ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 178/KH-UBND |
Lạng Sơn, ngày 29 tháng 7 năm 2024 |
KẾ HOẠCH
PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ, HỢP TÁC XÃ NĂM 2025 TỈNH LẠNG SƠN
Kính gửi: Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Thực hiện Công văn số 4876/BKHĐT-KTHT ngày 24/6/2024 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã năm 2025, UBND tỉnh Lạng Sơn xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã năm 2025 trên địa bàn tỉnh như sau:
Phần thứ nhất
ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ, HỢP TÁC XÃ NĂM 2024
I. TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ, HỢP TÁC XÃ NĂM 2024
1. Đánh giá dựa trên các chỉ tiêu về hoạt động sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã
1.1. Về số lượng, doanh thu và thu nhập của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác (HTX, LHHTX, THT)
a) Tổ hợp tác (THT)
Trong 6 tháng đầu năm có 300 THT, với số thành viên tham gia khoảng 3.550 người, trong đó hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và cung cấp nước là 290 tổ và lĩnh vực phi nông nghiệp 10 tổ. Ước đến 31/12/2024, có tổng số 310 THT đạt 97% so với kế hoạch. Doanh thu bình quân ước đạt khoảng 650 triệu đồng/năm, lãi bình quân 01 THT đạt 40 triệu đồng/năm. Về hiệu quả hoạt động: THT chủ yếu được thành lập mang tính thời vụ, quy mô nhỏ, mức vốn góp thấp hoặc không góp, liên kết không bền vững, không có tích lũy vốn để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, khả năng quản lý, điều hành của Tổ trưởng THT hạn chế.
b) Hợp tác xã (HTX)
Trong 6 tháng đầu năm 2024 thành lập mới là 28 HTX (đạt 56% kế hoạch), vốn đăng ký là 73,8 tỷ đồng; có 02 HTX đã giải thể. Đến hết 30/6/2024, có tổng số 512 HTX với tổng vốn đăng ký khoảng 1.106 tỷ đồng. Trong đó, 432 HTX đang hoạt động, 80 HTX tạm ngừng hoạt động (trong đó có 48 HTX không hoạt động nhưng vẫn tồn tại trên sổ sách, đang tiến hành thủ tục giải thể). Trong đó lĩnh vực hoạt động chủ yếu là nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 71,5%, lĩnh vực phi nông nghiệp chiếm khoảng 28,5%.
Ước đến ngày 31/12/2024, trên địa bàn tỉnh có khoảng 535 HTX, trong đó có 460 HTX hoạt động, xem xét giải thể 15 HTX (đạt 100% kế hoạch); doanh thu bình quân 01 HTX ước đạt 1.350 triệu đồng/năm (đạt 135% kế hoạch); trong doanh thu bình quân của HTX đối với thành viên 80 triệu đồng/năm (đạt 100% kế hoạch); lãi bình quân 01 HTX ước đạt 150 triệu đồng/năm (đạt 150% kế hoạch).
Số HTX hoạt động hiệu quả (tốt, khá) được 100 HTX, đạt 100% kế hoạch, doanh thu trên 1,5 tỷ đồng/HTX, các HTX này ngoài việc hoạt động kinh doanh có lãi, thực hiện các nghĩa vụ của một tổ chức kinh tế đối với nhà nước, còn đem lại lợi ích cho các thành viên HTX...
c) Liên hiệp hợp tác xã (LHHTX)
Đến ngày 30/6/2024, có 03 LHHTX đăng ký hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, vốn điều lệ đăng ký là 14,8 tỷ đồng, với 19 HTX thành viên tham gia, có 02 LHHTX đã ngừng hoạt động chờ giải thể do kinh doanh không hiệu quả (LHHTX sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn Lạng Sơn và LHHTX Đông Bắc Lạng Sơn). Ước thực hiện đến ngày 31/12/2024 số LHHTX đang hoạt động là 01 LHHTX, giải thể 02 LHHTX .
d) Về thành viên, lao động của HTX, LHHTX, THT
Đến ngày 30/6/2024, tổng số thành viên THT có khoảng 3.550 người, đạt 63% kế hoạch, đây cũng là số lao động làm việc thường xuyên trong THT. Ước đến ngày 31/12/2024, số thành viên THT là 5.600 thành viên đạt 100% kế hoạch.
Tổng số thành viên HTX là 6.078 người, đạt 103% kế hoạch; trong đó số thành viên mới gia nhập là 247 người (đạt 65% kế hoạch); tổng số lao động thường xuyên trong HTX là 8.556 người (đạt 99% kế hoạch). Ước đến ngày 31/12/2024, tổng số thành viên HTX đạt là 6.280 người (đạt 107% kế hoạch), tổng số lao động thường xuyên trong HTX là 8.960 người (đạt 104% kế hoạch).
Tổng số thành viên LHHTX gồm 19 HTX thành viên. Ước tính đến 31/12/2024 có 6 HTX thành viên (do dự kiến giải thể 2 LHHTX với 13 HTX thành viên ).
đ) Về trình độ cán bộ quản lý hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác Đến 30/6/2024, tổng số cán bộ quản lý THT là: 300 người. Ước đến ngày 31/12/2024, tổng số cán bộ quản lý là 310 người.
Tổng số cán bộ quản lý HTX là 1.620 người (đạt 95% kế hoạch), trong đó: cán bộ có trình độ sơ, trung cấp là 340 người; trình độ cao đẳng, đại học trở lên là 370 người. Ước đến ngày 31/12/2024, tổng số cán bộ quản lý HTX là 1.660 người (đạt 97% kế hoạch), trong đó: cán bộ có trình độ sơ, trung cấp là 350 người; trình độ cao đẳng, đại học trở lên là 390 người.
Tổng số cán bộ quản lý LHHTX là: 21 người, trong đó: cán bộ có trình độ sơ, trung cấp là 12 người; trình độ cao đẳng, đại học trở lên là 7 người.
(Chi tiết tại Phụ lục 1 và 2 kèm theo)
2. Đánh giá theo lĩnh vực
2.1 Về các THT và LHHTX
THT và LHHTX chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Các THT chủ yếu được thành lập mang tính thời vụ, liên kết không bền vững, ít THT thực hiện đăng ký chứng thực tại chính quyền cấp xã theo quy định tại Nghị định số 77/2019/NĐ-CP ngày 10/10/2019 của Chính phủ về Tổ hợp tác. Hoạt động của các THT chưa chặt chẽ, nhiều THT chưa quan tâm đến việc tổ chức sản xuất kinh doanh theo hợp đồng hợp tác, chưa tích lũy vốn để mở rộng sản xuất; năng lực quản lý, điều hành của Tổ trưởng THT còn hạn chế, chưa thuyết phục được các thành viên góp thêm vốn để tổ chức các hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm tạo thêm thu nhập cho các thành viên. Ngoài ra, các THT cũng không báo cáo tình hình hoạt động của mình với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng khác nên việc theo dõi, đánh giá hoạt động của các THT thiếu sát thực.
Toàn tỉnh có 03 LHHTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trong đó có 02 LHHTX ngừng hoạt động, 01 LHHTX đang hoạt động.
2.2 Về các HTX
a) Lĩnh vực nông - lâm - ngư - nghiệp
Tại thời điểm 30/6/2024 có 366/512 HTX chiếm tỷ lệ 71,5% HTX toàn tỉnh; hoạt động trong các lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản và dịch vụ nông nghiệp (trong đó: số đang hoạt động: 318 HTX, ngừng hoạt động: 48 HTX). Số thành viên tham gia HTX 4.645 người; số lao động làm việc thường xuyên trong HTX 6.407 người (trong đó: số lao động đồng thời là thành viên HTX 4.240 người). Doanh thu bình quân ước đạt 1.000 triệu đồng/HTX/năm; lợi nhuận bình quân đạt 150 triệu đồng/HTX/năm; thu nhập bình quân người lao động đạt 5 triệu đồng/người/tháng.
Các HTX chủ yếu trồng các loại rau, củ, quả thông thường, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản, một số đơn vị phát triển trồng cây và vật nuôi có giá trị kinh tế như: hồi, quế, sở, thuốc lá, ớt, na, trám xanh, trám đen, hồng không hạt Bảo Lâm, hồng Vành Khuyên, thạch đen và cây dược liệu; chăn nuôi ngựa Bạch, gà 6 ngón. Khó khăn vướng mắc chủ yếu do thiên tai, dịch bệnh thường xuyên xảy ra, giá sản phẩm có lúc xuống thấp, vùng trồng và chăn nuôi còn nhỏ, lẻ, manh mún do địa hình nhiều đồi, núi, bị chia cắt; nguồn nhân lực hạn chế về trình độ, hiểu biết về khoa học, kỹ thuật, công nghệ, thiếu vốn, nhà xưởng, kho bãi, máy móc, thiết bị và phương tiện sản xuất nên sản phẩm chủ yếu là sản phẩm thô, chất lượng, giá trị kinh tế thấp.
b) Lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp
Tại thời điểm 30/6/2024 có 60/512 HTX chiếm tỷ lệ 11,7% HTX toàn tỉnh; trong đó: số đang hoạt động: 47 HTX, ngừng hoạt động: 13 HTX. Số thành viên tham gia HTX 530 người; số lao động làm việc thường xuyên trong HTX 853 người (trong đó: số lao động đồng thời là thành viên HTX 400 người). Doanh thu bình quân ước đạt 1.000 triệu đồng/HTX/năm; lợi nhuận bình quân đạt 100 triệu đồng/HTX/năm; thu nhập bình quân người lao động đạt 5 triệu đồng/người/tháng.
Các HTX chủ yếu đầu tư máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất thực hiện sơ chế và chế biến nông sản, khai thác khoáng sản; thực tế một số sản phẩm đã có nhãn hiệu, có mặt trên thị trường như: rượu, nước lọc, dầu lạc, trà thảo dược, tinh bột nghệ, cao khô, mật ong, sản phẩm may công nghiệp... Tuy nhiên do thiếu vốn, máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất hiện đại nên sản phẩm làm ra chưa tiêu thụ được xa và chưa xuất khẩu được.
c) Về Lĩnh vực xây dựng:
Tại thời điểm 30/6/2024 có 17/512 HTX chiếm tỷ lệ 3,3% tổng số HTX, trong đó: số đang hoạt động: 15 HTX, ngừng hoạt động: 2 HTX. Số thành viên tham gia HTX 142 người, số lao động làm việc thường xuyên trong HTX 246 người (trong đó: số lao động đồng thời là thành viên HTX 110 người). Doanh thu bình quân ước đạt 1.000 triệu đồng/HTX/năm; lợi nhuận bình quân đạt 100 triệu đồng/HTX/năm; thu nhập bình quân người lao động đạt 7 triệu đồng/người/tháng. Do thiếu vốn, năng lực để đấu thầu công trình lớn nên các HTX chủ yếu thực hiện xây dựng công trình và sửa chữa công trình nhỏ tại địa phương.
d) Lĩnh vực thương mại, dịch vụ:
Tại thời điểm 30/6/2024 có 46/512 HTX chiếm tỷ lệ 9% tổng số HTX, trong đó: số đang hoạt động: 36 HTX, ngừng hoạt động: 10 HTX. Số thành viên tham gia HTX 406 người; số lao động làm việc thường xuyên trong HTX 544 người (trong đó: số lao động đồng thời là thành viên HTX 300 người). Doanh thu bình quân ước đạt 1.000 triệu đồng/HTX/năm; lợi nhuận bình quân đạt 100 triệu đồng/HTX/năm; thu nhập bình quân người lao động đạt 5 triệu đồng/người/tháng.
Các HTX chủ yếu mua bán hàng nông sản, sản phẩm cây lâm nghiệp, dược liệu thô, kinh doanh nhà hàng, quản lý chợ và làm dịch vụ du lịch cộng đồng, sinh thái, bốc xếp vận chuyển hàng hoá tại các cửa khẩu. Tuy nhiên hoạt động bốc xếp, vận chuyển hàng hoá tại các cửa khẩu hiện nay đang gặp nhiều khó khăn do năng lực, vốn đầu tư HTX hạn chế.
đ) Lĩnh vực vận tải:
Tại thời điểm 30/6/2024 có 17/512 HTX chiếm 3,3% tổng số HTX, trong đó: số đang hoạt động: 13 HTX, ngừng hoạt động: 4 HTX. Số thành viên tham gia HTX 227 người; số lao động làm việc thường xuyên trong HTX 364 người (trong đó: số lao động đồng thời là thành viên HTX 190 người). Doanh thu bình quân ước đạt 1.000 triệu đồng/HTX/năm; lợi nhuận bình quân đạt 100 triệu đồng/HTX/năm; thu nhập bình quân người lao động đạt 5 triệu đồng/người/tháng.
Các HTX chủ yếu thực hiện các dịch vụ cho thành viên về thủ tục giấy tờ xe; hợp đồng mở các luồng tuyến trong và ngoài tỉnh; khai thác các hợp đồng vận tải; in vé... Những năm gần đây lĩnh vực này không phát triển; HTX gặp nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh với các doanh nghiệp, xe dù, xe cóc của các hộ kinh doanh.
e) Lĩnh vực vệ sinh môi trường:
Tại thời điểm 30/6/2024 có 6/512 HTX chiếm 1,2% tổng số HTX, trong đó: số đang hoạt động: 5 HTX, ngừng hoạt động: 1 HTX. Số thành viên tham gia HTX 128 người; số lao động làm việc thường xuyên trong HTX 142 người (trong đó: số lao động đồng thời là thành viên HTX 110 người). Doanh thu bình quân ước đạt 3.500 triệu đồng/HTX/năm; lợi nhuận bình quân đạt 350 triệu đồng/HTX/năm; thu nhập bình quân người lao động đạt 5 triệu đồng/người/tháng. Đây là mô hình HTX đặc thù chuyên thu gom, vận chuyển rác thải trên địa bàn, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp môi trường tại địa phương. Tuy nhiên các HTX còn nhiều khó khăn, thiếu nơi và lò xử lý rác thải...
3. Đánh giá tác động của HTX, LHHTX, THT tới thành viên, kinh tế hộ thành viên (về kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội)
Hoạt động của các HTX, LHHTX, THT trên địa tỉnh vẫn còn hạn chế, tuy nhiên một số đơn vị đang từng bước khắc phục khó khăn, duy trì, xây dựng mô hình sản xuất kinh doanh mới và đạt được những kết quả nhất định. Ở địa phương có HTX, mối quan hệ cộng đồng làng xóm được gắn bó, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái trong cộng đồng dân cư được nâng lên, các thành viên cùng giúp đỡ lẫn nhau hỗ trợ kinh tế hộ phát triển, thu nhập của thành viên và người lao động tuy chưa cao, nhưng ổn định; chất lượng cuộc sống của các hộ thành viên từng bước được cải thiện và nâng lên, nhiều HTX không có hộ thành viên nghèo. Cùng với các thành phần kinh tế khác, HTX đang từng bước thể hiện vị trí, vai trò trong việc phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; góp phần xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tại địa phương, ổn định trật tự chính trị - xã hội trên địa bàn.
Nhiều HTX có nhiều đóng góp vào các hoạt động an sinh xã hội của địa phương như: HTX thủy sản Lê Hồng Phong, HTX Như Ý - huyện Bắc Sơn; HTX Thành Lộc, Đồng Tâm - huyện Cao Lộc; HTX Tiến Đạt - huyện Lộc Bình; HTX chế biến nông sản Lụa Vy - huyện Chi Lăng...
4. Một số mô hình hoạt động hiệu quả theo phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ
Các HTX này thực hiện liên kết và tiêu thụ với doanh nghiệp từ đầu vào đến đầu ra theo hợp đồng dịch vụ, gắn với chuỗi giá trị hàng hóa chủ lực của địa phương, góp phần khắc phục tình trạng manh mún ruộng đất, phù hợp yêu cầu sản xuất nông nghiệp trong tình hình mới. Công tác phát triển thành viên, huy động tăng vốn góp để tiếp tục đầu tư mở rộng kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh được các HTX quan tâm; bước đầu đã tạo được sự liên kết, hợp tác trong sản xuất nông nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cây trồng, vật nuôi, từng bước thay đổi tập quán sản xuất khu vực nông thôn, đưa những tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất góp phần đẩy mạnh thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, đã có một số doanh nghiệp thực hiện liên kết với HTX, hộ nông dân trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, dược liệu như: Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm xuất khẩu G.O.C trong xây dựng, phát triển vùng trồng rau, củ, quả xuất khẩu trên địa bàn huyện Hữu Lũng; Công ty cổ phần Ngân Sơn đầu tư giống, phân bón, hỗ trợ kỹ thuật và tổ chức thu mua, tiêu thụ sản phẩm nguyên liệu thuốc lá cho bà con nông dân huyện Bắc Sơn; Công ty cổ phần Chè Thái Bình đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và thu mua chế biến, bao tiêu sản phẩm cho các hộ dân sản xuất chè trồng tập trung tại Đình Lập. Một số dự án, đề án hỗ trợ HTX đã được các HTX ứng dụng thành công, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị.
II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN PHÁP LUẬT VÀ CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ, HỢP TÁC XÃ (KTTT, HTX)
1. Kết quả thi hành pháp luật và vác văn bản về kinh tế tập thể, hợp tác xã
a) Tình hình thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến Luật Hợp tác xã năm 2023: về nội dung, hình thức, số lượng và chất lượng Luật Hợp tác xã 2023 đã được thông qua tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XV, ngày 20/6/2023 (thay thế Luật HTX 2012) và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/7/2024. Luật Hợp tác xã 2023 đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thông thoáng cho các Hợp tác xã, Tổ hợp tác, liên hiệp Hợp tác xã tham gia vào nền kinh tế - xã hội. Đồng thời cũng loại bỏ các quy định cũ gây trở ngại, giúp các tổ chức kinh tế hợp tác phát triển hiệu quả, năng động và bền vững.
Các cấp, các ngành đã tổ chức tuyên truyền, tập huấn phổ biến Luật Hợp tác xã năm 2023 và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan nhằm nâng cao năng lực, trình độ kiến thức về Luật hợp tác xã năm 2023 cho công chức, viên chức của các cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, Liên minh Hợp tác xã tỉnh, các hiệp hội, đoàn thể, tổ chức chính trị, xã hội và một số thành viên hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, nhằm làm rõ ý nghĩa, tầm quan trọng, những điểm mới của Luật Hợp tác xã năm 2023 so với Luật Hợp tác xã 2012.
Kể từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 có hiệu lực, tỉnh đã tổ chức 02 Hội nghị tập huấn quy mô các ngành, các huyện, thành phố và các hợp tác xã tập huấn, 07 Hội nghị tuyên truyền, phổ biến Luật Hợp tác xã năm 2023 cho khoảng 600 người tham gia. Thông qua Hội nghị đã giúp các đối tượng học viên hiểu rõ về Luật Hợp tác xã năm 2023, nâng cao nhận thức, trách nhiệm thực thi pháp luật và thực hiện mục tiêu Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới; Chương trình hành động số 71-CTr/TU ngày 09/3/2023 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn tại về thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW và Kế hoạch số 115/KH-UBND ngày 15/5/2023 của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình hành động số 71-CTr/TU.
* Đánh giá những khó khăn và đề xuất giải pháp trong thi hành Luật Hợp tác xã năm 2023: Luật Hợp tác xã năm 2023 mới có hiệu lực từ ngày 01/7/2024 nên những khó khăn trong hoạt động và thực hiện theo Luật Hợp tác xã năm 2023 chưa được các THT, HTX, LHHTX và các tổ chức kinh tế - xã hội liên quan, các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện đánh giá, đề xuất, kiến nghị.
b) Tình hình thực hiện Nghị định số 45/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 của Chính phủ về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã: UBND tỉnh đã tham mưu Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 13/NQ-HĐND ngày 02/ 4/2024 về việc thông qua chủ trương sắp xếp lại tổ chức và hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã tỉnh Lạng Sơn; ban hành các Quyết định: số 679/QĐ-UBND ngày 10/4/2024 về Đề án sắp xếp lại tổ chức và hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã tỉnh Lạng Sơn; số 1158/QĐ- UBND ngày 01/7/2024 về việc tổ chức lại Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã tỉnh Lạng Sơn; số 1160/QĐ-UBND ngày 01/7/2024 về phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã tỉnh Lạng Sơn.
2. Công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể
Công tác quản lý nhà nước về KTTT được quan tâm, việc thành lập và kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về KTTT, HTX thường xuyên được thực hiện.
Đối với cấp tỉnh, cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, hợp tác xã là Sở Kế hoạch và Đầu tư; Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư trực tiếp nhận hồ sơ đăng ký liên hiệp hợp tác xã (loại hình quỹ tín dụng và liên hiệp hợp tác xã). Đối với cấp huyện, Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện là cơ quan đăng ký hợp tác xã tại cấp huyện (cử 01 chuyên viên kiêm nhiệm theo dõi, tham mưu về KTTT, HTX trên địa bàn huyện); trực tiếp nhận hồ sơ đăng ký HTX, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh HTX; cấp, thay đổi, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký HTX, giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh HTX; hướng dẫn HTX thực hiện các thủ tục về đăng ký, đăng ký thay đổi, thông báo thay đổi, tổ chức lại, giải thể đối với HTX. Đối với cấp xã cử 01 công chức kiêm nhiệm theo dõi, tham mưu cho UBND xã về hoạt động KTTT, HTX trên địa bàn.
UBND tỉnh thường xuyên kiện toàn thành viên Ban chỉ đạo, quy chế hoạt động Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể tỉnh (trên cơ sở Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển doanh nghiệp và Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể tỉnh)[1] và ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo, trong đó phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên (Quyết định số 05/QĐ-BCĐ ngày 10/01/2020 của Ban chỉ đạo). Hằng năm, Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển KTTT của tỉnh xây dựng kế hoạch và tiến hành kiểm tra ở cấp huyện và cơ sở nhằm đánh giá công tác chỉ đạo, điều hành và kết quả củng cố, phát triển KTTT ở các địa phương. Đồng thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan thường xuyên tổng hợp, theo dõi KTTT trên địa bàn tỉnh; tham mưu ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển KTTT có hiệu quả như: chính sách hỗ trợ về đất đai, khuyến công, khuyến nông, xây dựng nông thôn mới, nguồn vốn cho các HTX sản xuất kinh doanh, thực hiện các mô hình thí điểm và nhân rộng các mô hình HTX phát triển có hiệu quả. Cuối năm 2023 Trưởng ban chỉ đạo do sự luân chuyển công tác (QĐ 2034/QĐ-UBND ngày 08/12/2023 về việc thay thế trưởng ban chỉ đạo đổi mới, phát triển doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể tỉnh Lạng Sơn).
Để thực hiện phát triển KTTT, HTX năm 2024, UBND tỉnh đã ban hành các Kế hoạch[2] chỉ đạo các ngành, các cấp tổ chức thực hiện; thường xuyên rà soát, bổ sung chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, giai đoạn 2020 - 2025 (Nghị quyết số 15/2021/NQ-HĐND ngày 17/7/2021 về sửa đổi, bổ sung Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐND ngày 10/12/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh).
Ban Chỉ đạo đổi mới phát triển doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể tỉnh đã ban hành các Kế hoạch thực hiện trong năm 2024[3]; tổ chức Hội nghị Lãnh đạo tỉnh gặp mặt hợp tác xã năm 2024.
3. Kết quả triển khai chính sách hỗ trợ, ưu đãi hợp tác xã
Thực hiện Quyết định số 1804/QĐ-TTg ngày 13/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025; Chương trình số 19/CTr-UBND ngày 23/5/2021 của UBND tỉnh Lạng Sơn về hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025 (Bao gồm các nội dung hỗ trợ như: Tuyên truyền, thành lập mới, củng cố tổ chức KTTT, HTX; Nâng cao năng lực, nhận thức cho khu vực KTTT; Xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; Hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm; Hỗ trợ vay vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX và các Ngân hàng thương mại); các cấp, các ngành thực căn cứ chức năng nhiệm vụ, xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện. Kết quả thực hiện như sau:
(1) Hỗ trợ thành lập mới Hợp tác xã: 6 tháng đầu năm 2024 đã hỗ trợ thành lập mới 8 HTX, với tổng kinh phí 120 triệu đồng; dự kiến đến hết năm 2024 hỗ trợ thành lập mới 50 HTX, với tổng kinh phí 1.000 triệu đồng.
(2) Nâng cao năng lực, nhận thức cho khu vực KTTT
- Số người được cử đi đào tạo: Năm 2024 dự kiến cử 11 người tham gia đào tạo, với tổng dự toán là 311,65 triệu đồng. Trong đó: 01 công chức, viên chức của các cơ quan quản lý nhà nước về KTTT, dự toán kinh phí 61,65 triệu đồng; 10 học viên là thành viên, người lao động của tổ chức KTTT, dự toán kinh phí 250 triệu đồng. Tuy nhiên đến nay chưa thực hiện được, do Bộ Tài chính chưa giao kinh phí năm 2024 cho tỉnh Lạng Sơn.
- Số người tham gia bồi dưỡng: 6 tháng đầu năm 2024 tổng số người đã tham gia bồi dưỡng là 112 người, kinh phí thực hiện là 189 triệu đồng. Dự kiến đến hết năm 2024 tổ chức bồi dưỡng cho 500 người, kinh phí thực hiện là 600 triệu đồng. Nội dung tập huấn về Luật Hợp tác xã năm 2023 và và các văn bản hướng dẫn luật, về xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường, nâng cao năng lực, nghiệp vụ kế toán HTX cho giám đốc, kế toán thành viên các HTX trên địa bàn tỉnh.
(3) Hỗ trợ về xúc tiến thương mại thị trường: dự kiến đến hết năm 2024 hỗ trợ 2 HTX với tổng kinh phí 60 triệu đồng.
(4) Hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm: theo Chương trình số 19/CTr-UBND ngày 23/5/2021 của UBND tỉnh, giai đoạn 2021-2025 tỉnh Lạng Sơn dự kiến hỗ trợ 40 HTX với dự toán 60 tỷ đồng. Tuy nhiên do nguồn ngân sách nhà nước hạn chế nên đến nay chưa thực hiện được.
(5) Các hỗ trợ khác đối với khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã theo quy định hiện hành
(5.1) Hỗ trợ đưa lao động trẻ về làm việc tại tổ chức KTTT, HTX: trong 6 tháng đầu năm đã thực hiện hỗ trợ đối với 4 đối tượng với kinh phí 131 triệu đồng. Dự kiến đến hết năm 2024 có 35 tri thức trẻ làm việc tại HTX trên địa bàn các huyện với kinh phí hỗ trợ là 1.500 triệu đồng.
(5.2) Chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm: đến thời điểm hiện tại các cơ quan chuyên môn đang rà soát đối với các HTX có nhu cầu hỗ trợ, trên cơ sở nhu cầu hỗ trợ của HTX xây dựng dự toán triển khai thực hiện, dự kiến đến hết năm 2024 hỗ trợ 6 HTX, với dự toán kinh phí là 1.500 triệu đồng.
(5.3) Hỗ trợ xây dựng mô hình phát triển sản xuất: Trong 6 tháng đầu năm đã thực hiện hỗ trợ được 02 HTX với số tiền 99,8 triệu đồng.
(5.4) Hỗ trợ lãi suất tín dụng: kết quả cho vay đối với HTX tính đến ngày 30/6/2024 dư nợ cho vay đối với KTTT, HTX trên địa bàn tỉnh là 71,3 tỷ đồng (chiếm 0,2% tổng dư nợ trên toàn địa bàn) với 16 HTX. Trong đó dự nợ theo Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐND ngày 10/12/2019(sửa đổi, bổ sung tại Nghị Quyết số 15/2021/NQ-HĐND ngày 17/7/2021) của Hội đồng nhân dân tỉnh đối với HTX là 13 tỷ đồng với 04 HTX còn dư nợ, số tiền lãi đã được cấp bù lũy kế từ đầu năm 2024 là 112 triệu đồng. Tỷ trọng dư nợ đối với các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, nghiệp chiếm 51%, lĩnh vực thương mại, dịch vụ chiếm 10%, lĩnh vực xây dựng, giao thông, vận tải và HTX khác chiếm 36% tổng dư nợ.
4. Kết quả, tình hình thực hiện Đề án
Thực hiện Đề án “Lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021-2025” theo Quyết định số 167/QĐ-TTg ngày 2/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Lạng Sơn phê duyệt 04 HTX tham gia Đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, gồm: (1) Hợp tác xã dịch vụ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản Lê Hồng Phong (huyện Bắc Sơn) tham gia hoàn thiện mô hình HTX đánh bắt, nuôi trồng thủy sản và bảo vệ nguồn lợi cộng đồng; (2) Hợp tác xã nông sản huyện Chi Lăng tham gia hoàn thiện mô hình HTX nông nghiệp đảm nhiệm các dịch vụ đầu vào, sơ chế/chế biến và đầu ra trong chuỗi giá trị nông sản; (3) Hợp tác xã nông nghiệp An Sơn (thành phố Lạng Sơn) tham gia hoàn thiện mô hình HTX vừa sản xuất, vừa tham gia trị trường (sàn giao dịch nông sản); (4) Hợp tác xã hợp tác sản xuất kinh doanh Hồng Vành Khuyên Nà Mò (huyện Văn Lãng) tham gia hoàn thiện mô hình HTX nông nghiệp đảm nhiệm các dịch vụ đầu vào, sơ chế/chế biến và đầu ra trong chuỗi giá trị nông sản.
- Hợp tác sản xuất kinh doanh Hồng Vành khuyên Nà Mò huyện Văn Lãng: tổng kinh phí dự kiến hỗ trợ thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 là: 2.975 triệu đồng đã được hỗ trợ 230 triệu đồng (trong đó: NSTW: 110 triệu đồng từ nguồn vốn sự nghiệp Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới; NSĐP: 120 triệu đồng từ nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp ngân sách huyện). Trong năm 2024 UBND huyện Văn Lãng đã thực hiện phân bổ 1.400 triệu đồng để hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm, đối với nội dung hỗ trợ này do còn gặp nhiều khó khăn trong việc tìm quỹ đất nên hiện nay đang được các đơn vị tổ chức triển khai các thủ tục hỗ trợ.
- HTX dịch vụ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản Lê Hồng Phong: tổng kinh phí dự kiến hỗ trợ thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 là: 4.212 triệu đồng. Năm 2022 được giao 150 triệu đồng từ nguồn vốn sự nghiệp NSTW thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nay vốn được kéo dài sang năm 2023; UBND huyện Bắc Sơn đã chỉ đạo phòng chuyên môn tổ chức hướng dẫn HTX hoàn thiện hồ sơ đề nghị hỗ trợ bảo đảm đúng theo đề án được duyệt, (ngày 18/4/2023, Phòng Tài chính- Kế hoạch huyện đã tổ chức làm việc với HTX dịch vụ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản Lê Hồng Phong); đến nay chưa giải ngân vốn (lý do hồ sơ, danh mục đề nghị hỗ trợ HTX chưa đảm bảo theo quy định và đề án được phê duyệt). Năm 2024, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo Phòng chuyên môn thực hiện rà soát bảo đảm đúng và đủ thành phần hồ sơ để hỗ trợ giải ngân cho HTX, bảo đảm theo quy định của luật NSNN. Đối với nội dung hỗ trợ của năm 2023 và năm 2024: tiếp tục thực hiện rà soát, hoàn thiện hồ sơ đề nghị hỗ trợ theo nguồn vốn sự nghiệp NSTW thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới.
- Hợp tác xã Nông sản huyện Chi Lăng: tổng kinh phí dự kiến hỗ trợ thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 là: 9.213 triệu đồng. Tổng kinh phí HTX đã được hỗ trợ là: 490,086 triệu đồng (trong đó NSTW: 280 triệu đồng từ nguồn vốn sự nghiệp Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới; NSĐP: 210,086 triệu đồng từ nguồn vốn thực hiện chi theo Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐND và Nghị quyết số 15/2021/NQ-HĐND). Trong năm 2024 đối với nguồn vốn giao năm 2023 được chuyển nguồn kéo dài sang năm 2024 để tiếp tục thực hiện (là 31,5 triệu đồng). Trong 6 tháng đầu năm 2024, đã thực hiện hỗ trợ 01 tri thức trẻ (kế toán) về làm việc tại HTX Nông sản huyện Chi Lăng, thời gian 8 tháng với kinh phí 39 triệu đồng (trong đó hỗ trợ 31,5 triệu đồng từ nguồn vốn sự nghiệp NSTW thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2023 kéo dài sang năm 2024; kinh phí hỗ trợ thực hiện Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐND ngày 10/12/2019 của HĐND tỉnh về chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư phát triển hợp tác liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2020 – 2025, Nghị quyết số 15/2021/NQ-HĐND ngày 17/7/2021 sửa đổi Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐND là 7,5 triệu đồng).
Tuy nhiên, năm 2024 có 01 HTX nông nghiệp An Sơn, thành phố Lạng Sơn đã có đề nghị không tiếp tục tham gia thực hiện Đề án. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã tác động xấu đến quá trình sản xuất kinh doanh nên HTX đã không thể tiếp tục tham gia Đề án. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 79/QĐ- UBND ngày 12/01/2024 về việc cho Hợp tác xã không tiếp tục tham gia Đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả giai đoạn 2021-2025.
III. ĐÁNH GIÁ CHUNG
Công tác phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh luôn được các cấp, các ngành triển khai thực hiện nghiêm túc, bằng nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh theo đúng tinh thần Nghị quyết Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; Chương trình hành động số 71-CTr/TU; Kế hoạch số 115 /KH-UBND, Kế hoạch số 28/KH-UBND ngày 25/01/2024 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Kế hoạch số 115/KH-UBND; Quyết định số 1158/QĐ-UBND ngày 01/7/2024 về việc tổ chức lại Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã tỉnh Lạng Sơn; Quy mô và số lượng các đơn vị kinh tế tập thể tăng lên, ngày càng xuất hiện nhiều hơn các đơn vị kinh tế tập thể có mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả và có sự liên doanh, liên kết giữa người sản xuất với người tiêu thụ. Mô hình Hợp tác xã kiểu mới bước đầu phát huy hiệu quả chủ yếu trên lĩnh vực nông nghiệp, kinh tế tập thể ngày càng phát triển, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Một số hợp tác xã đã tiếp cận được các chính sách hỗ trợ của Nhà nước: hỗ trợ kinh phí thành lập mới, hỗ trợ kinh phí đưa tri thức trẻ về làm việc tại hợp tác xã, hỗ trợ xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hỗ trợ về xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường... Tạo điều kiện thuận lợi cho các hợp tác xã giảm bớt những khó khăn, củng cố và phát triển sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Công tác quản lý nhà nước về Kinh tế tập thể đã được các cấp, các ngành chú trọng. Ban chỉ đạo đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, được củng cố, kiện toàn; cơ sở vật chất, điều kiện làm việc được đảm bảo, đội ngũ cán bộ được bồi dưỡng, đào tạo từng bước đáp ứng yêu cầu công việc.
Số lượng và chất lượng hoạt động của các HTX, THT được tăng lên đáng kể, trong quá trình củng cố nâng chất lượng hoạt động các HTX cũ và thành lập mới đã được đẩy mạnh theo hướng tích cực, đa dạng hóa về ngành nghề và dịch vụ, đáp ứng được nhu cầu hợp tác, phát triển sản xuất và nâng cao năng suất, chất lượng nông sản hàng hóa trong nông nghiệp, các HTX đã củng cố một bước về tổ chức quản lý, vốn quỹ, về trách nhiệm và quan hệ giữa các thành viên với HTX, hoạt động của HTX cũng được đổi mới từng bước gắn được với lợi ích của thành viên và HTX, tuân thủ nguyên tắc tự nguyện và những quy định của Luật Hợp tác xã.
Các HTX đã bước đầu mở rộng được các dịch vụ cơ bản phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, số HTX hoạt động tổng hợp có xu hướng tăng và hoạt động có hiệu quả hơn. Sự gắn bó, liên kết giữa các HTX với các doanh nghiệp cung ứng đầu vào và tiêu thụ nông sản hàng hóa ngày càng nhiều, do các HTX đã áp dụng tốt các quy trình sản xuất hàng hóa theo hướng nâng cao chất lượng nhờ đó mà nhiều HTX đã mở rộng thêm quy mô sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng thu nhập cho thành viên.
Thông qua hoạt động các THT, HTX ngoài việc khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong sản xuất hàng hóa, trong kinh doanh, còn giải quyết được công ăn việc làm cho lao động nông dân ở nông thôn, góp phần trong chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.
Với sự hỗ trợ của các sở, ngành những năm qua nhiều HTX đã áp dụng quy trình sản xuất VietGAP, nhằm nâng cao chất lượng, giá trị nông sản hàng hóa, xúc tiến thương mại, ký kết các hợp đồng tiêu thụ hàng hóa với các doanh nghiệp, từng bước xây dựng thương hiệu hàng hóa cho một số mặt hàng nông nghiệp chủ lực của tỉnh nhà.
2. Các tồn tại, hạn chế và nguyên nhân
2.1. Tồn tại, hạn chế
Các HTX trên địa bàn tỉnh hoạt động chủ yếu với quy mô nhỏ, hiệu quả hoạt động chưa cao, tính liên kết trong nội bộ yếu; các hoạt động liên doanh, liên kết giữa các HTX và giữa HTX với các tổ chức kinh tế khác chưa phát triển; các HTX trên địa bàn tỉnh hầu hết năng lực tài chính yếu, sức cạnh tranh, khả năng tiếp cận, ứng dụng công nghệ cao, tìm kiếm thị trường còn hạn chế; chưa chủ động tìm hiểu các văn bản pháp luật và chưa chú trọng đào tạo, bồi dưỡng người lao động.
Công tác hỗ trợ HTX tiếp cận các chính sách phát triển HTX của các cơ quan QLNN ở cấp huyện còn khó khăn và lúng túng do nguồn lực từ NSNN hạn hẹp và thủ tục hành chính chưa thống nhất (như hỗ trợ đầu tư hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực), chưa kịp thời giải thể hết các hợp tác xã đã ngừng hoạt động nhưng còn tồn tại trên sổ sách (có 48 HTX) do chưa đủ điều kiện giải thể theo quy định[4].
Một số ngành, huyện còn lúng túng trong việc xây dựng kế hoạch thực hiện hỗ trợ phát triển KTTT, HTX, chưa tích hợp vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của ngành, lĩnh vực, địa bàn phụ trách.
2.2. Nguyên nhân
Có sự lúng túng trong nhận thức của một bộ phận cán bộ và người dân về mô hình hoạt động của hợp tác xã và vai trò của hợp tác xã, nhất là các quy định về tổ chức hoạt động, tài sản và sở hữu đối với tài sản của hợp tác xã và của từng thành viên, các chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã.
Vốn, quỹ của các hợp tác xã nông nghiệp còn khó khăn: đa số các hợp tác xã thiếu vốn để sản xuất, kinh doanh; các hợp tác xã rất khó tiếp cận được với nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng, trong khi đó việc huy động vốn từ thành viên khó khăn ảnh hưởng đến năng lực sản xuất kinh doanh và khả năng cạnh tranh của hợp tác xã. Nhiều hợp tác xã thiếu chủ động, trông đợi vào sự hỗ trợ của nhà nước.
Chất lượng nguồn nhân lực của các hợp tác xã thấp. Hiện nay đa số cán bộ chủ chốt hợp tác xã nông nghiệp hiện có trình độ chuyên môn nghiệp vụ hạn chế, ít được đào tạo. Tư duy phát triển sản xuất kinh doanh chưa theo kịp với sự phát triển của cơ chế thị trường, thiếu tính nhạy bén và năng động trong tổ chức điều hành sản xuất kinh doanh.
Các chính sách của Chính phủ cơ bản phù hợp với nhu cầu hỗ trợ cho KTTT, HTX. Tuy nhiên, nguồn lực bố trí cho phát triển KTTT, HTX chưa tương ứng với mục tiêu đề ra và chưa phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Hiện nay nguồn vốn thực hiện chủ yếu sử dụng ngân sách địa phương và lồng ghép với các nguồn vốn khác nên rất khó triển khai thực hiện.
IV. ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ
1. Đề nghị Trung ương tổ chức tập huấn Luật Hợp tác xã năm 2023 và Nghị định số 92/2024/NĐ-CP ngày 18/7/2024 của Chính phủ về đăng ký tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; hướng dẫn xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế tập thể tích hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
2. Bố trí đủ nguồn lực thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế tập thể.
3. Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục, hồ sơ hỗ trợ các nội dung thực hiện theo Đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả giai đoạn 2021 – 2025, để làm cơ sở cho các hợp tác xã tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt là về đào tạo nguồn nhân lực đối với thành viên, người lao động của KTTT, HTX; đầu tư kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm.
4. Đề nghị Trung ương sớm ban hành văn bản hướng dẫn đối với những hợp tác xã ngừng hoạt động nhưng khó khăn trong giải thể đối với trường hợp hợp tác còn nợ đọng thuế hoặc các khoản phải nộp ngân sách Nhà nước, nợ thành viên, tổ chức tín dụng; ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về đào tạo đối với công chức, viên chức của các cơ quan quản lý nhà nước về KTTT và thành viên, người lao động của KTTT, HTX.
5. Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn căn cứ Luật Hợp tác xã năm 2023 thống nhất phân loại, đánh giá HTX trên cùng một văn bản hướng dẫn[5].
Phần thứ hai
KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ, HỢP TÁC XÃ NĂM 2025
I. MỘT SỐ YÊU CẦU ĐỐI VỚI VIỆC XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ, HỢP TÁC XÃ NĂM 2025
1. Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể năm 2025 phải đặt trong kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025, kế hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước, của địa phương; phù hợp với Chiến lược Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025 (Quyết định số 340/QĐ- TTg ngày 12 tháng 3 năm 2021), Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 – 2025 (Quyết định số 1318/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2021) và các chương trình, kế hoạch triển khai của bộ, ngành, địa phương để triền khai chiến lược, kế hoạch nêu trên.
Đặc biệt, năm 2025 là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021-2025, đồng thời là năm tập trung tổ chức Đại hội Đảng các cấp, hướng tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước dự báo tiếp tục chuyển biến nhanh, khó lường; cơ hội, thuận lợi, thách thức rủi ro đan xen, tác động đến việc xây dựng và thực hiện các mục tiêu phát triển KTTT, HTX.
2. Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã phải xuất phát từ nhu cầu chung thực tế của các thành viên trên mọi lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội, trên mọi vùng lãnh thổ; phải theo đúng các giá trị và các nguyên tắc cơ bản của HTX.
3. Các chỉ tiêu kế hoạch phải khả thi, phù hợp với kết quả, tình hình thực hiện chỉ tiêu kế hoạch trong năm 2024 và phù hợp với chỉ tiêu kế hoạch dài hạn của địa phương. Ngoài các chỉ tiêu số lượng, cần chú trọng các chỉ tiêu phản ánh chất lượng, hiệu quả.
II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ HỢP TÁC XÃ NĂM 2025
1. Mục tiêu tổng quát
Khuyến khích phát triển mới các tổ chức KTTT, đa dạng về quy mô và lĩnh vực hoạt động; hỗ trợ phát triển các mô hình HTX hoạt động có hiệu quả, trở thành kiểu mẫu để nhân rộng và thu hút người dân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia hoặc liên kết với HTX; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về KTTT, HTX; xây dựng môi trường hoạt động, sản xuất kinh doanh lành mạnh, bảo đảm lợi ích hợp pháp của các thành viên.
2. Mục tiêu cụ thể
Số HTX thành lập mới: từ 50 HTX trở lên.
Số HTX giải thể: từ 20 HTX trở lên (do có 48 HTX không hoạt động nhưng vẫn tồn tại trên sổ sách, đang tiến hành thủ tục giải thể); 02 LHHTX.
Thực hiện hỗ trợ hoàn thiện 03 HTX tham gia Đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới đảm bảo đến 30/6/2025 đạt số điểm đánh giá[6] theo đúng Kế hoạch.
3. Các giải pháp phát triển kinh tế tập thể năm 2025
3.1. Tiếp tục thực hiện và hoàn thiện thể chế chính sách
Tổ chức triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể.
Triển khai các chính sách hỗ trợ KTTT, HTX; nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ của tỉnh đối với hợp tác xã: Nghị quyết số 15/2021/NQ-HĐND ngày 17/7/2021 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 08/2019/NQ- HĐND ngày 10/12/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, giai đoạn 2020 - 2025; tổ chức lồng ghép các chương trình, dự án để hỗ trợ HTX phát triển thông qua Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và các chương trình mục tiêu khác.
3.2. Tuyên truyền, tập huấn các chính sách, văn bản QPPL mới ban hành và nâng cao năng lực nguồn nhân lực HTX
Thực hiện tuyên truyền tập huấn Luật Hợp tác xã năm 2023 và các văn bản hướng dẫn luật. Đẩy mạnh công tác quán triệt, tuyên truyền về đường lối, chính sách phát triển kinh tế tập thể của Đảng và Nhà nước ở các ngành, các cấp, các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao nhận thức trong toàn bộ hệ thống chính trị về bản chất HTX và mô hình HTX kiểu mới; Xây dựng các mô hình phát triển kinh tế tập thể, các gương điển hình, các HTX tiêu biểu; tổ chức tốt các đợt thi đua, các phong trào làm kinh tế giỏi; hằng năm tổ chức hội nghị tổng kết, đánh giá quá trình thực hiện chính sách hỗ trợ, ưu đãi hợp tác xã gắn với công tác tuyên dương, khen thưởng các HTX, cán bộ quản lý và các xã viên tiêu biểu có nhiều đóng góp cho công tác phát triển kinh tế của địa phương.
3.3. Tổ chức triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển HTX theo quy định của Luật Hợp tác xã năm 2023
Triển khai thực hiện các chính sách theo Luật Hợp tác xã năm 2023: Chính sách phát triển nguồn nhân lực, thông tin, tư vấn; Chính sách đất đai; Chính sách thuế, phí và lệ phí; Chính sách tiếp cận vốn, bảo hiểm; Chính sách ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; Chính sách tiếp cận và nghiên cứu thị trường; Chính sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, trang thiết bị; Chính sách hỗ trợ tư vấn tài chính và đánh giá rủi ro; Chính sách hỗ trợ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã.
Tiếp tục triển khai hỗ trợ HTX theo Quyết định số 1804/QĐ-TTg ngày 13/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025; các Chương trình, kế hoạch, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021-2025 và Đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021 – 2025.
3.4. Nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực KTTT, HTX
Các cấp, các ngành thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX, THT; Phát triển các hình thức hợp tác liên kết, đa dạng, phù hợp, hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Khuyến khích xây dựng, phát triển, nhân rộng các mô hình HTX, THT làm ăn có hiệu quả trên từng lĩnh vực, từng ngành nghề để khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
3.5. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng trong việc phát triển HTX. Bố trí cán bộ có đủ trình độ, năng lực thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ quản lý nhà nước về KTTT. Cần chú ý tập trung khâu đăng ký HTX, THT; kịp thời triển khai thực hiện những chính sách đối với khu vực kinh tế tập thể, và kế hoạch thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật về hợp tác xã.
3.6. Huy động các lực lượng xã hội, tổ chức đoàn thể trong nước và quốc tế tham gia thúc đẩy phát triển kinh tế
Phát huy vai trò, trách nhiệm và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể tỉnh, Liên minh HTX tỉnh.
UBND các huyện, thành phố kiện toàn Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, đảm bảo các huyện, thành phố đều có Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; chỉ đạo và đôn đốc các phòng Tài chính - Kế hoạch khẩn trương tiến hành các thủ tục liên quan để thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký các hợp tác xã không hoạt động nhưng vẫn tồn tại trên sổ sách.
Tiếp tục huy động và phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội phụ nữ tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh và Tỉnh đoàn thanh niên trong việc đẩy mạnh thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2023, thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể.
4. Nguồn vốn thực hiện
Căn cứ nội dung dự kiến tại Chương trình số 19/CTr-UBND ngày 23/5/2021 của UBND tỉnh về Hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 - 2025 và điều kiện, nhu cầu thực tiễn, UBND tỉnh đăng ký tổng nhu cầu vốn thực hiện hỗ trợ phát triển KTTT, HTX năm 2025 là: 18.110 triệu đồng. Trong đó:
- Nhu cầu vốn sự nghiệp thực hiện chương trình hỗ trợ phát triển KTTT, HTX năm 2025 là 8.110 triệu đồng. Trong đó: Ngân sách trung ương: 5.120 triệu đồng, ngân sách địa phương: 2.990 triệu đồng.
- Nhu cầu vốn đầu tư phát triển thực hiện chương trình hỗ trợ phát triển KTTT, HTX năm 2025 là 10.000 triệu đồng trong đó vốn ngân sách trung ương là 6.000 triệu đồng, vốn ngân sách địa phương là 4.000 triệu đồng.
(Chi tiết tại Phụ lục 3 và 4 kèm theo)
UBND tỉnh Lạng Sơn trân trọng báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN |
[1] Quyết định số 2420/QĐ-UBND ngày 28/11/2018 của UBND tỉnh: do Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban và Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư là Phó Trưởng ban thường trực; các Phó Trưởng ban gồm Giám đốc các Sở Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh; các sở, ngành khác là thành viên.
[2] Kế hoạch số 158/KH-UBND ngày 19/7/2023 của UBND tỉnh về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã năm 2024 tỉnh Lạng Sơn; Kế hoạch số 28/KH-UBND ngày 25/01/2024 về thưục hiện chương trình hành động số 71-CTr-TU ngày 09/3/2023 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về tiếp tục đổi mới , phát triển và nâng cao hiệu KTTT trong giai đoạn mới trên địa bàn tỉnh năm 2024.
[3] Kế hoạch số 18/KH-BCĐ ngày 26/01/2024 về phát triển doanh nghiệp, kinh tế tập thể, hợp tác xã năm 2024.
[4] Báo cáo số 305/BC-UBND ngày 28/6/2023 của UBND tỉnh về tình hình Hợp tác xã ngừng hoạt động, chờ giải thể trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
[5] Hiện nay địa phương đang phải thực hiện phân loại, đánh giá HTX đồng thời theo hai văn bản là Thông tư số 01/2020/TT-BKHĐT ngày 19/02/2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hướng dẫn phân loại đánh giá hợp tác xã (áp dụng cho HTX hoạt động trong tất cả các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế) và Thông tư số 09/2017/TT- BNNPTNT ngày 17/4/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn phân loại, đánh giá hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp (áp dụng riêng cho HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp), gây mất thời gian và không thống nhất trong cách phân loại, đánh giá hợp tác xã trong cùng một địa phương, dẫn đến khó khăn cho công tác tổng hợp, báo cáo.
[6] Theo Thông tư số 01/2020/TT-BKHĐT ngày 19/02/2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hướng dẫn phân loại và đánh giá hợp tác xã
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.