ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1939/KH-UBND |
Gia Lai, ngày 31 tháng 8 năm 2018 |
Thực hiện Quyết định số 773/QĐ-TTg ngày 26/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ tổ chức thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng (sau đây gọi tắt là Quyết định số 773/QĐ-TTg); Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ với nội dung như sau:
- Quán triệt, triển khai và tổ chức thực hiện nghiêm túc Quyết định số 773/QĐ-TTg tới các cấp, các ngành và nhân dân trên địa bàn tỉnh.
- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội đối với công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc người có công với cách mạng nhằm tri ân những cá nhân và gia đình có nhiều cống hiến, đóng góp hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.
- Tập trung rà soát giải quyết dứt điểm hồ sơ tồn đọng về chính sách người có công với cách mạng; đẩy mạnh việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin; huy động, bố trí nguồn lực thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; tôn tạo các công trình ghi công liệt sĩ; nâng cao mức sống của người có công và gia đình có công với cách mạng, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
- Huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội nhằm hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu hàng năm đối với công tác người có công với cách mạng.
- Xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm của các sở, ban, ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương đối với việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.
- Việc triển khai thực hiện kế hoạch phải được tiến hành đồng bộ; các sở, ban, ngành đoàn thể và chính quyền địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ để tổ chức chỉ đạo triển khai một cách khoa học, thiết thực, hiệu quả.
Các sở, ngành chuyên môn và chính quyền địa phương các cấp giữ vai trò chủ đạo trong việc triển khai thực hiện; huy động tối đa các nguồn lực xã hội đối với công tác chăm sóc gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng; đưa hoạt động đền ơn đáp nghĩa trở thành việc làm thường xuyên của toàn xã hội. Tập trung các nhiệm vụ trọng tâm sau:
a) Đánh giá, rà soát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh, từ đó khắc phục những hạn chế, tồn tại trong việc lập hồ sơ, thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận người có công với cách mạng; công tác quản lý thực hiện chính sách người có công; công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; việc xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin; công tác huy động, bố trí nguồn lực thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; tôn tạo các công trình ghi công liệt sĩ.
b) Tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng bảo đảm đúng quy định của pháp luật, xử lý nghiêm các hành vi trục lợi chính sách người có công với cách mạng.
c) Hoàn thành tổng kết, rà soát việc công nhận người có công với cách mạng theo Kết luận số 63-KL/TW ngày 27/5/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI. Giải quyết căn bản hồ sơ đề nghị xác nhận người có công với cách mạng còn tồn đọng vào năm 2020.
d) Hoàn thành việc hỗ trợ nhà ở cho các hộ gia đình người có công với cách mạng theo chỉ đạo của Chính phủ.
đ) Thực hiện có hiệu quả việc tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Tập trung tu bổ, tôn tạo hệ thống các công trình ghi công liệt sĩ trên địa bàn tỉnh.
e) Đến năm 2020, phấn đấu đạt 100% gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú. Giữ vững 222/222 (100%) xã, phường, thị trấn làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng.
g) Đến năm 2020 đảm bảo 100% người có công với cách mạng được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe, được khám sức khỏe định kỳ phát hiện các vấn đề về sức khỏe, xác định nhu cầu, được chăm sóc, điều dưỡng, phục hồi chức năng, cung cấp và sử dụng dụng cụ trợ giúp phù hợp với tình trạng bệnh, tật, dị dạng, dị tật; 90% con, cháu người bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học được phát hiện sớm, can thiệp sớm, phục hồi chức năng các dị tật bẩm sinh và các dạng khuyết tật.
a) Tổ chức triển khai kịp thời chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về ưu đãi người có công với cách mạng tới các cấp, các ngành và nhân dân trên địa bàn tỉnh.
b) Thực hiện có hiệu quả công tác chăm sóc người có công, trong đó trọng tâm giải quyết dứt điểm hồ sơ chính sách người có công còn tồn đọng; công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin; bố trí nguồn lực đảm bảo thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và lập bản đồ quy hoạch, xác định rõ thời gian, địa điểm tôn tạo các công trình ghi công liệt sĩ.
c) Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến pháp luật người có công với cách mạng; giáo dục, động viên, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm đối với công tác người có công với cách mạng của toàn xã hội. Xác định việc chăm lo, thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng là bổn phận, nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
d) Nâng cao tinh thần trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc tổ chức thực hiện công tác người có công với cách mạng, cụ thể:
- Chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt chính sách người có công với cách mạng:
+ Thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng như: Trợ cấp; phụ cấp; các chính sách ngoài chế độ trợ cấp (nhà ở, giáo dục và đào tạo, y tế, tín dụng, việc làm,...); giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị công nhận người có công với cách mạng; xây dựng, bảo tồn, tôn tạo các công trình ghi công liệt sĩ.
+ Thực hiện phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", chăm lo đời sống gia đình người có công với cách mạng.
- Bố trí kinh phí đảm bảo cho việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.
c) Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác người có công với cách mạng:
- Rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong tiếp nhận hồ sơ xác nhận và giải quyết hồ sơ người có công; ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chỉ đạo, điều hành từ tỉnh đến địa phương.
- Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm công tác người có công với cách mạng từ cấp tỉnh đến cơ sở.
- Xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý về chi trả trợ cấp, hồ sơ người có công với cách mạng, liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn tỉnh để nhập vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về lĩnh vực người có công với cách mạng.
e) Đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ đề nghị công nhận người có công với cách mạng còn tồn đọng hoàn thành vào năm 2020.
g) Đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin:
- Triển khai lập bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trên phạm vi toàn tỉnh; tổ chức lực lượng bảo đảm cho nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập; mở rộng và tăng cường hợp tác với 3 tỉnh Ratanakiri, Stung Treng, Prét Vi Hia - Vương quốc Campuchia nhằm trao đổi, cung cấp thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ; công tác quy tập hài cốt liệt sĩ, chuyên gia, quân tình nguyện Việt Nam hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh trên đất bạn Campuchia; đồng thời thực hiện có hiệu quả công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trên địa bàn tỉnh, nhất là mộ tập thể và địa bàn các xã biên giới;
- Thực hiện có hiệu quả công tác xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.
h) Huy động các nguồn lực xã hội hóa thực hiện tốt công tác chăm sóc người có công với cách mạng.
i) Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng, đảm bảo không để người có công với cách mạng có khó khăn về nhà ở, trong đó ưu tiên thực hiện theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở và Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 25/7/2017 của Chính phủ thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg.
k) Thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra, khen thưởng:
- Thực hiện tốt công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm trong thực hiện luật pháp, chính sách đối với người có công với cách mạng;
- Biểu dương, nhân rộng gương người có công với cách mạng điển hình tiên tiến, tiêu biểu vượt khó vươn lên, tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”;
- Xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng chính sách để trục lợi theo quy định của pháp luật.
l) Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp; các tổ chức chính trị xã hội; các tổ chức xã hội và các tầng lớp nhân dân trong công tác chăm lo đời sống vật chất và tinh thần người có công với cách mạng.
1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:
- Phối hợp với các sở, ngành liên quan làm tốt công tác tham mưu cho UBND tỉnh trong việc chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả chính sách người có công trên địa bàn tỉnh; tổ chức tổng kết, rà soát việc công nhận người có công với cách mạng; xem xét, giải quyết đối với những trường hợp do trước đây chưa đủ điều kiện xác nhận, hoặc đã được cơ quan có thẩm quyền kết luận là không đủ điều kiện xác nhận nhưng nay có thêm được cơ sở, căn cứ xác nhận khác theo quy định đảm bảo giải quyết căn bản hồ sơ xác nhận người có công với cách mạng còn tồn đọng;
- Phối hợp với Sở Tài chính đề xuất UBND tỉnh đảm bảo kinh phí thực hiện các chính sách ưu đãi cho người có công từ nguồn ngân sách địa phương; kinh phí tặng quà của tỉnh cho thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng vào dịp 27/7 và Tết Nguyên đán hàng năm;
- Thực hiện tốt Đề án xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin theo chỉ đạo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
- Tổ chức đoàn người có công của tỉnh đi tham quan Thủ đô Hà Nội và một số di tích lịch sử khác trên loàn quốc nhân dịp các ngày lễ, kỷ niệm lớn của đất nước, của tỉnh;
- Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh việc tu bổ, tôn tạo các nghĩa trang liệt sĩ và các công trình ghi công liệt sĩ, bảo đảm các công trình ghi công liệt sĩ trở thành những công trình lịch sử, văn hóa nhằm giáo dục tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ;
- Hàng năm xây dựng kế hoạch chăm sóc sức khỏe, điều dưỡng, chỉnh hình, phục hồi chức năng, cung cấp dụng cụ trợ giúp đối với người có công với cách mạng; xây dựng điều kiện, tiêu chuẩn, quy chế, chuyên môn, kỹ thuật đối với việc nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị giáo dục nghề nghiệp tổ chức sơ kết việc thực hiện Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 28/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho con liệt sĩ, con thương binh nặng, con bệnh binh nặng trên địa bàn tỉnh;
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát động phong trào chăm sóc người có công với cách mạng; xã, phường, thị trấn làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng;
- Đẩy mạnh việc cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực người có công với cách mạng. Xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý về chi trả trợ cấp, hồ sơ người có công với cách mạng, liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ;
- Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, ý thức, trách nhiệm của công chức thực hiện công tác người có công với cách mạng từ cấp tỉnh đến cấp xã;
- Chủ trì, phối hợp với Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh và các sở, ngành, địa phương có liên quan tổ chức các hoạt động biểu dương, nhân rộng gương người có công với cách mạng điển hình tiên tiến, tiêu biểu vượt khó vươn lên, tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước, phong trào đền ơn đáp nghĩa;
- Căn cứ hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các sở, ngành liên quan đề xuất UBND tỉnh triển khai xây dựng cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng của tỉnh;
- Thực hiện tốt công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng theo đúng quy định.
2. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh:
- Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các sở, ngành có liên quan trong việc triển khai chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng; người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế đang định cư ở nước ngoài theo hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Quốc Phòng; phối hợp giải quyết hồ sơ người có công còn tồn đọng đối với đối tượng thuộc lĩnh vực đơn vị quản lý;
- Thực hiện tốt công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trên địa bàn tỉnh và trên nước bạn Campuchia; hoàn thiện hồ sơ liệt sĩ, danh sách liệt sĩ; lập bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; tổ chức lực lượng bảo đảm cho nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập liệt sĩ; mở rộng và tăng cường hợp tác với 3 tỉnh Ratanakiri, Stung Treng, Prét Vi Hia - Vương quốc Campuchia để tạo điều kiện tốt nhất trong việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ;
- Phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả các hoạt động đền ơn đáp nghĩa trên địa bàn tỉnh.
3. Công an tỉnh:
- Phối hợp tốt với các sở, ngành liên quan trong việc xác minh thông tin liên quan đến người tham gia cách mạng bị mất tin, mất tích hoặc xác minh lý lịch nhân thân trong quá trình xác lập hồ sơ đề nghị công nhận người có công với cách mạng, đặc biệt đối với trường hợp hồ sơ tồn đọng; giám định các hồ sơ tài liệu xác nhận người có công với cách mạng khi có yêu cầu của các cơ quan chức năng;
- Tiếp tục phát động phong trào chăm sóc người có công với cách mạng và các hoạt động đền ơn đáp nghĩa trong lực lượng Công an nhân dân;
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức tổng kết, rà soát việc công nhận người có công với cách mạng thuộc lĩnh vực ngành Công an trực liếp quản lý theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.
4. Sở Tài chính:
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan tham mưu UBND tỉnh đảm bảo nguồn kinh phí thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh theo quy định; tổ chức kiểm tra, thanh tra việc sử dụng ngân sách thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng;
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh thực hiện việc hỗ trợ nhà ở cho người có công theo đúng quy định tại Nghị quyết 63/NQ-CP ngày 25/7/2017 của Chính phủ và Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở.
5. Sở Kế hoạch và Đầu tư: phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo bảo đảm nguồn kinh phí đầu tư tu bổ nâng cấp các công trình ghi công liệt sĩ, thực hiện chính sách hỗ trợ cải thiện nhà ở cho người có công; xây dựng cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng cho người có công với cách mạng.
6. Sở Xây dựng: chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và các địa phương tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo triển khai làm nhà ở cho người có công đảm bảo đúng quy định và phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh.
7. Sở Y tế:
- Chủ trì, phối hợp tốt với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các ngành liên quan trong việc giám định y khoa để xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể (khả năng lao động) đối với thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học bị dị dạng, dị tật theo đúng quy định;
- Chỉ đạo các cơ sở y tế thực hiện tốt việc khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh. Phát hiện sớm, can thiệp sớm trẻ em là con, cháu nạn nhân chất độc hóa học không may bị dị tật bẩm sinh và các dạng khuyết tật khác.
8. Sở Giáo dục và Đào tạo: chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt chính sách giáo dục đối với con của người có công với cách mạng theo quy định; tham gia hoạt động chăm sóc, giữ gìn các công trình ghi công liệt sĩ và các hoạt động đền ơn đáp nghĩa; lồng ghép nội dung giáo dục nhận thức về ưu đãi người có công với cách mạng đối với học sinh trên địa bàn tỉnh.
9. Sở Thông tin và Truyền thông:
- Phối hợp tốt với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin về người có công với cách mạng, phục vụ công tác tìm kiếm hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, tiến tới xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về người có công với cách mạng theo hướng dẫn, chỉ đạo của các Bộ, ngành Trung ương;
- Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thông tấn, báo chí hoạt động trên địa bàn tỉnh tăng cường thông tin, tuyên truyền về lĩnh vực người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh.
10. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: chủ trì, phối hợp tốt với các sở, ngành có liên quan để tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật theo kế hoạch hàng năm và dài hạn nhằm tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức của người dân về truyền thống đạo lý cao đẹp của dân tộc "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ người trồng cây".
11. Sở Ngoại vụ: phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh qua các thời kỳ chiến tranh tại Campuchia và trong việc thực hiện chính sách người có công với cách mạng định cư ở nước ngoài (nếu có).
12. Báo Gia Lai, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh: phối hợp tốt với các sở, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương xây dựng kế hoạch hàng năm và dài hạn công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và của tỉnh về chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng.
13. Các sở, ban, ngành phối hợp tốt với các đơn vị chuyên môn thực hiện tốt chính sách người có công với cách mạng theo chức năng, nhiệm vụ của ngành; phát động phong trào “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” trong cán bộ, công chức của ngành quản lý.
14. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh:
- Hướng dẫn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phối hợp với chính quyền, các ngành chức năng và tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp thực hiện công tác tuyên truyền và làm tốt công tác chăm sóc người có công với cách mạng;
- Chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tổ chức giám sát thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh.
15. Đề nghị Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các sở, ngành liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc; tổ chức chương trình thắp nến tri ân tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh và các hoạt động đền ơn đáp nghĩa chăm sóc người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh.
16. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:
- Trên cơ sở Kế hoạch của tỉnh, căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương xây dựng Kế hoạch và tổ chức thực hiện đảm bảo hiệu quả chính sách người có công với cách mạng và công tác đền ơn đáp nghĩa trên địa bàn; tập trung huy động mọi nguồn lực và lồng ghép các chương trình khác trên địa bàn để đạt được các mục tiêu Kế hoạch đề ra;
- Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền; tổ chức thăm hỏi động viên gia đình người có công với cách mạng; biểu dương người có công tiêu biểu và các tập thể, cá nhân làm tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa” trên địa bàn;
- Chủ động tu sửa, chỉnh trang các công trình ghi công liệt sĩ trên địa bàn quản lý.
- Chỉ đạo các cơ quan ban, ngành, xã, phường, thị trấn thực hiện tốt chính sách người có công với cách mạng; phát động phong trào ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, tạo nguồn lực hỗ trợ gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng còn khó khăn về đời sống, nhà ở.
17. Đề nghị các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp, các đoàn thể quần chúng, các doanh nghiệp tích cực tham gia vào các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc người và gia đình có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh.
Yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện. Hàng năm, trước ngày 15/11 các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố báo cáo kết quả thực hiện về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.