ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 246/KH-UBND |
Hải Phòng, ngày 14 tháng 11 năm 2018 |
Thực hiện Quyết định số 6193/QĐ-BYT ngày 15/10/2018 của Bộ Y tế về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin Sởi - Rubella cho trẻ 1-5 tuổi vùng nguy cơ cao năm 2018 - 2019; Ủy ban nhân dân thành phố xây dựng Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin Sởi - Rubella cho trẻ 1-5 tuổi tại thành phố Hải Phòng năm 2018 - 2019 (sau đây gọi tắt là chiến dịch), như sau:
I. SỰ CẦN THIẾT VÀ CĂN CỨ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH
1. Sự cần thiết:
Sởi và Rubella là những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút Sởi và vi rút Rubella gây ra. Bệnh có thể gây các biến chứng nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng của trẻ. Trẻ mắc hội chứng Rubella bẩm sinh (CRS) mắc đồng thời nhiều dị tật bẩm sinh như dị tật tim, đục thủy tinh thể, điếc bẩm sinh, chậm phát triển, đái tháo đường ở trẻ nhỏ, vàng da, xuất huyết... làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ.
Vắc xin Sởi và Rubella an toàn và có hiệu quả cao trong phòng bệnh. Tỷ lệ tiêm mũi 1 vắc xin Sởi trên toàn quốc hàng năm đạt trên 95% và tỷ lệ tiêm vắc xin MR cho trẻ 18 tháng tuổi đạt trên 90%.
Từ năm 2017 số mắc Sởi tại Việt Nam có xu hướng gia tăng so với năm 2015, 2016; ghi nhận 436 trường hợp sốt phát ban nghi Sởi (SPB) tại 45 tỉnh, thành phố; trong đó có 145 trường hợp Sởi dương tính. Năm 2018, tính đến ngày 17/9/2018 toàn quốc có 49 tỉnh, thành phố ghi nhận 2.301 trường hợp SPB; 37 tỉnh, thành phố ghi nhận 954 trường hợp mắc Sởi dương tính, 01 trường hợp tử vong tại Hưng Yên (bệnh nhân có bệnh lý nền viêm phổi kéo dài). Các tỉnh có số SPB và Sởi dương tính cao là Hà Nội, Lào Cai, Thanh Hóa, Sơn La, Quảng Ninh, Điện Biên ... Số SPB nghi Sởi phân bố chủ yếu tại miền Bắc (2.094 trường hợp, 91%), miền Nam (197 trường hợp, 8,56%), miền Trung (6 trường hợp, 0,26%), Tây Nguyên (4 trường hợp, 0,17%). So với cùng kỳ năm 2017 (SPB: 251; dương tính: 41), số SPB nghi Sởi tăng 8,2 lần, số trường hợp dương tính tăng 22,3 lần. Số SPB nghi Sởi ở nhóm 1-5 tuổi cao nhất, chiếm 36%.
Trong số các trường hợp SPB nghi Sởi này, chỉ có 370 trường hợp đã tiêm chủng (chiếm 16,1%), trong đó dương tính 110 trường hợp, còn lại phần lớn là các trường hợp không được tiêm chủng (1.004 trường hợp, chiếm 43,6%, trong đó dương tính 501 trường hợp) và không rõ tiền sử tiêm chủng (927 trường hợp, chiếm 40,3%, trong đó dương tính 343 trường hợp).
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), việc duy trì tỷ lệ tiêm 2 mũi vắc xin Sởi ở trẻ dưới 2 tuổi đạt 95% là yếu tố cơ bản để loại trừ bệnh Sởi. Ngoài ra cần triển khai các đợt tiêm vét, tiêm chiến dịch theo tình hình dịch tễ.
Mặc dù tỷ lệ tiêm vắc xin Sởi và vắc xin MR trên toàn quốc các năm gần đây đạt cao, tuy nhiên tỷ lệ tiêm vắc xin MR trên phạm vi toàn quốc chưa đạt 95% và vẫn còn các huyện, thị vùng nguy cơ cao chỉ đạt tỷ lệ tiêm vắc xin Sởi, MR dưới 90%. Số trẻ em chưa được tiêm chủng hoặc một số trẻ đã tiêm chủng nhưng không có miễn dịch phòng bệnh tích lũy qua các năm. Khi số lượng này đủ lớn, trong điều kiện vi rút Sởi lưu hành có thể gây dịch.
Năm 2018, Việt Nam đã tiến hành bổ sung tiêm vắc xin Sởi - Rubella cho 33 huyện thuộc 06 tỉnh nguy cơ, bao gồm Lào Cai, Yên Bái, Thanh Hóa, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La từ tháng 6/2018. Đến nay, hầu hết các huyện đã hoàn thành chiến dịch với tỷ lệ tiêm chủng đạt trên 95%. Ngoài ra 13 tỉnh, thành phố vùng nguy cơ cao (theo Quyết định số 5433/QĐ-BYT ngày 10/9/2018 của Bộ Y tế) đang xây dựng kế hoạch triển khai tiêm vắc xin Sởi - Rubella cho trẻ từ 1-5 tuổi. Một số tỉnh, thành phố có số mắc Sởi cao năm 2018 cũng đã có kế hoạch triển khai tiêm vắc xin Sởi - Rubella trên địa bàn bằng nguồn kinh phí của địa phương như Hà Nội, Lào Cai.
Nhằm tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh Sởi cho nhóm trẻ em sinh ra sau chiến dịch thì việc mở rộng phạm vi triển khai tiêm vắc xin Sởi - Rubella tại các vùng nguy cơ cao là rất cần thiết. Hoạt động này sẽ góp phần quan trọng không để dịch Sởi, Rubella quay trở lại và góp phần giúp Việt Nam đạt mục tiêu loại trừ bệnh Sởi và Rubella cùng với các nước khu vực Tây Thái Bình Dương trong tương lai. Đây cũng là nhiệm vụ mà Chính phủ giao cho Dự án Tiêm chủng mở rộng trong giai đoạn 2016 - 2020.
2. Căn cứ pháp lý:
- Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm ngày 21/11/2007;
- Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng;
- Quyết định số 1125/QĐ-TTg ngày 31/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Y tế dân số giai đoạn 2016-2020.
- Thông tư số 12/2014/TT-BYT ngày 20/3/2014 của Bộ Y tế hướng dẫn về việc quản lý, sử dụng vắc xin trong tiêm chủng;
- Quyết định số 4845/QĐ-BYT ngày 25/12/2012 của Bộ Y tế ban hành hướng dẫn giám sát và phòng, chống bệnh Sởi, Rubella;
- Quyết định số 6193/QĐ-BYT ngày 15/10/2018 của Bộ Y tế về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin Sởi - Rubella cho trẻ 1-5 tuổi vùng nguy cơ cao năm 2018-2019.
3. Một số thông tin chung:
- Dân số thành phố Hải Phòng khoảng 2 triệu người. Thành phố có 15 quận, huyện (gồm 7 quận nội thành, 6 huyện ngoại thành và 2 huyện đảo) với 224 xã, phường, thị trấn.
- Số trẻ em dưới 1 tuổi năm 2017 là 34.353 trẻ. Dự kiến số đối tượng từ 1-5 tuổi là 150.312 trẻ.
- Số điểm tiêm chủng tại xã, phường, thị trấn là 225 điểm. Ngày tổ chức tiêm chủng thường xuyên là ngày 24 - 27 hàng tháng.
1. Mục tiêu chung:
Trẻ từ 1-5 tuổi vùng nguy cơ cao được tiêm 1 mũi vắc xin Sởi - Rubella góp phần tăng tỷ lệ miễn dịch phòng bệnh Sởi, Rubella trong cộng đồng.
2. Mục tiêu cụ thể:
- Đạt tỷ lệ 95% trẻ từ 1-5 tuổi được tiêm bổ sung 01 mũi vắc xin MR.
- Đảm bảo an toàn và chất lượng tiêm chủng theo Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ và Thông tư số 12/2014/TT-BYT ngày 20/3/2014 của Bộ Y tế quy định về hoạt động tiêm chủng và các quy định của Bộ Y tế về tiêm chủng.
III. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI, THỜI GIAN VÀ HÌNH THỨC TRIỂN KHAI CHIẾN DỊCH
1. Đối tượng:
Tất cả trẻ từ 1-5 tuổi tại vùng nguy cơ cao (trẻ sinh từ ngày 01/3/2014 đến ngày 01/01/2018) sẽ được tiêm 01 mũi vắc xin MR không kể tiền sử được tiêm chủng vắc xin phòng bệnh Sởi hoặc vắc xin phòng bệnh Rubella trước đó. Ngoại trừ trẻ đã tiêm vắc xin phòng bệnh Sởi hoặc vắc xin phòng bệnh Rubella trong thời gian dưới 1 tháng trước khi triển khai tiêm bổ sung. Dự kiến số lượng khoảng 150.312 trẻ.
2. Phạm vi và hình thức tổ chức: Triển khai chiến dịch đồng loạt tại 100% quận, huyện, xã, phường, thị trấn.
3. Thời gian triển khai: Tháng 1 - 2/2019.
1. Thành lập Ban Chỉ đạo chiến dịch các tuyến:
- Thành lập Ban Chỉ đạo chiến dịch các cấp từ thành phố đến quận, huyện, xã, phường, thị trấn do lãnh đạo Ủy ban nhân dân các cấp làm trưởng ban, lãnh đạo ngành Y tế làm Phó Trưởng ban thường trực; thành viên Ban Chỉ đạo gồm lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể và các đơn vị y tế, giáo dục có liên quan.
- Nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo: Xây dựng kế hoạch và chỉ đạo triển khai chiến dịch trên địa bàn phụ trách; thực hiện công tác kiểm tra, giám sát chiến dịch; tổ chức họp thường kỳ đánh giá công tác chuẩn bị và tổ chức thực hiện các hoạt động của chiến dịch.
2. Tổ chức Hội nghị triển khai:
Tổ chức Hội nghị triển khai cấp thành phố và các hội nghị cấp quận, huyện:
- Thời gian: Đầu tháng 12/2018.
- Nội dung: Quán triệt tầm quan trọng, mục đích, ý nghĩa của chiến dịch; triển khai kế hoạch, xác định nhiệm vụ của các ngành, đoàn thể, địa phương, đơn vị có liên quan và thống nhất các biện pháp phối hợp liên ngành thực hiện chiến dịch.
- Thành phần tham gia: Lãnh đạo Ủy ban nhân dân các cấp, các ngành, đoàn thể, đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo chiến dịch và các đơn vị y tế, giáo dục có liên quan.
3. Tổ chức tập huấn chuyên môn:
Tổ chức 1 lớp tập huấn cấp thành phố cho giảng viên tuyến quận, huyện. Tuyến quận, huyện tổ chức tập huấn cho tuyến xã, phường, thị trấn (yêu cầu hoàn thành việc tập huấn cho tuyến xã, phường, thị trấn tối thiểu 1 tháng trước khi chiến dịch được bắt đầu).
- Thời gian: Đầu tháng 12/2018.
- Nội dung: Phổ biến, quán triệt mục tiêu, yêu cầu, đối tượng của chiến dịch. Hướng dẫn xây dựng kế hoạch triển khai chiến dịch, bao gồm: Xác định đối tượng, nhu cầu vắc xin, vật tư; bố trí các điểm tiêm chủng và tổ chức tiêm chủng tại Trạm Y tế; kế hoạch tổ chức tiêm vét; kế hoạch hoạt động truyền thông, huy động cộng đồng trước và trong chiến dịch; hướng dẫn rà soát, điều tra và lập danh sách đối tượng, đặc biệt là các trẻ chưa tiêm chủng vắc xin Sởi thường xuyên và trẻ vùng sâu, vùng xa, vùng di dân không có đăng ký thường trú...; tập huấn thực hành đảm bảo an toàn tiêm chủng, bảo quản, sử dụng vắc xin Sởi - Rubella, sử dụng bơm kim tiêm tự khóa, hộp an toàn, quản lý và hủy bơm kim tiêm,...; công tác phòng và xử trí cấp cứu sốc phản vệ; sử dụng các biểu mẫu ghi chép, báo cáo và đánh giá kết quả chiến dịch; các yêu cầu và kế hoạch kiểm tra, giám sát trước, trong và sau chiến dịch.
- Thành phần tham gia: Lãnh đạo các đơn vị y tế, cán bộ y tế các tuyến trực tiếp làm nhiệm vụ tiêm chủng mở rộng từ thành phố đến cơ sở.
4. Tuyên truyền:
- Nội dung tuyên truyền: Sự nguy hiểm của bệnh Sởi và Rubella đối với sức khỏe của trẻ em và cộng đồng. Mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng, đối tượng, mục tiêu của chiến dịch tiêm vắc xin Sởi - Rubella. Các thông tin về vắc xin và lợi ích của tiêm vắc xin Sởi - Rubella, các thông điệp của chiến dịch. Địa điểm và thời gian tổ chức chiến dịch tại địa phương.
- Đối tượng đích: Lãnh đạo các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, các thành viên liên quan trong tổ chức thực hiện chiến dịch và mọi người dân; chú trọng các đối tượng hộ gia đình có trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng.
- Hình thức: Tuyên truyền trên đài phát thanh, truyền hình thành phố và hệ thống thông tin cơ sở; đăng tải các thông điệp truyền thông trên các báo, tạp chí. Treo băng rôn, áp phích tại trung tâm các quận, huyện, xã, phường, thị trấn và tại các điểm tiêm chủng. Truyền thông trực tiếp tại các hội nghị triển khai chiến dịch và lồng ghép vào các hoạt động tại cộng đồng, trường học. Cấp phát các tài liệu truyền thông về chiến dịch (tài liệu hỏi đáp, áp phích, tờ rơi, đĩa tiếng, đĩa hình,...).
5. Điều tra đối tượng:
- Đối tượng tiêm bổ sung vắc xin MR là tất cả trẻ từ 1-5 tuổi đang có mặt tại địa phương.
- Điều tra đối tượng là một bước bắt buộc trong chuẩn bị tiêm bổ sung vắc xin Sởi - Rubella để hạn chế tối đa đối tượng bị bỏ sót.
- Thời gian điều tra: Trong tháng 12/2018.
+ Điều tra tại cộng đồng: Nhóm trẻ từ 1-5 tuổi theo tổ dân phố, thôn với sự hỗ trợ của Y tế thôn, cộng tác viên dân số, tổ trưởng dân phố, trưởng thôn trên địa bàn. Danh sách bao gồm cả đối tượng vãng lai, lưu ý những trẻ chưa được quản lý tại vùng sâu, vùng xa, vùng giáp ranh và nơi có biến động dân cư.
+ Thời gian hoàn thành: Trước khi thực hiện chiến dịch 1 tháng.
+ Sử dụng biểu mẫu “Thống kê danh sách trẻ cần tiêm vắc xin Sởi - Rubella trong chiến dịch để thực hiện”.
Lưu ý: KHÔNG tiêm vắc xin MR cho những đối tượng đã được tiêm vắc xin Sởi hoặc MR hoặc vắc xin có chứa thành phần Sởi và/hoặc Rubella trong vòng 1 tháng trước ngày tiêm.
6. Dự trù, tiếp nhận, cấp phát, bảo quản vắc xin, vật tư tiêm chủng:
6.1. Dự trù vắc xin Sởi - Rubella (MR):
- Vắc xin MR sử dụng trong chiến dịch là vắc xin do Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vắc xin, sinh phẩm y tế sản xuất, lọ 10 liều, dạng đông khô kèm dung môi.
- Dựa trên cơ sở kết quả điều tra đối tượng của các địa phương, đơn vị, Trung tâm Y tế dự phòng Hải Phòng lập kế hoạch dự trù vắc xin và vật tư tiêm chủng cần thiết:
+ Số vắc xin MR (liều) = Số đối tượng x Tỷ lệ tiêm chủng dự kiến (95%) x Hệ số sử dụng (1,3);
+ Số bơm kim tiêm 0,5ml (cái) = Số đối tượng x Tỷ lệ tiêm chủng dự kiến (95%) x Hệ số sử dụng (1,1);
+ Số bơm kim tiêm 5ml (cái) = (Số vắc xin/10) x Hệ số sử dụng (1,1);
+ Số hộp an toàn (cái) = (Tổng số bơm kim tiêm/100) x Hệ số sử dụng (1,1).
Ước tính số liều vắc xin cần cho chiến dịch là: 186.300 liều, số bơm kim tiêm 0,5ml cần cho chiến dịch là: 157.780 cái, số bơm kim tiêm 5ml cần cho chiến dịch là: 20.570 cái, số hộp an toàn cần cho chiến dịch là: 2.025 cái.
6.2. Tiếp nhận, bảo quản, vận chuyển, cấp phát vắc xin MR:
Thời hạn hoàn thành phân phối, vận chuyển vắc xin, vật tư tiêm chủng đến các tuyến:
- Vắc xin:
+ Chuyển tới tuyến huyện 1 tuần trước ngày triển khai chiến dịch;
+ Tuyến xã lên nhận vắc xin hàng ngày trong thời gian chiến dịch.
- Vật tư tiêm chủng:
+ Chuyển tới tuyến huyện 2 tuần trước ngày triển khai chiến dịch;
+ Chuyển tới tuyến xã 1 tuần trước ngày triển khai chiến dịch.
7. Tổ chức tiêm chủng:
- Số buổi tiêm chủng, số bàn tiêm chủng căn cứ vào số đối tượng trên địa bàn, không quá 100 đối tượng/bàn tiêm/buổi tiêm.
- Tổ chức buổi tiêm chủng theo đúng quy định tại Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ và Thông tư số 12/2014/TT-BYT ngày 20/3/2014 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn quản lý, sử dụng vắc xin trong tiêm chủng. Đối với vùng các xã đảo cần phối hợp với lực lượng Quân y, Bộ đội Biên phòng.
- Sở Y tế bố trí các đội cấp cứu lưu động, sẵn sàng hỗ trợ xử trí kịp thời các trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng; phân công cán bộ y tế giám sát và hỗ trợ trong buổi tiêm chủng.
8. Tổ chức tiêm vét:
- Những trẻ thuộc diện đối tượng đã được đăng ký hoặc chưa được đăng ký có mặt tại địa bàn ở thời điểm triển khai cần được tiêm vét. Tiêm vét là hoạt động bắt buộc phải được dự kiến trong kế hoạch. Để hạn chế số trẻ bị bỏ sót cần thực hiện các nội dung sau:
+ Trong buổi tiêm: Phối hợp với các cộng tác viên cơ sở để thông báo và vận động cha mẹ đưa trẻ đến tiêm chủng. Bổ sung thêm vào danh sách các trẻ vãng lai và thống kê riêng theo mẫu ghi chép và báo cáo.
+ Vào cuối mỗi buổi tiêm: Đánh dấu và xác định các trẻ chưa tiêm trong danh sách đã đăng ký ban đầu cũng như trẻ vãng lai mới phát hiện. Kịp thời thông báo trên loa truyền thanh hoặc tìm cách thông báo cho gia đình những trẻ chưa được tiêm để đưa trẻ đến tiêm.
+ Cuối đợt: Tổng hợp số lượng trẻ chưa tiêm cần được tiêm vét để bố trí đội tiêm, xác định thời gian và hậu cần vật tư cho tiêm vét. Phân công cán bộ liên hệ với các hộ gia đình thông báo lại địa điểm và thời gian tiêm vét và huy động trẻ đối tượng ra tiêm.
- Đối với các trường hợp tạm hoãn: Cần có kế hoạch tiêm vét vào ngày tiêm chủng thường xuyên trong tháng.
Lưu ý: Sau chiến dịch, những trẻ đã tiêm 02 mũi vắc xin Sởi trong đó có 01 mũi vắc xin phối hợp MR thì khi đủ 18 tháng tuổi không tiêm vắc xin MR trong tiêm chủng thường xuyên.
9. Kiểm tra, giám sát:
9.1. Nội dung kiểm tra, giám sát:
- Trước chiến dịch: Kiểm tra, giám sát việc xây dựng kế hoạch, điều tra đối tượng, bố trí điểm tiêm chủng, bố trí nhân lực, tiếp nhận, bảo quản, vận chuyển vắc xin. Giám sát trước chiến dịch phải kết thúc trước thời điểm triển khai 2 - 3 ngày.
- Trong chiến dịch: Kiểm tra, giám sát sử dụng, bảo quản vắc xin, đôn đốc đối tượng đến tiêm chủng, kỹ thuật tiêm chủng, phòng chống sốc. Rà soát đối tượng sau tiêm chủng nhằm hạn chế đối tượng bị bỏ sót. Phát hiện và giải quyết kịp thời các vấn đề nảy sinh nhằm đạt mục tiêu và chất lượng của chiến dịch. Tăng cường giám sát an toàn tiêm chủng và phản ứng sau tiêm chủng.
- Ngay sau chiến dịch: Kiểm tra kết quả thực hiện chiến dịch và đánh giá việc hoàn thành chỉ tiêu chiến dịch. Các nội dung kiểm tra gồm: Số đối tượng cần tiêm, số đối tượng đã được tiêm; lượng vắc xin đã sử dụng, lượng vắc xin bị hủy. Việc kiểm tra, đánh giá có thể được thực hiện trong vòng 1 tháng sau khi kết thúc chiến dịch. Những nơi nào phát hiện thấy số đối tượng bị bỏ sót nhiều (trên 10% tổng số đối tượng được tiêm) cần phải triển khai ngay các biện pháp rà soát lại đối tượng và tổ chức tiêm vét cho những đối tượng bị bỏ sót.
9.2. Phương thức giám sát:
- Sử dụng bảng kiểm giám sát theo quy định.
- Thành phố và các quận, huyện thành lập các đội giám sát. Việc giám sát được thực hiện ở tất cả các tuyến theo nguyên tắc tuyến cao hơn giám sát tuyến thấp hơn; có thể thực hiện giám sát chéo giữa các quận, huyện và giám sát nhiều lần nếu cần thiết.
10. Báo cáo tiến độ và kết quả chiến dịch:
- Sử dụng các biểu mẫu báo cáo theo quy định.
- Thực hiện báo cáo kết quả tiêm vắc xin hàng tuần trong thời gian tổ chức kế hoạch và báo cáo tổng hợp trong vòng 7 ngày sau khi kết thúc. Trung tâm Y tế dự phòng Hải Phòng tổng hợp và gửi báo cáo kết quả tiêm vắc xin MR trên địa bàn toàn thành phố cho Văn phòng Tiêm chủng mở rộng khu vực, Tiêm chủng mở rộng quốc gia và Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế.
Lưu ý: Không đưa vào báo cáo chiến dịch đối với những trường hợp thuộc diện tiêm chủng thường xuyên vào thời gian triển khai chiến dịch để tránh trùng lặp đối tượng, kết quả tiêm chủng.
1. Kinh phí Trung ương:
Kinh phí mua vắc xin và vật tư tiêm chủng cho 13 quận, huyện (trừ quận Hồng Bàng và huyện Tiên Lãng):
Nội dung |
Số lượng |
Giá (đồng) |
Thành tiền (đồng) |
Vắc xin MR (liều) |
160.200 |
15.325 |
2.455.065.000 |
Dung môi MR (liều) |
160.200 |
||
Bơm kim tiêm tự khóa 0,5 ml (cái) |
135.700 |
1.940 |
263.258.000 |
Bơm kim tiêm dùng 1 lần 5ml (cái) |
17.690 |
850 |
15.036.500 |
Hộp an toàn 5 lít (cái) |
1.750 |
12.370 |
21.648.900 |
Cộng: |
2.755.008.400 |
2. Kinh phí địa phương: Dự kiến 1.662.017.925 đồng (Một tỷ, sáu trăm sáu mươi hai triệu, không trăm mười bảy nghìn, chín trăm hai mươi lăm đồng); bao gồm các mục sau:
- Mua vắc xin, vật tư tiêm chủng cho 2 quận, huyện Hồng Bàng và Tiên Lãng (do không được Trung ương hỗ trợ);
- Tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch, tập huấn;
- Hỗ trợ công tiêm;
- Điều tra, lập danh sách đối tượng, in sao biểu mẫu;
- Tuyên truyền;
- Tiếp nhận, bảo quản, vận chuyển vắc xin, vật tư tiêm chủng từ thành phố đến tuyến huyện; từ tuyến huyện đến tuyến xã;
- Giám sát trước, trong và sau chiến dịch;
- Xử lý rác thải;
- Khen thưởng, tổng kết, chi khác.
1. Sở Y tế chủ trì:
- Là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo chiến dịch thành phố, chịu trách nhiệm chính tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này. Chỉ đạo hệ thống y tế các tuyến và các đơn vị y tế có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao xây dựng kế hoạch chi tiết để thực hiện chiến dịch.
- Tổ chức hội nghị triển khai chiến dịch cấp thành phố. Chỉ đạo các đơn vị y tế tuyến quận, huyện tham mưu cho Ủy ban nhân dân các quận, huyện tổ chức hội nghị triển khai tại các địa phương.
- Tổ chức tập huấn chuyên môn cho tuyến quận, huyện. Chỉ đạo tuyến quận, huyện tổ chức tập huấn chuyên môn cho tuyến xã, phường, thị trấn.
- Phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan đài, báo thành phố và các địa phương tổ chức tuyên truyền trước và trong chiến dịch.
- Phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo tuyên truyền ý nghĩa, lợi ích của hoạt động tiêm bổ sung vắc xin Sởi - Rubella cho đội ngũ cán bộ, giáo viên khối mầm non, vận động phụ huynh đưa trẻ 1-5 tuổi đi tiêm vắc xin.
- Chỉ đạo các đơn vị y tế lập kế hoạch triển khai, dự trù, tiếp nhận, cấp phát, bảo quản vắc xin, vật tư tiêm chủng theo đúng quy định.
- Chỉ đạo các đơn vị y tế tổ chức điểm tiêm chủng và thực hiện buổi tiêm chủng theo đúng quy định tại Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ và Thông tư số 12/2014/TT-BYT ngày 20/3/2014 của Bộ Y tế. Bố trí các đội cấp cứu lưu động tại các điểm tiêm chủng; phân công cán bộ giám sát và hỗ trợ trong buổi tiêm chủng.
- Tổ chức các hoạt động kiểm tra, giám sát trước, trong và sau chiến dịch theo quy định.
- Lập dự trù kinh phí địa phương đối ứng thực hiện chiến dịch, gửi Sở Tài chính thẩm định và báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố.
- Chỉ đạo, đôn đốc việc báo cáo tiến độ, kết quả thực hiện của các địa phương, đơn vị. Tổng hợp, báo cáo về Ủy ban nhân dân thành phố và Bộ Y tế theo quy định.
2. Sở Giáo dục và Đào tạo:
Chỉ đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo quận, huyện và các trường học thực hiện công tác tuyên truyền về ý nghĩa, lợi ích của hoạt động tiêm bổ sung vắc xin Sởi - Rubella.
3. Sở Thông tin và Truyền thông:
Hướng dẫn các cơ quan báo, đài thành phố và hệ thống thông tin cơ sở phối hợp với ngành Y tế thực hiện công tác tuyên truyền về chiến dịch.
4. Sở Tài chính:
- Xem xét nhu cầu kinh phí đối ứng của địa phương phục vụ các hoạt động chiến dịch, đề xuất, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố.
- Hướng dẫn, giám sát công tác quản lý, sử dụng kinh phí phục vụ chiến dịch theo quy định.
5. Ủy ban nhân dân các quận, huyện, xã, phường, thị trấn:
- Thành lập Ban Chỉ đạo chiến dịch theo mô hình Ban Chỉ đạo thành phố hoặc lồng ghép nhiệm vụ chỉ đạo chiến dịch vào Ban Chỉ đạo chăm sóc sức khỏe ban đầu của địa phương.
- Xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện chiến dịch của địa phương; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các ban, ngành, đoàn thể, đơn vị liên quan.
- Chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể phối hợp với ngành Y tế thực hiện công tác tuyên truyền, điều tra, vận động đối tượng đi tiêm vắc xin (chú trọng tránh bỏ sót các đối tượng trẻ vùng sâu, vùng xa, vùng biệt lập, vùng đặc biệt khó khăn và vùng dân di nhập cư).
- Thành lập các đội giám sát của địa phương và tham gia cùng ngành Y tế kiểm tra, giám sát trước, trong và sau chiến dịch.
- Chủ động bố trí kinh phí địa phương hỗ trợ cho các hoạt động của chiến dịch trên địa bàn.
6. Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng, Báo Hải Phòng, Báo An ninh Hải Phòng, Cổng Thông tin điện tử thành phố:
Phối hợp với ngành Y tế tổ chức phát sóng, đăng tải các thông điệp, nội dung tuyên truyền trước và trong chiến dịch; đưa tin, phản ánh các hoạt động triển khai chiến dịch trên địa bàn thành phố.
7. Đề nghị các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể:
Chỉ đạo các cấp hội, đoàn thể và đoàn viên, hội viên tham gia cùng ngành Y tế tổ chức tốt công tác tuyên truyền, điều tra đối tượng và hỗ trợ các hoạt động trong chiến dịch./.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.