ỦY BAN NHÂN DÂN
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 232/KH-UBND |
Cần Thơ, ngày 19 tháng 11 năm 2021 |
Thực hiện Quyết định số 2246/QĐ-BNN-KTHT ngày 17 tháng 6 năm 2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 1033-NQ/BCSĐ ngày 20 tháng 4 năm 2020 của Ban Cán sự Đảng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn giai đoạn 2021 - 2025, Ủy ban nhân dân dân thành phố ban hành Kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn thành phố Cần Thơ, với nội dung như sau:
I. NHU CẦU NÂNG CAO TRÌNH ĐỘ CHO LAO ĐỘNG SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP
Thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn thành phố Cần Thơ đến năm 2020, thành phố đã đào tạo nghề cho 33.808 lao động, với 72 nghề (trong đó: 25 nghề nông nghiệp và 47 nghề phi nông nghiệp). Đối với, công tác đào tạo nghề nông nghiệp đã đào tạo 7.463 lao động (đạt 57,4% mục tiêu đề án), phân theo nhóm nghề nông nghiệp:
- Nhóm nghề trồng trọt: 6.264 lao động (84%).
- Nhóm nghề chăn nuôi: 967 lao động (13%).
- Nhóm nghề nuôi thủy sản nước ngọt: 198 lao động (2,6%).
- Nhóm nghề dịch vụ nông nghiệp: 34 lao động (0,4%).
Lao động nông thôn sau đào tạo đã nâng cao nhận thức, áp dụng kiến thức vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi từ sản xuất truyền thống sang sản xuất tuân thủ quy trình an toàn góp phần cải thiện chất lượng nông sản và nâng cao giá trị nông sản. 30% lao động nông thôn sau khi học nghề đã tham gia vào các Hợp tác xã nông nghiệp, tổ hợp tác cùng liên kết sản xuất, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu và áp dụng quy trình sản xuất VietGAP… hình thành vùng sản xuất tập trung, phát huy hiệu quả sau đào tạo, tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp. Nguồn nhân lực sau đào tạo đã góp phần xây dựng các mô hình sản xuất ứng dụng nông nghiệp cao, mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, mô hình sản xuất tập trung… thực hiện thành công tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2010 - 2020.
Tuy nhiên, nguồn nhân lực phục vụ sản xuất nông nghiệp hiện nay của thành phố có xu hướng giảm dần qua các năm do xu hướng chuyển dịch lao động từ nông thôn ra thành thị; nguồn nhân lực qua đào tạo phục vụ sản xuất nông nghiệp vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp, công tác đào tạo còn dàn trải, chưa trọng tâm.
Hiện nay, thành phố đang triển khai nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn như: Nghị định 52/2018/NĐ-CP, Nghị định 57/2018/NĐ-CP, Nghị định 98/2018/NĐ-CP… nên yêu cầu nguồn nhân lực từ các Hợp tác xã nông nghiệp, trang trại, cơ sở sản xuất ngành nghề nông thôn phải được qua đào tạo có chuyên môn kỹ thuật tốt, kỹ năng nghề phù hợp để đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2021 - 2025 của thành phố đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp đô thị theo chuỗi giá trị; mở rộng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, gắn với chế biến và xuất khẩu các sản phẩm chủ lực. Do vậy, công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trong thời gian tới rất cần thiết.
II. KẾ HOẠCH ĐÀO TẠO NGHỀ NÔNG NGHIỆP CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN, GIAI ĐOẠN 2021 - 2025
1. Mục tiêu
a) Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành nông nghiệp, góp phần phát triển sản xuất theo hướng hiện đại, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
b) Đào tạo 5.500 lao động nông thôn, có ít nhất 85% lao động sau đào tạo có việc làm ổn định và tăng thu nhập.
c) Ưu tiên đào tạo lao động làm việc trong vùng sản xuất hàng hóa tập, dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; lao động trong các HTX, trang trại; lao động tham gia vào chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của thành phố; lao động là người khuyết tật, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ bị thu hồi đất sản xuất nông nghiệp, phụ nữ.
2. Các nội dung hoạt động
a) Tuyên truyền, tư vấn học nghề nông nghiệp và việc làm đối với lao động nông thôn (LĐNT)
Lồng ghép với các hoạt động của ngành nông nghiệp tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người lao động về tầm quan trọng của học nghề, áp dụng kỹ năng, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm tăng năng suất cây trồng, chất lượng vật nuôi, thu nhập và tạo công ăn việc làm; đồng thời thông tin về chính sách Đào tạo nghề nông nghiệp, các thông tin hướng nghiệp, nhu cầu tuyển dụng... cho LĐNT.
b) Khảo sát và dự báo nhu cầu đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động
Hàng năm, phối hợp với địa phương rà soát, cập nhật thông tin nhu cầu học nghề của người lao động; nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo nghề của các doanh nghiệp, HTX, trang trại, cơ sở sản xuất kinh doanh… để xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng năm.
c) Hỗ trợ đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn
- Hỗ trợ chi phí đào tạo nghề.
- Hỗ trợ tiền ăn, đi lại đối với người có công cách mạng, khuyết tật, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ bị thu hồi đất sản xuất nông nghiệp, lao động nữ mất việc làm.
đ) Kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch
- Thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động thôn.
- Báo cáo, tổng hợp, phân tích thực hiện kế hoạch; tổ chức hội nghị sơ, tổng kết, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích thực hiện Kế hoạch.
3. Dự kiến nguồn kinh phí thực hiện:
- Tổng kinh phí thực hiện là 12.580.000.000 đồng (chi tiết kèm theo phụ lục).
- Kinh phí thực hiện lồng ghép từ các nguồn: Ngân sách Trung ương; Ngân sách thành phố và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Căn cứ kế hoạch này, hàng năm chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân quận, huyện xây dựng kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, trình UBND thành phố phê duyệt và tổ chức thực hiện.
- Chủ trì, phối hợp với sở, ban ngành thành phố và địa phương đề xuất danh mục nghề nông nghiệp tham mưu Ủy ban nhân dân ban hành theo quy định.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách đào tạo nghề, các mô hình đào tạo nghề có hiệu quả, các gương điển hình sản xuất giỏi.
- Kiểm tra, giám sát, đánh giá công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn và thực hiện chế độ báo cáo định kỳ theo quy định.
2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện kế hoạch công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thiện chương trình đào tạo nghề nông nghiệp trình độ sơ cấp theo quy định.
3. Sở Tài chính
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu, trình UBND thành phố bố trí nguồn kinh phí tổ chức thực hiện đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn; hướng dẫn các sở, ban, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân quận, huyện thanh, quyết toán nguồn kinh phí đào tạo theo quy định hiện hành; phối hợp với các sở, ban ngành thành phố có liên quan kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Kế hoạch.
4. Ủy ban nhân dân quận, huyện
- Xây dựng kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn hàng năm gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp.
- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác định nhu cầu đào tạo và giải quyết việc làm; xây dựng kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp sát với thực tiễn, theo nhu cầu học nghề của người lao động, ưu tiên lao động trong vùng sản xuất hàng hóa tập trung, dự án/kế hoạch liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, sản phẩm chủ lực của địa phương.
- Giao nhiệm vụ cho các phòng, ban liên quan thực hiện quản lý nhà nước về đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn và thực hiện chế độ báo cáo kết quả theo quy định.
5. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia đào tạo nghề nông nghiệp: phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức công tác đào tạo nghề trình độ sơ cấp theo đúng quy định.
6. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố và các Đoàn thể
- Tăng cường công tác tuyên truyền, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, nhà nước về đào tạo nghề nông nghiệp và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; vận động các thành viên của tổ chức tham gia học nghề.
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan trong công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá hoạt động đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn của thành phố.
Trên đây là Kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn giai đoạn 2021-2025 của thành phố Cần Thơ. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc cần bổ sung, điều chỉnh, Giám đốc Sở, Thủ trưởng cơ quan liên quan chủ động đề xuất gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố xem xét giải quyết./.
(Đính kèm các phụ lục đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn giai đoạn 2021 - 2025).
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.