ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 267/KH-UBND |
Thừa Thiên Huế, ngày 28 tháng 12 năm 2017 |
Căn cứ Quyết định số 31/2009/QĐ-TTg ngày 24 tháng 02 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Tuyên tuyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp từ năm 2009 đến năm 2012 (Đề án 31); Quyết định số 1318/QĐ-LĐTBXH ngày 22/8/2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc ban hành Kế hoạch tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp” đến năm 2021. UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tiếp tục triển khai thực hiện Đề án Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2018 - 2021, với nội dung như sau:
I. MỘT SỐ KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC THEO KẾ HOẠCH SỐ 94/KH-UBND NGÀY 19/11/2012 CỦA UBND TỈNH.
1. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp (Đề án 31) trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã tạo ra sự chuyển biến rõ rệt về mặt nhận thức của người sử dụng lao động và người lao động về vị trí vai trò của pháp luật trong đời sống xã hội cũng như ý nghĩa và sự cần thiết của việc đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong doanh nghiệp. Kết quả phổ biến, giáo dục pháp luật không chỉ thể hiện trong phạm vi của ngành mà còn lan toả ra môi trường xung quanh, đến toàn thể nhân dân và người lao động.
- Nội dung tuyên truyền được chọn lọc và có trọng tâm, không dàn trải, cách thức tuyên truyền được kết hợp linh hoạt, phù hợp. Việc triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật bước đầu đã có sự phối hợp chặt chẽ, rộng khắp giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh.
2. Đã góp phần nâng cao nhận thức cả người lao động và người sử dụng lao động về trách nhiệm các bên trong xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp. Kết quả trên đã góp phần giảm bớt các vụ tranh chấp lao động, số cuộc đình công và lãn công.
3. Các đơn vị thực hiện Đề án đã xây dựng kế hoạch triển khai công tác hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, xây dựng quy chế phối hợp liên ngành để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh. Nhờ vậy, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động được đi vào nề nếp nội dung phong phú, có chiều sâu, bám sát định hướng, chỉ đạo của Chính phủ, Bộ, Tỉnh góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao.
4. Cán bộ lãnh đạo và cán bộ phụ trách công tác nhân sự tại các doanh nghiệp các huyện, thị xã, thành phố Huế; cán bộ Công đoàn cũng như đông đảo công nhân viên chức lao động ở các Liên đoàn Lao động huyện, thị xã, thành phố Huế công đoàn ngành, công đoàn cơ sở trực thuộc được tham gia các lớp tập huấn tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, thực hiện tư vấn, giải đáp về pháp luật cho người, lao động qua công văn tư vấn qua điện thoại, email,...; biên soạn và cấp miễn phí tờ rơi cho người lao động, người sử dụng lao động về “Hợp đồng lao động”, “Kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất”...; cấp phát các tờ gấp về tiền lương tối thiểu vùng theo quy định tại các Nghị định của Chính phủ cung cấp miễn phí sổ tay pháp luật lao động và công đoàn....
II. KHÓ KHĂN TỒN TẠI, HẠN CHẾ VÀ NGUYÊN NHÂN:
1. Tồn tại, hạn chế:
- Việc triển khai thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, nhất là các doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn có quy mô hoạt động sản xuất nhỏ, sử dụng số lượng lao động ít và các cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng.
- Nhiều doanh nghiệp còn thiếu sót, hạn chế trong việc thực hiện pháp luật lao động, như chưa giao kết hoặc giao kết hợp đồng lao động chưa đầy đủ với người lao động; chưa xây dựng và đăng ký nội quy lao động; chưa tham gia hoặc tham gia không đầy đủ chế độ bảo hiểm xã hội đối với người lao động; chưa xây dựng hệ thống thang lương, bảng lương để áp dụng...
- Nhiều doanh nghiệp, người sử dụng lao động, người lao động chưa quan tâm nhận thức sâu sắc về công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người lao động, người sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh. Chưa nghiêm túc tham dự các lớp tập huấn, tuyên truyền của các cơ quan thực hiện theo giấy mời.
Tình trạng nợ, chậm đóng bảo hiểm xã hội kéo dài của nhiều doanh nghiệp vẫn còn diễn ra, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động.
2. Nguyên nhân tồn tại, hạn chế:
- Trong những năm qua do ảnh hưởng tình hình suy thoái kinh tế thế giới nhiều doanh nghiệp còn gặp khó khăn, nguồn vốn hạn chế, lãi suất ngân hàng ngày càng tăng, quy mô sản xuất nhỏ, khả năng cạnh tranh trong điều kiện hội nhập quốc tế còn thấp đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh dẫn đến chế độ, chính sách đối với người lao động chưa được đáp ứng đầy đủ.
- Nhận thức và ý thức của người sử dụng lao động một số doanh nghiệp còn hạn chế, chỉ chú trọng đến lợi nhuận nên chưa quan tâm đúng mức để thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật, trong đó việc tham gia các lớp tập huấn tuyên truyền pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh.
- Văn bản pháp luật lao động và các văn bản liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhiều, bên cạnh đó hàng năm có nhiều văn bản được bổ sung, sửa đổi, ban hành mới, số lượng doanh nghiệp ngày càng tăng mặc dù các cơ quan, ban ngành chức năng đã tăng cường tổ chức phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, nhưng chưa quán triệt đến khắp các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp chưa chủ động nghiên cứu, cập nhật các văn bản pháp luật lao động để tổ chức thực hiện, người lao động trong các doanh nghiệp chủ yếu là lao động phổ thông nên sự hiểu biết về pháp luật lao động chưa đầy đủ.
- Nhiều chủ doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ, không quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động chưa thiện chí trong việc phối hợp, hỗ trợ công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật.
- Kinh phí cho công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật vẫn còn hạn chế. Đây là khó khăn lớn khi cần phải tăng cường và đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động trong doanh nghiệp.
- Công tác phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành các cấp trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động, người sử dụng lao động bước đầu đã có nhiều kết quả tích chức, tuy nhiên vẫn chưa được thường xuyên và thiếu đồng bộ.
- Đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, báo cáo viên pháp luật còn thiếu về số lượng và chưa được bồi dưỡng nghiệp vụ một cách bài bản.
3. Bài học kinh nghiệm
Qua thực tiễn triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thời gian qua có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm cơ bản sau đây:
a) Cần nâng cao nhận thức một cách đúng đắn về vai trò, vị trí nội dung của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật từ các cấp lãnh đạo đến từng chủ thể làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; cần tranh thủ sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
b) Cần chủ động nắm thông tin, nhu cầu liên hệ với các doanh nghiệp để thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến cho các doanh nghiệp mới đi vào hoạt động, các doanh nghiệp có sử dụng nhiều lao động.
c) Nắm thông tin, kiến nghị về kết quả thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật lao động và các pháp luật có liên quan, tìm hiểu nhu cầu, nguyện vọng của người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp thường xuyên xảy ra tranh chấp lao động để có kế hoạch tuyên truyền, phổ biến có hiệu quả, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
d) Hình thành một bộ phận chuyên triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để tham mưu cho lãnh đạo các cấp và chịu trách nhiệm làm đầu mối phối hợp công tác giữa các ngành, các doanh nghiệp; bố trí cán bộ có có năng lực, nhiệt tình, am hiểu pháp luật phụ trách công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tại các đơn vị, doanh nghiệp.
1. Mục tiêu tổng quát: Tạo chuyển biến mạnh trong nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật nói chung, pháp luật lao động nói riêng đối với người lao động và người sử dụng lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa trong các loại hình doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, ổn định xã hội.
2. Mục tiêu cụ thể:
- Phấn đấu đến hết năm 2021 trên 95% người sử dụng lao động được tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp;
- Trên 70% người lao động được tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và các quy định pháp luật liên quan tới quyền và nghĩa vụ của công dân và người lao động.
II. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG TUYÊN TRUYỀN
1. Phạm vi tuyên truyền: Tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động, các pháp luật khác có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, đến quyền, nghĩa vụ người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh.
2. Đối tượng tuyên truyền: Người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp, các thành phần kinh tế khác,...; Người lao động đang có nhu cầu đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; cán bộ công đoàn các cấp; hòa giải viên lao động, cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện và cấp xã, phường, thị trấn.
1. Nội dung:
- Tuyên truyền về các qui định của Bộ luật Lao động, đặc biệt là nội dung mới của Bộ luật Lao động về hợp đồng lao động, đối thoại tại nơi làm việc, thỏa ước lao động tập thể, tiền lương thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tranh chấp lao động, việc làm, bảo hiểm thất nghiệp, quản lý lao động là người nước ngoài, cho thuê lại lao động, an toàn vệ sinh lao động, những quy định riêng đối với lao động nữ, lao động giúp việc gia đình, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, quản lý nhà nước về lao động, xử phạt vi phạm pháp luật về lao động.
- Hướng dẫn quy trình đình công, trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động tập thể, tranh chấp lao động cá nhân, quy trình giải quyết các cuộc đình công không đúng trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật lao động trên địa bàn tỉnh và pháp luật khác có liên quan, hướng dẫn kỹ năng hòa giải cho hòa giải viên, hướng dẫn việc theo dõi, quản lý lao động giúp việc gia đình và hộ gia đình có sử dụng lao động giúp việc gia đình cho cán bộ xã, phường, thị trấn.
- Đào tạo kỹ năng thương lượng tập thể cho đại diện người lao động và đại diện người sử dụng lao động nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khi xây dựng và thương lượng thỏa ước lao động tập thể; kỹ năng xây dựng hệ thống thang lương, bảng lương của các doanh nghiệp.
- Các pháp luật khác liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, đến quyền, nghĩa vụ người lao động và người sử dụng lao động: Luật Công đoàn; Luật Bảo hiểm xã hội; Luật Giáo dục nghề nghiệp; Luật Hợp tác xã, Luật Bình đẳng giới, Luật Khiếu nại, Luật Thanh tra.
2. Tài liệu tuyên truyền:
- Các đề cương, tài liệu nguồn tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp và quyền, nghĩa vụ của công dân và người lao động do các cơ quan Trung ương cung cấp và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội biên soạn, phát hành.
- Sách pháp luật lao động, tờ gấp, tờ rơi, sổ tay, áp phích, tài liệu hướng dẫn, giải đáp các văn bản pháp luật lao động và các pháp luật khác có liên quan đến nghĩa vụ và quyền lợi người lao động, người sử dụng lao động.
IV. THỜI GIAN THỰC HIỆN VÀ PHƯƠNG THỨC TRIỂN KHAI
1. Thời gian thực hiện:
Năm 2018 - 2019:
- Củng cố, kiện toàn Ban thực hiện Đề án tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp giai đoạn 2017 - 2021.
- Xây dựng Kế hoạch tiếp tục triển khai thực hiện Đề án Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2017 - 2021.
- Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện Đề án Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp.
- Tháng 10 hằng năm, các Tiểu Đề án xây dựng Kế hoạch chi tiết tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động gửi Sở Tư pháp và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm định, làm cơ sở lập dự toán kinh phí triển khai thực hiện Đề án cho năm sau.
- Tháng 11 hằng năm, các cơ quan chủ trì từng Tiểu Đề án và các cơ quan phối hợp tổ chức báo cáo sơ kết (có thể lồng ghép với các hội nghị ngành).
- Sơ kết 2 năm, đánh giá hiệu quả thực hiện Kế hoạch để có điều chỉnh, bổ sung nội dung tuyên truyền, phổ biến cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn vào quý IV năm 2019.
Năm 2020 - 2021:
- Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện Đề án Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp.
- Tổ chức đánh giá tổng kết thực hiện Đề án vào quý IV năm 2021.
2. Phương thức triển khai:
- Tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, thảo luận theo chuyên đề, đối thoại, giải đáp các vướng mắc; thi tìm hiểu pháp luật thông qua các cuộc thi, giao lưu - hỏi đáp - có tặng quà.
- Phát hành quyển sách hỏi đáp pháp luật bỏ túi, tài liệu hướng dẫn, tờ gấp, tờ rơi đến tay người lao động; pha nô, áp phích để tuyên truyền cổ động trực quan về chính sách lao động tại doanh nghiệp.
- Tuyên truyền tại các phiên giao dịch việc làm định kỳ hàng tháng và các phiên lưu động, Sàn giao dịch việc làm vệ tinh dưới hình thức tư vấn trực tiếp cho người lao động.
- Tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh của doanh nghiệp, 15 phút truyền thanh pháp luật trong lúc nghỉ ăn trưa, bảng tin doanh nghiệp, tủ sách pháp luật, đài truyền thanh xã, phường, thị trấn.
- Hướng dẫn, tư vấn thông qua các cuộc thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động tại doanh nghiệp, thông qua hòa giải viên lao động, cán bộ công đoàn, cán bộ làm công tác nhân sự, thông qua các buổi sinh hoạt của các tổ chức như công đoàn, thanh niên, phụ nữ,...
- Xây dựng các chuyên mục, chuyên trang, phóng sự, tiểu phẩm về tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động trên Báo Thừa Thiên Huế, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh.
- Cập nhật và đăng tải các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương và của tỉnh về quyền và nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động trên trang website của các cơ quan thực hiện Đề án.
1. Kinh phí thực hiện Kế hoạch được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Ước tính nguồn kinh phí (phụ lục kèm theo) 2.770.000.000 đồng, (hai tỷ, bảy trăm bảy mươi triệu đồng).
2. Việc bố trí kinh phí từ ngân sách nhà nước theo phân cấp ngân sách hiện hành, phù hợp với quy định của Luật ngân sách nhà nước. Hằng năm, các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ theo Kế hoạch này lập dự toán kinh phí gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp gửi Sở Tài chính bố trí vào dự toán năm báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh theo quy định hiện hành.
3. Kinh phí thực hiện Đề án tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp giai đoạn 2018 đến 2021 của tỉnh:
1. Sở Lao động Thương binh và Xã hội:
- Cơ quan thường trực triển khai Đề án tỉnh, giúp Ban thực hiện Đề án tỉnh điều hành, kiểm tra, đánh giá, tổng kết và báo cáo việc thực hiện các hoạt động của Đề án.
- Chủ trì thực hiện Tiểu Đề án 1 về tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp nhà nước và Tiểu Đề án 4 về tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và các quy định của pháp luật liên quan cho người sử dụng lao động và người lao động trong các doanh nghiệp dân doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trong đó, chú trọng các địa phương, các vùng có khu công nghiệp, địa bàn có nhiều doanh nghiệp, tổ chức đóng trụ sở; gồm các hoạt động:
+ Biên soạn các tài liệu cấp phát cho các đơn vị thực hiện các Tiểu đề án để tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và các quy định pháp luật liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp và quyền, nghĩa vụ của công dân và người lao động.
+ Tổ chức hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật lao động cho người lao động, người sử dụng lao động và đội ngũ cán bộ nòng cốt làm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động, các pháp luật khác liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp và quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động.
+ Triển khai tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và các pháp luật khác liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp và quyền, nghĩa vụ công dân cho người lao động và người sử dụng lao động thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.
- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị được giao chủ trì các Tiểu Đề án lập Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án hàng năm làm cơ sở lập dự toán kinh phí, gửi Sở Tài chính thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, phê duyệt nguồn kinh phí triển khai theo Kế hoạch.
- Hằng năm, phân bổ kinh phí cho các đơn vị chủ trì thực hiện các Tiểu Đề án sau khi dự toán đã được Sở Tài chính thẩm định trình cấp thẩm quyền phê duyệt.
2. Sở Tư pháp:
- Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên minh hợp tác xã, Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh và các cơ quan liên quan tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ nòng cốt làm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật.
- Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm định Kế hoạch thực hiện Đề án hàng năm làm cơ sở lập dự toán kinh phí triển khai thực hiện Đề án để tránh trùng lắp các hoạt động, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm.
3. Sở Tài chính:
- Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các ngành, cơ quan liên quan để triển khai thực hiện Tiểu đề án 2 về nghiên cứu xây dựng các chính sách khuyến khích doanh nghiệp tuyên truyền, phổ biến pháp luật.
- Bố trí kinh phí từ ngân sách tỉnh đảm bảo thực hiện kế hoạch. Hướng dẫn việc quản lý, sử dụng, thanh quyết toán kinh phí thực hiện Kế hoạch theo đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.
4. Đề nghị Liên đoàn lao động tỉnh:
- Chủ trì thực hiện Tiểu Đề án 3 về tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động, pháp luật công đoàn và các quy định pháp luật liên quan cho người lao động tại các doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
- Phối hợp Sở lao động - Thương binh và Xã hội lập dự toán kinh phí thực hiện Tiểu Đề án được giao.
- Tham gia các hoạt động chung của Đề án.
5. Đề nghị Liên minh Hợp tác xã:
- Chủ trì thực hiện Tiểu Đề án 5 về tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và các quy định pháp luật khác liên quan tới hoạt động của hợp tác xã và quyền, nghĩa vụ của công dân trong các hợp tác xã theo mô hình doanh nghiệp.
- Phối hợp Sở lao động - Thương binh và Xã hội lập dự toán kinh phí thực hiện Tiểu Đề án được giao.
- Tham gia các hoạt động chung của Đề án.
6. Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh
- Phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và các quy định pháp luật có liên quan cho người lao động, người sử dụng lao động, tổ chức kiểm tra thực hiện pháp luật lao động của các doanh nghiệp hoạt động trong Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh.
- Phối hợp Sở lao động - Thương binh và Xã hội lập dự toán kinh phí thực hiện Kế hoạch được giao.
- Tham gia các hoạt động chung của Đề án.
7. Đề nghị Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh:
- Phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động cho người sử dụng lao động của các doanh nghiệp trong Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh.
- Phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội lập dự toán kinh phí thực hiện Kế hoạch được giao.
- Tham gia các hoạt động chung của Đề án.
8. Sở kế hoạch đầu tư: Phối hợp cung cấp thường xuyên tình hình điều chỉnh, thành lập mới các doanh nghiệp cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nhằm theo dõi, cập nhật, đưa vào danh sách đơn vị sử dụng lao động triển khai thực hiện tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật theo Đề án.
9. SởThông tin và Truyền thông:
- Phối hợp với các Ngành liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền Pháp luật lao động và các chính sách mới của nhà nước, chỉ đạo đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh đảm bảo chính xác đầy đủ.
- Chỉ đạo việc xây dựng, củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng các chuyên trang, chuyên mục thông tin phổ biến pháp luật lao động và các pháp luật khác liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp và quyền, nghĩa vụ công dân nhằm phục vụ mọi tầng lớp nhân dân trên các phương tiện thông tin đại chúng.
- Thẩm định nội dung các tài liệu tuyên truyền, phổ biến pháp luật và cấp phép in ấn theo quy định.
10. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Thừa Thiên Huế
Phối hợp cùng Ban thực hiện Đề án, thống nhất nội dung và thời lượng đăng phát các nội dung tuyên truyền pháp luật lao động và các pháp luật khác có liên quan đến doanh nghiệp và người lao động.
11. UBND thành phố Huế, các thị xã và các huyện: Phối hợp với các đơn vị chủ trì các Tiểu Đề án thực hiện tốt các nhiệm vụ liên quan đến ngành, địa phương mình nêu tại Kế hoạch này. Chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động theo đúng mục tiêu, nội dung, tiến độ của Kế hoạch; tạo điều kiện và bố trí cán bộ, công chức cơ quan, đơn vị mình tham gia tuyên truyền, phổ biến pháp luật theo quy định của pháp luật.
1. Căn cứ vào Kế hoạch này, UBND thành phố Huế, các thị xã và các huyện, các sở, ngành liên quan chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện giai đoạn 2018 - 2021 hoàn thành trước ngày 30/01/2018; chậm nhất trước ngày 30/11 hàng năm báo cáo kết quả thực hiện thông qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp.
2. Sở Lao động -Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc, theo dõi, tổng hợp tình hình thực hiện của các sở, ngành, địa phương về các nội dung của Kế hoạch; báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện Kế hoạch trước ngày 05/12 hàng năm.
3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các đơn vị kịp thời báo cáo về UBND tỉnh để kịp thời giải quyết./.
Nơi nhận: |
KT. CHỦ TỊCH |
DỰ KIẾN KINH PHÍ GIAI ĐOẠN 2018 - 2021
(Kèm theo Kế hoạch số 267/KH-UBND ngày 28 tháng 12 năm 2017 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế)
Số TT |
Đơn vị |
Nhiệm vụ |
Kinh phí (triệu đồng) |
||||
2018 |
2019 |
2020 |
2021 |
Tổng số |
|||
1 |
Sở Lao động - Thương binh và xã hội |
- Thực hiện Tiểu Đề án 1 và 4: Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp dân doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. - Thường trực Ban thực hiện Đề án. |
370 |
370 |
370 |
400 |
1.510 |
2 |
Sở Tư pháp |
- Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ nòng cốt làm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật. |
30 |
30 |
30 |
30 |
120 |
3 |
Liên đoàn lao động tỉnh |
- Thực hiện Tiểu Đề án 3: Tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động, pháp luật công đoàn và các quy định pháp luật liên quan cho người lao động tại các doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. |
95 |
95 |
95 |
95 |
380 |
4 |
Liên minh Hợp tác xã |
Thực hiện Tiểu Đề án 5: Tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và các quy định pháp luật liên quan cho người lao động và người sử dụng lao động trong các hợp tác xã theo mô hình doanh nghiệp. |
38 |
38 |
38 |
38 |
152 |
5 |
Hiệp Hội doanh nghiệp |
- Tổ chức phổ biến, tuyên truyền pháp luật lao động cho người sử dụng lao động của các doanh nghiệp trong Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh. |
76 |
76 |
76 |
76 |
304 |
6 |
Ban quản lý Khu KT, Công nghiệp tỉnh |
- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và các quy định pháp luật liên quan cho người lao động và người sử dụng lao động của các doanh nghiệp hoạt động trong Khu kinh tế, công nghiệp. |
76 |
76 |
76 |
76 |
304 |
|
Cộng |
|
685 |
685 |
685 |
715 |
2.770 |
|
|
(Hai tỷ, bảy trăm bảy mươi triệu đồng) |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.