ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 338/KH-UBND |
Thừa Thiên Huế, ngày 28 tháng 8 năm 2024 |
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN NGÀNH NGHỀ NÔNG THÔN ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045
Thực hiện nội dung Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 14/9/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cụ thể như sau:
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Phát triển ngành nghề nông thôn nhằm phát huy tiềm năng của khu vực nông thôn, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, tạo công ăn việc làm và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân; góp phần bảo vệ môi trường, tôn tạo, giữ gìn cảnh quan, phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc; phát triển kinh tế nông thôn gắn với mục tiêu nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.
2. Mục tiêu đến năm 2030
- Tốc độ tăng trưởng của nhóm ngành nghề nông thôn đạt khoảng 6,0-7,0%/năm.
- Thu nhập bình quân lao động trong các hoạt động ngành nghề nông thôn gấp 2,5-3 lần so với năm 2020.
- Hỗ trợ các cơ sở ngành nghề, làng nghề xây dựng nhãn hiệu hàng hóa và đăng kí các hình thức bảo hộ trí tuệ.
- Hỗ trợ phát triển các sản phẩm ngành nghề nông thôn, các sản phẩm làng nghề gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
- Phát triển từ 02 đến 05 điểm du lịch nông thôn theo các loại hình: du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch làng nghề,…
- Phấn đấu đến năm 2030, lao động trong khu vực ngành nghề nông thôn được đào tạo góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo bằng các hình thức đạt 75-80%; trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 50-55%.
3. Tầm nhìn đến năm 2045
- Ngành nghề nông thôn tiếp tục là hoạt động mang lại thu nhập, tạo việc làm cho lao động ở nông thôn, góp phần vào tăng trưởng chung của nền kinh tế quốc dân.
- Phát triển ngành nghề nông thôn theo hướng phát triển bền vững, thông minh, thân thiện với môi trường, gắn với xây dựng không gian nông thôn xanh, sạch, đẹp; gìn giữ và phát huy các giá trị văn hoá, lịch sử và truyền thống của vùng, miền.
II. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN NGÀNH NGHỀ NÔNG THÔN ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045
1. Định hướng phát triển theo nhóm ngành nghề nông thôn
a) Nhóm ngành nghề chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản
- Tăng cường sử dụng máy móc, thiết bị và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường vào sản xuất. Kết hợp phương pháp sản xuất truyền thống và hiện đại nhằm bảo tồn, phát huy các sản phẩm đặc trưng vùng, miền, địa phương.
- Xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất gắn với việc tiêu thụ sản phẩm để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm góp phần gia tăng giá trị sản phẩm.
b) Nhóm sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ
- Tạo các mẫu mã sản phẩm mới, độc đáo, có tính nghệ thuật và khả năng sử dụng cao, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; phát triển sản xuất theo hướng làm quà tặng, đồ lưu niệm phục vụ đối tượng khách du lịch.
- Nghiên cứu, khuyến khích sử dụng nguyên liệu mới có nguồn gốc rõ ràng, thân thiện với môi trường thay thế cho các nguyên liệu truyền thống đang dần khan hiếm.
- Tạo điều kiện hỗ trợ nghệ nhân, thợ giỏi và người lao động tham gia các khoá học thiết kế mẫu mã, tạo hình, phối màu, phối hợp chất liệu trong sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ.
c) Nhóm xử lý, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn
- Nâng cao năng lực các cơ sở xử lý, chế biến tạo ra các loại nguyên liệu mới, phù hợp với xu hướng phát triển của ngành nghề nông thôn; nhất là sản xuất nguyên liệu tái chế, thân thiện với môi trường và thay thế cho nguyên liệu nhập khẩu.
- Hình thành các điểm sơ chế, chế biến các nguyên liệu cung cấp cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh ngành nghề nông thôn.
d) Nhóm sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ
- Xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung nhằm đảm bảo ổn định, bền vững phục vụ phát triển nhóm sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ,… hướng đến giảm phụ thuộc vào rừng tự nhiên và nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
- Tập trung sản xuất các sản phẩm có tiềm năng, có tính thương mại cao đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
- Kết hợp các nguyên liệu, vật liệu khác nhau, tạo ra các sản phẩm mới đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng, kích thước.
đ) Nhóm sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh
- Hình thành các vùng chuyên canh sản xuất, kinh doanh sinh vật cảnh, tạo ra các sản phẩm độc đáo phù hợp với văn hoá, nhu cầu của người dân gắn với các hoạt động du lịch, tham quan, trải nghiệm và chụp ảnh lưu niệm.
- Hỗ trợ thành lập các câu lạc bộ, nhóm, hội sinh vật cảnh nhằm liên kết, tạo ra các sản phẩm sinh vật cảnh phong phú, đặc sắc, có giá trị cao.
- Tổ chức các hội thi sinh vật cảnh làm cơ sở để tiến hành phong tặng nghệ nhân của tỉnh, đồng thời, đổi mới hình thức, nội dung hoạt động triển lãm, trưng bày sinh vật cảnh để giao lưu, trao đổi kinh nhiệm, quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm.
e) Nhóm dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn
- Hình thành hợp tác xã, tổ hợp tác, cá nhân cung cấp các dịch vụ phục vụ sản xuất kinh doanh của người dân ở nông thôn.
- Đa dạng hóa các loại hình và mở rộng quy mô các dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống ở khu vực nông thôn; chuyển dịch cơ cấu từ sản xuất nông nghiệp sang cung cấp các loại dịch vụ, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân khu vực nông thôn.
2. Định hướng bảo tồn và phát triển làng nghề
- Triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 410/KH-UBND ngày 19/12/2023 của UBND tỉnh về kế hoạch bảo tồn và phát triển làng nghề tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030.
- Bảo tồn những nghề, làng nghề có nguy cơ mai một, thất truyền nhưng không thể khôi phục.
- Khôi phục và phát triển các nghề truyền thống, làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền.
3. Bảo vệ môi trường gắn với phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch làng nghề
- Triển khai có hiệu quả Kế hoạch số 136/KH-UBND ngày 25/3/2024 của UBND tỉnh về triển khai Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh, nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương
- Tập trung phục hồi, tôn tạo các di tích liên quan đến giá trị văn hóa nghề, làng nghề truyền thống (không gian làm nghề, cảnh quan làng nghề,…), phát triển xây dựng mới các điểm du lịch, sản phẩm du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo đề án Phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với du lịch tỉnh theo Quyết định số 3145/QĐ-UBND ngày 26/12/2022 của UBND tỉnh.
- Phát huy các giá trị văn hóa truyền thống nông thôn; đa dạng hoạt động trải nghiệm du lịch làng nghề, du lịch nông thôn.
- Giữ gìn cảnh quan nông thôn gắn với làng sinh thái, thông minh, bảo đảm xanh, sạch, đẹp và thân thiện môi trường
III. CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU PHÁT TRIỂN NGÀNH NGHỀ NÔNG THÔN
1. Truyền thông và nâng cao nhận thức
- Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và người dân về vai trò, tầm quan trọng của việc phát triển ngành nghề nông thôn trong xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội.
- Đa dạng hình thức tuyên truyền đến các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội.
- Khuyến khích liên kết, thu hút các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư cho các hoạt động phát triển ngành nghề nông thôn.
2. Hoàn thiện thể chế, chính sách
- Tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách liên quan đến hỗ trợ, đầu tư phát triển ngành nghề nông thôn, bảo tồn và phát triển làng nghề theo quy định tại Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ và của HĐND, UBND tỉnh ban hành.
- Rà soát, hoàn thiện, bổ sung nội dung, hình thức, định mức hỗ trợ liên quan đến phát triển ngành nghề nông thôn do tỉnh ban hành đảm bảo phù hợp, hiệu quả, đúng quy định.
- Thực hiện chính sách miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế tài nguyên, tiền thuê đất và tín dụng ưu đãi hỗ trợ phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh đặc thù của ngành nghề nông thôn; chính sách hỗ trợ nghệ nhân đào tạo, truyền nghề theo quy định.
3. Tổ chức lại sản xuất
- Tiếp tục đổi mới và nhân rộng các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả, phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò chủ đạo, nòng cốt, dẫn dắt, hợp tác xã là trung gian giữa doanh nghiệp và người dân.
- Ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ thông tin, máy móc, thiết bị vào sản xuất theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Ưu tiên đối với các công nghệ mới, tiên tiến, công nghệ thân thiện với môi trường và phù hợp đặc điểm từng nhóm ngành nghề nông thôn.
- Khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư các vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn, có chứng chỉ bền vững, phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu.
4. Bảo vệ môi trường gắn với phát triển du lịch nông thôn
- Rà soát các làng nghề trên địa bàn tỉnh đảm bảo phải có phương án bảo vệ môi trường, có tổ chức tự quản bảo vệ môi trường và hạ tầng bảo vệ môi trường phù hợp với điều kiện của từng địa phương.
- Lựa chọn và hỗ trợ xây dựng các mô hình phát triển du lịch nông thôn theo các loại hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch gắn với bảo tồn thiên nhiên, du lịch làng nghề, du lịch trải nghiệm,... mang tính đặc trưng vùng, miền
- Khuyến khích sử dụng nguyên liệu tái tạo, thân thiện môi trường trong hoạt động du lịch (năng lượng mặt trời, năng lượng gió, khí sinh học, tận dụng các phế phụ phẩm) để hỗ trợ trong việc sản xuất, kinh doanh.
5. Xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung
- Hỗ trợ đầu tư phát triển các vùng nguyên liệu tập trung, ổn định để cung cấp nguyên liệu cho các cơ sở ngành nghề, làng nghề; tập trung vào các ngành nghề cần ưu tiên như mây tre đan, thủ công mỹ nghệ, rèn thủ công, dệt thổ cẩm, sinh vật cảnh,…
- Khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư các vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn, có chứng chỉ bền vững, phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu.
- Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng trong vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất, khai thác, sơ chế, chế biến; nghiên cứu, chọn tạo, công nhận chuyển giao các loại giống mới, năng suất cao, đảm bảo chất lượng.
6. Phát triển nguồn nhân lực
- Tiếp tục thực hiện Chương trình đào tạo nghề cho lao động, nhất là lao động vùng nông thôn theo định hướng phát triển của địa phương. Căn cứ nhu của người lao động, hỗ trợ đào tạo các nghề thuộc lĩnh vực ngành nghề nông thôn để xây dựng các chương trình đào tạo phù hợp
- Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý, kiến thức về tổ chức sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi số cho doanh nghiệp, hợp tác xã và các cơ sở sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn.
- Đào tạo nâng cao tay nghề; bổ sung các kiến thức về khoa học công nghệ, quy trình sản xuất, công nghệ thông tin, thiết kế, đổi mới mẫu mã sản phẩm cho người lao động. Ưu tiên đào tạo lao động tại doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, vùng nguyên liệu tập trung.
- Hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ làm công tác tác quản lý ngành nghề nông thôn các cấp thông qua đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, tham quan học hỏi,...
- Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các nghệ nhân, thợ giỏi tham gia các khóa đào tạo nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng dạy học, thiết kế mẫu mã sản phẩm và xu hướng thị trường. Đồng thời, tham gia đào tạo, truyền nghề cho người lao động trong các làng nghề.
- Hỗ trợ cho doanh nghiệp, hợp tác xã và cơ sở sản xuất xây dựng Tiêu chuẩn cơ sở, công bố hợp chuẩn, hợp quy các sản phẩm hàng hoá do doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất.
7. Hỗ trợ xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu
- Xây dựng hệ thống thông tin, nâng cao năng lực dự báo thị trường sản phẩm ngành nghề nông thôn, hỗ trợ năng lực tiếp cận thị trường cho doanh nghiệp, hợp tác xã và cơ sở sản xuất gắn với các chương trình xúc tiến thương mại.
- Hỗ trợ cho các cơ sở ngành nghề nông thôn tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm nhằm kết nối cung cầu nhằm giới thiệu, quảng bá thương hiệu giúp mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
- Hỗ trợ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở ngành nghề nông thôn và làng nghề xây dựng trang thông tin điện tử giới thiệu sản phẩm, bán hàng trực tuyến; hỗ trợ bảo hộ thương hiệu tập thể, hệ thống truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý, bộ nhận diện thương hiệu sản phẩm; thiết kế bao bì, nhãn cho các đơn vị nghề, làng nghề.
- Hỗ trợ cho doanh nghiệp, hợp tác xã và cơ sở sản xuất xây dựng Tiêu chuẩn cơ sở, công bố hợp chuẩn, hợp quy các sản phẩm hàng hoá do doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất.
8. Tăng cường quản lý nhà nước về ngành nghề nông thôn
- Tăng cường phối hợp giữa sở, ban, ngành liên quan và địa phương để tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn và triển khai các chủ trương, định hướng cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển ngành nghề nông thôn đến các tổ chức, cá nhân.
- Kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh.
- Tổ chức xét công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống theo quy định tại Nghị định 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn.
IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN
Kinh phí thực hiện từ nguồn vốn nhà nước (ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương) theo quy định hiện hành; lồng ghép trong các Chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình khuyến công, khuyến nông, chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp của trung ương và địa phương và các nguồn kinh phí huy động hợp pháp khác.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế tổ chức triển khai thực hiện các nội dung của Kế hoạch đảm bảo hiệu quả.
- Phối hợp với các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố rà soát, sửa đổi, bổ sung trình UBND tỉnh, ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch.
- Hướng dẫn các địa phương hàng năm xây dựng kế hoạch phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn; kế hoạch, dự toán bảo tồn và phát triển làng nghề gửi Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp phương án phân bổ ngân sách trình UBND tỉnh xem xét, quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
- Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trực thuộc hỗ trợ, hướng dẫn triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn.
- Tổng hợp kết quả thực hiện Kế hoạch hàng năm, 05 năm báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh.
2. Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh
Thông qua các chương trình, kế hoạch, chính sách thuộc lĩnh vực công thương hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn, cơ sở sản xuất thuộc các làng nghề phát triển sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần phát triển các sản phẩm ngành nghề nông thôn, sản phẩm OCOP; tạo điều kiện để các sản phẩm ngành nghề nông thôn tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá kết nối tiêu thụ sản phẩm.
3. Sở Tài chính
Hằng năm, căn cứ khả năng cân đối ngân sách của tỉnh và nhu cầu kinh phí thường xuyên của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan, đơn vị và các địa phương tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí để thực hiện các nội dung của Kế hoạch đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm và đúng quy định..
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan báo cáo UBND tỉnh xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm để thực hiện các dự án phát triển ngành nghề nông thôn theo quy định của Luật Đầu tư công (nếu có). Theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, hoàn thiện các chính sách về đầu tư cho phát triển ngành nghề nông thôn.
5. Sở Khoa học và Công nghệ
- Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến trong sản xuất, hệ thống truy xuất nguồn gốc, hệ thống mã số, mã vạch, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nghề, làng nghề.
- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất sản phẩm làng nghề; triển khai các nhiệm vụ, chương trình, dự án hỗ trợ đầu tư ứng dụng khoa học, công nghệ cho các làng nghề, cơ sở ngành nghề nông thôn.
6. Sở Du lịch
- Xây dựng một số mô hình phát triển du lịch nông thôn theo các loại hình: du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch gắn với bảo tồn thiên nhiên, du lịch làng nghề,...; tổ chức các chương trình khảo sát điểm đến, sản phẩm du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh, chương trình học tập kinh nghiệm về phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới tại một số địa phương trong nước có mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn phát triển; tăng cường kết nối với doanh nghiệp lữ hành; tổ chức các hoạt động xúc tiến, quảng bá các chương trình du lịch nông thôn.
- Xây dựng các chương trình bồi dưỡng, đào tạo phát triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch nông thôn, tập huấn đào tạo nghề du lịch cho người dân.
7. Sở Văn hóa và Thể thao
- Phối hợp với sở Du lịch và các sở, ngành liên quan triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển du lịch dựa trên các giá trị văn hóa, không gian lễ hội làng nghề.
- Xây dựng một số chương trình, kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa gắn với phát triển làng nghề truyền thống.
- Hỗ trợ nâng cao chất lượng chương trình, hoạt động văn hóa nghệ thuật tại một số làng nghề truyền thống trên cơ sở đảm bảo và phát huy bản sắc văn hóa dân gian địa phương.
8. Sở Tài nguyên và Môi trường
- Hướng dẫn tạo điều kiện về thủ tục giao đất, thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định pháp luật cho các làng nghề, cơ sở ngành nghề nông thôn.
- Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ môi trường làng nghề, khuyến khích phát triển các ngành nghề nông thôn sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường.
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường làng nghề, cơ sở ngành nghề nông thôn.
9. Sở Lao động Thương binh và Xã hội
- Chủ trì phối hợp các Sở, ngành liên quan triển khai thực hiện công tác đào tạo nghề theo quy định; phối hợp với UBND thành phố Huế, các thị xã và các huyện tổ chức đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho lao động gắn với chuyển đổi nghề nghiệp.
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng chương trình đào tạo những nghề mới phù hợp nhu cầu của thị trường lao động theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; tổ chức đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho lao động gắn với chuyển đổi nghề nghiệp; hỗ trợ đào tạo nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng dạy học cho nghệ nhân, thợ giỏi và khuyến khích nghệ nhân, thợ giỏi tham gia đào tạo nghề cho lao động, trong đó chú trọng đào tạo nghề cho lao động ở các làng nghề, cơ sở ngành nghề nông thôn, hợp tác xã, tổ hợp tác.
10. Sở Thông tin và Truyền thông
- Chỉ đạo các cơ quan báo chí, hệ thống thông tin cơ sở và Trung tâm IOC phối hợp các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu các sản phẩm làng nghề, ngành nghề nông thôn, quảng bá các sản phẩm du lịch gắn với làng nghề, nghề truyền thống, ngành nghề nông thôn trên địa bàn.
- Hỗ trợ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện chuyển đổi số trong quản lý và phát triển các sản phẩm ngành nghề nông thôn.
11. UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế
- Căn cứ các mục tiêu, nội dung và giải pháp của Kế hoạch để xây dựng Kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Thực hiện chế độ báo cáo kết quả triển khai thực hiện Kế hoạch về UBND tỉnh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
- Phối hợp với các sở, ban, ngành xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung, phục vụ cho phát triển ngành nghề nông thôn, cơ sở hạ tầng làng nghề theo quy hoạch của huyện, thị xã, thành phố Huế.
- Thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với làng nghề, ngành nghề nông thôn trên địa bàn theo quy định. Căn cứ các tiêu chí theo quy định để lập hồ sơ về nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn trình UBND tỉnh xem xét công nhận.
- Chủ động bố trí nguồn kinh phí, kết hợp lồng ghép nguồn vốn của các chương trình, dự án và nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện Kế hoạch tại địa phương.
- Tổ chức triển khai giám sát, đánh giá, báo cáo kết quả thực hiện các nội dung của Kế hoạch theo quy định.
12. Tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, nghề nghiệp
- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và điều lệ hoạt động, chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ban, ngành và địa phương xây dựng kế hoạch hỗ trợ thực hiện các nội dung của Kế hoạch.
- Đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên tích cực tham gia phát triển ngành nghề nông thôn nhằm bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống.
Yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế triển khai thực hiện Kế hoạch. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, kịp thời phản ánh về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định./.
|
TM.ỦY BAN NHÂN
DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.