ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
VIỆT NAM |
Số: 170/KH-UBND |
Bình Phước, ngày 01 tháng 6 năm 2022 |
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI CHIẾN DỊCH CAO ĐIỂM 92 NGÀY ĐÊM “NÂNG CAO HIỆU QUẢ CUNG CẤP, SỬ DỤNG DỊCH VỤ CÔNG TRỰC TUYẾN; ĐẨY MẠNH CHUYỂN ĐỔI SỐ ĐỂ PHÁT TRIỂN CHÍNH QUYỀN SỐ” TỪ NGÀY 01/6/2022 ĐẾN NGÀY 31/8/2022
Căn cứ Nghị định 45/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ về việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử;
Căn cứ Quyết định số 942/QĐ-TT ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030;
Căn cứ Quyết định số 27/QĐ-UBQGCĐS ngày 15/3/2022 của Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số ban hành Kế hoạch hành động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2022;
Căn cứ Công văn số 1832/BTTTT-THH ngày 16/5/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc đôn đốc, thúc đẩy hiệu quả cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến;
Nhằm tổ chức thi đua lập thành tích chào mừng 77 năm Ngày Quốc Khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam (02/9/1945 - 02/9/2022) một cách thiết thực, có ý nghĩa, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến dịch cao điểm 92 ngày đêm “Nâng cao hiệu quả cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến; Đẩy mạnh chuyển đổi số để phát triển Chính quyền số” từ ngày 01/6/2022 đến ngày 31/8/2022 như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
Cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh Bình Phước, trong đó tập trung định hướng quan trọng: “Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 theo Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ và nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đã đề ra phù hợp với thực tiễn của địa phương, đơn vị”.
Giao chỉ tiêu tỷ lệ dịch vụ công phát sinh hồ sơ trực tuyến và tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến tới từng cơ quan nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện năm 2022, hướng tới hoàn thành sớm các chỉ tiêu chủ yếu phát triển Chính phủ số trên địa bàn tỉnh Bình Phước theo Quyết định số 27/QĐ-UBQGCĐS ngày 15/3/2022 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số về ban hành Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2022.
2. Yêu cầu
Phân công rõ nhiệm vụ, rõ trách nhiệm, rõ thời gian; triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp để đạt được các mục tiêu nhanh chóng, hiệu quả, tiết kiệm.
Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan, đơn vị liên quan phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, xác định việc thực hiện các giải pháp để nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) là một nhiệm vụ cấp bách và ưu tiên hàng đầu, có yếu tố quyết định cho công cuộc chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.
II. Hiện trạng dịch vụ công trực tuyến
Toàn tỉnh hiện có 1.784 dịch vụ công (DVC). Trong đó:
- Dịch vụ công cấp tỉnh là 1.446 DVC (mức độ 2: 109 DVC, mức độ 3: 115 DVC, mức độ 4: 1.222 DVC).
- Dịch vụ công cấp huyện là 244 DVC (mức độ 2: 18 DVC, mức độ 3: 47 DVC, mức độ 4: 179 DVC), dịch vụ công liên thông là 97 DVC. Tổng cộng cấp huyện cung cấp 321 dịch vụ công.
- Dịch vụ công cấp xã là 94 DVC (mức độ 1: 0 DVC; mức độ 2: 6 DVC; mức độ 3: 31 DVC; mức độ 4: 57 DVC). Dịch vụ công liên thông là 53 DVC (trong đó lĩnh vực Lao động: 36; Tài nguyên môi trường: 17). Tổng cộng cấp xã cung cấp 147 dịch vụ công.
(Một số DVC có thể được cung cấp ở 2 cấp hoặc 3 cấp).
1. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến có phát sinh hồ sơ:
Đến ngày 15/5/2022: Tổng số DVC mức 3, 4 là: 1.651, Trong đó, số DVC mức 3, 4 có phát sinh hồ sơ là 449. Như vậy, tỷ lệ DVC phát sinh hồ sơ trực tuyến toàn tỉnh là 27,2%. (Tỷ lệ DVC phát sinh hồ sơ = Số DVC trực tuyến mức 3, 4 có phát sinh hồ sơ/Tổng số DVC trực tuyến mức 3, 4).
(Phụ lục 1. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến có phát sinh hồ sơ)
Nhận xét: Tỷ lệ DVC phát sinh hồ sơ là 27,2% là rất thấp so với chỉ tiêu mà Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số giao cho các tỉnh (80%) trong năm 2022. Nguyên nhân từ việc không nhập hồ sơ thủ tục hành chính vào phần mềm Cổng dịch vụ công hoặc một số DVC cung cấp mà người dân, doanh nghiệp không có nhu cầu trong kỳ báo cáo.
2. Tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến:
Từ ngày 15/12/2021 - 14/3/2022, theo thống kê từ cổng DVC của tỉnh, tổng số hồ sơ tiếp nhận mới (cả trực tuyến và không trực tuyến) là 141.618 hồ sơ. Trong đó, số hồ sơ của các DVC tiếp nhận trực tuyến là 30.615 hồ sơ, tiếp nhận trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích 111.003 hồ sơ. Như vậy, tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến là 21,62% (Tỷ lệ = Số hồ sơ DVC trực tuyến/Tổng số hồ sơ DVC).
Theo báo cáo tổng hợp từ các đơn vị, tổng số hồ sơ tiếp nhận mới (cả trực tuyến và không trực tuyến) là 217.622 hồ sơ. Như vậy, tổng số hồ sơ không nhập lên cổng DVC của tỉnh là 76.004 hồ sơ.
Trong đó, đáng chú ý một số đơn vị không nhập lên Cổng Dịch vụ công của tỉnh là Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (18.411 hồ sơ); các chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai (7.617 hồ sơ); Sở Tư pháp (925 hồ sơ); các đơn vị cấp xã thuộc huyện Phú Riềng (6.780 hồ sơ); thuộc thành phố Đồng Xoài (5.973 hồ sơ); thuộc thị xã Bình Long (4.831 hồ sơ)...
Nếu theo số liệu tổng hợp của các đơn vị, tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến chỉ là 14,06%.
(Phụ lục 2. Tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến)
Nhận xét: Tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến năm 2022 được Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số giao là 50%. Như vậy, tỷ lệ này trên thực tế còn rất thấp (21,62%). Nguyên nhân chính là không nhập hồ sơ lên Cổng Dịch vụ công của tỉnh (76.004 hồ sơ) và vẫn còn tiếp nhận hồ sơ giấy rất nhiều (111.003 hồ sơ).
4. Tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công và Bộ phận một cửa cấp huyện, cấp xã.
Hiện tại TTPVHCC đã thực hiện số hóa 100% hồ sơ TTHC đảm bảo theo quy định về hồ sơ đầu vào đối với các TTHC đã công bố trực tuyến mức độ 3, 4. Đối với các TTHC trực tuyến mức độ 2 thì tỷ lệ số hóa hồ sơ còn rất hạn chế. Ngoài ra, việc số hóa đối với các văn bản có liên quan đến quá trình giải quyết hồ sơ và kết quả giải quyết TTHC chưa được thực hiện đầy đủ, đa số các đơn vị vẫn chưa trả kết quả bằng bản điện tử theo yêu cầu, tỷ lệ kết quả điện tử hiện mới đạt khoảng hơn 20%.
Tình hình số hóa hồ sơ TTHC tại Bộ phận một cửa, một cửa liên thông cấp huyện tương tự như tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.
Nhận xét: Việc số hóa 100% hồ sơ TTHC cần phải được triển khai khẩn trương theo đúng yêu cầu của Quyết định số 27 (Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số), đó là: Số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính 100% tại Trung tâm Phục vụ hành chính công (ngày 01/6/2022) và Bộ phận một cửa cấp huyện (01/12/2022).
5. Tỷ lệ báo cáo của các cơ quan hành chính nhà nước được thực hiện trực tuyến
5.1 Hệ thống báo cáo Quốc gia GRIS, định kỳ hàng quý/năm:
Văn phòng Chính phủ giao 3 biểu mẫu báo cáo Quý I/2022 cho 111 xã, phường, thị trấn. Trong đó:
- Mẫu II.01b/VPCP/KSTT: 75/111 đơn vị cấp xã nhập liệu báo cáo.
- Mẫu II.05a/VPCP/KSTT: 107/111 đơn vị cấp xã nhập liệu báo cáo.
- Mẫu II.06/VPCP/KSTT: 111/111 xã nhập liệu báo cáo.
5.2 Hệ thống báo cáo LRIS của tỉnh, định kỳ hàng tháng:
Tổng số 312 chỉ tiêu cấp tỉnh dùng để khai thác và sử dụng nội bộ. Hệ thống này do Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, được giao nhiệm vụ báo cáo cho các sở ngành. Hiện nay, chỉ mới Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện nhập liệu báo cáo định kỳ (94 chỉ tiêu).
Đối với hệ thống báo cáo cấp huyện:
- Đã triển khai hệ thống và cập nhật số liệu: Đồng Xoài, Bình Long, Phước Long, Phú Riềng. Các huyện còn lại đang kiểm tra mẫu báo cáo, chưa triển khai thực tế.
5.3 Hệ thống báo cáo cung cấp cho Hệ thống báo cáo Quốc gia (08 chỉ tiêu) - định kỳ hàng tháng và IOC tỉnh (06 chỉ tiêu) - định kỳ hàng ngày: đã thực hiện.
(Phụ lục 3 - Thống kê tình hình triển khai Hệ thống báo cáo).
Nhận xét: Yêu cầu 100% xã, phường, thị trấn cần cập nhật báo cáo trên Hệ thống báo cáo Quốc gia GRIS. (Mẫu II.01b/VPCP/KSTT: 36 đơn vị cấp xã chưa nhập liệu báo cáo, Mẫu II.05a/VPCP/KSTT: 04 đơn vị cấp xã chưa nhập liệu báo cáo). Đối với hệ thống báo cáo LRIS (Kinh tế xã hội), các sở, ban, ngành (trừ Sở Kế hoạch và Đầu tư) chưa triển khai nhập liệu trực tiếp lên hệ thống.
6. Tình hình giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính:
Từ ngày 15/12/2021 đến ngày 15/5/2022, tổng số hồ sơ tiếp nhận là 290.170 hồ sơ, đã giải quyết được 242.311 hồ sơ (trong đó 9.170 hồ sơ quá hạn), đang giải quyết 47.828 hồ sơ (trong đó 28 hồ sơ quá hạn). Tỷ lệ hồ sơ quá hạn đã giải quyết là 3,78%.
Nhận xét: Tỷ lệ hồ sơ quá hạn đã giải quyết còn cao (tỷ lệ thông thường là 0,01%) là do tình trạng hồ sơ được xử lý hoàn thành khi đã chuyển qua trạng thái “Quá hạn”, một số thủ tục đã cắt giảm thời gian so với quy định. Việc này là do các đơn vị chưa chú trọng đến các hồ sơ gần đến hạn, chỉ tập trung đến những hồ sơ đã quá hạn.
(Phụ lục 4 - Tình hình xử lý hồ sơ trên Cổng DVC của tỉnh từ 15/12/2021 đến 15/5/2022)
7. Tình hình thanh toán trực tuyến
Cổng Dịch vụ công của tỉnh đã tích hợp, kết nối với Cổng Dịch vụ công Quốc gia và liên kết với các ngân hàng để thanh toán các loại phí, lệ phí cho tổ chức và cá nhân trên địa bàn khi thực hiện sử dụng dịch vụ công, trong đó điển hình các thanh toán nghĩa vụ tài chính trong lĩnh vực đất đai. Đến nay, Văn phòng đăng ký đất đai Tỉnh và 11/11 chi nhánh đã thực hiện kết nối thanh toán. Cụ thể, từ ngày 01/01/2022 đến 15/5/2022, theo thống kê trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, toàn tỉnh thực hiện 26.653 giao dịch thanh toán trực tuyến thành công với tổng số tiền thanh toán là 165,1 tỷ đồng.
Việc thanh toán phí, lệ phí nhìn chung còn nhiều hạn chế, đặc biệt ở cấp huyện, xã do nhiều đơn vị chưa hoàn thành việc khai báo tài khoản thanh toán và tích hợp chức năng thanh toán trên Cổng dịch vụ công tỉnh, số liệu thanh toán từ ngày 01/01/2022 đến 15/5/2022, toàn tỉnh thực hiện 403 giao dịch thanh toán trực tuyến thành công với tổng số tiền thanh toán là 130,2 triệu đồng.
(Phụ lục 5 - Tình hình thanh toán trực tuyến qua Cổng dịch vụ công từ 01/01/2022 đến 15/5/2022)
Nhận xét: Mặc dù tình hình thanh toán trực tuyến của tỉnh đạt được những kết quả nhất định, hiện đang dẫn đầu cả nước về thanh toán nghĩa vụ tài chính trong lĩnh vực đất đai. Nhưng việc triển khai thanh toán phí, lệ phí chưa triển khai rộng rãi ở các lĩnh vực khác. Do vậy, cần tập trung đẩy mạnh công tác thanh toán trực tuyến các tất cả các lĩnh vực.
III. MỤC TIÊU
Đến ngày 02/9/2022, toàn tỉnh phải đạt:
1. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ đạt 80%.
2. Tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến đạt 50%.
3. Tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đạt 100% tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh và Bộ phận một cửa cấp huyện.
4. Tỷ lệ báo cáo của các cơ quan hành chính nhà nước được thực hiện trực tuyến đạt 50%.
5. Giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính
- 100% hồ sơ, thủ tục hành chính được giải quyết đúng hạn, không để hồ sơ chuyển qua trạng thái Quá hạn.
- Nếu có phát sinh hồ sơ quá hạn thì phải có văn bản xin lỗi (phải gửi văn bản xin lỗi trước thời điểm hết hạn giải quyết ít nhất 01 ngày, đồng thời có thời hạn giải quyết trong văn bản xin lỗi).
IV. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP
1. Cập nhật đầy đủ các DVC phát sinh lên Cổng Dịch vụ công của tỉnh, tuyệt đối không được xử lý hồ sơ giấy mà không cập nhật vào Cổng Dịch vụ công của tỉnh.
Đơn vị thực hiện: Các sở, ban, ngành; UBND cấp huyện, cấp xã.
Thời gian thực hiện: từ ngày 01/6/2022.
2. Chủ động rà soát, tập trung phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu tỷ lệ DVCTT phát sinh hồ sơ trực tuyến và tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến.
- Căn cứ phụ lục 1: các sở, ban, ngành, địa phương tiến hành rà soát, xác định các DVC đang phát sinh hồ sơ giấy, tổ chức triển khai thực hiện tiếp nhận trực tuyến đối với các dịch vụ công đã cung cấp ở mức 3, 4.
- Căn cứ phụ lục 2: các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện tập trung thực hiện việc tiếp nhận và xử lý hồ sơ trực tuyến, đảm bảo chỉ tiêu các sở ngành; UBND cấp huyện đảm bảo 100% hồ sơ xử lý trực tuyến đối với các dịch vụ công mức 3,4.
Đơn vị thực hiện: Các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã.
Thời gian thực hiện: từ 01/6/2022.
3. Quán triệt, theo dõi và kiểm soát thường xuyên việc giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính của đội ngũ cán bộ, công chức, đảm bảo chất lượng, tiến độ, không để hồ sơ chuyển qua trạng thái quá hạn. Trường hợp quá hạn phải có văn bản xin lỗi (Văn bản xin lỗi phải có thời hạn giải quyết) và kịp thời xử lý theo đúng chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 3591/UBND-NC ngày 24/10/2017 về việc chấn chỉnh việc thực hiện xin lỗi cá nhân, tổ chức khi để hồ sơ, TTHC quá hạn giải quyết. Tuyệt đối không để xảy ra trường hợp gia hạn hồ sơ không có lý do chính đáng; nghiêm cấm tình trạng bấm “Kết thúc” khi trên thực tế hồ sơ vẫn còn trong tình trạng “Đang xử lý”;
Cơ quan chủ trì: Trung tâm Phục vụ hành chính công, các sở, ban, ngành; UBND cấp huyện, cấp xã.
Thời gian triển khai: Từ tháng 06/2022.
4. Thí điểm chỉ tiếp nhận hồ sơ trực tuyến đối với một số loại hình DVCTT tương ứng với một số đối tượng người dân sử dụng phù hợp, khả thi trong tiếp cận, thực hiện dịch vụ. (tập trung triển khai trước đối với 25 DVC trong danh mục các TTHC thiết yếu ưu tiên tích hợp, chia sẻ dữ liệu dân cư theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ).
Cơ quan chủ trì: Công an tỉnh.
Cơ quan phối hợp: Văn phòng UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, UBND cấp huyện.
Thời gian hoàn thành: trước ngày 30/6/2022.
5. Triển khai các Tổ công nghệ số cộng đồng theo Văn bản số 793/BTTTT-THH ngày 05/3/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông, Văn bản số 1231/UBND-KGVX ngày 28/5/2022 của UBND tỉnh để tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân thực hiện chuyển đổi số, trong đó có hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng DVCTT.
Cơ quan chủ trì: UBND cấp huyện; UBND cấp xã.
Cơ quan phối hợp: Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Công Thương, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Thời gian hoàn thành: trước ngày 30/6/2022 phải thành lập và báo cáo về UBND tỉnh (qua Sở Thông tin và Truyền thông).
6. Tiếp tục rà soát các thủ tục hành chính và các điều kiện bảo đảm để cung cấp trực tuyến mức độ 4 với các thủ tục hành chính đủ điều kiện.
Cơ quan chủ trì: Văn phòng UBND tỉnh.
Cơ quan phối hợp: các sở, ban, ngành.
Thời gian thực hiện: thường xuyên.
7. Nghiên cứu tham mưu ban hành chính sách khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng DVCTT như giảm thời gian xử lý hồ sơ; giảm lệ phí thực hiện DVCTT.
Cơ quan chủ trì: Sở Thông tin và Truyền thông.
Cơ quan phối hợp: Sở Tài chính.
Thời gian hoàn thành: trước ngày 15/8/2022 phải hoàn thành thủ tục để trình Hội đồng nhân dân tỉnh vào kỳ họp gần nhất.
8. Kết nối toàn diện, triệt để Cổng Dịch vụ công/Hệ thống một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh với Hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ Chính phủ số của Bộ Thông tin và Truyền thông để thực hiện đo lường, đánh giá, theo dõi, quản lý việc cung cấp và hiệu quả sử dụng DVCTT của các cơ quan nhà nước; từ đó, cải tiến chất lượng và hiệu quả cung cấp, sử dụng DVCTT.
Cơ quan thực hiện: Sở Thông tin và Truyền thông.
Thời gian hoàn thành: Trong tháng 6/2022.
9. Triển khai hoàn thiện hệ thống báo cáo GRIS, LRIS
- Phấn đấu 100% các xã, phường, thị trấn nhập liệu hệ thống báo cáo các mẫu Il.01b, II.05a, II.06 của Văn phòng Chính phủ.
- Các sở, ban, ngành tổ chức nhập liệu hệ thống báo cáo LRIS.
Thời gian thực hiện: tháng 6/2022.
- Các huyện: Lộc Ninh, Bù Gia Mập, Bù Đăng, Đồng Phú, Chơn Thành, Bù Đốp, Hớn Quản triển khai tổ chức hệ thống báo cáo hoàn chỉnh.
Thời gian thực hiện: tháng 6/2022.
10. Triển khai toàn diện thanh toán trực tuyến đối với dịch vụ công trên phạm vi toàn tỉnh.
Cơ quan chủ trì: Văn phòng UBND tỉnh.
Cơ quan phối hợp: Sở Thông tin và Truyền thông; UBND các huyện, thị xã, thành phố.
Thời gian thực hiện: trước ngày 31/8/2022.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch, chương trình hành động đảm bảo hoàn thành 100% nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch này. Ban hành và gửi Kế hoạch, chương trình hành động về UBND tỉnh trước ngày 07/6/2022.
2. Văn phòng UBND tỉnh tổng hợp báo cáo cho Ban chỉ đạo Chuyển đổi số của tỉnh về tiến độ triển khai, kết quả thực hiện của từng sở, ban, ngành; UBND huyện, thị xã, thành phố với tần suất 02 ngày/1 lần, thời điểm báo cáo: trước 17h00. Chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh tổ chức Lễ tổng kết Chiến dịch vào ngày 01/9/2022.
3. Sở Thông tin và Truyền thông đảm bảo hạ tầng kỹ thuật, phần mềm Dịch vụ công đáp ứng được các yêu cầu để triển khai số hóa đầu vào và kết quả đầu ra của thủ tục hành chính; lưu trữ kho dữ liệu cá nhân để sử dụng các dịch vụ công tiếp theo, chuẩn bị các phương án đảm bảo để triển khai chữ ký số cá nhân rộng rãi để người dân biết và sử dụng với nguyên tắc thuận tiện, tiết kiệm chi phí cho người dân, doanh nghiệp.
4. Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu UBND tỉnh chỉnh sửa bản chấm điểm Chỉ số cải cách hành chính của các cơ quan, đơn vị, địa phương; đánh giá trách nhiệm Người đứng đầu năm 2022 theo hướng tập trung vào các nhiệm vụ: Nâng cao hiệu quả cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến; Đẩy mạnh chuyển đổi số để phát triển Chính quyền số.
Trên đây là Kế hoạch Triển khai chiến dịch cao điểm 92 ngày đêm “Nâng cao hiệu quả cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến; Đẩy mạnh chuyển đổi số để phát triển Chính quyền số” từ ngày 01/6/2022 đến ngày 31/8/2022. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong chỉ đạo, triển khai thực hiện, đảm bảo tiến độ, chất lượng công việc được giao./.
|
CHỦ TỊCH |
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN
|
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.