ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1650/KH-UBND |
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 20 tháng 5 năm 2022 |
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH CHĂM SÓC SỨC KHỎE NGƯỜI CAO TUỔI TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ĐẾN NĂM 2030
Căn cứ Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 13 tháng 10 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030;
Căn cứ Công văn số 6689/BYT-TCDS ngày 02 tháng 12 năm 2020 của Bộ Y tế về việc tổ chức triển khai Chương trình Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030;
Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030 tại Thành phố Hồ Chí Minh, nội dung cụ thể như sau:
I. SỰ CẦN THIẾT
Ở mỗi quốc gia, người cao tuổi có vai trò và giữ vị trí hết sức quan trọng trong đời sống xã hội, người cao tuổi vừa là tấm gương để các thế hệ trẻ noi theo, vừa là kho kinh nghiệm, kho tàng văn hóa nghệ thuật, giá trị truyền thống tốt đẹp. Phát huy vai trò người cao tuổi và chăm lo đời sống vật chất và tinh thần người cao tuổi là nghĩa vụ và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, ban ngành, đoàn thể và mỗi người dân Thành phố.
Trong những năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều chính sách về an sinh xã hội dành cho người cao tuổi như: chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và trợ cấp xã hội. Tuy nhiên, trước thực trạng số lượng cũng như tỷ trọng người cao tuổi trong dân số gia đang tăng nhanh tại Thành phố, người cao tuổi cũng đang phải đối diện với những thách thức rất lớn về sự cần thiết phải thay đổi hệ thống an sinh xã hội, lao động việc làm, giao thông, vui chơi giải trí... đặc biệt là hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
Bên cạnh đó, việc tiếp cận đầy đủ các dịch vụ tư vấn và chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi còn bị giới hạn, hệ thống chăm sóc sức khỏe chưa bắt kịp với tốc độ già hóa dân số ngày càng tăng. Nhìn chung các hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi còn phân tán, riêng lẻ, chưa mang tính hệ thống và thiếu sự lồng ghép với các chương trình khác liên quan đến người cao tuổi, về tổng thể, hạn chế trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi thể hiện trên một số khía cạnh: thiếu các dịch vụ chăm sóc tại nhà cho người cao tuổi; nguồn nhân lực cho chăm sóc sức khỏe người cao tuổi còn chưa được quan tâm phát triển; chất lượng chăm sóc người cao tuổi còn chưa cao; thiếu nguồn kinh phí tổ chức các hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi già yếu neo đơn tại cộng đồng;...
Nhận thức về vị trí, vai trò của người cao tuổi thông qua việc tiếp tục phát huy truyền thống chăm lo và kính trọng người cao tuổi là trách nhiệm của toàn xã hội. Việc hỗ trợ, giúp đỡ người cao tuổi được tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ thông tin, tư vấn và chăm sóc sức khỏe đang trở thành một đòi hỏi cấp thiết nhằm giải quyết các yêu cầu và thách thức của xã hội ngày càng có nhiều người cao tuổi trên phạm vi toàn quốc cũng như trên địa bàn Thành phố. Việc triển khai thực hiện Chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030 tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ góp phần tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân để thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi.
II. CĂN CỨ XÂY DỰNG
1. Căn cứ pháp lý
- Luật Người cao tuổi năm 2009.
- Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009.
- Nghị định số 06/NĐ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người cao tuổi.
- Quyết định số 1679/QĐ-TTg ngày 22 tháng 11 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030.
- Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 13 tháng 10 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình Chăm sóc sức khỏe Người cao tuổi đến năm 2030.
- Thông tư số 96/2018/TT-BTC ngày 18 tháng 10 năm 2018 của Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Người cao tuổi tại nơi cư trú; chúc thọ, mừng thọ; ưu đãi tín dụng và biểu dương khen thưởng Người cao tuổi.
- Công văn số 6689/BYT-TCDS ngày 02 tháng 12 năm 2020 của Bộ Y tế về việc tổ chức triển khai Chương trình chăm sóc sức khỏe Người cao tuổi đến năm 2030.
- Kế hoạch số 2347/KH-UBND ngày 15 tháng 7 năm 2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố về kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030 tại Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2025.
2. Cơ sở thực tiễn
Già hóa dân số đang diễn ra trên tất cả các khu vực và các quốc gia trên thế giới với các tốc độ khác nhau. Già hóa dân số đang gia tăng nhanh ở các nước đang phát triển, bao gồm các nước có nhóm dân số trẻ đông. Già hóa là một thành tựu của quá trình phát triển, nâng cao tuổi thọ là một trong những thành tựu vĩ đại nhất của loài người. Tuy nhiên, già hóa dân số cũng tạo ra những thách thức về mặt xã hội, kinh tế và văn hóa cho các cá nhân, gia đình, xã hội và cộng đồng trên thế giới.
Theo kết quả Tổng điều tra Dân số năm 2019 cho thấy, số người cao tuổi trên 60 tuổi của Thành phố là 841.007 cụ, chiếm tỷ lệ 9,35% trên tổng dân số. Tuổi thọ bình quân của người dân Thành phố là 76,6 tuổi, so với cả nước là 73,6 tuổi, trong khi đó, số con trung bình của mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 1,39 con. Hiện nay, số người cao tuổi của Thành phố cao xếp thứ hai trong cả nước và Thành phố vẫn đang phải đối diện với thách thức về già hóa dân số. Già hóa dân số tại Thành phố chịu sự tác động sâu sắc của mức sinh thấp, mức chết thấp và tuổi thọ trung bình tăng cao.
Trong những năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện nghiêm túc công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi theo điều 12, điều 13 Luật Người cao tuổi và Thông tư số 35/TT-BYT ngày 15 tháng 10 năm 2011 của Bộ Y tế về hướng dẫn chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
Các bệnh viện cấp thành phố đã chú trọng đầu tư trang thiết bị, đào tạo nhân sự để thành lập khoa Lão. Một số bệnh viện cấp huyện đã thực hiện điều trị các bệnh lý lão học, thành lập Lão khoa kết hợp với khoa Nội. Tuy chưa đảm bảo 100% cơ sở khám, chữa bệnh triển khai được phòng khám ngoại trú và phòng điều trị nội trú dành riêng cho người cao tuổi, nhưng tất cả các đơn vị đều tổ chức khu vực tiếp nhận, khám và điều trị ưu tiên cho người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên theo luật quy định. Theo số liệu năm 2019, tại Thành phố có: 08/32 bệnh viện cấp thành phố thành lập khoa Lão; 02/32 bệnh viện cấp thành phố tổ chức khoa Lão khoa kết hợp 1 khoa khác; 03/23 bệnh viện cấp huyện tổ chức khoa Lão khoa kết hợp 1 khoa khác.
Hiện nay, đã cấp thẻ bảo hiểm y tế cho khoảng trên 820 nghìn người cao tuổi, tỷ lệ 98%. Hầu hết người cao tuổi thuộc diện hưởng lương hưu, chính sách người có công, chính sách bảo trợ xã hội, người cao tuổi thuộc hộ nghèo, người cao tuổi là đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã đặc biệt khó khăn ... đều được cấp thẻ bảo hiểm y tế và hỗ trợ khám chữa bệnh miễn phí tại các cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước. Tại Thành phố, hiện nay cũng đã có nhiều mô hình chăm sóc người cao tuổi được hình thành. Thành phố có 19 cơ sở bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập dành cho người cao tuổi (công lập: 06, ngoài công lập: 13).
Ngành dân số cũng đã triển khai các hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại 118 phường, xã, thị trấn trên địa bàn Thành phố, với 118 Câu lạc bộ “Người cao tuổi giúp người cao tuổi”, với hơn 4.000 hội viên là người cao tuổi tham gia sinh hoạt và 118 Tổ tình nguyện viên với trên 1.700 người tham gia tình nguyện thực hiện chăm sóc, giúp đỡ cho người cao tuổi già yếu neo đơn tại cộng đồng.
III. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Chăm sóc, nâng cao sức khỏe người cao tuổi (người từ đủ 60 tuổi trở lên) bảo đảm thích ứng với già hóa dân số, góp phần thực hiện thành công kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
2. Mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể (phấn đấu đạt vào năm 2030)
- 100% cấp ủy đảng, chính quyền các cấp ban hành nghị quyết, kế hoạch, đầu tư ngân sách cho chăm sóc sức khỏe người cao tuổi vào năm 2025 và duy trì đến năm 2030.
- Người cao tuổi hoặc người thân trực tiếp chăm sóc người cao tuổi biết thông tin về già hóa dân số, quyền được chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi đạt 70% năm 2025; 85% năm 2030.
- Người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm đạt 70%, được lập hồ sơ theo dõi quản lý sức khỏe đạt 95% năm 2025; 100% năm 2030.
- Người cao tuổi được phát hiện, điều trị, quản lý các bệnh không lây nhiễm (ung thư, tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, sa sút trí tuệ...) đạt 70% năm 2025; 90% năm 2030.
- Người cao tuổi có khả năng tự chăm sóc được cung cấp kiến thức, kỹ năng tự chăm sóc sức khỏe đạt 50% năm 2025; 90% năm 2030.
- 100% người cao tuổi không có khả năng tự chăm sóc, được chăm sóc sức khỏe bởi gia đình và cộng đồng vào năm 2025 và duy trì đến năm 2030.
- Tuổi thọ bình quân đạt 76,8 tuổi vào năm 2025 và 77 tuổi vào năm 2030, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 67 năm vào năm 2025 và 68 tuổi vào năm 2030.
- Phấn đấu duy trì và mở rộng hoạt động 144 câu lạc bộ người cao tuổi giúp người cao tuổi và 144 tổ tình nguyện viên chăm sóc người cao tuổi già yếu neo đơn tại cộng đồng ở 144 phường, xã, thị trấn trên địa bàn Thành phố.
- Số quận, huyện thí điểm, phát triển mô hình Trung tâm chăm sóc sức khỏe ban ngày cho người cao tuổi vào năm 2025 là 04 quận, huyện; năm 2030 là 10 quận, huyện.
- Thí điểm mô hình Trung tâm dưỡng lão theo hình thức xã hội hóa thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
- 100% người cao tuổi khi bị bệnh được khám và điều trị vào năm 2025 và duy trì đến năm 2030.
- Người cao tuổi cô đơn, bị bệnh nặng không thể đến khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được khám và điều trị tại nơi ở đạt 70% năm 2025; 100% năm 2030.
- Bệnh viện, trừ bệnh viện chuyên khoa nhi có khoa lão và bệnh viện tuyến quận, huyện dành một số giường để điều trị người bệnh là người cao tuổi đạt 100% năm 2025 và duy trì đến năm 2030.
- Số xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí môi trường thân thiện với người cao tuổi đạt ít nhất 20% năm 2025; 50% năm 2030.
IV. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG VÀ THỜI GIAN THỰC HIỆN
1. Phạm vi, địa bàn thực hiện
- Phạm vi thực hiện: trên toàn Thành phố.
- Địa bàn triển khai: thành phố Thủ Đức, 16 quận, 5 huyện. Tổng cộng 312 phường, xã, thị trấn.
2. Đối tượng
- Đối tượng thụ hưởng: người cao tuổi, gia đình có người cao tuổi, người thân trực tiếp chăm sóc người cao tuổi; người quản lý, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; ưu tiên người có công với cách mạng, người cao tuổi tại hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng yếu thế trong xã hội.
- Đối tượng tác động: cấp ủy đảng, chính quyền và ban ngành đoàn thể; cán bộ y tế, dân số; tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện chương trình; cộng đồng người cao tuổi sinh sống.
3. Thời gian thực hiện
Chương trình chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi tại Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030 được chia làm 2 giai đoạn:
- Giai đoạn 1 (2021-2025):
+ Tăng cường các hoạt động truyền thông, hướng dẫn người cao tuổi tự chăm sóc sức khỏe; nâng cao năng lực cho trạm y tế cấp xã; tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người cao tuổi; tổ chức chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ khám sức khỏe định kỳ, sàng lọc một số bệnh thường gặp, lập hồ sơ theo dõi sức khỏe cho người cao tuổi; xây dựng và duy trì hoạt động của câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, lồng ghép nội dung chăm sóc sức khỏe người cao tuổi vào Câu lạc bộ liên thế hệ và các loại hình câu lạc bộ khác của người cao tuổi; phát triển mạng lưới tình nguyện viên, tham gia chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; xây dựng, thử nghiệm và nhân rộng cơ sở chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ban ngày; tổ chức triển khai mô hình trung tâm dưỡng lão có nội dung chăm sóc sức khỏe người cao tuổi theo phương thức xã hội hóa.
+ Tăng cường năng lực khám chữa bệnh cho phòng khám lão khoa, khoa lão, khu giường điều trị người bệnh là người cao tuổi thuộc các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa (trừ bệnh viện chuyên khoa nhi).
+ Xây dựng bộ tiêu chí cấp xã thân thiện với người cao tuổi; xây dựng, triển khai mô hình dịch vụ ứng dụng công nghệ thông tin chăm sóc sức khỏe người cao tuổi (mạng xã hội, internet,...).
+ Xây dựng các tài liệu, chương trình đào tạo và tổ chức đào tạo, tập huấn; các quy chuẩn chuyên môn, kỹ thuật; hệ thống chỉ báo thống kê; đánh giá đầu vào; nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin trong tư vấn, quản lý và theo dõi chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
- Giai đoạn 2 (2026-2030):
+ Sơ kết giai đoạn 1, lựa chọn đẩy mạnh các hoạt động của chương trình đã triển khai có hiệu quả trong giai đoạn 1.
+ Nhân rộng các mô hình chăm sóc sức khỏe dài hạn cho người cao tuổi, ưu tiên cho các mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng; tạo môi trường thân thiện cho người cao tuổi thông qua việc thúc đẩy phong trào phường - xã, thị trấn phù hợp với người cao tuổi.
+ Hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn tổ chức, quản lý các cơ sở chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, chính sách huy động các nguồn lực bao gồm cả tư nhân trong việc thực hiện chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
V. CÁC NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP VÀ HOẠT ĐỘNG CHỦ YẾU
1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền về công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; đẩy mạnh tuyên truyền vận động thay đổi hành vi tạo môi trường xã hội ủng hộ và tham gia chăm sóc sức khỏe người cao tuổi
- Tiếp tục quán triệt sâu sắc hơn nữa những thách thức về già hóa dân số với phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt đối với chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Truyền thông vận động nâng cao nhận thức của lãnh đạo đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp; các nhà hoạch định chính sách; các chức sắc tôn giáo; những người có uy tín trong cộng đồng... về thách thức của quá trình “Già hóa dân số” đối với việc chăm sóc, chăm sóc sức khỏe và phát huy người cao tuổi nhằm xây dựng, bổ sung, hoàn thiện các chính sách, kế hoạch và đầu tư kinh phí cho các nội dung thích ứng với xã hội “Dân số già hóa”; xây dựng môi trường y tế thân thiện với người cao tuổi.
- Cấp ủy, chính quyền các cấp ban hành nghị quyết, kế hoạch để thực hiện, bố trí kinh phí cho công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi phù hợp với điều kiện của địa phương, tổ chức thực hiện và giám sát, kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện.
- Tăng cường tuyên truyền, vận động, truyền thông giáo dục thay đổi hành vi xây dựng môi trường xã hội ủng hộ và tham gia chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Thường xuyên tổ chức truyền thông giáo dục trên các phương tiện thông tin đại chúng; biên soạn và nhân bản các sản phẩm truyền thông (tài liệu, sách, tờ rơi, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu, cẩm nang...) cấp phát tới đối tượng. Lồng ghép các hoạt động truyền thông của kế hoạch với các hoạt động truyền thông khác. Thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các cơ quan báo chí, hệ thống thông tin cơ sở trên địa bàn Thành phố về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi thông qua các hình thức: xây dựng các chuyên mục, phóng sự phát trên sóng truyền hình; chuyên trang, chuyên mục trên báo, đài Thành phố; tin, bài trên hệ thống loa truyền thanh tại địa phương.
2. Củng cố, phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng chống bệnh không lây nhiễm, khám chữa bệnh cho người cao tuổi; từng bước xây dựng mô hình chăm sóc sức khỏe dài hạn cho người cao tuổi.
- Nâng cao năng lực cho các bệnh viện (trừ bệnh viện chuyên khoa nhi) thực hiện khám chữa bệnh, phục hồi chức năng và hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc sức khỏe người cao tuổi cho tuyến dưới; cung cấp trang thiết bị cho các phòng khám lão khoa, khoa lão, khu có giường điều trị người bệnh là người cao tuổi của 100% bệnh viện đa khoa tuyến thành phố.
- Nâng cao năng lực cho trạm y tế cấp xã trong thực hiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng chống các bệnh không lây nhiễm cho người cao tuổi tại gia đình và cộng đồng; Bổ sung trang thiết bị thiết yếu cho y tế cơ sở, bao gồm cả trạm y tế phường - xã, thị trấn trong thực hiện các nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi và phục hồi chức năng cho người cao tuổi tại cộng đồng.
- Tổ chức chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ khám sức khỏe định kỳ, sàng lọc một số bệnh thường gặp ở người cao tuổi, lập hồ sơ theo dõi sức khỏe cho người cao tuổi hàng năm.
- Xây dựng các câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; lồng ghép nội dung chăm sóc sức khỏe người cao tuổi vào Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau và các loại hình câu lạc bộ khác của người cao tuổi.
- Xây dựng, phát triển mạng lưới tình nguyện viên tham gia các hoạt động: theo dõi, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, quản lý các bệnh mạn tính, bệnh không lây nhiễm tại gia đình cho người cao tuổi.
- Xây dựng, triển khai các mô hình: Trung tâm chăm sóc sức khỏe ban ngày; xã, phường, thị trấn thân thiện với người cao tuổi; Trung tâm dưỡng lão theo hình thức phù hợp, tiến tới xã hội hóa thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; ứng dụng công nghệ thông tin vào dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi (mạng xã hội, internet,...).
3. Đào tạo, tập huấn chuyên môn cho người làm công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi
- Đào tạo, tập huấn chuyên môn cho người làm công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ở các tuyến: bệnh viện Lão khoa, các bệnh viện trừ bệnh viện chuyên khoa nhi, Trung tâm y tế tuyến huyện, trạm y tế cấp xã; cơ sở chăm sóc sức khỏe; cán bộ dân số và tình nguyện viên ở cơ sở.
- Đưa nội dung, tài liệu về lão khoa vào chương trình đào tạo sinh viên các trường y, người chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Xây dựng chương trình và tài liệu đào tạo về lão khoa cho sinh viên ngành y đa khoa của các trường đại học y, sinh viên ngành điều dưỡng của các trường có ngành điều dưỡng, người chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Tổ chức đào tạo các nhóm đối tượng có nhu cầu.
- Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho các khoa lão của bệnh viện đa khoa tuyến thành phố, quận - huyện và các bệnh viện chuyên khoa (trừ chuyên khoa nhi) thực hiện khám, chữa bệnh cho người cao tuổi.
4. Hoàn thiện các chính sách liên quan đến chăm sóc sức khỏe người cao tuổi
- Triển khai, tổ chức thực hiện chính sách pháp luật liên quan đến chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
- Rà soát, bổ sung, hoàn thiện các chính sách về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; các văn bản liên quan đến việc xây dựng, phát triển phong trào chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; ban hành quy định về khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
- Thực hiện hệ thống: chỉ báo thống kê, giám sát; thông tin, cơ sở dữ liệu điện tử quản lý công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Thực hiện công tác báo cáo, thống kê theo quy định
5. Nghiên cứu, hợp tác quốc tế
- Phối hợp với một số viện, đơn vị nghiên cứu tiến hành triển khai các nghiên cứu về sức khỏe và chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi trên địa bàn Thành phố bao gồm: nhu cầu chăm sóc sức khỏe ở từng đối tượng, nhóm tuổi; dinh dưỡng; đặc điểm bệnh tật; nghiên cứu lão học; nhu cầu chuẩn bị cho tuổi già; tác động của một số chính sách trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
- Tăng cường ứng dụng thành tựu khoa học, chuyển giao công nghệ y - sinh học tiên tiến về phục hồi chức năng và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
6. Bảo đảm nguồn lực thực hiện kế hoạch
6.1. Đa dạng hóa nguồn lực tài chính đầu tư cho công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi và từng bước tăng mức đầu tư
- Bảo đảm đủ nguồn lực đáp ứng yêu cầu triển khai toàn diện kế hoạch. Kinh phí thực hiện kế hoạch được lồng ghép trong các nhiệm vụ thường xuyên; quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các cơ quan, đơn vị, ban, ngành; lồng ghép trong thực hiện của địa phương và lồng ghép trong các chương trình, dự án khác.
- Có lộ trình giảm phạm vi, đối tượng, mức độ bao cấp, tăng phần đóng góp, tự chi trả của khách hàng sử dụng dịch vụ. Khuyến khích các doanh nghiệp, tập thể và cá nhân đầu tư vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
- Huy động sự tham gia của cộng đồng dân cư, cá nhân, tổ chức tham gia thực hiện kế hoạch; đầu tư, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi phù hợp. Quy định rõ quyền lợi, nghĩa vụ của các cơ sở cung cấp dịch vụ; các cơ sở y tế, cơ sở chăm sóc người cao tuổi hoạt động không vì lợi nhuận được miễn, giảm thuế theo quy định của pháp luật.
6.2. Huy động nguồn lực tham gia thực hiện kế hoạch
Toàn bộ mạng lưới y tế, dân số; cán bộ, thành viên các ngành, đoàn thể từ Thành phố đến cơ sở bao gồm cả người cao tuổi và hội viên Hội Người cao tuổi tham gia thực hiện các hoạt động của kế hoạch theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
VI. KINH PHÍ THỰC HIỆN
- Ngân sách Trung ương (nếu có);
- Ngân sách địa phương bảo đảm theo khả năng cân đối ngân sách trong từng thời kỳ, theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và từ các nguồn kinh phí hợp pháp khác;
- Lồng ghép trong các Chương trình, Dự án khác được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Y tế
- Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, các sở, ban ngành, đoàn thể có liên quan và Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện để chỉ đạo, tổ chức triển khai, điều phối thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chính đã nêu trong kế hoạch trên phạm vi toàn Thành phố, đảm bảo gắn kết, lồng ghép chặt chẽ với các Kế hoạch khác có liên quan.
- Chủ trì, phối hợp các đơn vị có liên quan tham mưu Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành các Nghị quyết, Quyết định về chính sách dân số tại Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030 trong đó có các chính sách đặc thù cho người cao tuổi.
- Nghiên cứu, xây dựng, vận hành Trung tâm chăm sóc sức khỏe ban ngày cho người cao tuổi. Tổ chức chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ khám sức khỏe định kỳ, sàng lọc một số bệnh thường gặp ở người cao tuổi.
- Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, tổng hợp tình hình thực hiện và định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố theo quy định; hàng năm tổ chức sơ kết tình hình thực hiện kế hoạch.
- Chủ trì tổ chức sơ kết đánh giá giai đoạn 2021-2025 và tổ chức tổng kết đánh giá giai đoạn 2021-2030.
2. Sở Tài chính: phối hợp Sở Y tế tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố bố trí kinh phí triển khai thực hiện kế hoạch.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư: phối hợp với các sở ngành liên quan hướng dẫn chủ dự án trình tự thủ tục tiếp nhận khoản viện trợ cho các dự án có liên quan đến kế hoạch.
4. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: phối hợp với Sở Y tế tổ chức triển khai kế hoạch chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; lồng ghép các nội dung của kế hoạch vào các chương trình, dự án khác về chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi; phối hợp với Sở Y tế và các sở, ngành liên quan thành lập trung tâm dưỡng lão có nội dung chăm sóc sức khỏe theo hình thức xã hội hóa; xây dựng môi trường thân thiện với người cao tuổi.
5. Sở Văn hóa và Thể thao: lồng ghép các nội dung của kế hoạch chăm sóc sức khỏe người cao tuổi vào các chương trình, dự án khác có liên quan; phối hợp với Sở Y tế và các sở, ngành liên quan hướng dẫn tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục - thể thao cho người cao tuổi; hướng dẫn và tổ chức các cuộc hội thao dành cho người cao tuổi; xây dựng môi trường thân thiện với người cao tuổi.
6. Sở Khoa học và Công nghệ: phối hợp Sở Y tế tổ chức, xét tuyển chọn, cấp kinh phí thực hiện cho các nhiệm vụ khoa học và công nghệ có liên quan đến kế hoạch.
7. Sở Thông tin và Truyền thông: chỉ đạo các cơ quan truyền thông thực hiện các hoạt động cung cấp thông tin, tuyên truyền nhằm thay đổi hành vi của người dân về quyền, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi.
8. Sở Tư pháp: rà soát, thẩm định các chính sách có liên quan đến việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Tham gia tuyên truyền các quy định của pháp luật liên quan đến người cao tuổi.
9. Hội Người cao tuổi Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh
- Phối hợp với Sở Y tế và các sở, ngành liên quan trong việc xây dựng kế hoạch; triển khai và giám sát việc thực hiện Kế hoạch.
- Lồng ghép các hoạt động của kế hoạch chăm sóc sức khỏe người cao tuổi vào các nội dung của Chương trình nhân rộng câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau và các chương trình, dự án khác về chăm sóc người cao tuổi.
- Phối hợp với chính quyền, Hội Người cao tuổi và các đoàn thể ở các quận, huyện và thành phố Thủ Đức xây dựng kế hoạch bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế, huy động các nguồn lực thực hiện kế hoạch.
10. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố, Liên đoàn Lao động, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân và các tổ chức thành viên khác của Mặt trận, các tổ chức xã hội: trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, tham gia triển khai, thực hiện Kế hoạch; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục trong tổ chức mình; tham gia xây dựng chính sách, pháp luật và giám sát việc thực hiện chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
11. Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện
- Xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các hoạt động chính của kế hoạch tại địa phương trên cơ sở phối hợp với Ban Đại diện Hội Người cao tuổi theo hướng dẫn chung của Thành phố, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên Ban Chỉ đạo công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình trong việc tổ chức thực hiện.
- Bố trí ngân sách địa phương thực hiện các hoạt động của kế hoạch; củng cố, ổn định tổ chức bộ máy làm công tác dân số ở cơ sở nhằm đảm bảo triển khai hiệu quả các hoạt động của chương trình, kế hoạch; chỉ đạo, phân công rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của từng ban ngành, đoàn thể trong việc triển khai chương trình, kế hoạch; lồng ghép với các chương trình, đề án, dự án liên quan trên địa bàn thành phố Thủ Đức và các quận, huyện.
Trên đây là Kế hoạch thực hiện Chương trình Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030. Thủ trưởng các sở, ban ngành, đoàn thể và các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ nội dung Kế hoạch để triển khai thực hiện theo nhiệm vụ được phân công, định kỳ trước ngày 30 tháng 11 hàng năm báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân Thành phố (thông qua Sở Y tế) để tổng hợp và báo cáo Bộ Y tế theo quy định. Trường hợp có khó khăn, vướng mắc, cần kịp thời phản ánh về Sở Y tế để tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ đạo giải quyết./.
|
KT. CHỦ TỊCH |
PHỤ LỤC
SỐ LƯỢNG, TỶ LỆ
NGƯỜI CAO TUỔI CỦA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Ban hành kèm theo Kế hoạch thực hiện Chương trình Chăm sóc sức khỏe người cao
tuổi tại Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030)
Nhóm tuổi |
60-64 |
65-69 |
70-74 |
75-79 |
80-84 |
85+ |
TỔNG |
Tỷ lệ |
THÀNH PHỐ |
339.692 |
203.635 |
108.498 |
82.476 |
55.838 |
50.868 |
841.007 |
|
Quận 1 |
9.787 |
5.859 |
3.276 |
2.650 |
2.072 |
2.058 |
25.702 |
3.06% |
Quận 2 |
7.029 |
4.108 |
2.345 |
1.661 |
1.038 |
1.002 |
17.183 |
2.04% |
Quận 3 |
12.144 |
7.563 |
3.965 |
3.155 |
2.487 |
2.626 |
31.940 |
3.80% |
Quận 4 |
9.786 |
5.623 |
2.786 |
2.172 |
1.513 |
1.440 |
23.320 |
2.77% |
Quận 5 |
10.839 |
6.311 |
3.607 |
2.772 |
1.690 |
1.441 |
26.660 |
3.17% |
Quận 6 |
12.344 |
7.677 |
4.015 |
3.210 |
2.029 |
1.718 |
30.993 |
3.69% |
Quận 7 |
11.397 |
6.844 |
3.587 |
2.713 |
1.602 |
1.410 |
27.553 |
3.28% |
Quận 8 |
20.043 |
11.797 |
5.859 |
4.575 |
3.108 |
2.736 |
48.118 |
5.72% |
Quận 9 |
9.351 |
6.182 |
3.182 |
2.508 |
1.748 |
1.756 |
24.727 |
2.94% |
Quận 10 |
13.672 |
8.237 |
4.329 |
3.286 |
2.488 |
2.580 |
34.592 |
4.11% |
Quận 11 |
11.442 |
7.065 |
3.864 |
2.884 |
1.956 |
1.707 |
28.918 |
3.44% |
Quận 12 |
17.439 |
9.796 |
5.380 |
3.805 |
2.409 |
2.015 |
40.844 |
4.86% |
Quận Phú Nhuận |
9.841 |
6.471 |
3.459 |
2.650 |
1.781 |
1.605 |
25.807 |
3.07% |
Quận Gò Vấp |
23.933 |
13.704 |
7.496 |
5.450 |
3.701 |
3.314 |
57.598 |
6.85% |
Quận Bình Thạnh |
24.008 |
14.706 |
7.741 |
6.277 |
4.488 |
4.153 |
61.373 |
7.30% |
Quận Tân Bình |
18.844 |
10.679 |
6.125 |
4.619 |
3.523 |
3.509 |
47.299 |
5.62% |
Quận Tân Phú |
15.378 |
8.942 |
4.808 |
3.402 |
2.378 |
2.118 |
37.026 |
4.40% |
Quận Thủ Đức |
16.659 |
9.650 |
5.024 |
3.745 |
2.610 |
2.224 |
39.912 |
4.75% |
Quận Bình Tân |
20.519 |
12.193 |
6.081 |
4.039 |
2.540 |
1.993 |
47.365 |
5.63% |
Huyện Bình Chánh |
20.697 |
12.637 |
6.240 |
4.721 |
3.000 |
2.526 |
49.823 |
5.92% |
Huyện Hóc Môn |
18.024 |
10.686 |
5.900 |
4.426 |
2.821 |
2.471 |
44.328 |
5.27% |
Huyện Củ Chi |
17.580 |
11.413 |
6.190 |
5.163 |
3.407 |
3.116 |
46.869 |
5.57% |
Huyện Nhà Bè |
6.341 |
3.822 |
2.164 |
1.763 |
892 |
836 |
15.818 |
1.88% |
Huyện Cần Giờ |
2.595 |
1.670 |
1.075 |
830 |
557 |
512 |
7.239 |
0.86% |
Nguồn: Số liệu Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.