CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
VIỆT NAM |
|
Số: 379/KH-UBND |
Bắc Giang, ngày 21 tháng 6 năm 2022 |
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI TỈNH BẮC GIANG GIAI ĐOẠN 2021-2030, GIAI ĐOẠN I: TỪ NĂM 2021 ĐẾN NĂM 2025
Căn cứ Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030;
Căn cứ Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030;
Căn cứ Nghị quyết số 517/NQ-UBTVQH15 ngày 22/5/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc phân bổ ngân sách trung ương giai đoạn 2021- 2025 và năm 2022 cho các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia;
Căn cứ Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 06/4/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công;
Căn cứ Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia;
Căn cứ Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030, giai đoạn 1: từ năm 2021 đến năm 2025;
Căn cứ Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm ủy ban Dân tộc phê duyệt danh sách các thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025;
Căn cứ Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025;
Căn cứ Quyết định số 39/2021/QĐ-TTg ngày 30/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025;
Căn cứ Quyết định số 652/QĐ-TTg ngày 28/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 cho các địa phương thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia; Quyết định số 653/QĐ-TTg ngày 28/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao dự toán ngân sách trung ương năm 2022 thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia;
Căn cứ Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND ngày 06/4/2022 của HĐND tỉnh Bắc Giang quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.
UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (sau đây gọi tắt là Chương trình), như sau:
Tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chương trình. Khai thác tiềm năng, lợi thế của các xã, thôn đặc biệt khó khăn (ĐBKK) thuộc vùng đồng bào DTTS&MN tỉnh giai đoạn 2021-2025, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh công tác giảm nghèo nhanh, bền vững; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân vùng đồng bào DTTS&MN, thu hẹp khoảng cách về thu nhập giữa các thành phần dân tộc, giữa vùng đồng bào DTTS&MN với các vùng khác trong tỉnh và cả nước. Giảm dần số xã, thôn ĐBKK; tập trung lồng ghép, ưu tiên bố trí nguồn lực để phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng phát triển; quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư; phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người DTTS; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các DTTS đi đối với xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; giữ vững và tăng cường sự ổn định về an ninh quốc phòng, cải thiện và nâng cao chất lượng dịch vụ công; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước.
(1) Tỷ lệ hộ nghèo người DTTS hằng năm giảm trên 3%; tỷ lệ hộ nghèo tại các xã vùng đồng bào DTTS&MN bình quân giảm 2,5%/năm, trong đó các xã ĐBKK giảm bình quân 3%/năm.
(2) Thu nhập bình quân đầu người của người DTTS tăng trên 2 lần so với năm 2020; 50% tỷ lệ xã, thôn ra khỏi địa bàn ĐBKK.
(3) Sắp xếp, bố trí ổn định số hộ cư trú phân tán trong các khu rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; 100% hộ nghèo người DTTS chưa có nhà ở hoặc có nhà ở nhưng còn tạm, hư hỏng, dột nát, có nguy cơ sập đổ và không có khả năng tự cải thiện nhà ở được vay vốn, hỗ trợ cải thiện nhà ở; giải quyết cơ bản nước sinh hoạt phân tán, nước sinh hoạt tập trung cho đồng bào. Tỷ lệ hộ DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt trên 90%.
(4) Đẩy mạnh trồng rừng thâm canh; mở rộng diện tích rừng thâm canh gỗ lớn, diện tích rừng được cấp chứng chỉ rừng bền vững quốc tế, tạo việc làm, thu nhập cho người dân làm nghề rừng, gắn với giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
(5) Bước đầu hình thành hệ thống “chuỗi giá trị”; phát triển dược liệu quý, đảm bảo đâu ra cho sản phẩm; hình thành hệ thống hỗ trợ chuyên nghiệp phục vụ hoạt động khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh ở vùng đồng bào DTTS&MN. Thu hút đầu tư sản xuất kinh doanh, tăng cường trao đổi hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người dân trong khu vực các xã, thôn ĐBKK.
(6) 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; nâng tỷ lệ đường trục xã được nhựa hóa, bê tông hóa lên 95%, đường trục thôn, liên thôn lên 75%, đường ngõ, xóm lên 85%; đường nội đồng lên 45%; 100% các thôn, bản ĐBKK bảo đảm giao thông trong mùa mưa lũ; tỷ lệ kiên cố hóa kênh mương từ 33,6% lên 50%, tưới tiêu chủ động cho 75% diện tích trồng lúa nước và cây hàng năm; 100% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp. Phát triển chợ phù hợp với yêu cầu thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm nông sản hàng hóa của vùng đồng bào DTTS&MN.
(7) Phấn đấu 98,7% các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, trong đó phấn đấu 18% số trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2; 99,8% người DTTS trong độ tuổi 15 đến hết tuổi lao động đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông; thu hẹp dần tiến tới xóa bỏ các lớp, điểm trường lẻ; 100% cán bộ, công chức thuộc nhóm đối tượng 1[1]; 80% cán bộ, công chức, viên chức thuộc nhóm đối tượng 2, 3, 4[2] được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức dân tộc.
(8) Nâng cao kỹ năng lao động, phấn đấu 100% người lao động được cung cấp thông tin về thị trường lao động; 70% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu điều kiện của người DTTS và đặc thù vùng đồng bào DTTS&MN; 80% người lao động thuộc vùng đồng bào DTTS&MN có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn sai khi học nghề.
(9) Bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS; 98% xã có nhà văn hóa, 96% thôn có nhà văn hóa (trong đó 70% nhà văn hóa đạt chuẩn); 50% thôn có đội văn hóa, văn nghệ (câu lạc bộ) truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng; 100% dân số được xem truyền hình và nghe đài phát thanh.
(10) Tỷ lệ người DTTS tham gia bảo hiểm y tế đạt 99%; trên 95% phụ nữ có thai được khám thai định kỳ; tỷ lệ trẻ em vùng đồng bào DTTS&MN suy dinh dưỡng (thể nhẹ cân) giảm còn 13%. Giảm tỷ số tử vong mẹ còn 40 bà mẹ/100.000 trẻ đẻ sống; giảm tỷ suất chết của trẻ em dưới 1 tuổi xuống còn 13‰.
(11) Chuyển đổi nhận thức, hành vi trong hôn nhân của đồng bào DTTS góp phần giảm bình quân 2-3%/năm số cặp tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong vùng đồng bào DTTS&MN.
(12) Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức; xây dựng nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác vận động, phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào DTTS; 100% xã ĐBKK được thiết lập hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin: hỗ trợ đồng bào tiếp cận chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thông tin khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và an ninh trật tự.
II. KHẢ NĂNG HUY ĐỘNG VỐN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH
Dự kiến nhu cầu vốn và khả năng huy động nguồn vốn để thực hiện Chương trình là 2.492.596 triệu đồng, trong đó:
1. Vốn ngân sách trung ương: 1.606.862 triệu đồng, trong đó:
- Vốn đầu tư phát triển: 781.062 triệu đồng.
- Vốn sự nghiệp: 825.800 triệu đồng.
2. Vốn đối ứng từ ngân sách tỉnh: 241.050 triệu đồng, trong đó:
- Vốn đầu tư phát triển: 231.050 triệu đồng. Trong đó, nguồn vốn đã giao theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 (tại Nghị quyết số 49/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của HĐND tỉnh) là 200.000 triệu đồng; nguồn vốn cân đối bổ sung giai đoạn 2023-2025 là 31.050 triệu đồng.
- Vốn sự nghiệp: 10.000 triệu đồng.
3. Vốn tín dụng chính sách: 268.650 triệu đồng.
4. Vốn ngân sách huyện, xã và vốn huy động khác: 376.034 triệu đồng.
(Có Phụ lục chi tiết kèm theo)
III. NGUYÊN TẮC, TIÊU CHÍ, ĐỊNH MỨC PHÂN BỔ KẾ HOẠCH VỐN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH
Nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ kế hoạch vốn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình: Thực hiện theo Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND ngày 06/4/2022 của HĐND tỉnh quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.
IV. NỘI DUNG, HOẠT ĐỘNG, DỰ KIẾN MỨC VỐN BỐ TRÍ, CƠ CẤU NGUỒN VỐN THEO TỪNG HOẠT ĐỘNG; TỶ LỆ SỐ LƯỢNG DỰ ÁN ĐẦU TỪ XÂY DỰNG THỰC HIỆN THEO CƠ CHẾ ĐẶC THÙ; DANH MỤC DỰ ÁN ĐẦU TỪ ƯU TIÊN
Triển khai thực hiện 10 dự án thành phần thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh. Cụ thể:
1. Dự án 1: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt
1.1. Hỗ trợ đất ở
Thực hiện hỗ trợ 46 hộ, tổng số vốn dự kiến 3.680 triệu đồng vốn đầu tư phát triển; trong đó: ngân sách trung ương 1.840 triệu đồng, ngân sách tỉnh 184 triệu đồng, vốn vay ngân hàng chính sách xã hội 1.150 triệu đồng và vốn huy động khác 506 triệu đồng.
1.2. Hỗ trợ nhà ở
Thực hiện hỗ trợ 884 hộ, tổng số vốn dự kiến 70.720 triệu đồng vốn đầu tư phát triển; trong đó: ngân sách trung ương 35.360 triệu đồng, ngân sách tỉnh 3.536 triệu đồng, vốn vay ngân hàng chính sách xã hội 22.100 triệu đồng và vốn huy động khác 9.724 triệu đồng.
1.3. Hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề
1.3.1. Hỗ trợ đất sản xuất: Nội dung này tỉnh Bắc Giang không thực hiện.
1.3.2. Hỗ trợ chuyển đổi nghề
Thực hiện hỗ trợ 4.108 hộ, tổng số vốn dự kiến 246.480 triệu đồng vốn sự nghiệp; trong đó: ngân sách trung ương 41.080 triệu đồng, vốn vay ngân hàng chính sách xã hội 205.400 triệu đồng.
1.4. Hỗ trợ nước sinh hoạt
Thực hiện đầu tư hỗ trợ nước sinh hoạt cho 11.823 hộ. Tổng số vốn dự kiến 79.665 triệu đồng; trong đó: vốn đầu tư 48.018 triệu đồng, vốn sự nghiệp 27.197 triệu đồng, ngân sách huyện, xã 4.200 triệu đồng, vốn huy động khác: 250 triệu đồng.
- Hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán: thực hiện hỗ trợ 9.065 hộ, số vốn 27.197 triệu đồng (vốn sự nghiệp ngân sách trung ương).
- Hỗ trợ nước sinh hoạt tập trung: thực hiện đầu tư xây dựng 18 công trình nước sinh hoạt tập trung ở các xã, thôn ĐBKK cho 2.758 hộ thụ hưởng; số vốn 52.468 triệu đồng (vốn đầu tư phát triển ngân sách trung ương 48.018 triệu đồng, ngân sách huyện, xã 4.200 triệu đồng, huy động khác 250 triệu đồng).
(Chi tiết có Biểu số 1A, 1B kèm theo)
* Phân công thực hiện: Ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn tổ chức thực hiện Dự án.
2. Dự án 2: Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết
Thực hiện đầu tư 02 dự án hỗ trợ cho 342 hộ với 1.460 nhân khẩu. Tổng số vốn dự kiến 51.646 triệu đồng; nguồn vốn đầu tư phát triển: ngân sách trung ương 49.146 triệu đồng, ngân sách tỉnh 2.500 triệu đồng.
(Chi tiết có Biểu số 2 kèm theo)
* Phân công thực hiện: Ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn tổ chức thực hiện Dự án.
3.1. Tiểu dự án 1: Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân
Thực hiện hỗ trợ khoán bảo vệ rừng 83.954 ha; hỗ trợ bảo vệ 36.420 ha rừng đối với rừng quy hoạch là rừng phòng hộ và rừng sản xuất là rừng tự nhiên đã giao cho cộng đồng, hộ gia đình. Tổng số vốn dự kiến 231.300 triệu đồng (vốn sự nghiệp ngân sách trung ương), thực hiện hỗ trợ cho 10.600 lượt người thụ hưởng.
(Chi tiết có Biểu số 3A kèm theo)
* Phân công thực hiện: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn tổ chức thực hiện Tiểu dự án.
3.2. Tiểu dự án 2: Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào đồng bào DTTS&MN
3.2.1. Nội dung số 01 và 03: Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị; thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào đồng bào DTTS&MN
Thực hiện hỗ trợ các dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho trên 14.000 đối tượng hộ nghèo, cận nghèo và một số hộ không thuộc hộ nghèo ở xã, thôn ĐBKK, các doanh nghiệp (sản xuất, chế biến, kinh doanh), các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tham gia vào chuỗi giá trị; hỗ trợ xây dựng các mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; định kỳ hằng năm tổ chức biểu dương thanh niên, sinh viên, người có uy tín tiêu biểu và tấm gương khởi nghiệp thành công; tổ chức các hoạt động thu hút đầu tư, các hội chợ, triển khai thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào DTTS&MN.
Tổng số vốn dự kiến 109.885 triệu đồng (trong đó 99.885 triệu đồng vốn sự nghiệp từ ngân sách trung ương, 10.000 triệu vốn vay), thực hiện hỗ trợ theo các dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
* Phân công thực hiện: Ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn tổ chức thực hiện nội dung số 01 và 03 thuộc Tiểu dự án.
3.2.2. Nội dung số 02: Đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý
Thực hiện hỗ trợ đầu tư, phát triển vùng dược liệu quý trên địa bàn huyện Sơn Động. Tổng số vốn dự kiến 117.970 triệu đồng (56.414 triệu đồng ngân sách trung ương: vốn đầu tư 28.733 triệu đồng, vốn sự nghiệp 27.681 triệu đồng; ngân sách tỉnh 1.556 triệu đồng vốn đầu tư phát triển, vốn vay 30.000 triệu đồng, ngân sách huyện, xã và vốn huy động khác 30.000 triệu đồng); chi tiết theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
* Phân công thực hiện: Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn tổ chức thực hiện các hoạt động chuyên môn liên quan đến nội dung số 02 thuộc Tiểu dự án.
4. Dự án 4: Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS&MN và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc
Tiểu dự án 1: Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS&MN
Thực hiện đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp 328 công trình (trong đó: giao thông 140 công trình, thủy lợi 61 công trình, giáo dục 31 công trình, y tế 08 công trình, nhà văn hóa 78 công trình, điện 02 công trình, chợ 08 công trình); duy tu, bảo dưỡng 233 công trình.
Tổng số vốn dự kiến 794.421 triệu đồng; trong đó: ngân sách trung ương 516.816 triệu đồng (nguồn vốn đầu tư phát triển 475.666 triệu đồng, nguồn vốn sự nghiệp 41.150 triệu đồng); ngân sách tỉnh 123.780 triệu đồng (nguồn vốn đầu tư phát triển); ngân sách huyện, xã và nhân dân đóng góp 153.825 triệu đồng, gồm:
- Đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp 318 công trình tại các xã, thôn ĐBKK (giao thông 130 công trình, thủy lợi 61 công trình, giáo dục 31 công trình, nhà văn hóa 78 công trình, điện 02 công trình; xây mới, cải tạo, nâng cấp 08 công trình chợ; cải tạo, nâng cấp 08 trạm y tế xã); số vốn 362.008 triệu đồng. Trong đó vốn đầu tư ngân sách trung ương 361.168 triệu đồng, ngân sách xã và nhân dân đóng góp 840 triệu đồng.
- Đầu tư cải tạo, nâng cấp 10 công trình đường đến trung tâm xã ĐBKK, đường liên xã, vốn đầu tư 391.263 triệu đồng, trong đó: ngân sách trung ương 109.498 triệu đồng, ngân sách tỉnh 123.780 triệu đồng, ngân sách huyện 152.985 triệu đồng.
- Duy tu, bảo dưỡng 233 công trình, tại các xã, thôn ĐBKK, hỗ trợ mua sắm trang thiết bị cho 08 trạm y tế xã, số vốn sự nghiệp ngân sách trung ương 41.150 triệu đồng (duy tu, bảo dưỡng 38.950 triệu đồng; thiết bị trạm y tế xã 2.200 triệu đồng).
(Chi tiết có Biểu số 4A, 4B, 4C, 4D, 4E kèm theo)
* Phân công thực hiện: Ban Dân tộc chủ trì, phối hợp bởi Sở Công Thương, Sở Y tế, các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn tổ chức thực hiện Tiểu dự án.
5. Dự án 5: Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
5.1. Tiểu dự án 1: Đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh ở bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào DTTS
a) Đầu tư các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú, trường phổ thông có học sinh ở bán trú:
Thực hiện đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp một số hạng mục thuộc 09 trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú gồm: Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh, PTDTNT huyện Sơn Động, PTDTNT huyện Lục Ngạn, PTDTNT huyện Lục Nam, PTDTNT huyện Yên Thế; trường PTDTBT xã Sơn Hải, PTDTBT xã Hộ Đáp, huyện Lục Ngạn; PTDTBT xã An Lạc, PTDTBT xã Dương Hưu, huyện Sơn Động.
Tổng số vốn dự kiến 272.061 triệu đồng (vốn đầu tư phát triển); trong đó: ngân sách trung ương 94.327 triệu đồng, ngân sách tỉnh 99.494 triệu đồng, ngân sách huyện 78.240 triệu đồng.
(Chi tiết có Biểu số 5A-1 kèm theo)
b) Hoạt động xóa mù chữ và đầu tư cơ sở vật chất phục vụ chuyển đổi số:
Thực hiện 02 nội dung, với tổng số vốn dự kiến 40.859 triệu đồng (vốn sự nghiệp từ ngân sách trung ương), gồm:
- Thực hiện đầu tư thiết bị phục vụ việc chuyển đổi số giáo dục phục vụ giảng dạy và học tập trực tuyến; tăng cường các điều kiện hỗ trợ hoạt động giáo dục và công tác quản lý; bồi dưỡng nâng cao năng lực đối với đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên trường PTDTNT, trường PTDTBT và trường phổ thông có học sinh bán trú. số vốn 35.933 triệu đồng.
- Xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào DTTS: Tổng số 60 lớp, thực hiện các nội dung mua thiết bị lưu trữ cơ sở dữ liệu về xoá mù chữ, dạy học xoá mù chữ; hỗ trợ người dân tham gia học xoá mù chữ; hỗ trợ tài liệu học tập, sách giáo khoa, văn phòng phẩm, số vốn 4.926 triệu đồng.
(Chi tiết có Biểu số 5A-2 kèm theo)
* Phân công thực hiện: Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn tổ chức thực hiện Tiểu dự án.
5.2. Tiểu dự án 2: Bồi dưỡng kiến thức dân tộc; đào tạo dự bị đại học, đại học và sau đại học đáp ứng nhu cầu nhân lực cho vùng đồng bào DTTS&MN
Tổng số vốn dự kiến 29.148 triệu đồng (vốn sự nghiệp từ ngân sách trung ương), thực hiện 02 nội dung:
- Bồi dưỡng kiến thức dân tộc: Tổ chức thực hiện 43 lớp bồi dưỡng kiến thức dân tộc và 4 lớp bồi dưỡng tiếng DTTS cho cán bộ, công chức, viên chức nhóm đối tượng 2,3 và 4. số vốn 7.834 triệu đồng.
- Đào tạo dự bị đại học, đại học và sau đại học: Thực hiện đào tạo đại học cho 110 người, đào tạo sau đại học cho 12 người (thạc sĩ 10 người, tiến sĩ 02 người). Số vốn 21.314 triệu đồng.
(Chi tiết có Biểu số 5B kèm theo)
* Phân công thực hiện: Ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các cơ cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn tổ chức thực hiện Tiểu dự án.
5.3. Tiểu dự án 3: Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng DTTS&MN
Thực hiện 6 nội dung. Tổng số vốn dự kiến 140.976 triệu đồng (vốn sự nghiệp từ ngân sách trung ương), gồm:
- Tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về các chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, số vốn 2.194 triệu đồng.
- Tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động, phiên giao dịch việc làm chuyên đề tại các địa bàn vùng DTTS&MN, số vốn 2.400 triệu đồng.
- Đào tạo để đi làm việc theo hợp đồng có thời hạn ở nước ngoài, số vốn 1.200 triệu đồng.
- Đào tạo trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo dưới ... tháng số vốn 13.196 triệu đồng.
- Mua sắm thiết bị đào tạo, số vốn 108.986 triệu đồng.
- Sửa chữa, bảo dưỡng một số hạng mục công trình của cơ sở giáo dục nghề nghiệp, số vốn 13.000 triệu đồng.
(Chi tiết có Biểu số 5C kèm theo)
* Phân công thực hiện: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn tổ chức thực hiện Tiểu dự án.
5.4. Tiểu dự án 4: Đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai Chương trình ở các cấp
Dự kiến tổ chức 304 lớp tập huấn, với tổng vốn dự kiến 22.668 triệu đồng (vốn sự nghiệp từ ngân sách trung ương), gồm:
- Nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở: tổ chức 80 lớp tập huấn với các nội dung: Nghiệp vụ quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình; bồi dưỡng kiến quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, quản lý chi phí và chất lượng công trình; quản lý các dự án, chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc; nghiệp vụ giám sát thi công xây dựng công trình cơ sở hạ tầng; quy trình, kỹ năng làm chủ đầu tư, nghiệp vụ đấu thầu, quản lý tài chính và thanh quyết toán; quy trình lập kế hoạch, kiểm tra, giám sát và báo cáo kết quả thực hiện; học tập kinh nghiệm công tác quản lý, chỉ đạo thực hiện Chương trình và các nội dung khác phù hợp với thực tiễn tại địa phương, số vốn 10.059 triệu đồng.
- Nâng cao năng lực cho cộng đồng: tổ chức 224 lớp tập huấn với các nội dung: Kỹ năng giám sát cộng đồng với các hoạt động của chương trình; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025; kỹ năng thực hiện gói thầu giao cho cộng đồng thi công theo cơ chế đặc thù; duy tu bảo dưỡng các công trình cơ sở hạ tầng; kỹ năng xây dựng và vận hành tổ nhóm, tiếp cận thị trường, liên kết sản xuất; chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch một số loài cây ăn quả đặc thù phù hợp với điều kiện của địa phương; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông lâm nghiệp và chăn nuôi và các nội dung khác phù hợp với thực tiễn tại các địa phương, số vốn 12.069 triệu đồng.
* Phân công thực hiện: Ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện Tiểu dự án.
Thực hiện 15 nội dung, với tổng số vốn dự kiến 61.390 triệu đồng (ngân sách trung ương, trong đó: vốn đầu tư phát triển 34.518 triệu đồng, vốn sự nghiệp 26.872 triệu đồng.
6.1. Nguồn vốn đầu tư phát triển: Thực hiện 5 nội dung:
- Hỗ trợ đầu tư xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào DTTS&MN, số vốn 2.288 triệu đồng.
- Hỗ trợ đầu tư bảo tồn làng, bản truyền thống tiêu biểu của các DTTS, số vốn 7.132 triệu đồng.
- Hỗ trợ đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao tại các thôn vùng đồng bào DTTS&MN, số vốn 3.695 triệu đồng.
- Hỗ trợ xây dựng mô hình bảo tàng sinh thái nhằm bảo tàng hóa di sản văn hóa phi vật thể trong cộng đồng các DTTS, hướng tới phát triển cộng đồng và phát triển du lịch, số vốn 3.566 triệu đồng.
- Hỗ trợ tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu của các DTTS, số vốn 17.415 triệu đồng.
6.2. Nguồn vốn sự nghiệp: Thực hiện 10 nội dung:
- Khảo sát, kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa di sản văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS, số vốn 3.734 triệu đồng.
- Tổ chức bảo tồn các loại hình văn hóa phi vật thể (mỗi lễ hội; mô hình văn hóa truyền thống tại các địa phương khai thác, xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch...), số vốn 4.114 triệu đồng.
- Hỗ trợ nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú người DTTS trong việc lưu truyền, phổ biến hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống và đào tạo, bồi dưỡng những người kế cận, số vốn 320 triệu đồng.
- Tổ chức lớp tập huấn, truyền dạy, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, sinh hoạt văn hóa dân gian, số vốn 2.140 triệu đồng.
- Hỗ trợ hoạt động cho đội văn nghệ truyền thống vùng đồng bào DTTS&MN, số vốn 405 triệu đồng.
- Xây dựng nội dung, xuất bản sách, đĩa phim tư liệu về văn hóa truyền thống đồng bào DTTS cấp phát cho cộng đồng các DTTS, số vốn 7.469 triệu đồng.
- Tổ chức ngày hội, giao lưu, liên hoan về các loại hình văn hóa, nghệ thuật truyền thống của đồng bào DTTS (trang phục, nghệ thuật trình diễn dân gian...), số vốn 2.132 triệu đồng.
- Tổ chức hoạt động thị đấu thể thao truyền thống các DTTS, số vốn 3.828 triệu đồng.
- Hỗ trợ xây dựng tủ sách cộng đồng cho mỗi xã vùng đồng bào DTTS&MN, số vốn 480 triệu đồng.
- Hỗ trợ trang thiết bị cho nhà văn hóa tại các thôn vùng đồng bào DTTS, số vốn 2.250 triệu đồng.
(Chi tiết có Biểu số 6 kèm theo)
* Phân công thực hiện: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn tổ chức thực hiện Dự án.
7. Dự án 7: Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em
Thực hiện 03 nội dung, tổng số vốn dự kiến 19.347 triệu đồng (vốn sự nghiệp ngân sách trung ương), gồm:
7.1. Nội dung 1: Xây dựng và phát triển y tế cơ sở vùng đồng bào DTTS&MN
- Xây dựng và phát triển y tế cơ sở vùng đồng bào DTTS&MN: Mua sắm, bổ sung trang thiết bị y tế thiết yếu theo Thông tư số 28/2020/TT-BYT ngày 31/12/2020 của Bộ Y tế quy định danh mục trang thiết bị tối thiểu của trạm y tế tuyến xã.
- Triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ đào tạo, thu hút nguồn nhân lực y tế huyện nghèo, vùng dân tộc, miền núi theo Nghị quyết số 11/2020/NQ-HĐND ngày 09/7/2020 của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ đào tạo, thu hút nguồn nhân lực y tế tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021 -2025 và Quyết định số 895/QĐ-UBND ngày 05/10/2020 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án đào tạo, thu hút nguồn nhân lực y tế tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021- 2025.
- Hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật về trạm y tế xã: Tuyến huyện tiếp tục thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; tăng cường cử cán bộ hỗ trợ, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật nhằm nâng cao trình độ chuyên môn cho tuyến xã, đặc biệt là các xã vùng dân tộc và miền núi theo Quyết định số 14/2013/QĐ-TTg ngày 20/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
- Đào tạo y học gia đình cho nhân viên trạm y tế xã: Hằng năm, căn cứ nhu cầu đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, đặc biệt là đào tạo chuyên ngành y học gia đình, y tế dự phòng cho cán bộ y tế tuyến huyện, xã.
7.2. Nội dung 2: Nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào DTTS&MN
- Phổ cập dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh với sự tham gia của toàn xã hội tại vùng đồng bào DTTS&MN.
- Đáp ứng nhu cầu chăm sóc, nâng cao sức khỏe người cao tuổi thích ứng với già hóa dân số nhanh; ổn định và phát triển dân số của đồng bào DTTS tại vùng đồng bào DTTS&MN.
- Nâng cao năng lực quản lý dân số; phòng chống bệnh Thalassemia tại vùng đồng bào DTTS&MN.
7.3. Nội dung 3: Chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng bà mẹ - trẻ em nhằm giảm tử vong bà mẹ, tử vong trẻ em, nâng cao tầm vóc, thể lực người DTTS
- Chăm sóc dinh dưỡng bà mẹ - trẻ em nhằm nâng cao tầm vóc, thể lực người DTTS: Quản lý suy dinh dưỡng cấp tại cộng đồng, mỗi trẻ suy dinh dưỡng cấp sẽ được điều trị bằng sản phẩm dinh dưỡng (căn cứ tham vấn và thẩm định dinh dưỡng của Viện Dinh dưỡng quốc gia). Dự kiến mỗi năm khoảng 56 trẻ dưới 5 tuổi thuộc 28 xã ĐBKK được quản lý và điều trị bằng sản phẩm dinh dưỡng.
- Chăm sóc sức khỏe, giảm tử vong bà mẹ, trẻ em:
+ Nâng cao năng lực về kiến thức, kỹ năng làm mẹ an toàn, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em cho cán bộ y tế để thực hiện các gói dịch vụ can thiệp nhằm giảm tử vong mẹ, tử vong sơ sinh.
+ Các gói hỗ trợ bà mẹ, trẻ sơ sinh vùng ĐBKK tiếp cận tới các dịch vụ chăm sóc bà mẹ và sơ sinh có chất lượng.
+ Nâng cao chất lượng thẩm định tử vong mẹ, tử vong sơ sinh.
- Tuyên truyền vận động, truyền thông thay đổi hành vi về chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng bà mẹ - trẻ em.
(Chi tiết có Biểu số 7 kèm theo)
* Phân công thực hiện: Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn tổ chức thực hiện các hoạt động chuyên môn đảm bảo tiến độ và đạt các mục tiêu của Dự án.
8. Dự án 8: Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em
Thực hiện 04 nội dung, với tổng số vốn dự kiến 41.100 triệu đồng (vốn sự nghiệp từ ngân sách trung ương), gồm:
- Tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em, số vốn 11.952 triệu đồng.
- Xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em, số vốn 17.991 triệu đồng.
- Đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội của cộng đồng, giám sát và phản biện; hỗ trợ phụ nữ tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị, số vốn 7.981 triệu đồng.
- Trang bị kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo và người có uy tín trong cộng đồng, số vốn 3.176 triệu đồng.
(Chi tiết có Biểu số 8 kèm theo)
* Phân công thực hiện: Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn tổ chức thực hiện Dự án.
9. Dự án 9: Đầu tư phát triển nhóm DTTS rất ít và ít người, nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn
Tiểu dự án 2: Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS&MN
Thực hiện 05 nội dung, với tổng số vốn dự kiến 8.966 triệu đồng (vốn sự nghiệp từ ngân sách trung ương), gồm:
- Công tác truyền thông, số vốn 3.883 triệu đồng.
- Tăng cường các hoạt động tư vấn, can thiệp lồng ghép với các chương trình, dự án, mô hình chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ, trẻ em, dân số kế hoạch hóa gia đình, dinh dưỡng, phát triển thể chất có liên quan trong lĩnh vực hôn nhân nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, số vốn 4.163 triệu đồng.
- Duy trì và triển khai mô hình tại các xã/huyện/trường có tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cao; nhân rộng các mô hình phù hợp nhằm thay đổi hành vi, khả năng tiếp cận thông tin và huy động sự tham gia của cộng đồng thực hiện ngăn ngừa, giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, số vốn 320 triệu đồng.
- Bồi dưỡng nâng cao năng lực về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức làm công tác dân tộc tham gia thực hiện Dự án, số vốn 400 triệu đồng.
- Kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết việc thực hiện mô hình, dự án và thực hiện các chính sách, số vốn 200 triệu đồng.
(Chi tiết có Biểu số 9 kèm theo)
* Phân công thực hiện: Ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn tổ chức thực hiện Dự án.
10. Dự án 10: Truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào DTTS&MN. Kiểm tra, giám sát đánh giá việc tổ chức thực hiện Chương trình
10.1. Tiểu dự án 1: Biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến, phát huy vai trò của người có uy tín; phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý và tuyên truyền, vận động đồng bào; truyền thông phục vụ tổ chức triển khai thực hiện Đề án tống thế và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2025
Thực hiện 03 nội dung, với tổng số vốn dự kiến 26.922 triệu đồng (vốn sự nghiệp: ngân sách trung ương 18.922 triệu đồng, ngân sách tỉnh 8.000 triệu đồng), gồm:
a) Nội dung 01: Biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến, phát huy vai trò của người có uy tín
Thực hiện xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ người có uy tín và hiệu quả công tác vận động, phát huy vai trò của lực lượng cốt cán và người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS; biểu dương, tôn vinh, ghi nhận công lao, sự đóng góp của các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS&MN trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế. số vốn dự kiến 16.302 triệu đồng (trong đó: ngân sách trung ương 8.302 triệu đồng, ngân sách tỉnh 8.000 triệu đồng).
(Chi tiết có Biểu số 10A-1 kèm theo)
b) Nội dung 02: Phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS
Thực hiện 10 nội dung, gồm: Tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS; tổ chức Hội nghị PBGDPL, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2025 và các chính sách dân tộc; thi tìm hiểu pháp luật bằng hình thức sân khấu hóa; hội thảo chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm PBGDPL, tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS; nói chuyện chuyên đề, xây dựng mô hình điểm, câu lạc bộ tuyên truyền pháp luật; xây dựng tin, bài, các buổi tọa đàm, câu chuyện pháp luật, phóng sự bằng tiếng phổ thông để tuyên truyền trên Báo Bắc Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; biên soạn, phát hành sổ tay kỹ năng, sổ tay hỏi đáp phổ biến chính sách, pháp luật và chính sách dân tộc; biên soạn tờ gấp pháp luật, tài liệu bỏ túi, ấn phẩm, tài liệu khác bằng tiếng phổ thông; kiểm ưa thực hiện công tác PBGDPL; sơ kết, tổng kết thực hiện công tác PBGDPL, tuyên truyền, vận động, số vốn dự kiến 9.420 triệu đồng.
(Chi tiết có Biểu số 10A-2 kèm theo)
c) Nội dung số 3: Tăng cường, nâng cao khả năng tiếp cận và thụ hưởng hoạt động trợ giúp pháp lý chất lượng cho vùng đồng bào DTTS&MN
Thực hiện các hoạt động tuyên truyền pháp luật, tuyên truyền các luật như: Dân quân tự vệ, nghĩa vụ quân sự, đất đai, hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình... đến tất cả các nhóm đối tượng trên toàn địa bàn; tổ chức phát tờ rơi, tờ gấp, tài liệu pháp luật đến các hộ dân trên địa bàn; tổ chức tư vấn trực tiếp đến các hộ dân tại các buổi tuyên truyền pháp luật khi họ có yêu cầu. Số vốn dự kiến 1…000 triệu đồng.
(Chi tiết có Biểu số 10A-3 kèm theo)
* Phân công thực hiện: Ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn tổ chức thực hiện nội dung số 01, nội dung số 02; Sở Tư pháp chủ trì nội dung số 03 thuộc Tiểu dự án.
10.2. Tiểu dự án 2: Ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS&MN
Thực hiện các nội dung theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, gồm: Chuyển đổi số trong tổ chức triển khai thực hiện Chương trình; hỗ trợ thiết lập các điểm hỗ trợ đồng bào DTTS ứng dụng công nghệ thông tin tại UBND cấp xã để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự; hỗ trợ xây dựng và duy trì chợ sản phẩm trực tuyến vùng đồng bào DTTS&MN.
Tổng số vốn dự kiến 16.807 triệu đồng từ ngân sách trung ương (vốn đầu tư phát triển 13.454 triệu đồng, vốn sự nghiệp 3.353 triệu đồng).
(Chi tiết có Biểu số 10B kèm theo)
* Phân công thực hiện: Sở Thông tin và Truyền thông, Ban Dân tộc, Liên minh Hợp tác xã tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện từng nội dung Tiểu dự án (theo hướng dẫn của cơ quan trung ương ngành dọc cấp trên).
10.3. Tiểu dự án 3: Kiểm tra, giám sát, đánh giá, đào tạo tập huấn tổ chức thực hiện Chương trình
Thực hiện các nội dung: Xây dựng hệ thống các mục tiêu, chỉ tiêu đánh giá kết quả thực hiện dự án, tiểu dự án; xây dựng chi tiết hệ thống giám sát và đánh giá, hệ thống các biểu mẫu báo cáo, cơ chế thu thập thông tin; tập huấn và vận hành phần mềm; nâng cao năng lực giám sát, đánh giá; biểu dương thi đua, khen thưởng gương điển hình tiên tiến; hoạt động kiểm tra, giám sát; tổ chức chỉ đạo điểm thực hiện hiện Chương trình, số vốn dự kiến 7.296 triệu đồng (ngân sách trung ương 5.296 triệu đồng, ngân sách tỉnh 2.000 triệu đồng).
(Chi tiết có Biểu số 10C kèm theo)
* Phân công thực hiện: Các sở, ngành tỉnh được phân công chủ trì dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc Chương trình; các cơ quan, đơn vị quản lý, sử dụng vốn và các tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Tiểu dự án.
11. Tỷ lệ số lượng dự án đầu tư xây dựng thực hiện theo cơ chế đặc thù
Tỷ lệ số lượng dự án đầu tư xây dựng thực hiện theo cơ chế đặc thù được thực hiện theo quy định chung của tỉnh đối với 03 Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh.
V. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Giải pháp huy động nguồn vốn
a) Đa dạng hóa các nguồn vốn thực hiện Chương trình (ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, vốn xã hội hóa, vốn đóng góp của người dân...) trong đó tinh thần tự lực, vượt khó của người dân giữ vai trò quan trọng, nguồn ngân sách nhà nước là quyết định. Tăng cường huy động, khuyến khích sự tham gia, đóng góp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Tập trung đầu tư có trọng tâm trọng điểm, tránh dàn trải, nợ đọng, bảo đảm đúng quy định của Luật Đầu tư công; Luật Ngân sách Nhà nước định hướng các cơ quan, đơn vị trực tiếp giúp đỡ các xã ĐBKK giai đoạn 2021-2025 vào thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc Chương trình.
b) Thực hiện có hiệu quả Quyết định số 2152/QĐ-TTg ngày 18/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt đề án kéo dài thời gian thực hiện Quyết định 2214/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS" đến năm 2025; tăng cường tiếp xúc, vận động nhằm củng cố mối quan hệ hợp tác với các tổ chức phi chính phủ đã và đang hoạt động tại tỉnh, mở rộng quan hệ với các tổ chức phi chính phủ đã đăng kí hoạt động tại tỉnh nhưng chưa triển khai chương trình, dự án trên địa bàn. Rà soát, xây dựng danh mục các dự án vận động hỗ trợ phù hợp nhu cầu của cơ quan, địa phương và lĩnh vực quan tâm của các tổ chức phi chính phủ; xác định các yếu tố trọng tâm, tăng cường công tác chia sẻ thông tin với các tổ chức trong nước, quốc tế, phi chính phủ.
c) Lồng ghép vốn các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc Chương trình với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các chương trình, dự án khác cùng đầu tư trên địa bàn xã, thôn ĐBKK.
2. Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, tính chủ động cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN
a) Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách dân tộc nói chung và Chương trình mục tiêu quốc gia nói riêng là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị, khơi dậy ý chí chủ động, tinh thần nỗ lực vươn lên thoát nghèo trong đồng bào DTTS. Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền đảm bảo vệ phẩm chất, năng lực chuyên môn, kỹ năng truyền đạt, am hiểu tâm lý tập quán của đồng bào, chú trọng đội ngũ tuyên truyền là cán bộ cơ sở.
b) Đổi mới, đa dạng hóa nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến chính sách dân tộc, trong đó lựa chọn hình thức biên soạn tài liệu, cung cấp thông tin tập trung vào trọng tâm, ngắn gọn, người dân dễ hiểu, dễ nhớ khi tiếp cận nội dung chính sách; tăng cường các hoạt động đối thoại với nhân dân, sân khấu khóa công tác tuyên truyền qua các tiểu phẩm, hội thi tìm hiểu pháp luật, phát huy hiệu quả trên các kênh thông tin đại chúng, cổng thông tin điện tử, hệ thống truyền thanh cơ sở. Nhân rộng cách làm hay, mô hình điểm trong quản lý, chỉ đạo thực hiện Chương trình, các điển hình tiên tiến và phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào DTTS tham gia phát triển kinh tế - xã hội củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tôn vinh tập thể, cá nhân tiêu biểu xuất sắc, điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS&MN.
c) Cấp ủy, chính quyền huyện, xã có đối tượng thụ hưởng ban hành các nghị quyết, chỉ thị về công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện chương trình. Gắn trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong việc lãnh đạo chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Chương trình; thực hiện tốt phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, thực hiện công khai, dân chủ từ cơ sở, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia đầy đủ của người dân. Đầu tư hỗ trợ để tạo sinh kế là chính, giảm cho không, tăng cho vay ưu đãi, hỗ trợ có điều kiện...
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Trách nhiệm của các sở, ngành tỉnh
1.1. Ban Dân tộc
- Là cơ quan chủ trì quản lý Chương trình; chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan, UBND huyện tổ chức triển khai thực hiện Chương trình theo quy định;
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh xây dựng nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước để thực hiện Chương trình giai đoạn 5 năm và hằng năm, trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết để thực hiện từ năm 2022;
- Tổng hợp, đề xuất kế hoạch và dự kiến phương án phân bổ vốn ngân sách trung ương, nguồn vốn đối ứng từ ngân sách tỉnh để thực hiện Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 và hằng năm;
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình; định kỳ (hoặc đột xuất khi có yêu cầu) tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện Chương trình theo quy định.
1.2. Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan đơn vị có liên quan thẩm định kế hoạch vốn Chương trình giai đoạn 2021-2025 và hàng năm.
- Chủ trì, phối hợp với Ban Dân tộc, Sở Tài chính tham mưu bố trí vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách tỉnh đối ứng thực hiện Chương trình; phối hợp với chủ Chương trình xây dựng chỉ tiêu, nhiệm vụ thực hiện Chương trình 05 năm và hằng năm.
1.3. Sở Tài chính
Hằng năm, chủ trì tham mưu UBND tỉnh bố trí đủ số vốn đối ứng (nguồn vốn sự nghiệp giai đoạn 2021 -2025 theo Kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh tại Thông báo số 511/TB-UBND ngày 05/10/2021) để thực hiện Chương trình theo quy định. Hướng dẫn thanh quyết toán nguồn vốn thực hiện Chương trình.
1.4. Sở Khoa học và Công nghệ
Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương định hướng nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho vùng đồng bào DTTS&MN, đặc biệt chú trọng việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao trong các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, các vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa gắn trực tiếp với đồng bào dân tộc.
1.5. Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh
Chủ động phối hợp với Ban Dân tộc, các cơ quan liên quan tham mưu xây dựng, tổ chức thực hiện vốn tín dụng chính sách theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ, đảm bảo thực hiện các nội dung, nhiệm vụ Chương trình.
Phối hợp với Ban Dân tộc hướng dẫn các địa phương xác nhận, tổng hợp danh sách đối tượng thụ hưởng chính sách làm cơ sở để Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho vay kịp thời, hiệu quả.
1.6. Các sở, ngành được phân công chủ trì dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc Chương trình
- Hằng năm, lập kế hoạch thực hiện đối với dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần của Chương trình được phân công chủ trì, gửi Ban Dân tộc để tổng hợp, xây dựng kế hoạch chung của tỉnh; hướng dẫn các địa phương triển khai các chỉ tiêu, nhiệm vụ và tổ chức thực hiện dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc Chương trình được phân công chủ trì;
- Chủ trì, phối hợp với Ban Dân tộc, các sở, ngành có liên quan tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ Chương trình; định kỳ (hoặc đột xuất khi có yêu cầu) tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc Chương trình, gửi Ban Dân tộc để tổng hợp báo cáo theo quy định.
2. UBND huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế và Lạng Giang
- Lập, phê duyệt, giao kế hoạch thực hiện Chương trình trong giai đoạn 05 năm và hằng năm cho các cơ quan, đơn vị quản lý, sử dụng vốn trên địa bàn; gửi Cơ quan chủ trì dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần của Chương trình, Ban Dân tộc và các cơ quan liên quan theo quy định;
- Tổ chức triển khai thực hiện Chương trình trên địa bàn; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Chương trình trên địa bàn huyện theo định kỳ, đột xuất khi có yêu cầu;
- Chỉ đạo, phân công trách nhiệm của từng phòng, ban, cơ quan, đơn vị trong việc tổ chức thực hiện Chương trình theo nguyên tắc đẩy mạnh phân cấp, tăng cường trách nhiệm cho cơ sở.
3. Đề nghị Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội tỉnh
Thực hiện giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý, điều hành, quản lý sử dụng vốn đầu tư, quản lý ngân sách nhà nước, vốn đóng góp của nhân dân; việc thực hiện công khai, minh bạch trong đầu tư công theo Điều 14 Luật Đầu tư công và Điều 15 Luật Ngân sách Nhà nước; phát hiện những việc làm xâm hại đến lợi ích của Nhà nước, cộng đồng, người dân; những tác động tiêu cực đến môi trường, những việc làm gây lãng phí, thất thoát vốn, tài sản của Chương trình.
Trên đây là Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021- 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025. Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc các cơ quan, đơn vị kịp thời báo cáo về Ban Dân tộc để tổng hợp, báo cáo Ủy ban Dân tộc và UBND tỉnh để xem xét, giải quyết./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN
|
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.