ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 25/KH-UBND |
Quảng Ninh, ngày 10 tháng 02 năm 2023 |
KẾ HOẠCH
VỀ VIỆC TRIỂN KHAI CÔNG TÁC THU NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2023
Dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2023 của tỉnh Quảng Ninh được Bộ Tài chính giao tại Quyết định số 2542/QĐ-BTC ngày 07/12/2023 là 53.062 tỷ đồng, tăng 17% so với dự toán giao năm 2022; tại Nghị quyết số 136/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh giao tổng thu ngân sách là 54.000 tỷ đồng, tăng 3% so với số giao dự toán năm 2022 (trong đó số thu tiền sử dụng đất giảm 500 tỷ đồng, tương ứng giảm 6,3%). Để thực hiện hoàn thành và phấn đấu vượt chỉ tiêu dự toán thu ngân sách được Bộ Tài chính và Hội đồng nhân dân tỉnh giao; theo đề nghị của Sở Tài chính tại Văn bản số 289/STC-QLNS ngày 19/01/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai công tác thu ngân sách nhà nước năm 2023, cụ thể như sau:
I. Mục đích, yêu cầu công tác lãnh đạo, chỉ đạo
1. Thực hiện theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý thuế, các văn bản hướng dẫn thi hành luật của Bộ, ngành Trung ương và Nghị quyết số 136/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh về dự toán thu ngân sách nhà nước, chi ngân sách địa phương, phân bổ dự toán chi ngân sách cấp tỉnh và cơ chế, biện pháp điều hành ngân sách địa phương năm 2023. Thực hiện thu đúng, thu đủ và nuôi dưỡng nguồn thu theo hướng ổn định, phát triển bền vững, duy trì lâu dài, đảm bảo yêu cầu cân đối bền vững ngân sách địa phương, trong đó ngân sách cấp tỉnh đóng vai trò chi phối, chủ đạo trong ngân sách địa phương.
2. Bằng các giải pháp, quyết tâm phấn đấu triển khai thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu tổng thu ngân sách nhà nước năm 2023 được Bộ Tài chính và Hội đồng nhân dân tỉnh giao; trong đó, thu tiền sử dụng đất 7.500 tỷ đồng; thuế, phí nội địa không thấp hơn 34.500 tỷ đồng, thu xuất nhập khẩu không thấp hơn 12.000 tỷ đồng. Trong quá trình tổ chức thực hiện, yêu cầu các Sở, ngành, đơn vị, địa phương được giao nhiệm vụ thu ngân sách, phấn đấu tăng thu từ 7-9% so với số thực hiện năm 2022 (trừ số thu tiền sử dụng đất và tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê).
3. Thu tiền sử dụng đất theo số thu dự toán được Bộ Tài chính và Hội đồng nhân dân tỉnh giao, không giao chỉ tiêu tăng thu tiền sử dụng đất cho các địa phương, giảm dần tỷ trọng (%) tiền sử dụng đất trong cơ cấu thu nội địa; trong đó, tập trung nhiệm vụ thu tại các dự án đã có quyết định giá đất cụ thể năm 2022 chuyển tiếp sang năm 2023 (khoảng 2.200 tỷ đồng), thu quỹ đất tái định cư, thu chuyển mục đích sử dụng đất phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đã phê duyệt, thu tiền sử dụng đất các dự án thương mại, dịch vụ và dự án đầu tư phát triển sản xuất; hạn chế thu tiền sử dụng đất ở xen kẹp khu dân cư, đất ở đô thị... tiết kiệm nguồn lực tài nguyên không tái tạo.
4. Đối với số thu nội địa (thuế, phí) yêu cầu tập trung quan tâm đến các lĩnh vực có tỷ trọng (%) đóng góp lớn cho ngân sách: (1)- Thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh than, hằng năm có đóng góp trên 45,5% số thu thuế, phí nội địa của tỉnh; (2)- Thu từ hoạt động sản xuất, phân phối nhiệt điện, có đóng góp trên 5,7% thu thuế, phí nội địa; (3)- Thu từ hoạt động kinh doanh, tiêu thụ nhiên liệu xăng, dầu có đóng góp trên 6,2% thu thuế, phí nội địa; (4)- Thu từ hoạt động của các dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có đóng góp trên 5,2% thu thuế, phí nội địa.
5. Đối với thu xuất, nhập khẩu yêu cầu tập trung vào đối tượng hàng hóa là nhiên liệu xăng, dầu chiếm khoảng 25% tổng thu xuất, nhập khẩu; thu hàng hóa xuất, nhập qua cửa khẩu cảng biển, chiếm khoảng 58% tổng thu; tận dụng tối đa cơ hội Trung Quốc nới lỏng hoạt động kiểm soát dịch bệnh COVID-19 từ ngày 08/01/2023, khai thác điều kiện hạ tầng giao thông tuyến đường cao tốc Hạ Long - Móng Cái để gia tăng số thu qua cửa khẩu đường bộ, chiếm 17% tổng thu xuất nhập khẩu.
II. Một số giải pháp trọng tâm
1. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, doanh nhân tiếp cận, nắm bắt cơ hội đầu tư kinh doanh tại tỉnh Quảng Ninh; tập trung trao đổi thông tin, đồng hành cùng doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ doanh nghiệp trên các lĩnh vực: i- Thủ tục hành chính về cấp phép đăng ký kinh doanh, chứng nhận đầu tư, đăng ký nộp thuế, khai báo hải quan xuất, nhập khẩu...; ii- Hỗ trợ tiếp cận được nguồn vốn kinh doanh của ngân hàng, vốn hỗ trợ của nhà nước thông qua các Đề án, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; iii- Hỗ trợ chi phí đào tạo nghề cho nguồn nhân lực tuyển dụng, tạo lập quỹ đất tái định cư, xây dựng cơ sở hạ tầng an sinh xã hội (gồm có nhà ở xã hội) để giữ chân người lao động gắn bó lâu dài với địa phương, doanh nghiệp; iv- cấp điện sản xuất nhanh chóng, kịp thời, ổn định nguồn cung; v- Dịch vụ Logistics thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp kết nối từ khâu sản xuất đến tiêu thụ an toàn, hiệu quả với chi phí thấp nhất; vi- Đảm bảo điều kiện về an ninh trật tự, an toàn giao thông giúp nhà đầu tư, doanh nghiệp yên tâm triển khai dự án; vii- Quảng bá hình ảnh địa phương, hỗ trợ công tác quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp đến thị trường trong và ngoài tỉnh (kể cả thị trường nước ngoài) trong đó trọng tâm là lĩnh vực dịch vụ du lịch khai thác tiềm năng lợi thế của địa phương; iix- Mở rộng quan hệ đối ngoại của tỉnh với địa phương nước bạn Trung Quốc có chung đường biên giới, tổ chức hội đàm thường niên, thống nhất đề xuất với Chính phủ hai nước sớm công bố chính thức “cửa khẩu song phương” tại huyện Hải Hà và Bình Liêu, giúp doanh nghiệp hai bên có cơ hội mở rộng hoạt động kinh doanh xuất, nhập khẩu hàng hóa qua biên giới đất liền, đường bộ; ix- Thực hiện các giải pháp ổn định nguồn cung vật liệu xây dựng, mỏ đất đắp, nhiên liệu xăng, dầu... không để đứt gãy chuỗi cung ứng, kiên quyết xử lý các đối tượng có biểu hiện sản xuất, kinh doanh trái pháp luật, thao túng giá cả thị trường làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh.
2. Đẩy mạnh công tác thành lập mới doanh nghiệp và thu hút doanh nghiệp tỉnh ngoài đến đăng ký hoạt động tại Quảng Ninh: Ngoài chỉ tiêu thành lập mới 2.000 doanh nghiệp được Hội đồng nhân dân tỉnh giao1, các Sở, ngành, địa phương cần nghiên cứu, đối thoại và có giải pháp hỗ trợ để giảm thiểu số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc thông báo giải thể chấm dứt đầu tư kinh doanh; thu hút, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tỉnh ngoài có cơ hội được đầu tư, kinh doanh tại Quảng Ninh, kể cả các trường hợp phát sinh liên danh, liên kết với doanh nghiệp trong tỉnh; đặc biệt quan tâm đến các doanh nghiệp có hoạt động xuất, nhập khẩu thường xuyên qua cửa khẩu biên giới đất liền, cảng biển tỉnh Quảng Ninh.
3. Tăng cường công tác giải ngân các nguồn lực tài chính công
Về giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 đã được Hội đồng nhân dân tỉnh chỉ đạo cụ thể tại Nghị quyết số 128/NQ-HĐND ngày 09/12/2022, kết quả giải ngân vốn có tác động tỷ lệ thuận với mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh; trong đó, yêu cầu chất lượng đầu tư, chất lượng giải ngân vốn phải đáp ứng được các quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng; tiến độ giải ngân yêu cầu đến ngày 30/9 đạt tối thiểu 80%, đến ngày 31/12 đạt 100% kế hoạch vốn giao đầu năm (kể cả vốn ngân sách TW và địa phương).
Về giải ngân các khoản dự toán chi thường xuyên thuộc ngân sách địa phương được quan tâm, chỉ đạo sớm phân bổ, phân khai ngay từ đầu năm đủ điều kiện thanh toán, giải ngân đáp ứng nhu cầu về chế độ chính sách và an sinh - xã hội, đảm bảo hoạt động thường xuyên của các cơ quan trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, bên cạnh đó còn góp phần quan trọng mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh thông qua các Đề án, Chương trình mục tiêu quốc gia, các gói thầu cung ứng dịch vụ, mua sắm công.
4. Thực hiện đồng bộ các giải pháp triển khai Luật Quản lý thuế 2019. Theo dõi chặt chẽ tiến độ thu đến từng đối tượng có số thu lớn (xăng, dầu, nhiệt điện...); phân tích, dự báo những tác động ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách trên địa bàn để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu năm 2023 ở mức cao nhất. Tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp quản lý, khai thác tăng thu đối với một số lĩnh vực có dư địa lớn, chống thất thu ngân sách đối với một số lĩnh vực còn rủi ro về thuế như: Khai thác tài nguyên khoáng sản, kinh doanh bất động sản, hoạt động SXKD mới phát sinh trong nền kinh tế số, giao dịch thương mại xuyên biên giới, các khoản thuế phát sinh vãng lai đối với các công trình, dự án đầu tư trên địa bàn...; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế, phối hợp với chính quyền địa phương và triển khai có hiệu quả phương án xử lý, thu hồi nợ đọng thuế, nhất là đối với các khoản thu liên quan đến đất đai, tài nguyên khoáng sản...; Công khai thông tin các đơn vị, cá nhân nợ thuế, chây ỳ nộp thuế Trên các phương tiện thông tin đại chúng, kiên quyết áp dụng các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế thu hồi nợ thuế theo đúng quy định của Luật quản lý thuế; Đôn đốc thu kịp thời các khoản truy thu sau thanh tra, kiểm toán vào ngân sách nhà nước.
5. Thu xuất, nhập khẩu: Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp trong Kế hoạch số 163/KH-UBND ngày 31/8/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về đẩy mạnh hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa, duy trì ổn định và phát triển nguồn thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025; tập trung cải cách, đơn giản hóa các thủ tục hành chính theo hướng công khai, minh bạch, thuận tiện về thủ tục hải quan, giảm thời gian thông quan, giảm chi phí cho doanh nghiệp, thương nhân. Thực hiện các giải pháp thúc đẩy hoạt động xuất, nhập khẩu qua cửa khẩu đường bộ, trọng tâm là cửa khẩu thành phố Móng Cái; hỗ trợ dự án Tổ hợp sản xuất ô tô Thành Công về thủ tục hành chính, đầu tư bến cảng đủ điều kiện tiếp nhận thiết bị máy móc, phụ tùng, phương tiện... để thu thuế nhập khẩu ngay tại địa phương.
III. Tổ chức thực hiện
Để thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước năm 2023 được Bộ Tài chính và Hội đồng nhân dân tỉnh giao, Ủy ban nhân dân tỉnh phân công, giao trách nhiệm cho các Sở, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ triển khai thực hiện, cụ thể như sau:
Căn cứ Kịch bản tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2023, xây dựng kế hoạch thu ngân sách chi tiết theo từng đơn vị cho từng tháng, quý, đồng thời chủ động đề xuất các giải pháp hoàn thành dự toán cả về số thu tiền sử dụng đất và thuế, phí.
Tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả 07 kế hoạch quản lý nhà nước, quản lý thuế đã được Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành: (i1) Kế hoạch số 51/KH-UBND ngày 12/3/2020 về việc đổi mới, tăng cường công tác quản lý nhà nước, quản lý thu thuế đối với hoạt động vận tải; (i2) Kế hoạch số 217/KH-UBND ngày 18/9/2019 về việc nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, phục vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê, căn hộ du lịch, cho thuê mặt bằng kinh doanh; (i3) Kế hoạch số 108/UBND-KH ngày 11/6/2020 về nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, phục vụ quản lý thuế đối với hoạt động khai thác khoáng sản; (i4) Kế hoạch số 137/KH-UBND ngày 28/7/2020 về tăng cường công tác quản lý thuế trong hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; (i5) Kế hoạch số 163/UBND-KH ngày 03/9/2020 về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước trong hoạt động kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; (i6) Kế hoạch số 72/KH-UBND ngày 08/3/2022 về việc tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh bất động sản; (i7) Kế hoạch tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.
Tập trung chỉ đạo thực hiện tốt kế hoạch thanh tra, kiểm tra tài chính; rà soát các nguồn thu, xác định các khoản thu còn dư địa, còn tiềm năng để khai thác tăng thu; đánh giá hiệu quả và tiếp tục triển khai mở rộng đối tượng sử dụng hóa đơn điện tử; phấn đấu thu nội địa đạt và vượt dự toán thu nội địa được Hội đồng nhân dân tỉnh giao đầu năm.
Chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý vịnh Hạ Long, Sở Du lịch và các cơ quan, đơn vị liên quan giải quyết dứt điểm những vướng mắc trong việc phát hành vé tham quan vịnh Hạ Long đối với những đoàn khách có nhu cầu lấy 01 vé tham quan sử dụng cho cả đoàn.
Bám sát kế hoạch xuất, nhập khẩu của doanh nghiệp, tập đoàn có số thu lớn, phân tích, đánh giá những yếu tố tác động ảnh hưởng đến hoạt động xuất, nhập khẩu và thu ngân sách nhà nước (NSNN). Chủ động tiếp cận, đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về chính sách và thủ tục hải quan, đồng thời có phương án thu hút nhóm doanh nghiệp mới, nguồn hàng mới về làm thủ tục và nộp thuế vào NSNN trên địa bàn tỉnh nhằm duy trì và phát triển nguồn thu.
Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu theo hướng minh bạch, giảm thời gian thực hiện thủ tục hải quan, thông quan nhanh hàng hóa tại cửa khẩu; Phối hợp với các sở, ngành đề xuất với Tỉnh các cơ chế ưu đãi, loại bỏ các rào cản bất hợp lý để thu hút doanh nghiệp/nhà đầu tư (đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tạo nên các sản phẩm có giá trị gia tăng cao phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước).
Theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách, đánh giá, phân tích cụ thể từng địa bàn, từng khu vực, từng sắc thuế, tổng hợp, báo cáo kịp thời kết quả thu và phối hợp với Cục Thuế tỉnh, Cục Hải quan tỉnh dự báo số thu, hàng tháng, hàng quý để tham mưu các cấp thẩm quyền có biện pháp chỉ đạo, điều hành kịp thời.
Thực hiện tốt chức năng là cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định giá đất. Đẩy nhanh tiến độ thẩm định phương án giá đất cụ thể của các dự án theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Thông báo số 6867/TB-UBND ngày 23/12/2022 để các địa phương sớm triển khai đấu giá trước ngày 30/6/2023, thu tiền sử dụng đất ngay những ngày đầu, tháng đầu của năm 2023, mục tiêu Tỉnh chỉ đạo đến 30/9/2023 phải cơ bản thu xong 7.500 tỷ đồng tiền sử dụng đất.
Tham mưu chỉ đạo công tác rà soát, đánh giá hiện trạng sử dụng tài sản công (phương tiện vận tải theo Nghị định số 04/2019/NĐ-CP của Chính phủ; tài sản là nhà cửa vật kiến trúc gắn với quyền sử dụng đất theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ, Nghị quyết số 595/NQ-UBTVQH15 ngày 12/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn bản số 6253/VP.UBND-TM5 ngày 08/12/2022 của Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh) tại các cơ quan, đơn vị, địa phương thuộc tỉnh. Thực hiện sắp xếp, sử dụng hợp lý, có hiệu quả đối với tài sản dôi dư, không còn nhu cầu sử dụng đề xuất thu hồi, điều chuyển cho cơ quan, đơn vị khác có nhu cầu sử dụng hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền bán thanh lý thu hồi nộp ngân sách nhà nước, khắc phục tình trạng tài sản công sau đầu tư, mua sắm, sử dụng song kém phát huy hiệu quả vốn nhà nước.
Theo dõi, tổng hợp báo cáo hàng tháng về tình hình triển khai thực hiện dự toán chi thường xuyên, kịp thời tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn. Tăng cường, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá, kịp thời tham mưu tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân, tạo điều kiện để dòng vốn lưu thông. Mục tiêu phấn đấu đến 31/12/2023 giải ngân được 95% các khoản bố trí dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương, đến hết niên độ ngân sách năm 2023 giải ngân xong 100% dự toán.
4. Sở Tài nguyên và Môi trường
Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai; thường xuyên rà soát các dự án có sử dụng mặt đất, mặt nước, kiên quyết đề xuất thu hồi các dự án chậm tiến độ, vi phạm Luật Đất đai, Luật Đầu tư. Kịp thời tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt cấp quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân tỉnh, tránh trường hợp giấy phép đã hết hạn, đơn vị khai thác không còn hoạt động mới thực hiện việc thẩm định, phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; Chủ trì phối hợp với Sở Tài chính và các địa phương xây dựng giá khởi điểm để đấu giá quyền khai thác khoáng sản và triển khai thực hiện hiệu quả công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh về danh mục và hồ sơ các dự án thu tiền sử dụng đất nhằm đảm bảo chỉ tiêu thu 7.500 tỷ đồng đã được Hội đồng nhân dân tỉnh giao thu, xong trước ngày 31/01/2023; báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt kế hoạch định giá đất cụ thể năm 2023 theo quy định tại Điều 28 Thông tư số 26/2014/TT-BTNMT ngày 30/6/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Chủ trì phối hợp với các Sở, ban, ngành và các địa phương xây dựng giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất theo đúng các quy định của Luật đất đai và hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đảm bảo nguyên tắc khách quan, minh bạch, kịp thời, không để xảy ra sai sót. Chủ trì triển khai nội dung chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Thông báo số 6867/TB-UBND ngày 23/12/2022 về kế hoạch thu tiền sử dụng đất năm 2023, hướng dẫn các địa phương xây dựng phương án giá đất (thời gian hoàn thành giá đất khởi điểm xong trước ngày 30/3/2023); phối hợp với Sở Tài chính, Cục Thuế tỉnh, Ủy ban nhân dân các địa phương hằng quý (tháng đầu mỗi quý) rà soát, đánh giá kết quả thu tiền sử dụng đất để đề xuất các giải pháp điều chỉnh kịp thời nhằm đạt dự toán thu tiền sử dụng đất được Hội đồng nhân dân tỉnh giao.
Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng và Ủy ban nhân dân các địa phương và các cơ quan liên quan căn cứ quy định pháp luật để tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thực hiện hình thức cho thuê đất trả tiền hàng năm phù hợp với tính chất, mục đích sử dụng đất, đảm bảo nguồn thu ổn định, tránh thất thoát ngân sách nhà nước và theo đúng quy định pháp luật, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trong quý I/2023. Tham mưu tháo gỡ khó khăn, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ Dự án Khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh, tạo nguồn thu cho NSNN.
5. Sở Xây dựng
Chủ trì cùng liên ngành và các địa phương làm việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách; làm việc tại các địa phương, các chủ đầu tư dự án vào tháng đầu tiên của quý để nắm bắt tình hình triển khai các dự án, đề xuất biện pháp giải quyết, tháo gỡ (rà soát cắt giảm thời gian cấp giấy phép xây dựng, hướng dẫn giải quyết vướng mắc về đầu tư, các thủ tục khác).
Thường xuyên trao đổi, đối thoại với các nhà đầu tư chiến lược có dự án trên địa bàn tỉnh: Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV); Tập đoàn Thành Công; Tập đoàn Vingroup; Tập đoàn Texhong; Tập đoàn Sungroup; Công ty TNHH May mặc Hoa Lợi Đạt và các các dự án đầu tư FDI tại các KCN, các dự án hạ tầng KCN, Tập đoàn Tuần Châu, BIM Group... hỗ trợ công tác đầu tư, xây dựng, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, giải ngân vốn (ngoài ngân sách) góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước.
Tham gia đầy đủ trách nhiệm là thành viên Hội đồng thẩm định giá đất, phối hợp với các ngành, các địa phương đẩy nhanh tiến độ thẩm định giá đất theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Thông báo số 6867/TB-UBND ngày 23/12/2022; trong đó, đến 30/3/2023 phải có các quyết định giá đất khởi điểm để đấu giá đất, đến 30/6/2023 phải xong công tác đấu giá đất, đến 30/9/2023 phải hoàn thành thu nộp tiền sử dụng đất.
6. Sở Công Thương
Tạo mọi điều kiện thuận lợi, hỗ trợ, phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để ngành than tăng cường đầu tư, hoàn thành các dự án nâng cao năng lực sản xuất đáp ứng tối đa nhu cầu sử dụng than trong nước; chủ động phối hợp với ngành than trong việc nhập khẩu than để pha trộn đáp ứng nhu cầu tiêu thụ than trong nước theo mô hình “Sản xuất - Thương mại than” ổn định, bền vững, chú trọng bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh, trật tự, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Khẩn trương cùng với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai nội dung chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Văn bản số 32/UBND-TM2 ngày 09/01/2023 và Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh tại Văn bản số 490/VP.UBND-TM2 ngày 02/02/2023 về nội dung Tổ chức Hội nghị phát triển dịch vụ logistics tỉnh Quảng Ninh.
Tạo điều kiện để các doanh nghiệp duy trì ổn định hoạt động kinh doanh xăng, dầu. Thường xuyên nắm bắt tiến độ của dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh, tham mưu các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ của dự án. Tổ chức hoạt động có hiệu quả Tổ công tác theo Quyết định 3727/QĐ-UBND ngày 19/12/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh tháo gỡ khó khăn hỗ trợ các dự án của Ngành điện đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh; phối hợp với ngành điện trong công tác đầu tư phát triển hệ thống điện; tham mưu, chỉ đạo kịp thời đảm bảo đáp ứng đủ điện phục vụ cho các hoạt động sản xuất của KCN, KKT, CCN để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tham mưu các giải pháp thúc đẩy hoạt động xuất, nhập khẩu qua cửa khẩu tỉnh Quảng Ninh để phát huy hiệu quả tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái. Hỗ trợ Doanh nghiệp các thông tin về thị trường xuất, nhập khẩu; các cơ hội giao thương; tìm kiếm đối tác bạn hàng để xuất khẩu sản phẩm.
7. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Chủ trì tham mưu Kế hoạch thực hiện chủ đề công tác năm 2023 là “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh” với các biện pháp, giải pháp cụ thể, thiết thực, hiệu quả phấn đấu thu hút vốn FDI ít nhất 01 tỷ USD.
Chủ trì tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức các cuộc gặp mặt đối thoại với doanh nghiệp định kỳ cấp tỉnh; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong hỗ trợ, tháo gỡ tối đa những khó khăn, vướng mắc, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, nhà đầu tư, khu vực dân doanh; hỗ trợ doanh nghiệp tái cấu trúc, nâng cao năng lực công nghệ, chuyển đổi số, đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh, chuyển đổi hộ cá nhân sản xuất, kinh doanh thành doanh nghiệp; trong năm 2023 phấn đấu thành lập mới trên 2.000 doanh nghiệp.
Theo dõi, hàng tháng có báo cáo về tình hình triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công của năm 2023, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh. Tăng cường, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá các dự án đầu tư công để kịp thời tham mưu tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ đầu tư công. Phấn đấu đến 30/9/2023 giải ngân 80%, đến 31/12/2023 giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư được Hội đồng nhân dân tỉnh giao đầu năm.
8. Sở Giao thông vận tải
Tham mưu huy động mọi nguồn lực, đa dạng hóa hình thức đầu tư để xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ. Tăng cường phối hợp với các chủ đầu tư, các ban quản lý dự án để hoàn thành dứt điểm các dự án giao thông trọng điểm của tỉnh. Đẩy mạnh công tác phối hợp với thành phố Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Giang, Lạng Sơn để triển khai các dự án giao thông liên kết vùng theo thoả thuận đã được Tỉnh ủy ký kết.
9. Sở Y tế
Giữ vững thành quả phòng chống dịch, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chiến lược tổng thể thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác (nếu có). Tăng cường theo dõi, giám sát diễn biến các bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh, bám sát diễn biến của dịch bệnh Covid-19 để kịp thời đề xuất, triển khai các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan rộng trong cộng đồng, tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là khu vực biên giới cửa khẩu.
10. Sở Du lịch
Tham mưu thực hiện tốt công tác phát triển các sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các sản phẩm du lịch biển đảo vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, các sản phẩm du lịch dọc tuyến đường cao tốc Hạ Long - Móng Cái.
Thực hiện công tác xúc tiến, quảng bá thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, trọng tâm là thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, du lịch tàu biển.
Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước, kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực du lịch, đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh.
11. Sở Thông tin và Truyền thông
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan liên quan khẩn trương tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh chủ trương thuê dịch vụ Hệ thống bán và kiểm soát vé điện tử tham quan vịnh Hạ Long theo chỉ đạo tại Văn bản số 6281/VP.UBND-TM5 ngày 08/12/2022 và Văn bản số 517/VP.UBND-TM5 ngày 02/02/2023 của Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh.
12. Sở Ngoại vụ
Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác đối ngoại trên địa bàn tỉnh, mở rộng đối tượng quan hệ hợp tác quốc tế, mời gọi các nhà đầu tư quốc tế đến tìm hiểu cơ hội kinh doanh tại tỉnh Quảng Ninh. Chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng, các địa phương biên giới của tỉnh, tham mưu hội đàm giữa hai địa phương có chung đường biên giới, sớm công bố mở chính thức cặp cửa khẩu song phương: Hoành Mô - Động Trung và Bắc Phong Sinh - Lý Hỏa.
Tham mưu tổ chức Đoàn công tác tham dự Chương trình Gặp gỡ đầu xuân 2023 và Hội nghị lần thứ 14 Ủy ban công tác liên hợp tại tỉnh Hà Giang; chuẩn bị chu đáo về nội dung của tỉnh Quảng Ninh tham dự 02 Hội nghị, phối hợp với các đơn vị, địa phương về các nội dung ký kết (nếu có) tại Hội nghị.
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu tổ chức thành công Đoàn công tác của Bí thư Tỉnh ủy thăm và làm việc tại Quảng Tây đảm bảo chu đáo, trọng thị, hiệu quả, đúng quy định theo chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy.
13. Ban Quản lý Khu kinh tế
Tăng cường công tác thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đối với đồ án quy hoạch chi tiết trong các KKT, KCN trên địa bàn. Đôn đốc chủ đầu tư triển khai các dự án đầu tư hạ tầng động lực, trọng điểm tại các KKT, KCN đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ và đưa vào khai thác, phát huy hiệu quả đầu tư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Hoàn thành Kế hoạch xúc tiến đầu tư năm 2023 được giao tại Văn bản số 6990/VP.UBND-XD5 ngày 28/12/2022 của Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh.
Tăng cường công tác nắm bắt thông tin tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các dự án trong KCN, KKT để có biện pháp hỗ trợ, giải quyết khó khăn, vướng mắc kịp thời cho các doanh nghiệp (Tập đoàn Thành Công tại KCN Việt Hưng và thành phố Hạ Long; Tổ hợp dự án Nhà máy, nhà xưởng cao cấp khu vực Đầm Nhà Mạc;...); thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tích cực hỗ trợ các Nhà đầu tư trong quá trình hoàn thiện hồ sơ và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định chủ trương đầu tư các dự án trọng điểm trên địa bàn các KCN, KKT.
14. Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư
Xây dựng chiến lược, kế hoạch vận động xúc tiến đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên các dự án có công nghệ cao, thân thiện môi trường, suất vốn đầu tư cao, đóng góp lớn ngân sách, nhất là thu hút đầu tư FDI thế hệ mới trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, logistics vào các KCN, KKT trên địa bàn tỉnh. Tập trung xúc tiến đầu tư đối với các tập đoàn kinh tế nước ngoài lớn có khả năng kéo theo nhiều doanh nghiệp sản xuất vệ tinh, tạo thành chuỗi giá trị toàn cầu; các nhà đầu tư có uy tín, thương hiệu, có năng lực tài chính và trình độ, kinh nghiệm quản lý, có khả năng liên kết và tác động tích cực đến các doanh nghiệp địa phương, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
Tiếp tục làm việc với các nhà đầu tư lớn để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án của các nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh. Tổ chức hoạt động hiệu quả Tổ công tác hỗ trợ dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh; tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai.
15. Ngân hàng nhà nước Việt Nam chi nhánh Quảng Ninh
Triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế, tập trung vốn tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và của tỉnh; Kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; khuyến khích các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh TCTD tiết giảm chi phí, ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
16. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
Chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác thu ngân sách nhà nước, phấn đấu hoàn thành và vượt dự toán thu ngân sách được Tỉnh giao; tiếp tục chấn chỉnh, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng tư vấn thuế; chú trọng, tập trung về công tác thu thuế GTGT vãng lai tỉnh ngoài, thu hộ kinh doanh; cá nhân kinh doanh kiểm soát đầy đủ các đối tượng nộp thuế; tổ chức triển khai thu các khoản phí tạm thời sử dụng lòng đường hè phố đã được Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành.
Đề xuất danh mục các dự án, quỹ đất dự kiến đấu giá năm 2023 gửi các Sở, ngành thẩm định báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt đối với các dự án, quỹ đất đảm bảo hiệu quả đầu tư, phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo Thông báo số 468/TB-UBND ngày 01/02/2023 của Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh. Thực hiện việc lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết diện tích đất dành cho tái định cư, nhóm nhà ở xã hội từ nay đến năm 2030 phù hợp với các quy hoạch phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn Tỉnh và xác định đây là một giải pháp quan trọng thu hút nguồn nhân lực với Tỉnh. Phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Cục Thuế tỉnh về thực hiện kế hoạch thu tiền sử dụng đất và thuê tư vấn thẩm định giá đất, phấn đấu trong 06 tháng đầu năm hoàn thành xong 100% các thủ tục hành chính để đấu giá đất, đấu thầu dự án; đến ngày 30/9/2023 về cơ bản các địa phương thu đạt dự toán tiền sử dụng đất Tỉnh giao.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các địa phương chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về kết quả chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước trên địa bàn.
IV. Tổng hợp, báo cáo đánh giá kết quả thực hiện
Căn cứ nội dung Kế hoạch, phân công nhiệm vụ, các Sở, ngành, đơn vị, địa phương có trách nhiệm tổ chức thực hiện Kế hoạch, định kỳ hằng tháng, quý báo cáo kết quả về Ủy ban nhân dân tỉnh qua Sở Tài chính để tổng hợp chung (Cục Thuế tỉnh về số thu nội địa, Cục Hải quan tỉnh về số thu xuất, nhập khẩu, Sở Tài nguyên và Môi trường về số thu tiền sử dụng đất, Sở Kế hoạch và Đầu tư về kết quả giải ngân vốn đầu tư)./.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN |
1 Nghị quyết số 128/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.