ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 243/KH-UBND |
Bắc Ninh, ngày 31 tháng 7 năm 2024 |
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA VỀ PHÒNG, CHỐNG KHÁNG THUỐC GIAI ĐOẠN 2023-2030 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC NINH
Căn cứ Quyết định số 1121/QĐ-TTg ngày 25/9/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chiến lược quốc gia về phòng, chống kháng thuốc tại Việt Nam giai đoạn 2023-2030 và tầm nhìn đến năm 2045”;
Căn cứ văn bản số 92/TB-UBND ngày 23/7/2024 của Chủ tịch UBND tỉnh thông báo kết luận phiên họp UBND tỉnh thường kỳ tháng 7 năm 2024;
Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng, chống kháng thuốc giai đoạn 2023-2030 và tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh với các nội dung sau:
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Làm chậm sự tiến triển kháng thuốc và ngăn chặn, kiểm soát sự lây lan của các vi sinh vật kháng thuốc, bệnh truyền nhiễm. Đồng thời, đảm bảo sự sẵn có, liên tục các thuốc kháng vi sinh vật và sử dụng thuốc kháng vi sinh vật hợp lý để điều trị hiệu quả các bệnh truyền nhiễm ở người và động vật; góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe con người và động vật, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
2. Mục tiêu cụ thể và chỉ tiêu đến 2030
a) Mục tiêu 1: Nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền địa phương và hiểu biết của nhân viên y tế, thú y và người dân về phòng, chống kháng thuốc.
- Chỉ tiêu 1: Có bản Kế hoạch phòng, chống kháng thuốc giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2045 được UBND tỉnh phê duyệt và được cấp ngân sách để triển khai thực hiện.
- Chỉ tiêu 2: Tỷ lệ hiểu biết đúng về phòng, chống kháng thuốc ở người trưởng thành, bà mẹ đạt ít nhất là 50% vào năm 2025 và đạt 60% vào năm 2030 và ở nhân viên y tế, nhân viên thú y đạt ít nhất là 60% vào năm 2025 và đạt 70% vào năm 2030.
b) Mục tiêu 2: Tham gia hệ thống giám sát kháng thuốc để cảnh báo kịp thời về sự xuất hiện, lan truyền, mức độ và xu hướng kháng thuốc của các vi sinh vật.
- Chỉ tiêu 1: Về hệ thống giám sát quốc gia về kháng thuốc ở người: Có ít nhất 01 bệnh viện tham gia vào năm 2025 và ít nhất 02 bệnh viện tham gia vào năm 2030.
- Chỉ tiêu 2: Về hệ thống giám sát quốc gia về kháng thuốc ở động vật: Phối hợp với các phòng xét nghiệm tuyến Trung ương được chỉ định trong công tác giám sát kháng thuốc trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; tại tuyến tỉnh đầu tư trang thiết bị, nâng cao năng lực, hiệu quả công tác giám sát kháng thuốc trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.
- Chỉ tiêu 3: Ít nhất 90% cán bộ tham gia trong hệ thống giám sát quốc gia về kháng thuốc trong lĩnh vực y tế và nông nghiệp được tập huấn chuyên môn về kỹ thuật nuôi cấy, định danh và kháng sinh đồ và sử dụng, quản lý dữ liệu giám sát kháng thuốc.
- Chỉ tiêu 4: Có báo cáo giám sát quốc gia về kháng thuốc đầy đủ theo yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền.
c) Mục tiêu 3: Giảm sự lan truyền của vi sinh vật và bệnh truyền nhiễm.
- Chỉ tiêu 1: Tỷ lệ các bệnh viện thiết lập chỉ tiêu và triển khai kế hoạch kiểm soát mức độ kháng thuốc của các vi khuẩn gây bệnh thường gặp trong bệnh viện; đánh giá tuân thủ thực hành tốt về phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn và an toàn sinh học: tuyến tỉnh đạt ít nhất 40% vào năm 2025 và 70% vào năm 2030; tuyến huyện đạt ít nhất 20% vào năm 2025 và 40% vào năm 2030.
- Chỉ tiêu 2: Tỷ lệ các bệnh viện thực hiện kỹ thuật vi sinh để chẩn đoán, điều trị và giám sát kháng thuốc: tại tuyến tỉnh đạt ít nhất 40% vào năm 2025 và 70% vào năm 2030; tại tuyến huyện đạt ít nhất 15% vào năm 2025 và 30% vào năm 2030.
- Chỉ tiêu 3: Tỷ lệ các bệnh viện thực hiện việc triển khai giám sát chủ động nhiễm khuẩn liên quan đến chăm sóc y tế và triển khai các can thiệp làm giảm tỷ nhiễm khuẩn này trong bệnh viện: tuyến tỉnh đạt ít nhất 50% vào năm 2025 và 80% vào năm 2030; tuyến huyện đạt ít nhất 20% vào năm 2025 và 40% vào năm 2030.
d) Mục tiêu 4: Sử dụng thuốc kháng vi sinh vật ở người và động vật hợp lý, an toàn và có trách nhiệm.
- Chỉ tiêu 1: Tỷ lệ các bệnh viện từ tuyến huyện trở lên triển khai chương trình quản lý sử dụng kháng sinh đạt ít nhất 30% vào năm 2025 và 50% vào năm 2030.
- Chỉ tiêu 2: Tỷ lệ các cơ sở khám, chữa bệnh cho động vật tuân thủ hướng dẫn sử dụng kháng sinh của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y đạt ít nhất 10% vào năm 2025 và 20% vào năm 2030.
Đến năm 2045 kiểm soát cơ bản tình trạng kháng thuốc; có hệ thống giám sát kháng thuốc trên địa bàn tỉnh; tổ chức thực hiện giám sát kháng thuốc, giám sát sử dụng, tiêu thụ kháng sinh có hiệu quả để ngăn chặn, kiểm soát sự lây lan của các vi sinh vật kháng thuốc, bệnh truyền nhiễm, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe con người và động vật, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
II. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG
1. Về phối hợp hành động và đáp ứng liên ngành để phòng, chống kháng thuốc
- Xây dựng và triển khai kế hoạch hành động cho từng lĩnh vực y tế, nông nghiệp, môi trường, công thương để giải quyết các nguyên nhân dẫn đến tình trạng kháng thuốc trong các lĩnh vực tương ứng theo hướng dẫn của Bộ, ngành liên quan.
- Các Sở, ban, ngành, cơ quan liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động triển khai phòng, chống kháng thuốc trên cơ sở các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch, lồng ghép vào các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và ưu tiên phân bổ kinh phí hằng năm để thực hiện.
- Xây dựng, hoàn thiện cơ chế và duy trì hiệu quả cơ chế phối hợp liên ngành và chia sẻ thông tin về sự đề kháng, sử dụng và tiêu thụ thuốc kháng vi sinh vật giữa các Sở, ban, ngành và các đối tác có liên quan từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện, tuyến xã.
- Triển khai thực hiện hiệu quả bộ chỉ số đánh giá và theo dõi việc triển khai Chiến lược quốc gia về phòng, chống kháng thuốc đối với lĩnh vực y tế, nông nghiệp, công thương và môi trường do các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường ban hành.
2. Về chính sách, pháp luật, quy định chuyên môn
- Hướng dẫn chuyên môn về phòng ngừa bệnh truyền nhiễm, kiểm soát nhiễm khuẩn, chẩn đoán và điều trị, sử dụng thuốc kháng vi sinh vật, an toàn sinh học trong y tế, nông nghiệp.
- Hướng dẫn chuyên môn về thực hành chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; sản xuất, chế biến thực phẩm; quản lý, xử lý chất thải của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, cơ sở chế biến thực phẩm để kiểm soát dư lượng kháng sinh và các vi sinh vật kháng thuốc.
- Quản lý và xử lý nếu sử dụng hoặc bán thuốc kháng vi sinh vật không có đơn thuốc; các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện kê đơn kháng sinh sai mục đích hoặc lạm dụng kháng sinh trong điều trị người bệnh, không tuân thủ hướng dẫn chẩn đoán và điều trị của Bộ Y tế.
3. Thông tin, truyền thông và vận động xã hội
- Tăng cường truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân về các nguyên nhân gây kháng thuốc, hậu quả của kháng thuốc và các biện pháp phòng, chống kháng thuốc; thay đổi hành vi để sử dụng thuốc kháng vi sinh vật có trách nhiệm, ngừng lạm dụng và sử dụng thuốc kháng vi sinh vật sai mục đích; thúc đẩy các hành vi lành mạnh để ngăn ngừa nhiễm trùng và sự lây lan của chúng, trong đó chú trọng nhân viên y tế, thú y, người chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; bà mẹ, phụ nữ, học sinh, sinh viên.
- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, vận động các cấp, các ngành, đoàn thể, nhân viên y tế, thú y và người dân thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật, các hướng dẫn, khuyến cáo về phòng, chống kháng thuốc thông qua hệ thống thông tin truyền thông từ tỉnh tới xã, phường.
- Truyền thông về phòng chống kháng thuốc phù hợp với phương thức truyền thông và các nhóm đối tượng, trong đó chú trọng xây dựng các thông điệp chủ chốt, thông điệp mới về kháng thuốc để tác động mạnh mẽ tới xã hội.
- Tổ chức định kỳ tuần lễ truyền thông phòng, chống kháng thuốc phù hợp với điều kiện thực tế hằng năm; các khóa đào tạo liên tục, tập huấn cho nhân viên y tế, thú y về kỹ năng truyền thông phòng, chống kháng thuốc.
III. CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Giải pháp để tăng cường hệ thống giám sát kháng thuốc, sử dụng và tiêu thụ thuốc kháng vi sinh vật ở người, động vật, môi trường và thương mại
- Củng cố năng lực và tham gia hệ thống giám sát kháng thuốc ở người, động vật và tại cộng đồng; tổ chức giám sát sử dụng và tiêu thụ thuốc kháng vi sinh vật để làm cung cấp bằng chứng đề xuất điều chỉnh các hướng dẫn, các hoạt động can thiệp kịp thời ở cấp tỉnh và cấp cơ sở.
- Cập nhật các hướng dẫn chuyên môn về phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị các bệnh truyền nhiễm, sử dụng kháng sinh hợp lý, an toàn; sử dụng thuốc kháng vi sinh vật lựa chọn ưu tiên trong chăm sóc sức khỏe con người; kiểm soát nhiễm khuẩn, giám sát sự đề kháng, sử dụng và tiêu thụ thuốc kháng vi sinh vật.
- Thiết lập và duy trì cơ sở dữ liệu quốc gia về kháng thuốc, tình hình sử dụng và tiêu thụ thuốc kháng sinh của vi sinh vật ở người, động vật và môi trường.
- Áp dụng các tiêu chuẩn, hướng dẫn quốc gia liên quan đến giám sát kháng thuốc và thống nhất thực hiện trong lĩnh vực y tế và thú y.
- Phát triển công tác dược lâm sàng, triển khai chương trình quản lý sử dụng kháng sinh, quản lý kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn.
- Thực hiện giám sát bán thuốc kháng sinh theo đơn tại các cơ sở bán lẻ thuốc.
- Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuốc kháng vi sinh vật trên người tại các cơ sở y tế như giám sát, cảnh báo về liều dùng, thời gian dùng, chống chỉ định trong quá trình kê đơn của bác sỹ trên phần mềm quản lý của các cơ sở y tế.
- Tiếp tục thực hiện cơ chế chính sách thu hút nguồn nhân lực về hồi sức tích cực, truyền nhiễm, vi sinh, dược sỹ lâm sàng, kiểm soát nhiễm khuẩn, thú y.
- Rà soát, bổ sung, cập nhật nội dung về phòng, chống kháng thuốc ở người và động vật trong các chương trình giảng dạy, đào tạo nhân lực khối ngành sức khỏe tại địa phương.
- Tổ chức đào tạo liên tục nâng cao năng lực cho bác sỹ, kỹ thuật viên vi sinh, dược sỹ, điều dưỡng, nhân viên kiểm soát nhiễm khuẩn, nhân viên thú y và các nhân viên liên quan về phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị các bệnh truyền nhiễm, sử dụng kháng sinh hợp lý, an toàn; sử dụng thuốc kháng vi sinh vật lựa chọn ưu tiên trong chăm sóc sức khỏe con người; giám sát sự đề kháng, sử dụng và tiêu thụ thuốc kháng vi sinh vật.
3. Giải pháp về tài chính
Bố trí nguồn kinh phí ngân sách nhà nước và các nguồn hợp pháp khác; huy động nguồn kinh phí thường xuyên từ các đơn vị có liên quan để thực hiện các hoạt động của Kế hoạch. Kêu gọi, thu hút các nguồn kinh phí hợp pháp khác của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức quốc tế để bổ sung nguồn lực thực hiện Kế hoạch.
4. Giải pháp về nghiên cứu khoa học
- Nâng cao năng lực nghiên cứu về đánh giá sử dụng thuốc, kháng thuốc, đặc biệt là nghiên cứu về vi khuẩn đa kháng thuốc, triển khai các can thiệp thúc đẩy sử dụng kháng sinh hợp lý.
- Tiếp tục ưu tiên và hỗ trợ nghiên cứu khoa học về các bệnh truyền nhiễm ở người, động vật, thủy sản, đồng thời thúc đẩy các mối quan hệ giữa đối tác với các cơ sở nghiên cứu, bệnh viện, trường đại học.
- Khuyến khích, củng cố và tạo mối quan hệ với các đối tác hỗ trợ phát triển các nghiên cứu về phát triển thuốc kháng vi sinh vật, chất kháng khuẩn có nguồn gốc từ dược liệu truyền thống và các phương pháp chẩn đoán mới.
- Tăng cường nghiên cứu, chuyển giao các kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị các bệnh truyền nhiễm, xét nghiệm vi sinh, quản lý chất lượng xét nghiệm vi sinh tại các bệnh viện, cơ sở y tế dự phòng, cơ sở xét nghiệm và điều trị bệnh động vật, thủy sản.
- Triển khai khảo sát, đánh giá kết quả thực hiện vào năm 2030 để làm căn cứ đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch.
5. Giải pháp về tăng cường hợp tác
- Tăng cường hợp tác quốc tế, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, tham gia các hội thảo, hội nghị, diễn đàn khoa học về phòng, chống bệnh truyền nhiễm, sử dụng thuốc hợp lý điều trị bệnh cho người và động vật, chống nhiễm khuẩn bệnh viện, kiểm tra chất lượng xét nghiệm vi sinh, kháng thuốc.
- Khuyến khích tham gia vào các nghiên cứu hợp tác quốc tế liên quan đến phòng, chống kháng thuốc.
6. Triển khai các đề án trọng điểm của Trung ương
- Đề án về nâng cao nhận thức của cộng đồng, tăng cường Hệ thống giám sát quốc gia về kháng thuốc, sử dụng và tiêu thụ thuốc kháng vi sinh vật, tăng cường quản lý sử dụng kháng sinh trong y tế giai đoạn 2024 - 2030 do Bộ Y tế xây dựng và triển khai.
- Đề án về nâng cao nhận thức của cộng đồng, tăng cường Hệ thống giám sát quốc gia về sự kháng thuốc, sử dụng và tiêu thụ thuốc kháng vi sinh vật, tăng cường quản lý sử dụng kháng sinh trong thú y giai đoạn 2024-2030 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng và triển khai.
- Đề án giám sát kháng thuốc trong môi trường giai đoạn 2024-2030 do Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng và triển khai.
IV. KINH PHÍ
1. Sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí từ ngân sách địa phương cho các hoạt động của Kế hoạch, bao gồm các hoạt động truyền thông, giám sát sử dụng kháng sinh và kháng kháng sinh trong khám chữa bệnh ở người và chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, giám sát kháng kháng sinh tại vùng sản xuất cây trồng có sản lượng lớn và các hoạt động khác theo quy định.
2. Huy động nguồn kinh phí từ các tổ chức, doanh nghiệp để thực hiện các hoạt động theo dõi dịch bệnh; xét nghiệm bệnh động vật, cây trồng và giám sát kháng kháng sinh của tổ chức, doanh nghiệp.
3. Huy động nguồn kinh phí thường xuyên của các cơ sở y tế để phát triển hệ thống giám sát kháng thuốc điều trị bệnh; phát triển hệ thống phòng xét nghiệm vi sinh và triển khai các hoạt động kháng kháng sinh tại các cơ sở y tế.
4. Vận động, tìm kiếm nguồn kinh phí từ nguồn hợp pháp khác.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Y tế
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện tốt các nội dung của Kế hoạch thuộc lĩnh vực quản lý; ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn thực hiện Kế hoạch.
- Chủ trì hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, tổng hợp đánh giá tình hình thực hiện, tham mưu UBND tỉnh sơ kết sau 5 năm và tổng kết vào năm 2030 theo quy định, kịp thời báo cáo các khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp tháo gỡ về UBND tỉnh, Bộ Y tế và các cơ quan có thẩm quyền.
- Xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện đảm bảo đầy đủ, kịp thời và hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp có liên quan đến ngành Y tế tại Kế hoạch.
- Tham mưu UBND tỉnh phê duyệt và triển khai Đề án về nâng cao nhận thức của cộng đồng, tăng cường Hệ thống giám sát quốc gia về sự kháng thuốc, sử dụng và tiêu thụ thuốc kháng vi sinh vật, tăng cường quản lý sử dụng kháng sinh trong y tế giai đoạn 2024-2030 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh (sau khi Bộ Y tế ban hành).
- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch triển khai công tác phòng, chống kháng thuốc ở người. Chỉ đạo bệnh viện trực thuộc tham gia hệ thống giám sát kháng thuốc, sử dụng và tiêu thụ thuốc kháng vi sinh vật ở người. Tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, phát triển hệ thống xét nghiệm vi sinh tại các bệnh viện, cơ sở y tế dự phòng, cơ sở xét nghiệm; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao các kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị các bệnh truyền nhiễm; tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho nhân viên y tế về phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị các bệnh truyền nhiễm, sử dụng kháng sinh hợp lý, an toàn và thực hiện các nhiệm vụ khác theo Kế hoạch.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan và địa phương triển khai thực hiện đảm bảo đầy đủ, kịp thời và hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp có liên quan đến ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Kế hoạch. Tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện Kế hoạch hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn thực hiện Kế hoạch.
- Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 3609/QĐ-BNN-TY ngày 23/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống kháng kháng sinh trong lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 và tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện Đề án về nâng cao nhận thức của cộng đồng, tăng cường Hệ thống giám sát quốc gia về sự kháng thuốc, sử dụng và tiêu thụ thuốc kháng vi sinh vật, tăng cường quản lý sử dụng kháng sinh trong thú y giai đoạn 2024-2030 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh (sau khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành).
- Phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan tuyên truyền, phổ biến về hướng dẫn sử dụng kháng sinh cho người trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh; tổ chức quản lý, giám sát chặt chẽ việc buôn bán, sử dụng thuốc kháng sinh tại các các cơ sở buôn bán thuốc thú y, các cơ sở trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh.
3. Sở Tài nguyên và Môi trường
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan và địa phương triển khai thực hiện đảm bảo đầy đủ, kịp thời và hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp có liên quan đến lĩnh vực quản lý tại Kế hoạch. Tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện Kế hoạch hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn thực hiện Kế hoạch.
- Chủ trì, tham mưu UBND tỉnh phê duyệt và triển khai Đề án giám sát kháng thuốc trong môi trường giai đoạn 2024-2030 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh (sau khi Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành).
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan và địa phương tổ chức kiểm tra, đánh giá tiến độ thực hiện, tổ chức sơ kết, tổng kết, báo cáo kịp thời các khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp tháo gỡ về UBND tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan có thẩm quyền.
Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan và địa phương triển khai thực hiện đảm bảo đầy đủ, kịp thời và hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp có liên quan đến lĩnh vực quản lý tại Kế hoạch. Tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện Kế hoạch hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn thực hiện Kế hoạch.
Phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh bố trí, phân bổ vốn đầu tư công (nếu có) trung hạn và hằng năm để thực hiện có hiệu quả các nội dung của Kế hoạch theo quy định của pháp luật.
Căn cứ chế độ, chính sách hiện hành, trên cơ sở đề nghị của các cơ quan, đơn vị có liên quan, tham mưu cấp có thẩm quyền cân đối ngân sách, bố trí nguồn kinh phí để thực hiện các nội dung hoạt động thuộc trách nhiệm của địa phương, theo quy định về phân cấp ngân sách hiện hành.
7. Sở Thông tin và Truyền thông
Chỉ đạo các cơ quan báo chí, hệ thống thông tin cơ sở thông tin, tuyên truyền về quan điểm, mục tiêu và tầm nhìn của Chiến lược quốc gia về phòng, chống kháng thuốc tại Việt Nam giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các nội dung tại Kế hoạch. Tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, đoàn thể, nhân viên y tế thú y và người dân thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật, các hướng dẫn, khuyến cáo về phòng, chống kháng thuốc trên địa bàn tỉnh.
8. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
Chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nghiên cứu các quy định, hướng dẫn của Trung ương để bổ sung, cập nhật nội dung về phòng, chống kháng thuốc trong các chương trình giảng dạy, đào tạo cho khối ngành sức khỏe phù hợp với quy định.
9. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bắc Ninh, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh
Chủ động, tích cực tuyên truyền, vận động hội viên, người dân có trách nhiệm tham gia phòng, chống kháng thuốc, sử dụng các thuốc kháng vi sinh vật hợp lý theo đúng quy định chuyên môn, tổ chức phản biện chính sách và giám sát hoạt động phòng, chống kháng thuốc.
10. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
- Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ đã được giao có trách nhiệm tổ chức và phối hợp thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch và các Đề án trọng điểm của Chiến lược trên địa bàn.
- Chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống kháng thuốc; tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống kháng thuốc để đạt các mục tiêu theo kế hoạch.
- Tổ chức kiểm tra, đôn đốc, giám sát, sơ kết, tổng kết việc thực hiện; tổng hợp báo cáo và kịp thời đề xuất kiến nghị điều chỉnh Kế hoạch phù hợp với tình hình thực tế.
Trên đây là Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng, chống kháng thuốc giai đoạn 2023-2030 và tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có khó khăn vướng mắc vượt thẩm quyền đề nghị Sở, ban, ngành và UBND huyện, thị xã, thành phố phản ánh về Sở Y tế tổng hợp, báo cáo, đề xuất trình UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh cho phù hợp./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.