ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 166/KH-UBND |
Thừa Thiên Huế, ngày 17 tháng 11 năm 2016 |
ỨNG PHÓ SỰ CỐ CHÁY RỪNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ TỪ NĂM 2016 - NĂM 2020
Thực hiện Quyết định số 224/QĐ-TTg ngày 12 tháng 2 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Quy hoạch tổng thể lĩnh vực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đến năm 2020;
Căn cứ Nghị định 09/2006/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2006 của Chính phủ quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng; Nghị định số 133/2015/NĐ-CP ngày 28 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ Quy định việc phối hợp của Dân quân tự vệ với các lực lượng trong hoạt động bảo vệ biên giới, biển, đảo; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở; bảo vệ và phòng, chống cháy rừng;
Theo Quyết định số 09/2013/QĐ-UBND ngày 23 tháng 02 năm 2013 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc ban hành Quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; Quyết định số 944/QĐ-UBND ngày 09/5/2016 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2009-2020; Quyết định số 2711/QĐ-UBND ngày 25/11/2015 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Quy hoạch tổng thể lĩnh vực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đến năm 2020 tỉnh Thừa Thiên Huế, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Kế hoạch ứng phó sự cố cháy rừng trên địa bàn tỉnh với các nội dung như sau:
I. SỰ CẦN THIẾT, MỤC ĐÍCH, NGUYÊN TẮC VÀ YÊU CẦU
1. Sự cần thiết
Tỉnh Thừa Thiên Huế có diện tích tự nhiên 502.629,49 ha, trong đó, diện tích có rừng 283.003,0 ha; bao gồm rừng tự nhiên 212.172,2 ha, rừng trồng 70.830,8 ha. Đất có rừng trồng chưa thành rừng 29.340,3 ha. Độ che phủ rừng đạt 56,3%.
Toàn tỉnh có 93.523,89 ha rừng trồng và rừng trồng chưa thành rừng nằm trên các khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy, với địa hình rừng núi cao, có độ dốc lớn, hiểm trở, khó khăn trong việc di chuyển, tiếp cận đám cháy.
Thời tiết diễn biến phức tạp, khí hậu khắc nghiệt, chịu tác động của biến đổi khí hậu, vào mùa hè tình trạng khô hạn kéo dài nhiều ngày, nhiều hồ chứa nước, khe suối bị cạn kiệt, làm cho thảm thực bì trên mặt đất khô nỏ, dễ bắt lửa; chịu tác động cộng hưởng gió Tây - Nam khô, nóng và hanh hoạt động mạnh vào thời kỳ cao điểm tháng 5 - 8 và kéo dài đến cuối mùa khô, báo động cháy rừng thường xuyên cấp V.
Là khu vực có nhiều bom đạn còn sót lại sau chiến tranh, có loại bom lân tinh khả năng tự phát cháy khi gặp oxy không khí ở nhiệt độ cao tự phát cháy.
Hầu hết rừng trồng thuần loài thông nhựa, keo các loại thường xảy ra cháy trên diện rộng. Các thiết kế trồng rừng của người dân chưa chú trọng đầu tư xây dựng các công trình phòng cháy.
Từ năm 2012 đến nay, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã xảy ra 59 vụ cháy, làm thiệt hại 106,02 ha rừng gây tổn thất hàng chục tỷ đồng, Công tác PCCCR đã được huy động hàng ngàn người với nhiều loại phương tiện tham gia chữa cháy rừng nhưng hiệu quả chưa cao.
Để công tác PCCCR đạt hiệu quả cao nhằm đáp ứng yêu cầu ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, việc xây dựng Kế hoạch ứng phó sự cố cháy rừng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế từ năm 2016 - 2020 là rất cần thiết.
2. Mục đích
- Bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên rừng, góp phần hạn chế tối đa tình trạng cháy rừng nhằm đảm bảo an ninh môi trường sinh thái trên địa bàn tỉnh.
- Đảm bảo sự chỉ đạo thống nhất, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu ứng phó, khắc phục hậu quả khi có cháy rừng xảy ra.
- Là cơ sở để các cơ quan, đơn vị có liên quan thuộc các cấp tỉnh, huyện, xã thực hiện các nhiệm vụ được phân công như:
+ Tiến hành xây dựng và triển khai kế hoạch hành động PCCCR.
+ Có phương án tăng cường cơ sở vật chất, mua sắm phương tiện, trang thiết bị phát triển nguồn nhân lực, đào tạo kỹ thuật để phục vụ công tác PCCCR.
+ Triển khai công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân nhằm chủ động ứng phó có hiệu quả, hạn chế thấp nhất thiệt hại khi có cháy rừng xảy ra.
3. Nguyên tắc và yêu cầu
- Cơ quan chỉ huy thống nhất điều hành công tác ứng phó sự cố cháy rừng trên địa bàn tỉnh là Ban chỉ đạo thực hiện kế hoạch Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh.
- Phát huy mọi nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, kỹ thuật theo phương châm “4 tại chỗ và 4 sẵn sàng”, gồm: lực lượng; phương tiện, dụng cụ; hậu cần và chỉ huy.
- Tích cực, chủ động phòng ngừa, cảnh báo cháy rừng sớm; thu thập và xử lý thông tin nhanh, chính xác; chỉ huy điều hành thống nhất theo kế hoạch linh hoạt, sáng tạo và quyết đoán.
- Trong mọi trường hợp có cháy rừng xảy ra thì người chỉ huy PCCCR cao nhất được ủy quyền điều động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị của các đơn vị, cá nhân hiện có trên địa bàn tham gia ứng cứu.
- Trong trường hợp vượt quá khả năng của tỉnh, Ban chỉ đạo THKHBV&PTR tỉnh báo cáo Chi cục Kiểm lâm vùng II, Cục Kiểm lâm đề nghị hỗ trợ trong công tác PCCCR.
- Phát huy sức mạnh tổng hợp của ban ngành các cấp trên cơ sở chủ động tại chỗ từ cơ sở, kết hợp ứng cứu nhanh, huy động vật tư, phương tiện, lực lượng của các cơ quan, tổ chức, cá nhân để phục vụ công tác PCCCR. Phương tiện, trang thiết bị được huy động trưng dụng của các đơn vị, cá nhân vào hoạt động PCCCR bị thiệt hại sẽ được bồi thường theo quy định của pháp luật.
- Tranh thủ sự chi viện, giúp đỡ của Trung ương, tỉnh thành lân cận, các ngành, các tổ chức theo từng tình huống cháy rừng xảy ra.
II. MỤC TIÊU VÀ GIẢI PHÁP ỨNG PHÓ SỰ CỐ CHÁY RỪNG
1. Mục tiêu
Phát huy sức mạnh toàn dân nhằm nâng cao khả năng kiểm soát cháy rừng và hiệu lực của công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, giảm thiểu số vụ cháy và thiệt hại do cháy rừng gây ra, phấn đấu hạn chế diện tích cháy dưới 0,5% so với diện tích trồng mới.
2. Giải pháp chung
a) Giải pháp về thể chế, chính sách và tổ chức
- Tăng cường vai trò quản lý nhà nước của chính quyền cơ sở, ban ngành đoàn thể và nhân dân các địa phương:
+ Củng cố các Ban chỉ huy phòng cháy, chữa cháy rừng các cấp;
+ Xây dựng và triển khai các phương án PCCCR thực hiện đầy đủ từ các địa phương, đơn vị đến các chủ rừng là các ban quản lý, công ty, các nhóm hộ trồng rừng; các tổ quần chúng QLBVR cũng được thành lập.
+ Từ năm 2016, bắt đầu thực hiện Quyết định số 1464/QĐ-UBND ngày 29/6/2016 của UBND tỉnh quy định về việc thành lập thí điểm Quỹ Bảo vệ Phát triển rừng Quỹ BV&PTR cấp xã, để tăng cường nguồn lực cho cơ sở thực hiện công tác QLBVR-PCCCR.
- Quy hoạch và xây dựng lực lượng phòng cháy, chữa cháy rừng các cấp;
- Xây dựng quy chế hoạt động của lực lượng PCCCR các cấp;
- Tăng cường nguồn vốn cho công tác PCCCR.
b) Giải pháp về tuyên truyền và xã hội hóa công tác PCCCR:
- Tổ chức tuyên truyền cho cộng đồng về chính sách Nhà nước; quyền lợi và nghĩa vụ của cá nhân và cộng đồng trong PCCCR;
- Tập huấn, huấn luyện kỹ thuật PCCCR, nghiệp vụ quản lý cháy rừng cho lực lượng chuyên ngành, cán bộ quản lý và chuyên trách lâm nghiệp, lực lượng hợp đồng PCCCR, chủ rừng, các tổ đội chữa cháy rừng;
- Xây dựng các bảng nội quy bảo vệ rừng và PCCCR; biển cấm lửa và biển báo hiệu cấp dự báo cháy rừng; in ấn và phát hành các tài liệu phổ biến về PCCCR;
- Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.
c) Giải pháp khoa học công nghệ
- Phân vùng trọng điểm nguy cơ cháy rừng; dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng; phát hiện điểm cháy rừng; truyền tin, xử lý thông tin và chỉ huy chữa cháy rừng; huy động lực lượng và tổ chức chữa cháy rừng.
- Quy hoạch xây dựng các công trình phòng cháy, chữa cháy rừng: hệ thống đường xá; hệ thống đường băng xanh, băng trắng cản lửa; hệ thống kênh mương, bể chứa, hồ đập; hệ thống chòi canh lửa; hệ thống thông tin liên lạc; hệ thống các trạm đo mưa, trạm khí tượng phục vụ dự báo cháy rừng.
- Các biện pháp lâm sinh trong phòng cháy, chữa cháy rừng như trồng rừng hỗn giao; chọn các loài cây trồng chống chịu lửa; xử lý thực bì...
- Ứng dụng các biện pháp, phương tiện, công cụ PCCCR tiên tiến.
III. KẾ HOẠCH, GIẢI PHÁP ỨNG PHÓ SỰ CỐ CHÁY RỪNG
1. Công tác phòng cháy
a) Kiện toàn lực lượng phòng cháy, chữa cháy rừng các cấp:
- Củng cố và kiện toàn Ban chỉ huy PCCCR các cấp, bổ sung, xây dựng quy chế hoạt động, phối hợp, phân công, phân nhiệm cụ thể nhằm tăng cường năng lực chỉ đạo, chỉ huy chữa cháy rừng; theo dõi, chỉ đạo, điều hành công tác PCCCR ngay trong quý I hàng năm.
+ Tổ chức quy hoạch lực lượng PCCCR cấp tỉnh: xây dựng 02 đội kiểm lâm cơ động - PCCCR theo hướng chuyên trách về chữa cháy rừng.
+ Tổ chức quy hoạch lực lượng PCCCR cấp huyện: xây dựng lực lượng phòng cháy, chữa cháy rừng cấp huyện bao gồm Tổ Kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng tại các Hạt Kiểm lâm; tổ chức đào tạo, huấn luyện và trang bị phương tiện, thiết bị cần thiết, xây dựng Quy chế hoạt động và phương án tác chiến chữa cháy rừng trên địa bàn huyện.
+ Tổ chức quy hoạch lực lượng PCCCR cấp xã: xây dựng Tổ xung kích PCCCR, lực lượng này được đào tạo, huấn luyện và trang bị thiết bị và công cụ cần thiết; Xây dựng quy chế hoạt động của Tổ xung kích PCCCR trên địa bàn các xã có rừng và phương án tác chiến chữa cháy rừng trên toàn xã.
+ Tổ chức quy hoạch lực lượng PCCCR thôn, bản: xây dựng Tổ bảo vệ rừng - PCCCR, lực lượng này được huấn luyện nghiệp vụ và trang bị thiết bị và công cụ cần thiết; Xây dựng quy chế hoạt động của Tổ trên địa bàn các khu vực rừng trọng điểm cháy; Xây dựng phương án tác chiến chữa cháy rừng của thôn, bản.
Ngoài ra, những chủ rừng là cơ quan, tổ chức có trách nhiệm thành lập và trực tiếp quản lý, chỉ đạo đội phòng cháy, chữa cháy rừng; ban hành Quy chế hoạt động, bảo đảm kinh phí, trang bị phương tiện và các điều kiện cần thiết để duy trì hoạt động của đội phòng cháy, chữa cháy rừng.
Những chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân có diện tích rừng lớn (trên 100 ha) phải thành lập tổ bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; đảm bảo kinh phí, trang bị phương tiện và các điều kiện cần thiết cho hoạt động PCCCR.
b) Xác định thời gian dễ xảy ra cháy rừng trên địa bàn
Mùa khô từ tháng 3 đến đầu tháng 9 với đặc điểm khí hậu khô nóng, có gió Tây Nam thịnh hành là thời gian dễ xảy ra cháy rừng trên địa bàn toàn tỉnh. Trong thời gian này các chủ rừng cần quản lý chặt chẽ các nguồn lửa, nguồn nhiệt trong rừng và ven rừng; bảo đảm các điều kiện an toàn cho PCCCR. Kiểm tra phát hiện các hạn chế, thiếu sót về PCCCR và có biện pháp khắc phục kịp thời. Ban chỉ huy PCCCR các cấp, các chủ rừng cần theo dõi chặt chẽ cấp dự báo cháy rừng và bố trí trực PCCCR theo quy định.
c) Phân vùng trọng điểm rừng dễ bị cháy: Vùng trọng điểm cháy của Tỉnh được phân chia thành 06 vùng như sau:
- Vùng Bắc Hải Vân, từ thị trấn Phú Lộc đến thị trấn Lăng Cô, gồm: rừng của BQL Rừng phòng hộ Bắc Hải Vân; rừng tại các xã, thị trấn: Lăng Cô, Lộc Tiến, Lộc Vĩnh, Lộc Thủy, Lộc Trì và thị trấn Phú Lộc, thuộc huyện Phú Lộc.
- Vùng Nam Đông và Khu I, huyện Phú Lộc, gồm: Diện tích rừng của BQL Rừng phòng hộ Nam Đông; rừng tại xã Hương Phú (đèo La Hy), xã Thượng Long (tại A Kỳ); diện tích rừng của Công ty TNHHNN MTV Lâm nghiệp Phú Lộc và rừng tại địa bàn các xã: Xuân Lộc, Lộc Sơn, Lộc Bổn, Lộc Điền, Lộc Hoà, thuộc huyện Phú Lộc.
- Vùng Hương Thủy và Tây Nam thành phố Huế, gồm: Diện tích rừng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Hương Thủy, rừng thuộc địa bàn các xã: Thủy Phù, Phú Sơn, Dương Hoà, Thủy Phương, Thủy Dương; rừng của Công ty TNHHNN MTV Lâm nghiệp Tiền Phong; rừng thuộc địa bàn các phường: An Cựu, An Tây, thành phố Huế; xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy.
- Vùng Hương Trà, bao gồm: Diện tích rừng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Bồ và rừng thuộc địa bàn các phường, xã: Hương Văn, Hương Vân, Hương Chữ, Hương An, Hương Bình, Hương Hồ, thuộc thị xã Hương Trà.
- Vùng A lưới và tuyến Quốc lộ 49 nằm trên địa bàn thị xã Hương Trà, bao gồm: Diện tích rừng của Ban Quản lý rừng phòng hộ A lưới, Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Hương, Công ty TNHHNN MTV Lâm nghiệp Nam Hòa và diện tích rừng thuộc địa bàn xã Hồng Hạ, huyện A Lưới; các xã Hồng Tiến, Bình Điền, Bình Thành, Hương Thọ, thuộc thị xã Hương Trà.
- Vùng Phong Điền - Quảng Điền, bao gồm: Diện tích rừng của Công ty TNHHNN MTV Lâm nghiệp Phong Điền, diện tích rừng thuộc địa bàn các xã: Phong Thu, Phong Sơn, Phong Mỹ, Phong An và rừng trồng vùng cát xã Quảng Lợi, thuộc huyện Quảng Điền.
d) Thực hiện chương trình tuyên truyền, phổ biến pháp luật nâng cao nhận thức cho nhân dân, cộng đồng dân cư và các địa phương có rừng:
- Tổ chức thi tìm hiểu về công tác BVR-PCCCR cấp huyện, tỉnh.
- Xây dựng và quảng bá những hình ảnh, tư liệu tuyên truyền về các hoạt động bảo vệ rừng, PCCCR; in ấn pano, áp phích, các loại tranh cổ động.
- Tuyên truyền trên hệ thống loa phóng thanh của các thôn, bản; tuyên truyền lưu động bằng hệ thống loa phóng thanh lưu động gắn trên xe ô tô.
- Xây dựng các phóng sự về công tác PCCCR, đưa tin và hình ảnh tuyên truyền về quản lý cháy rừng trên Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh và huyện.
- Xây dựng những cảnh báo và hoạt động có nguy cơ xâm hại đến tài nguyên rừng. Thiết lập hệ thống biển báo, biển cấm tại các vùng trọng điểm những nơi dễ nhận biết để truyền tải thông tin cảnh báo nguy cơ xảy ra cháy rừng, các địa phương chuẩn bị tốt công tác phòng và chống cháy khi xảy ra cháy... Thông tin cấp dự báo cháy rừng trên Đài phát thanh-truyền hình cấp tỉnh, huyện.
- Biểu dương các tập thể và cá nhân về thành tích hoạt động tích cực bảo vệ rừng - PCCCR thông qua các kênh tuyên truyền, các phóng sự địa phương và Trung ương đóng trên địa bàn.
đ) Đào tạo, huấn luyện và diễn tập chữa cháy rừng nhằm nâng cao trình độ, năng lực PCCCR:
- Tập huấn nghiệp vụ PCCCR cấp tỉnh, huyện cho các lực lượng chuyên trách PCCCR; nâng cao trình độ, khả năng và chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ Kiểm lâm, đặc biệt là chức năng nhiệm vụ tham mưu cho các cấp chính quyền trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện phương án PCCCR hàng năm. (Công an PCCC tập huấn cho lực lượng chuyên trách và các tiểu giáo viên).
- Tập huấn nghiệp vụ PCCCR cấp xã cho các đối tượng tổ, đội xung kích PCCCR, các lực lượng chủ rừng, Công an xã, Dân quân tự vệ; các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức nhận khoán bảo vệ rừng. (Các tiểu giáo viên đảm nhận).
- Tổ chức cho cán bộ chuyên trách PCCCR, cán bộ chủ chốt các xã tham quan, học tập mô hình;
- Tổ chức diễn tập chữa cháy rừng cấp tỉnh và cấp huyện nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp trong chữa cháy rừng, tăng cường khả năng sử dụng các phương tiện, dụng cụ chữa cháy rừng cơ giới.
e) Xây dựng và tu sửa, duy trì các công trình phòng cháy, chữa cháy rừng:
- Xây dựng cơ sở hạ tầng
+ Xây dựng 04 Trạm bảo vệ rừng-PCCCR kết hợp kho chứa dụng cụ PCCCR, có nhà làm việc cho Kiểm lâm và lực lượng tham gia, nhà công vụ và có kho để dụng cụ PCCCR tại các huyện Phú Lộc, A Lưới và thị xã Hương Trà.
+ Xây dựng 07 chòi canh kiên cố canh gác lửa rừng tại huyện Phong Điền, Phú Lộc, thị xã Hương Trà và Hương Thủy.
+ Xây dựng bảng tuyên truyền bảo vệ rừng PCCCR: bảng được xây dựng kiên cố bằng bê tông cốt thép tại các khu vực trọng điểm cháy rừng.
- Tăng cường trang cấp phương tiện, thiết bị chuyên dụng:
+ Phương tiện: Ô tô chuyên dụng phục vụ chữa cháy rừng; ô tô chở lực lượng, dụng cụ phương tiện chữa cháy rừng;
+ Trang thiết bị chuyên dụng: Máy định vị GPS, máy tính bảng có tích hợp các phần mềm hỗ trợ khảo sát hiện trường rừng, máy đo độ cao điểm cháy bằng laze, máy bơm nước chữa cháy đeo vai, máy thổi gió chữa cháy, loa chỉ huy chữa cháy, máy chiếu projector, máy tính để bàn, cưa xăng, rựa cán dài phát rừng, bảo hộ lao động, máy ảnh, bàn dập lửa và cuốc, xẻng sử dụng chữa cháy rừng vùng cát; bể dự trữ nước di động chữa cháy rừng; các cột ăngten để liên lạc thông tin PCCCR và máy bộ đàm vô tuyến điện.
+ Thiết bị chuyên dụng công nghệ cao: Năm 2016, sử dụng phần mềm GIS, ảnh vệ tinh độ phân giải cao Spot-5, cơ sở dữ liệu GIS chuyên ngành lâm nghiệp và GISHue để xây dựng phần mềm phát hiện, cảnh báo cháy rừng sớm, quản lý tài nguyên rừng và hỗ trợ chỉ huy chữa cháy rừng. Phần mềm này xây dựng dạng ứng dụng website tích hợp với tên miền http://pcccr.thuathienhue.gov.vn/.
Bên cạnh đó, công tác cảnh báo, dự báo cháy rừng vẫn tiếp tục được duy trì theo phương thức: từ tháng 4 đến tháng 9 hàng năm, Chi cục Kiểm lâm nhận số liệu khí tượng từ Đài Khí tượng - Thủy văn tỉnh. Căn cứ số liệu khí tượng nhận được, cán bộ trực PCCCR tính cấp dự báo cháy rừng trong ngày và thông báo đến các đơn vị, địa phương, chủ rừng thông qua Đài TRT, loa phóng thanh các thôn, bản để cán bộ và nhân dân biết và có biện pháp PCCCR.
- Tu sửa, duy trì các công trình PCCCR
+ Tu sửa 307 km đường ranh cản lửa hiện có, lập kế hoạch xây dựng thêm đường ranh ở những khu vực cần thiết.
+ Tu sửa, duy trì hệ thống 70 chòi canh lửa rừng hiện có, đảm bảo hoạt động tốt trong mùa khô.
+ Tu sửa các bảng tuyên truyền BV-PCCCR tại các khu vực trọng điểm.
+ Tu sửa, nạo vét hệ thống hồ đập, bể chứa nước, hệ thống dẫn nước,
+ Sửa chữa, đầu tư phương tiện, máy móc thiết bị và công cụ phòng cháy, chữa cháy rừng.
g) Xây dựng các giải pháp làm giảm nguồn vật liệu cháy cho phù hợp:
- Dọn vệ sinh rừng:
+ Hàng năm vào đầu mùa khô (Tháng 2-3), ở những khu rừng dễ cháy, phải phát dọn thực bì theo giải dọc các đường giao thông, đường mòn, khu dân cư.
+ Đối với rừng trồng trong giai đoạn chưa khép tán, hàng năm vào đầu mùa khô nóng phải tiến hành vệ sinh rừng làm giảm nguồn vật liệu cháy.
+ Đối với khu rừng sau khai thác phải kết hợp chặt tu bổ với thu dọn cành nhánh, loại bỏ các cây già cỗi, cong queo, sâu bệnh, cây chết đứng và các loại vật liệu cháy khác dưới tán rừng để xử lý trước mùa khô.
+ Đối với các khu rừng có đường sắt, đường dây điện cao thế đi qua, gần các điểm di tích lịch sử, khu vực đông dân cư, khu nghĩa trang, đường quốc lộ cần xây dựng băng trắng hoặc băng xanh cản lửa để bảo vệ, dọn sạch vật liệu cháy trong đường băng cản lửa.
- Đốt trước nguồn vật liệu cháy:
Hàng năm, vào trước mùa khô tùy theo tình hình thời tiết quyết định đốt trước một số vật liệu cháy để làm giảm số lượng của chúng xuống đến mức khó xảy ra cháy. Việc đốt trước phải có kế hoạch chi tiết và được phê duyệt, quản lý, thực hiện như đối với một công trình xây dựng cơ bản lâm sinh hiện hành.
h) Quy hoạch vùng sản xuất nương rẫy:
Quy hoạch vùng sản xuất nương rẫy phải phù hợp với quy hoạch phát triển lâm nghiệp của từng địa phương và những quy định khác có liên quan. Kết hợp chặt chẽ giữa quy hoạch vùng sản xuất nương rẫy với giao đất, giao rừng, định canh, định cư, xây dựng kinh tế vườn rừng, trại rừng, quản lý bảo vệ rừng, PCCCR. Lập kế hoạch kiểm soát khu vực sản xuất nương rẫy, xây dựng và hướng dẫn các biện pháp sản xuất nương rẫy.
i) Các biện pháp phát hiện sớm điểm cháy rừng:
- Tổ chức, duy trì hoạt động của hệ thống chòi canh lửa rừng.
- Tuần tra phát hiện lửa rừng: Với những khu rừng không có chòi canh hoặc gần khu dân cư, khu du lịch,... phải tổ chức tuần tra phát hiện lửa rừng.
- Kiểm soát ngăn chặn người vào rừng: Vào mùa khô nóng phải bố trí lực lượng, tăng cường các điểm chốt chặn kiểm soát người ra vào rừng, nghiêm cấm các hoạt động trái phép gây phát sinh lửa trong rừng.
- Báo động khi xảy ra cháy rừng: Khi phát hiện có đám cháy rừng, người quan sát trên chòi canh hoặc người tuần tra phải xác định rõ tọa độ đám cháy ở lô, khoảnh nào, mức độ cháy và thông báo ngay cho chủ rừng hoặc Ban chỉ huy bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng ở cơ sở nhanh chóng ra lệnh điều động lực lượng, phương tiện chữa cháy rừng tùy theo mức độ cháy.
Lực lượng trực chòi canh, tuần tra phát hiện lửa rừng và kiểm soát người ra vào rừng do chủ rừng chịu trách nhiệm bố trí và tổ chức hoạt động.
- Xây dựng, duy trì mạng lưới thông tin thông báo cháy rừng: Cần xây dựng mạng lưới thông tin báo cháy trong nhân dân, các vị trí cao dễ quan sát... nhằm phát hiện sớm cháy rừng.
- Sử dụng phần mềm GIS cảnh báo cháy rừng sớm được tích hợp trên website với tên miền http://pcccr.thuathienhue.gov.vn/.
k) Giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật về PCCCR
- Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh là Chi cục Kiểm lâm thường xuyên chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm, Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về PCCCR;
- Tổ chức triển khai các Quy chế phối hợp giữa các lực lượng PCCCR chuyên ngành; giữa lực lượng Kiểm lâm và các lực lượng: Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy tỉnh, lực lượng quân đội và các lực lượng khác để tổ chức kiểm tra, giám sát các hoạt động công tác BVR - PCCCR.
- Hàng năm, cơ quan Thường trực tham mưu Ban Chỉ đạo tỉnh tổ chức kiểm tra công tác PCCCR tại các vùng trọng điểm trong các thời gian cao điểm dễ xảy ra cháy rừng; chủ động phối hợp với Cảnh sát PCCC tỉnh tổ chức kiểm tra thực hiện phương án PCCCR của các chủ rừng. Tất cả các hoạt động nghiệp vụ PCCCR đều chịu sự kiểm tra, giám sát của lực lượng Cảnh sát PC&CC tỉnh.
2. Các biện pháp chữa cháy rừng
a) Các biện pháp chỉ đạo điều hành và chữa cháy rừng:
- Xây dựng lực lượng và tổ chức đội hình chữa cháy rừng: Lực lượng chữa cháy phải được phân chia thành tổ từ 10 - 15 người, nhóm từ 3 - 5 người, có người chỉ huy thống nhất và phải được tập huấn nghiệp vụ về chữa cháy rừng.
- Phương án chỉ huy và phối hợp tác chiến giữa các lực lượng tham gia chữa cháy rừng: Ban chỉ huy BVR-PCCCR các cấp có trách nhiệm xây dựng phương án chỉ huy và phối hợp tác chiến giữa các lực lượng tham gia chữa cháy rừng cùng cấp cho phù hợp. Tùy theo tình hình cụ thể của mỗi vụ cháy rừng, yêu cầu về lực lượng và phương tiện chữa cháy có khác nhau. Được phân theo 4 cấp độ như sau:
+ Cấp độ I: (cấp cơ sở): Tổ chức phối hợp chữa cháy rừng tại đơn vị cơ sở. Khi xảy ra tình huống cháy rừng, chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân hoặc đơn vị tập thể chủ động huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ tham gia chữa cháy trong khi chờ lực lượng tiếp ứng.
+ Cấp độ II: Tổ chức phối hợp chữa cháy rừng quy mô cấp xã, phường khi mặt lửa đã lan rộng vượt quá khả năng cứu chữa của chủ rừng hoặc xảy ra cháy ở lô rừng bất kỳ, trong điều kiện thời tiết dự báo cháy rừng ở cấp II, thực bì chưa khô nỏ, tốc độ lan tràn lửa chậm.
+ Cấp độ III: Tổ chức phối hợp chữa cháy rừng quy mô cấp huyện khi xảy ra một trong những tình huống cháy rừng sau:
* Cháy tại những lô rừng tập trung, liền lô, liền khoảnh có diện tích lớn trên 01 ha; hoặc liền ranh với những lô rừng cao su, rẫy mía hay khu vực dân cư; khu rừng nằm trên địa bàn của nhiều xã, thị trấn tiếp giáp nhau, cần có sự tiếp ứng của nhiều địa phương trong cùng địa bàn huyện; thị xã, thành phố.
* Cháy trong điều kiện thời tiết ở cấp dự báo cháy rừng cấp IV, cấp V thời tiết khô hanh, tốc độ lửa lan nhanh.
* Cháy ở lô rừng bất kỳ, trong điều kiện thời tiết dự báo cháy rừng ở cấp III, cấp xã, phường đã tổ chức chữa cháy nhưng không kiểm soát được đám cháy, cần có sự tiếp ứng của cấp huyện.
+ Cấp độ IV: Tổ chức phối hợp chữa cháy rừng quy mô cấp tỉnh, khi xảy ra một trong những tình huống cháy rừng sau:
* Trong cùng thời điểm xảy ra cháy rừng ở nhiều vùng tiếp giáp nhau, trong điều kiện thời tiết ở cấp IV, cấp V của cấp dự báo cháy rừng, thời tiết khô, hanh, tốc độ lửa lan nhanh;
* Trong trường hợp cấp huyện đã tổ chức triển khai chữa cháy, nhưng không khống chế được đám cháy và đám cháy có chiều hướng phát triển vượt quá tầm kiểm soát, cần có sự ứng cứu của lực lượng, phương tiện chữa cháy rừng cấp tỉnh và liên huyện.
* Trong mọi trường hợp xảy ra cháy rừng, khi người có chức vụ cao nhất của đơn vị Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy có mặt tại nơi xảy ra cháy là người chỉ huy chữa cháy. Mọi thành viên của Ban chỉ huy chữa cháy rừng các cấp có trách nhiệm tham gia chỉ huy chữa cháy và chịu sự phân công của người chỉ huy chữa cháy thuộc lực lượng Cảnh sát PCCC.
- Trường hợp tại nơi xảy ra cháy lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy chưa đến kịp, người chỉ huy chữa cháy được quy định như sau:
+ Quy mô cấp độ I: Nếu cháy rừng, chủ rừng là cơ quan hoặc đơn vị tập thể thì do người đứng đầu cơ quan, đơn vị hoặc người được ủy quyền là người chỉ huy và tổ chức chữa cháy; Trưởng thôn tại nơi xảy ra cháy rừng có trách nhiệm tham gia chỉ huy chữa cháy. Nếu cháy rừng, chủ rừng là hộ gia đình hoặc cá nhân thì Trưởng thôn hoặc người được ủy quyền là người chỉ huy và tổ chức chữa cháy.
+ Quy mô cấp độ II trở lên: Do Chủ tịch UBND (Trưởng Ban chỉ huy) cấp tương ứng, hoặc người được Chủ tịch UBND cấp đó ủy quyền là người chỉ huy và tổ chức chữa cháy.
- Trong mọi tình huống, lực lượng tham gia chữa cháy được tổ chức thành những bộ phận chủ yếu gồm:
+ Bộ phận chữa cháy: Bộ phận này có nhiệm vụ trực tiếp sử dụng mọi công cụ, phương tiện và biện pháp cần thiết để khống chế và dập tắt đám cháy, gồm: Lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy, lực lượng Kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng thuộc Chi cục Kiểm lâm, Đội phòng cháy, chữa cháy rừng của lực lượng Quân đội địa phương, dân phòng, các tổ, đội phòng cháy, chữa cháy thuộc các đơn vị cơ sở tại địa phương đảm trách được triển khai thành nhiều mũi tác nghiệp theo sự phân công của Ban chỉ huy.
+ Bộ phận hỗ trợ: Bộ phận này có nhiệm vụ hỗ trợ cùng bộ phận chủ lực trong việc mở đường, vận chuyển máy móc thiết bị chữa cháy đến hiện trường, bảo vệ trật tự, dẫn đường cho lực lượng tiếp ứng, giúp đưa người và tài sản của nhân dân (nếu có) ra khỏi khu vực cháy, gồm: Công an, Dân quân tự vệ địa phương, lực lượng của chủ rừng đảm trách.
+ Bộ phận cứu hộ: Bộ phận này có nhiệm vụ cứu hộ, cấp cứu người bị nạn. Gồm nhân viên y tế của đơn vị chủ rừng; cán bộ, nhân viên của Trung tâm y tế điều động đến đảm trách.
+ Bộ phận hậu cần: Làm nhiệm vụ tiếp nhiên liệu, tiếp nước, thức ăn cho lực lượng tham gia chữa cháy rừng (trong trường hợp thời gian chữa cháy kéo dài).
- Nếu quy mô tổ chức chữa cháy ở cấp độ I và II, thì do đơn vị chủ rừng cử công nhân viên đảm trách.
- Nếu quy mô tổ chức chữa cháy ở cấp độ III và IV, do UBND xã, phường huy động và tổ chức thực hiện.
- Ban chỉ huy PCCCR các cấp xây dựng phương án huy động lực lượng chữa cháy rừng trên địa bàn quản lý, trong đó xác định rõ vùng trọng điểm cháy, lực lượng huy động, phương án chỉ huy, phối hợp các lực lượng, liên lạc, phương tiện chữa cháy.
- Khi xảy ra cháy rừng phải thực hiện nguyên tắc huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tham gia PCCCR. Chủ rừng và Ban chỉ đạo THKH BVPTR cơ sở xảy ra cháy rừng phải chủ động huy động lực lượng tại chỗ để chữa cháy, Ban chỉ đạo THKH BVPTR cơ sở có quyền điều động phương tiện chữa cháy trên địa bàn, huy động các tổ đội PCCCR, quần chúng nhân dân, xử lý tình huống, chỉ huy toàn diện lực lượng cứu chữa tại chỗ nhanh chóng dập tắt đám cháy và kịp thời báo cáo cấp trên để có phương án huy động lực lượng khi cần thiết.
b) Các biện pháp kỹ thuật chữa cháy rừng
Khi xảy ra cháy rừng tùy tình hình thực tế có thể quyết định sử dụng các biện pháp chữa cháy thích hợp:
- Biện pháp chữa cháy trực tiếp: Sử dụng tất cả các phương tiện từ thủ công đến cơ giới hiện đại tác động trực tiếp vào đám cháy để dập tắt lửa đối với những đám cháy nhỏ diện tích dưới 1 ha.
- Biện pháp chữa cháy gián tiếp: dùng phương tiện, lực lượng để giới hạn đám cháy, thường được áp dụng cho các đám cháy lớn, diện tích trên 1 ha và diện tích của khu rừng còn lại rất lớn.
- Kỹ thuật an toàn trong khi chữa cháy rừng:
+ Nắm chắc đặc điểm vùng rừng dễ cháy.
* Kiểm lâm phụ trách địa bàn, cán bộ quản lý BVR của chủ rừng phải nắm vững tình hình rừng, thảm tươi cây bụi, đường mòn, dông, sông suối, nguồn nước, tình hình dân sinh kinh tế, lực lượng bảo vệ rừng ở địa phương.
* Khi xảy ra cháy rừng phải nắm chắc vị trí, tọa độ đám cháy, mức độ quy mô đám cháy, tốc độ gió để huy động lực lượng, phương tiện chính xác.
+ Chuẩn bị dụng cụ, phương tiện chữa cháy: Phải chuẩn bị dụng cụ, phương tiện đầy đủ đảm bảo sử dụng tốt.
+ Bố trí lực lượng chữa cháy:
* Khi đi chữa cháy phải chuẩn bị đầy đủ nước uống, lương thực, thuốc men, nhất là thuốc bỏng, bông băng cấp cứu, hồi sức.
* Nếu công việc chữa cháy kéo dài, chủ rừng có trách nhiệm đảm bảo hậu cần cho lực lượng chữa cháy.
* Những trường hợp bị thương phải được sơ cứu kịp thời rồi đưa ngay về tuyến sau để được cứu chữa.
c) Phương tiện và thiết bị phòng cháy, chữa cháy rừng:
- Các đơn vị xây dựng kế hoạch tu sửa, trang cấp phương tiện và thiết bị PCCCR trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
- Các chủ rừng được hưởng ngân sách Nhà nước xây dựng kế hoạch tu sửa, trang cấp phương tiện và thiết bị PCCCR trình Sở Nông nghiệp và PTNT phê duyệt theo quy định.
- Các chủ rừng không được hưởng vốn cấp từ ngân sách phải tự đảm bảo mua sắm các trang thiết bị, phương tiện PCCCR cần thiết.
d) Theo dõi, cập nhật thông tin diễn biến tình hình cháy rừng và báo cáo về Ban chỉ huy PCCCR các cấp:
Khi cháy rừng, các đơn vị chủ rừng, Hạt Kiểm lâm phải báo cáo bằng văn bản theo mẫu quy định về Chi cục Kiểm lâm để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Ban chỉ đạo Trung ương.
đ) Khắc phục hậu quả do cháy rừng gây ra:
- Lực lượng Công an, Kiểm lâm các cấp có trách nhiệm phối hợp với các chủ rừng điều tra, xác định nguyên nhân gây cháy.
- Chủ rừng phối hợp với các cơ quan liên quan xác định thiệt hại (diện tích, loại rừng, địa điểm...) do cháy rừng gây ra.
- Chủ rừng xây dựng phương án, kế hoạch chỉ đạo, giám sát phục hồi rừng.
- Nguồn kinh phí được phân bổ hàng năm cho các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị thực hiện công tác PCCCR.
- Dự án Nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy rừng cho lực lượng Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2015 - 2018.
- Kinh phí huy động hợp pháp từ các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Để kế hoạch được triển khai hiệu quả, đảm bảo tính thống nhất, rõ ràng từ khâu chỉ đạo đến khâu thực hiện, các cơ quan ban ngành liên quan căn cứ vào vai trò, vị trí được nêu trong kế hoạch này tổ chức thực hiện như sau:
1. Ban chỉ đạo THKHBV&PTR cấp tỉnh, huyện, xã và các đơn vị chủ rừng căn cứ vào nội dung trong kế hoạch này bổ sung, xây dựng hoàn thiện kế hoạch hành động cụ thể cho từng địa phương, đơn vị; xây dựng kế hoạch ngân sách, kinh phí mua sắm, đầu tư trang thiết bị, phương tiện cần thiết hàng năm cho công tác ứng phó sự cố cháy rừng và khắc phục hậu quả cháy rừng.
2. Các tổ chức, lực lượng đóng trên địa bàn tỉnh phải chịu sự điều động và chấp hành nghiêm túc sự chỉ đạo của Trưởng ban Ban chỉ đạo THKHBV&PTR địa phương trong công tác PCCCR và khắc phục hậu quả cháy rừng.
3. Thường trực Ban chỉ đạo THKHBV&PTR các cấp tổ chức kiểm tra, triển khai thực hiện có kế hoạch, có chế độ báo cáo theo quy định; xây dựng quy chế phối hợp trong trường hợp vượt quá khả năng của tỉnh, Ban chỉ đạo THKHBV&PTR tỉnh báo cáo Chi cục Kiểm lâm vùng II, Cục Kiểm lâm đề nghị hỗ trợ trong công tác PCCCR khi cần thiết.
4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các sở, ban, ngành chức năng rà soát để điều chỉnh, bổ sung kế hoạch PCCCR hàng năm đảm bảo công tác điều hành ứng phó sự cố cháy rừng toàn tỉnh đạt hiệu quả./.
Nơi nhận: |
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.