ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 38/KH-UBND |
Ninh Bình, ngày 30 tháng 03 năm 2017 |
PHÒNG, CHỐNG MÙ LÒA TỈNH NINH BÌNH GIAI ĐOẠN 2017 - 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
Thực hiện Quyết định số 2560/QĐ-TTg ngày 31/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng chống mù lòa đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, UBND tỉnh Ninh Bình xây dựng kế hoạch phòng chống mù lòa tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2017-2020 và tầm nhìn đến năm 2030 cụ thể như sau:
Theo kết quả điều tra năm 2015 tại 10 tỉnh đại diện cho các vùng miền của Việt Nam, tỷ lệ mù lòa ở người trên 50 tuổi hiện nay là 1,8%. Như vậy, ước tính số mù tại tỉnh Ninh Bình hiện nay khoảng 5.300 người, chưa kể số người mù 2 mắt phát sinh hàng năm khoảng 0,1% dân số (950 người mỗi năm). Nguyên nhân gây mù chủ yếu là đục thủy tinh thể chưa phẫu thuật (74%), bệnh lý bán phần sau (6,3%), biến chứng do phẫu thuật đục thủy tinh thể (4,6%), sẹo giác mạc do nguyên nhân khác (4,1%), bệnh glôcôm (4,0%) và một số nguyên nhân như tật khúc xạ, bệnh võng mạc đái tháo đường đang có chiều hướng gia tăng.
Trong những năm qua, công tác phòng chống mù lòa (PCML) của tỉnh Ninh Bình đã có nhiều cố gắng, tuy nhiên tỷ suất mổ đục thủy tinh thể (CSR) mới đạt khoảng 2.400 ca/1 triệu dân (theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, thì tốc độ mổ đục thủy tinh thể cần phải đạt được là trên 3.500 - 4.000 ca/1 triệu dân), nguyên nhân chủ yếu là do nguồn nhân lực làm công tác chăm sóc mắt còn thiếu, đặc biệt là tuyến huyện, kinh phí chi cho công tác PCML còn hạn chế nên việc triển khai công tác PCML gặp nhiều khó khăn.
1. Mục tiêu chung
Tăng cường cơ hội tiếp cận của người dân với dịch vụ dự phòng, phát hiện sớm, điều trị và phục hồi chức năng mắt (phòng chống mù lòa), giảm tỷ lệ các bệnh gây mù lòa có thể phòng chống được, phấn đấu nhằm loại trừ các nguyên nhân chính gây mù lòa cho mọi người dân như khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới về mục tiêu thị giác 2020.
2. Mục tiêu cụ thể
2.1. Đến năm 2020
a Giảm tỷ lệ mù lòa xuống dưới 4,5 người/1.000 dân, trong đó giảm tỷ lệ mù lòa ở người từ 50 tuổi trở lên xuống dưới 16 người/1.000 dân;
b Tăng tỷ lệ phẫu thuật đục thủy tinh thể lên trên 2,5 người/1.000 dân, trong đó: Tăng tỷ lệ phẫu thuật thay thủy tinh thể ở người mù do đục thủy tinh thể lên trên 80%;
c. Tăng tỷ lệ người bệnh đái tháo đường được khám và theo dõi bệnh lý về mắt đạt trên 45%;
d. Tăng tỷ lệ tật khúc xạ học đường được khám, phát hiện sớm, cung cấp dịch vụ khúc xạ và kính chỉnh tật khúc xạ đạt trên 70%.
2.2. Đến năm 2030
a. Giảm tỷ lệ mù lòa xuống dưới 4,0 người trên 1.000 dân, trong đó giảm tỷ lệ mù lòa ở người từ 50 tuổi trở lên xuống dưới 12 người/1.000 dân;
b. Tăng tỷ lệ phẫu thuật đục thủy tinh thể lên trên 3,5 người/1.000 dân, trong đó: Tăng tỷ lệ phẫu thuật thay thủy tinh thể ở người mù do đục thủy tinh thể lên trên 95%;
c. Tăng tỷ lệ người bệnh đái tháo đường được khám và theo dõi bệnh lý về mắt đạt trên 75%;
d. Tăng tỷ lệ tật khúc xạ học đường được khám, phát hiện sớm, cung cấp dịch vụ khúc xạ và kính chỉnh tật khúc xạ đạt trên 95%.
1. Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng chống mù lòa tỉnh
- Kiện toàn ban chỉ đạo PCML tỉnh.
- Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch phòng chống mù lòa trên địa bàn toàn tỉnh;
- Tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước cho công tác phòng chống mù lòa.
- Xây dựng và ban hành các quy chế phối hợp giữa chuyên ngành Nhãn khoa với các chuyên ngành liên quan trong việc chăm sóc mắt như: ngành Nội tiết, Nhi; ngành Giáo dục, Hội Người cao tuổi, các đơn vị y tế trong tỉnh.
- Ban chỉ đạo phòng chống mù lòa tỉnh duy trì họp giao ban định kỳ thường xuyên 6 tháng/lần để đánh giá tiến độ hoạt động phòng chống mù lòa trên địa bàn tỉnh, kịp thời đề ra các giải pháp để chỉ đạo và đề xuất với tỉnh và Bộ Y tế những vấn đề vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác phòng chống mù lòa.
2. Củng cố và kiện toàn hệ thống chăm sóc mắt ở các tuyến
Nâng cao số lượng và kỹ năng cho các cơ sở chăm sóc mắt tại tuyến tỉnh, tuyến huyện và tuyến cơ sở nhằm cải thiện phạm vi, chất lượng và tính bền vững của các dịch vụ chăm sóc mắt.
2.1. Tuyến tỉnh
- Bệnh viện Mắt:
+ Nâng hạng bệnh viện lên hạng II, nâng số giường bệnh lên 70 giường (năm 2018) và 100 giường (năm 2020);
+ Thành lập mới một số khoa chuyên sâu để nâng cao chất lượng khám, chữa các bệnh về mắt trên địa bàn.
+ Đào tạo cán bộ chuyên sâu ở một số lĩnh vực như: Phẫu thuật phaco, bệnh glôcôm, bệnh võng mạc đái tháo đường, tật khúc xạ, chuyên khoa mắt trẻ em, bệnh kết giác mạc,..
+ Phát triển các kỹ thuật khám và điều trị các bệnh lý bán phần sau của nhãn cầu như: cắt dịch kính, tiêm nội nhãn, laser võng mạc,...
- Các khoa mắt bệnh viện tuyến tỉnh (BVĐK tỉnh, BV Sản Nhi): kiện toàn nhân lực và nâng cao năng lực cho cán bộ khoa Mắt của các bệnh viện để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của từng bệnh viện như: hội chẩn, giải quyết các chấn thương mắt, khám bệnh nhân bị bệnh võng mạc cao huyết áp, bệnh võng mạc tiểu đường, khám trẻ em đẻ non tháng phát hiện bệnh võng mạc trẻ đẻ non,...
2.2. Tuyến cơ sở
- Phấn đấu đến 2025, tất cả bệnh viện huyện có ít nhất 01 bác sỹ, 01 điều dưỡng nhãn khoa và 01 kỹ thuật viên khúc xạ để có thể mổ được từ trung phẫu trở lên, có phòng khám khúc xạ và quầy kính thuốc; Các trung tâm y tế huyện và trạm y tế xã, phường có cán bộ chuyên khoa mắt để đảm nhiệm công tác phòng chống mù lòa của đơn vị;
- Xây dựng và nhân rộng các mô hình phòng chống mù lòa và chăm sóc mắt tại cộng đồng;
- Đội ngũ y tế thôn bản được đào tạo về chăm sóc mắt ban đầu, tuyên truyền, vận động người dân đi khám và điều trị các bệnh mắt để tránh mù lòa.
3. Nâng cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị cho các cơ sở nhãn khoa
- Nâng cấp cơ sở hạ tầng và đầu tư các trang thiết bị nhãn khoa chuyên sâu như máy mổ phaco, sinh hiển vi phẫu thuật mắt... phù hợp với năng lực và nhu cầu thực hiện các dịch vụ chăm sóc mắt tại tuyến tỉnh, huyện.
- Nâng cấp các phòng khám mắt, phòng khám khúc xạ, đầu tư các trang thiết bị nhãn khoa thiết yếu tùy thuộc vào năng lực cán bộ của từng bệnh viện và nhu cầu các dịch vụ chăm sóc mắt tại tuyến tỉnh, huyện của người dân.
- Bố trí phòng khám mắt, khám khúc xạ tại các bệnh viện đa khoa huyện. Tăng cường đầu tư để phòng khám mắt tại bệnh viện đa khoa huyện có đủ trang thiết bị tối thiểu như: máy sinh hiển vi khám mắt, máy soi đáy mắt, hộp thử kính, bảng đo thị lực điện, bộ tiểu phẫu.
- Đầu tư các trang thiết bị thiết yếu cho các phòng khám mắt của các bệnh viên đa khoa huyện và các trạm y tế xã phường.
4. Tăng cường công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe
- Tổ chức các hoạt động truyền thông đại chúng trên đài truyền hình tỉnh và hệ thống truyền thanh cơ sở để đưa các thông điệp truyền thông đến mọi tầng lớp nhân dân về chăm sóc mắt và khuyến khích tiếp cận các dịch vụ chăm sóc mắt tại địa phương.
- Tổ chức truyền thông thông qua các buổi sinh hoạt cộng đồng, sinh hoạt đoàn thể như Hội phụ nữ, Hội người cao tuổi...dưới nhiều hình thức phong phú nhằm thay đổi các tập quán có hại về chăm sóc mắt, khuyến khích các hành vi chăm sóc mắt đúng cũng như tiếp cận các dịch vụ chăm sóc mắt tại địa phương.
- Lồng ghép truyền thông vào các bài giảng tại các cơ sở trường học, các buổi họp phụ huynh nhằm nâng cao nhận thức của học sinh và các bậc cha mẹ về phòng chống tật khúc xạ trong trường học.
- Tổ chức các chiến dịch truyền thông hưởng ứng Ngày thị giác thế giới, Ngày Glocom thế giới... để thu hút sự quan tâm của toàn thể cộng đồng và các cấp chính quyền, đoàn thể về chương trình phòng chống mù lòa của địa phương.
5. Giải pháp chuyên môn, kỹ thuật, công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực
- Gửi đi đào tạo một số bác sĩ đa khoa tuyến huyện thành bác sĩ chuyên khoa định hướng Mắt nhằm nâng cao năng lực cho tuyến huyện để khám, phát hiện và chuyển tuyến các bệnh về mắt.
- Nâng cao năng lực cho bác sỹ, phẫu thuật viên về mổ đục thủy tinh thể, đào tạo điều dưỡng phòng mổ, điều dưỡng chuyên khoa mắt tại các bệnh viện mắt, trung tâm nhãn khoa.
- Mở các lớp đào tạo cho bác sỹ, điều dưỡng, chỉnh quang viên các kiến thức chuyên sâu về tật khúc xạ; mở lớp đào tạo nhân viên y tế học đường để khám sàng lọc tật khúc xạ cho học sinh của trường.
- Tổ chức các đợt khám thị lực cho học sinh các trường tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh, kê đơn kính cho học sinh bị tật khúc xạ, cấp kính cho học sinh thuộc diện nghèo, con gia đình chính sách được chẩn đoán bị tật khúc xạ.
- Bệnh viện Mắt tỉnh với sự hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật từ Bệnh viện Mắt trung ương, đầu tư máy chụp OCT võng mạc, máy laser nội nhãn để triển khai kỹ thuật chụp mạch huỳnh quang, kỹ thuật laser nội nhãn và tiêm nội nhãn để chẩn đoán và điều trị bệnh võng mạc tiểu đường.
- Xây dựng qui chế phối hợp giữa chuyên ngành nhãn khoa và chuyên ngành Nội tiết để khám sàng lọc bệnh nhân võng mạc tiểu đường;
- Gửi đi đào tạo chuyên sâu cho bác sĩ chuyên khoa mắt để phát hiện sớm và chẩn đoán chính xác bệnh glôcôm, từ đó đưa ra liệu trình điều trị tối ưu nhất cho người bệnh.
- Đào tạo bác sỹ nhãn khoa có kiến thức chuyên sâu về bệnh võng mạc trẻ đẻ non và các bệnh về nhãn nhi cho bệnh viện Sản Nhi.
Kinh phí thực hiện kế hoạch phòng chống mù lòa tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2017 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 được đảm bảo từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn vốn ODA và nguồn huy động hợp pháp khác theo quy định của Luật ngân sách Nhà nước.
Hàng năm trên cơ sở các nhiệm vụ cụ thể, Sở Y tế xây dựng kế hoạch, dự toán kinh phí gửi Sở Tài chính thẩm định, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định; UBND các huyện, thành phố và UBND các xã phường, thị trấn bố trí kinh phí hỗ trợ cho các hoạt động tại địa phương.
1. Sở Y tế
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan triển khai thực hiện các nội dung của kế hoạch.
- Hàng năm xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể và dự trù kinh phí gửi Sở Tài chính thẩm định.
- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc có liên quan thực hiện các hướng dẫn về chuyên môn, kỹ thuật trong lĩnh vực khám chữa bệnh, chăm sóc mắt và phòng, chống mù lòa cho cộng đồng.
- Phối hợp với các cơ quan truyền thông tăng cường các hoạt động thông tin - giáo dục - truyền thông cho cộng đồng về: Kiến thức, thực hành chăm sóc mắt cho bản thân, gia đình và cộng đồng để phòng, chống các bệnh về mắt, phòng chống mù lòa.
- Tăng cường vận động các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước hỗ trợ kinh phí cho hoạt động chăm sóc mắt, phòng chống mù lòa, khuyến khích tổ chức các đoàn khám, chữa bệnh về mắt nhân đạo cho nhân dân tỉnh Ninh Bình.
- Chỉ đạo Bệnh viện Mắt Ninh Bình tham mưu, tổ chức xây dựng mạng lưới chuyên khoa; thực hiện các kỹ thuật chuyên môn, nghiệp vụ; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn cho bác sĩ, điều dưỡng, chỉnh quang viên, nhân viên y tế học đường; báo cáo kết quả chương trình Phòng chống mù lòa trên địa bàn tỉnh.
- Định kỳ hàng năm, 5 năm tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm thực hiện kế hoạch và đề xuất để điều chỉnh mục tiêu, nội dung kế hoạch cho phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh.
2. Sở Tài chính
Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí cho ngành y tế để đảm bảo thực hiện chương trình phòng chống mù lòa giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Phối hợp với Sở Tài chính trong việc tham mưu cho UBND tỉnh cân đối ngân sách, hỗ trợ kinh phí cho Kế hoạch. Vận động các nguồn tài trợ trong và ngoài nước đầu tư cho chương trình.
4. Sở Nội vụ
Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, hoàn thiện bộ máy tổ chức và nguồn nhân lực của các cơ sở khám chữa bệnh để tham gia các hoạt động phòng chống mù lòa tại các tuyến.
5. Sở Thông tin và Truyền thông; Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; Báo Ninh Bình
Tổ chức tuyên truyền, xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, các tin bài về Chiến lược quốc gia phòng, chống mù lòa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và công tác chăm sóc mắt, khuyến khích người dân tiếp cận các dịch vụ chăm sóc mắt tại địa phương.
6. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
Tham mưu, triển khai thực hiện chính sách trợ giúp xã hội, an sinh xã hội cho đối tượng khiếm thị, người cao tuổi và các đối tượng bảo trợ xã hội.
7. Sở Giáo dục và Đào tạo
- Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế tổ chức kiện toàn hệ thống y tế trường học, đào tạo nâng cao năng lực cho giáo viên và y tế trường học trong việc phát hiện sớm và dự phòng các bệnh mắt cho học sinh;
- Bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác y tế trường học;
- Phối hợp với ngành y tế hàng năm triển khai khám mắt và sàng lọc tật khúc xạ cho học sinh tại các trường tiểu học, trung học cơ sở trong tỉnh.
8. Bảo hiểm Xã hội tỉnh
- Triển khai các chính sách thích hợp cho các đối tượng có thẻ bảo hiểm y tế để người có thẻ bảo hiểm y tế dễ dàng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc mắt.
- Hàng năm, thực hiện ký hợp đồng khám, chữa bệnh về mắt đối với các cơ sở khám, chữa bệnh có đủ điều kiện.
- Đảm bảo tạm ứng kinh phí và thanh quyết toán kịp thời để các cơ sở khám, chữa bệnh về mắt có nguồn kinh phí mua thuốc, vật tư y tế, vật tư tiêu hao... phục vụ khám và điều trị cho người bệnh.
9. Đề nghị Ủy ban MTTQ tỉnh, Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Liên đoàn lao động tỉnh
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của hội viên về kiến thức chăm sóc mắt, phòng chống mù lòa cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ tham gia hỗ trợ ngành Y tế tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch từ tỉnh đến huyện, xã.
10. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
Chỉ đạo các đơn vị y tế phối hợp với các ban, ngành xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động phòng chống mù lòa trên địa bàn. Bố trí kinh phí đầu tư và kinh phí hoạt động thường xuyên để đảm bảo thực hiện kế hoạch phòng chống mù lòa tại địa phương. Hàng năm tiến hành tổng kết đánh giá kết quả thực hiện và báo cáo kết quả về UBND tỉnh theo quy định.
Trên đây là Kế hoạch thực hiện Chương trình phòng chống mù lòa giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện./.
Nơi nhận: |
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.