ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2390/KH-UBND |
Gia Lai, ngày 16 tháng 10 năm 2024 |
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG PHỤC HỒI CHỨC NĂNG TỈNH GIA LAI GIAI ĐOẠN 2023-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
Triển khai Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 24/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển hệ thống phục hồi chức năng giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình phát triển hệ thống phục hồi chức năng tỉnh Gia Lai giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2050 như sau:
Phần I
ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG HỆ THỐNG PHỤC HỒI CHỨC NĂNG VÀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH QUỐC GIA PHÁT TRIỂN PHỤC HỒI CHỨC NĂNG GIAI ĐOẠN 2014-2020
I. THÔNG TIN CHUNG
Gia Lai là một trong 05 tỉnh tây nguyên, dân số 1.613.895 người[1] gồm 17 huyện, thị xã, thành phố; 220 xã, phường, thị trấn, 1.576 thôn, làng, tổ dân phố; bao gồm 44 dân tộc cùng sinh sống; trong đó người Kinh chiếm 52% dân số, dân tộc Ja-rai (33,5%), Ba Na (13,7%), một số dân tộc ít người ở miền bắc vào Gia Lai sinh sống tạo nên một bản sắc độc đáo về nền văn hóa đa dạng và cộng đồng các dân tộc Tây nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng.
Những năm gần đây hệ thống y tế Gia Lai từng bước được cải thiện và nâng lên về mặt chất lượng. Việc cung ứng các dịch vụ y tế được mở rộng, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số được khám chữa bệnh và hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng. Hiện nay tuyến tỉnh có 06 bệnh viện (01 bệnh viện Y dược cổ truyền – Phục hồi chức năng tỉnh), 02 Chi cục, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Kiểm nghiệm, Trung tâm Giám định Y khoa, Trung tâm Pháp y. Tuyến huyện có 17 Trung tâm Y tế và 220 trạm y tế. Tổng số giường bệnh toàn tỉnh là: 4.190 giường. Bác sĩ/vạn dân đạt 8,4; giường bệnh/vạn dân đạt 27.
Gia Lai có hệ thống phục hồi chức năng (PHCN) tương đối ổn định, hiện tại có 01 Bệnh viện Y Dược cổ truyền và PHCN tỉnh và hệ thống các Khoa/Bộ phận PHCN tại cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện.
Tỉnh Gia Lai là một trong các tỉnh có tỷ lệ người khuyết tật cao, theo thống kê sơ bộ hiện có khoảng 22.610 người; trong đó khuyết tật vận động 7.762 người, nghe nói: 1.618 người, nhìn: 1.186 người, thần kinh: 3.613 người, trí tuệ: 2.206 người, khác: 6.225 người[2].
Nguyên nhân gây khuyết tật chủ yếu: di chứng của bệnh tật, bẩm sinh, hậu quả chiến tranh, di chứng tai nạn lao động, tai nạn giao thông, sức khỏe tâm thần... Đa phần người khuyết tật và trẻ khuyết tật chưa được tiếp cận hoặc tiếp cận không được đầy đủ các dịch vụ chăm sóc y tế về công tác PHCN. Tình hình triển khai thực hiện can thiệp sớm, phẫu thuật chỉnh hình, cung cấp dụng cụ trợ giúp người khuyết tật còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được theo yêu cầu.
II. THỰC TRẠNG CÔNG TÁC PHỤC HỒI CHỨC NĂNG VÀ KẾT QUẢ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN KẾ HOẠCH QUỐC GIA PHÁT TRIỂN PHỤC HỒI CHỨC NĂNG GIAI ĐOẠN 2014-2020
1. Thực hiện các chính sách, pháp luật và phối hợp liên ngành
- Kế hoạch quốc gia phát triển PHCN giai đoạn 2014- 2020 được phê duyệt tại Quyết định số 4039/QĐ-BYT ngày 16/10/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế, từ năm 2014-2020, hàng năm Sở Y tế đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng (PHCNDVCĐ) chỉ đạo các đơn vị trong ngành và phối hợp UBND các huyện/thị xã/thành phố triển khai thực hiện đã góp phần củng cố phát triển hệ thống và nâng cao chất lượng dịch vụ PHCN.
- Kế hoạch số 1435/KH-UBND ngày 13 tháng 6 năm 2023 của UBND tỉnh về Thực hiện Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Gia Lai;
- Quyết định số 1019/QĐ-TTg ngày 5/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ; Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 324/QĐ-UBND, ngày 28/6/2013 về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án trợ giúp người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2013-2020;
- Kế hoạch số 3412/KH-UBND ngày 14/8/2015 của UBND tỉnh về phát triển PHCN tỉnh Gia Lai giai đoạn 2015-2020 trong đó có các nội dung cụ thể để chăm sóc sức khỏe người khuyết tật;
- Kế hoạch số 1839/KH-UBND ngày 15/7/2023 của UBND tỉnh về việc thực hiện các chương trình trợ giúp đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2021 – 2025.
2. Củng cố mạng lưới phục hồi chức năng
Qua các năm triển khai thực hiện Kế hoạch số 3412/KH-UBND ngày 14/8/2015 của UBND tỉnh về phát triển PHCN tỉnh Gia Lai giai đoạn 2015- 2020:
a) Tuyến tỉnh: Trên địa bàn tỉnh đã thành lập Bệnh viện YDCT-PHCN tỉnh với quy mô 130 giường bệnh và 01 khoa PHCN của Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã và đang hoạt động rất hiệu quả, từng bước nâng cao khả năng cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh của nhân dân.
b) Tuyến huyện: Hầu hết các Trung tâm Y tế (TTYT) huyện chưa thành lập Khoa PHCN, tuy nhiên đã thành lập 13 Tổ/đơn nguyên PHCN lồng ghép trong khoa YHCT-PHCN của đơn vị.
Việc thành lập mới các khoa YHCT - PHCN độc lập tại các bệnh viện đa khoa và TTYT đã góp phần gia tăng tỉ lệ người bệnh được điều trị bằng y học cổ truyền, PHCN trong các cơ sở khám chữa bệnh, khẳng định đường lối chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước nhất quán trong việc kết hợp YHCT với YHHĐ, trong đó có lĩnh vực PHCN; quy mô giường bệnh YHCT của bệnh viện ngày càng mở rộng với số giường trung bình là 5-10 giường bệnh YHCT-PHCN/đơn vị. Nhìn chung, các TTYT đã bố trí cơ bản đầy đủ các phòng và trang thiết bị cho hoạt động đông y như: đèn hồng ngoại, máy điện châm...và kết hợp thêm các máy chuyên ngành VLTL - PHCN để phục vụ công tác điều trị như: siêu âm, sóng ngắn, từ trường….
c) Tuyến xã: Hiện tại hầu hết các trạm tuyến xã chưa triển khai công tác khám chữa bệnh VLTL - PHCN vì thiếu nhân lực và trang thiết bị.
3. Triển khai phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng
a) Kiện toàn Ban Điều hành Chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng:
Sở Y tế đã sắp xếp bộ máy, bố trí 01 bác sỹ chuyên khoa YHCT tại Phòng Nghiệp vụ Y kiêm nhiệm theo dõi và tham mưu trong việc xây dựng kế hoạch, triển khai, kiểm tra, đôn đốc thực hiện về việc quản lý, triển khai công tác PHCN trên địa bàn tỉnh
Bệnh viện PHCN tỉnh được giao làm đầu mối triển khai Chương trình PHCN dựa vào cộng đồng đã phối hợp với y tế cơ sở tham mưu UBND các huyện, thị xã, thành phố kiện toàn Ban Điều hành Chương trình PHCN dựa vào cộng đồng từ huyện đến xã, lồng ghép trong Ban Chỉ đạo chăm sóc sức khỏe nhân dân.
b) Tổ chức các lớp tập huấn:
Sở Y tế phối hợp với Cục quản lý KCB, Bộ Y tế tổ chức lớp tập huấn phát hiện sớm – can thiệp sớm trẻ khuyết tật trên địa bàn tỉnh Gia Lai cho cán bộ quản lý, chuyên môn của tỉnh, các huyện, thành phố về nội dung cơ bản PHCNDVCĐ để phát huy khả năng quản lý, điều hành Chương trình PHCNDVCĐ; ban hành Công văn số 1286/SYT-NVY ngày 29/8/2019 về việc triển khai phát hiện sớm - can thiệp sớm trẻ khuyết tật trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Tập huấn cho 40 cán bộ TTYT, TYT các của các huyện, thị xã, thành phố các bước triển khai hoạt động PHCNDVCĐ, cách phát hiện sớm, can thiệp sớm và điều tra, thu thập thông tin người khuyết tật theo biểu mẫu, hướng dẫn luyện tập các dạng khuyết tật có tại địa phương;
Tập huấn sử dụng hệ thống Quản lý sức khỏe và PHCN người khuyết tật, quản lý số liệu, các biểu mẫu báo cáo;
c) Khám sàng lọc, phát hiện sớm và can thiệp sớm người khuyết tật tại cộng đồng
Bệnh viện YDCT - PHCN tỉnh phối hợp với TTYT các huyện, thị xã, thành phố tổ chức khám sàng lọc, phát hiện sớm và can thiệp sớm người khuyết tật tại cộng đồng, phân loại khuyết tật, xác định nhu cầu PHCN của người khuyết tật tại địa phương; thu thập số liệu người khuyết tật, cập nhật thông tin của người khuyết tật trên hệ thống Quản lý sức khỏe và PHCN người khuyết tật.
Triển khai Đề án Sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh được triển khai trên địa bàn tỉnh Gia Lai từ năm 2009; đến nay, đề án đã triển khai tại 220 xã, phường của 17 huyện, thị xã, thành phố với 13 đơn vị thực hiện việc lấy mẫu máu thường xuyên. Tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh bằng kỹ thuật siêu âm tăng từ 15% năm 2018 lên 30% vào năm 2023. Tỷ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc bằng kỹ thuật xét nghiệm (ít nhất 2 bệnh: suy giáp trạng bẩm sinh và thiếu men G6PD) tăng từ 15% năm 2018 lên 30% năm 2023. Tuy nhiên, ước chung cả tỉnh, tỷ lệ sàng lọc trước sinh đủ 4 bệnh và tỷ lệ sàng lọc sơ sinh đủ 5 bệnh đều đạt dưới 30% theo gói dịch vụ cơ bản.
Thông qua các hệ thống truyền thanh, truyền hình huyện, thị xã, thành phố và các buổi tư vấn truyền thông trực tiếp vận động các bà mẹ mang thai nên đi khám thai định kỳ ít nhất 3 lần trong suốt thời gian mang thai, nhằm theo dõi phát hiện sớm các dị tật bẩm sinh, tư vấn, giới thiệu bệnh nhân lên tuyến trên để được khám sàng lọc, phát hiện và có phương pháp điều trị phù hợp cho từng loại khuyết tật mà bệnh nhân mắc phải.
Bệnh viện YDCT - PHCN đã tham gia “Tiểu Đề án trợ giúp người tàn tật-Bộ Y tế” năm 2009 và 2010, chủ yếu triển khai chương trình PHCN dựa vào cộng đồng tại 02 xã Ia Ka và Ia Mơ Nông thuộc huyện Chư Păh. Đã tiến hành điều tra khảo sát mô hình bệnh tật tại 02 xã này, triển khai tập huấn cho cộng tác viên, người khuyết tật, thân nhân người khuyết tật. Tiến hành tập luyện PHCN tại nhà cho 37 người khuyết tật, hướng dẫn sản xuất một số dụng cụ trợ giúp đơn giản từ các vật liệu tre, nứa, gỗ…04 chuyên đề được triển khai đó là: PHCN cho trẻ bại não, cho bệnh nhân di chứng TBMMN, tổn thương cột sống, gù vẹo cột sống.
d) Công tác khám chữa bệnh, phục hồi chức năng trung bình/năm:
Tổng số khám và điều trị, PHCN so với tỷ lệ khám chữa bệnh chung đạt tỷ lệ thấp: 1,68%; Tổng số lượt điều trị ngoại trú PHCN so với tỷ lệ khám chữa bệnh ngoại trú chung: 1,92%; Tổng số lượt điều trị nội trú PHCN so với tỷ lệ khám chữa bệnh nội trú chung: 1,1%. Đa số bệnh nhân được điều trị lồng ghép trong khoa YDCT của các đơn vị và chủ yếu tập trung ở tuyến tỉnh.
4. Tăng cường hệ thống cung cấp dịch vụ và chuyên môn kỹ thuật
- Kết quả việc kiện toàn, phát triển hệ thống, mạng lưới PHCN từ tỉnh đến huyện, xã theo quy định Thông tư số 46/2013/TT-BYT và Thông tư số 24/2021/TT-BYT:
+ Bệnh viện YDCT - PHCN tỉnh Gia Lai đã kiện toàn cơ cấu tổ chức theo quy định tại Thông tư số 46/2013/TT-BYT, cơ bản đảm bảo các khoa, phòng chuyên môn.
+ Khoa PHCN của Bệnh viện Đa khoa tỉnh và các khoa/tổ PHCN tại các Bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh, Bệnh viện/Trung tâm Y tế tuyến huyện đã kiện toàn cơ cấu tổ chức theo quy định tại Thông tư số 46/2013/TT-BYT.
- Kết quả triển khai các kỹ thuật PHCN theo quy định Thông tư số 24/2021/TT-BYT sửa đổi, bổ sung Thông tư số 46/2013/TT-BYT và Hướng dẫn thực hiện về chuyên môn kỹ thuật PHCN:
+ Bệnh viện YDCT - PHCN tỉnh Gia Lai đã cơ bản thực hiện các kỹ thuật PHCN theo quy định Thông tư số 24/2021/TT-BYT.
+ Khoa PHCN của Bệnh viện Đa khoa tỉnh và các khoa/tổ PHCN tại các Bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh, Bệnh viện/Trung tâm Y tế tuyến huyện chủ yếu mới thực hiện được các kỹ thuật vật lý trị liệu và vận động trị liệu theo quy định Thông tư số 24/2021/TT-BYT.
+ Quy trình kỹ thuật được cập nhật và triển khai kịp thời, các đơn vị đã đăng ký và áp dụng quy trình kỹ thuật PHCN theo các Quyết định hướng dẫn của Bộ Y tế.
5. Sự phối hợp liên ngành trong việc thực hiện chính sách về quyền trẻ em khuyết tật trong khám chữa bệnh, phục hồi chức năng
Trên cơ sở Quyết định 1019/QĐ-TTg ngày 5/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012- 2020; Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 324/QĐ-UBND, ngày 28/6/2013 về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án trợ giúp người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2013-2020. Theo đó các Sở, ban ngành của tỉnh đã phối hợp triển khai và đạt được những kết quả như sau:
- 100% người khuyết tật được cấp giấy chứng nhận khuyết tật khi có yêu cầu; 100% người khuyết tật đủ điều kiện được hưởng chính sách bảo trợ xã hội.
- 55% người khuyết tật được tiếp cận các dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau.
- Trẻ em sơ sinh đến 6 tháng tuổi được sàng lọc, phát hiện sớm khuyết tật bẩm sinh, rối loạn phát triển và được can thiệp sớm các dạng khuyết tật: khoảng 25% trẻ được sàng lọc bằng phương pháp lấy máu gót chân; khoảng 45% trẻ được sàng lọc bằng phương pháp siêu âm hoặc sử dụng các bộ Test: Double test và Triple Test.
- Số lượng trẻ em và NKT được phẫu thuật chỉnh hình, PHCN và cung cấp dụng cụ trợ giúp phù hợp: Theo số liệu thống kê ngành y tế; tổng số người khuyết tật do bệnh phong được cấp dụng cụ hỗ trợ: 71 người; 35 người khuyết tật về vận động được cấp xe lăn; hàng năm Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Bệnh viện PHCN Đà Nẵng, Quy Nhơn khám sàng lọc và tổ chức phẫu thuật cho trên 100 người khuyết tật. Từ năm 2013- 2019 phối hợp với các tổ chức cấp 400 xe lăn, xe lắc cho 400 người khuyết tật trên địa bàn tỉnh.
III. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC CHỈ TIÊU, MỤC TIÊU CỦA KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN PHỤC HỒI CHỨC NĂNG GIAI ĐOẠN 2015-2020
STT |
Mục tiêu/chỉ tiêu |
Chỉ tiêu đặt ra đến năm 2020 |
Kết quả thực hiện |
Đánh giá: Đạt/Không đạt |
Lý do |
|
Mục tiêu 1: Củng cố và phát triển mạng lưới PHCN |
||||
1 |
Tuyến xã: 90% số trạm Y tế xã có phân công cán bộ y tế phụ trách công tác PHCN, cán bộ này được bồi dưỡng kiến thức cơ bản về PHCN |
90% |
20% |
Không đạt |
Thiếu nhân lực |
2 |
Tuyến huyện: 90% bệnh viện huyện có tổ chức PHCN (khoa, phòng, tổ PHCN), trong đó có bác sỹ (hoặc y sỹ), kỹ thuật viên được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về chuyên ngành PHCN |
90% |
76,47% |
Không đạt |
Hiện còn 04 TTYT chưa thành lập khoa YDCT- PHCN |
3 |
Tuyến tỉnh: Có Bệnh viện PHCN tỉnh, Bệnh viện đa khoa tỉnh thành lập khoa PHCN và trên 50% các bệnh viện chuyên khoa thành lập khoa PHCN |
- Có BV PHCN tỉnh; - BV Đa khoa tỉnh có khoa PHCN; - Có trên 50% bệnh viện chuyên khoa thành lập khoa/tổ PHCN |
- Có BV PHCN tỉnh; - BV Đa khoa tỉnh có khoa PHCN; - Có 1/3 bệnh viện chuyên khoa đã thành lập khoa/tổ PHCN |
Chưa đạt |
Thiếu nhân lực |
|
Mục tiêu 2: Đẩy mạnh công tác PHCN dựa vào cộng đồng |
||||
4 |
100% các cơ sở PHCN có hoạt động tuyên truyền về phòng ngừa khuyết tật, về PHCN và PHCNDVCĐ |
100% |
100% |
Đạt |
|
5 |
Duy trì chương trình PHCNDVCĐ tại ít nhất 40% số xã/phường/thị trấn |
40% |
0% |
Không đạt |
Thiếu nguồn kinh phí triển khai |
6 |
Triển khai mô hình PHCNDVCĐ tại các Trạm Y tế xã/phường/thị trấn |
70% |
0/220 Trạm Y tế |
Không đạt |
Thiếu nguồn kinh phí triển khai |
|
Mục tiêu 3: Nâng cao năng lực cho cán bộ chuyên ngành PHCN |
||||
7 |
Bệnh viện PHCN có đầy đủ chức danh chuyên môn theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 46/2013/TT- BYT |
Đầy đủ chức danh chuyên môn |
Chưa đầy đủ chức danh chuyên môn |
Không đạt |
Thiếu chức danh Cử nhân ngôn ngữ (âm ngữ) trị liệu |
IV. ĐÁNH GIÁ CÁC HẠN CHẾ, TỒN TẠI VÀ NGUYÊN NHÂN
1. Hạn chế, tồn tại
- Việc triển khai Luật Người khuyết tật chưa đồng bộ đến các cấp, các ban, ngành, đoàn thể và cơ quan đơn vị.
- Một số địa phương công tác tuyên truyền chưa được quan tâm đúng mức, thường chỉ dừng lại ở việc đưa tin hội nghị hoặc một số hoạt động tặng quà nhân ngày lễ, tết; công tác tuyên truyền chưa đi vào chiều sâu, các công trình văn hóa công cộng, các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao dành riêng cho người khuyết tật chưa phổ biến.
- Một số quy định về người khuyết tật như: Chăm sóc sức khỏe, PHCN, học văn hóa, về dạy nghề và việc làm; hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, sử dụng công trình công cộng hay khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thu hút lao động là người khuyết tật chưa được các ngành, các cấp quan tâm thực hiện đầy đủ.
- Nguồn kinh phí hoạt động chương trình quản lý sức khỏe và PHCN người khuyết tật còn rất hạn hẹp.
- Cán bộ làm công tác PHCN cho các tuyến chưa đảm bảo về cơ cấu, chất lượng, nhất là nguồn nhân lực phụ trách PHCN và Chương trình PHCNDVCĐ hầu hết nhân lực còn kiêm nhiệm, chưa có chế độ phù hợp với cán bộ làm công tác PHCN và cộng tác viên.
- Bệnh viện YDCT - PHCN tỉnh xây dựng đã lâu, cơ sở hạ tầng kỹ thuật còn hạn chế nên chưa thành lập được Trung tâm Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng.
- Việc ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong quản lý người khuyết tật còn hạn chế.
- Người khuyết tật có tham gia BHYT nhưng phải đồng chi trả phí dịch vụ khám chữa bệnh và BHYT không có cơ chế thanh toán chi phí dụng cụ PHCN, dụng cụ trợ giúp (rất cần đối với người khuyết tật, người có khó khăn trong sinh hoạt, lao động, học tập, làm việc...) theo khoản 8, điều 23 Luật Bảo hiểm Y tế.
2. Nguyên nhân
Đến nay, chưa có một kế hoạch tổng thể để định hướng, tăng cường đầu tư, phát triển công tác PHCN cho bệnh viện YDCT-PHCN tỉnh cũng như các đơn vị trên địa bàn toàn tỉnh.
Phần II
KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG PHỤC HỒI CHỨC NĂNG GIAI ĐOẠN 2023-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
I. MỤC ĐÍNH, YÊU CẦU
1. Mục đích
Triển khai cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 24/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình phát triển hệ thống PHCN giai đoạn 2023- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm củng cố kiện toàn hệ thống PHCN tại các cơ sở y tế thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, PHCN người khuyết tật.
Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, PHCN người khuyết tật; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của đối tượng, thực hiện hiệu quả chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
2. Yêu cầu
Bảo đảm thực hiện tốt Chỉ thị số 39-CT/TW và Quyết định số 569/QĐ- TTg trong công tác nâng cao chất lượng bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ người khuyết tật và nhân dân.
Đề ra các giải pháp thực hiện sát với tình hình thực tế và điều kiện nguồn lực của địa phương. Bố trí ngân sách và có cơ chế, chính sách tăng cường công tác huy động nguồn lực để triển khai, thực hiện các hoạt động của Kế hoạch.
Các sở, ban, ngành, địa phương, tổ chức, đơn vị phối hợp chặt chẽ, đồng bộ và thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch; tổ chức sơ kết, tổng kết thực hiện theo quy định.
II. MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU
1. Mục tiêu chung
Bảo đảm cho người khuyết tật và người có nhu cầu được tiếp cận dịch vụ PHCN có chất lượng, toàn diện, liên tục và công bằng, giảm tỷ lệ khuyết tật trong cộng đồng, góp phần vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội.
2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030
a) Mục tiêu 1. Tăng cường phòng ngừa khuyết tật trước sinh và sơ sinh, phát hiện và can thiệp sớm khuyết tật, giảm tỷ lệ khuyết tật trong cộng đồng.
- Đảm bảo trên 90% trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi được sàng lọc phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật;
- 90% các xã/phường/thị trấn triển khai mô hình PHCN dựa vào cộng đồng.
b) Mục tiêu 2. Duy trì, củng cố, kiện toàn và phát triển hệ thống mạng lưới cơ sở PHCN.
Đảm bảo trên 90% cơ sở PHCN (gồm: Bệnh viện PHCN; Trung tâm PHCN; Khoa PHCN thuộc các cơ sở y tế) được duy trì, củng cố, kiện toàn và đầu tư phát triển.
c) Mục tiêu 3. Nâng cao chất lượng dịch vụ kỹ thuật PHCN.
- Đầu tư kiện toàn Bệnh viện YDCT - PHCN thành Bệnh viện YDCT - PHCN và Điều dưỡng. Đầu tư phát triển các dịch vụ chăm sóc điều dưỡng, thành lập các Trung tâm điều dưỡng thuộc Bệnh viện tại các khu du lịch sinh thái của tỉnh. Điểm chất lượng bệnh viện đạt mức khá trở lên theo tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện của Bộ Y tế; Thành lập Khoa VLTL-PHCN thuộc bệnh viện để đa dạng dịch vụ kỹ thuật.
- 100% các bệnh viện, đơn vị cung cấp dịch vụ PHCN trực thuộc Sở Y tế đạt chỉ tiêu phát triển chuyên môn kỹ thuật, dụng cụ chỉnh hình, PHCN theo quy hoạch, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
d) Mục tiêu 4. Phát triển nguồn nhân lực PHCN.
Phấn đấu đạt tỷ lệ nhân viên y tế làm việc trong lĩnh vực PHCN tối thiểu 0,5 người/10.000 dân.
3. Tầm nhìn đến năm 2050
- Công tác PHCN được phát triển tại các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập với sự đa dạng về phương pháp can thiệp đảm bảo cung cấp dịch vụ PHCN toàn diện, liên tục, chất lượng.
- Đẩy mạnh hoạt động PHCN dựa vào cộng đồng trở thành biện pháp chiến lược để giải quyết vấn đề khuyết tật trong tỉnh; tiếp tục triển khai và duy trì mô hình PHCN dựa vào cộng đồng trong toàn tỉnh và được tích hợp nhiều dịch vụ xã hội khác ngoài cơ sở y tế.
- Mọi người dân đều được tiếp cận với các dịch vụ sàng lọc, phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật và các kỹ thuật PHCN thiết yếu, phù hợp theo nhu cầu.
III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP
1. Hoàn thiện cơ chế chính sách, hướng dẫn chuyên môn liên quan đến công tác phục hồi chức năng
a) Hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn chuyên môn liên quan đến công tác PHCN
- Tiếp tục rà soát nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật về PHCN cho người khuyết tật đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn đảm bảo cho người khuyết tật, người dân có nhu cầu được chăm sóc, PHCN;
- Nghiên cứu xây dựng chính sách chi trả bảo hiểm y tế đối với người khuyết tật sử dụng dụng cụ PHCN, công nghệ trợ giúp, thiết bị, vật liệu PHCN, trang thiết bị y tế đặc thù cá nhân và hoạt động PHCN dựa vào cộng đồng;
- Xây dựng vị trí việc làm của các chức danh nghề nghiệp trong lĩnh vực PHCN. Đảm bảo chế độ phụ cấp và chính sách ưu đãi cho viên chức, người lao động trong lĩnh vực PHCN theo quy định hiện hành.
b) Lồng ghép các hoạt động PHCN dựa vào cộng đồng với các Chương trình mục tiêu quốc gia về y tế và các chương trình, đề án liên quan khác để tiết kiệm nguồn nhân lực, vật lực; Tăng cường phối hợp giữa các sở, ngành trong chỉ đạo, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở PHCN.
2. Duy trì, củng cố, nâng cấp, phát triển hệ thống phục hồi chức năng và phát triển chuyên môn kỹ thuật phục hồi chức năng
a) Duy trì, củng cố, kiện toàn Bệnh viện YDCT - PHCN tỉnh để phát huy vai trò là bệnh viện tuyến cuối về PHCN của tỉnh và thành lập Trung tâm VLTL-PHCN thuộc bệnh viện để thực hiện tốt công tác PHCN cho NKT, người bị bệnh nghề nghiệp và các đối tượng khác có nhu cầu. Phát triển các trung tâm, khoa PHCN của các cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện. Khuyến khích phát triển mạng lưới cơ sở PHCN ngoài công lập.
b) Củng cố và phát triển trạm y tế xã phường: Đảm bảo cung cấp dịch vụ PHCN theo phân tuyến chuyên môn kỹ thuật và PHCN dựa vào cộng đồng.
c) Duy trì, củng cố, nâng cấp và phát triển các đơn vị y tế: Bệnh viện, Trung tâm y tế, khoa PHCN, các đơn vị cung cấp dịch vụ PHCN thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trên cơ sở quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
d) Phát triển chuyên môn kỹ thuật, tăng cường ứng dụng phương pháp mới, kỹ thuật mới, chuyên sâu và phối hợp điều trị, chuyển tuyến trong lĩnh vực PHCN; thực hiện các chương trình, đề án, dự án về PHCN, trong đó chú trọng phòng ngừa, phát hiện sớm, can thiệp sớm trẻ em khuyết tật.
3. Duy trì, nâng cao chất lượng chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng
a) Kiện toàn mạng lưới phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng
- Củng cố, kiện toàn Ban chăm sóc sức khỏe nhân dân của địa phương.
- Tập huấn và tập huấn nhắc lại đối với cán bộ, cộng tác viên chương trình PHCNDVCĐ, nhân viên công tác xã hội, người khuyết tật và gia đình người khuyết tật về PHCNDVCĐ tại 100% xã, phường, thị trấn.
- Thực hiện hướng dẫn PHCN cho người khuyết tật tại nhà, nhằm đánh giá sự tiến bộ của người khuyết tật, tư vấn và tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật được tiếp cận với các dịch vụ y tế, giáo dục, lao động và các hoạt động xã hội khác.
- Thực hiện lồng ghép các hoạt động PHCNDVCĐ với hoạt động của các chương trình y tế khác.
b) Phát triển mạng lưới phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng:
Phát triển mạng lưới PHCNDVCĐ và triển khai đồng bộ mô hình PHCNDVCĐ trên địa bàn tỉnh.
c) Đẩy mạnh hoạt động phòng ngừa khuyết tật
- Tổ chức thực hiện các hoạt động phòng ngừa khuyết tật trước sinh và sơ sinh, phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật.
- Kết hợp tuyên truyền các biện pháp phòng ngừa, sàng lọc trước sinh trong các chương trình khác như: Sức khỏe sinh sản, tiêm chủng mở rộng,…
d) Tổ chức PHCNDVCĐ cho người khuyết tật là các đối tượng đặc biệt: Người có công với cách mạng, nạn nhân chất độc da cam, dioxin, người cao tuổi, người tâm thần và trẻ tự kỷ.
đ) Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý sức khỏe người khuyết tật:
Cập nhật và duy trì bộ công cụ thu thập thông tin; Hệ thống quản lý sức khỏe NKT; kết hợp với hệ thống thông tin quản lý sức khỏe cá nhân; ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất và cung ứng dụng cụ PHCN.
4. Đảm bảo nguồn nhân lực
a) Công tác đào tạo: Tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực về PHCN cho các cơ sở khám, chữa bệnh để đảm bảo các chức danh chuyên môn về PHCN theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 46/2013/TT-BYT ngày 31/12/2023 của Bộ trưởng Bộ Y tế và Thông tư số 24/2021/TT-BYT của Bộ Y tế về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 46/2013/TT-BYT ngày 31/12/2023 của bộ trưởng Bộ Y tế quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của cơ sở PHCN.
b) Công tác đào tạo liên tục: Tăng cường đào tạo liên tục, cập nhật kiến thức, kỹ năng về PHCN cho đội ngũ nhân viên y tế PHCN phù hợp với chức danh nghề nghiệp và vị trí việc làm.
5. Nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế
a) Hợp tác quốc tế: Khuyến khích hợp tác với Tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ hoạt động về lĩnh vực PHCN, PHCNDVCĐ.
b) Nghiên cứu, đánh giá cung cấp bằng chứng khoa học mô hình: Phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật trẻ em 0 đến 6 tuổi và trẻ tự kỷ, can thiệp sớm PHCN người bệnh tại các bệnh viện tuyến tỉnh, Bệnh viện/Trung tâm Y tế tuyến huyện; PHCN theo nhóm đa chuyên ngành trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; nghiên cứu chi trả bảo hiểm y tế đối với kỹ thuật PHCN.
6. Tăng cường truyền thông và vận động xã hội
a) Tuyên truyền, phổ biến, vận động các cấp, các ngành, đoàn thể và người dân: Thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật, các hướng dẫn chuyên môn về PHCN, các khuyến cáo về phòng ngừa, phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật.
b) Xây dựng và cung cấp các chương trình, tài liệu truyền thông: Chú trọng lĩnh vực PHCN và PHCNDVCĐ; đa dạng hóa phương thức, cách thức trên các kênh truyền thông, lồng ghép vào các chương trình truyền thông y tế khác.
c) Vận động xã hội: Khuyến khích, huy động các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước triển khai thực hiện các chương trình hỗ trợ người khuyết tật.
7. Kiểm tra, giám sát, thông tin báo cáo, đánh giá
a) Xây dựng hệ thống kiểm tra, giám sát: Mở rộng hoạt động PHCN, lồng ghép trong hệ thống thông tin y tế quốc gia để theo dõi, dự báo, giám sát yếu tố nguy cơ, số người khuyết tật và tử vong, đáp ứng của hệ thống y tế và hiệu quả các biện pháp chăm sóc, can thiệp PHCN.
b) Đánh giá tiến độ thực hiện: Tăng cường tổ chức giám sát, đánh giá các hoạt động PHCN trong phòng ngừa khuyết tật, tiến độ thực hiện Chương trình và các chính sách liên quan.
c) Đánh giá kết quả và đề xuất hoàn thiện văn bản: Hằng năm tổ chức đánh giá việc triển khai thực hiện Chương trình, đánh giá mô hình, kịp thời đề xuất bổ sung, sửa đổi Chương trình phù hợp.
IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN
Kinh phí thực hiện Kế hoạch bao gồm:
1. Nguồn ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán chi thường xuyên và kế hoạch đầu tư công trung hạn hàng năm của tỉnh; các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án, đề án liên quan khác để thực hiện các hoạt động của Chương trình theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
2. Nguồn do quỹ Bảo hiểm y tế chi trả cho dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và PHCN.
3. Đóng góp, hỗ trợ hợp pháp của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
4. Nguồn hợp pháp khác.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Y tế
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, đơn vị, cơ sở liên quan triển khai thực hiện các nội dung của Kế hoạch.
- Tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện Kế hoạch, xây dựng Kế hoạch hoạt động giai đoạn và dự toán chi tiết hàng năm gửi Sở Tài chính thẩm định cấp kinh phí để triển khai thực hiện kế hoạch theo quy định.
- Triển khai các hoạt động truyền thông giáo dục về vai trò, tầm quan trọng của PHCN và triển khai các hoạt động nâng cao sức khỏe, dự phòng, phát hiện sớm và quản lý điều trị, PHCN cho người lao động thuộc phạm vi quản lý.
- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch thực hiện công tác chỉ đạo tuyến, triển khai Đề án 1816 về chăm sóc sức khỏe và PHCN cho tuyến dưới theo chương trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Làm đầu mối liên kết mở rộng hợp tác chuyển giao, hỗ trợ chuyên môn, công tác đào tạo nâng cao năng lực PHCN.
- Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, giám sát, đánh giá, sơ kết, tổng kết việc thực hiện; tổng hợp báo cáo và kịp thời đề xuất kiến nghị điều chỉnh Kế hoạch phù hợp với tình hình thực tế, báo cáo UBND tỉnh.
2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
- Chủ trì, phối hợp các sở ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện Quyết định số 1942/QĐ-TTg ngày 18/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người có công với cách mạng, người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật và các đối tượng cần trợ giúp xã hội giai đoạn 2021-2030.
- Phối hợp với Sở Y tế trong các hoạt động truyền thông giáo dục về vai trò, tầm quan trọng của PHCN và triển khai các hoạt động nâng cao sức khỏe, dự phòng, phát hiện sớm và quản lý điều trị, PHCN cho người lao động thuộc phạm vi quản lý.
- Khuyến khích các cơ quan, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp nhận người khuyết tật vào làm việc; tạo điều kiện trong việc thực hiện chế độ ưu đãi đối với các cơ sở sản xuất dành riêng cho người khuyết tật.
3. Sở Giáo dục và Đào tạo
- Phối hợp với Sở Y tế triển khai các hoạt động truyền thông giáo dục về vai trò, tầm quan trọng của PHCNDVCĐ; triển khai các hoạt động nâng cao sức khỏe, dự phòng, phát hiện sớm và quản lý PHCN cho trẻ em khuyết tật tại các trường học.
- Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đưa trẻ khuyết tật (các giác quan bình thường) ở độ tuổi đi học vào học hòa nhập tại các cơ sở giáo dục; tham gia các hoạt động phù hợp của Chương trình PHCNDVCĐ
4. Sở Tài chính
Trên cơ sở dự toán của Sở Y tế và các đơn vị liên quan xây dựng, tổng hợp, cân đối theo khả năng ngân sách để tham mưu cấp thẩm quyền xem xét, bố trí kinh phí để triển khai thực hiện Kế hoạch theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn liên quan.
5. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị có liên quan tổng hợp nhu cầu, tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí cho các công trình, dự án đầu tư cơ sở hạ tầng hệ thống PHCN trên địa bàn tỉnh trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm đảm bảo theo quy định của Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn liên quan.
6. Bảo hiểm xã hội tỉnh
- Phối hợp với Sở Y tế, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội và các địa phương đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động người khuyết tật tham gia bảo hiểm y tế.
- Phối hợp Sở Y tế trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các hướng dẫn chi trả bảo hiểm y tế đối với các dịch vụ PHCN theo quy định hiện hành nhằm mở rộng diện bao phủ bảo hiểm y tế và bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho người khuyết tật khi tham gia bảo hiểm y tế.
7. Các Sở, ban ngành liên quan
Trong phạm vi, chức năng, nhiệm vụ có kế hoạch lồng ghép các nội dung về PHCNDVCĐ vào các hoạt động của ngành để phối hợp triển khai thực hiện Kế hoạch.
8. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên
Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ tham gia tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này; chỉ đạo các đoàn, hội cơ sở đẩy mạnh truyền thông, lồng ghép công tác tuyên truyền, giáo dục tư vấn pháp luật, chính sách đến đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, vận động hội viên và nhân dân tham gia thực hiện chương trình phát triển hệ thống PHCN và nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ người khuyết tật; đồng thời phối hợp với các ngành vận động các tổ chức, cá nhân tham gia ủng hộ Quỹ giúp đỡ người khuyết tật.
9. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
- Xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người có công với cách mạng, người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật và các đối tượng cần trợ giúp xã hội trên địa bàn giai đoạn 2021-2030 và hàng năm phù hợp với đặc điểm tình hình tại địa phương.
- Bố trí đủ nguồn lực, cơ sở vật chất, thực hiện lồng ghép Kế hoạch này với các chương trình, nhiệm vụ, đề án, dự án khác để triển khai thực hiện hiệu quả tại địa phương.
- Phối hợp với Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Y tế tuyến huyện triển khai Chương trình PHCNDVCĐ theo hướng dẫn của Sở Y tế; đưa mục tiêu, chỉ tiêu thực hiện vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
- Chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình PHCNDVCĐ; tạo điều kiện để cơ quan tổ chức hoặc tham gia thực hiện hoạt động PHCNDVCĐ.
- Tổ chức kiểm tra, đôn đốc, giám sát, đánh giá, sơ kết, tổng kết việc thực hiện; tổng hợp báo cáo và kịp thời đề xuất kiến nghị điều chỉnh Kế hoạch phù hợp với tình hình thực tế, báo cáo UBND tỉnh (thông qua Sở Y tế).
VI. CHẾ ĐỘ THÔNG TIN BÁO CÁO, THEO DÕI, ĐÁNH GIÁ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH
Các Sở, ban, ngành, các đơn vị, địa phương căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ liên quan để thực hiện Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình phát triển hệ thống PHCN giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Định kỳ báo cáo kết quả thực hiện hàng năm (trước ngày 15/11) hoặc báo cáo đột xuất (nếu có) về Sở Y tế để tổng hợp báo cáo Bộ Y tế, UBND tỉnh theo quy định.
Trong quá trình triển khai, thực hiện Kế hoạch nếu có vướng mắc, các đơn vị kịp thời phản ánh về Sở Y tế để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh và Bộ Y tế./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.