ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 203/KH-UBND |
Đồng Tháp, ngày 12 tháng 06 năm 2024 |
KẾ HOẠCH
PHÁT TRIỂN DU LỊCH TỈNH ĐỒNG THÁP NĂM 2024
I. TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN DU LỊCH ĐỒNG THÁP NĂM 2023
Sau hơn 01 năm thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thực hiện theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30 tháng 11 năm 2022 của Chính phủ và gần 02 năm triển khai thực hiện Kế hoạch mở cửa lại hoạt động du lịch trên địa bàn Tỉnh trong điều kiện bình thường mới (Kế hoạch số 111/KH-UBND ngày 31/3/2022), với quyết tâm tạo bước đột phá trong phát triển du lịch, Tỉnh đã tập trung nguồn lực thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm nhằm đạt được mục tiêu đề ra.
Năm 2023, du lịch Đồng Tháp đã phục hồi và đạt nhiều kết quả tích cực: đón và phục vụ trên 4 triệu lượt khách đạt 106,16% kế hoạch (tăng 14,59% so với cùng kỳ năm 2022). Tổng thu du lịch 1.925 tỷ đồng đạt 106,94% kế hoạch (tăng 15,66% so với cùng kỳ năm 2022, doanh thu du lịch tăng gấp 1,8 lần so với năm 2019 - năm trước khi chưa xảy ra dịch bệnh Covid - 19); tiếp tục giữ vững vị trí
Top 4 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) về lượt khách đến; có thêm 04 điểm du lịch gắn với trải nghiệm nông nghiệp và có thêm 02 điểm được Uỷ ban nhân dân Tỉnh công nhận Điểm Du lịch đạt theo tiêu chuẩn Luật Du lịch 2017 (tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 72 điểm du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng đang hoạt động; trong đó, có 50 điểm đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch).
II. KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN DU LỊCH ĐỒNG THÁP NĂM 2024
1. Mục tiêu cụ thể
- Tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp tại Kế hoạch số 61/KH-UBND ngày 15/02/2022 về thực hiện Kết luận số 249-KL/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh về đẩy mạnh phát triển du lịch góp phần tạo dựng hình ảnh tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 - 2025; Chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn Tỉnh và Đề án phát triển du lịch, góp phần tạo dựng hình ảnh tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2023 - 2025 và định hướng đến 2030.
- Tập trung phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch gắn với tiềm năng, thế mạnh của Tỉnh. Đưa Du lịch Đồng Tháp phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại và bền vững, tái định vị thương hiệu du lịch Đồng Tháp gắn với nâng cao hình ảnh địa phương; nâng tỷ trọng và đóng góp của ngành du lịch trong cơ cấu kinh tế. Phát triển thêm 01 Điểm du lịch cấp tỉnh được Uỷ ban nhân dân Tỉnh công nhận Điểm Du lịch đạt theo tiêu chuẩn Luật Du lịch 2017.
- Phấn đấu năm 2024 du lịch Đồng Tháp thu hút 4.200.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm; trong đó, có 50.000 khách quốc tế. Tổng thu từ du lịch đạt 2.000 tỷ đồng.
2. Các giải pháp thực hiện nhiệm vụ trọng tâm
2.1. Tiếp tục đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch
- Tiếp tục tạo sự chuyển biến trong nhận thức của các ngành, các cấp và người dân xem du lịch là một trong những ngành kinh tế quan trọng của Tỉnh, mang tính tổng hợp, tính liên ngành, tính liên vùng và tính xã hội hóa cao, du lịch phát triển sẽ tạo ra nhu cầu, thị trường và động lực để thúc đẩy các ngành khác cùng phát triển.
- Phát huy trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong việc bảo vệ, giữ gìn và khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên và nhân văn[1] tích cực tham gia đầu tư phát triển du lịch, có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý, kiểm tra, giám sát và tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển du lịch.
2.2. Hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển du lịch
- Tiếp tục triển khai Chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn Tỉnh. Khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức/cá nhân tham gia đầu tư phát triển du lịch.
- Nghiên cứu phát triển thị trường, xúc tiến du lịch, phát triển sản phẩm du lịch mới, kết nối tour tuyến nội tỉnh, liên tỉnh, liên vùng.
- Triển khai các tiêu chuẩn quốc gia về du lịch và các dịch vụ có liên quan; Chương trình phát triển du lịch trong xây dựng nông thôn mới; Đề án phát triển du lịch; Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam; Chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch ở trong và ngoài nước; Đề án ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh thúc đẩy phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng.
- Khuyến khích phát triển các mô hình nông nghiệp xanh, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với phát triển du lịch bền vững.
2.3. Phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch
- Tiếp tục phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng du lịch, nâng cao khả năng kết nối giao thông đến các khu di tích, điểm du lịch. Khuyến khích đầu tư các bãi đỗ xe, bến tàu khách du lịch phục vụ khai thác loại hình du lịch đường thủy trên tuyến sông Mekong; phát triển hệ thống quầy hàng lưu niệm, sản phẩm OCOP Đồng Tháp tại các khu di tích, điểm du lịch, điểm dừng chân và khu vệ sinh công cộng trên các tuyến đường bộ phục vụ phát triển du lịch.
- Kêu gọi đầu tư xây dựng ba bến tàu khách du lịch tại 3 thành phố: Cao Lãnh, Sa Đéc và Hồng Ngự để khai thác loại hình du lịch đường sông.
- Kêu gọi đầu tư phát triển các công trình dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí, hoạt động trải nghiệm phù hợp tại các khu di tích, điểm du lịch trọng điểm. Thu hút nguồn lực xã hội, nhà đầu tư có công nghệ mới, thân thiện với môi trường, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho ngành du lịch, đặc biệt là cơ sở lưu trú, khu nghỉ dưỡng phức hợp cao cấp, phù hợp với nhu cầu và xu hướng du lịch mới, nâng dần giá trị gia tăng của sản phẩm dịch vụ du lịch và nâng cao năng lực cạnh tranh du lịch Tỉnh.
- Hoàn thiện hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong du lịch; số hóa các thông tin, tài liệu về điểm đến du lịch, xây dựng cơ sở dữ liệu số, hướng tới hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh.
2.4. Đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ du lịch, xây dựng và kết nối tour tuyến du lịch
- Tập trung phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng cao, khác biệt, có giá trị gia tăng và tăng cường trải nghiệm cho khách du lịch dựa trên lợi thế về tài nguyên đặc trưng của từng địa phương, phù hợp với nhu cầu thị trường và nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch Đồng Tháp.
- Phát triển hệ thống sản phẩm có tính liên kết cao như: sản phẩm du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng; du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với sản phẩm OCOP kết hợp trải nghiệm làng nghề; du lịch văn hóa lịch sử (Đình làng - Nhà cổ) kết hợp Lễ hội; du lịch ẩm thực Sen - sự kiện Văn hoá - Thể thao kết hợp mua sắm; du lịch chính quyền, du lịch số; du lịch chăm sóc sức khỏe...
- Tiếp tục phát triển hoàn thiện sản phẩm du lịch đặc trưng từng khu di tích, điểm du lịch trọng điểm theo định vị Đề án phát triển du lịch; tiếp tục củng cố, nâng cấp chất lượng các Chương trình du lịch trải nghiệm mùa nước nổi tại Vườn Quốc gia Tràm Chim, Chương trình du lịch trải nghiệm một ngày làm nông dân ở Xẻo Quít, Chương trình du lịch trải nghiệm mỗi ngày một nghề tại TP.Sa Đéc, Chương trình du lịch đi trong màu xanh của vườn trái cây đặc sản như Quýt hồng Lai Vung, Xoài Cao Lãnh, Nhãn Châu Thành,…
- Tổ chức khảo sát, đánh giá tính hiệu quả về kinh tế xã hội của các mô hình du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh để lựa chọn những mô hình đủ điều kiện xây dựng thành sản phẩm du lịch nông thôn có tính nổi trội, khác biệt, đủ sức cạnh tranh để kết nối thành các tour tuyến du lịch hấp dẫn, thu hút du khách đến tham quan, khám phá, trải nghiệm.
- Hỗ trợ các huyện, thành phố hoàn thiện, nâng chất lượng các mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn, Homestay, Farmstay, đồng thời hoàn thiện các tiêu chí sản phẩm OCOP hạng 3 sao - 4 sao; triển khai các điểm bán hàng OCOP tại các điểm du lịch cộng đồng của địa phương, nhằm tạo ra nhiều việc làm, chuyển đổi cơ cấu lao động dôi dư trong quá trình tái cơ cấu hiện đại hoá nông nghiệp, đồng thời tiêu thụ (tại chỗ) nhiều nông sản, hàng thủ công mỹ nghệ, hàng quà tặng, thông qua mua sắm, tiêu dùng của du khách.
- Hỗ trợ một số làng nghề tiêu biểu, có điều kiện phát triển thành điểm du lịch vệ tinh kết nối với các khu di tích, điểm du lịch trọng điểm. Tổ chức đào tạo nghề, hỗ trợ xúc tiến thương mại - du lịch cho các làng nghề tạo sản phẩm mới.
- Phối hợp với TP. Hồ Chí Minh và các địa phương khai thác tuyến du lịch mới Sắc màu vùng biên (TP. HCM - Long An - Đồng Tháp - An Giang - Kiên Giang). Tiếp tục phối hợp hoàn thiện Chương trình du lịch “Hành trình ba địa phương một điểm đến” nhằm gia tăng tính hấp dẫn, thu hút khách du lịch. Phối hợp với An Giang phát triển tuyến du lịch văn hóa tâm linh, văn hóa lịch sử,…
2.5. Đẩy mạnh hợp tác, liên kết, xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch, hình ảnh địa phương và mời gọi đầu tư
- Tăng cường hợp tác, liên kết phát triển du lịch với thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố ĐBSCL, để tạo sản phẩm du lịch vùng MeKong, thu hút khách quốc tế, có tính cạnh tranh cao và mở rộng thị phần khách nội địa phía Bắc.
- Đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch tại các thị trường trọng điểm nhằm lan toả thương hiệu du lịch “Đồng Tháp - Thuần khiết như hồn Sen”. Tăng cường và đa dạng thị trường khách du lịch nội địa và quốc tế.
- Phối hợp tham gia các hoạt động trong khuôn khổ Năm du lịch Quốc gia, hội chợ quốc tế, ngày hội du lịch, hội nghị, hội thảo; các chương trình khảo sát xúc tiến, quảng bá, xây dựng sản phẩm và tour liên kết vùng.
- Triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động liên kết phát triển du lịch; Tổ chức các chương trình, sự kiện văn hoá, thể thao và du lịch tại Đồng Tháp; Tham gia các hoạt động, sự kiện Năm du lịch Quốc gia. Tham gia các sự kiện hưởng ứng của vùng ĐBSCL và Thành phố Hồ Chí Minh, tăng độ phủ của hình ảnh du lịch Đồng Tháp an toàn, hấp dẫn thu hút khách nội địa và quốc tế.
- Khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, xây dựng thương hiệu riêng của đơn vị; chủ động đăng ký tham gia các chương trình quảng bá xúc tiến du lịch tại các thị trường trọng điểm như: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng,... do Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch và Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Du lịch và Đầu tư tổ chức nhằm tiếp cận, quảng bá, thu hút khách du lịch đến với Đồng Tháp.
- Đăng ký tham gia một số hội chợ du lịch quốc tế tổ chức tại Việt Nam và ở nước ngoài tại các thị trường trọng điểm, tiềm năng trong khu vực và trên thế giới như: Đông Bắc Á (Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan), Châu Âu, các nước khu vực ASEAN, khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam và Tiểu vùng sông MeKong mở rộng Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam, Trung Quốc do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch tổ chức.
- Tổ chức khảo sát, kết nối phát triển du lịch tại khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam và Tiểu vùng sông MeKong mở rộng Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam, Trung Quốc.
- Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, mở rộng quan hệ hợp tác trong nước và quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường du lịch trong nước. Liên kết hợp tác với các doanh nghiệp lữ hành có nhiều lợi thế và kinh nghiệm phát triển du lịch ở các trung tâm du lịch lớn của quốc gia như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ,... để phát triển các tour tuyến du lịch mới, các tuyến du lịch đường thủy trên sông MeKong, đưa khách đến tham quan trải nghiệm du lịch Đồng Tháp.
- Đổi mới phương thức, nội dung xúc tiến quảng bá du lịch, tăng cường ứng dụng công nghệ, mạng xã hội, nâng cao tính chuyên nghiệp và hiệu quả xúc tiến quảng bá du lịch tại các kỳ hội chợ du lịch, sự kiện, lễ hội văn hóa du lịch,... Xây dựng bộ nhận diện thương hiệu du lịch mang bản sắc văn hóa địa phương để quảng bá xúc tiến du lịch trong và ngoài nước. Phát huy vai trò của các cơ quan truyền thông, tạo đột phá trong hoạt động xúc tiến quảng bá thị trường trong nước, kết hợp với nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của du lịch.
- Kết hợp sử dụng nguồn lực của Nhà nước và huy động sự tham gia của các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, khu điểm du lịch trong hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch. Đẩy mạnh liên kết với các tỉnh, thành phố để kết nối tuyến điểm du lịch gắn với phát triển dịch vụ lữ hành.
- Tăng cường công tác nghiên cứu mở rộng thị trường và mời gọi đầu tư. Phối hợp tổ chức các sự kiện cấp vùng, cấp quốc gia, quốc tế nhằm quảng bá hình ảnh địa phương và thu hút khách du lịch, nhà đầu tư.
- Tổ chức các Đoàn tham quan học tập kinh nghiệm những mô hình phát triển du lịch có hiệu quả và xúc tiến du lịch với các địa phương có ngành du lịch phát triển mạnh, tiến tới xúc tiến du lịch nước ngoài khi có điều kiện.
- Lồng ghép hoạt động quảng bá các sản phẩm đã được cấp nhãn hiệu sở hữu trí tuệ, các sản phẩm được cấp chứng nhận OCOP vào các chương trình xúc tiến du lịch và quảng bá hình ảnh địa phương.
2.6. Phát triển nguồn nhân lực du lịch
- Tăng cường đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch. Đặc biệt chú trọng lao động lành nghề, có tính chuyên nghiệp cao.
- Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu nghiệp vụ quản lý nhà nước về du lịch gắn với chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về du lịch cấp xã, huyện. Nhân lực quản trị của doanh nghiệp, nhân lực điều hành các nhóm nghề du lịch và nhân lực quản lý tại điểm.
- Tập trung đào tạo 08 kỹ năng nghề du lịch và các kỹ năng mềm đối với lực lượng lao động trực tiếp phục vụ du lịch. Tăng tỷ lệ lao động du lịch được đào tạo, bồi dưỡng về kỹ năng và nghiệp vụ du lịch, ngoại ngữ. Đào tạo về văn hóa, lịch sử tỉnh Đồng Tháp.
2.7. Ứng dụng khoa học và công nghệ trong hoạt động du lịch
- Xây dựng và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh; ứng dụng công nghệ số để kết nối nhằm hỗ trợ và tăng trải nghiệm cho khách du lịch.
- Hoàn thiện hệ thống thống kê du lịch, xây dựng cơ sở dữ liệu ngành du lịch, kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia.
- Khuyến khích các tổ chức, cá nhân ứng dụng khoa học, công nghệ vào hoạt động khai thác, phát triển du lịch; tận dụng sự tiện lợi của điện thoại thông minh để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, chào bán các chương trình tham quan, trải nghiệm, đăng ký lịch trình, đặt chỗ, đặt dịch vụ,… thông qua việc thiết kế các trang web, fanpage trên các thiết bị di động; từng bước hướng đến mô hình cung cấp dịch vụ tiện lợi theo hình thức trọn gói.
3.8. Tăng cường quản lý nhà nước về du lịch, bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động du lịch
- Tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp theo Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND ngày 24/3/2022 của Hội đồng nhân dân Tỉnh. Triển khai hiệu quả Chương trình phát triển du lịch trong xây dựng nông thôn mới của Trương ương và Đề án phát triển du lịch, góp phần tạo dựng hình ảnh địa phương giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến 2030.
- Đổi mới công tác quản lý nhà nước về du lịch, tạo môi trường đầu tư và đồng hành cùng doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trong tình hình mới. Cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch.
- Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các sở, ngành, chính quyền địa phương trong việc xây dựng nếp sống văn minh, đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh, an toàn cho khách. Tăng cường năng lực cạnh tranh của hệ thống doanh nghiệp du lịch, lữ hành, khách sạn, khu điểm du lịch, phát huy vai trò của các hội quán, cơ sở dịch vụ có liên quan đến du lịch.
- Cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch, tiếp tục vận hành hiệu quả Cổng thông tin du lịch thông minh.
4. Kinh phí
Thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước theo phân cấp; nguồn tài trợ, viện trợ, nguồn xã hội hóa và các nguồn hợp pháp khác theo quy định; lồng ghép vào các chương trình, đề án, kế hoạch có liên quan đến nhiệm vụ của kế hoạch.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch
- Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về du lịch, tổ chức kiểm tra, hướng dẫn, giám sát các hoạt động du lịch trên địa bàn Tỉnh. Thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện kế hoạch ở các địa phương, đơn vị. Kịp thời tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo xem xét, giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
- Tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp tại Kế hoạch số 61/KH-UBND ngày 15/02/2022 về thực hiện Kết luận số 249-KL/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh về đẩy mạnh phát triển du lịch góp phần tạo dựng hình ảnh tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 - 2025; Chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh và Đề án phát triển du lịch, góp phần tạo dựng hình ảnh tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2023 - 2025 và định hướng đến 2030.
- Xây dựng kế hoạch và tổ chức đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch.
- Phối hợp với Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố ĐBSCL triển khai thực hiện Thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch đã ký kết.
- Phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Du lịch và Đầu tư Tỉnh tổ chức thực hiện các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch và mời gọi đầu tư vào lĩnh vực du lịch.
- Định hướng cho các đơn vị xây dựng tour, tuyến, sản phẩm dịch vụ mới; khảo sát tài nguyên du lịch ở các huyện, thành phố để định hướng và hỗ trợ địa phương phát triển loại hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn.
2. Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Du lịch và Đầu tư Tỉnh
- Quản lý và khai thác có hiệu quả các đơn vị trực thuộc Trung tâm: Khu du lịch Tràm Chim và bộ phận du lịch tại Xẻo Quít.
- Phối hợp tổ chức khảo sát nhu cầu và xây dựng các chương trình tham quan du lịch phù hợp với từng thị trường khách du lịch.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch và mời gọi đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Tham mưu, đề xuất các giải pháp đổi mới nội dung, hình thức xúc tiến, quảng bá phù hợp, nhằm phát huy tối đa ứng dụng công nghệ hiện đại thay cho các công cụ truyền thống; phát huy các nguồn lực xã hội hóa tham gia vào hoạt động xúc tiến, quảng bá.
- Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch, khu điểm du lịch, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm dịch vụ du lịch tại các hội chợ du lịch, sự kiện, lễ hội văn hóa du lịch trong, ngoài tỉnh và liên kết với hệ thống sản phẩm du lịch vùng ĐBSCL để thu hút khách về tham quan trải nghiệm du lịch tại Đồng Tháp.
- Khảo sát, xây dựng tour tuyến kết nối các khu di tích, điểm tham quan du lịch đường bộ và đường thuỷ.
- Làm cầu nối cho các doanh nghiệp du lịch, khu điểm du lịch tiếp cận, mở rộng thị trường để phát triển sản phẩm mới.
- Xây dựng các tài liệu, video clip quảng bá xúc tiến du lịch.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Chủ trì, phối hợp các ngành liên quan hướng dẫn nhà đầu tư các quy trình thủ tục đầu tư; tiếp nhận, thẩm định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án phát triển du lịch thuộc thẩm quyền của Uỷ ban nhân dân Tỉnh theo quy định pháp luật về đầu tư.
- Phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị liên quan, tham mưu Ủy ban nhân dân Tỉnh về bố trí vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện các công trình, dự án theo đúng quy định.
4. Sở Tài chính
Tham mưu Ủy ban nhân dân Tỉnh bố trí kinh phí từ nguồn vốn sự nghiệp để thực hiện Kế hoạch; đồng thời, phối hợp với Sở Kế hoạch và đầu tư cân đối, bố trí nguồn vốn đầu tư thực hiện các công trình, dự án của Kế hoạch theo quy định.
5. Sở Tài nguyên và Môi trường
- Tăng cường công tác tập huấn, tuyên truyền và hướng dẫn các cơ sở kinh doanh du lịch, khu, điểm du lịch thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ môi trường, bảo vệ cảnh quan, tài nguyên thiên nhiên tại các khu di tích lịch sử văn hóa và trong các hoạt động lễ hội trên địa bàn Tỉnh.
- Hướng dẫn thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực môi trường, đa dạng sinh học đối với các dự án đầu tư, hoạt động du lịch trên địa bàn Tỉnh đảm bảo đúng theo quy định.
- Phát động các phong trào, chiến dịch làm xanh - sạch môi trường tại các khu di tích, điểm tham quan du lịch của Tỉnh thông qua các ngày lễ kỷ niệm môi trường trong năm như: Ngày Trái đất, Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học, Ngày Môi trường thế giới, Chiến dịch làm cho Thế giới sạch hơn,...
6. Sở Giao thông vận tải
- Tiếp tục triển khai đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông (cầu, đường), đặc biệt ưu tiên đầu tư các tuyến đường kết nối các khu điểm tham quan du lịch đảm bảo thông suốt.
- Lắp đặt các bảng chỉ dẫn đường giao thông đến các khu di tích, điểm du lịch trọng điểm, các điểm tham quan du lịch cộng đồng trên địa bàn Tỉnh.
- Hướng dẫn thủ tục cho các doanh nghiệp đăng ký cấp phép bến tàu khách du lịch và các phương tiện vận chuyển khách du lịch bằng đường thủy nội địa. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra các điều kiện hoạt động của bến tàu, phương tiện giao thông thủy nội địa và phương tiện vận chuyển khách du lịch bằng đường bộ.
- Vận động các phương tiện vận chuyển khách du lịch đăng ký cấp biển hiệu đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch theo quy định.
7. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch lồng ghép các nội dung phát triển du lịch vào Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Chương trình xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ngành hàng Sen... Giới thiệu, phối hợp với các đơn vị có liên quan phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ kết hợp với phát triển du lịch.
8. Sở Thông tin và Truyền thông
Định hướng các cơ quan báo chí trong Tỉnh và hệ thống thông tin cơ sở, thông tin, tuyên truyền Đề án phát triển du lịch, góp phần tạo dựng hình ảnh tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2023 - 2025 và định hướng đến 2030, các chương trình, kế hoạch, lễ hội, sự kiện văn hóa - thể thao - du lịch của Tỉnh. Chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy hợp tác với các cơ quan thông tấn, báo chí, công ty truyền thông quảng bá du lịch và hình ảnh địa phương- Tham mưu Ủy ban nhân dân Tỉnh hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin, kết nối, hỗ trợ chuyển đổi số trong du lịch.
9. Các sở, ngành Tỉnh
Triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực mình phụ trách tại Kế hoạch này; kịp thời phối hợp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; tham mưu, đề xuất Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch cho ý kiến thực hiện các giải pháp để đạt hiệu quả cao nhất, góp phần tạo dựng hình ảnh tỉnh Đồng Tháp trong xây dựng chính quyền, du lịch, nông nghiệp, cơ hội đầu tư, cộng đồng dân cư, cộng đồng doanh nghiệp.
10. Đề nghị Báo Đồng Tháp; Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp, Cổng Thông tin điện tử Tỉnh
- Tăng cường thời lượng, chuyên mục, chuyên trang nhằm tuyên truyền sâu, rộng đến các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh du lịch, nhân dân tham gia phát triển du lịch.
- Kịp thời thông tin, phản ánh các hoạt động về du lịch tại địa phương và các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch của địa phương trong nước và quốc tế.
- Duy trì chuyên trang, chuyên mục giới thiệu về các hoạt động du lịch.
- Xây dựng các phim, phóng sự truyền hình thực tế để tuyên truyền, quảng bá các hoạt động du lịch gắn với hình ảnh tỉnh Đồng Tháp.
11. Ủy ban nhân dân huyện, thành phố
- Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, chỉ đạo triển khai Kế hoạch phù hợp với điều kiện của địa phương.
- Tăng cường quản lý điểm đến, chỉ đạo, giám sát chặt chẽ các hoạt động du lịch tại địa phương; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội để phát triển du lịch; tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân để xây dựng môi trường du lịch văn minh, thân thiện; hỗ trợ tạo điều kiện cho người dân tham gia phát triển du lịch cộng đồng, góp phần nâng cao sinh kế, giảm nghèo cho người dân, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, biên giới.
- Khảo sát, quy hoạch các điểm tham quan du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp trên địa bàn, hỗ trợ và tạo điều kiện cho người dân khôi phục phát triển các làng nghề thủ công truyền thống và các vườn cây ăn trái có đủ điều kiện phát triển thành điểm tham quan du lịch cộng đồng. Đồng thời, tuyên truyền để người dân có ý thức phối hợp cùng các doanh nghiệp du lịch, lữ hành trong tiếp đón và phục vụ khách tham quan du lịch tại địa phương, đảm bảo môi trường du lịch an toàn, thân thiện.
- Tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn; triển khai các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch đúng tiến độ và hiệu quả.
Yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện tốt Kế hoạch này, định kỳ 06 tháng (trước ngày 20/6) và tổng kết năm (trước ngày 15/12) báo cáo kết quả thực hiện về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tổng hợp, báo cáo Uỷ ban nhân dân Tỉnh./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
[1] Tài nguyên du lịch nhân văn là các đối tượng, hiện tượng do con người tạo ra trong quá trình phát triển có thể được sử dụng cho mục đích du lịch. Tài nguyên du lịch nhân văn bao gồm: Tài nguyên du lịch nhân văn vật thể và Tài nguyên du lịch nhân văn phi vật thể.
+ Tài nguyên du lịch nhân văn vật thể bao gồm: các di tích lịch sử, các công trình kiến trúc, văn hoá, nghệ thuật...
+ Tài nguyên du lịch nhân văn phi vật thể bao gồm: các truyền thống lịch sử, văn hoá dân tộc, các phong tục tập quán, các loại hình nghệ thuật truyền thống,…
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.