BỘ GIÁO DỤC VÀ
ĐÀO TẠO |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 25/KH-BGDĐT |
Hà Nội, ngày 10 tháng 01 năm 2024 |
TRIỂN KHAI CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN, GIÁO DỤC AN TOÀN GIAO THÔNG TRONG TRƯỜNG HỌC NĂM 2024
Thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) trong tình hình mới (Chỉ thị số 23-CT/TW); Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 5/04/2022 của Chính phủ về “Tăng cường bảo đảm trật tự ATGT và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022-2025”; Nghị quyết số 149/NQ-CP ngày 21/9/2023 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW (Nghị quyết số 149/NQ-CP); Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 21/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới (Chỉ thị số 31/CT-TTg); Kế hoạch số 689/KH-UBATGTQG ngày 19/12/2023 của Ủy ban ATGT Quốc gia về bảo đảm ATGT năm 2024 với chủ đề “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn”; Kế hoạch số 209/KH- BGDĐT ngày 9/03/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GDĐT) thực hiện Chiến lược bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ trong ngành Giáo dục giai đoạn 2021-2030, Bộ GDĐT ban hành Kế hoạch triển khai công tác giáo dục ATGT trong trường học năm 2024, cụ thể như sau:
1. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp của ngành Giáo dục được giao tại Chỉ thị số 23-CT/TW; Nghị quyết số 48/NQ-CP của Chính phủ; Nghị quyết số 149/NQ-CP; Chỉ thị số 31/CT-TTg; Kế hoạch số 689/KH- UBATGTQG ngày 19/12/2023 của Ủy ban ATGT Quốc gia về bảo đảm năm ATGT 2024 với chủ đề “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn”.
2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa nhằm nâng cao kiến thức, ý thức trách nhiệm, kỹ năng tham gia giao thông an toàn và ứng xử văn hoá khi tham gia giao thông cho toàn thể cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, người lao động và học sinh, sinh viên, học viên tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - trung tâm giáo dục thường xuyên (HSSV), góp phần giảm thiểu vi phạm pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT, tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông trong phạm vi cả nước.
1. Bám sát nội dung Kế hoạch năm ATGT 2024 của Ủy ban ATGT Quốc gia với chủ đề “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn”.
2. Phối hợp với Ban ATGT, cơ quan công an địa phương triển khai hiệu quả Chương trình phối hợp số 415/CTPH-BCA-BGDĐT giữa Ủy ban ATGT Quốc gia với Bộ GDĐT về tăng cường công tác giáo dục ATGT cho HSSV giai đoạn 2019-2024; Chương trình phối hợp số 11/CTPH-BCA-BGDĐT giữa Bộ Công an với Bộ GDĐT về tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự, ATGT trong các cơ sở giáo dục giai đoạn 2022-2025; Chương trình phối hợp số 379/CTPH-UBATGTQG-BGDĐT-HVN ngày 15/9/2023 giữa Ủy ban ATGT Quốc gia với Bộ GDĐT và Công ty Honda Việt Nam về giáo dục an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên giai đoạn 2023-2026; Chương trình phối hợp số 379/CTPH-UBATGTQG-BGDĐT-HVN ngày 15/9/2023 về “Giáo dục an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên” giai đoạn 2023-2026; Thỏa thuận hợp tác ngày 5/9/2023 giữa Bộ GD ĐT với Quỹ Bảo hiểm xe cơ giới - Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam về tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật ATGT và bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
3. Triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp Kế hoạch số 209/KH- BGDĐT ngày 9/03/2021 của Bộ GDĐT thực hiện Chiến lược bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ trong ngành Giáo dục giai đoạn 2021-2030; Kế hoạch số 20/KH-BGDĐT ngày 6/01/2021 của Bộ GDĐT tổ chức phong trào thi đua bảo đảm trật tự ATGT trong Ngành giáo dục giai đoạn 2021-2025.
4. Kết hợp giáo dục tích hợp trong chương trình chính khóa và các hoạt động trải nghiệm, giáo dục gắn với các cuộc vận động, các phong trào thi đua lớn của Ngành và các hoạt động của nhà trường; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, Internet và mạng xã hội, sử dụng băng đĩa, phim ảnh, các ứng dụng… để nâng cao hiệu quả của công tác giáo dục ATGT trong trường học.
5. Tăng cường công tác phối hợp, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể trong nhà trường, đặc biệt là các tổ chức Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, Hội Sinh viên Việt Nam trong việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục ATGT cho HSSV.
1. Tuyên truyền, giáo dục cho HSSV pháp luật về ATGT đường bộ với các nội dung cụ thể như sau:
a) Các quy định về tín hiệu giao thông đường bộ, biển báo hiệu giao thông đường bộ (biển báo cấm, biển báo nguy hiểm, biển hiệu lệnh, biển chỉ dẫn) về màu sắc, hình dạng…; hiệu lệnh của tín hiệu đèn giao thông, hiệu lệnh và chỉ dẫn của báo hiệu đường bộ, hiệu lệnh của Cảnh sát giao thông.
b) Các kỹ năng ngồi trên xe đạp, xe đạp điện, xe gắn máy, xe mô tô, xe ô tô, xe buýt, an toàn và đi bộ an toàn; độ tuổi của người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy; quy định bắt buộc về đội mũ bảo hiểm; điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện an toàn; phòng tránh tai nạn khi tham gia giao thông.
c) Quy định của pháp luật về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ; quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm; cảnh báo các lỗi vi phạm thường mắc phải, nguy cơ xảy ra tai nạn, nguyên nhân, hậu quả của tai nạn giao thông.
d) Quy định của pháp luật về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
2. Tuyên truyền, giáo dục HSSV thực hiện nghiêm túc quy định về việc bảo đảm ATGT đường sắt, đặc biệt là các hành vi bị nghiêm cấm như sau:
a) Phá hoại công trình đường sắt, phương tiện giao thông đường sắt, tự ý di chuyển hoặc làm sai lệch các công trình, thiết bị báo hiệu, biển báo hiệu cố định trên đường sắt; treo, phơi, đặt vật làm che lấp hoặc làm sai lạc tín hiệu giao thông đường sắt; không vượt qua đường ngang khi đèn đỏ đã bật sáng, vượt rào ngăn giữa đường sắt với khu vực xung quanh, để vật chướng ngại, chất dễ cháy, chất dễ nổ trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt và hành lang an toàn giao thông đường sắt.
b) Đi, đứng, nằm, ngồi trên nóc toa xe, đầu máy, bậc lên xuống toa xe; đu bám, đứng, ngồi hai bên thành toa xe, đầu máy, nơi nối giữa các toa xe, đầu máy; mở cửa lên, xuống tàu, đưa đầu, tay, chân và các vật khác ra ngoài thành toa xe khi tàu đang chạy; đi, đứng, nằm, ngồi trên đường sắt, ném đất, đá hoặc các vật khác lên tàu.
3. Tuyên truyền, giáo dục HSSV thực hiện nghiêm túc quy định về việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa.
a) Tuyên truyền, giáo dục HSSV khi đi đò phải mặc áo phao hoặc sử dụng cặp phao, dụng cụ cứu sinh; chấp hành nghiêm túc các quy định về bảo đảm an toàn khi sử dụng phương tiện giao thông đường thủy.
b) Chỉ đạo, triển khai việc phòng tránh tai nạn đuối nước trong HSSV; tổ chức huấn luyện kỹ năng phòng tránh đuối nước cho HSSV khi đi tham quan, dã ngoại, hạn chế tổ chức hoạt động tham quan vào mùa mưa lũ, vùng nguy hiểm… để đảm bảo an toàn.
1. Các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, các đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động và chỉ đạo, đôn đốc các sở GDĐT; các đại học, học viện, các trường đại học, cao đẳng sư phạm triển khai thực hiện, nội dung cụ thể như sau:
a) Vụ Giáo dục Mầm non
- Tiếp tục phối hợp với Ủy ban ATGT Quốc gia, Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, Công ty Honda Việt Nam triển khai Chương trình “Tôi yêu Việt Nam” trong cấp học giáo dục mầm non.
- Phối hợp với Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên tổng hợp tình hình và báo cáo lãnh đạo Bộ GDĐT, Ủy ban ATGT Quốc gia định kỳ theo quy định.
b) Vụ Giáo dục Tiểu học
- Tiếp tục phối hợp với Ủy ban ATGT Quốc gia, Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, Công ty Honda Việt Nam tổ chức Chương trình “An toàn giao thông cho nụ cười trẻ thơ”.
- Phối hợp với Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên tổng hợp tình hình và báo cáo lãnh đạo Bộ GDĐT, Ủy ban ATGT Quốc gia định kỳ theo quy định.
c) Vụ Giáo dục Trung học
- Tiếp tục phối hợp với Ủy ban ATGT Quốc gia, Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, Công ty Honda Việt Nam tổ chức Chương trình “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai”.
- Phối hợp với Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên tổng hợp tình hình và báo cáo lãnh đạo Bộ GDĐT, Ủy ban ATGT Quốc gia định kỳ theo quy định.
d) Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên
- Làm đầu mối triển khai Kế hoạch công tác giáo dục, bảo đảm ATGT trong trường học năm 2024 của ngành Giáo dục.
- Rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định về công tác giáo dục an toàn giao thông trong các cơ sở giáo dục.
- Phối hợp với Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, các đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động tuyên truyền pháp luật về giao thông đường bộ và hướng dẫn kỹ năng điều khiển xe mô, xe gắn máy an toàn, quy định của pháp luật về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới cho HSSV; tổ chức Hội thi tìm hiểu Luật giao thông đường bộ, quy định của pháp luật về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới và kỹ năng lái xe mô tô an toàn cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng (03 khu vực).
- Tham mưu các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các nhà trường triển khai công tác giáo dục ATGT cho HSSV trong các dịp cao điểm Tết nguyên đán, nghỉ 30/4-01/5, nghỉ hè, Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024, đầu năm học mới 2024-2025, “Tháng cao điểm an toàn giao thông cho học sinh tới trường - tháng 9/2024”, .
- Chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường tổ chức các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, sử dụng hiệu quả các tài liệu giáo dục đáp ứng quy định của pháp luật; chú trọng giáo dục trang bị nhóm các kỹ năng tự bảo vệ bản thân, ngồi trên phương tiện tham gia giao thông an toàn, đảm bảo trật tự ATGT...
- Tổ chức kiểm tra, đánh giá một số cơ sở giáo dục về triển khai công tác giáo dục ATGT trong trường học tại các địa phương phức tạp về giao thông; phối hợp với các cơ quan chức năng, các tổ chức triển khai đồng bộ các hoạt động tuyên truyền, giáo dục ATGT trong nhà trường.
- Tổ chức Hội thảo tổng kết Chương trình phối hợp số 415/CTPH- UBATGTQG-BGDĐT giữa Ủy ban ATGT Quốc gia với Bộ GDĐT về tăng cường công tác giáo dục ATGT cho HSSV giai đoạn 2019-2024 và phối hợp xây dựng Chương trình phối hợp giai đoạn tiếp theo.
- Phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông - Bộ Công an nghiên cứu xây dựng bộ quy tắc văn hóa giao thông văn minh (văn hóa chấp hành pháp luật về ATGT; văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông, ứng xử khi chứng kiến tại nạn, và chạm giao thông; ứng xử khi tham gia xe buýt, xe khách và các loại hình phương tiện giao thông khác; ứng xử khi bị tai nạn giao thông, va chạm giao thông, ùn tắc giao thông...).
- Tiếp tục phối hợp với Ủy ban ATGT Quốc gia, Quỹ Phòng chống thương vong châu Á (AIP), Công ty Honda Việt Nam,… triển khai các hoạt động tuyên truyền, giáo dục ATGT trong nhà trường cho các cấp học theo Kế hoạch của Ủy ban ATGT Quốc gia và Kế hoạch đã được Bộ trưởng phê duyệt.
- Định kì tổng hợp tình hình và báo cáo lãnh đạo Bộ GDĐT, Ủy ban ATGT Quốc gia theo quy định; làm đầu mối và đại diện Bộ GDĐT ký các văn bản ghi nhớ với Quỹ Phòng chống thương vong châu Á (AIP), Công ty Honda Việt Nam... trong việc phối hợp thực hiện công tác giáo dục ATGT năm 2024 cho HSSV.
a) Chủ trì xây dựng kế hoạch và chỉ đạo các cơ sở giáo dục trực thuộc triển khai thực hiện hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự, ATGT trong năm 2024 tại địa phương.
b) Tham mưu cho Ủy ban nhân tỉnh cấp tỉnh có văn bản chỉ đạo, phân công trách nhiệm các cơ quan liên quan tại địa phương triển khai triển khai đồng bộ các giải pháp tuyên truyền, giáo dục ATGT cho HSSV.
c) Phối hợp chặt chẽ với Ban ATGT, cơ quan công an địa phương triển khai hiệu quả Chương trình phối hợp số 415/CTPH-UBATGTQG-BGDĐT giữa Ủy ban ATGT Quốc gia với Bộ GDĐT về tăng cường công tác giáo dục ATGT cho HSSV giai đoạn 2019-2024; Chương trình phối hợp số 11/CTPH-BCA-BGDĐT giữa Bộ Công an với Bộ GDĐT về tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự, ATGT trong các cơ sở giáo dục giai đoạn 2022-2025; Chương trình phối hợp số 379/CTPH-UBATGTQG-BGDĐT-HVN ngày 15/9/2023 về “Giáo dục an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên” giai đoạn 2023-2026.
d) Xây dựng kế hoạch triển khai và nhân rộng mô hình phối hợp Nhà trường - Gia đình - Xã hội trong giáo dục pháp luật và xây dựng văn hoá giao thông cho học sinh.
đ) Chỉ đạo các nhà trường tăng cường công tác tuyên truyền về việc thực hiện Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt cho cán bộ, nhà giáo và HSSV.
e) Chỉ đạo Chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên hằng năm phải hoàn thành các chỉ tiêu: 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh trong các trường học được tham gia các hoạt động giáo dục pháp luật về ATGT; 100% các trường học xây dựng nội dung giáo dục ATGT lồng ghép vào các môn học trong chương trình chính khóa; 100% đội ngũ Tổng phụ trách Đội, Bí thư Đoàn Thanh niên được bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục pháp luật về ATGT cho học sinh; 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh được tham gia các hoạt động gắn công tác vận động quần chúng nhân dân tham gia bảo đảm TTATGT với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong các đơn vị, trường học và tại nơi cư trú; 100% các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường phải ký cam kết thi đua; 100% các đơn vị, trường học tổ chức cho học sinh, cha mẹ học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về ATGT; học sinh đi xe đạp, xe đạp điện, xe máy điện, xe gắn máy đến trường phải đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn để giảm thiểu chấn thương nếu bị tai nạn giao thông; học sinh đi xe đến trường phải đăng ký phương tiện, chủng loại với nhà trường để nhà trường phối hợp Công an địa phương kiểm tra, quản lý.
g) Chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn tổ chức hướng dẫn học sinh tham gia Chương trình “An toàn giao thông cho nụ cười trẻ thơ”, Chương trình “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai” năm 2024, Chương trình “Tôi yêu Việt Nam” và các Chương trình khác về tuyên truyền, giáo dục ATGT cho học sinh theo chỉ đạo của Bộ GDĐT.
h) Chỉ đạo các trường phổ thông nghiêm túc thực hiện việc tổ chức cho phụ huynh học sinh ký cam kết về việc không giao xe máy cho học sinh khi chưa có giấy phép lái xe, đội mũ bảo hiểm cho học sinh khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện tham gia giao thông và không sử dụng điện thoại di động khi điều khiển phương tiện tham giao thông; không tổ chức trông giữ xe mô tô, xe gắn máy của học sinh khi học sinh chưa có giấy phép lái xe.
i) Tiếp nhận thông tin học sinh vi phạm qui định ATGT do cơ quan công an gửi và thông báo tới các trường học để xem xét giáo dục, nhắc nhở theo qui định và phối hợp phụ huynh học sinh nhắc nhở, giáo dục học sinh; giao cho giáo viên chủ nhiệm có hình thức kiểm tra, giám sát, nhắc nhở hằng ngày đối với học sinh vi phạm.
k) Chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn nghiêm cấm việc điều khiển, dừng đỗ trái phép các phương tiện giao thông trong khuôn viên trường học trong giờ học, giờ sinh hoạt và vui chơi của học sinh và cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường; bảo đảm tuyệt đối an toàn đối với học sinh và mọi cá nhân trong khuôn viên nhà trường.
n) Chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên trên địa bàn có hợp đồng xe ô tô đưa, đón học sinh đi học phải lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ có uy tín, xe đảm bảo chất lượng, yêu cầu kỹ thuật để vận hành an toàn, lái xe phải có ý thức tốt, giao tiếp, ứng xử với học sinh có văn hóa và nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
m) Tăng cường tổ chức các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, sử dụng hiệu quả các tài liệu giáo dục đáp ứng qui định của pháp luật; chú trọng giáo dục trang bị nhóm các kỹ năng tự bảo vệ bản thân, đảm bảo ATGT...
o) Đưa nội dung chấp hành pháp luật về qui định pháp luật về ATGT vào nội quy nhà trường; đưa nội dung bảo đảm trật tự ATGT đối với học sinh là một trong những tiêu chí đánh giá thi đua hằng năm đối với các cơ quan quản lý, các cơ sở giáo dục, cán bộ, giáo viên, nhân viên và đánh giá xếp loại hạnh kiểm đối với học sinh trong từng học kỳ, năm học trên địa bàn.
p) Biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác bảo đảm trật tự ATGT; xử lý nghiêm những tập thể và cá nhân vi phạm.
q) Báo cáo tình hình và kết quả triển khai thực hiện các nội dung trên về Bộ GDĐT (qua Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên) trước ngày 20/6 và 15/11/2024.
3. Các đại học, học viện; các trường đại học, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm
a) Phối hợp chặt chẽ với Ban ATGT, cơ quan công an địa phương triển khai hiệu quả Chương trình phối hợp số 415/CTPH-UBATGTQG-BGDĐT giữa Ủy ban ATGT Quốc gia với Bộ GDĐT về tăng cường công tác giáo dục ATGT cho HSSV giai đoạn 2019-2024; Chương trình phối hợp số 11/CTPH-BCA- BGDĐT giữa Bộ Công an với Bộ GDĐT về tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự, ATGT trong các cơ sở giáo dục giai đoạn 2022-2025; Chương trình phối hợp số 379/CTPH-UBATGTQG-BGDĐT-HVN ngày 15/9/2023 về “Giáo dục an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên” giai đoạn 2023-2026.
b) Quán triệt cán bộ quản lý, nhà giáo và sinh viên thực hiện nghiêm túc quy định đã uống rượu, bia không điều khiển phương tiện tham gia giao thông; quy định về đội mũ bảo hiểm; không điều khiển xe mô tô khi chưa có giấy phép lái xe; không sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông; mặc áo phao khi đi các phương tiện giao thông đường thủy.
c) Đẩy mạnh tuyên truyền nội dung về giáo dục ATGT trong “Tuần sinh hoạt công dân-HSSV đầu năm học, đầu khóa học và cuối khóa học cho HSSV; xây dựng các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về ATGT trong các hoạt động của tổ chức Đoàn thanh niên, Hội sinh viên... và các hệ thống thông tin hiện có của nhà trường.
d) Chú trọng truyền thông nội dung về Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đến cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên,
người lao động, HSSV.
đ) Tăng cường các biện pháp tuyên truyền, giáo dục ATGT cho sinh viên thông qua các diễn đàn, tọa đàm chuyên đề về các hành vi bị cấm khi tham gia giao thông, quy định của pháp luật về nồng độ cồn, nguyên nhân các vụ tai nạn giao thông và các kĩ năng tham gia giao thông an toàn; tổ chức các hoạt động như: Cuộc thi tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ, sân khấu hóa, viết bài, tuyên truyền qua phát thanh nội bộ về ATGT…
e) Chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với Đoàn thanh niên, Hội sinh viên nhà trường thành lập các nhóm, đội thanh niên tình nguyện, thanh niên xung kích đảm bảo trật tự ATGT; tổ chức cho sinh viên tham gia các hoạt động bảo đảm trật tự ATGT khu vực cổng trường và hoạt động tình nguyện của địa phương trong các đợt cao điểm về giao thông trong các dịp nghỉ Tết, nghỉ hè, kỳ thi trung học phổ thông Quốc gia 2024, đầu năm học mới 2024-2025...
g) Nghiên cứu phối hợp với cơ quan Công an, Đoàn Thanh niên tại địa bàn bố trí sinh viên tham gia hoạt động phân luồng và đảm bảo trật tự ATGT phù hợp với kế hoạch học tập, sức khỏe, nguyện vọng rèn luyện của sinh viên.
h) Nghiên cứu đưa giáo dục an toàn giao thông vào chương trình chính khóa cho học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng sư phạm, đặc biệt là đối với sinh viên các trường sư phạm học chuyên ngành liên quan đến giảng dạy về an toàn giao thông dưới hình thức tích hợp vào các môn học, hoạt động giáo dục; nghiên cứu xây dựng chương trình đào tạo các ngành, chuyên ngành, bộ môn khoa học thuộc lĩnh vực bảo đảm an toàn giao thông.
Các Sở GDĐT, các Đại học, Học viện; các trường Đại học, Cao đẳng sư phạm có trách nhiệm xây dựng, ban hành kế hoạch, tổ chức thực hiện các nội dung tại Kế hoạch này và báo cáo kết quả thực hiện về Bộ GDĐT (qua Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên) trước ngày 30/6 và 15/12/2024.
|
KT. BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.