ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2449/KH-UBND |
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 18 tháng 7 năm 2022 |
KẾ HOẠCH
VỀ VIỆC CẢI THIỆN CHỈ SỐ HIỆU QUẢ QUẢN TRỊ VÀ HÀNH CHÍNH CÔNG CẤP TỈNH (PAPI) TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH NĂM 2022
Thực hiện Quyết định số 2844/QĐ-UBND ngày 14 tháng 8 năm 2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về việc ban hành Kế hoạch cải thiện Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2025; từ kết quả PAPI của Thành phố năm 2021[1], Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành kế hoạch cải thiện các nội dung của Chỉ số PAPI năm 2022 như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Cải thiện các nội dung đạt kết quả thấp của Chỉ số PAPI năm 2021.
- Đánh giá, xây dựng các giải pháp phù hợp nhằm cải thiện Chỉ số PAPI của Thành phố trong năm 2022 và giai đoạn 2021-2025 một cách ổn định, bền vững. Lồng ghép, cụ thể hóa hiệu quả công tác dân vận, quy chế dân chủ cơ sở và các nội dung của 03 Chương trình đột phá và 01 Chương trình trọng điểm phát triển thành phố của Đảng bộ Thành phố vào nội dung của các giải pháp.
2. Yêu cầu
- Việc thực hiện kế hoạch phải gắn với 03 Chương trình đột phá và 01 Chương trình trọng điểm phát triển thành phố của Đảng bộ Thành phố và phải đồng bộ với Kế hoạch chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách thành phố của Ủy ban nhân dân Thành phố.
- Các cơ quan, đơn vị chủ động kiểm tra, giám sát thường xuyên việc thực hiện các giải pháp nâng cao Chỉ số PAPI.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Năm 2022, Chỉ số PAPI của Thành phố được xếp vào nhóm tỉnh, thành phố đạt điểm trung bình cao, trong đó, tập trung cải thiện các chỉ số nội dung đạt thấp và nâng điểm các chỉ số nội dung còn lại.
2. Mục tiêu cụ thể
- Tuyên truyền, phổ biến về nội dung, kết quả Chỉ số PAPI của Thành phố từ cấp Thành phố đến cơ sở nhằm nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
- Việc triển khai thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao Chỉ số PAPI là sự chung tay và đồng bộ của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện công tác dân vận, quy chế dân chủ cơ sở và trong quá trình thực hiện quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công nhằm thông tin đến người dân về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để người dân biết, hiểu và cùng thực hiện, phục vụ nhân dân, tạo lòng tin và nâng cao chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp.
- Nâng cao Chỉ số PAPI gắn liền với việc cải thiện điểm số tại các chỉ tiêu nội dung. Phấn đấu cải thiện điểm tại 08 chỉ số nội dung năm 2022 cao hơn so với năm 2021 và điểm đạt trên 6,00 điểm cụ thể như sau:
(1) Chỉ tiêu nội dung 1 “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở”: phấn đấu nâng điểm đạt trên 6,00 điểm so với điểm năm 2021 (4,06 điểm);
(2) Chỉ tiêu nội dung 2 “Công khai, minh bạch”: phấn đấu nâng điểm đạt trên 6,50 điểm so với điểm năm 2021 (4,99 điểm);
(3) Chỉ tiêu nội dung 3 “Trách nhiệm giải trình với người dân”: phấn đấu đạt trên 6,00 điểm so với điểm năm 2021 (4,32 điểm);
(4) Chỉ tiêu nội dung 4 “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công”: phấn đấu đạt trên 6,50 điểm so với điểm năm 2021 (6,33 điểm);
(5) Chỉ tiêu nội dung 5 “Thủ tục hành chính công”: phấn đấu đạt trên 7,50 điểm so với điểm năm 2021 (6,90 điểm);
(6) Chỉ tiêu nội dung 6 “Cung ứng dịch vụ công”: phấn đấu đạt trên 8,00 điểm so với điểm năm 2021 (7,75 điểm);
(7) Chỉ tiêu nội dung 7 “Quản trị môi trường”: phấn đấu đạt trên 6,00 điểm so với điểm năm 2021 (2,89 điểm);
(8) Chỉ tiêu nội dung 8 “Quản trị điện tử”: phấn đấu đạt trên 6,00 điểm so với điểm năm 2021 (3,43 điểm).
III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Giải pháp thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền về Chỉ số PAPI trên địa bàn Thành phố
- Tiếp tục tuyên truyền, quán triệt thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Trong đó, cần tập trung tuyên truyền sự hiệu quả của các chương trình, kế hoạch về công tác quy chế dân chủ cơ sở, dân vận, 03 Chương trình đột phá và 01 Chương trình trọng điểm phát triển thành phố của Đảng bộ Thành phố để phục vụ nâng cao đời sống của người dân.
- Nghiêm túc triển khai việc thông tin, tuyên truyền về mục đích của việc khảo sát, đánh giá Chỉ số PAPI; thông tin kết quả đánh giá Chỉ số PAPI năm 2021 của Thành phố (trong đó tập trung các nội dung còn hạn chế); mục tiêu, yêu cầu về việc nâng cao Chỉ số PAPI trên địa bàn Thành phố đến từng cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân sống và làm việc trên địa bàn Thành phố để hiểu và cùng thực hiện tốt, có hiệu quả các nội dung nâng cao Chỉ số PAPI.
- Tiếp tục thông tin, tuyên truyền việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, quy chế dân chủ nơi làm việc, công tác dân vận chính quyền; công khai, minh bạch đối với các hoạt động quản lý hành chính công trên địa bàn Thành phố bằng nhiều hình thức, nội dung một cách sâu, rộng có hiệu quả trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội một cách trực quan, sinh động nhằm đưa thông tin chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định tại địa phương đến người dân nhằm nâng cao lòng tin, sự chia sẻ, đồng thuận và hài lòng của người dân với chính quyền. Đề ra các giải pháp để người dân tạm trú được tiếp cận thông tin và thụ hưởng các dịch vụ được cơ quan hành chính cung cấp trên địa bàn tương tự như người dân có hộ khẩu thường trú.
2. Giải pháp nâng cao điểm số các chỉ tiêu nội dung của Chỉ số PAPI
2.1. Đối với nội dung “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở”
- Phối hợp kiện toàn hoạt động của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp. Thực hiện tốt công tác phổ biến pháp luật tại cơ sở; thông tin, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và hoạt động các hoạt động của địa phương.
- Tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân, huy động sự tham gia của nhân dân, tạo sự đồng thuận của xã hội trong thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
- Thực hiện tốt, có hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về hội. Thông tin, tuyên truyền về số lượng, hoạt động của các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, các hội, nhóm, câu lạc bộ hoạt động trên địa bàn; thông tin thường xuyên, cụ thể các hoạt động của các tổ chức, nhằm thu hút người dân quan tâm, tham gia.
- Thông tin cụ thể, cập nhật thường xuyên số lượng, chức danh, nhiệm vụ được phân công của từng cán bộ, công chức và người lao động kèm theo các phương thức liên lạc với đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức và người của đơn vị, nhằm tăng sự tương tác, thông tin giữa chính quyền với nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ quản lý hành chính nhà nước và cung cấp dịch vụ công.
- Thông tin về các sự kiện chính trị của địa phương và các cấp. Thực hiện kiện toàn nhân sự khu phố, ấp; trình tự, quy trình bầu Trưởng khu phố, ấp đúng quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-UBND ngày 25 tháng 4 năm 2017 của Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của ấp, khu phố, tổ nhân dân, tổ dân phố trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
- Thông tin minh bạch về các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn, minh bạch các khoản đóng góp tự nguyện của người dân khi thực hiện các dự án “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, thông tin cụ thể người dân biết về hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng. Tạo điều kiện Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng thực hiện nhiệm vụ. Cầu thị, lắng nghe ý kiến góp ý xây dựng của người dân. Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn phối hợp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp kiện toàn, bổ sung thành viên Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng phường, xã, thị trấn theo quy định pháp luật.
2.2. Đối với nội dung “Công khai, minh bạch”
- Thông tin tuyên truyền đến người dân pháp luật về tiếp cận thông tin, đồng thời thực hiện tốt các quy định về Luật Tiếp cận thông tin và Nghị định hướng dẫn.
- Thực hiện đúng quy định về bình xét hộ nghèo, hộ cận nghèo; công khai minh bạch danh sách hộ nghèo; cận nghèo, kết quả bình xét, bổ sung hộ nghèo, hộ cận nghèo tại nhà văn hóa hoặc nhà sinh hoạt cộng đồng khu phố, ấp và trụ sở Văn phòng - Tụ điểm sinh hoạt văn hóa, thể thao khu phố, ấp, Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn; thông báo qua đài truyền thanh phường, xã, thị trấn mở rộng thông tin trên các trang thông tin điện tử của địa phương; công khai, minh bạch chế độ chính sách đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, các khoản đóng góp hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định.
- Thực hiện đúng các quy định về công khai, minh bạch tài chính, ngân sách theo quy định. Công khai về thu chi ngân sách phải cụ thể, chi tiết, hình thức công khai phù hợp, thuận tiện để người dân có thể tiếp cận và giám sát, nâng tỷ lệ người dân tiếp cận, biết về công khai thu chi ngân sách. Bảo đảm độ tin cậy về tính chính xác của số liệu để người dân thực hiện quyền giám sát về công khai thu, chi ngân sách. Kịp thời ngăn chặn những dấu hiệu tiêu cực, xử lý theo đúng quy định của pháp luật đối với những trường hợp vi phạm các quy định về quản lý tài chính, tài sản công.
- Các dự thảo về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị liên quan đến phường, xã, thị trấn đều phải tổ chức lấy ý kiến góp ý của người dân tại địa phương. Thực hiện công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết và khung giá đất hiện thời theo quy định pháp luật.
- Triển khai nhiều biện pháp để cải thiện về tỷ lệ người dân biết về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị triển khai trên địa bàn phường, xã, thị trấn, nâng tỷ lệ người dân biết, tham dự, đóng góp ý kiến cho quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị triển khai trên địa bàn phường, xã, thị trấn, nội dung tiếp thu ý kiến đóng góp cho quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị của chính quyền.
2.3. Đối với nội dung “Trách nhiệm giải trình với người dân”
- Thực hiện tốt công tác tuyên truyền pháp luật khiếu nại, tố cáo, pháp luật hòa giải ở cơ sở trên địa bàn. Cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách tại Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn thực hiện tốt việc tiếp công dân định kỳ, thường xuyên theo quy định; tập trung giải quyết kịp thời, đúng quy định pháp luật đối với các phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của người dân tránh gây bức xúc, tạo dư luận không tốt trong nhân dân.
- Tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng hoạt động của Khu phố, ấp, Tổ hòa giải cơ sở. Thông tin đến người dân các thành viên của Khu phố, ấp, Tổ hòa giải cơ sở, cán bộ Ủy ban nhân dân, các tổ chức chính trị - xã hội tại cơ sở đồng thời thông tin chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị.
- Tổ chức đối thoại với tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư khi phát sinh nội dung, vấn đề bức xúc trong quá trình triển khai nhiệm vụ theo Điều 125 Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Nghị định số 33/2021/NĐ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ về quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 131/2020/QH14 ngày 16 tháng 11 năm 2020 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh và những nội dung khác người dân quan tâm và Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn xác định cần tổ chức đối thoại.
- Các dự án đầu tư, công trình do nhân dân đóng góp xây dựng, do nhà nước, các tổ chức, cá nhân đầu tư, tài trợ cho phường, xã, thị trấn cần phải có sự tham gia giám sát của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng.
- Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn phối hợp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp định kỳ thông báo kết quả hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng phường, xã, thị trấn đến người dân khu phố, ấp, cộng đồng dân cư.
- Kịp thời tiếp nhận, xử lý triệt để và phản hồi các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức theo quy định và Cổng Thông tin 1022 của Thành phố. Thường xuyên tập huấn đội ngũ cán bộ, công chức về chuyên môn nghiệp vụ trong tiếp nhận, xử lý, giải quyết các phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố giác, tố cáo.
2.4. Đối với nội dung “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công”
- Triển khai, thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong mọi lĩnh vực quản lý, đặc biệt liên quan đến công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, giải quyết thủ tục hành chính, công tác tài chính... theo quy định pháp luật.
- Công khai, minh bạch kết quả công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo đúng quy định, đa dạng về hình thức nhằm thông tin đến người dân được biết và thực hiện giám sát.
- Phối hợp, thực hiện, tạo điều kiện Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội các cấp thực hiện giám sát, phản biện xã hội.
- Lãnh đạo, thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, chống lãng phí, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động quản lý nhà nước tại cơ quan, đơn vị trực thuộc. Công khai báo cáo kết quả phòng, chống tham nhũng, chống lãng phí hàng năm theo quy định. Xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, đơn vị phụ trách.
- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực y tế; các đơn vị y tế trên địa bàn Thành phố không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ, khám chữa bệnh tại các đơn vị; đơn giản thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành để phục vụ tốt người dân; chống tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực y tế, nhất là trong khâu tiếp nhận, khám, chữa bệnh.
- Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục. Lãnh đạo các đơn vị giáo dục công lập công khai minh bạch các khoản phí, lệ phí theo quy định; tăng cường công tác quản lý dạy thêm, học thêm; không để xảy ra tình trạng “chạy trường, chạy lớp”, công khai, minh bạch trong tuyển sinh đầu cấp; không để xảy ra tình trạng phụ huynh phải chi thêm tiền để con em được quan tâm hơn. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
- Thực hiện nghiêm công tác thi tuyển, tuyển dụng công chức, viên chức, người lao động. Thực hiện công khai, minh bạch trong tuyển dụng. Chống tiêu cực trong công tác tuyển dụng. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
- Thanh tra Thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thành phố Thủ Đức tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra về công tác phòng, chống tham nhũng trong quản lý nhà nước tại các đơn vị theo thẩm quyền.
2.5. Đối với nội dung “Thủ tục hành chính công”
- Thường xuyên kiện toàn và bố trí nhân sự tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính đảm bảo trình độ chuyên môn, vững về nghiệp vụ, có khả năng giao tiếp tốt, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, góp phần tăng tỷ lệ hài lòng của của người dân.
- Nâng cao chất lượng giải quyết hồ sơ hành chính, không để tình trạng người dân phải đi lại nhiều lần để giải quyết hồ sơ. Nâng cao tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn, đặc biệt đối với nhóm nhóm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp giấy phép xây dựng, ứng dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt trong giải quyết thủ tục hành chính.
- Đề cao vai trò của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác cải cách thủ tục hành chính: trực tiếp phụ trách công tác cải cách thủ tục hành chính; đồng thời trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp; chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân Thành phố về kết quả, tiến độ giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền.
2.6. Đối với nội dung “Cung ứng dịch vụ công”
- Tuyên truyền nâng tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế, nâng tỷ lệ người dân biết về lợi ích của việc tham gia bảo hiểm y tế. Thực hiện cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi; thực hiện chính sách hỗ trợ mua bảo hiểm y tế các trường hợp hộ nghèo, hộ cận nghèo của Thành phố, hộ mới thoát mức chuẩn hộ cận nghèo của Thành phố.
- Thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng của bệnh viện tuyến huyện và các trạm y tế cấp xã, khuyến khích các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, giảm tải công tác hành chính, chăm lo đời sống cho nhân viên y tế an tâm công tác, hỗ trợ phục vụ tốt hơn người dân, nhất là ở khâu nhận và giải quyết hồ sơ thủ tục khám, chữa bệnh.
- Cung cấp dịch vụ sử dụng điện lưới quốc gia an toàn, hiệu quả. Cải tiến thủ tục lắp đặt và thanh toán cước phí một cách tiện lợi nhất.
- Đẩy mạnh chỉnh trang và phát triển đô thị, tạo diện mạo mới cho vùng nông thôn. Triển khai thực hiện các chương trình đảm bảo vệ sinh môi trường, phát triển mảng xanh đô thị, năng lượng xanh, giao thông xanh, tiến đến xây dựng hoàn thiện hạ tầng xanh. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc huy động người dân đóng góp tự nguyện duy tu, cải tạo hạ tầng giao thông trên địa bàn.
- Phát huy hiệu quả dự án giảm ngập do triều sau khi hoàn thành; mời gọi các nguồn lực xã hội tham gia triển khai các giải pháp xóa, giảm ngập; tổ chức quản lý có hiệu quả hệ thống thoát nước hiện hữu; nâng cao ý thức của người dân tham gia bảo vệ hệ thống thoát nước, chung tay xóa, giảm ngập, cùng chính quyền Thành phố giữ gìn, bảo tồn diện tích mặt nước tự nhiên.
- Tuyên truyền vận động người dân sử dụng dịch vụ thu gom rác thải; quản lý hiệu quả đối với các đơn vị thu gom rác thải trên địa bàn phường, đảm bảo việc thu gom rác thải thường xuyên, không để tình trạng rác thải tồn đọng rác tại cộng đồng dân cư.
- Đảm bảo nước sạch cho nhu cầu sinh hoạt và sản xuất - kinh doanh. Nâng cao tỷ lệ hộ dân sử dụng nước máy là nguồn nước ăn uống chính, trong sinh hoạt của hộ gia đình; kịp thời giải quyết các phản ánh của người dân về chất lượng nguồn nước.
- Đẩy mạnh tuyên truyền về an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong nhân dân. Triển khai các biện pháp bảo đảm về an ninh, trật tự trên địa bàn. Giảm số lượng vụ án, tỷ lệ trọng án xảy ra trên địa bàn. Giữ vững an ninh, chính trị trên địa bàn Thành phố.
- Triển khai các biện pháp nâng cao chất lượng các trường phổ thông trung học trên địa bàn Thành phố, nhất là các trường tiểu học. Tăng tỷ lệ các trường được đánh giá, phân loại đạt chuẩn, nhất là đạt chuẩn quốc gia.
- Xây dựng và triển khai đồng bộ các giải pháp mạnh mẽ giải quyết triệt để giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông trên địa bàn Thành phố. Tập trung xây dựng cơ chế, chính sách huy động tối đa các nguồn lực, đầu tư các công trình giao thông trọng điểm. Vận động người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng của đường thủy, đường sắt đô thị, xe buýt, xe buýt điện...thay cho phương tiện cá nhân.
- Đẩy mạnh các giải pháp kết nối, chuyển đổi số, thực hiện hiệu quả các phương thức, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong cung ứng dịch vụ công, các giao dịch dân sự với yêu cầu đảm bảo tính bảo mật, phổ dụng với người dân.
2.7. Đối với nội dung “Quản trị môi trường”
- Thực hiện tốt quản lý nhà nước về lĩnh vực môi trường tại địa phương. Phối hợp các cơ quan, đoàn thể cùng cấp phổ biến người dân biết Quyết định số 12/2019/QĐ-UBND ngày 17 tháng 5 năm 2019 của Ủy ban nhân dân Thành phố quy định quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh; Quyết định số 09/2021/QĐ-UBND ngày 04 tháng 5 năm 2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh ban hành kèm theo tại Quyết định 12/2019/QĐ-UBND ngày 17 tháng 5 năm 2019 của Ủy ban nhân dân Thành phố, Quyết định số 4700/QĐ-UBND ngày 31 tháng 10 năm 2019 của Ủy ban nhân dân Thành phố về ban hành tiêu chí và quy trình công nhận “Khu phố, ấp sạch, không xả rác ra đường và kênh rạch”, “Phường, xã, thị trấn không xả rác ra đường và kênh rạch” và “Công trình, giải pháp, sáng kiến xanh”, Quyết định số 529/QĐ-UBND ngày 14 tháng 02 năm 2020 của Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành kế hoạch xây dựng Thành phố Xanh - Thân thiện môi trường giai đoạn 2020 - 2025, Quyết định số 1055/QĐ-UBND ngày 29 tháng 3 năm 2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố về phê duyệt Chương trình Giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2020 - 2030, Quyết định số 1425/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân Thành phố ngày 28 tháng 4 năm 2022 về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình Giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2020 - 2030 trong năm 2022.
- Thông tin đến người dân biết công tác quản lý nhà nước về môi trường, nghĩa vụ bảo vệ môi trường của các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp trên địa bàn phường, xã, thị trấn; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm và kịp thời các hành vi không tuân thủ cam kết bảo vệ môi trường của các tổ chức, doanh nghiệp vi phạm; thông tin kết quả giải quyết của các cơ quan đối với các phản ánh của người dân liên quan đến bảo vệ môi trường.
- Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về công tác bảo vệ môi trường, tài nguyên nước đến người dân Thành phố, nâng cao nhận thức của người dân trong việc khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn tài nguyên nước. Khuyến khích sự tham gia của người dân, cộng đồng dân cư giám sát giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nhận thức của cộng đồng về sử dụng nguồn nước, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường, hạn chế các yếu tố chủ quan của con người ảnh hưởng đến chất lượng không khí.
- Thực hiện các giải pháp cải thiện chất lượng không khí, giảm thiểu tiếng ồn tại cộng đồng dân cư, khu vực công cộng, giảm bụi ảnh hưởng sức khỏe con người trên địa bàn Thành phố trong thời gian tới, bổ sung các điểm quan trắc nguồn nước, không khí ở các khu vực quan trọng, đông dân cư, có phạm vi ảnh hưởng đến môi trường của Thành phố; tuyên truyền để người dân tiếp cận, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường, thích ứng điều kiện sống thay đổi do các yếu tố của biến đổi khí hậu tác động đến môi trường.
- Tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tài nguyên nước, giữ gìn nguồn nước sạch, chống ô nhiễm nguồn nước, phát triển sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung, nông nghiệp và chế biến sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường.
- Đẩy nhanh việc chuyển đổi công nghệ xử lý của các nhà máy và công tác đấu thầu các dự án xử lý rác thải sinh hoạt đáp ứng chỉ tiêu công nghệ đến năm 2025 tổng tỷ lệ công nghệ tiên tiến đạt 80%, chôn lấp giảm còn 20%.
- Các cơ quan, đơn vị khi đầu tư trang, thiết bị làm việc ưu tiên mua các sản phẩm có dán nhãn sinh thái, tiết kiệm năng lượng, trang thiết bị năng lượng có hiệu suất cao.
2.8. Đối với nội dung “Quản trị điện tử”
- Triển khai đảm bảo tiến độ Đề án xây dựng đô thị thông minh, Chương trình chuyển đổi số, chính quyền điện tử, chính quyền số của Ủy ban nhân dân Thành phố.
- Thực hiện tuyên truyền, phổ biến người dân biết các tiện ích, ứng dụng công nghệ thông tin, địa chỉ truy cập, nơi cung cấp thông tin chỉ dẫn, biểu mẫu hồ sơ thủ tục hành chính trên Cổng Thông tin điện tử của Thành phố, sở, ngành, quận, huyện, phường, xã, thị trấn; nội dung thông tin tại các quầy cung cấp thông tin do Thành phố trang bị cho Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính.
- Thực hiện phổ biến Luật An ninh mạng để người dân biết quy định pháp luật, không có hành vi vi phạm pháp luật, cung cấp hộp thư điện tử ghi nhận các ý kiến góp ý của người dân về hoạt động của chính quyền, kịp thời phản hồi, giải thích, giải quyết các phản ánh của người dân, đảm bảo bí mật thông tin tố giác, phản ánh nhằm ngăn chặn các hành vi đe dọa làm người dân không dám tố giác, phản ánh qua môi trường mạng, các ứng dụng trực tuyến, mạng xã hội để minh bạch thông tin hoạt động của chính quyền các cấp trên nền tảng môi trường mạng, các ứng dụng mạng xã hội (Theo quy định tại Điều 47 Luật Tố cáo số 25/2018/QH14 ngày 12 tháng 6 năm 2018 và Điều 9 Văn bản hợp nhất số 10/VBHN-VPQH ngày 15 tháng 7 năm 2020).
- Cán bộ, công chức, viên chức thực hiện đúng quy định về ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc, cập nhật, ghi nhận và kịp thời xử lý, giải quyết các phản ánh, kiến nghị của người dân liên quan đến chức trách, nhiệm vụ, góp ý của người dân về hoạt động của chính quyền, nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin, đúng quy định pháp luật, cải thiện hiệu quả quản trị điện tử của chính quyền các cấp.
3. Giải pháp về nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành về Chỉ số PAPI
- Thường xuyên rà soát các kết quả công tác theo chương trình, kế hoạch của cơ quan, đơn vị và kế hoạch này. Thực hiện kiện toàn, bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ, công chức thực hiện công tác dân vận, quy chế dân chủ, phụ trách trực tiếp chỉ số PAPI tại cơ quan, đơn vị, đặc biệt là tại Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn.
- Xây dựng kế hoạch tổ chức đoàn trao đổi các kinh nghiệm, giải pháp trong triển khai có hiệu quả đối với các chỉ số thành phần của chỉ số PAPI Thành phố cần cải thiện.
- Gắn kết chặt chẽ giữa phong trào thi đua “Dân vận khéo”, nhất là kế hoạch thực hiện nội dung 5 không: “Không để người nghèo, người yếu thế tụt hậu, bị bỏ quên”, “Không gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp”, “Không xả rác bừa bãi ra đường phố và kênh rạch”, “Không vi phạm Luật Giao thông đường bộ” và “Không tụ tập gây rối, ảnh hưởng an ninh chính trị, trật tự an toàn nơi cư trú và trên đường phố” với các phong trào thi đua yêu nước khác do thành phố và các địa phương phát động; đặc biệt là bổ sung tiêu chí để khen thưởng Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn hàng năm.
- Chú trọng việc rà soát, đánh giá chất lượng thực hiện nhiệm vụ do Thành phố chỉ đạo, giải quyết dứt điểm các kiến nghị, khắc phục tồn tại hạn chế trong thời gian cụ thể; tái kiểm tra việc khắc phục các sai phạm, thiếu sót trong thực thi nhiệm vụ ở các cấp chính quyền. Nội dung kiểm tra phải cụ thể, phù hợp thực tiễn tại địa phương, đơn vị.
- Có cơ chế đánh giá, phê bình, kiểm điểm, chế tài nghiêm khắc đối với các sai phạm, thiếu sót, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, thực thi công vụ và các nhiệm vụ theo Kế hoạch; kịp thời kiến nghị với Ủy ban nhân dân Thành phố kết quả kiểm tra, đánh giá để chấn chỉnh kịp thời các hạn chế, sai phạm về chuyên môn thuộc lĩnh vực phụ trách, quản lý. Kịp thời giải quyết các vướng mắc, khó khăn và xử lý trách nhiệm khi không thực hiện tốt hoặc thực hiện không hiệu quả việc nâng cao Chỉ số PAPI.
- Phối hợp và tạo điều kiện Hội đồng nhân dân Thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp thực hiện phản biện xã hội, giám sát việc thực hiện các nội dung nâng cao Chỉ số PAPI.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Phân công thực hiện
1.1. Thủ trưởng sở, ban - ngành, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, quận, huyện và Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung của Mục III của Kế hoạch này, đề ra biện pháp cụ thể nhằm khắc phục và từng bước nâng điểm đối với các vấn đề được Báo cáo PAPI chỉ ra, được người dân quan tâm, đánh giá đồng thời tự đánh giá các chỉ số định kỳ hàng quý, để có giải pháp khắc phục kịp thời.
Hoàn thiện Cổng Thông tin điện tử, cung cấp đầy đủ thông tin theo Nghị định 43/2011/NĐ-CP ngày 13 tháng 6 năm 2011 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc Cổng Thông tin điện tử của cơ quan nhà nước và Thông tư 32/2017/TT-BTTTT ngày 15 tháng 11 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến và bảo đảm khả năng truy cập thuận tiện đối với trang thông tin điện tử hoặc Cổng Thông tin điện tử của cơ quan nhà nước tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, tổ chức tiếp cận, tra cứu thông tin và sử dụng dịch vụ.
Triển khai giới thiệu, hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến cho người dân, doanh nghiệp, tổ chức về các tiện ích, dịch vụ công trực tuyến cung cấp tại các Cổng Thông tin điện tử; xử lý nhanh, kịp thời các phản ánh của người dân trên Cổng Thông tin điện tử của đơn vị và trên các phương tiện khác.
Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, quận, huyện và phường, xã, thị trấn chủ động phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong việc nắm thông tin đối tượng, nội dung, địa điểm khảo sát; kịp thời báo cáo về Sở Nội vụ tình hình thực hiện công tác khảo sát trên địa bàn. Đồng thời, khẩn trương tổ chức triển khai tuyên truyền sâu rộng đến người dân về các Chỉ số nội dung thành phần của Chỉ số PAPI thông qua nhiều hình thức, các hội nghị, các kênh tuyên truyền, thông tin.
1.2. Giao các sở, ban, ngành được phân công nhiệm vụ theo dõi, hướng dẫn và thực hiện chức năng quản lý nhà nước liên quan Chỉ số PAPI, có trách nhiệm triển khai, thực hiện có hiệu quả các nội dung nhằm nâng cao Chỉ số PAPI năm 2022, cụ thể:
- Chỉ số nội dung 1 “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở”: Sở Nội vụ.
- Chỉ số nội dung 2 “Công khai, minh bạch”:
+ Nội dung “Tiếp cận thông tin”: Sở Tư pháp.
+ Nội dung “Danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo”: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
+ Nội dung “Thu, chi ngân sách các xã”: Sở Tài chính.
+ Nội dung “Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá bồi thường thu hồi đất”: Sở Tài nguyên và Môi trường.
- Chỉ số nội dung 3 “Trách nhiệm giải trình của người dân” và chỉ số nội dung 4 “Kiểm soát tham nhũng trong chính khu vực công”: Thanh tra Thành phố.
- Chỉ số nội dung 5 “Thủ tục hành chính công”: Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố.
- Chỉ số nội dung 6 “Cung ứng dịch vụ công”:
+ Nội dung “Y tế công lập”: Đơn vị chủ trì: Sở Y tế; đơn vị phối hợp: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
+ Nội dung “Giáo dục tiểu học công lập”: Sở Giáo dục và Đào tạo.
+ Nội dung “Cơ sở hạ tầng căn bản”: phần điện lưới: Sở Công thương; phần tiếp cận đường xá: Sở Giao thông vận tải; phần thu gom rác thải: Sở Tài nguyên và Môi trường.
+ Nội dung “An ninh, trật tự khu dân cư”: Công an Thành phố.
- Chỉ số nội dung 7 “Quản trị môi trường”: Sở Tài nguyên và Môi trường.
- Chỉ số nội dung 8 “Quản trị điện tử”: Sở Thông tin và Truyền thông.
1.3. Ngoài các nội dung phải thực hiện tại điểm 1.2, Thủ trưởng các sở, ngành sau đây có trách nhiệm thực hiện:
1.3.1. Sở Nội vụ
- Tham mưu công tác chỉ đạo, điều hành về Chỉ số PAPI.
- Xây dựng kế hoạch và tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho sở, ban - ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện, thành phố Thủ Đức; phường, xã, thị trấn những nội dung về Chỉ số PAPI.
- Xây dựng kế hoạch tổ chức đoàn trao đổi các kinh nghiệm, giải pháp trong triển khai có hiệu quả đối với các chỉ số thành phần của Chỉ số PAPI tại các tỉnh có nhóm đạt điểm cao nhất.
- Phối hợp thực hiện công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên việc triển khai tuyên truyền, thực hiện các giải pháp nâng cao Chỉ số PAPI của các cơ quan, đơn vị và trách nhiệm người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành.
- Hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thực hiện chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành và chế độ báo cáo về Chỉ số PAPI.
1.3.2. Sở Tư pháp
Chủ động phối hợp, tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố, Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật Thành phố định hướng, triển khai các chương trình, kế hoạch về phổ biến, giáo dục pháp luật liên quan đến các chỉ số thành phần của Chỉ số PAPI đến cơ sở. Trong đó, tập trung tuyên truyền, phổ biến về Luật phòng, chống tham nhũng; Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn thi hành; các quy định về quy chế dân chủ ở cơ sở; quy chế dân chủ ở nơi làm việc; chú trọng các biện pháp và trách nhiệm bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân trên Trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị, địa phương và trên Cổng Thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật của Thành phố[2], nhằm góp phần tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người dân và doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
1.3.3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
Thực hiện đúng quy định về bình xét hộ nghèo, hộ cận nghèo; công khai minh bạch danh sách hộ nghèo; cận nghèo, kết quả bình xét, bổ sung hộ nghèo, hộ cận nghèo tại nhà văn hóa hoặc nhà sinh hoạt cộng đồng khu phố, ấp và trụ sở Văn phòng - Tụ điểm sinh hoạt văn hóa, thể thao khu phố, ấp, Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn; thông báo qua đài truyền thanh phường, xã, thị trấn mở rộng thông tin trên các trang thông tin điện tử của địa phương; công khai, minh bạch chế độ chính sách đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, các khoản đóng góp hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định.
1.3.4. Sở Tài chính
Thực hiện đúng các quy định về công khai, minh bạch tài chính, ngân sách theo quy định. Công khai về thu chi ngân sách phải cụ thể, chi tiết, hình thức công khai phù hợp, thuận tiện để người dân có thể tiếp cận và giám sát, nâng tỷ lệ người dân tiếp cận, biết về công khai thu chi ngân sách. Bảo đảm độ tin cậy về tính chính xác của số liệu để người dân thực hiện quyền giám sát về công khai thu, chi ngân sách. Kịp thời ngăn chặn những dấu hiệu tiêu cực, xử lý theo đúng quy định của pháp luật đối với những trường hợp vi phạm các quy định về quản lý tài chính, tài sản công;
1.3.5. Sở Tài nguyên và Môi trường
- Thực hiện công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết và khung giá đất hiện thời theo quy định pháp luật; quá trình xây dựng các dự thảo về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị liên quan đến phường, xã, thị trấn đều phải tổ chức lấy ý kiến góp ý của người dân tại địa phương.
- Triển khai nhiều biện pháp để cải thiện về tỷ lệ người dân biết về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị triển khai trên địa bàn phường, xã, thị trấn, nâng tỷ lệ người dân biết, tham dự, đóng góp ý kiến cho quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị triển khai trên địa bàn phường, xã, thị trấn, nội dung tiếp thu ý kiến đóng góp cho quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị của chính quyền.
- Thông tin đến người dân công tác quản lý nhà nước về môi trường, nghĩa vụ bảo vệ môi trường của các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp trên địa bàn phường, xã, thị trấn; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm và kịp thời các hành vi không tuân thủ cam kết bảo vệ môi trường của các tổ chức, doanh nghiệp vi phạm; thông tin kết quả giải quyết của các cơ quan đối với các phản ánh của người dân liên quan đến bảo vệ môi trường.
- Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về công tác bảo vệ môi trường, tài nguyên nước nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn tài nguyên nước. Khuyến khích sự tham gia của người dân, cộng đồng dân cư giám sát giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nhận thức của cộng đồng về sử dụng nguồn nước, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường, hạn chế các yếu tố chủ quan của con người ảnh hưởng đến chất lượng không khí.
- Tham mưu các giải pháp cải thiện chất lượng không khí, giảm thiểu tiếng ồn tại cộng đồng dân cư, khu vực công cộng, giảm bụi ảnh hưởng sức khỏe con người trên địa bàn Thành phố, bổ sung các điểm quan trắc nguồn nước, không khí ở các khu vực quan trọng, đông dân cư, có phạm vi ảnh hưởng đến môi trường của Thành phố.
- Tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tài nguyên nước, giữ gìn nguồn nước sạch, chống ô nhiễm nguồn nước, phát triển sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung, nông nghiệp và chế biến sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, thích ứng điều kiện sống thay đổi do các yếu tố của biến đổi khí hậu tác động đến môi trường. Lập danh mục, bản đồ phân vùng hạn chế khai thác nước dưới đất.
- Tham mưu các giải pháp, đề án, chương trình đẩy nhanh việc chuyển đổi công nghệ xử lý của các nhà máy và công tác đấu thầu các dự án xử lý rác thải sinh hoạt đáp ứng chỉ tiêu công nghệ đến năm 2025 tổng tỷ lệ công nghệ tiên tiến đạt 80%, chôn lấp giảm còn 20%.
- Chủ trì, phối hợp tham mưu chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, kế hoạch sử dụng đất, phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai, điều chỉnh Bảng giá đất trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh hàng năm và giai đoạn của Thành phố.
- Thực hiện các giải pháp để tăng tỷ lệ hồ sơ đúng hạn đặc biệt là lĩnh vực đất đai; nâng cao chất lượng công tác hướng dẫn thực hiện thủ tục hành chính (nội dung hướng dẫn, phương thức hướng dẫn ...) hạn chế tình trạng người dân đi lại nhiều lần; xử lý đúng hạn 100% phản ánh kiến nghị của người dân về quy định thủ tục hành chính.
1.3.6. Sở Y tế
- Sở Y tế phối hợp với Bảo hiểm xã hội Thành phố trong công tác quản lý nhà nước về bảo hiểm y tế tại các đơn vị. Tiếp tục kiến nghị Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam về việc giao dự toán chi cho Thành phố.
- Tiếp tục nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo hướng lấy người bệnh làm trung tâm, đảm bảo quy định pháp luật và đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh; xác minh các vấn đề ưu tiên trong hoạt động cải tiến chất lượng giúp các bệnh viện chủ động nắm bắt những vấn đề người bệnh không hài lòng. Đồng thời bắt đầu từ ngày 08 tháng 4 năm 2022, Sở Y tế triển khai chương trình “Lắng nghe và ghi nhận những góp ý của người bệnh sau thời gian nằm viện” bằng hình thức phỏng vấn sâu người bệnh.
- Tiếp tục đẩy mạnh phát triển chuyên môn kỹ thuật, bệnh viện tuyến trên hỗ trợ tuyến dưới. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cải cách hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh.
- Công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện tại xã, phường phải đến 100% người dân, đối tượng, như: đảm bảo 100% trẻ em được sinh ra trong vòng 30 ngày đều có thẻ bảo hiểm y tế. Khảo sát, nắm bắt kịp thời dư luận xã hội, cung cấp thông tin chính thống, tạo sự tin tưởng, đồng thuận trong Nhân dân.
- Từng cấp từng ngành triển khai thực hiện tốt kế hoạch phòng, chống, kiểm soát thích ứng với dịch bệnh, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các Bộ tiêu chí an toàn trong các ngành lĩnh vực.
1.3.7. Sở Giáo dục và Đào tạo
- Chủ động triển khai các giải pháp thực hiện hiệu quả gắn với Đề án đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ở 08 ngành (Công nghệ thông tin - truyền thông; Cơ khí - tự động hóa; Trí tuệ nhân tạo; Quản trị doanh nghiệp; Tài chính - ngân hàng; Y tế; Du lịch; Quản lý đô thị).
- Tiếp tục đổi mới và phát triển toàn diện giáo dục, ứng dụng công nghệ số trong hoạt động giáo dục; gắn với Đề án giáo dục thông minh và học tập suốt đời giai đoạn 2020 - 2030; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào bậc giáo dục phổ thông tạo nguồn nhân lực cho thành phố thông minh, hiện đại và hội nhập quốc tế.
- Tổ chức thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học tại các trường tiểu học công lập, ưu tiên ở phường, xã; thực hiện tốt công tác hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau THCS; khuyến khích học sinh thi tuyển vào lớp 10 chọn nguyện vọng phù hợp với khả năng của bản thân, gần nơi cư trú để thuận lợi cho việc tiếp tục đi học khi trúng tuyển và giảm áp lực giao thông theo chủ trương của thành phố.
- Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi nộp hồ sơ nhập học, 100% đơn vị xây dựng phương án tuyển sinh trực tuyến. Nghiêm cấm các trường vận động, quyên góp và thu các khoản ngoài quy định khi tuyển sinh.
1.3.8. Sở Xây dựng
- Tập trung công tác quản lý hệ thống hạ tầng kỹ thuật đặc biệt là công tác xóa, giảm ngập, các công tác đảm bảo an toàn cây xanh, điện cho hệ thống chiếu sáng đô thị trong mùa mưa bão; chủ động phối hợp với các đơn vị cung ứng triển khai công tác duy tu, thuê bao theo đúng tiến độ, đảm bảo khả năng vận hành của hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xử lý kịp thời các sự cố xảy ra; theo dõi, kiểm tra đảm bảo công tác vận hành, bảo dưỡng máy móc thiết bị của các nhà máy, trạm xử lý nước thải được thực hiện theo đúng kế hoạch, ổn định, an toàn.
- Tổ chức rà soát quy trình vận hành hệ thống hạ tầng kỹ thuật, điều chỉnh phù hợp tình hình thực tiễn. Tiếp tục rà soát, xây dựng điều chỉnh, bổ sung định mức, đơn giá những hạng mục còn thiếu hoặc không còn phù hợp.
- Tiếp tục triển khai các dự án công nghệ thông tin như: xây dựng hệ thống camera giám sát các điểm thường xuyên ngập phục vụ công tác chống ngập tại thành phố Hồ Chí Minh; xây dựng bản đồ cảnh báo rủi ro ngập lụt; hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu mạng lưới thoát nước trên nền số hóa và xây dựng mô hình quản lý; Xây dựng hệ thống thông tin địa lý (GIS) cho hệ thống thoát nước Thành phố.
- Tập trung triển khai đề án “Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025” theo kế hoạch đề ra. Tập trung đẩy mạnh công tác cộng đồng, tuyên truyền trong các lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, lồng ghép với các nội dung về xã hội hóa.
- Tăng cường công tác quản lý hạ tầng kỹ thuật, quản lý chất lượng, thẩm định kết quả đấu thầu chọn thầu, công tác kiểm tra, giám sát, công tác theo dõi quản lý điều hành dự án; chuẩn hóa hồ sơ hoàn công nghiệm thu, thanh toán. Tăng cường công tác giám sát, nắm bắt thông tin và xử lý kịp thời các bất cập về hệ thống hạ tầng kỹ thuật.
- Tập trung triển khai các nhiệm vụ liên quan theo Đề án chống ngập và xử lý nước thải thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 - 2045 và Kế hoạch chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2020 - 2030; Chương trình Phát triển công viên và cây xanh công cộng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 - 2030; Chương trình Phát triển hệ thống chiếu sáng đô thị trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 - 2030.
- Hoàn thành khối lượng quản lý hệ thống hạ tầng kỹ thuật, khối lượng xử lý nước thải, bùn thải theo kế hoạch đề ra, phấn đấu giải ngân đạt trên 95% tổng số vốn kế hoạch được giao.
- Cải tạo, nâng cấp hệ thống tủ điều khiển chiếu sáng thường thành tủ điều khiển kết nối về Trung tâm điều khiển và điều khiển từ trung tâm ít nhất thêm 03 quận khu vực trung tâm thành phố.
- Lắp đặt tăng cường đèn chiếu sáng theo kiến nghị địa phương và tiếp nhận từ các dự án thêm ít nhất 4.000 bộ đèn các loại. Thí điểm hệ thống chiếu sáng thông minh đến từng điểm đèn trên một số tuyến đường khu vực trung tâm Thành phố.
- Hoàn thành công tác trồng cây năm 2022. Xây dựng 10ha công viên, 2ha mảng xanh. Cải tạo, ngầm hóa hệ thống chiếu sáng khu vực trung tâm thành phố tối thiểu 10.000 md.
- Tiếp tục xây dựng phần mềm ứng dụng quản lý quy hoạch - tài nguyên - xây dựng cho toàn thành phố (triển khai thí điểm - Khu trung tâm 930 ha).
- Tiếp tục triển khai, hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện việc gắn mã “QR code” vào giấy phép xây dựng để phục vụ công tác kiểm tra, giám sát, quản lý thông tin giấy phép xây dựng, giúp người dân chủ động cùng chính quyền Thành phố kiểm soát và thực hiện các quy định về xây dựng; đồng thời, triển khai việc gắn mã “QR code” vào chứng chỉ hành nghề trong hoạt động xây dựng do Sở Xây dựng cấp.
- Tiếp tục tuyên truyền để người dân sử dụng App mobile SXD247 nhằm nâng cao vai trò kiểm tra và giám sát của người dân đối với việc chấp hành pháp luật xây dựng và tiếp tục phối hợp Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện đoạn phim ngắn, đánh giá sự chuyển biến khi thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TU ngày 25 tháng 7 năm 2019 của Thành ủy và Kế hoạch số 3333/KH-UBND ngày 12 tháng 8 năm 2019 của Ủy ban nhân dân Thành phố.
- Thực hiện các giải pháp để tăng tỷ lệ hồ sơ đúng hạn đặc biệt là lĩnh vực xây dựng; nâng cao chất lượng công tác hướng dẫn thực hiện thủ tục hành chính (nội dung hướng dẫn, phương thức hướng dẫn ...) hạn chế tình trạng người dân đi lại nhiều lần; xử lý đúng hạn 100% phản ánh kiến nghị của người dân về quy định thủ tục hành chính.
1.3.9. Sở Thông tin và Truyền thông
- Đẩy nhanh tiến độ triển khai Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử gắn với đánh giá hài lòng việc giải quyết thủ tục hành chính theo Kế hoạch số 1734/KH-UBND ngày 28 tháng 5 năm 2021 của UBND TPHCM về triển khai “Đề án Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử gắn với đánh giá hài lòng việc giải quyết thủ tục hành chính” theo Quyết định số 2686/QĐ-UBND ngày 29 tháng 7 năm 2020 của Ủy ban nhân dân Thành phố Chí Minh.
- Tuyên truyền, truyền thông về Chỉ số PAPI, tuyên truyền về ý kiến của người dân, doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức về kết quả Chỉ số PAPI; kết quả khảo sát sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
- Tham mưu triển khai hiệu quả Quyết định số 1478/QĐ-UBND ngày 04 tháng 5 năm 2020 của Ủy ban nhân dân Thành phố về ban hành Quy chế phối hợp tiếp nhận, xử lý và phản hồi thông tin trên cổng tiếp nhận và giải đáp thông tin cho người dân, doanh nghiệp và tổ chức trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (Cổng Thông tin 1022). Tăng cường tuyên truyền và hướng dẫn người dân, doanh nghiệp và tổ chức sử dụng Cổng Thông tin 1022.
- Triển khai một ứng dụng di động thống nhất nhằm nâng cao sự tương tác giữa chính quyền và người dân.
1.3.10. Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố
- Chuẩn hóa, công khai thủ tục hành chính, quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính.
- Kiểm tra việc giải quyết thủ tục hành chính, việc thực hiện các giải pháp khắc phục của đơn vị đối với nhóm thủ tục hành chính về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cấp phép xây dựng; theo dõi, đôn đốc tình hình tiếp nhận xử lý phản ánh kiến nghị về thủ tục hành chính; thực hiện đánh giá chất lượng việc giải quyết thủ tục hành chính các nhóm thủ tục này.
- Tổ chức rà soát, đánh giá, đề xuất đơn giản hóa, chuẩn hóa về thành phần hồ sơ, các bước thực hiện trong quy trình giải quyết TTHC trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, tăng trách nhiệm cá nhân (bỏ các bước, các bộ phận không liên quan trực tiếp đến quá trình giải quyết TTHC).
1.3.11. Công an Thành phố
- Chủ động tham mưu các cấp ủy Đảng, chính quyền tập trung chỉ đạo, huy động sức mạnh của hệ thống chính trị địa phương, đặc biệt là các lực lượng vũ trang, ban ngành, đoàn thể và Nhân dân tích cực tham gia công tác phòng, chống tội phạm tại các khu dân cư. Phát huy hiệu quả phong trào, mô hình “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Khu dân cư tự quản”, vai trò, trách nhiệm của các thành viên Ban Chỉ đạo 138 các cấp trong triển khai thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tội phạm; thực hiện tốt các giải pháp hạn chế nguyên nhân, điều kiện làm gia tăng tội phạm; xác định rõ công tác phòng, chống tội phạm là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và Nhân dân, trong đó, lực lượng Công an là nòng cốt.
- Triển khai thực hiện các chương trình, mục tiêu quốc gia về phòng, chống tội phạm. Tăng cường rà soát, giải quyết kịp thời các vấn đề phức tạp nảy sinh liên quan đến an ninh tôn giáo, dân tộc, ... không để xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn kéo dài gây bức xúc trong Nhân dân. Triển khai các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, đẩy mạnh kiểm tra, triệt phá các băng nhóm, đối tượng hoạt động phạm tội về trật tự xã hội, tập trung vào những nhóm, loại tội phạm có chiều hướng gia tăng trong thời gian gần đây; thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện kéo giảm tội phạm về trật tự xã hội.
- Thực hiện tốt chính sách giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt với đối tượng là người đặc xá, mãn hạn tù, đối tượng cai nghiện ma túy tại địa phương, người sau cai nghiện và các đối tượng khác có nguy cơ vi phạm pháp luật, người không có việc làm, ... Tập trung triển khai các giải pháp quản lý đối với các loại hình kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, các dịch vụ hàng quán về đêm, địa bàn, khu vực thường xảy ra các vụ việc phức tạp.
- Tăng cường trao đổi thông tin, phối hợp với các đơn vị thuộc các tỉnh giáp ranh để phát hiện, đấu tranh, triệt phá các băng, nhóm, đối tượng phạm tội, hoạt động lưu động, liên tỉnh. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức cảnh giác phòng, chống tội phạm cho các tầng lớp Nhân dân, tập trung ở các địa bàn vùng ven, khu vực thường xảy ra tội phạm xâm phạm sở hữu, cố ý gây thương tích, ... vận động Nhân dân tích cực tham gia tố giác và hỗ trợ lực lượng Công an đấu tranh với các loại tội phạm.
- Tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại các khu dân cư, phát huy hiệu quả và huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và Nhân dân trong việc thực hiện phương châm “4 tại chỗ” đối với công tác phòng cháy, chữa cháy tại cộng đồng dân cư.
1.3.12. Viện nghiên cứu phát triển Thành phố phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố khảo sát, đánh giá độc lập, chuyên sâu về công tác khảo sát sự hài lòng của cá nhân, tổ chức; để làm cơ sở so sánh với kết quả Chỉ số PAPI của các đơn vị đánh giá.
1.3.13. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố
- Chủ trì xây dựng triển khai thực hiện đo lường hiệu quả hoạt động của các Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn theo cấu trúc, tiêu chí tương đồng với Chỉ số PAPI của Trung ương;
- Triển khai trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, quận, huyện trong việc lập danh sách đối tượng, thời gian, địa điểm, quá trình tiến hành khảo sát tại địa bàn; phối hợp thông tin tình hình, kết quả khảo sát của người dân về Sở Nội vụ.
2. Chế độ thông tin, báo cáo
Thực hiện báo cáo hàng năm trước ngày 30 tháng 11 năm 2022 gửi đến Ủy ban nhân dân Thành phố (thông qua Sở Nội vụ).
Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện; phường, xã, thị trấn tập trung thực hiện hiệu quả Kế hoạch này. Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh về Ủy ban nhân dân Thành phố (thông qua Sở Nội vụ tổng hợp) để kịp thời giải quyết./.
|
KT. CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.