ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2949/KH-UBND |
Bình Thuận, ngày 07 tháng 9 năm 2022 |
PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ, HỢP TÁC XÃ NĂM 2023
Thực hiện Công văn số 5529/BKHĐT-HTX ngày 08/8/2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã năm 2023 như sau:
ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ, HỢP TÁC XÃ NĂM 2022
I. TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ, HỢP TÁC XÃ NĂM 2022
a) Về số lượng, doanh thu và thu nhập của hợp tác xã (HTX), liên hiệp hợp tác xã (LH HTX), tổ hợp tác (THT)
- Tính đến ngày 30/6/2022 toàn tỉnh có: 203 HTX và 02 LH HTX. Ước đến cuối năm 2022 toàn tỉnh có: 204 HTX, 02 LH HTX, đạt 100,5%; 3.204 THT, đạt 62,3% kế hoạch năm, trong đó thành lập mới 10 HTX, đạt 100% kế hoạch; giải thể 05 HTX, không có HTX chuyển đổi thành doanh nghiệp. Hiện nay, có 184 HTX, 02 LH HTX đang hoạt động; đang thực hiện giải thể 01 LH HTX theo kế hoạch năm 2022.
- Doanh thu bình quân của 01 HTX ước thực hiện năm 2022 là: 2,2 tỷ đồng đạt 100% kế hoạch. Doanh thu của HTX đối với thành viên chiếm hơn 60% tổng doanh thu của HTX.
- Lãi bình quân của 01 HTX là 200 triệu đồng đạt 100% kế hoạch.
- Số HTX hoạt động hiệu quả theo Luật Hợp tác xã năm 2012: là 70 HTX (chiếm 34,3% trên tổng số HTX), đạt 100% kế hoạch năm 2022.
b) Về thành viên, lao động của HTX, LH HTX, THT
- Các HTX thu hút 48.924 thành viên tham gia đạt 100,1% kế hoạch, trong đó có 70 thành viên gia nhập mới. Số thành viên của LH HTX: 07 HTX thành viên, đạt 100% kế hoạch. Số lượng thanh viên của THT: 118.544 thành viên, đạt 67,4% kế hoạch.
- Tổng số lao động làm việc thường xuyên trong HTX là 2.601 người đạt 100% kế hoạch.
- Thu nhập bình quân của lao động làm việc thường xuyên trong HTX là 60 triệu đồng/người/năm đạt 100% kế hoạch.
c) Về trình độ cán bộ quản lý HTX, LH HTX, THT
Tổng số cán bộ quản lý hiện có là 816 người, đạt 100% kế hoạch; trong đó trình độ sơ cấp, trung cấp là 250 người, chiếm: 30,6%, đạt 100% kế hoạch; trình độ cao đẳng, đại học: 180 người, chiếm: 23,66%, đạt 100% kế hoạch; số còn lại chưa qua đào tạo: 386 người, chiếm 47,3%/tổng số cán bộ quản lý.
a) Hợp tác xã
- Lĩnh vực Nông-lâm-ngư-diêm nghiệp: có 153 HTX, với tổng nguồn vốn hoạt động hơn 177,23 tỷ đồng, có 4.438 thanh viên và 1.164 lao động. Doanh thu năm 2022 ước đạt là 20,25 tỷ đồng, giảm 58,1%; lợi nhuận 1,898 tỷ đồng, giảm 47,1% so với năm 2021; thu nhập bình quân của người lao động là 3.540.000 đồng.
- Lĩnh vực Giao thông vận tải: có 10 HTX (có 02 HTX đang ngừng hoạt động) với tổng nguồn vốn 198 tỷ đồng, tổng số thanh viên 690 người và 862 lao động. Doanh thu năm 2022 ước đạt khoảng 27,4 tỷ đồng, giảm 44,5%; lợi nhuận 4,15 tỷ đồng, giảm 41,1% so với năm 2021; thu nhập bình quân của người lao động là 5.402.000 đồng.
- Lĩnh vực Thương mại - dịch vụ: có 12 HTX, với tổng nguồn vốn 37,5 tỷ đồng, tổng số thanh viên 77 người, 73 lao động. Doanh thu năm 2022 ước đạt 2,95 tỷ đồng, giảm 32,49%; lợi nhuận 287 triệu đồng, giảm 28,4% so với năm 2021; thu nhập bình quân của người lao động là 4.125.000 đồng.
- Lĩnh vực Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp: có 02 HTX với tổng nguồn vốn 3,3 tỷ đồng, 21 thành viên và 20 lao động. Doanh thu năm 2022 ước đạt 800 triệu đồng, giảm 33,3%; lợi nhuận 127 triệu đồng, bằng với năm 2021.
- Lĩnh vực Xây dựng: có 01 HTX, với tổng nguồn vốn 1 tỷ đồng, tổng số thanh viên 7 người, 15 lao động. Doanh thu năm 2022 ước đạt 1,2 tỷ đồng, giảm 20%; lợi nhuận 33 triệu đồng, bằng với năm 2021; thu nhập bình quân của người lao động là 5.507.000 đồng.
- Lĩnh vực Quỹ tín dụng nhân dân: có 25 Quỹ (có 01 QTD nhân dân ngừng hoạt động), với tổng nguồn vốn 2.974 tỷ đồng, 43.370 thành viên và 334 lao động; doanh thu năm 2022 ước đạt 26,304 tỷ đồng, giảm 79,7%; lợi nhuận 8,6 tỷ đồng, giảm 44,58% so với năm 2021; thu nhập bình quân của người lao động là 7.297.000 đồng.
b) Liên hiệp Hợp tác xã
- Liên hiệp chế biến xuất khẩu thanh long Bình Thuận đã ngưng hoạt động kéo dài, đang thực hiện công tác giải thể.
- LH HTX Thanh long Bình Thuận do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ngưng trệ, chưa có doanh thu; mặt khác Liên hiệp tiếp tục xây dựng, giới thiệu các HTX thành viên tham gia kết nối chuỗi trồng và tiêu thụ trái thanh long với các tỉnh bạn để mang lại hiệu quả cho các thành viên.
c) Tổ Hợp tác: Toàn tỉnh hiện có 3.204 THT, đạt 62,3& kế hoạch năm; có 118.544 thành viên, đạt 67,4% kế hoạch. Trong đó, THT chủ yếu tập trung trong lĩnh vực tín dụng, với 2.292 tổ, chiếm 71,5%; số còn lại là các THT hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư, diêm nghiệp...với 912 tổ, chiếm 28,5%.
- Mặc dù gặp rất nhiều bất lợi do yếu tố khách quan (dịch bệnh Covid-19, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, khó khăn trong giải quyết đầu ra cho sản phẩm...), song hoạt động của kinh tế tập thể, HTX đã phát huy được vai trò tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho người dân trong việc ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật, để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Các HTX, THT, Quỹ tín dụng nhân dân đã có nhiều cố gắng vươn lên, có định hướng hoạt động đúng, đóng góp trong việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, từng bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo quy mô vùng phù hợp quy hoạch của địa phương, góp phần hỗ trợ kinh tế hộ phát triển, tạo công ăn việc làm cho người dân, từng bước xóa đói giảm nghèo và hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn.
- HTX cũng đã góp phần nâng cao năng lực sản xuất cho thanh viên thông qua phổ biến kỹ thuật, công nghệ sản xuất, ứng dụng khoa học, công nghệ mới vào sản xuất, để phát triển sản xuất theo chiều sâu, thúc đẩy quá trình chuyên môn hóa và hiện đại hóa sản xuất, hình thành các khu vực chuyên canh (trồng rau sạch, trái cây, chăn nuôi…), gắn sản xuất với thị trường, từng bước hình thành các liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp.
- Hoạt động của các Quỹ tín dụng nhân dân đã tác động lớn đến việc nâng cao hiệu quả kinh tế hộ, thành viên được vay vốn để đầu tư sản xuất nông nghiệp, kinh doanh buôn bán từ đó nâng cao thu nhập và tạo công ăn việc làm cho lao động khu vực nông thôn. Các HTX nông nghiệp đã tích cực mở rộng thêm các khâu dịch vụ, tạo việc làm cho thành viên, người lao động, tìm kiếm thị trường nhằm giải quyết được lượng sản phẩm mang lại hiệu quả kinh tế và có tính ổn định và lâu dài.
4. Một số mô hình hoạt động hiệu quả theo phương thức gắn với chuỗi giá trị
- Các HTX nông nghiệp đã từng bước liên kết với các doanh nghiệp để hình thành các chuỗi liên kết sản xuất - chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho thành viên, giúp thành viên yên tâm sản xuất, cải thiện thu nhập của hộ thành viên.
- Điển hình có các chuỗi liên kết giữa nông dân - HTX - doanh nghiệp như: chuỗi lúa gạo của HTX nông nghiệp Long Điền 1 với Doanh nghiệp Long Thảo, chuỗi lúa nếp của HTX Công Thành Đức Linh, chuỗi lúa gạo của các HTX trên địa bàn huyện Tánh Linh với Công ty Đại Nhật Phát, chuỗi thanh long của các HTX thanh long: Thuận Tiến, Hòa Lệ, HTX thanh long Hàm Đức, Phú Hội, Thuận Quý...
- Một số HTX thanh long: Thuận Tiến, Hòa Lệ, Hàm Kiệm, Phú Hội... đã xây dựng liên kết giữa HTX với bà con nông dân thông qua các nhóm hộ hoặc các tổ hợp tác sản xuất thanh long VietGap để mở rộng vùng nguyên liệu, tuy nhiên hình thức hợp tác này chưa mang tính ổn định và bền vững, các thành viên liên kết không được thụ hưởng quyền lợi như thành viên chính thức.
- Ngoài ra, một số HTX trên bàn huyện Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình đã tham gia các chuỗi liên kết với Tập đoàn Lộc Trời để sản xuất và bao tiêu lúa thương phẩm cho thành viên.
- Việc hình thành các chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu dùng và xuất khẩu chưa nhiều. Hầu hết các HTX chỉ mới dừng lại ở khâu sản xuất, rất ít HTX có thể chế biến và xuất khẩu, việc xuất khẩu các sản phẩm chủ lực của tỉnh hầu hết phải thông qua các công ty xuất nhập khẩu ngoài tỉnh. Toàn tỉnh có 04 HTX sản xuất các sản phẩm chế biến sau thu hoạch từ quả thanh long (Hàm Đức, Hòa Lệ, Thanh Bình, Hàm Minh 30) với các sản phẩm nước ép, rượu vang, thanh long sấy, mứt, kem thanh long, trà hoa thanh long...
II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN PHÁP LUẬT VÀ CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ (KTTT)
1. Kết quả triển khai Luật và các văn bản hướng dẫn
Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về KTTT, HTX. Ban Chỉ đạo đổi mới phát triển KTTT, HTX chủ động phối hợp với các sở, ngành và đơn vị có liên quan trong tỉnh tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện các chương trình, đề án về phát triển KTTT. Trong 6 tháng đầu năm, đã ban hành các văn bản cụ thể hóa các chủ trương chính sách pháp luật của nhà nước về phát triển KTTT, cụ thể như sau:
- Quyết định số 80/QĐ-UBND ngày 07/01/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TU ngày 10/9/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV về phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao.
- Quyết định số 48/QĐ-UBND ngày 07/01/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt hỗ trợ kinh phí thực hiện Kế hoạch liên kết cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, chế biến gắn với tiêu thụ lúa, gạo chất lượng cao huyện Đức Linh và huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận của Công ty TNHH SX & TM Đại Nhật Phát và 05 HTX nông nghiệp.
- Ngoài ra tỉnh đã ban hành nhiều văn bản liên quan lĩnh vực KTTT như xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới, góp ý xây dựng dự thảo Luật HTX sửa đổi; chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về KTTT.
Thuận lợi: Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đã quan tâm chỉ đạo sâu sát trong công tác để xuất, xây dựng và cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ phát triển KTTT, HTX trên địa bàn tỉnh.
Khó khăn: Quá trình triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX có lúc còn lúng túng, chưa kịp thời; kinh phí hỗ trợ còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu của các HTX.
Công tác thống kê báo cáo gặp nhiều khó khăn vì hầu hết các HTX chưa quan tâm thực hiện. Việc phân loại HTX theo Thông tư số 01/2020/TT- BKHĐT ngày 19/02/2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hướng dẫn phân loại và đánh giá HTX chưa được quan tâm thực hiện.
2. Công tác quản lý nhà nước về KTTT
- Công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, hợp tác xã từng bước được quan tâm; Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển KTTT, HTX được kiện toàn, do đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh làm Trưởng Ban, Thường trực Ban Chỉ đạo là Sở Kế hoạch và Đầu tư, Liên minh HTX tỉnh là Phó Trưởng Ban chuyên trách. Toàn tỉnh hiện nay có 10/10 huyện, thị xã, thành phố đã củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển KTTT do Phòng Tài chính - Kế hoạch (phòng Kinh tế hạ tầng) hoặc Phòng Nông nghiệp làm thường trực Ban Chỉ đạo. Mỗi địa phương bố trí 01 cán bộ kiêm nhiệm để theo dõi lĩnh vực HTX.
- Công tác kiểm tra, giám sát đối với HTX được duy trì thường xuyên; các hành vi vi phạm pháp luật của HTX và cá nhân, tổ chức có liên quan được chấn chỉnh kịp thời. Định kỳ 6 tháng đầu năm và cuối năm Ban Chỉ đạo phát triển KTTT tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết đánh giá và rút kinh nghiệm về quản lý nhà nước đối với KTTT, HTX.
- Thường xuyên thực hiện chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất với các Bộ, ngành trung ương về tình hình phát triển KTTT, HTX trên địa bàn tỉnh theo quy định.
- Về xây dựng chương trình phát triển KTTT; rà soát, bổ sung, các chính sách khuyến khích phát triển KTTT thuộc phạm vi quản lý: Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh thường xuyên chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thị, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển KTTT; cụ thể hóa các nghị quyết, đề án của Trung ương và của Tỉnh ủy về phát triển KTTT thành các kế hoạch, chính sách để triển khai thực hiện.
3. Kết quả triển khai chính sách, ưu đãi HTX
3.1 Chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực
Công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực khu vực kinh tế hợp tác: Trong 6 tháng đầu năm 2022, đã tổ chức 08 lớp/10 lớp tuyên truyền Luật Hợp tác xã năm 2012 cho 400 học viên là đoàn viên, thanh niên, người đồng bào vùng dân tộc thiểu số có nhu cầu khởi nghiệp bằng mô hình hợp tác xã; tổ chức 03 lớp/05 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý cho 120 cán bộ quản lý, người lao động trong hợp tác xã; phối hợp với các cơ quan thông tin, báo chí tuyên truyền, giới thiệu các mô hình hay, cách làm mới trên các phương tiện thông tin đại chúng để các sáng lập viên, người dân thấy lợi ích của việc tham gia HTX.
3.2 Chính sách xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường
Thực hiện Chương trình hỗ trợ Phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, 06 tháng đầu năm 2022 đã triển khai có hiệu quả các hoạt động hỗ trợ HTX, cụ thể: hỗ trợ 02 HTX đăng ký hồ sơ và sản phẩm tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Bình Thuận năm 2022 (HTX thanh long sạch Hòa Lệ, HTX thanh long Hàm Đức); hỗ trợ 10 HTX tham gia các Hội chợ xúc tiến thương mại, Hội nghị kết nối cung cầu trong nước; hỗ trợ chi phí thuê địa điểm và vận hành một số điểm giới thiệu, bán sản phẩm cho các tổ chức kinh tế tập thể hợp tác xã có sản phẩm gắn với chuỗi giá trị, thực hành sản xuất xanh, OCOP; triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, hội nghị kết nối giao thương trực tuyến với các đối tác nước ngoài; hỗ trợ kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP của các tỉnh.
3.3 Chính sách ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới
Tổ chức 05 Hội nghị tập huấn về sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ và năng suất chất lượng sản phẩm cho hơn 385 đại biểu là các cán bộ quản lý có liên quan đến khoa học và công nghệ; tổ chức 1 lớp tập huấn "Kỹ thuật canh tác theo hướng an toàn cho lúa ST24, ST25, OM" cho 64 nông dân thuộc các HTX nông nghiệp.
3.4 Chính sách tiếp cận vốn và quỹ hỗ trợ phát triển HTX
- Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường cho vay đối với HTX; đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa quy trình, hồ sơ, thủ tục vay vốn đối với HTX đảm bảo đơn giản, dễ hiểu, phù hợp quy định và tạo thuận lợi cho HTX vay vốn.
- Từ nguồn vốn Quỹ quốc gia về việc làm do Liên minh HTX Việt Nam ủy thác, đến nay đã giải ngân cho 35 thành viên HTX, THT vay giải quyết việc làm với tổng dư nợ hiện nay là 1,450 tỷ đồng.
3.5 Chính sách thành lập mới HTX, LH HTX
Trong 6 thang đầu năm tư vấn, hỗ trợ thanh lâp 05 hợp tác xã, dư kiến đến cuối năm se thanh lâp 10 HTX đạt 100% kế hoạch, với kinh phí 10,4 triệu đồng để hỗ trợ các HTX xây dựng Điều lệ, phương án sản xuất kinh doanh và in ấn tài liệu tuyên truyền về Luật HTX đến các sáng lập viên.
3.6 Về chính sách hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng: Không có HTX được hỗ trợ.
3.7 Chính sách giao đất, cho thuê đất: Chỉ đạo tiếp nhận hồ sơ và đơn giản hóa thủ tục hành chính đối với HTX khi có nhu cầu đăng ký thuê đất, giao đất phục vụ sản xuất kinh doanh. Trong năm chưa có HTX nào được giao đất.
3.8 Chính sách hỗ trợ vốn, giống khi gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh: Không có HTX được hỗ trợ.
3.9 Chính sách hỗ trợ chế biến sản phẩm: Không có HTX được hỗ trợ
Phối hợp với tổ chức Liên hợp quốc (UNDP) triển khai dự án “Thúc đẩy sự tham gia của tư nhân đầu tư phát thải carbon thấp và ứng phó biến đổi khí hậu của ngành nông nghiệp trong thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định/Nationally Determined Contribution (NDC) của Việt Nam tại 03 HTX: Thuận Tiến, Hàm Minh 30, Hòa Lệ”.
- Tình hình phát triển KTTT, HTX cơ bản dần ổn định và có chiều hướng phát triển khả quan hơn, cho thấy tín hiệu phục hồi tích cực sau đại dịch Covid-19, đa số các loại hình KTTT trên địa bàn tỉnh vẫn duy trình ổn định. Nhiều HTX có đổi mới trong quản lý điều hành; xác định lại phương hướng sản xuất kinh doanh phù hợp, năng động hơn; quy chế quản lý dân chủ được thiết lập và duy trì; quản lý tài chính, tài sản đảm bảo và từng bước đi vào nề nếp, thống nhất; năng lực nội tại của HTX cũng dần được cải thiện, tạo được việc làm và thu nhập cho thành viên và người lao động.
- Các HTX nông nghiệp đã từng bước khắc phục những khó khăn, thay đổi phương thức sản xuất, chú trọng vào sản xuất nông nghiệp theo các tiêu chuẩn an toàn, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong canh tác. Các hoạt động quảng bá sản phẩm, tiếp cận thị trường và chuyển đổi số được các hợp tác xã quan tâm nhiều hơn.
- Các Quỹ tín dụng nhân dân đã có nhiều cố gắng vươn lên từ nội lực chính mình, có định hướng hoạt động đúng, phù hợp, nên hầu hết các Quỹ TDND kinh doanh có lãi; cơ cấu cho vay của các Quỹ TD tập trung theo hướng phục vụ sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn và các ngành nghề kinh doanh, dịch vụ. Việc sử dụng vốn tại các Quỹ TD nhân dân hiệu quả, an toàn, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho thành viên phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và đời sống cho thành viên và người dân.
- Hoạt động của HTX kiểu mới góp phần tạo ra hàng hoá, dịch vụ phục vụ nhu cầu sản xuất, góp phần thúc đẩy kinh tế hộ phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, thông qua dịch vụ hỗ trợ vốn đã hạn chế một phần tình trạng cho vay nặng lãi trong nhân dân, góp phần xoá đói giảm nghèo. HTX còn chú trọng nguyên tắc "Hợp tác và phát triển cộng đồng", là mô hình thích hợp cho việc triển khai quy chế dân chủ, hoạt động của HTX và tâm tư, nguyện vọng của thành viên đều được phản ánh và giải quyết tại đại hội thành viên, HTX còn là cầu nối giữa nhà nước và hộ nông dân trong việc triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với người dân.
- Xu thế liên doanh, liên kết giữa các HTX và giữa HTX với doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế, với các ngành khoa học kỹ thuật ngày càng tăng.
- Hoạt động sản xuất kinh doanh của các HTX cơ bản ổn định, thể hiện qua các chỉ tiêu về doanh thu, lợi nhuận. Các HTX giải quyết việc làm cho người lao động góp phần làm giảm tệ nạn xã hội, giữ vững ổn định tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội, gia tăng sự gắn kết cộng đồng trên địa bàn tỉnh; thu nhập của người lao động trong các HTX từng bước ổn định góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của thành viên.
2. Những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân
2.1. Tồn tại, hạn chế
- Công tác tuyên truyền về phát triển KTTT, HTX của một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức, chưa nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư về tầm quan trọng của KTTT. Công tác chỉ đạo, hỗ trợ về KTTT chưa được chú trọng; chưa chủ động, tích cực thực hiện các biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện để các tổ chức KTTT khắc phục những hạn chế yếu kém, củng cố tổ chức, nâng cao năng lực quản lý điều hành và hiệu quả hoạt động.
- Khu vực KTTT, HTX chiếm tỷ trọng còn thấp trong tổng sản phẩm xã hội ở địa phương. Nhiều đơn vị KTTT, HTX có năng lực nội tại yếu (quy mô nhỏ, đặc biệt là các HTX thành lập mới theo Luật HTX 2012 chỉ có từ 7 đến 20 thành viên, vốn điều lệ thấp; vốn góp của thành viên phần lớn là vốn danh nghĩa, việc huy động tăng vốn góp của thành viên rất khó khăn, năng lực cạnh tranh và hiệu quả thấp; rất ít HTX tiếp cận được nguồn vốn do không có tài sản thế chấp, phương án sản xuất kinh doanh chưa hiệu quả).
- Còn tồn tại HTX hoạt động chưa đúng theo Luật HTX năm 2012, tồn tại hình thức, không tổ chức đại hội thường niên, chưa phát triển rộng rãi thành viên, hoạt động chưa hiệu quả, cầm chừng, ngừng hoạt động.
- Tỷ lệ HTX hoạt động hiệu quả thấp, số HTX sản xuất theo chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao chưa nhiều, việc tích tụ ruộng đất sản xuất theo quy mô lớn còn hạn chế. Việc hình thành các chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu dùng - xuất khẩu chưa nhiều. Hầu hết các HTX chỉ mới dừng lại ở khâu sản xuất, rất ít HTX có thể chế biến và xuất khẩu, việc xuất khẩu các sản phẩm chủ lực của tỉnh hầu hết phải thông qua các công ty xuất nhập khẩu ngoài tỉnh.
- Việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số còn hạn chế, việc xây dựng mã QR truy xuất nguồn gốc, nhãn hiệu thương hiệu, mã vùng trồng, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm của các HTX chưa nhiều.
- Ngoài ra, khó khăn trong việc tiếp cận các chính sách khác đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển KTTT, HTX, cụ thể: chính sách liên quan đến lĩnh vực đất đai, chính sách tiếp cận nguồn vốn, chính sách liên quan đến xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực.
2.2. Nguyên nhân
- Một số cơ chế, chính sách của Nhà nước ban hành liên quan đến hoạt động của khu vực KTTT, HTX chưa đồng bộ, chưa đầy đủ; một số văn bản hướng dẫn thực hiện ban hành còn chậm hoặc chưa được điều chỉnh, bổ sung kịp thời, do vận nhiều đơn vị trong khu vực KTTT, HTX khó tiếp cận.
- Một số địa phương chưa quan tâm đầy đủ đến KTTT; cán bộ quản lý nhà nước về KTTT chủ yếu là kiêm nhiệm.
- Việc thực hiện tiêu chí 13 của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các địa phương đã vận động thành lập nhiều HTX để đủ tiêu chí xét đánh giá đạt chuẩn nông thôn mới mà không dựa trên nhu cầu thực tiễn của người dân, HTX không đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, dẫn đến nhiều HTX sau khi thành lập không hoạt động, chỉ tồn tại hình thức. Khả năng tiếp cận chính sách của các HTX gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là chính sách hỗ trợ nguồn vốn và tiếp cận quỹ hỗ trợ phát triển HTX nên thiếu sự khích lệ, động viên, hỗ trợ thúc đẩy phát triển HTX.
- Nguồn thu ngân sách địa phương còn khó khăn nên nguồn lực của tỉnh để hỗ trợ cho phát triển KTTT còn hạn chế, trong khi nhu cầu hỗ trợ của HTX rất lớn.
- Quy mô hoạt động của HTX còn nhỏ, cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh; tình trạng thiếu vốn để đầu tư sản xuất rất khó khăn đối với các HTX vì khả năng tiếp cận còn hạn chế, chủ yếu là do không có tài sản để thế chấp vay vốn, phương án sản xuất kinh doanh không khả thi. Năng lực, trình độ phần lớn cán bộ quản lý, điều hành HTX còn hạn chế, chưa thích ứng với cơ chế thị trường, chưa thực sự chủ động, sáng tạo trong hoạt động sản xuất kinh doanh; một số vẫn còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước; các hộ thành viên chưa nhận thức đầy đủ về quyền lợi và nghĩa vụ đối với HTX nên nhu cầu hợp tác sản xuất chưa cao.
1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp các ngành liên quan tiếp tục hoàn thiện về hệ thống thông tin đăng ký quốc gia về thành lập HTX, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ (kể cả cấp mã số thuế, đăng ký con dấu), để HTX sau khi được thành lập ổn định đi vào hoạt động.
2. Các Bộ, ngành Trung ương tiếp tục nghiên cứu xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách để hỗ trợ phát triển HTX; hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ quản lý HTX; chú trọng hỗ trợ HTX phát triển ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.
KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ, HỢP TÁC XÃ NĂM 2023
I. MỘT SỐ YÊU CẦU ĐỐI VỚI VIỆC XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ NĂM 2023
- Kế hoạch phát triển KTTT năm 2023 phải được đặt trong kế hoạch phát triển KTTT 5 năm 2021-2025, kế hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội chung của địa phương. Chú trọng phát triển các HTX theo chương trình, kế hoạch xây dựng nông thôn mới; tạo điều kiện để các THT liên kết, phát triển thành HTX; các HTX liên kết phát triển lên thành Liên hiệp HTX.
- Tiếp tục củng cố, mở rộng và phát triển KTTT trong các ngành, lĩnh vực, trong đó HTX là nòng cốt, không giới hạn quy mô, lĩnh vực và địa bàn. Xây dựng các mô hình liên kết sản xuất với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị; từng bước hình thành các cụm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, gắn với nông nghiệp chế biến để tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp.
- Phát triển KTTT, HTX phải xuất phát từ nhu cầu chung và thực tế của từng thành viên và theo đúng nguyên tắc, giá trị cơ bản của HTX; thành viên KTTT bao gồm các thể nhân, pháp nhân, thành viên chính thức và thành viên liên kết, cùng góp vốn, góp tài sản, góp sức trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi và quản lý dân chủ. Khuyến khích việc tích lũy và sử dụng có hiệu quả vốn, tài sản chung trong tổ chức KTTT.
- Tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện chỉ tiêu kế hoạch của năm 2022, chú trọng các chỉ tiêu phản ánh về chất lượng, hiệu quả, nhằm đề ra chỉ tiêu kế hoạch năm 2023 phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.
II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KTTT NĂM 2023
1. Dự báo những thuận lợi, khó khăn
1.1. Thuận lợi
- Qua việc tổng kết đánh giá 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT, HTX và tổng kết 10 năm thực hiện Luật HTX năm 2012 đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm trong xây dựng và phát triển kinh tế hợp tác, HTX. Từ đó, các cấp các ngành sẽ đề ra các giải pháp phù hợp để nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế hợp tác, HTX.
- Thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới khẳng định:"Kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân…". Trên cơ sở Nghị quyết 20-NQ/TW Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, các ngành, các cấp tập trung xây dựng Chương trình hành động, kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện nâng KTTT, HTX lên tầm cao mới, tạo được nền móng vững chắc, có sức bật đưa KTTT, HTX cùng các nền kinh tế khác phát triển bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
- Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển KTTT giai đoạn 2021- 2030; Kế hoạch phát triển KTTT giai đoạn 2021-2025; chính sách hỗ trợ phát triển HTX giai đoạn 2021-2025; đề án thí điểm mô hình HTX kiểu mới…là cơ sở để thúc đẩy KTTT phát triển ổn định và bền vững hơn.
- Công tác tuyên truyền về KTTT được phát huy, tạo được sự nhất quán trong nhận thức của đảng viên và nhân dân đối với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước. Hành lang pháp lý để các tổ chức KTTT, HTX ngày càng hoàn thiện, chính sách khuyến khích của nhà nước, của địa phương về KTTT được quan tâm, tạo động lực cho HTX, THT phát triển tốt. Sự vào cuộc của các cấp các ngành ngày càng quyết liệt hơn để hỗ trợ HTX phát triển.
- Một số cơ chế, chính sách về phát triển KTTT, HTX được thực hiện, đã tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế tập thể và cơ chế thị trường đòi hỏi sự hợp tác, liên kết cùng phát triển.
1.2. Khó khăn
- Giá vật tư đầu vào và nhiên liệu tăng cao, thị trường nông sản phụ thuộc chủ yếu vào thị trường Trung Quốc; sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ và manh mún, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, chưa đáp ứng yêu cầu thị trường khó tính.
- Đội ngũ cán bộ quản lý HTX chưa nhanh nhạy với biến động của thị trường, khả năng tiếp cận công nghệ thông tin còn hạn chế.
- Đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước đa số đều làm việc kiêm nhiệm, thiếu am hiểu và chưa nắm bắt tốt tình hình KTTT trên địa bàn.
- Nguồn vốn hoạt động của HTX còn thấp, HTX khó tiếp cận được các vốn vay của các tổ chức tín dụng; Quỹ hỗ trợ phát triển HTX chưa được thành lập, khó khăn cho nhu cầu vốn của HTX.
2. Định hướng chung về phát triển KTTT, HTX
- Tiếp tục phát triển KTTT với nhiều hình thức đa dạng mà nòng cốt là HTX. Đổi mới phương thức, tổ chức quản lý của HTX theo mô hình HTX kiểu mới. Khuyến khích phát triển bền vững với nhiều hình thức liên kết, hợp tác đa dạng; nhân rộng các mô hình kinh tế hợp tác hiệu quả; tạo điều kiện cho kinh tế hộ phát triển trên các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp thương mại, dịch vụ, góp phần hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ; bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia; tạo điều kiện từng bước hình thành những tổ hợp nông - công nghiệp - dịch vụ công nghệ cao.
- Phát triển KTTT cả về số lượng và chất lượng, trong đó chú trọng chất lượng, bảo đảm sự hài hòa trong tất cả ngành, lĩnh vực, địa bàn; có chính sách ưu tiên cho tổ chức KTTT, HTX lĩnh vực nông nghiệp, gắn hoạt động sản xuất kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm, ứng dụng khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; tạo điều kiện để KTTT, HTX tiếp cận dễ dàng hơn với nguồn lực của địa phương, đặc biệt là khu vực nông nghiệp, nông thôn và kinh tế biển. Ngoài việc chú trọng hiệu quả kinh tế, cần chú trọng phát huy hiệu quả về mặt chính trị, đạo đức xã hội và an ninh quốc phòng của tỉnh; nâng cao hiệu quả đóng góp của khu vực KTTT vào tăng trưởng kinh tế, ổn định chính trị, xóa đói giảm nghèo bền vững.
Phát triển KTTT một cách bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng và phát triển KTTT phải gắn với chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Phát triển đa dạng các loại hình HTX, xây dựng mô hình HTX kiểu mới gắn với phát triển chuỗi giá trị sản phẩm, hàng hóa chủ lực, có sức cạnh tranh; chú trọng xây dựng HTX sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương; thu hút càng nhiều nông dân, hộ gia đình tham gia vào KTTT, HTX. Phấn đấu KTTT thực sự là một trong những thành phần kinh tế mang lại lợi ích cho người tham gia, đặc biệt là nông dân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.
- Phấn đấu thành lập mới 10 Hợp tác xã.
- Doanh thu bình quân của mỗi HTX đạt 15.706 triệu đồng/năm trở lên.
- Lợi nhuận bình quân một HTX đạt 282 triệu đồng/năm trở lên.
- Trẻ hóa và nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý HTX, phấn đấu có 30% cán bộ quản lý, người lao động trong HTX đạt trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên.
- Phấn đấu có 35% HTX đạt loại khá, giỏi.
5. Các giải pháp phát triển KTTT năm 2023
5.1 Tiếp tục thực hiện và hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành Luật HTX năm 2012
Tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương chính sách hỗ trợ phát triển HTX do Trung ương ban hành để phù hợp với đặc thù của địa phương.
5.2 Tuyên truyền, tập huấn Luật HTX năm 2012 và nâng cao nguồn nhân lực HTX
- Tăng cường công tác tuyên truyền Nghị quyết số 20-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Chương trình hành động của Tỉnh ủy về vị trí, vai trò của KTTT, HTX đối với nền kinh tế nhằm nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân và cả hệ thống chính trị hiểu rõ Luật Hợp tác xã, bản chất mô hình HTX kiểu mới, sự khác nhau giữa HTX kiểu cũ và kiểu mới; lợi ích của việc tham gia HTX trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân nhằm củng cố niềm tin của thành viên, cộng đồng xã hội về mô hình HTX kiểu mới.
- Các cấp ủy và các tổ chức đảng có trách nhiệm quán triệt và tổ chức phát triển HTX, có chương trình hành động đưa chủ trương, đường lối của Đảng về KTTT vào cuộc sống; tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho các cấp, các ngành, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của KTTT; thường xuyên kiểm tra, tổng kết, nhân rộng các mô hình KTTT có hiệu quả; hướng dẫn xây dựng cơ sở Đảng và các đoàn thể trong các tổ chức KTTT.
- Tổ chức 10 lớp tập huấn tuyên truyền mô hình KTTT kiểu mới đến các tầng lớp nhân dân, trong đó chú trọng đến các đối tượng là học sinh, sinh viên trong các trường cao đẳng, đại học, trung học chuyên nghiệp, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
5.3 Tổ chức triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển HTX theo quy định tại Nghị định 193/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2013 về quy định chi tiết một số điều của Luật HTX năm 2012
- Tổ chức 05 lớp bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho khoảng 200 lượt cán bộ và thành viên HTX, Quỹ TD; hỗ trợ kinh phí thu hút thêm 10 cán bộ trẻ về làm việc trong các HTX.
- Hỗ trợ 35 lượt cho HTX tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm mở rộng thị trường, tham gia các hội chợ trong và ngoài nước, các hội nghị giao thương giữa các tỉnh; tham gia hoạt động thương mại điện tử, bán hàng trực tuyến qua mạng internet.
- Hỗ trợ 05 HTX ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, tổ chức sản xuất theo các tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí đầu tư và tham gia vào các chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm.
- Thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh.
- Hỗ trợ thành lập mới 10 HTX
- Tổ chức 02 hội nghị chuyên đề về giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động khu vực KTTT, HTX giai đoạn hiện nay.
5.4 Nâng cao hiệu quả hoạt động của KTTT, HTX
- Tăng cường liên kết về kinh tế, tổ chức giữa các HTX với nhau và giữa HTX với các tổ chức kinh tế khác nhau nhằm mục đích huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển. Nâng cao năng lực quản lý điều hành của đội ngũ cán bộ quản lý HTX, trẻ hóa đội ngũ cán bộ, người lao động trong HTX.
- Phát triển các HTX với quy mô lớn, từng bước hợp nhất, sáp nhất các HTX có quy mô nhỏ để tạo nguồn lực xây dựng các chuỗi giá trị sản phẩm lợi thế của địa phương. Tập trung nguồn lực để nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX kiểu mới làm nòng cốt kết nối, liên kết các HTX khác. Hình thành mô hình HTX liên xã, liên huyện, liên vùng.
- Thu hút hộ cá thể trên địa bàn nông thôn tham gia thành viên HTX, THT, thành lập mới HTX, THT trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là tại các vùng nghèo, vùng đặc biệt khó khăn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
- Giải thể, chuyển đổi những HTX tồn tại hình thức, ngưng hoạt động, hoạt động không đúng bản chất HTX kiểu mới.
5.5 Tăng cường công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể
- Nâng cao năng lực hoạt động của Ban Chỉ đạo đổi mới phát triển KTTT, HTX các cấp.
- Xây dựng và kiện toàn bộ máy và quản lý nhà nước về KTTT, HTX theo hướng xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, bố trí đội ngũ cán bộ có năng lực, tinh, gọn hơn; bố trí cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm về KTTT, HTX ở cấp tỉnh và cấp huyện để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về HTX, đặc biệt ở khâu đăng ký HTX, LH HTX, theo dõi, giám sát thi hành Luật Hợp tác xã và hướng dẫn thực hiện các chính sách đối với khu vực kinh tế này.
- Tăng cường kiểm tra, thanh tra tình hình thực hiện pháp luật của HTX, LH HTX.
5.6 Huy động các lực lượng xã hội, các tổ chức đoàn thể trong nước và quốc tế tham gia thúc đẩy phát triển KTTT
- Khuyến khích các đoàn thể chính trị, xã hội, hiệp hội và hội nghề nghiệp có số lượng đông đảo hội viên, thành viên tham gia thúc đẩy thành lập HTX, một mặt vừa mang lại lợi ích thiết thực cho thành viên, mặt khác tác động tới việc nâng cao uy tín của các đoàn thể, hiệp hội, hội; các thành viên được phát triển, nhất là về lợi ích kinh tế, sẽ có đóng góp tích cực hơn cho tổ chức mà mình tham gia, từ đó góp phần phát triển các tổ chức tự quản của dân, góp phần ổn định chính trị, an ninh, trật tự an toàn xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
- Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể quần chúng làm tốt việc vận động nhân dân tự nguyện tham gia HTX, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong các tổ chức này.
(Đính kèm: Phụ lục I - Tình hình phát triển kinh tế tập thể năm 2022 và kế hoạch năm 2023; phụ lục II - Nhu cầu sự nghiệp thực hiện Chương trình hỗ trợ Phát triển KTTT, HTX năm 2023; phụ lục III - Nhu cầu vốn đầu tư phát triển thực hiện chương trình hỗ trợ phát triển KTTT, HTX năm 2023; phụ lục IV - Tình hình xử lý HTX không hoạt động, khó khăn trong giải thể, chưa đăng ký và tổ chức lại theo Luật HTX năm 2012; phụ lục V - Hỗ trợ HTX theo Quyết định số 167/QĐ-TTg ngày 03/02/2021 phê duyệt đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng, mô hình HTX kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021-2025).
Trên đây là kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã năm 2023 của tỉnh Bình Thuận./.
|
KT. CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.