ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 170/KH-UBND |
Hà Nội, ngày 07 tháng 12 năm 2012 |
Triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2012 – 2015 và Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2009 – 2015 nhằm đẩy mạnh việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả phù hợp với mục tiêu chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, đảm bảo an ninh năng lượng, UBND Thành phố ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2013 – 2015 với các nội dung như sau:
I. SỰ CẦN THIẾT VÀ CĂN CỨ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH
Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước ta hiện nay, năng lượng là yếu tố có tầm quan trọng đặc biệt cho phát triển kinh tế và xã hội. Bên cạnh đó, ô nhiễm không khí, thời tiết thất thường và thiên tai ngày càng khốc liệt trong những năm gần đây khiến con nguời nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của việc sử dụng năng lượng, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Hà Nội là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa của cả nước, đang trong giai đoạn phát triển nhanh với mật độ dân cư cao; kinh tế thành phố liên tục tăng trưởng cao và ổn định. Cơ cấu ngành kinh tế có chuyển biến tích cực theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Sản xuất công nghiệp Thủ đô luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao. Vì vậy, nhu cầu tiêu thụ năng lượng của Hà Nội rất lớn để phát triển kinh tế - xã hội.
Thành phố Hà Nội đã ban hành Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn giai đoạn 2009 – 2015 tại Quyết định số 68/2009/QĐ-UBND ngày 13/5/2009. Đến nay, nhận thức của các doanh nghiệp, cộng đồng dân cư đã từng bước được nâng cao, tạo chuyển biến từ nhận thức sang hành động cụ thể để sử dụng năng lượng hiệu quả, góp phần tiết kiệm chi phí năng lượng cho giai đoạn 2006 - 2010 là 420 nghìn TOE, tương đương gần 820 tỷ đồng, giảm phát thải gần 50 nghìn tấn khí cacbonic, giảm 3,6% lượng năng lượng tiêu thụ so với dự báo nhu cầu; giai đoạn 2011 đến tháng 9/2012 tiết kiệm khoảng 1,7% tổng mức tiêu thụ năng lượng so với dự báo.
Năng lượng là dạng vật chất có khả năng sinh công (bao gồm nguồn năng lượng sơ cấp: than, dầu, khí đốt… và nguồn năng lượng thứ cấp là nhiệt năng, điện năng được sinh ra thông qua quá trình chuyển hóa năng lượng sơ cấp). Sử dụng tiết kiệm năng lượng và hiệu quả là sử dụng năng lượng một cách hợp lý, nhằm giảm mức tiêu thụ năng lượng, giảm chi phí năng lượng cho hoạt động của các phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng mà vẫn đảm bảo nhu cầu năng lượng cần thiết cho quá trình sản xuất, giao thông, dịch vụ và sinh hoạt.
Hiện nay điện bình quân đầu người của Hà Nội 1.347 kWh/người/năm, thấp hơn rất nhiều so với Thủ đô một số nước trong khu vực: BangKok: 4.100 kWh/người/năm,Jakarta:1.482 kWh/người/năm,Singapore:22.899 kWh/người/năm). Với tốc độ công nghiệp hoá, hiện đại hoá ngày càng nhanh như hiện nay, dự báo nhu cầu năng lượng, tài nguyên của Hà Nội sẽ tăng gấp 1,7 lần trong giai đoạn 2013-2015.
Tuy nhiên, tiêu hao năng lượng tại Hà Nội còn ở mức tương đối cao. Việc sử dụng năng lượng không hiệu quả có nhiều nguyên nhân như khả năng khai thác, chế biến và sử dụng còn nhiều hạn chế về công nghệ, tiềm lực tài chính, điều kiện kinh tế - xã hội, tình trạng lãng phí năng lượng còn rất lớn trong các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải và dân dụng.
Để phấn đấu đạt được mục tiêu của Chương trình trong giai đoạn 2009 – 2015, đáp ứng nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên năng lượng, đồng thời bảo vệ môi trường, Thành phố Hà Nội cần thiết ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong giai đoạn 2013 – 2015.
+ Quyết định số 135/2009/QĐ-TTg ngày 04/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý, điều hành thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia;
+ Quyết định số 2406/QĐ-TTg ngày 18/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành danh mục các Chương trình MTQG giai đoạn 2012 – 2015;
+ Quyết định số 1427/QĐ-TTg ngày 02/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2012 – 2015;
+ Quyết định số 68/2009/QĐ-UBND ngày 13/5/2009 của Thành phố Hà Nội về việc ban hành Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, giai đoạn 2009 – 2015.
+ Quyết định số 4769/QĐ-UBND ngày 23/10/2012 của UBND Thành phố về việc ban hành Chương trình phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn Thành phố Hà Nội, giai đoạn 2012 – 2015;
- Triển khai đồng bộ các hoạt động của Chương trình, tạo bước chuyển biến đột phá trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng cuối cùng, tập trung vào các lĩnh vực: sản xuất công nghiệp; công trình xây dựng sử dụng nhiều năng lượng; giao thông vận tải; hoạt động dịch vụ, hộ gia đình; phổ biến phương tiện, thiết bị hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng.
- Thúc đẩy hoạt động tiết kiệm năng lượng trên địa bàn Thành phố Hà Nội nhằm đạt được mục tiêu về tổng mức tiết kiệm năng lượng tính chung trên địa bàn Thành phố và cho riêng từng lĩnh vực tiêu thụ nhiều năng lượng, mang lại lợi ích kinh tế - xã hội; góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường, thực hiện phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng, các cơ quan, công sở; xây dựng ý thức, thói quen thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bảo vệ môi trường.
- Phấn đấu tiết kiệm 6 - 9% tổng mức tiêu thụ năng lượng so với dự báo nhu cầu năng lượng theo Quy hoạch phát triển điện lực Thành phố Hà Nội giai đoạn 2011 - 2015 có xét đến năm 2020 đã được Bộ Công Thương phê duyệt, tương đương từ 0,9 triệu TOE (tấn dầu tương đương) đến 1,4 triệu TOE trong giai đoạn 2013 - 2015.
- Tham gia tổ chức đào tạo và cấp chứng chỉ quản lý năng lượng cho hơn 400 người thuộc lĩnh vực sản xuất công nghiệp và khoảng 170 người trong lĩnh vực quản lý sử dụng các công trình xây dựng.
- Thúc đẩy sử dụng các trang thiết bị có hiệu suất cao, thay thế dần các trang thiết bị có hiệu suất thấp, tiến tới loại bỏ các trang thiết bị có công nghệ lạc hậu. Áp dụng các tiêu chuẩn và định mức kỹ thuật tiên tiến nhằm cải thiện hiệu suất năng lượng; đạt mức giảm ít nhất 10% cường độ năng lượng của các ngành sử dụng nhiều năng lượng.
- Thực hiện việc quản lý bắt buộc theo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam "Các công trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả" từ năm 2012, đối với 100% các tòa nhà xây dựng mới hoặc cải tạo có quy mô thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy chuẩn. Triển khai các giải pháp công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong chiếu sáng công cộng, áp dụng chiếu sáng hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng cho 100% công trình chiếu sáng công cộng xây dựng mới.
- Phát triển hệ thống giao thông vận tải đáp ứng nhu cầu vận tải với chất lượng ngày càng cao, tiết kiệm nhiên liệu, hạn chế gây ô nhiễm môi trường. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới, sử dụng năng lượng tái tạo thay thế nhiên liệu truyền thống trong giao thông vận tải. Phấn đấu đến năm 2015 vận tải hành khách công cộng trên địa bàn đáp ứng được từ 10 - 15% nhu cầu.
III. ĐỐI TƯỢNG, QUY MÔ VÀ PHẠM VI THỰC HIỆN
Chương trình MTQG về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả triển khai trong các lĩnh vực: doanh nghiệp sản xuất công nghiệp; công trình xây dựng; kinh doanh dịch vụ, hộ gia đình; giao thông vận tải.
- Chương trình đẩy mạnh công tác tuyên truyền về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thông qua phương tiện thông tin đại chúng; Xây dựng các mô hình trình diễn về tiết kiệm năng lượng; Hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận công nghệ tiến tiến, công nghệ cao tiết kiệm năng lượng; Giới thiệu các giải pháp tiết kiệm năng lượng trong hộ gia đình; Nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý năng lượng tại cơ sở.
- Hỗ trợ tư vấn cho các đơn vị sử dụng năng lượng trong lĩnh vực: công nghiệp, kinh doanh dịch vụ, xây dựng, giao thông,… thực hiện đầu tư công nghệ tiết kiệm năng lượng, quản lý vận hành để nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng của trang thiết bị, phương tiện.
3. Phạm vi thực hiện: trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
a) Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho cộng đồng
- Nội dung:
+ Duy trì, thường xuyên cập nhật và nâng cao chất lượng thông tin về cơ sở dữ liệu tiêu thụ năng lượng, giải pháp và công nghệ tiên tiến, gắn với tiết kiệm năng lượng, hiệu suất năng lượng trên trang thông tin điện tử.
+ Hàng năm, tổ chức hội chợ triển lãm quốc tế “Năng lượng hiệu quả - môi trường Hà Nội” (ENTECH HANOI); Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng hồ sơ dự thi các cuộc thi do Bộ Công Thương tổ chức nhằm phổ biến các mô hình đã thực hiện tiết kiệm năng lượng thành công.
+ Tổ chức tuyên truyền thường xuyên về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên Đài phát thanh và truyền hình Hà Nội, Báo Hà Nội Mới, Kinh tế - đô thị và các phương tiện thông đại chúng, ...
+ Tuyên truyền, tập huấn về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; năng lượng tái tạo; tiêu chuẩn trang thiết bị hiệu suất cao cho các cơ sở sử dụng năng lượng trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
+ Phát hành tờ rơi, sổ tay về các giải pháp, công nghệ hiện đại tiết kiệm năng lượng; kinh nghiệm triển khai tiết kiệm năng lượng điển hình trong và ngoài nước.
+ Nâng cao năng lực tuyên truyền, quản lý kỹ thuật về tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng trong các ngành kinh tế của Thành phố (điện lực, xây dựng, giao thông vận tải, truyền thông …).
+ Thúc đẩy hoạt động Ban chủ nhiệm Chương trình MTQG về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Thành phố Hà Nội.
- Đối tượng: Các cán bộ quản lý và triển khai Chương trình các cấp; Cán bộ quản lý năng lượng tại các cơ sở sản xuất công nghiệp và tòa nhà; Các cán bộ hoạt động trong các lĩnh vực: điện lực, giao thông vận tải, xây dựng, truyền thông; Các hộ gia đình; Cộng đồng.
- Cơ quan thực hiện: Sở Công thương chủ trì; Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan truyền thông: Đài Phát thanh và truyền hình Hà Nội, báo Hà Nội Mới, báo Kinh tế và Đô thị..., Hội Liên hiệp phụ nữ Thành phố Hà Nội, Tổng Công ty điện lực Thành phố Hà Nội, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân các quận/huyện, thị xã phối hợp thực hiện.
b) Đưa chương trình giáo dục về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vào hệ thống giáo dục trên địa bàn.
- Nội dung:
+ Tập huấn kỹ năng, phương pháp giảng dạy tích hợp, lồng ghép các nội dung giáo dục sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vào chương trình.
+ Tổ chức các hoạt động ngoại khóa về giáo dục sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hoặc lồng ghép các nội dung giáo dục sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vào các tiết học chính, các hoạt động ngoại khóa.
- Đối tượng: Giáo viên, giảng viên, học sinh, sinh viên...
- Cơ quan thực hiện: Sở Giáo dục và đào tạo chủ trì; Sở Công thương và các Sở - Ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã phối hợp thực hiện.
c) Mô hình thí điểm các dạng năng lượng thay thế có quy mô lớn và mô hình gia đình tiết kiệm năng lượng.
- Nội dung:
+ Tiếp tục thực hiện các chương trình quảng bá đèn tiết kiệm năng lượng, đèn chiếu sáng sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, thiết bị đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời, sử dụng biomass/biogas, các sản phẩm tiết kiệm năng lượng.
+ Phát triển các mô hình thí điểm quy mô hộ gia đình sử dụng năng lượng tái tạo (như mặt trời, khí sinh học ...), phổ biến triển khai nhân rộng các mô hình.
+ Tổ chức cuộc vận động Hộ gia đình sử dụng tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng, tạo phong trào phổ biến và giới thiệu các giải pháp và sử dụng các thiết bị gia dụng hiệu suất cao, các sản phẩm dán nhãn năng lượng trong mỗi hộ gia đình.
- Đối tượng: Các hộ gia đình, cộng đồng.
- Cơ quan thực hiện: Sở Công thương chủ trì; Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ, Ủy ban nhân dân các cấp ở địa phương, Tổng Công ty điện lực Thành phố Hà Nội, Hội Liên hiệp phụ nữ Thành phố Hà Nội phối hợp thực hiện.
- Nội dung:
+ Phát triển, phổ biến trang thiết bị hiệu suất cao thông qua hỗ trợ kiểm toán năng lượng; hỗ trợ xây dựng hệ thống quản lý (mô hình) năng lượng, suất tiêu hao năng lượng tại các cơ sở sản xuất theo các nhóm ngành. Xây dựng cơ sở dữ liệu về tiêu thụ năng lượng, giám sát mức tiêu hao năng lượng trong các cơ sở tiêu thụ nhiều năng lượng, thực hiện quy định tại Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
+ Hỗ trợ cải thiện hiệu suất của dây chuyền sản xuất: Hỗ trợ đầu tư thay thế, cải thiện hiệu suất đối với các thiết bị cũ nhằm thực hiện kế hoạch sử dụng tiết kiệm năng lượng; hỗ trợ trong việc xác định thông số vận hành tối ưu đối với thiết bị mới, dây chuyền sản xuất có lắp đặt các thiết bị mới.
+ Phố biến trang thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió, biogas; tận dụng dòng chảy tự nhiên, chiều cao mực nước để dẫn dòng nước chảy với chí phí năng lượng thấp nhất.
+ Thúc đẩy việc sử dụng trang thiết bị tiết kiệm năng lượng, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng tại các làng nghề thông qua các hoạt động: kiểm toán năng lượng, xây dựng mô hình quản lý năng lượng, hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn ... nhằm từng bước loại bỏ các trang thiết bị hiệu suất thấp.
+ Khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp có sản phẩm chủ lực, doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ Thành phố; doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng mô hình quản lý năng lượng. Thúc đẩy việc sử dụng trang thiết bị tiết kiệm năng lượng, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng tại cụm công nghiệp, khu công nghiệp thông qua các hoạt động: kiểm toán năng lượng, xây dựng mô hình quản lý năng lượng ...
- Đối tượng: Các tổ chức, cơ sở sản xuất công nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh sử dụng năng lượng.
- Cơ quan thực hiện: Sở Công thương chủ trì; Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất; Uỷ ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, các doanh nghiệp, tổ chức tư vấn phối hợp thực hiện.
3. Dự án 3: Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các toà nhà.
a) Tăng cường áp dụng Quy chuẩn tiết kiệm năng lượng trong quá trình xây dựng mới và cải tạo lại đối với tòa nhà có quy mô lớn.
- Nội dung:
+ Tăng cường kiểm soát, thúc đẩy thiết kế các công trình xây dựng đảm bảo sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam “Các công trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”, quy chuẩn của tòa nhà và các văn bản hướng dẫn Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
+ Hướng dẫn, thông tin xây dựng tòa nhà tiết kiệm năng lượng cho các đơn vị tư vấn và các đơn vị quản lý tòa nhà (cung cấp tài liệu; khảo sát, phổ biến các mô hình tòa nhà tiết kiệm đã thành công trong và ngoài nước …).
+ Tập huấn, nâng cao năng lực cho các cán bộ quản lý, cán bộ quản lý năng lượng, tư vấn thiết kế, thẩm định, giám sát... trong lĩnh vực xây dựng để thực hiện tốt việc áp dụng công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong quá trình lập quy hoạch, thiết kế công trình, thẩm định, phê duyệt, tổ chức thi công và quản lý quy hoạch xây dựng, thiết kế các tòa nhà phù hợp với quy chuẩn xây dựng.
+ Giám sát việc áp dụng, tuân thủ quy chuẩn xây dựng cho các tòa nhà mới, quy mô lớn.
- Đối tượng: Các chủ đầu tư, cán bộ quản lý, tư vấn thiết kế xây dựng tòa nhà.
- Cơ quan thực hiện: Sở Xây dựng chủ trì; các Sở, ngành liên quan và Uỷ ban nhân dân các quận, huyện, thị xã phối hợp thực hiện.
b) Triển khai áp dụng các giải pháp, công nghệ, thiết bị, vật liệu tiết kiệm năng lượng; tổ chức các cuộc thi tòa nhà xanh, tiết kiệm năng lượng
- Nội dung
+ Xây dựng và từng bước áp dụng hệ thống (mô hình) quản lý năng lượng cho tòa nhà; Xây dựng suất tiêu hao năng lượng; Tận dụng tối đa sử dụng năng lượng mặt trời, thông gió tự nhiên trong thiết kế nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng cho tòa nhà.
+ Xây dựng, cập nhật và quản lý cơ sở dữ liệu sử dụng, quản lý năng lượng cho các tòa nhà quy mô lớn. Tham gia các cuộc thi tòa nhà hiệu quả năng lượng.
- Đối tượng: Các tòa nhà thương mại: khách sạn, trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê, tòa nhà trụ sở làm việc của cơ quan hành chính sự nghiệp …
- Cơ quan thực hiện: Sở Công thương chủ trì; các Sở, ngành liên quan và Uỷ ban nhân dân các quận/huyện, thị xã phối hợp thực hiện.
c) Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong chiếu sáng công cộng
- Nội dung
+ Xây dựng kế hoạch, biện pháp và áp dụng các giải pháp quản lý, tiêu chuẩn kỹ thuật trong hệ thống chiếu sáng công cộng nhằm tiết kiệm điện. Thực hiện lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng và hệ thống tủ điều khiển chiếu sáng tiết kiệm điện.
+ Xây dựng các mô hình thí điểm về chiếu sáng công cộng hiệu suất cao, chiếu sáng tiết kiệm năng lượng.
- Đối tượng: Các đơn vị vận hành hệ thống chiếu sáng công cộng.
- Cơ quan thực hiện: Sở Xây dựng chủ trì; các Sở - Ngành liên quan và Uỷ ban nhân dân các quận, huyện, thị xã phối hợp thực hiện.
4. Dự án 4: Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong ngành giao thông vận tải.
a) Tiết kiệm năng lượng trong quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông vận tải
- Nội dung
+ Xây dựng hướng dẫn việc lồng ghép nội dung tiết kiệm năng lượng trong các dự án quy hoạch phát triển giao thông vận tải. Hướng dẫn thực hiện các biện pháp tiết kiệm năng lượng trong công tác lập dự án và thi công công trình giao thông vận tải.
+ Phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng, vận tải hành khách khối lượng lớn nhằm cải thiện điều kiện đi lại cho người dân, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và bảo vệ môi trường.
- Đối tượng: Các đơn vị tư vấn, quy hoạch, thi công công trình giao thông; đơn vị vận tải hành khách.
- Cơ quan thực hiện: Sở Giao thông vận tải chủ trì; các Sở, ngành liên quan và Uỷ ban nhân dân các quận/huyện, thị xã phối hợp thực hiện.
b) Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong tổ chức, khai thác hệ thống giao thông vận tải
- Nội dung:
+ Xây dựng và tổ chức phân luồng giao thông nhằm hạn chế ùn tắc giao thông tại các khu vực đô thị và tiết kiệm năng lượng. Triển khai các phương thức vận tải, ưu tiên vận tải khối lượng lớn; tiết kiệm nhiên liệu thân thiện môi trường.
+ Xây dựng và thực hiện đẩy mạnh công tác quản lý, tổ chức công tác bảo dưỡng sửa chữa duy trì tình trạng kỹ thuật phương tiện, thiết bị nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng phương tiện, thiết bị giao thông vận tải.
+ Xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn về suất tiêu hao nhiên liệu tối thiểu đối với một số loại phương tiện giao thông vận tải theo điều kiện và khả năng áp dụng.
+ Phổ biến, tuyên truyền kỹ năng lái xe tiết kiệm nhiên liệu và thân thiện môi trường; nâng cao ý thức tiết kiệm nhiên liệu trong giao thông vận tải.
- Đối tượng: Các doanh nghiệp hoạt động trong ngành giao thông vận tải; Cộng đồng.
- Cơ quan thực hiện: Sở Giao thông vận tải chủ trì; các Sở, ngành liên quan và Uỷ ban nhân dân các quận/huyện, thị xã phối hợp thực hiện.
c) Xây dựng suất tiêu hao nhiên liệu đối với một số loại phương tiện vận tải công cộng
- Nội dung: Thực hiện kiểm toán năng lượng, xây dựng suất tiêu hao nhiên liệu đối với một số loại phương tiện vận tải công cộng.
- Đối tượng: Các doanh nghiệp giao thông vận tải công cộng.
- Cơ quan thực hiện: Sở Công Thương chủ trì; các Sở, ngành liên quan phối hợp thực hiện.
d) Ứng dụng công nghệ mới, năng lượng tái tạo trong giao thông vận tải
- Nội dung
+ Áp dụng các sáng kiến cải tiến kỹ thuật và công nghệ mới trong giao thông vận tải nhằm tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải chất ô nhiễm ra môi trường.
+ Triển khai ứng dụng năng lượng tái tạo, năng lượng thay thế nhiên liệu truyền thống (CNG, LPG, LNG, nhiên liệu sinh học, năng lượng điện, năng lượng có tiềm năng khác) đối với phương tiện, thiết bị giao thông vận tải nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng.
- Đối tượng: Các doanh nghiệp hoạt động trong ngành giao thông vận tải; Cộng đồng.
- Cơ quan thực hiện: Sở Giao thông vận tải chủ trì; các Sở, ngành liên quan và Uỷ ban nhân dân các quận, huyện, thị xã phối hợp thực hiện.
Tổng kinh phí thực hiện Chương trình giai đoạn 2013 – 2015 (tạm tính) là 49.800 triệu đồng.
- Ngân sách Trung ương (vốn sự nghiệp): 10.450 triệu đồng.
- Ngân sách Thành phố (vốn sự nghiệp): 38.300 triệu đồng.
- Nguồn vốn huy động hợp pháp khác: 1.350 triệu đồng.
(Sở Công thương có trách nhiệm làm việc với Bộ Công Thương để được giao kế hoạch và hướng dẫn về nguồn vốn kinh phí Trung ương hỗ trợ cho Chương trình; nghiên cứu, đề xuất phương án huy động các nguồn vốn huy động hợp pháp khác thực hiện Chương trình).
- Tư vấn kiểm toán năng lượng cho 60 doanh nghiệp, tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp tiêu thụ năng lượng trọng điểm.
- Xây dựng thí điểm suất tiêu hao năng lượng cho 3 doanh nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
- Xây dựng thí điểm định mức kinh tế kỹ thuật tiêu thụ năng lượng trong quá trình vận hành phương tiện giao thông vận tải công cộng cho 01 tuyến xe buýt.
- Xây dựng 25 hồ sơ dự thi các cuộc thi do Bộ Công Thương tổ chức, tuyên truyền các công nghệ, giải pháp tiết kiệm năng lượng có khả năng nhân rộng, sáng tạo.
- Hỗ trợ đầu tư 02 mô hình tiết kiệm năng lượng cho 02 đơn vị, phổ biến hiệu quả của mô hình trong việc nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng.
- Triển khai phong trào Hộ gia đình tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng với mục tiêu phổ biến kỹ năng tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng trong đời sống sinh hoạt.
- Tư vấn kiểm toán năng lượng cho trên 130 doanh nghiệp, mở rộng đối tượng triển khai tới các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ.
- Triển khai nhân rộng xây dựng suất tiêu hao năng lượng cho 10 doanh nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
- Triển khai xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật tiêu thụ năng lượng trong quá trình vận hành phương tiện giao thông vận tải công cộng cho 04 tuyến xe buýt.
- Xây dựng 50 hồ sơ dự thi quản lý năng lượng trong công nghiệp và tòa nhà trên địa bàn thành phố.
- Hỗ trợ đầu tư 5 mô hình tiết kiệm năng lượng cho 5 đơn vị, phổ biến hiệu quả của mô hình trong việc nâng cao hiêu suất sử dụng năng lượng.
- Triển khai phong trào Hộ gia đình tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng với mục tiêu xây dựng kỹ năng, bước đầu hình thành thói quen tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng trong đời sống sinh hoạt.
Ban Chủ nhiệm Chương trình có trách nhiệm xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hàng năm; Chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các đơn vị thực hiện đúng Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn Thành phố.
a) Sở Công Thương: Là cơ quan thường trực của Ban chủ nhiệm Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của Thành phố; Chủ trì phối hợp với các Sở, ngành, các tổ chức liên quan tổ chức thực hiện Chương trình; Điều phối, theo dõi, kiểm tra hoạt động của các dự án và kết quả của từng dự án triển khai; Báo cáo tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện toàn bộ hoạt động của Chương trình; Thực hiện báo cáo định kỳ (6 tháng, năm) và theo yêu cầu về triển khai Chương trình với Uỷ ban nhân dân Thành phố, Bộ Công Thương; Nghiên cứu đề xuất giải pháp huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện Chương trình (ngoài nguồn vốn ngân sách).
b) Sở Kế hoạch và đầu tư: Tham mưu cho UBND Thành phố cân đối kế hoạch vốn thực hiện Chương trình; Chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan thẩm định, trình UBND Thành phố ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của Thành phố giai đoạn 2013 - 2015.
c) Sở Tài chính: Thẩm định dự toán kinh phí các dự án thành phần của Chương trình, hướng dẫn các đơn vị quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách Thành phố theo quy định của pháp luật hiện hành; Phối hợp với các Sở, Ban, Ngành liên quan cân đối kinh phí cho các nhiệm vụ thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2013 - 2015.
d) Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các quận/huyện, thị xã; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành thành phố thực hiện các nội dung đã được phân công tại mục IV của bản kế hoạch này.
e) Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Hội liên hiệp phụ nữ Thành phố Hà Nội, các Hiệp hội nghề, Hiệp hội xã hội và các Tổ chức chính trị, các đoàn thể khác: Phối hợp với các Sở, Ban, Ngành và UBND quận, huyện, thị xã chỉ đạo các cấp trực thuộc tổ chức tốt công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của cộng đồng về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn Thành phố.
Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2013 - 2015 có hiệu lực kể từ ngày ký. UBND Thành phố yêu cầu Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị có liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện Kế hoạch này. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề vướng mắc phát sinh các đơn vị có báo cáo gửi về cơ quan thường trực là Sở Công Thương để tổng hợp báo cáo Uỷ ban nhân dân Thành phố để xem xét, chỉ đạo kịp thời.
Nơi nhận: |
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.