ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 207/KH-UBND |
Thừa Thiên Huế, ngày 13 tháng 10 năm 2017 |
Thực hiện Quyết định số 708/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội, ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết chính sách an sinh xã hội đến năm 2020 và định hướng phát triển đến năm 2030; trên cơ sở tình hình thực tế của địa phương, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội, ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết chính sách an sinh xã hội đến năm 2020 và định hướng phát triển đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, cụ thể như sau:
ĐÁNH GIÁ KHÁI QUÁT CƠ SỞ DỮ LIỆU VỀ AN SINH XÃ HỘI
I. Tình hình đối tượng an sinh xã hội (ASXH) và dự báo đến năm 2020
1. Tình hình đối tượng an sinh xã hội:
a) Đối tượng bảo trợ xã hội và hộ nghèo:
Theo số liệu thống kê, đối tượng được hưởng trợ giúp xã hội tăng từ 37.880 người (năm 2011) lên hơn 52 nghìn người năm 2016, chiếm 4,5% dân số, trong đó có: 25.627 người từ 80 tuổi trở lên không có lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội; gần 1,4 nghìn người già cô đơn; 20 nghìn người khuyết tật và tâm thần; 164 trẻ em mồ côi, còn lại là các đối tượng khác.
Theo kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2016 (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020), tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn 7,19%., tương đương với 20,623 hộ. Tỷ lệ hộ cận nghèo còn 5,50%, tương đương với 15,777 hộ.
b) Đối tượng hưởng chính sách người có công:
Toàn tỉnh có hơn 100.000 người có công với cách mạng, trong đó có hơn 18.000 liệt sĩ, gần 13.000 thương binh, bệnh binh; hơn 2.000 mẹ Việt Nam anh hùng, hơn 4.000 người hoạt động kháng chiến, hoạt động cách mạng bị địch bắt tù đầy, gần 3.000 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và gần 50.000 người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng được tặng thưởng Huân chương, Huy chương và các phần thưởng cao quý khác của Đảng và Nhà nước... Hàng tháng, thực hiện chi trả trợ cấp cho hơn 21.000 người hưởng trợ cấp ưu đãi; hàng năm, thực hiện điều chỉnh trợ cấp, phụ cấp cho gần 22.000 đối tượng và giải quyết hơn 6.000 hồ sơ các loại liên quan đến chính sách của người có công theo quy định hiện hành của Đảng và Nhà nước.
c) Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế:
Đến cuối năm 2016, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm tai nạn: bao gồm 111.162 người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, 1.388 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, 100.195 người tham gia bảo hiểm tai nạn, 1.098.282 người tham gia bảo hiểm y tế (đạt tỷ lệ hơn 95% dân số tham gia bảo hiểm y tế).
d) Đối tượng tham gia thị trường lao động:
Đến cuối năm 2017, dự báo tổng lao động làm việc trong các ngành kinh tế đạt 576.000 người, tăng 4,9% so với năm 2012. Cơ cấu lao động tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, đến cuối 2016, nông nghiệp còn 28,7%, công nghiệp đạt 32,9%, thương mại và dịch vụ đạt 38,3%.
đ) Đối tượng được dạy nghề:
Tính đến 30/6/2017, trên địa bàn tỉnh có 36 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trong giai đoạn 2017-2020, hàng năm dự kiến tuyển sinh 19.000 lao động, trong đó có 3.000 người học trình độ Cao đẳng, 2.500 người học trình độ Trung cấp, còn lại là lao động học sơ cấp nghề và dưới 3 tháng. Đối với Đề án 1956 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, hàng năm phấn đấu đào tạo khoảng 3.000 lao động.
2. Dự báo đối tượng đến năm 2020: Đối tượng bảo trợ xã hội có xu hướng tăng do mở rộng chính sách theo lộ trình của Đề án đã ban hành. Hộ nghèo và hộ cận nghèo giảm; Đối tượng bước vào độ tuổi lao động ít biến động do duy trì mức sinh ổn định trong thời gian qua, riêng đối tượng tham gia thị trường lao động có xu hướng giảm do chưa đáp ứng được các yêu cầu của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư; Đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tiếp tục tăng do chính sách phù hợp; Đối tượng chính sách người có công với cách mạng tăng do đẩy nhanh việc giải quyết hồ sơ tồn đọng và nhiều lý do khác.
II. Hệ thống phần mềm quản lý và cơ sở dữ liệu thành phần về ASXH
1. Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu thị trường lao động: Đang sử dụng hệ thống Cổng thông tin điện tử về việc làm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (qua website: www.vieclamvietnam.gov.vn), để chuyển tải thông tin lên cổng thông tin điện tử về việc làm, cập nhật và phổ biến thông tin thị trường lao động, giúp người lao động, người sử dụng lao động và các đối tượng khác có thể dễ dàng tra cứu thông tin lao động và việc làm. Đồng thời vận hành tốt cổng thông tin điện tử địa chỉ www.vieclamhue.vn.
2. Hệ thống thông tin quản lý và cơ sở dữ liệu lĩnh vực bảo hiểm xã hội:
Sử dụng các phần mềm dùng chung thống nhất của bảo hiểm xã hội Việt Nam trong các đơn vị thuộc hệ thống bảo hiểm xã hội trên địa bàn và sử dụng một số phần mềm nghiệp vụ như: quản lý đối tượng hưởng bảo hiểm xã hội, xét duyệt hồ sơ đối tượng hưởng bảo hiểm xã hội, hệ thống quản lý thẻ bảo hiểm y tế...
3. Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu người có công: Ứng dụng, triển khai phần mềm “Quản lý tài chính trợ cấp ưu đãi người có công” do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng để cập nhật, quản lý thông tin và phục vụ hoạt động chi trả trợ cấp đối với người có công...
4. Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu Bảo trợ xã hội và giảm nghèo: Hiện nay, công tác quản lý, báo cáo về giảm nghèo thông qua phần mềm Giảm nghèo do Văn phòng giảm nghèo quốc gia xây dựng; công tác quản lý các số liệu về bảo trợ xã hội chủ yếu được lưu trữ qua file Excel. Trong thời gian đến sẽ ứng dụng hệ thống cơ sở dữ liệu về giảm nghèo và bảo trợ xã hội từ dự án “Tăng cường Hệ thống Trợ giúp Xã hội Việt Nam” để cập nhật, quản lý việc thực hiện các chính sách liên quan đến giảm nghèo và trợ giúp xã hội tại địa phương.
- Một số hệ thống phần mềm quản lý về việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội chưa có hoặc chưa được đồng bộ, thống nhất. Do đó, việc quản lý, cập nhật, báo cáo chưa được kịp thời, chính xác;
- Đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác ASXH chưa được đào tạo về kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin; thiếu kinh nghiệm trong việc quản lý, vận hành các hệ thống cơ sở dữ liệu thành phần;
- Nguồn kinh phí đầu tư cho ứng dụng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu còn hạn chế, chưa đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu về việc đầu tư trang thiết bị, hạ tầng kỹ thuật ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thực hiện chính sách an sinh xã hội;
- Hệ thống chỉ tiêu thống kê, báo cáo về an sinh xã hội chưa đồng bộ, thống nhất, chuẩn hóa giữa các cấp quản lý, chồng chéo về nội dung dẫn đến tình trạng trùng lặp về đối tượng.
MỤC TIÊU VÀ CÁC NỘI DUNG CỦA KẾ HOẠCH
I. Mục tiêu: Tổ chức các hoạt động triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết chính sách an sinh xã hội cho người dân, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đổi mới về tổ chức và đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực an sinh xã hội, góp phần phát triển Chính phủ điện tử.
1. Mục tiêu đến năm 2020:
a) Ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký, giải quyết chính sách, chi trả cho đối tượng thụ hưởng chính sách an sinh xã hội kịp thời, công khai và minh bạch;
b) Góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý, triển khai cấp số và thẻ an sinh xã hội điện tử để tích hợp, giúp người dân thụ hưởng thuận lợi các chính sách trợ giúp xã hội, giảm nghèo, người có công với cách mạng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp;
c) Xây dựng cơ sở dữ liệu của tỉnh, của quốc gia về an sinh xã hội bao gồm thông tin cơ bản về công dân Thừa Thiên Huế là đối tượng của các chính sách: Trợ giúp xã hội, giảm nghèo, người có công với cách mạng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.
2. Định hướng đến năm 2030: Từng bước mở rộng cơ sở dữ liệu theo định hướng của Trung ương về an sinh xã hội gồm thông tin thêm về các lĩnh vực: Trẻ em, dạy nghề, việc làm, bình đẳng giới, phòng chống tệ nạn xã hội và các lĩnh vực khác của an sinh xã hội theo quy định của pháp luật.
1. Rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội.
2. Đầu tư hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị, nhân lực để vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội vào giải quyết các chính sách ASXH cho người dân.
3. Ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết chính sách an sinh xã hội, quản lý và cập nhật cơ sở dữ liệu của tỉnh, của quốc gia về an sinh xã hội:
a) Xây dựng, triển khai các phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin của quốc gia trong giải quyết chính sách ASXH, quản lý, cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội; bảo đảm kết nối với số và thẻ an sinh xã hội điện tử chung của cả nước; ban hành quy chế tạm thời về cập nhật, quản lý, vận hành và truy cập cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội, bảo đảm kết nối liên thông, tích hợp và chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu của các sở, ngành, địa phương liên quan;
b) Cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia về ASXH gồm các thông tin sau đây:
- Các thông tin về đối tượng và chính sách trợ giúp xã hội theo quy định tại Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và các văn bản pháp luật có liên quan;
- Các thông tin về đối tượng và chính sách giảm nghèo theo quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020 và các văn bản pháp luật có liên quan;
- Các thông tin về đối tượng và chính sách ưu đãi người có công với cách mạng được quy định tại Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng và các văn bản pháp luật có liên quan;
- Các thông tin về đối tượng và chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Luật Việc làm và các văn bản hướng dẫn Luật.
c) Tích hợp các thông tin sau đây vào cơ sở dữ liệu quốc gia về ASXH:
- Các thông tin định danh công dân theo quy định tại Điều 9 Luật Căn cước công dân và các văn bản hướng dẫn Luật;
- Các thông tin về đối tượng và chính sách bảo hiểm xã hội theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội và các văn bản hướng dẫn Luật;
- Các thông tin về đối tượng và chính sách bảo hiểm y tế theo quy định tại Luật Bảo hiểm y tế và các văn bản hướng dẫn Luật;
d) Xây dựng hệ thống chỉ tiêu, chỉ số đầu vào, đầu ra đảm bảo các cơ sở dữ liệu thành phần cập nhật, quản lý, tích hợp và trao đổi cơ sở dữ liệu ASXH;
đ) Quản lý, lưu trữ, bảo mật và phân phối hiệu quả cơ sở dữ liệu thành phần và cơ sở dữ liệu quốc gia về ASXH;
e) Tổ chức nhập số liệu hồ sơ đối tượng thụ hưởng chính sách ASXH.
4. Giai đoạn 2019 - 2020 hỗ trợ cấp số và thẻ ASXH điện tử cho công dân của tỉnh là đối tượng của an sinh xã hội theo hướng dẫn của Trung ương.
5. Xây dựng Cổng Thông tin điện tử An sinh xã hội trên mạng điện tử để thực hiện: Giải quyết các chính sách an sinh xã hội cho người dân; cung cấp thông tin về chính sách, đối tượng thụ hưởng chính sách an sinh xã hội; tích hợp cung cấp dịch vụ trực tuyến và kết nối hệ thống thông tin thống kê về an sinh xã hội của các sở, ngành, địa phương; đảm bảo triển khai dịch vụ công trực tuyến về lĩnh vực an sinh xã hội tập trung, đồng bộ tại Cổng dịch vụ công của tỉnh.
6. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết chính sách an sinh xã hội, xây dựng cơ sở dữ liệu an sinh xã hội; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư hạ tầng kỹ thuật nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giải quyết chi trả chính sách; lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ công bảo đảm chi trả theo yêu cầu; hướng dẫn, hỗ trợ người dân tự đăng ký và nhập số liệu các trường thông tin cá nhân vào cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội theo quy định của các ngành, các cấp.
7. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và người dân về vai trò, tác dụng của số an sinh xã hội, thẻ an sinh xã hội điện tử và cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội.
8. Đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên trong việc ứng dụng, khai thác hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu về ASXH.
9. Tăng cường giám sát, đánh giá việc thực hiện ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội của các cấp, các ngành trong giải quyết các chính sách an sinh xã hội.
I. Kinh phí thực hiện: Kinh phí thực hiện Kế hoạch được bảo đảm từ các nguồn: vốn doanh nghiệp, chi phí dịch vụ chi trả các chính sách ASXH, nguồn vốn ngân sách nhà nước được bố trí trong dự toán chi thường xuyên hàng năm theo phân cấp của Luật Ngân sách nhà nước; nguồn huy động, tài trợ, đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và các nguồn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
a) Chủ trì xây dựng Kế hoạch thực hiện; hướng dẫn các sở, ngành, địa phương triển khai các nhiệm vụ của Kế hoạch; kiểm tra, giám sát và tổ chức sơ kết hàng năm, tổng hợp báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND tỉnh kết quả thực hiện. Tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch vào năm 2020 trước khi tiếp tục triển khai giai đoạn tiếp theo đến năm 2030;
b) Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tài chính và các cơ quan liên quan thống nhất lựa chọn đơn vị có mạng lưới cơ sở vật chất và nhân lực trải rộng đến cấp xã trên địa bàn tỉnh, có kinh nghiệm cung cấp dịch vụ chi trả trợ cấp xã hội, các chính sách an sinh xã hội và bảo đảm xây dựng cơ sở dữ liệu an sinh xã hội để cung cấp dịch vụ chi trả các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn;
c) Truyền thông nâng cao nhận thức; phối hợp với các Sở, ngành liên quan tổ chức đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ, nhân viên trong việc vận hành, khai thác cơ sở dữ liệu về an sinh xã hội.
2. Sở Tài chính: Có trách nhiệm bố trí kinh phí để triển khai thực hiện Kế hoạch theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.
3. Công an tỉnh: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao và cơ sở dữ liệu hiện có phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tích hợp các thông tin cơ bản về công dân tỉnh Thừa Thiên Huế khi có sự chỉ đạo của Bộ Công an vào cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội.
4. Sở Y tế và Bảo hiểm xã hội tỉnh: Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tích hợp các thông tin tại điểm c) mục 1 phần II vào cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội.
5. Sở Thông tin và Truyền thông:
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Kế hoạch tại các Sở, ngành, địa phương;
- Hướng dẫn, hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin, các phần mềm quản lý ASXH; công khai phổ biến các cơ sở dữ liệu, thông tin, chính sách trên các trang thông tin điện tử, phương tiện thông tin đại chúng.
6. Các sở, ngành, đơn vị liên quan: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm triển khai thực hiện các nội dung của Kế hoạch.
7. UBND thành phố Huế, các thị xã và các huyện: Chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp của Kế hoạch theo chức năng, nhiệm vụ quản lý; bố trí nhân lực, cơ sở vật chất thực hiện Kế hoạch.
1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Chịu trách nhiệm triển khai, theo dõi, tổng hợp tình hình thực hiện của các sở, ban ngành, địa phương về các nội dung của Kế hoạch; tham mưu, tổ chức sơ kết đánh giá và báo cáo kết quả thực hiện giai đoạn 2019-2020.
2. UBND thành phố Huế, các thị xã và các huyện và các Sở ngành liên quan: Thực hiện báo cáo năm trước ngày 30/11, giai đoạn 2019-2020 tình hình thực hiện của địa phương cho UBND tỉnh thông qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp.
3. Quá trình triển khai, nếu có vướng mắc, các đơn vị kịp thời báo cáo về UBND tỉnh để chỉ đạo giải quyết./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.