ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3417/KH-UBND |
Lâm Đồng, ngày 02 tháng 5 năm 2024 |
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN ĐỀ ÁN ƯU TIÊN ĐẨY MẠNH HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ NGÀNH CHĂN NUÔI ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG
Căn cứ các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: số 1520/QĐ-TTg ngày 06/10/2020 phê duyệt Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045; số 1742/QĐ-TTg ngày 30/12/2023 phê duyệt Đề án ưu tiên đẩy mạnh khoa học và công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 56/TTr-SNN ngày 19/4/2024, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án ưu tiên đẩy mạnh khoa học và công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, cụ thể như sau:
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung: Tăng cường công tác nghiên cứu, nâng cao năng lực, hiệu quả đối với hoạt động ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến trên các lĩnh vực: sản xuất giống vật nuôi; sơ chế, chế biến, sản xuất thức ăn chăn nuôi; giết mổ và chế biến các sản phẩm từ chăn nuôi; xây dựng chuồng trại và thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi, đảm bảo an toàn dịch bệnh nhằm nâng cao hiệu quả ngành sản xuất chăn nuôi và bền vững.
2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030:
a) Áp dụng khoa học công nghệ trong công tác lai tạo, sản xuất giống nhằm đảm bảo cung cấp giống tiến bộ kỹ thuật đáp ứng nhu cầu cho sản xuất chăn nuôi lợn từ 80 - 90%, gia cầm từ 70 - 80%; bò thịt trên 90%; bò sữa trên 90%.
b) Áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất thức ăn công nghiệp đáp ứng tối thiểu 35% thức ăn chăn nuôi.
c) Áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong giết mổ, chế biến sản phẩm chăn nuôi; đảm bảo tỷ lệ gia súc, gia cầm được giết mổ tại các cơ sở giết mổ tập trung, quy mô công nghiệp, bán công nghiệp đạt tỷ lệ trên 50%; áp dụng khoa học, công nghệ trong chế biến công nghiệp nhằm đa dạng hóa các sản phẩm chăn nuôi; chuyển giao công nghệ, trang thiết bị chuồng trại đáp ứng 80% nhu cầu đảm bảo an toàn dịch bệnh hướng tới chăn nuôi bền vững.
II. NỘI DUNG VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Thu hút đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất giống vật nuôi đối với lợn, gia cầm và tằm; nhập các loại tinh phôi các giống bò sữa, bò thịt cao sản; nghiên cứu, chọn lọc các giống vật nuôi bản địa, đặc sản phục vụ sản xuất chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.
2. Nghiên cứu, áp dụng các giải pháp khoa học kỹ thuật để sản xuất các loại cây trồng có năng suất, chất lượng để làm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp, thức ăn thô xanh; áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong thu gom, chế biến phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi.
3. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân áp dụng công nghệ xây dựng chuồng trại chăn nuôi khép kín, ưu tiên công nghệ cao hình thành tiểu khí hậu chuồng nuôi phù hợp với từng loại vật nuôi để tăng năng suất, hiệu quả gắn với xây dựng hệ thống xử lý chất thải hiện đại, áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường.
4. Đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trong thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi và phát triển các mô hình sản xuất chăn nuôi tuần hoàn trên địa bàn tỉnh.
5. Tăng cường các biện pháp kỹ thuật trong phòng chống dịch bệnh động vật; ưu tiên ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất vắc xin tiêm phòng cho vật nuôi, sử dụng các chế phẩm sinh học trong xử lý môi trường chăn nuôi.
6. Thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi, cơ sở chế biến các sản phẩm chăn nuôi (thịt, trứng, sữa, mật ong) trên địa bàn tỉnh theo các cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
7. Thực hiện có hiệu quả cơ chế chính sách hỗ trợ theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: số 1741/QĐ-TTg ngày 30/12/2023 phê duyệt Đề án Phát triển công nghiệp sản xuất giống vật nuôi đến năm 2030; số 1625/QĐ-TTg ngày 15/12/2023 phê duyệt Đề án Phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi đến năm 2030; Quyết định số 1740/QĐ-TTg ngày 30/12/2023 phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi đến năm 2030.
8. Hàng năm, thực hiện đăng ký các đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ và ứng dụng có hiệu quả các nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y trên địa bàn tỉnh. Trong đó ưu tiên các đề tài nghiên cứu trong lĩnh vực trứng giống tằm phục vụ sản xuất.
9. Tăng cường năng lực, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ tại các cơ quan nhà nước thuộc cấp tỉnh, cấp huyện trên địa bàn tỉnh.
10. Tham mưu, đề xuất bố trí ngân sách hoặc lồng ghép các chương trình, dự án khoa học công nghệ, trình Hội đồng nhân dân tỉnh bố trí kinh phí để thực hiện đạt mục tiêu và nội dung của Kế hoạch.
III. NGUỒN VỐN THỰC HIỆN
1. Nguồn ngân sách nhà nước theo phân cấp hiện hành.
2. Lồng ghép nguồn vốn trong Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới; Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh và các chương trình, đề án, dự án khác.
3. Nguồn vốn huy động từ các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước theo quy định của pháp luật.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
a) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện Kế hoạch; phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện các nội dung thuộc danh mục nhiệm vụ, dự án ưu tiên thuộc Đề án ưu tiên đẩy mạnh khoa học và công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030; đồng thời chủ động tham mưu, lồng ghép các mục tiêu, nội dung của Đề án với các chương trình, đề án, dự án khác trình UBND tỉnh phê duyệt để triển khai thực hiện.
b) Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ và các địa phương thực hiện đăng ký các đề tài, dự án thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.
c) Chịu trách nhiệm hướng dẫn, giám sát, đôn đốc, kiểm tra theo dõi việc triển khai thực hiện Kế hoạch này tại các địa phương; định kỳ hàng năm tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đề xuất, kiến nghị, trình UBND tỉnh quyết định những vấn đề phát sinh, vượt thẩm quyền, bổ sung, điều chỉnh Kế hoạch phù hợp với điều kiện thực tiễn và tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Đề án theo quy định.
2. Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh cân đối ngân sách tỉnh hoặc nghiên cứu lồng ghép các chương trình có liên quan, phối hợp tham mưu cấp thẩm quyền bố trí kinh phí để thực hiện đạt mục tiêu, nội dung của Kế hoạch.
3. Sở Khoa học và Công nghệ: Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức đặt hàng, tuyển chọn các nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới trên lĩnh vực chăn nuôi, thú y và môi trường theo nội dung Kế hoạch.
4. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc: Phối hợp với Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ trên lĩnh vực chăn nuôi, môi trường tại địa phương; rà soát quỹ đất, bố trí quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội, thu hút các doanh nghiệp đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, các cơ sở chế biến thịt trứng quy mô công nghiệp theo quy định và tổ chức triển khai thực hiện các nội dung của Kế hoạch phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương./.
|
KT.
CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.