 85% người dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh (Do bộ tiêu chí đánh giá mới khắt khe hơn; đồng thời nguồn lực đầu tư, hỗ trợ cho nước sạch nông thôn giai đoạn tới hạn chế, nhiều chương trình kết thúc như: Chương trình mở rộng quy mô nước sạch và nông thôn, Chương trình 135... do đó dự ước mức tăng bình quân là 0,37%/năm); trên 88% chất thải rắn ở đô thị được thu gom, xử lý. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 45,5%.
1.4. Chỉ tiêu trong công tác Xây dựng Đảng
- Hàng năm có trên 85% tổ chức đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; bình quân mỗi năm kết nạp 2.500 đảng viên; 100% thôn, bản có đảng viên và thành lập được chi bộ độc lập; mỗi năm thành lập 10 tổ chức đảng trong doanh nghiệp tư nhân trở lên.
- Cán bộ lãnh đạo, quản lý từ phó phòng trở lên: 100% có trình độ đại học (trong đó 40% trở lên có trình độ trên đại học); 100% được đào tạo lý luận chính trị, bồi dưỡng về quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn đối với các chức danh quy định. Cán bộ, công chức cấp xã: 100% được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; 100% cán bộ chuyên trách được đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị.
2. Nội dung thi đua
2.1. Tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng các phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua, khen thưởng theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc, Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 7/4/2014 của Bộ Chính trị “Về việc tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức trong các cấp, ngành, trong mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là người đứng đầu, phát huy vai trò, tác dụng phong trào thi đua trong thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ chính trị.
2.2. Đẩy mạnh các phong trào thi đua chuyên đề gắn với các phong trào thi đua thường xuyên, thi đua theo đợt trong các cấp, ngành, địa phương, các thành phần kinh tế, mọi tầng lớp nhân dân, tạo ra phong trào rộng khắp trong toàn tỉnh, trong đó triển khai thực hiện có hiệu quả, sáng tạo 04 phong trào thi đua giai đoạn tiếp theo “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phí sau”, “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập phát triển”, “Cán bộ, công chức, viên chức thực hiện văn hóa công sở” với các phong trào thi đua lao động, sản xuất, kinh doanh giỏi, sáng tạo, thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, thi đua cải cách hành chính... vượt qua khó khăn thách thức, tận dụng thời cơ, tiềm năng, lợi thế của tỉnh Điện Biên, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế; khuyến khích, tạo cơ chế thuận lợi cho các doanh nghiệp có quy mô lớn có tiềm lực mạnh đầu tư, xây dựng và phát triển tỉnh Điện Biên. Phát huy tính tích cực của các phong trào thi đua của các ngành, các cấp, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị, xã hội để động viên các tập thể, các tổ chức, cá nhân hăng hái thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội trong giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã đề ra.
2.3. Tiếp tục nâng cao chất lượng và tổ chức phong trào thi đua gắn với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và việc thực hiện Nghị quyết trung ương 4 khóa XII. Không ngừng đổi mới, nội dung, phương thức tổ chức, phát động các phong trào thi đua bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, thiết thực phù hợp với yêu cầu, chức năng, nhiệm vụ, quy mô của từng cấp, ngành, đơn vị trong đó cụ thể hóa nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh và các giải pháp triển khai thực hiện 03 khâu đột phá chiến lược tỉnh đã xác định nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, cụ thể: Triển khai có hiệu quả các đề án, chương trình trọng điểm của tỉnh; phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao, phát triển bền vững; tập trung huy động nguồn lực để phát triển hệ thống đô thị hiện đại; phát triển du lịch thành kinh tế mũi nhọn; đẩy mạnh tái cơ cấu đầu tư công, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội chăm lo đời sống cho các đối tượng thuộc diện chính sách, người có công với cách mạng, người nghèo; quan tâm giải quyết việc làm, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân; nâng cao chất lượng y tế, giáo dục; quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm...vv.
2.4. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng điển hình tiên tiến các cấp, các mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả, xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên và trọng tâm của công tác thi đua, khen thưởng. Các cơ quan, đơn vị, địa phương cần xây dựng kế hoạch hàng năm và giai đoạn 2021-2025 để tuyên truyền, bồi dưỡng, xây dựng các mô hình điển hình, nhân tố mới. Nêu cao trách nhiệm gương mẫu của cán bộ, đảng viên nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong phát hiện, biểu dương, khen thưởng. Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan thông tin, truyền thông với MTTQ Việt Nam các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp và cơ quan thường trực Hội đồng thi đua, khen thưởng các cấp trong công tác tuyên truyền tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “thi đua ái quốc”, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về thi đua, khen thưởng; mở chuyên trang, chuyên mục tăng thời lượng phát sóng hoặc đăng tải lựa chọn, giới thiệu, tuyên truyền các gương điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua, gương người tốt việc tốt trên mọi mặt của đời sống xã hội tạo sức lan tỏa lớn, thông qua đó thúc đẩy các phong trào thi đua ngày càng phát triển mạnh mẽ, có chiều sâu.
2.5. Không ngừng đổi mới nâng cao chất lượng công tác khen thưởng, đảm bảo khen thưởng kịp thời, công khai, minh bạch, đúng đối tượng, đề ra tiêu chí đánh giá điển hình tiên tiến các cấp; quan tâm, chú trọng khen thưởng tập thể nhỏ, cá nhân người trực tiếp lao động, sản xuất, các tập thể, cá nhân ở vùng đặc biệt khó khăn đã khắc phục vượt khó đạt được thành tích. Gắn công tác thi đua khen thưởng với đánh giá chất lượng hiệu quả công tác của từng cơ quan, đơn vị, tổ chức và cán bộ, công chức, viên chức, kết quả xếp loại tổ chức cơ sở Đảng, đoàn thể hàng năm nhằm phát huy tác dụng, hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng.
2.6. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Luật Thi đua - Khen thưởng và các Nghị định của Chính phủ về hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật thi đua, khen thưởng. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đề cao tinh thần, trách nhiệm trong thực thi pháp luật về thi đua, khen thưởng, sơ kết, tổng kết đánh giá hiệu quả các phong trào thi đua. Nâng cao chất lượng hoạt động của hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp; hoạt động của Cụm - Khối thi đua đảm bảo chất lượng, hiệu quả thiết thực. Chú trọng bồi dưỡng phẩm chất, nâng cao trách nhiệm và trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua khen thưởng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong công tác thi đua, khen thưởng, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thi đua, khen thưởng, quản lý hồ sơ khen thưởng.
III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN PHONG TRÀO THI ĐUA
1. Tiếp tục quán triệt, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng, đổi mới công tác thi đua, khen thưởng.Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo của chính quyền các cấp về công tác thi đua, khen thưởng. Tuyên truyền thường xuyên, kịp thời quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng; đồng thời cụ thể hóa bằng Nghị quyết, Chỉ thị, Kế hoạch của các cấp ủy Đảng, chính quyền để vận dụng một cách cụ thể, sáng tạo vào điều kiện thực tiễn từng cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, từ đó có sự lãnh đạo chỉ đạo đúng đắn, kịp thời và toàn diện, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng và trong tổ chức các phong trào thi đua.
2. Bám sát chỉ tiêu, mục tiêu thi đua theo ngành, lĩnh vực các sở, ban, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh xây dựng kế hoạch phát động và tổ chức các phong trào thi đua có mục tiêu thiết thực, cụ thể gắn với chức năng, nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, địa phương và phải được tiến hành thường xuyên, liên tục. Tiếp tục đổi mới toàn diện, phát huy tinh thần sáng tạo trong tổ chức phong trào thi đua, đặc biệt là các phong trào thi đua chuyên đề giai đoạn 2021-2025 hướng về cơ sở, thu hút rộng rãi đối tượng tham gia, đảm bảo hài hòa lợi ích của người lao động, lợi ích của cơ quan, tổ chức và của cả xã hội. Các phong trào thi đua có nội dung, tiêu chí cụ thể, dễ thực hiện, dễ kiểm tra giám sát, huy động được sự tham gia đông đảo và hưởng ứng tích cực của quần chúng nhân dân.
3. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các phong trào thi đua, tăng cường sự phối hợp với cơ quan thông tin, truyền thông phát hiện, tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến, nhân tố mới kết hợp với động viên, khen thưởng kịp thời đúng thành tích và kết quả đạt được nhằm thúc đẩy, cổ vũ phong trào thi đua yêu nước, tạo động lực thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao cũng như đào tạo, rèn luyện xây dựng con người mới.
4. Rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về thi đua, khen thưởng trên địa bàn tỉnh cho phù hợp với quy định mới của pháp luật về thi đua, khen thưởng, hướng dẫn của Bộ, ngành Trung ương và điều kiện thực tiễn của địa phương. Chú trọng nâng cao tỷ lệ khen thưởng người trực tiếp lao động, công nhân, nông dân. Tổ chức lại các cụm khối thi đua, xây dựng tiêu chí đánh giá nâng cao hiệu quả hoạt động của cụm, khối thi đua. Tổ chức thường xuyên hội nghị tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua khen thưởng nâng cao năng lực tham mưu tổ chức các phong trào thi đua và công tác khen thưởng.
5. Sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan chuyên trách công tác thi đua, khen thưởng theo quy định. Kiện toàn Hội đồng Thi đua, khen thưởng các cấp, xây dựng và ban hành quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cụ thể, gắn trách nhiệm cho từng thành viên hội đồng. Bố trí cán bộ, chuyên trách, kiêm nhiệm đủ phẩm chất, năng lực, bản lĩnh chính trị vững vàng, công tâm, khách quan, trong sáng và gắn bó với quần chúng và phong trào thi đua.
6. Chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc triển khai thực hiện các phong trào thi đua ở cơ sở, tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá hiệu quả, đúc rút kinh nghiệm việc tổ chức thực hiện đảm bảo các phong trào thi đua được phát động sâu rộng và thực chất, thực hiện lồng ghép, gắn kết nội dung các phong trào thi đua hợp lý, hiệu quả.
IV. THỜI GIAN THI ĐUA, HÌNH THỨC KHEN THƯỞNG
1. Thời gian thi đua
- Thời gian phát động và tổ chức thực hiện: Thực hiện thường xuyên hàng năm gắn với kế hoạch thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương trong cả giai đoạn 2021-2025.
- Thời gian sơ kết kế hoạch phát động phong trào thi đua: năm 2023;
- Thời gian tổng kết kế hoạch phát động phong trào thi đua: Gắn với Hội nghị điển hình tiên tiến các cấp và Đại Hội thi đua yêu nước tỉnh Điện Biên lần thứ VI.
2. Danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng
Kết thúc đợt thi đua trong giai đoạn, Thủ trưởng các sở, ngành, địa phương, đơn vị tiến hành tổ chức họp hội đồng đánh giá bình xét lựa chọn những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc tiêu biểu để biểu dương, khen thưởng theo thẩm quyền và lựa chọn những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc tiêu biểu có phạm vi ảnh hưởng cấp bộ, ngành, tỉnh thông qua thường trực Hội đồng Thi đua, khen thưởng tỉnh trình UBND tỉnh xem xét, khen thưởng cụ thể:
2.1. Danh hiệu thi đua
Tặng Cờ thi đua của UBND tỉnh cho các cơ quan, đơn vị, địa phương tham gia các cụm, khối thi đua của tỉnh; các đơn vị trực thuộc sở, ngành tỉnh, huyện, thị xã, thành phố tiêu biểu xuất sắc dẫn đầu trong phong trào thi đua góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn 2021 - 2025 được các cơ quan, đơn vị bình xét, suy tôn.
2.2. Hình thức khen thưởng
Tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các tập thể, cá nhân, hộ gia đình có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua và cá nhân có thành tích trong tham mưu tổ chức thực hiện các phong trào thi đua, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh giai đoạn 2021-2025 được các cơ quan, đơn vị, địa phương lựa chọn, giới thiệu.
2.3. Việc xét tặng cờ thi đua của UBND tỉnh và Bằng khen của UBND tỉnh được thực hiện hàng năm gắn với tổng kết phong trào thi đua, công tác khen thưởng của tỉnh và Hội nghị tổng kết phong trào thi đua, công tác khen thưởng giai đoạn 2021-2025.
1. Sở Nội vụ (cơ quan thường trực Hội đồng TĐKT tỉnh)
Chủ trì, hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai xây dựng Kế hoạch phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 05 năm (2021-2025) theo Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Điện Biên lần thứ XIV; đồng thời chủ động tham mưu Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh tổ chức kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết và báo cáo lập thời tình hình, tiến độ triển khai và kết quả thực hiện kế hoạch phát động phong trào thi đua của các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương đánh giá hàng năm, sơ kết, tổng kết tổ chức bình xét, hoàn tất hồ sơ đề nghị UBND tỉnh khen thưởng cho các tập thể, cá nhân, hộ gia đình có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua.
Phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn tỉnh, các đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Kế hoạch phát động phong trào thi đua, kịp thời phát hiện, tuyên truyền và biểu dương, nhân rộng điển hình tiên tiến, các mô hình mới, sáng tạo tạo sự chuyển biến mạnh mẽ nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia phong trào thi đua.
Chủ trì phối hợp các tổ chức đoàn thể, cơ quan thông tin, truyền thông tỉnh xây dựng chương trình phối hợp tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến. Tham mưu giúp Hội đồng Thi đua, khen thưởng tỉnh thẩm định thành tích để xem xét biểu dương, khen thưởng chính xác, kịp thời đối với những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc đóng góp tích cực trong phong trào thi đua của tỉnh.
2. Thủ trưởng sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan, đơn vị tham gia cụm, khối thi đua của tỉnh
Xây dựng kế hoạch và tổ chức phát động phong trào thi đua trên tinh thần cụ thể hóa những nội dung của Kế hoạch này đảm bảo thiết thực gắn sát với nhiệm vụ chính trị và phù hợp với điều kiện thực tế của từng cơ quan, đơn vị, địa phương, xác định rõ mục tiêu, chỉ tiêu thi đua, nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, đồng thời triển khai đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chiến sỹ lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân một cách sâu rộng. Phát huy tinh thần sáng tạo của mỗi cơ quan, đơn vị, chung sức đồng lòng, quyết tâm phấn đấu hoàn thành đạt và vượt mức các chỉ tiêu, kế hoạch, nhiệm vụ với năng suất, chất lượng, hiệu quả cao nhất. Gửi kế hoạch phát động về UBND tỉnh qua Sở Nội vụ (Ban Thi đua, khen thưởng tỉnh) để theo dõi, tổng hợp trước 30/3/2021.
Chú trọng công tác tuyên truyền phong trào thi đua, phát hiện, bồi dưỡng, giới thiệu nhân rộng gương điển hình tiên tiến từ phong trào thi đua ở cơ sở. Tổ chức kiểm tra, sơ kết, tổng kết, tuyên dương khen thưởng hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng kịp thời để động viên các nhân tố mới, những tập thể, cá nhân lập được thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua tạo sự phấn khởi khích lệ tinh thần hăng hái thi đua lao động, sản xuất, học tập và công tác của các tập thể, cá nhân tham gia thi đua. Thực hiện đúng, đầy đủ chế độ báo cáo định kỳ, thường xuyên theo quy định.
3. Các cơ quan thông tin, truyền thông của tỉnh
Giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về thi đua, khen thưởng. Tăng thời lượng phát sóng, xây dựng các trang tin, chuyên mục cổ vũ phong trào thi đua, kịp thời nêu gương người tốt, việc tốt, gương điển hình tiên tiến và nhân tố mới trong phong trào thi đua yêu nước của tỉnh tạo sức lan tỏa.
Chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về thi đua, khen thưởng, các chương trình, kế hoạch và các phong trào thi đua của tỉnh; xây dựng các trang tin, chuyên mục tuyên truyền, giới thiệu, nêu gương, nhân rộng điển hình tiên tiến chất lượng, hiệu quả.
4. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các đoàn thể chính trị xã hội và các tổ chức xã hội nghề nghiệp chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các cấp phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân để tham gia thực hiện các phong trào thi đua của tỉnh. Tăng cường công tác tuyên truyền về phong trào thi đua và vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng. Tăng cường sự giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị đối với công tác thi đua, khen thưởng.
5. Trưởng khối các Khối thi đua thuộc tỉnh, xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động khối; bảng tiêu chí chấm điểm thi đua; xây dựng nội dung sinh hoạt chuyên đề thi đua gắn với nhiệm vụ trọng tâm, đồng thời tổ chức tốt các phong trào phát huy sáng kiến các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao để tạo không khí thi đua sôi nổi, rộng khắp ở các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.
Trên đây là Kế hoạch phát động Phát động phong trào thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 05 năm (2021-2025) Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Điện Biên lần thứ XIV. Đề nghị thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Giám đốc các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nghiêm túc tổ chức thực hiện kế hoạch này đảm bảo yêu cầu chất lượng, hiệu quả, kịp thời gian theo quy định. Trong quá trình tổ chức, thực hiện có gì vướng mắc cơ quan, đơn vị, địa phương gửi ý kiến về UBND tỉnh qua Ban Thi đua, khen thưởng tỉnh (Sở Nội vụ) để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.