ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2250/KH-UBND |
Hải Phòng, ngày 29 tháng 04 năm 2011 |
Thực hiện Quyết định số 1072/QĐ-TTg ngày 12/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Bảo đảm trật tự trị an, an toàn cho nhân dân và các hoạt động kinh tế trên biển, đảo”; Công văn số 551/BCA-BCĐTKĐA ngày 10/3/2011 của Ban chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án về việc hướng dẫn triển khai thực hiện Đề án “Bảo đảm trật tự trị an, an toàn cho nhân dân và các hoạt động kinh tế trên biển, đảo”; Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng xây dựng Kế hoạch thực hiện cụ thể như sau:
I- MỤC TIÊU, YÊU CẦU VÀ QUAN ĐIỂM TƯ TƯỞNG CHỈ ĐẠO
1. Quan điểm, tư tưởng chỉ đạo:
- Bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an toàn cho nhân dân, các hoạt động kinh tế biển, đảo và thực hiện có hiệu quả Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 là nhiệm vụ của các cấp, các ngành và của toàn xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước, trong đó lực lượng Công an, Quân đội đóng vai trò nòng cốt.
- Phát triển kinh tế - xã hội ở vùng biển, đảo phải gắn liền với bảo đảm an ninh, trật tự, đảm bảo an toàn cho nhân dân với phương châm “phòng ngừa, giữ vững bên trong là chính”, lấy việc thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, đảm bảo đời sống nhân dân, làm cơ sở cho việc đảm bảo an ninh, trật tự; kết hợp giữa vận động quần chúng tham gia vào công tác đảm bảo an ninh, trật tự với việc tăng cường vai trò và hiệu quả quản lý Nhà nước của chính quyền các cấp.
- Công tác đảm bảo an ninh, trật tự, đảm bảo an toàn cho nhân dân và các hoạt động kinh tế biển, đảo phải tuân thủ pháp luật Việt Nam ký kết hoặc tham gia, đáp ứng điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, gắn liền với việc thực hiện chủ quyền trên biển của Việt Nam.
2. Mục tiêu, yêu cầu:
- Tập trung xây dựng khu vực biển, đảo thành phố phát triển nhanh về kinh tế - xã hội, kết hợp chặt chẽ, hiệu quả với nhiệm vụ đảm bảo vững chắc quốc phòng an ninh, khai thác bền vững nguồn tài nguyên sinh vật biển theo Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.
- Tăng cường, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, xây dựng thế trận an ninh nhân dân kết hợp với thế trận quốc phòng toàn dân, phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng vũ trang, các lực lượng dân sự khác để giữ vững an ninh trật tự và bảo đảm an toàn cho nhân dân, phục vụ có hiệu quả các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.
- Chủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh làm thất bại âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, khủng bố, phá hoại của các thế lực thù địch, các loại tội phạm, đảm bảo an ninh nội bộ, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ an toàn cho nhân dân và các hoạt động kinh tế.
- Tham mưu Thành ủy, Hội đồng nhân dân thành phố hoàn thiện các chủ trương, chính sách, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội vùng biển, đảo gắn chặt với đảm bảo an ninh, trật tự, góp phần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước về an ninh trật tự.
- Triển khai hiệu quả các hoạt động nghiệp vụ của lực lượng Công an tại khu vực biên giới biển, đảo gắn liền với các hoạt động kinh tế, văn hóa, môi trường biển, đảo. Tăng cường triển khai các biện pháp nắm, nghiên cứu dự báo tình hình an ninh, trật tự, nhất là âm mưu, ý đồ hoạt động của các thế lực thù địch và bọn tội phạm. Tham mưu, đề xuất chủ trương, chính sách, đối sách, đảm bảo chủ quyền, lãnh hải, lợi ích quốc gia và an ninh, trật tự phục vụ phát triển kinh tế biển, đảo.
- Kiện toàn hệ thống tổ chức và trang bị phương tiện của các đơn vị Công an trực tiếp làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự vùng biển, đảo để lực lượng này đủ sức đảm đương nhiệm vụ quản lý nhà nước về an ninh trật tự trong tình hình mới.
- Đổi mới công tác hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra các cơ quan, tổ chức, công dân trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự phù hợp với tình hình mới. Thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến từng ngư dân và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc đủ mạnh làm cơ sở cho việc bảo vệ chủ quyền và an ninh, trật tự.
- Hoàn thiện các quy chế, cơ chế phối hợp giữa các lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự, nhất là giữa Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng, Bộ Tư lệnh vùng I Hải quân, Cảnh sát biển vùng I, Hải đoàn 38 Biên phòng với Công an thành phố và các đơn vị, chính quyền địa phương có liên quan trong bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, an toàn cho nhân dân và các doanh nghiệp hoạt động kinh tế biển, sẵn sàng phối hợp đối phó với các tình huống xung đột xảy ra trên biển; bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc.
- Xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch xây dựng Đồn Công an Đình Vũ; đổi mới tổ chức và tăng cường lực lượng, phương tiện cho Công an các đơn vị khu vực biên giới biển, đảo.
2.1. Huy động mọi nguồn lực, triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động của Ủy ban nhân dân thành phố về phát triển kinh tế biển thành phố Hải Phòng đến năm 2015 - 2020:
Giữ vững quốc phòng, an ninh, đối ngoại, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh vùng biển và hải đảo; kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành, địa phương với nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng, an ninh; lấy phát triển sản xuất, ổn định và nâng cao đời sống nhân dân làm nền tảng, sức mạnh và điều kiện cơ bản để giữ vững an ninh, trật tự của thành phố.
Thực hiện có hiệu quả công tác điều tra cơ bản các địa bàn tuyến ven biển, trên biển đảo, các tổ chức, doanh nghiệp tham gia hoạt động kinh tế biển (cảng, dịch vụ hàng hải, vận tải biển, thủy sản, công nghiệp đóng mới và sửa chữa tàu biển, du lịch biển...) để làm cơ sở cho việc nghiên cứu đề xuất các chủ trương, chính sách trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội.
Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ nhân dân và các lực lượng dân sự hoạt động phát triển kinh tế gắn với bảo đảm an ninh, quốc phòng ở vùng biển, đảo Bạch Long Vỹ, Cát Bà, Long Châu, có chính sách ưu đãi đặc biệt cho các hộ dân tự nguyện định cư lâu dài và các hoạt động khai thác thủy sản xa bờ, kết hợp chặt chẽ việc phát triển kinh tế - xã hội với triển khai thực hiện thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân.
2.2. Xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở thực sự trong sạch, vững mạnh là nhân tố quyết định giữ vững an ninh, trật tự:
Củng cố, kiện toàn, nâng cao sức chiến đấu, hiệu lực và hiệu quả lãnh đạo, quản lý của các tổ chức cơ sở đảng, chính quyền, đoàn thể trong hệ thống chính trị ở cơ sở thực sự trong sạch vững mạnh, gắn bó với nhân dân. Trước mắt tập trung củng cố hệ thống chính trị ở những nơi yếu kém, những địa bàn khó khăn.
Tăng cường công tác bảo vệ an ninh nội bộ và phát huy vai trò, trách nhiệm của các đơn vị hoạt động kinh tế trong bảo đảm an ninh, trật tự khu vực biển, đảo.
Có chính sách cụ thể tăng cường đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng hợp lý cán bộ trong hệ thống chính trị cơ sở ở các huyện: Cát Hải, Bạch Long Vỹ, các xã, thị trấn để hệ thống chính quyền cơ sở đủ năng lực lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn.
Củng cố lực lượng dân quân tự vệ, công an các xã, thị trấn vững mạnh toàn diện bảo đảm cho phòng thủ và sẵn sàng chiến đấu, làm nòng cốt thực hiện nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự trên địa bàn.
2.3. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tự khu vực biển, đảo:
Rà soát, bổ sung hoàn chỉnh các quy định của pháp luật về thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự trên từng lĩnh vực, địa bàn khu vực biên giới biển, trên biển, đảo.
Nâng cao năng lực cho các chủ thể trực tiếp làm công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự; các chủ thể trực tiếp thực hiện công tác quản lý nhà nước về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Tăng cường và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các ngành chức năng, nhất là phối hợp giữa Công an thành phố với các Bộ Chỉ huy: Quân sự Biên phòng, Cảnh sát biển vùng I, Bộ Tư lệnh vùng I Hải quân, Hải đoàn 38 Biên phòng, các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự cả trên đất liền, trên biển, đảo trong đấu tranh chống âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch, hoạt động của các loại tội phạm giải quyết các tình huống phức tạp về an ninh, trật tự, phòng chống tai nạn, thương tích, thiên tai, bão lụt, cứu hộ, cứu nạn và bảo vệ môi trường.
Tăng cường quản lý nhà nước về đất đai môi trường, đối với các hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (NGO) ở khu vực biển, đảo, khắc phục kịp thời những sơ hở thiếu sót, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm, không để kẻ địch, phần tử xấu lợi dụng gây phương hại đến an ninh trật tự.
Chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về cư trú, quản lý phương tiện vận tải và trật tự an toàn giao thông, phòng, chống cháy nổ, quản lý phương tiện hành nghề trên vùng biển Hải Phòng, đường thủy nội địa, vùng biển cảng quản lý người nước ngoài... trên các địa bàn khu vực biển, đảo.
Chủ động xây dựng, tổ chức diễn tập và triển khai các phương án bảo vệ và giải quyết những tình huống phức tạp về an ninh, trật tự trên từng địa bàn, mục tiêu ở khu vực biển, đảo.
2.4. Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức về nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự ở vùng biển, đảo:
Quán triệt nâng cao nhận thức về nhiệm vụ và trách nhiệm trong bảo vệ an ninh trật tự của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ban ngành, đoàn thể, các cơ quan doanh nghiệp tham gia hoạt động kinh tế biển, đảo; nhất là xác định rõ trách nhiệm trong phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động của các thế lực thù địch, các loại tội phạm.
Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn cho cán bộ và nhân dân, nhất là ngư dân về các quy định của pháp luật Việt Nam, luật pháp của các nước trong khu vực liên quan đến vùng biển của mỗi nước, vùng chồng lấn của nước ta với các nước để nâng cao nhận thức, kiến thức của cán bộ và nhân dân, nhất là ngư dân về việc xây dựng và phát triển kinh tế biển phải gắn chặt với bảo vệ môi trường, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên biển; trang bị kiến thức cần thiết để mọi người, nhất là ngư dân trên biển có khả năng tự xử lý được các tình huống phức tạp xảy ra để vẫn chủ động bảo vệ an toàn cho mình, đồng thời góp phần thực hiện công tác đảm bảo an ninh, trật tự khu vực biển, đảo.
Đổi mới hình thức, nội dung, phương pháp vận động quần chúng tham gia bảo vệ an ninh tổ quốc vùng biển, đảo, nhất là phong trào tự quản, tự bảo vệ an ninh trật tự tại các huyện đảo, các đội tàu đánh cá xa bờ, các công ty dịch vụ, vận tải kinh tế biển, các khu vực tập trung các hoạt động kinh tế quan trọng như nuôi trồng thủy sản...
Kết hợp chặt chẽ việc chăm lo sản xuất, cải thiện đời sống nhân dân với quan tâm giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức xúc trong nội bộ nhân dân, nhất là các tranh chấp, khiếu kiện về đất đai, khu vực nuôi trồng thủy sản ở địa bàn ven biển, hải đảo. Huy động và hướng dẫn quần chúng tham gia đấu tranh làm thất bại âm mưu hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phòng ngừa, đấu tranh chống các loại tội phạm, xây dựng nếp sống văn hóa, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.
2.5. Tăng cường đấu tranh ngăn chặn âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, hoạt động của các loại tội phạm:
Đổi mới và chủ động công tác nắm tình hình, nhất là nắm tình hình từ xa, kịp thời phát hiện và phối hợp xử lý tốt các vấn đề, vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự nảy sinh trên từng địa bàn. Bổ sung công tác phòng ngừa, phát hiện đấu tranh với hoạt động tình báo, gián điệp, nhất là nội gián và công tác bảo vệ bí mật nhà nước liên quan đến biển, đảo.
Triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình quốc gia phòng chống tội phạm; phòng, chống ma túy; phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em. Tập trung giải quyết các tụ điểm phức tạp về trật tự xã hội, chống tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, buôn lậu, gian lận thương mại, trộm cắp tài sản trên biển... bảo vệ an toàn tài sản và lợi ích nhà nước, tính mạng và tài sản của nhân dân.
Đẩy mạnh thực hiện các hiệp định tương trợ tư pháp, phòng, chống tội phạm với các nước trong khu vực, nhất là Hiệp định về dẫn độ tội phạm; phòng, chống buôn lậu; phòng, chống cướp biển; phòng, chống buôn bán ma túy... Tăng cường công tác hợp tác quốc tế giữa Công an Hải Phòng - Việt Nam với Công an các tỉnh của các nước liên quan trên Biển Đông trong phối hợp giải quyết tình hình an ninh, trật tự và đấu tranh phòng, chống tội phạm theo chỉ đạo của Bộ Công an.
2.6. Xây dựng lực lượng Công an Hải Phòng vững mạnh, toàn diện đủ sức đảm đương nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự trên địa bàn biển, đảo trong tình hình mới:
Tăng cường biên chế, rà soát điều chỉnh tổ chức, bố trí lực lượng các phòng nghiệp vụ An ninh, Cảnh sát, Tình báo, Công an các quận, huyện khu vực biên giới biển, đảo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn; đồng thời tham gia phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế, phòng, chống thiên tai, tai nạn, tìm kiếm cứu nạn.
Nghiên cứu đổi mới chính sách ổn định phù hợp đối với cán bộ công an trực tiếp làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự vùng biển, hải đảo, nhất là ở huyện đảo Bạch Long Vỹ.
1. Công an thành phố:
Chủ trì tổ chức hướng dẫn triển khai thực hiện Đề án của Chính phủ, Kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố và chỉ đạo các lực lượng Công an Hải Phòng thực hiện nội dung Đề án, Kế hoạch trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình.
Chủ trì xây dựng thẩm định, phê duyệt và triển khai thực hiện 02 dự án: Đổi mới tổ chức và tăng cường lực lượng cho Công an các đơn vị, địa phương khu vực biên giới biển, đảo”; “Tăng cường trang bị phương tiện cho lực lượng Công an các quận, huyện khu vực biên giới biển, hải đảo nhằm nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn cho nhân dân và các hoạt động kinh tế trên biển, đảo” theo sự chỉ đạo của Bộ Công an và theo đúng quy định hiện hành.
Chủ trì công tác phòng, chống các loại tội phạm ở địa bàn ven biển và trên các đảo có dân cư sinh sống. Chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng Hải Phòng, các sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các quận, huyện khu vực biên giới biển, đảo thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự trong đó có đảm bảo an ninh, trật tự vùng biển, đảo. Chỉ đạo Công an các địa phương ven biển, đảo xây dựng kế hoạch đảm bảo an ninh, trật tự và các hoạt động kinh tế trên biển, đảo trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt.
Tham gia thẩm định một số đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội thuộc khu vực biển, đảo.
Phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư lệnh Vùng I Hải quân, Cảnh sát biển vùng I, Hải đoàn 38 Biên phòng, Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng Hải Phòng thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên vùng biển, đảo của thành phố, các quận, huyện khu vực biên giới biển, đảo, cảng.
2. Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng Hải Phòng, Bộ Chỉ huy quân sự thành phố:
Chỉ đạo các lực lượng liên quan thuộc các đơn vị quân đội đóng trên địa bàn Hải Phòng phối hợp với Công an thành phố thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự trên biển, đảo trong phạm vi, quyền hạn, trách nhiệm được phân công.
Chủ trì công tác phòng, chống các loại tội phạm trên biển, nhất là tội phạm sử dụng vũ khí để cướp trên biển; phối hợp với các nước liên quan trong phòng chống cướp biển, cứu hộ, cứu nạn trên biển.
Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn cho cán bộ và nhân dân, nhất là ngư dân về các quy định của pháp luật Việt Nam, luật pháp của các nước trong khu vực liên quan đến vùng biển của mỗi nước, vùng chồng lấn của nước ta với các nước để nâng cao nhận thức, kiến thức của cán bộ và nhân dân, nhất là ngư dân về việc xây dựng và phát triển kinh tế biển phải gắn chặt với bảo vệ môi trường, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên biển.
Tăng cường vận động quần chúng tham gia bảo vệ an ninh tổ quốc vùng biển, đảo, nhất là phong trào tự quản, tự bảo vệ an ninh, trật tự tại các huyện đảo, các đội tàu đánh cá xa bờ, các công ty dịch vụ, vận tải, kinh tế biển, các khu vực tập trung các hoạt động kinh tế quan trọng như nuôi trồng thủy sản...
3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
Chủ trì, đề xuất các chính sách hỗ trợ nhân dân ra sinh sống, làm ăn trên đảo Bạch Long Vỹ và vùng ven biển trọng yếu về an ninh, quốc phòng, hình thành lực lượng tại chỗ trong công tác bảo vệ an ninh, trật tự trên biển, đảo.
Phối hợp với Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng Hải Phòng, Bộ Chỉ huy quân sự thành phố xây dựng lực lượng dân quân, tự vệ biển vững mạnh.
4. Sở Ngoại vụ:
Chủ trì, căn cứ chỉ đạo của Bộ Ngoại giao xây dựng phương án đấu tranh ngoại giao, pháp lý, tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển, đảo thành phố theo luật pháp quốc tế và công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển; phối hợp với Công an thành phố nghiên cứu, đề xuất các cơ chế về đàm phán xây dựng, hoàn thiện cơ chế phối hợp với các nước liên quan trong Biển Đông về phòng, chống các loại tội phạm, xử lý các vấn đề liên quan đảm bảo an ninh, trật tự trên vùng biển Hải Phòng.
Tăng cường trao đổi, phối hợp với các bên liên quan nước ngoài trong giải quyết, xử lý tranh chấp và bảo vệ quyền lợi của tổ chức, công dân Việt Nam trong trường hợp xảy ra tranh chấp.
5. Sở Tài Nguyên và Môi trường:
Chủ trì, căn cứ chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng và thực hiện các dự án bảo vệ môi trường sinh thái biển gắn với yêu cầu bảo vệ an ninh, trật tự trên biển, đảo.
Tiếp tục rà soát, xây dựng và hoàn thiện các chính sách quản lý tài nguyên, môi trường biển, là cơ sở pháp lý trong việc quản lý toàn diện và thống nhất về biển và hải đảo gắn với yêu cầu bảo vệ an ninh, trật tự vùng biển, hải đảo và bảo đảm an ninh, quốc phòng.
6. Sở Giao thông vận tải:
Chủ trì, phối hợp với Công an thành phố, Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng Hải Phòng triển khai thực hiện Quyết định số 11/2009/QĐ-TTg ngày 16/01/2009 và Quyết định số 125/2004/QĐ-TTg ngày 09/7/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc công bố, tiếp nhận, truyền phát và xử lý thông tin an ninh hàng hải phù hợp với các công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.
7. Sở Nội vụ:
Chủ trì nghiên cứu, đề xuất Bộ Nội vụ, Ủy ban nhân dân thành phố các yêu cầu đặc thù cho cán bộ làm nhiệm vụ ở các xã, huyện ven biển, hải đảo trong tình hình mới để bổ sung Nghị định số 121/2003/NĐ-CP và Nghị định số 14/2008/NĐ-CP của Chính phủ.
8. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính:
Chủ trì, phối hợp với Công an thành phố và các sở, ngành liên quan đảm bảo kinh phí phục vụ thực hiện Kế hoạch “Bảo đảm trật tự trị an, an toàn cho nhân dân và các hoạt động kinh tế trên biển, đảo”.
9. Sở Thông tin và Truyền thông:
Chỉ đạo nghiên cứu và triển khai các đề án và phát triển hệ thống thông tin liên lạc trên biển phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế kết hợp bảo vệ an ninh, trật tự biển, đảo.
10. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:
Chủ trì hướng dẫn, nâng cao nhận thức cho các công ty du lịch và hướng dẫn viên du lịch vùng biển, đảo về trách nhiệm phối hợp với lực lượng công an và các lực lượng liên quan trong thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự các tuyến du lịch trên biển, đảo.
11. Sở Tư pháp:
Phối hợp với Công an thành phố rà soát để sửa đổi, bổ sung và xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đảm bảo an ninh, trật tự cho nhân dân và các hoạt động kinh tế biển, đảo cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện mới và phù hợp với luật pháp quốc tế; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân, nhất là ngư dân nắm chắc luật pháp Việt Nam, các hiệp định Việt Nam đã ký kết, tham gia.
12. Ủy ban nhân dân các quận, huyện khu vực biên giới biển, đảo:
Chủ trì xây dựng và triển khai thực hiện các Đề án, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự trên biển, đảo của địa phương.
Cân đối ngân sách địa phương để hỗ trợ, trang bị phương tiện cho công an cơ sở ven biển, đảo.
Chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện các kế hoạch đưa nhân dân ra định cư và khai thác hải sản ở các khu vực ven biển và đảo Bạch Long Vỹ. Phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự thành phố, Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng Hải Phòng và các sở, ngành xây dựng các khu quốc phòng - kinh tế tại các huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cát Bà, Cát Hải với các mô hình kết hợp cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá, nuôi trồng hải sản, đánh bắt xa bờ, du lịch sinh thái với đảm bảo an ninh, quốc phòng khu vực biển, đảo. Tiến hành khảo sát, thăm dò các đảo hiện chưa có hoặc có ít người dân sinh sống, có kế hoạch bố trí lực lượng ra quản lý, bảo vệ.
Phối hợp với Sở Nội vụ đề xuất mô hình tổ chức hành chính phù hợp để tăng cường chất lượng chính quyền xã, huyện ven biển, hải đảo đảm bảo đủ khả năng chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế, xã hội và đảm bảo chủ quyền, an ninh, trật tự vùng biển, hải đảo.
Các sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các quận, huyện ven biển, đảo có trách nhiệm phối hợp triển khai thực hiện nội dung Đề án, Kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố.
13. Thành lập Ban Chỉ đạo thành phố:
Để thực hiện Đề án của Chính phủ, thành phố thành lập Ban Chỉ đạo, trong đó:
- Đồng chí Đỗ Trung Thoại - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố làm Trưởng ban;
- Đồng chí Giám đốc Công an thành phố làm Phó trưởng ban Thường trực;
- Các thành viên gồm: Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự thành phố; Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng Hải Phòng, Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Ngoại vụ, Nội vụ, Giao thông vận tải; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện Cát Hải, Bạch Long Vỹ.
Giao Công an thành phố làm đầu mối thường trực liên lạc, báo cáo với Ban Chỉ đạo việc triển khai thực hiện Đề án - Bộ Công an.
Căn cứ Kế hoạch này, yêu cầu các Sở, ban, ngành địa phương triển khai thực hiện Đề án của Chính phủ, định kỳ hàng quý báo cáo về Ủy ban nhân dân thành phố (qua Công an thành phố) về tiến độ thực hiện để tổng hợp báo cáo Bộ Công an, Chính phủ./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN THÀNH PHỐ |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.