ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3136/KH-UBND |
Cao Bằng, ngày 15 tháng 11 năm 2021 |
Thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 10/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam; Công văn số 3518/BVHTTDL-HTQT ngày 24/9/2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam.
Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Cao Bằng xây dựng kế hoạch đẩy mạnh triển khai Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 như sau:
1. Mục đích
- Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác văn hóa đối ngoại của Việt Nam nói chung và tỉnh Cao Bằng nói riêng, nhằm phát triển toàn diện văn hóa, con người Việt Nam, đưa văn hóa thành sức mạnh nội sinh, thúc đẩy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, bền vững, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tăng cường giao lưu, sự hiểu biết, tình hữu nghị giữa Nhân dân Việt Nam và Nhân dân các nước, đóng góp quan trọng vào việc nâng cao vị thế, uy tín Việt Nam trên trường quốc tế theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Kết luận số 76-KL/TW ngày 04 tháng 6 năm 2020 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
- Đẩy mạnh công tác văn hóa đối ngoại nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh miền đất, con người Việt Nam; những nét đặc sắc văn hóa của tỉnh Cao Bằng đến bạn bè quốc tế, qua đó mở rộng quan hệ, hợp tác với các địa phương, tổ chức và cá nhân nước ngoài, các tổ chức quốc tế, thu hút nguồn đầu tư, thúc đẩy thương mại, du lịch, công nghiệp văn hóa góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đồng thời tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, làm phong phú và sâu sắc thêm những giá trị văn hóa truyền thống của tỉnh
2. Yêu cầu
- Tổ chức triển khai các hoạt động văn hóa đối ngoại phải đảm bảo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chủ động, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
- Lồng ghép các hoạt động văn hóa đối ngoại với các hoạt động nhân dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước và các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội của tỉnh; gắn kết chặt chẽ giữa văn hóa đối ngoại với chính trị đối ngoại và kinh tế đối ngoại, góp phần tăng cường đoàn kết, quan hệ hữu nghị hợp tác với bạn bè quốc tế, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng trên địa bàn tỉnh.
- Các cơ quan, ban ngành cấp tỉnh; UBND các huyện, thành phố tích cực, chủ động trong việc tham mưu, đề xuất và tổ chức triển khai, thực hiện các nội dung theo kế hoạch đề ra.
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa nói chung, văn hóa đối ngoại nói riêng, các quan điểm, mục tiêu của Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.
- Quảng bá, giới thiệu các giá trị văn hóa đặc trưng của tỉnh Cao Bằng ra thế giới, làm cho thế giới hiểu biết hơn về văn hóa, con người Cao Bằng, tạo dựng lòng tin và sự yêu mến đối với Việt Nam nói chung và tỉnh Cao Bằng nói riêng, góp phần thúc đẩy việc triển khai quan hệ hợp tác phát triển trên tất cả các lĩnh vực.
- Tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại, làm phong phú và sâu sắc thêm những giá trị văn hóa truyền thống, góp phần xây dựng nền văn hóa con người Cao Bằng phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học.
- Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; phát triển các giá trị, tinh hoa văn hóa đương đại phù hợp với tính chân thiện mỹ của nhân loại.
a) Đối với công tác quảng bá hình ảnh quốc gia
Tăng cường công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa, con người, quảng bá hình ảnh quốc gia ra nước ngoài dưới nhiều hình thức, phương thức thể hiện đa dạng, phong phú như Ngày/Tuần Văn hóa, Lễ hội Văn hóa - Du lịch Việt Nam, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao, kết hợp chặt chẽ với xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, các hoạt động đối ngoại nhân dân, phát huy các danh hiệu thế giới, giải thưởng khu vực và quốc tế, tôn vinh danh nhân, anh hùng dân tộc Việt Nam.
Tăng cường sự hiện diện của Việt Nam tại các sự kiện khu vực và quốc tế quy mô, uy tín như Triển lãm thế giới EXPO, Thế vận hội Olympic, các liên hoan, lễ hội quốc tế gắn với đẩy mạnh công tác thông tin trên các phương tiện truyền thông mới.
Phát triển những loại hình, mô hình, phương thức hoạt động văn hóa đối ngoại đa dạng, hiệu quả để giới thiệu, quảng bá bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc tỉnh Cao Bằng ra thế giới thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa nghệ thuật; Ngày hội Văn hóa của địa phương, Tuần Văn hóa Việt Nam, các Lễ hội Văn hóa - Du lịch, các hoạt động quảng bá Công viên địa chất Non nước Cao Bằng, các hoạt động xúc tiến, quảng bá văn hóa - du lịch với các tổ chức, địa phương nước ngoài trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt là các địa phương đã thiết lập quan hệ với tỉnh, như: Mối quan hệ hợp tác giữa tỉnh Cao Bằng (Việt Nam) với Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây (Trung Quốc); Thành phố Tịnh Tây, huyện Nà Po, huyện Đại Tân (Trung Quốc); tích cực, chủ động triển khai thực hiện Hiệp định bảo vệ, khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc (Cao Bằng) - Đức Thiên (Trung Quốc); tổ chức kết nghĩa giữa các xã, thị trấn giáp biên giới, nhằm thúc đẩy các quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu, hiệu quả.
Từng bước mở rộng các hoạt động văn hóa đối ngoại của tỉnh với các nước khác trong khu vực ASEAN...Tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, địa phương của các nước, các tổ chức quốc tế, các cơ quan văn hóa, du lịch nước ngoài giới thiệu về hình ảnh miền đất, con người, văn hóa, du lịch tại Cao Bằng.
Thu hút các nguồn lực hỗ trợ cho phát triển văn hóa nghệ thuật, góp phần thực hiện chính sách xã hội hóa. Tổ chức các hoạt động văn hóa đối ngoại theo hình thức xã hội hóa với sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
b) Áp dụng khoa học, công nghệ số khi triển khai thực hiện
Tăng cường triển khai Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam trong giai trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, thúc đẩy sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tại tỉnh và ở Việt Nam, song hành với công tác thông tin đối ngoại, gắn kết trong tổng thể chính sách đối ngoại, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Thúc đẩy phát triển văn hóa số, chú trọng ứng dụng khoa học, công nghệ, thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đẩy mạnh triển khai hoạt động văn hóa đối ngoại sau khi đại dịch Covid-19 được đẩy lùi.
c) Gìn giữ, phát huy tiếng Việt, bản sắc văn hóa dân tộc
Tiếp tục đẩy mạnh công tác văn hóa đối ngoại gắn kết chặt chẽ với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, góp phần gìn giữ, phát huy tiếng Việt, bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc, thu hút nguồn lực chất lượng cao ở nước ngoài đóng góp cho sự phát triển bền vững của đất nước, của tỉnh.
Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng biểu tượng văn hóa và một số sản phẩm văn hóa của tỉnh mang tính thương hiệu khu vực, quốc gia.
d) Hoạt động giao lưu biên giới
Tích cực triển khai các hoạt động văn hóa đối ngoại cấp quốc gia và địa phương tại khu vực biên giới trên đất liền giữa Việt Nam với các nước láng giềng thông qua các chương trình giao lưu văn hóa, thể thao, du lịch, các hoạt động giao lưu, giao thương thường xuyên, góp phần làm tốt công tác bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia.
Tăng cường các hoạt động giao lưu nhân dân và hiểu biết lẫn nhau của người dân khu vực biên giới.
e) Tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại
Chủ động tiếp thu, giới thiệu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại; đăng cai, tổ chức các sự kiện quốc tế có quy mô, uy tín; phát triển các thương hiệu của tỉnh, các lễ hội, sự kiện văn hóa - nghệ thuật của Cao Bằng; tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học trên các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.
Đẩy lùi hạn chế, ảnh hưởng tiêu cực do mặt trái toàn cầu về văn hóa; đấu tranh, phản bác kịp thời những luận điệu sai trái, xuyên tạc trên lĩnh vực văn hóa.
- Kinh phí thực hiện Kế hoạch được bố trí từ nguồn Ngân sách Nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
- Các đơn vị có trách nhiệm chủ động bố trí nguồn kinh phí được cấp có thẩm quyền giao hàng năm để thực hiện các nhiệm vụ trong Kế hoạch. Việc phân bổ, thanh quyết toán kinh phí triển khai Kế hoạch thực hiện theo quy định hiện hành.
- Đẩy mạnh việc xã hội hóa, thu hút các tổ chức, cá nhân tài trợ, đóng góp cho các hoạt động Văn hóa đối ngoại phù hợp với quy định của pháp luật.
1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
- Là cơ quan đầu mối, phối hợp các cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch đẩy mạnh triển khai Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn, tổng hợp kết quả và định kỳ báo cáo UBND tỉnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo quy định.
- Đầu tư dàn dựng các chương trình nghệ thuật, văn nghệ dân gian truyền thống, các ấn phẩm văn hóa mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc phục vụ các hoạt động văn hóa đối ngoại; nâng cao hiệu quả công tác trưng bày, triển lãm giới thiệu văn hóa truyền thông các dân tộc trên địa bàn tỉnh; tiếp tục lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; đẩy mạnh đăng cai tổ chức các sự kiện văn hóa đối ngoại của trung ương tại tỉnh.
- Chủ trì, phối hợp Sở Ngoại vụ thực hiện các chương trình giới thiệu các di sản, danh lam thắng cảnh, truyền thống văn hóa của tỉnh với bạn bè quốc tế khi đến thăm tỉnh; hoạt động văn hóa đối ngoại của các địa phương, tổ chức nước ngoài tại tỉnh, chương trình đón các đoàn văn hóa, nghệ thuật của nước ngoài.
- Chủ trì, phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Cao Bằng, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, các cơ quan báo chí xây dựng chương trình văn hóa, nghệ thuật, lễ hội...để tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông địa phương và quốc gia nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá về hình ảnh và con người Cao Bằng với bạn bè quốc tế.
- Đề xuất giải pháp bảo tồn, tôn tạo phát huy những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các dân tộc, các di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn tỉnh; đầu tư, hỗ trợ xây dựng, bảo tồn làng văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch.
- Xây dựng nội dung xúc tiến, quảng bá du lịch của tỉnh phù hợp với nhu cầu thị hiếu của từng địa bàn quốc tế. Tổ chức các đợt xúc tiến, quảng bá du lịch Cao Bằng, quảng bá Công viên địa chất Non Nước Cao Bằng ở nước ngoài.
- Tổ chức các lớp tập huấn chuyên đề nâng cao lý luận, nhận thức và chuyên môn về văn hóa đối ngoại cho lãnh đạo các cấp, các ngành, địa phương và lực lượng liên quan trực tiếp đến cộng tác văn hóa đối ngoại.
- Phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tổ chức và cử các đoàn cán bộ, diễn viên, vận động viên, nghệ nhân tham gia các hoạt động biểu diễn, giao lưu về văn hóa, thể thao và du lịch với các tổ chức, địa phương nước ngoài mà tỉnh đã thiết lập quan hệ hữu nghị hoặc do Bộ, ngành Trung ương tổ chức.
- Phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mở các lớp bồi dưỡng kiến thức văn hóa đối ngoại và tập huấn việc tổ chức các sự kiện văn hóa đối ngoại cho cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị trong tỉnh.
- Chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện thành phố thực hiện Kế hoạch đẩy mạnh triển khai Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 theo chức năng, nhiệm vụ của Sở Ngoại vụ.
- Phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc tổ chức và triển khai các hoạt động văn hóa đối ngoại của tỉnh; hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho các đoàn phóng viên báo chí nước ngoài đến tác nghiệp tại tỉnh; tranh thủ sự quan tâm của giới báo chí nước ngoài về những nét văn hóa đặc trưng của tỉnh để quảng bá các danh lam, thắng cảnh, cơ sở làng nghề truyền thống và các điểm du lịch nhằm kêu gọi vận động đầu tư cho tỉnh.
- Tham mưu, đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh gửi thư, thiệp chúc mừng tới các cơ quan đại diện, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam, các địa phương của nước ngoài có quan hệ hợp tác hữu nghị với tỉnh nhân dịp Quốc khánh và ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, lễ tết của các nước theo các văn bản chỉ đạo của các cơ quan Trung ương liên quan.
- Phát hành Bản tin Đối ngoại, trong đó đăng tải các nội dung triển khai Kế hoạch Chiến lược văn hóa đối ngoại của tỉnh.
- Tổ chức các hoạt động nhằm quảng bá văn hóa, du lịch, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh thông qua các chương trình như: Tổ chức Chương trình “Xuân Quê hương”, để qua đó, vận động, thu hút và phát huy tiềm năng người Việt Nam ở nước ngoài về xây dựng quê hương, đất nước.
3. Sở Thông tin và Truyền thông
- Chủ trì phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn các cơ quan báo chí, truyền thông và hệ thống thông tin cơ sở tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh hợp tác, những thành tựu phát triển của tỉnh Cao Bằng.
- Chỉ đạo Cổng thông tin điện tử cập nhật cơ sở dữ liệu, thông tin cơ bản về tỉnh Cao Bằng; xây dựng chuyên trang, chuyên mục về văn hóa đối ngoại của tỉnh, trong đó thường xuyên đổi mới nội dung và cập nhật tin bài về lĩnh vực văn hóa, du lịch của tỉnh.
Phối hợp với các Sở, ngành liên quan thẩm định dự toán kinh phí thực hiện theo Kế hoạch được cấp có thẩm quyền giao, căn cứ khả năng ngân sách tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện kế hoạch theo đúng quy định hiện hành.
5. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh
- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Ngoại vụ, Sở Thông tin và truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam.
- Tiếp tục duy trì các chuyên trang, chuyên mục; tăng cường tin, bài phản ánh kịp thời các hoạt động văn hóa đối ngoại tiềm năng, thế mạnh của tỉnh nhằm quảng bá hình ảnh về miền đất, con người Cao Bằng đến với bạn bè quốc tế, thu hút khách du lịch và các nhà đầu tư.
6. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
- Chỉ đạo việc tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Đẩy mạnh công tác văn hóa đối ngoại nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh miền đất, con người của địa phương; những nét đặc sắc văn hóa của huyện, của tỉnh Cao Bằng đến bạn bè quốc tế, qua đó mở rộng quan hệ, hợp tác với các địa phương, thu hút nguồn đầu tư, thúc đẩy thương mại, du lịch, công nghiệp văn hóa góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
- Căn cứ Kế hoạch của UBND tỉnh nêu trên, chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch chi tiết văn hóa đối ngoại của cơ quan, đơn vị, địa phương mình cho phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế. Định kỳ trước ngày 30 tháng 11 hằng năm, đánh giá kết quả thực hiện báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Văn hóa, Văn hóa, Thể thao và Du lịch) về tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch để tổng hợp báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị, các đoàn thể tuyên truyền, vận động tới các đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia giám sát thực hiện các nội dung trên trong xây dựng và phát triển văn hóa, văn hóa đối ngoại, con người Việt Nam.
- Lồng ghép các hoạt động văn hóa đối ngoại trong quá trình triển khai các hoạt động ngoại giao nhân dân.
Trên đây là Kế hoạch Đẩy mạnh triển khai Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Căn cứ nhiệm vụ được phân công, các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo hiệu quả. Trong quá trình thực hiện, có khó khăn, vướng mắc, báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) để xem xét, quyết định./.
|
KT. CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.