ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1690/KH-UBND |
Ninh Thuận, ngày 28 tháng 4 năm 2023 |
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 26-NQ/TW NGÀY 03/11/2022 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ, NGHỊ QUYẾT SỐ 168/NQ-CP NGÀY 29/12/2022 CỦA CHÍNH PHỦ, CHƯƠNG TRÌNH SỐ 179-CTR/TU NGÀY 09/3/2023 CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY VÀ CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG SỐ 333-KH/BCSĐ NGÀY 11/4/2023 CỦA BAN CÁN SỰ ĐẢNG UBND TỈNH VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ BẢO ĐẢM QUỐC PHÒNG, AN NINH VÙNG BẮC TRUNG BỘ VÀ DUYÊN HẢI TRUNG BỘ ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045
Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 168/NQ-CP ngày 29/12/2022 của Chính phủ, Chương trình số 179-Ctr/TU ngày 09/3/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Chương trình hành động số 333-KH/BCSĐ ngày 11/4/2023 của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; UBND tỉnh Ninh Thuận ban hành kế hoạch triển khai thực hiện với nội dung sau:
1. Mục đích
- Nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và xác định nhiệm vụ, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 168/NQ-CP ngày 29/12/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03 tháng 11 năm 2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
- Thông qua thực hiện Kế hoạch tạo ra sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận xã hội để triển khai thực hiện Nghị quyết 168/NQ-CP của Chính phủ được đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra tại Nghị quyết số 26-NQ/TW.
2. Yêu cầu
- Quán triệt sâu sắc và triển khai kịp thời, quyết liệt, hiệu quả các quan điểm chỉ đạo, các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết số 26-NQ/TW và Nghị quyết số 168/NQ-CP ; tập trung triển khai thực hiện ngay các nhiệm vụ, giải pháp theo chức năng thẩm quyền của từng ngành, địa phương.
- Việc phân công nhiệm vụ phải cụ thể, rõ ràng, gắn với mốc thời gian hoàn thành. Xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên để tổ chức triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế của từng ngành, địa phương, nhằm góp phần thực hiện tốt nhất nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Vùng.
1. Mục tiêu đến năm 2030
Ninh Thuận trở thành tỉnh có mức thu nhập bình quân thuộc nhóm trung bình cao của cả nước; là tỉnh phát triển năng động, nhanh và bền vững, mạnh về kinh tế biển; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, có khả năng chống chịu với thiên tai, dịch bệnh và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu; hình thành khu kinh tế ven biển phía Nam tỉnh và hệ thống đô thị ven biển; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân không ngừng được nâng cao; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển đảo được bảo đảm vững chắc; các tổ chức đảng, hệ thống chính trị vững mạnh; khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường.
2. Một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030
- Giai đoạn 2021 - 2030, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt khoảng 10,84%/năm. Đến năm 2030, GRDP của tỉnh tăng 3,65 lần so với năm 2020 (giá hiện hành), trong đó nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm khoảng 12-13%, công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 47-48%, dịch vụ chiếm khoảng 40-41%. Tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP đạt khoảng 30%; kinh tế số chiếm 30% GRDP. GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 200 triệu đồng/người/năm (giá hiện hành). Thu ngân sách Nhà nước đạt 11.000-12.000 tỷ đồng; tốc độ tăng thu nội địa cao hơn 2-3 điểm % so với bình quân của cả nước. Phấn đấu tỉ lệ đô thị hoá đạt khoảng 55-56%. Có ít nhất 45 xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó có 08 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2030 đạt trên 55%.
- Chỉ số phát triển con người (HDI) cao hơn trung bình cả nước. Thu nhập bình quân đầu người gấp 1,2 lần trở lên so với trung bình cả nước. Tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 75-80%, trong đó có bằng cấp chứng chỉ đạt khoảng 35-40%. Tỉ lệ hộ nghèo giảm 1-1,5%/năm, trong đó tỉ lệ trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm. Đạt 35 giường bệnh viện/vạn dân; trên 11 bác sĩ/vạn dân. Tỉ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 100% dân số.
- Tỉ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 49%; 100% hộ gia đình ở thành thị và 100% hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn. Tỉ lệ thu gom và xử lý rác thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt khoảng 100%. 100% khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung; 100% cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý triệt để.
3. Tầm nhìn đến năm 2045
Đến năm 2045, trở thành tỉnh phát triển toàn diện, có thu nhập cao; là tỉnh mạnh về kinh tế biển; có khu kinh tế ven biển hiện đại, hệ thống đô thị ven biển thông minh, bền vững, thân thiện với môi trường, có khả năng chống chịu cao với thiên tai, dịch bệnh và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân đạt mức cao; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc; các tổ chức đảng, hệ thống chính trị vững mạnh; khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường.
III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
- Các Sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết số 26-NQ/TW, Nghị quyết 168/NQ-CP và Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, đồng thời xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện.
- Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức và Nhân dân, nhận thức đúng, đầy đủ và sâu sắc vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của Vùng, là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, nhất là về kinh tế biển và quốc phòng, an ninh biển, đảo của Tổ quốc; cũng như mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phát triển Vùng.
- Đẩy mạnh quyết tâm của các cấp, các ngành về nhiệm vụ xây dựng và phát triển vùng, nhất là về liên kết vùng, cơ chế chính sách đặc thù, phân bổ nguồn lực, nguồn nhân lực, quan hệ đối ngoại nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng, giải quyết các vấn đề trọng điểm tại vùng, các vấn đề liên ngành, liên vùng.
- Xây dựng các chuyên mục, chuyên đề tuyên truyền, phổ biến thông tin về Nghị quyết số 26-NQ/TW, Nghị quyết 168/NQ-CP và Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, các chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế vùng, kinh tế biển với quy mô sâu rộng. Xây dựng các nội dung và phương pháp tuyên truyền, giáo dục phù hợp với từng đối tượng, bảo đảm thiết thực và hiệu quả, hình thức đa dạng, phong phú.
2. Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách và đẩy mạnh phát triển liên kết vùng
a) Giao các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố:
- Tổ chức phát triển theo không gian 3 hành lang chính: Trục cao tốc Bắc Nam, tuyến đường ven biển và hành lang Đông - Tây theo tuyến Quốc lộ 27 lên Nam Tây Nguyên để huy động các nguồn lực khai thác tiềm năng, lợi thế đặc thù của từng tiểu vùng, gắn với liên kết vùng với khu vực Tây nguyên và tiểu vùng Nam Trung Bộ; trong đó xác định 3 khu vực ưu tiên gồm: (1) Vùng đô thị động lực Phan Rang -Tháp Chàm là vùng tổng hợp đa ngành; (2) Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là vùng công nghiệp - cảng biển - năng lượng, thương mại dịch vụ và du lịch; (3) Vùng phát triển phía Tây là vùng phát triển thương mại dịch vụ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, năng lượng và du lịch.
- Tập trung kêu gọi, đầu tư tăng cường hệ thống hạ tầng trọng yếu bảo đảm liên kết vùng, nhất là trong các lĩnh vực giao thông, năng lượng, công nghệ thông tin, kinh tế số, đô thị, đào tạo nguồn nhân lực, du lịch và dịch vụ, logistics, môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
b) Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu UBND tỉnh:
- Phối hợp kịp thời, chặt chẽ với các bộ ngành Trung ương, địa phương trong vùng xây dựng thể chế liên kết vùng để điều phối và kết nối phát triển vùng nhằm nâng cao hiệu quả các hoạt động liên kết nội vùng, liên vùng. Triển khai thực hiện có hiệu quả các thể chế liên kết vùng và kết nối phát triển vùng.
- Xây dựng các chương trình hợp tác song phương và đa phương; đề xuất xây dựng chương trình phối hợp hành động chung giữa các tỉnh trong vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ, tiểu vùng Nam Trung Bộ; các chương trình hợp tác với các địa phương vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, như: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Lâm Đồng;.. các chương trình vận động, xúc tiến đầu tư chung giữa các tỉnh.
- Hoàn thành, trình phê duyệt, tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, tạo cơ sở pháp lý để triển khai hợp tác, liên kết vùng; quy hoạch tỉnh phải có tầm nhìn tổng thể, dài hạn cùng với các giải pháp đột phá, mở rộng không gian và nguồn lực cho phát triển; bảo đảm gắn kết giữa phát triển khu kinh tế ven biển, khu công nghiệp với các khu du lịch và dịch vụ; giữa phát triển đô thị với xây dựng nông thôn mới; giữa phát triển kinh tế với bảo vệ tài nguyên, môi trường biển, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá, lịch sử và hệ sinh thái biển, rừng; phát huy hiệu quả các hành lang kinh tế, nhất là hành lang kinh tế Đông - Tây; khai thác có hiệu quả cảng biển tổng hợp Cà Ná hướng đến hình thành Cảng loại I; kiến nghị Trung ương sớm bổ sung quy hoạch sân bay Thành Sơn vào quy hoạch Cảng hàng không quốc gia thời kỳ 2021-2030, thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam của tỉnh.
- Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích phát triển doanh nghiệp và thu hút nguồn lực nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, nhất là các ngành kinh tế biển.
- Phối hợp xây dựng các cụm liên kết ngành với các địa phương trong vùng, tiểu vùng Nam Trung Bộ gắn với các ngành kinh tế biển. Huy động, phân bổ, tìm kiếm, chia sẻ các nguồn lực để thực hiện các mục tiêu chung của vùng; trong đó, có hệ thống hạ tầng kết nối liên vùng, các dự án có quy mô và sức lan toả liên vùng.
- Phối hợp xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu, trao đổi thông tin kinh tế - xã hội với các địa phương trong vùng.
3. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế biển
a) Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu UBND tỉnh:
- Tập trung phát triển Ninh Thuận trở thành tỉnh mạnh về biển trong khu vực; phát triển kinh tế biển kết hợp với bảo đảm quốc phòng, an ninh trên biển; tập trung huy động mọi nguồn lực để kinh tế biển trở thành động lực phát triển.
- Chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị có liên quan tập trung thu hút đầu tư vào vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh; tham mưu xây dựng Đề án thành lập khu kinh tế ven biển phía Nam của tỉnh khi đủ điều kiện.
b) Giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu UBND tỉnh:
- Phát triển công nghiệp trở thành đòn bẩy để phát triển các ngành sản xuất và dịch vụ khác, ưu tiên phát triển các ngành, lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh và công nghệ hiện đại, tiên tiến, thân thiện môi trường, có thương hiệu và tham gia hiệu quả vào chuỗi sản xuất của khu vực và toàn cầu ở một số lĩnh vực có lợi thế như: công nghiệp năng lượng (điện gió, điện mặt trời, điện khí, thủy điện tích năng), cảng biển, đóng tàu, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp phụ trợ; các ngành công nghiệp sử dụng nguồn năng lượng tái tạo tại chỗ.
- Tham mưu triển khai Đề án xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước, đặc biệt là điện gió và điện gió ngoài khơi, điện khí LNG; phát triển nguồn năng lượng Hydrogen xanh từ việc sử dụng năng lượng tự tiêu, năng lượng tái tạo tại chỗ hướng đến ngành công nghiệp xanh phù hợp với cam kết tại COP26. Hình thành Trung tâm sản xuất thiết bị, bảo trì bảo dưỡng năng lượng của vùng, Trung tâm sản xuất muối và hóa chất sau muối. Phân bố không gian công nghiệp theo hành lang kinh tế ven biển gắn với cảng biển, ưu tiên phát triển công nghiệp ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh, hành lang kinh tế Đông - Tây, các đường giao thông kết nối liên vùng từ Cảng tổng hợp Cà Ná lên Nam Tây nguyên.
- Triển khai đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại các ngành công nghiệp, dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số, phát triển các loại hình dịch vụ mới. Nghiên cứu phát triển các trung tâm logictics gắn với cảng biển, cảng hàng không.
c) Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu UBND tỉnh:
- Triển khai đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại và đổi mới mô hình phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và xây dựng nông thôn mới; tăng cường đầu tư cho ứng dụng khoa học - công nghệ và hạ tầng nông nghiệp, nông thôn. Phát triển nông nghiệp hữu cơ; mở rộng liên kết, hợp tác và hình thành các chuỗi giá trị chuỗi giá trị có giá trị gia tăng cao, gắn với phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch... Nhân rộng mô hình nông, lâm kết hợp gắn phát triển chăn nuôi.
- Cơ cấu lại nghề khai thác hải sản, khuyến khích đầu tư trang thiết bị hiện đại cho nhóm tàu khai thác vùng khơi gắn với phát triển mô hình dịch vụ trên biển, mở rộng ngư trường. Tập trung xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm sản xuất tôm giống có chất lượng cao của cả nước. Phát triển các trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá kết hợp với quốc phòng, an ninh.
- Phát triển kinh tế rừng và kinh tế dưới tán rừng. Đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện, gắn với đô thị hoá.
d) Giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương và đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh phát triển ngành du lịch theo hướng toàn diện, cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; xây dựng sản phẩm du lịch mang tính “Bền vững - Đẳng cấp - Độc đáo”, có tính cạnh tranh cao; phối hợp tập trung nguồn lực đầu tư phát triển Khu du lịch Quốc gia Ninh Chữ trở thành một trong các vùng du lịch trọng điểm quốc gia. Tăng cường liên kết, kết nối với các tuyến du lịch quốc gia, nhất là các tuyến du lịch khu vực Miền Trung - Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Nam Lào và Đông Bắc Campuchia. Xây dựng Ninh Thuận trở thành điểm đến quan trọng trong chuỗi du lịch duyên hải miền Trung; đến năm 2030, du lịch Ninh Thuận thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững, trở thành điểm đến đặc biệt hấp dẫn, có năng lực cạnh tranh cao so với khu vực và cả nước.
Phối hợp với Ban quản lý Vườn quốc gia Núi Chúa triển khai các hoạt động bảo tồn giá trị tài nguyên thiên nhiên, giá trị di tích văn hóa - lịch sử; khai thác hợp lý và phát huy các giá trị của Khu bảo tồn biển Vườn quốc gia Núi Chúa.
đ) Giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu UBND tỉnh đẩy nhanh tiến độ đầu tư hoàn thành Cảng tổng hợp Cà Ná giai đoạn 1; tham mưu xây dựng Đề án phát triển Cảng tổng hợp Cà Ná lên cảng loại I hướng đến hình thành Cảng trung chuyển quốc tế, hình thành Trung tâm dịch vụ logistics của vùng và khu vực để tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, xúc tiến thu hút đầu tư Cảng cạn Cà Ná.
e) Ban Quản lý các Khu Công nghiệp tỉnh tham mưu hoàn tất các thủ tục trình phê duyệt chủ trương đầu tư, triển khai dự án hạ tầng Khu công nghiệp Cà Ná; đồng thời đôn đốc, xử lý đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư hạ tầng và xúc tiến đầu tư, thu hút, tăng tỷ lệ lấp đầy vào các Khu Công nghiệp, trọng tâm là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh nhằm phát huy hiệu quả liên kết vùng thông qua các công trình, dự án giao thông kết nối trọng điểm trên địa bàn: Hạ tầng cảng biển tổng hợp Cà Ná và hệ thống giao thông kết nối cảng với đường liên vùng lên các tỉnh Nam Tây Nguyên; Khu công nghiệp Cà Ná;…
a) Giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu UBND tỉnh:
- Phát triển hệ thống đô thị có kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại theo mô hình, tiêu chí tăng trưởng xanh, đô thị thông minh, sinh thái, thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu. Phát triển và hình thành 06 đô thị ven biển (Vĩnh Hy, Thanh Hải, Khánh Hải, Phan Rang - Tháp Chàm, Sơn Hải, Cà Ná) và hình thành dải ven biển phát triển theo cấu trúc không gian đan xen hỗn hợp đô thị du lịch về phía Bắc và phía Nam của tỉnh.
- Phát triển mạng lưới đô thị gắn với phát triển khu kinh tế ven biển, khu, cụm công nghiệp, khu du lịch và các khu chức năng tạo mạng lưới liên kết chặt chẽ trong tỉnh và liên kết với các địa phương trong tiểu vùng Nam Trung Bộ. Xây dựng Phan Rang - Tháp Chàm thành thành phố thông minh, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
b) Giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu UBND tỉnh:
- Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối vùng và liên vùng. Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông trọng điểm quốc gia: Cao tốc Bắc Nam đoạn qua tỉnh; xúc tiến kêu gọi đầu tư khôi phục tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm- Đà Lạt theo hình thức PPP; tuyến đường sắt kết nối với Nhà ga Cà Ná mới đến Cảng Tổng hợp Cà Ná; đường giao thông kết nối liên vùng từ Cảng tổng hợp Cà Ná lên Nam Tây nguyên để tăng tính kết nối vùng, phát huy hiệu quả lưu thông hàng hóa từ các tỉnh Tây nguyên. Đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng các công trình, dự án giao thông trọng điểm, kết nối: Hoàn thành Cảng Tổng hợp Cà Ná giai đoạn 1 (các bến 1A và 1B) vào năm 2024; đường liên vùng từ Thị trấn Tân Sơn đi Tà Năng huyện Đức Trọng- Lâm Đồng; tuyến đường kết nối Cảng Cà Ná với cao tốc Bắc Nam; hệ thống giao thông kết nối cảng với đường liên vùng lên các tỉnh Nam Tây Nguyên.
- Tham mưu, phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Thủ tướng phê duyệt bổ sung sân bay Thành Sơn vào quy hoạch Cảng hàng không quốc gia thời kỳ 2021-2030; đồng thời kêu gọi đầu tư cảng hàng không Thành Sơn theo hình thức PPP để sớm đưa vào khai thác giai đoạn 1. Trên cơ sở đó, đầu tư đồng bộ hệ thống giao thông kết nối với khu công nghiệp, cảng hàng không, cảng biển, khu đô thị, du lịch hiện đại để tăng tính kết nối vùng, liên vùng.
c) Các Sở: Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Lao động-Thương binh và Xã hội, Khoa học và Công nghệ, Văn hoá, Thể thao và Du lịch theo chức năng nhiệm vụ được giao, tham mưu UBND tỉnh:
- Hoàn thiện quy hoạch và đầu tư phát triển hạ tầng giáo dục, đào tạo, dạy nghề theo hướng đạt chuẩn. Phát triển Phân hiệu trường Đại học Nông lâm thành phố Hồ Chí Minh tại Ninh Thuận thành trường đại học đa ngành, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao các địa phương trong vùng.
- Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất trường Cao đẳng nghề thành trường trọng điểm của tỉnh, thực hiện đào tạo lực lượng lao động có chất lượng cao theo tiêu chuẩn thế giới và khu vực ASEAN.
- Đầu tư phát triển nguồn nhân lực, công trình, trang thiết bị y tế và hạ tầng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh các tuyến, đặc biệt tuyến cơ sở.
- Khuyến khích đầu tư các trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, trung tâm khoa học - công nghệ, đào tạo, chăm sóc sức khoẻ....
- Đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, đầu tư, nâng cấp đồng bộ các thiết chế văn hoá.
Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu UBND tỉnh:
- Tăng cường quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, giảm thiểu rác thải nhựa đại dương; thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển, quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ; nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, khai thác tài nguyên, khoáng sản, bảo vệ môi trường.
- Quản lý và phát triển bền vững tài nguyên rừng. Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phòng, chống thiên tai; phát triển mạng lưới quan trắc môi trường tự động. Tăng cường dự báo, đánh giá tác động để triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng, chống thiên tai và đầu tư phát triển hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
6. Phát triển toàn diện văn hoá - xã hội
a) Giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu UBND tỉnh thực hiện tốt chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Tiếp tục rà soát, sắp xếp mạng lưới trường, lớp học và nâng chất lượng giáo dục; tạo chuyển biến về chất lượng trong giáo dục và đào tạo; Tập trung triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
b) Giao Sở Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu UBND tỉnh:
- Đổi mới giáo dục nghề nghiệp gắn với thế mạnh và định hướng phát triển các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh, coi đây là một trong những khâu đột phá cho phát triển. Đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng hoạt động các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo.
- Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực số, đổi mới giáo dục nghề nghiệp, coi đây là một trong những khâu đột phá cho phát triển của tỉnh gắn với phát triển vùng.
- Triển khai có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Thực hiện hiệu quả các chính sách ưu đãi người có công và trợ giúp xã hội. Hoàn thiện mạng lưới y tế, nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh các tuyến, đặc biệt tuyến cơ sở.
c) Giao Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu UBND tỉnh:
- Tăng cường tìm kiếm công nghệ tiên tiến, thúc đẩy hoạt động ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới công nghệ nhằm giải quyết các vấn đề bức xúc trong thực tiễn sản xuất, kinh doanh, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của tỉnh.
- Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2025; các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia giai đoạn 2021 - 2030: hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; đổi mới công nghệ; phát triển tài sản trí tuệ; phát triển công nghệ cao.
d) Giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu UBND tỉnh bảo tồn và phát huy giá trị các di sản lịch sử, văn hoá, danh lam thắng cảnh và nghề gốm Chăm Bàu Trúc. Đầu tư, nâng cấp và đẩy mạnh xã hội hóa trong xây dựng và phát triển mạng lưới các thiết chế văn hoá cơ sở và thể dục, thể thao. Giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử, truyền thống, các nhân tố tích cực trong văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng, nhất là văn hóa Raglai, Chăm.
e) Ban Dân tộc tỉnh chủ trì, tham mưu triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tập trung nguồn lực phát triển sản xuất, xoá đói, giảm nghèo nhanh và bền vững tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn.
7. Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại
a) Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chủ trì, phối hợp Bộ đội Biên phòng tỉnh tham mưu từng bước xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng chính quy, tinh nhuệ theo hướng hiện đại, ưu tiên lực lượng thực thi pháp luật trên biển; không ngừng củng cố, tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh Nhân dân khu vực biển; bảo đảm năng lực xử lý tốt các tình huống trên biển.
b) Công an tỉnh nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về an ninh và trật tự, an toàn xã hội; chủ động phát hiện và xử lý kịp thời, không để xảy ra bị động, bất ngờ, hình thành "điểm nóng", phức tạp về an ninh, trật tự. Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, đường lối về kết hợp giữa quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, đối ngoại. Đẩy mạnh công tác vận động quần chúng trong giải quyết các vấn đề phức tạp nảy sinh; phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo, ngăn chặn kịp thời hành vi lợi dụng dân tộc, tôn giáo xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Đấu tranh ngăn chặn, xử lý nghiêm các hoạt động truyền đạo trái phép, các hoạt động tôn giáo vi phạm pháp luật, lợi dụng tôn giáo để chống phá chính quyền, gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.
c) Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu UBND tỉnh:
- Đẩy mạnh hợp tác kinh tế, vận động và thu hút các nguồn vốn đầu tư, viện trợ phát triển chính thức, nhất là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, các nguồn đầu tư từ khu vực tư nhân và các đối tác phát triển của hợp tác tiểu vùng sông Mê Công, nhất là phát triển kinh tế biển và ứng phó với biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết cực đoan.
- Chủ động khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và các khung khổ hội nhập để cơ cấu lại các ngành kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng xanh, bền vững. Tăng cường hợp tác phát triển kinh tế - xã hội với các nước trên thế giới, nhất là các nước tiểu vùng sông Mê Công, ASEAN.
- Triển khai kịp thời và thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Trung ương về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ ở các cấp. Triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác dân vận; quy chế dân chủ ở cơ sở, chăm lo xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.
- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cấp chính quyền; chất lượng, hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, uỷ quyền đi đôi với kiểm tra, giám sát. Đối mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội theo hướng thiết thực, hướng mạnh về cơ sở, đi sâu vào từng đối tượng, đa dạng các hình thức tập hợp Nhân dân. Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân.
1. Trên cơ sở các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong Kế hoạch của UBND tỉnh, theo chức năng nhiệm vụ được phân công, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, các đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh, các đơn vị ngành dọc cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch cụ thể của từng ngành, địa phương để tổ chức triển khai thực hiện. Định kỳ hàng năm báo cáo kết quả thực hiện gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 01/12 để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan, theo dõi, đôn đốc việc xây dựng, triển khai và kết quả tổ chức thực hiện Kế hoạch này, định kỳ hàng năm tham mưu UBND tỉnh báo cáo Chính phủ theo quy định.
3. Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí, hệ thống thông tin cơ sở phối hợp với các Sở, ngành và địa phương trong công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.
4. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vấn đề cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế, các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, các đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh, các đơn vị ngành dọc cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố kịp thời có văn bản đề xuất gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.
|
CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.