ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 211/KH-UBND |
Đắk Nông, ngày 02 tháng 4 năm 2025 |
KẾ HOẠCH
HỖ TRỢ ĐÀO TẠO TRÌNH ĐỘ SƠ CẤP, ĐÀO TẠO DƯỚI 03 THÁNG NĂM 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK NÔNG
Căn cứ Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng; Thông tư số 17/2022/TT-BLĐTBXH ngày 06/9/2022 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số nội dung về giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động tại các tiểu dự án và nội dung thành phần thuộc 03 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 03/2023/TT-BLĐTBXH ngày 31/5/2023 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội);
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 41/NQ-HĐND ngày 11/12/2024 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc thông qua Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; Quyết định số 1508/QĐ-UBND ngày 12/12/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc giao chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng năm 2025 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Hỗ trợ đào tạo nghề theo nhu cầu học nghề của người lao động, nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; gắn đào tạo nghề với mục tiêu phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, mục tiêu xây dựng nông thôn mới, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phù hợp với quá trình chuyển đổi số, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.
- Bảo tồn, phát huy các nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch nông thôn; nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp ở nông thôn, phát triển kinh tế tập thể; nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động thuộc các nhóm đối tượng được hỗ trợ đào tạo từ nguồn ngân sách nhà nước.
- Khuyến khích, huy động và tạo sự đồng thuận, vào cuộc của doanh nghiệp, người lao động trong thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Nông nhiệm kỳ 2020-2025.
2. Yêu cầu
- Đào tạo nghề gắn với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, mục tiêu phát triển các ngành, nghề chủ lực của địa phương năm 2025 và cung ứng nguồn lao động qua đào tạo theo nhu cầu thị trường lao động.
- Đảm bảo đối tượng được hỗ trợ đào tạo theo quy định tại Thông tư số 152/2016/TT-BTC ngày 17/10/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng (được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 40/2019/TT-BTC ngày 28/6/2019 của Bộ Tài chính).
- Người học sau khi học xong các khóa đào tạo phải thực hiện được kỹ năng nghề theo mục tiêu chương trình đào tạo đã được phê duyệt.
- Cơ sở, đơn vị tổ chức các lớp đào tạo tại địa phương phải đảm bảo các quy định về hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
II. CHỈ TIÊU CỤ THỂ
Năm 2025, tổ chức đào tạo nghề đạt chỉ tiêu 4.000 người (gồm: Cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và đào tạo nghề thường xuyên dưới 3 tháng); trong đó: Hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên dưới 03 tháng thuộc nguồn ngân sách nhà nước cho 1.710 người, cụ thể: huyện Đắk Song 210 người, huyện Cư Jút 385 người, huyện Đắk Glong 350 người, huyện Tuy Đức 275 người, huyện Krông Nô 135 người, huyện Đắk R’Lấp 145 người; huyện Đắk Mil 210 người.
III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP
1. Công tác tuyên truyền, tư vấn đào tạo nghề, việc làm và khảo sát, thống kê nhu cầu học nghề
- Tăng cường phổ biến chủ trương, chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng, các mô hình hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.
- Đẩy mạnh và đổi mới phương pháp, hình thức thực hiện tư vấn định hướng nghề nghiệp và thông tin thị trường lao động.
- Các cơ quan, đơn vị chủ động lựa chọn hình thức và nội dung tuyên truyền phù hợp với từng cơ quan, đơn vị; bố trí nguồn ngân sách phù hợp để tổ chức có hiệu quả công tác tuyên truyền.
- Điều tra, khảo sát, thống kê nhu cầu đào tạo, ngành nghề đào tạo để xây dựng kế hoạch đào tạo nghề.
2. Tổ chức hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng
- Tổ chức đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng cho lao động có hộ khẩu thường trú trên địa bàn tỉnh có nhu cầu học nghề đúng quy định; bao gồm các đối tượng sau:
(1) Theo quy định tại Điều 2 Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ.
(2) Người học nghề là đối tượng thuộc Tiểu dự án 1 của Dự án 4 Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, Tiểu dự án 3 của Dự án 5 Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Nội dung số 09 trong Nội dung thành phần số 03 thuộc Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới.
(3) Thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội (theo Thông tư số 43/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho các đối tượng quy định tại Điều 14 Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm).
(4) Đối với người chấp hành xong hình phạt tù (theo Nghị định số 49/2020/NĐ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng) không thuộc các đối tượng tại mục (1), (2) nêu trên thì việc tổ chức đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng được thực hiện trên cơ sở đồng thuận của người học và người học tự chi trả toàn bộ chi phí đào tạo.
- Tập trung đào tạo theo vị trí việc làm tại doanh nghiệp để doanh nghiệp tuyển dụng lao động vào làm việc ổn định; đào tạo nghề theo các mô hình thí điểm có hiệu quả.
- Ưu tiên hỗ trợ đào tạo cho các đối tượng là nông dân tại địa phương, trong đó tập trung đào tạo cho các đối tượng: lao động ở các doanh nghiệp nông nghiệp, thành viên hợp tác xã, tổ hợp tác, nông dân sản xuất các sản phẩm tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); nông dân tham gia các vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung, vùng chuyên canh có hợp đồng liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm của trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp; nông dân tham gia các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình xây dựng nông thôn mới, Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Chương trình giảm nghèo và các chương trình, đề án khác; lao động nông thôn làm kỹ thuật nông nghiệp, làm nghề nông nghiệp có yêu cầu trình độ kỹ thuật.
- Đối với các lớp đào tạo nghề nông nghiệp: đào tạo gắn với mùa vụ, chu kỳ sinh trưởng của cây trồng, vật nuôi và gắn với sản xuất sản phẩm phù hợp Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Đắk Nông, phù hợp với đặc thù của địa phương.
- Quy mô lớp học: Đào tạo mỗi lớp tối đa không quá 35 học viên. Mỗi lớp có một giáo viên chủ nhiệm phụ trách lớp (trình độ sơ cấp) hoặc mỗi lớp học có ít nhất một giáo viên hoặc người dạy nghề trực tiếp giảng dạy và phụ trách lớp (đào tạo dưới 03 tháng).
- Địa điểm tổ chức đào tạo: được thực hiện linh hoạt tại cơ sở đào tạo, doanh nghiệp, nơi sản xuất, nhưng phải đảm bảo các điều kiện để dạy và học về mặt bằng, địa điểm học kiến thức nghề; địa điểm học thực hành kỹ năng nghề; phương tiện, thiết bị, nguyên nhiên vật liệu phục vụ đào tạo theo yêu cầu của mô - đun, môn học trong chương trình đào tạo.
- Nội dung và mức hỗ trợ, hình thức hỗ trợ thực hiện theo quy định tại Điều 7, Điều 8 Thông tư số 152/2016/TT-BTC ngày 17/10/2016; khoản 3 Điều 1 Thông tư số 40/2019/TT-BTC ngày 28/6/2019 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
3. Công tác kiểm tra, giám sát
- Tăng cường thực hiện công tác kiểm tra, giám sát các lớp đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng trên địa bàn tỉnh.
- Các Sở, Ban, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ, kinh phí được giao xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát (nếu có); phối hợp chặt chẽ với các tổ chức hội, đoàn thể có liên quan tổ chức kiểm tra, giám sát thường xuyên hoặc đột xuất theo quy định.
IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN
1. Ngân sách nhà nước bố trí theo phân cấp hiện hành của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành, trong đó ưu tiên sử dụng:
- Kinh phí từ nguồn được phân bổ cho các Tiểu dự án, Nội dung thành phần về giáo dục nghề nghiệp thuộc 03 Chương trình mục tiêu quốc gia; kinh phí địa phương theo Quyết định giao dự toán của cơ quan có thẩm quyền đã bố trí cho các cơ quan, đơn vị, địa phương; bao gồm nguồn kinh phí được chuyển nguồn sang năm 2025 để tiếp tục thực hiện (nếu có).
- Kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên theo Thông tư số 43/2016/TTLT-BLĐTBXH ngày 28/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã được bố trí trong dự toán đầu năm 2025 cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (trước sáp nhập - hiện nay chức năng giáo dục nghề nghiệp đã được chuyển giao về Sở Giáo dục và Đào tạo).
- Kinh phí thuộc các chương trình, dự án khác...
2. Kinh phí từ nguồn tài trợ, viện trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, các nguồn huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Giáo dục và Đào tạo (là cơ quan thường trực)
- Chủ trì, phối hợp các Sở, Ban, ngành liên quan hướng dẫn, triển khai, xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát công tác hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng trên địa bàn tỉnh.
- Thực hiện thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng cho bộ đội xuất ngũ theo quy định tại Thông tư số 43/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan báo chí cung cấp thông tin và tuyên truyền về các hoạt động triển khai và kết quả thực hiện công tác đào tạo nghề nói chung và công tác hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng trên địa bàn tỉnh nói riêng theo tinh thần Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách.
- Theo dõi, đôn đốc thực hiện và chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh về chỉ tiêu đào tạo nghề được giao năm 2025; tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo về kết quả thực hiện hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng theo quy định.
2. Sở Nông nghiệp và Môi trường
- Chịu trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc Ủy ban nhân dân cấp huyện và các đơn vị liên quan thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề nông nghiệp; thực hiện lồng ghép chương trình, kế hoạch đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng trong chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình khuyến nông đảm bảo hiệu quả.
- Tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện công tác đào tạo nghề nông nghiệp 06 tháng, 01 năm gửi Sở Giáo dục và Đào tạo tổng hợp chung, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.
- Tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động hỗ trợ đào tạo nghề nông nghiệp tại các huyện, thành phố.
3. Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh
- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức các chương trình tư vấn hướng nghiệp, tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật về giáo dục nghề nghiệp, thông tin tuyên truyền về Kế hoạch đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng trên địa bàn tỉnh đến lực lượng đang quản lý, góp phần thực hiện hiệu quả Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh.
- Tổ chức khảo sát nhu cầu đào tạo nghề cho đối tượng đang quản lý trên địa bàn, đồng thời gửi kết quả rà soát về Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố để làm cơ sở xây dựng kế hoạch đào tạo nghề đạt hiệu quả.
4. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn, cung cấp thông tin cho báo chí, hệ thống truyền thông, thông tin cơ sở trên địa bàn tỉnh tuyên truyền về nội dung, công tác triển khai và kết quả thực hiện Kế hoạch đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của đào tạo nghề, nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo và giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh.
5. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh
Phối hợp chỉ đạo theo ngành dọc tổ chức lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, tư vấn về đào tạo nghề và tạo việc làm cho lao động. Thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội đối với việc tổ chức đào tạo nghề tại các địa bàn phù hợp với các chương trình hoạt động của đơn vị.
6. Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh; Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh; Hội Doanh nhân trẻ tỉnh
- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong công tác tổ chức đào tạo cho lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ theo Kế hoạch này; Phối hợp với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về nội dung Kế hoạch, phổ biến chính sách hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh đến lực lượng lao động trong doanh nghiệp.
- Phối hợp tham gia giám sát và kịp thời kiến nghị, đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp để đảm bảo tổ chức đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng gắn với nhu cầu việc làm sau đào tạo trên địa bàn tỉnh.
7. Các Sở, Ban, ngành liên quan
Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp; thông tin tuyên truyền về Kế hoạch đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng trên địa bàn tỉnh góp phần thực hiện hiệu quả Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh.
8. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
- Triển khai, xây dựng kế hoạch, tổ chức hỗ trợ đào tạo nghề và chịu trách nhiệm về các nội dung có liên quan đến công tác hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng trên địa bàn theo danh mục các nghề được phê duyệt tại Quyết định số 1416/QĐ-UBND ngày 19/11/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt danh mục các nghề đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2024-2028.
- Cân đối, bố trí kinh phí thực hiện các nhiệm vụ về đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng theo chỉ tiêu, kế hoạch đào tạo trên địa bàn. Việc hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 03 tháng thực hiện bằng hình thức đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ theo quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ.
- Tổ chức tuyên truyền về chính sách, kế hoạch đào tạo nghề trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng cho lực lượng lao động trên địa bàn; chỉ đạo các xã, phường, thị trấn thực hiện tuyên truyền, vận động các đối tượng lao động trên địa bàn tham gia học nghề, giải quyết việc làm.
- Tổ chức kiểm tra, giám sát công tác tổ chức đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng. Báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch về Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nông nghiệp và Môi trường để tổng hợp trước ngày 15/12/2025.
- Đối với các địa phương đã triển khai rà soát, tuyển sinh, tổ chức hỗ trợ đào tạo nghề trước khi Kế hoạch này được ban hành thì thực hiện thanh quyết toán theo quy định hiện hành.
9. Các cơ sở tham gia đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng cho người lao động (Trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông, Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Phương Nam, Trung tâm GDNN-GDTX các huyện, các Công ty, Doanh nghiệp tham gia hoạt động GDNN)
- Tổ chức công tác tuyển sinh đúng quy định; đảm bảo các điều kiện để đào tạo nghề theo quy định tại Thông tư số 42/2015/TT-BLĐTBXH ngày 20/10/2015, Thông tư số 43/2015/TT-BLĐTBXH ngày 20/10/2015, Thông tư số 34/2018/TT-BLĐTBXH ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các văn bản pháp luật liên quan.
- Phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã và các cơ quan chuyên môn cấp huyện theo dõi, thống kê tình trạng việc làm của người lao động nông thôn sau học nghề; sử dụng hiệu quả kinh phí hỗ trợ đào tạo; thanh quyết toán kinh phí theo đúng quy định.
Trên đây là Kế hoạch hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông năm 2025, yêu cầu các Sở, Ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai thực hiện. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị, địa phương phản ánh về Sở Giáo dục và Đào tạo để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, chỉ đạo./.
|
KT. CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.