ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2613/KH-UBND |
Bình Thuận, ngày 19 tháng 7 năm 2023 |
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 82/NQ-CP CỦA CHÍNH PHỦ VỀ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU ĐẨY NHANH PHỤC HỒI, TĂNG TỐC PHÁT TRIỂN DU LỊCH HIỆU QUẢ, BỀN VỮNG
Thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 82); Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện với các nội dung như sau:
I. MỤC TIÊU
- Triển khai đồng bộ và quyết tâm thực hiện có hiệu quả các nội dung Nghị quyết 82 nhằm đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch của tỉnh một cách hiệu quả, bền vững trong những năm tới.
- Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là một trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
- Nâng cao tính chuyên nghiệp, đảm bảo dịch vụ du lịch chất lượng, đa dạng, đặc sắc, bền vững và an toàn.
- Huy động được nguồn lực, với sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành, địa phương và các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong phát triển du lịch, xây dựng hình ảnh điểm đến “An toàn - Thân thiện - Chất lượng”.
II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
Để ngành du lịch phát triển trọng tâm, trọng điểm, với phương châm “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch, đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh cần thống nhất nhận thức về vị trí, vai trò của du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, mang nội dung văn hóa sâu sắc, có tính liên ngành, liên vùng xã hội hóa cao, đem lại hiệu quả tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trên cơ sở đó, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các nội dung sau:
1. Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, bền vững
1.1. Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Thực hiện tốt cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chiến lược, phát triển các tổ hợp vui chơi, nghỉ dưỡng, trung tâm du lịch quốc tế và các ngành dịch vụ hỗ trợ du lịch như hàng không, cơ sở lưu trú, trung tâm thương mại, dịch vụ bán lẻ để thúc đẩy chi tiêu của du khách.
- Chủ trì xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án Phát triển kinh tế đêm của tỉnh đến năm 2030; phấn đấu trong giai đoạn phải có ít nhất một khu vực kiểu mẫu đi vào hoạt động sau khi Đề án được phê duyệt. Phối hợp với các sở, ngành và địa phương có liên quan lồng ghép các nội dung của Đề án Phát triển kinh tế đêm vào quy hoạch tỉnh, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các sở ngành, địa phương có liên quan tích hợp “Phương án phát triển cơ sở hạ tầng mạng lưới cơ sở văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” và “Phương án phát triển kết cấu hạ tầng du lịch, các khu, điểm, chuỗi phát triển du lịch trọng điểm của tỉnh Bình Thuận gắn với tổng thể du lịch của vùng và cả nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm
2050” vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
1.2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Triển khai các nội dung Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Mũi Né đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1772/QĐ-TTg ngày 18/12/2018.
1.3. Sở Tài nguyên và Môi trường
- Chủ trì và phối hợp với các đơn vị có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp huyện kiểm tra việc sử dụng đất của các dự án du lịch khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật đất đai.
- Đẩy nhanh tiến độ tham mưu, giải quyết có hiệu quả chồng lấn giữa quy hoạch dự trữ khoáng sản titan với quy hoạch phát triển du lịch.
1.4. Sở Xây dựng
- Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố rà soát, đề xuất lập/điều chỉnh (hoặc hủy bỏ) các Quy hoạch chung xây dựng và Quy hoạch phân khu xây dựng các khu vực ven biển phù hợp với Quy hoạch tỉnh Bình Thuận, Quy hoạch chung xây dựng khu du lịch quốc gia Mũi Né được phê duyệt.
- Tham mưu lựa chọn một số khu vực quan trọng để tổ chức thi tuyển phương án quy hoạch liên tỉnh. Đồng thời, quy hoạch một số khu vực phù hợp để xây dựng công viên, quảng trường, bãi tắm,… phục vụ cộng đồng dân cư và khách du lịch.
- Triển khai thực hiện các nội dung theo Kế hoạch số 4067/KH-UBND ngày 27/10/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về định hướng phát triển kiến trúc trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
1.5. Hiệp hội du lịch tỉnh
- Phát huy tính năng động, sáng tạo và vai trò động lực của doanh nghiệp trong phục hồi và phát triển du lịch. Phát huy vai trò trong hỗ trợ doanh nghiệp thành viên, đẩy mạnh kết nối, giúp các doanh nghiệp cùng nhau vượt qua khó khăn, chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững.
- Đổi mới mô hình kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với chuyển đổi số, đổi mới và sáng tạo; xây dựng hệ sinh thái du lịch, mô hình du lịch mới; nâng cao năng lực cạnh tranh; mở rộng thị trường.
2. Tiếp tục tạo thuận lợi thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam
2.1. Sở Y tế
- Tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong hình hình mới.
- Tăng cường phổ biến tuyên truyền, hướng dẫn các quy định về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm và chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan thanh kiểm tra các cơ sở du lịch, dịch vụ du lịch về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
2.2. Công an tỉnh
- Triển khai, thực hiện có hiệu quả Đề án đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động du lịch tại tỉnh Bình Thuận.
- Hướng dẫn, phối hợp các đơn vị, doanh nghiệp du lịch thực hiện hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc gắn với xây dựng môi trường thân thiện, ứng xử văn minh đối với du khách.
2.3. Cục Quản lý thị trường: Tăng cường công tác kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và các hành vi gian lận thương mại khác tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.
2.4. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
- Đảm bảo tốt môi trường du lịch; xử lý, chấn chỉnh kịp thời các vấn đề về môi trường tự nhiên, môi trường xã hội ở các khu, điểm du lịch. Giải quyết, xử lý có hiệu quả vấn đề buôn bán nhếch nhác, lấn chiếm bãi biển, hàng rong chèo kéo du khách, ca nô nước,… gây mất mỹ quan, thiếu văn minh, lịch sự ở các khu du lịch cộng đồng.
- Tăng cường công tác cứu hộ, cứu nạn tại các bãi tắm công cộng; các hoạt động vui chơi giải trí trên đồi cát phải đảm bảo an toàn cho du khách.
- Thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự và an toàn cho khách du lịch tại các khu du lịch, điểm du lịch.
- Tăng cường lắp đặt các biển báo giữ gìn vệ sinh môi trường, cấm xả rác ở các khu vực công cộng; thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện vệ sinh môi trường tại các khu vực địa bàn dân cư, khu vực công cộng và có những biện pháp chấn chỉnh, khắc phục kịp thời. Tăng cường bố trí thêm thùng rác tại các khu cộng đồng dân cư, khu vực trọng điểm về du lịch.
- Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tự giác và tích cực tham gia giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường; thực hiện nếp sống văn minh, tôn trọng pháp luật; ứng xử văn minh, thân thiện đối với khách du lịch.
- Định kỳ phát động và tổ chức các phong trào, hoạt động dọn dẹp vệ sinh môi trường đường phố, khu sinh hoạt cộng đồng và giữ gìn cảnh quan đô thị tại địa phương mình.
2.5. Hiệp hội du lịch tỉnh: Vận động các doanh nghiệp du lịch có sự đồng thuận, chia sẻ trách nhiệm và phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc xử lý rác thải ở bãi biển. Kêu gọi doanh nghiệp tham gia hỗ trợ lắp đặt thêm thùng rác ở các tuyến đường, khu vực công cộng nhằm góp phần xây dựng hình ảnh điểm đến xanh - sạch - đẹp.
3. Tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào khu du lịch quốc gia
3.1. Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Đẩy mạnh thu hút đầu tư, hình thành và kết nối một số khu vực động lực phát triển du lịch có chất lượng, quy mô lớn, thúc đẩy, lan tỏa các lợi ích và giá trị của du lịch. Ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng kỹ thuật và hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, chất lượng tại khu du lịch quốc gia và các khu vực tiềm năng phát triển để hình thành các điểm đến đẳng cấp quốc tế.
- Huy động nguồn lực, thu hút đầu tư cho phát triển du lịch, đặc biệt là đầu tư vào các khu, điểm du lịch theo quy hoạch và hệ thống kết cấu hạ tầng kết nối phù hợp, các sản phẩm du lịch đặc thù.
- Tiếp tục rà soát, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, thực hiện tốt các khâu, các bước trong quy trình chấp thuận chủ trương đầu tư, tạo môi trường thu hút đầu tư thông thoáng, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh về du lịch, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư.
3.2. Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường: Thường xuyên tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục đất đai, xây dựng, tài nguyên, kè biển, biển và hải đảo,…
3.3. Sở Giao thông vận tải: Thường xuyên kiểm tra, rà soát và chú ý nâng cấp các tuyến đường du lịch ven biển trên địa bàn tỉnh. Tăng cường kiểm tra các bến xe, bến tàu không để xảy ra tình trạng ùn ứ khách, nhất là trong các dịp lễ, tết.
3.4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Rà soát toàn bộ kè chắn sóng phục vụ du lịch; chủ động đề xuất, tham mưu thống nhất giải pháp đầu tư kè đồng bộ để bảo vệ bờ biển, đặc biệt là tại khu du lịch quốc gia Mũi Né.
3.5. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
- Đầu tư, nâng cấp, mở rộng các đường nhánh xuống biển; đầu tư hệ thống cấp thoát nước, hệ thống xử lý nước thải, chất thải tập trung; hoàn thiện các điểm đỗ xe du lịch, ưu tiên tại các khu vực trọng điểm du lịch đặc biệt là khu du lịch quốc gia Mũi Né.
- Tập trung bố trí ngân sách và huy động nguồn vốn xã hội hóa đầu tư xây dựng hệ thống nhà vệ sinh, khu tắm, rửa nước ngọt công cộng đạt chuẩn du lịch, sửa chữa nâng cấp các nhà vệ sinh đã xuống cấp tại một số điểm tham quan; phát triển các khu công cộng phục vụ du lịch cộng đồng.
4. Phát triển sản phẩm và truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch
4.1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan đa dạng hóa hình thức, sản phẩm du lịch, chú trọng liên kết giữa du lịch với các ngành khác trong chuỗi giá trị, gắn với phát triển xanh, bền vững và phương châm “lấy trải nghiệm của khách du lịch làm trung tâm”.
- Tập trung liên kết phát triển sản phẩm, thị trường; kết nối tour, tuyến, điểm du lịch trong vùng và liên vùng. Hình thành mô hình liên kết giữa các địa phương, có sự tham gia của cơ quan du lịch quốc gia và doanh nghiệp lớn. Phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể tham gia vào phát triển du lịch mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam, đa sắc màu văn hóa địa phương, vùng miền; đầu tư phát triển công nghiệp văn hóa trong đó coi trọng du lịch văn hóa.
- Xây dựng hình ảnh điểm đến an toàn, hấp dẫn, nhân văn, hiếu khách, thuận lợi, “làm hài lòng du khách, ấm lòng chủ nhà”.
- Tăng cường tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, lễ hội gắn với phát triển du lịch.
- Tổ chức xúc tiến du lịch có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp định hướng phát triển sản phẩm, thương hiệu du lịch của Bình Thuận; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá trên hệ thống truyền thông, mạng xã hội, công nghệ số.
- Tập trung phát triển thị trường du lịch nội địa hiện có và mở rộng các thị trường tiềm năng có khả năng tăng trưởng nhanh, có nguồn khách lớn, có mức chi tiêu cao và lưu trú dài ngày.
- Chủ động, tích cực tham gia có hiệu quả các hợp tác, liên kết liên địa phương, liên vùng thúc đẩy phát triển du lịch.
4.2. Sở Công Thương: Lồng ghép quảng bá thương hiệu, hình ảnh du lịch Bình Thuận trong các chương trình xúc tiến thương mại, gắn xúc tiến thương mại với xúc tiến du lịch; lồng ghép quảng bá thương hiệu, hình ảnh du lịch Bình Thuận trong phát triển các loại hình hạ tầng thương mại phục vụ du lịch.
4.3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Triển khai hiệu quả Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 02/8/2022.
- Thúc đẩy phát triển các sản phẩm du lịch liên quan đến nông nghiệp, dịch vụ du lịch gắn với cảnh quan nông thôn, văn hóa cộng đồng, tăng trải nghiệm, phát huy tối đa du lịch tại các vùng nông nghiệp, gắn với nông thôn và nông dân, phát huy các ngành nghề, làng nghề, dịch vụ nông thôn.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đẩy mạnh kết nối, hỗ trợ cộng đồng nông thôn làm du lịch nông nghiệp, nông thôn thông qua các doanh nghiệp lữ hành; hình thành các “điểm đến vệ tinh” với các khu, điểm du lịch lớn nhằm lan tỏa những điểm đến ở nông thôn, đặc biệt là đối với khách du lịch quốc tế.
4.4. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố: Dựa trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế hiện có từng vùng, mỗi địa phương phát triển một sản phẩm du lịch đặc trưng, một điểm đến tiêu biểu.
4.5. Hiệp hội du lịch tỉnh, Hội doanh nghiệp tỉnh
- Khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng gắn với du lịch MICE và Wellness; nâng cấp và xây dựng mới cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị cho các trung tâm hội nghị, hội thảo tại các khu du lịch quy mô lớn, nâng cao trình độ và kỹ năng của nhân viên để đảm bảo chất lượng dịch vụ chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách.
- Nghiên cứu đổi mới và nâng cao chất lượng các sản phẩm dịch vụ, tái cơ cấu các dòng sản phẩm hướng đến thu hút, phục vụ đa dạng các dòng du khách, chi tiêu cao, ở dài ngày.
5. Hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh du lịch
5.1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
- Tăng cường truyền thông, quảng bá, tiếp thị để thu hút du khách trong nước và quốc tế; xây dựng Bình Thuận là điểm đến an toàn.
- Phối hợp các sở, ngành có những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, cộng đồng, người dân tham gia kinh doanh du lịch đổi mới mô hình kinh doanh, phát triển sản phẩm mới, xúc tiến, quảng bá du lịch
5.2. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố: Phổ biến triển khai kịp thời các chính sách, hỗ trợ các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, cộng đồng, người dân tham gia kinh doanh du lịch.
5.3. Hiệp hội du lịch tỉnh
- Hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch phát triển và cạnh tranh lành mạnh, làm giàu chính đáng, tuân thủ đúng pháp luật và các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.
- Tổng hợp ý kiến và đề xuất, kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, địa phương giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp du lịch.
6. Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực
6.1. Sở Nội vụ : Phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho công chức, viên chức làm công tác quản lý Nhà nước về du lịch để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển du lịch của tỉnh.
6.2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
- Tích cực hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng. Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân, cộng đồng dân cư tại các khu du lịch nâng cao ý thức trách nhiệm, thái độ ứng xử văn minh.
- Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho cộng đồng tham gia phục vụ du lịch.
6.3. Hiệp hội du lịch tỉnh
- Nâng cao năng lực quản trị, thực hiện tốt văn hóa doanh nhân. Thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người lao động, quan tâm xây dựng môi trường lao động an toàn, thân thiện, hài hòa và bền vững; nhân viên cởi mở, vui vẻ, lịch sự, mến khách.
- Tiếp tục đầu tư, phát triển nguồn nhân lực du lịch đáp ứng yêu cầu; đa dạng hóa hình thức đào tạo; giáo dục nghề nghiệp trong ngành du lịch thông qua phương thức đối tác công - tư (PPP), nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đào tạo nhân lực ngành du lịch.
7. Đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch
7.1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động du lịch và dịch vụ liên quan; đẩy nhanh việc chuyển đổi số trong xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu, giao dịch, thanh toán trực tuyến.
- Khuyến khích các doanh nghiệp đưa sản phẩm du lịch lên các nền tảng công nghệ số, tăng cường tương tác với du khách, kịp thời nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của du khách để xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp.
7.2. Sở Tài nguyên và Môi trường: Chủ trì, phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường hướng dẫn các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ xanh, sạch trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ và cơ sở lưu trú du lịch.
7.3. Sở Thông tin và Truyền thông : Phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoàn thiện hệ thống dữ liệu số hóa về khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch, quản lý du khách,… kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, các cơ quan chức năng quản lý Nhà nước về du lịch và hệ thống thông tin quản lý thông báo lưu trú; nâng cấp và hoàn thiện cập nhật dữ liệu trên Cổng thông tin điện tử du lịch Bình Thuận.
7.4. Hiệp hội du lịch tỉnh: Đẩy nhanh việc chuyển đổi số trong xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu, đặt phòng, thanh toán.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Căn cứ nội dung nhiệm vụ được phân công, đề nghị thủ trưởng cơ quan, đơn vị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, Hiệp hội du lịch tỉnh chủ động dự toán kinh phí hàng năm nhằm tổ chức thực hiện các nội dung của Kế hoạch một cách nghiêm túc, đạt hiệu quả cao.
Kết quả thực hiện, các đơn vị, địa phương có báo cáo, đề xuất những giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ nhằm đẩy nhanh phục hồi, phát triển du lịch hiệu quả, bền vững như đã nêu trong Kế hoạch này, gửi về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trước ngày 15/12 hàng năm.
2. Giao trách nhiệm cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổng hợp, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh đánh giá sơ kết, tổng kết tình hình, kết quả triển khai thực hiện, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo thực hiện./.
|
KT. CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.