ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 163/KH-UBND |
Tuyên Quang, ngày 04 tháng 9 năm 2024 |
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA “PHÁT TRIỂN NGÀNH DƯỢC VIỆT NAM GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2030 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG
Thực hiện Quyết định số 1165/QĐ-TTg ngày 09/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia “Phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045” (sau đây gọi tắt là Chiến lược), Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, với các nội dung chính như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Cụ thể hóa những nội dung cơ bản của Chiến lược trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới.
- Xác định mục tiêu, các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu của giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và nhu cầu thực tế đặt ra nhằm từng bước phát triển ngành Dược của tỉnh.
2. Yêu cầu
Xác định rõ trách nhiệm đầu mối, phối hợp của các cấp, các ngành trong từng hoạt động cụ thể để hiện thực các mục tiêu của Chiến lược trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Phát triển ngành Dược Tuyên Quang đảm bảo cung ứng thuốc đầy đủ, kịp thời, có chất lượng cho người dân với mức chi phí hợp lý theo từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; phấn đấu phát triển nền công nghiệp dược; phát triển dược liệu, thuốc và các sản phẩm từ nguồn dược liệu trong tỉnh; tối ưu hóa việc sử dụng thuốc.
2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030
- Phấn đấu 100% thuốc được cung ứng chủ động, kịp thời cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh; đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, sự cố y tế công cộng và các nhu cầu cấp bách khác về thuốc.
- Duy trì tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước/tổng số tiền sử dụng thuốc tại các cơ sở y tế/năm:
+ Bệnh viện tuyến tỉnh đạt thấp nhất là 50%.
+ Trung tâm Y tế tuyến huyện đạt thấp nhất là 75%.
- Duy trì bền vững tỷ lệ 100% cơ sở bán buôn thuốc đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt phân phối thuốc” (GDP), 100% nhà thuốc, quầy thuốc đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt nhà thuốc” (GPP).
- Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt phòng kiểm nghiệm thuốc” (GLP).
- 100% bệnh viện tuyến tỉnh và trung tâm y tế tuyến huyện và tương đương phải tuân thủ “Thực hành tốt bảo quản thuốc” (GSP) đối với hoạt động bảo quản thuốc theo quy định.
- 100% các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có hoạt động sử dụng thuốc có tổ chức và triển khai các hoạt động dược lâm sàng. Tỷ lệ người làm công tác dược lâm sàng đạt 01 người/100 giường bệnh nội trú và 02 người/1.000 đơn thuốc được cấp phát cho bệnh nhân ngoại trú có thẻ bảo hiểm trong một ngày.
- 100% cơ sở bán buôn và bán lẻ thuốc trên địa bàn tỉnh được kết nối liên thông với Hệ thống cơ sở dữ liệu Dược quốc gia; đảm bảo duy trì hoạt động 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong lĩnh vực dược được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia.
- Đạt tỷ lệ 4,0 dược sĩ/1 vạn dân, trong đó dược sĩ được đào tạo về chuyên ngành dược lâm sàng đạt tối thiểu 20%.
- Khuyến khích phát triển vùng nuôi trồng cây, con làm thuốc, bảo tồn nguồn gen và phát triển những loài dược liệu quý hiếm phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh; ưu tiên, hỗ trợ phát triển các vùng nuôi trồng dược liệu đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt trồng trọt và thu hái thuốc” (GACP- WHO) theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.
3. Định hướng đến năm 2045
- Tiếp tục đảm bảo cung ứng thuốc đầy đủ, kịp thời, có chất lượng cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh; công tác kiểm soát chất lượng thuốc, phân phối thuốc, dược lâm sàng, thông tin thuốc và cảnh giác dược tiếp tục được nâng cao hiệu quả thực hiện.
- Trên cơ sở khai thác các vùng có lợi thế về điều kiện tự nhiên, thích hợp với sinh trưởng và phát triển của cây dược liệu; nguồn nhân lực có khả năng tiếp thu kỹ thuật mới ứng dụng vào sản xuất dược liệu và các nghiên cứu của các nhà khoa học, tiến hành quy hoạch hoàn chỉnh vùng trồng dược liệu trong toàn tỉnh.
- Thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất thuốc hóa dược, chế biến dược liệu thành nguyên liệu cho sản xuất thuốc từ dược liệu.
- Hoàn thành xây dựng các nền tảng phát triển ngành Dược tại tỉnh Tuyên Quang về kiểm nghiệm thuốc, phân phối thuốc, công tác dược lâm sàng, thông tin thuốc và cảnh giác dược đảm bảo đạt các chỉ tiêu theo yêu cầu đặt ra tại Quyết định số 1165/QĐ-TTg ngày 09/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Tăng cường công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách, pháp luật về Dược và các văn bản có liên quan
- Tiếp tục triển khai Luật Dược năm 2016 và các văn bản, quy định pháp luật có liên quan; tổ chức thực hiện hiệu quả Chiến lược trên địa bàn tỉnh.
- Quán triệt và áp dụng chặt chẽ các quy định về quản lý hệ thống phân phối, cung ứng thuốc, tiêu chuẩn thực hành tốt (GPs) đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo quản, kiểm nghiệm thuốc.
- Khuyến khích sử dụng thuốc trong nước, quản lý chặt chẽ việc cung ứng, đấu thầu mua thuốc, giá thuốc, đảm bảo công khai, minh bạch, ưu tiên thuốc chất lượng cao, giá hợp lý, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc và mọi người dân có điều kiện tiếp cận, lựa chọn, sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả.
- Nghiên cứu, xây dựng chính sách nhằm huy động, thu hút và khuyến khích các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật tham gia một cách hiệu quả vào mạng lưới cung ứng thuốc và thực hiện nhiệm vụ công ích theo đúng quy định của nhà nước.
2. Phát triển dược liệu
- Khuyến khích và ưu tiên các dự án nuôi trồng, chế biến dược liệu đạt nguyên tắc, tiêu chuẩn “Thực hành tốt trồng trọt và thu hái thuốc” (GACP- WHO) theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới. Xây dựng và đề xuất các chính sách ưu đãi đối với công tác nuôi trồng và chế biến dược liệu.
- Nghiên cứu, mở rộng việc nuôi trồng các cây, con làm thuốc có hiệu quả cao và phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh để mở rộng vùng nuôi trồng dược liệu (nhất là các cây dược liệu theo Quyết định số 3657/QĐ-BYT ngày 20/8/2019 của Bộ Y tế về việc ban hành danh mục 100 dược liệu có giá trị y tế và kinh tế cao để tập trung phát triển giai đoạn 2020-2030). Xác định các giống cây dược liệu có thị trường và khả năng phát triển phù hợp với điều kiện sinh thái từng vùng của tỉnh Tuyên Quang, xây dựng mô hình phát triển nguồn dược liệu theo hướng bền vững. Đề xuất với Bộ Y tế và các ngành có liên quan bổ sung thêm huyện Lâm Bình và các địa phương khác trên địa bàn tỉnh vào dự án đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
3. Đầu tư, nâng cao năng lực quản lý, kiểm soát chất lượng thuốc
- Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về Dược tại địa phương. Nâng cấp hệ thống kiểm nghiệm của Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm thực phẩm tỉnh, song song với việc đào tạo nhân lực, đảm bảo đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt phòng kiểm nghiệm thuốc” (GLP). Quản lý chặt chẽ chất lượng thuốc, kiên quyết phòng ngừa, đấu tranh, xử lý đối với thuốc giả, thuốc kém chất lượng.
- Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm tra hậu mại đối với các hoạt động kinh doanh của cơ sở kinh doanh dược nhằm đảm bảo trật tự, kỷ cương và tăng cường sự tuân thủ pháp luật về dược; lấy mẫu, kiểm tra chất lượng, kiểm soát chặt chẽ chất lượng thuốc, dược liệu lưu hành trên thị trường, nhất là dược liệu nhập khẩu.
- Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư, nghiên cứu, chọn, tạo, sản xuất giống cây dược liệu, tham gia phát triển nuôi trồng dược liệu theo tiêu chuẩn “Thực hành tốt trồng trọt và thu hái thuốc” (GACP).
- Bảo tồn các nguồn gen dược liệu đặc hữu, quý hiếm có giá trị kinh tế cao; khai thác bền vững, hạn chế xuất khẩu các dược liệu quý hiếm, nguy cấp.
4. Đảm bảo sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, hiệu quả
- Triển khai có hiệu quả các hoạt động dược lâm sàng theo lộ trình tại các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
- Cải thiện chất lượng hoạt động cảnh giác dược tại các cơ sở khám chữa bệnh, nhà thuốc; tập trung nâng cao vai trò và năng lực của người dược sĩ trong thực hành tư vấn sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, hiệu quả.
- Triển khai các quy định về kê đơn thuốc, thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc; quản lý chặt chẽ hoạt động thông tin, quảng cáo thuốc.
- Triển khai các hoạt động giám sát hiệu quả, an toàn và quản lý nguy cơ liên quan đến thuốc trong quá trình lưu hành sản phẩm tại các cơ sở kinh doanh thuốc.
- Nâng cao công tác giáo dục nhận thức và kiến thức về sử dụng thuốc an toàn hợp lý cho người bệnh và cộng đồng. Tiếp tục tổ chức triển khai có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”.
5. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đảm bảo về nhân lực và đào tạo
- Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào phát triển ngành Dược tại địa phương. Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ về dược cấp tỉnh, cấp quốc gia liên quan đến ngành Dược được triển khai trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung vào các nội dung liên quan đến phát triển dược liệu trên địa bàn tỉnh.
- Xây dựng chính sách đào tạo nguồn nhân lực dược. Thu hút, tuyển dụng dược sỹ đại học chính quy, đào tạo dược sỹ trên đại học chuyên ngành dược lâm sàng. Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho các nhân viên hành nghề dược và cán bộ y tế phụ trách công tác dược tại các cơ sở y tế về công tác quản lý và cung ứng thuốc.
- Chú trọng đầu tư nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong bảo tồn nguồn gen dược liệu đặc hữu, quý, có giá trị kinh tế cao, nghiên cứu chọn tạo giống mới từ nguồn gen dược liệu trong tỉnh. Sưu tầm, nghiên cứu kế thừa các bài thuốc và kinh nghiệm sử dụng cây thuốc của các dân tộc trong cộng đồng.
6. Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số để hiện đại hóa ngành Dược
- Tham gia hiệu quả, kịp thời vào hệ thống theo dõi, giám sát về hoạt động cung ứng thuốc và tối ưu hóa sử dụng thuốc trên người bệnh.
- Hoàn thành việc kết nối online dữ liệu kinh doanh thuốc (bán buôn, bán lẻ và sử dụng), chú trọng giám sát về chất lượng, giá, thông tin thuốc, nguồn gốc xuất xứ của thuốc.
- Chú trọng khai thác hạ tầng bưu chính để thúc đẩy các dịch vụ thương mại điện tử, dịch vụ bưu chính và logistics trong việc đóng gói, phân loại, bảo quản và vận chuyển các sản phẩm ngành dược nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế y tế số.
- Triển khai thực hiện các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực dược.
7. Thông tin, truyền thông
- Tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức của các cơ sở kinh doanh dược về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về dược, hoạt động khoa học công nghệ và xu hướng hội nhập trong lĩnh vực dược.
- Vận động các nguồn lực nhằm tăng cường truyền thông và nâng cao nhận thức của người hành nghề trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh, dược và nhận thức của người bệnh trong việc sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả, rõ nguồn gốc và chất lượng.
- Tăng cường thông tin, quảng bá sản phẩm thuốc, dược liệu mang thương hiệu quốc gia. Truyền thông về chất lượng, an toàn, hiệu quả và giá hợp lý của thuốc sản xuất trong nước, các thông tin về nguồn gốc, tác dụng của dược liệu, nhất là các dược liệu đặc hữu của Việt Nam.
IV. NGUỒN VỐN THỰC HIỆN
Đa dạng nguồn vốn huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để triển khai thực hiện Chiến lược trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, gồm: Nguồn ngân sách nhà nước cấp (chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên) theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành; kinh phí lồng ghép trong các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án đầu tư công; kinh phí vận động, huy động từ các nhà tài trợ, các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân trong và ngoài nước; kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Các sở, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch này, bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả, tiết kiệm, tránh hình thức, lãng phí.
2. Sở Y tế
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch; kịp thời tham mưu, đề xuất những nội dung thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện Chiến lược; tổng hợp báo cáo Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện theo quy định.
- Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát thực hiện Kế hoạch. Chỉ đạo các đơn vị trong ngành tổ chức thực hiện hiệu quả các mục tiêu của Kế hoạch. Theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các hoạt động kinh doanh của cơ sở kinh doanh dược.
3. Sở Tài chính: Căn cứ khả năng cân đối của ngân sách địa phương, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí thực hiện Kế hoạch theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật có liên quan.
4. Sở Khoa học và Công nghệ: Ưu tiên đề xuất, tham mưu triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ về dược, trong đó tập trung vào các nội dung liên quan đến phát triển thuốc, bảo tồn nguồn gen dược liệu; nghiên cứu chọn tạo giống mới từ nguồn gen dược liệu để nâng cao năng suất, chất lượng; ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sơ chế, chiết xuất, bào chế và tiêu chuẩn hóa dược liệu và thuốc từ dược liệu; sưu tầm, nghiên cứu kế thừa các bài thuốc và kinh nghiệm sử dụng cây thuốc trong cộng đồng; phát triển công nghiệp dược, công nghiệp hoá dược.
5. Sở Thông tin và Truyền thông: Phối hợp với Sở Y tế và các ngành liên quan định hướng nội dung, tăng cường thông tin, tuyên truyền Luật Dược năm 2016, Chiến lược và các văn bản, quy định pháp luật có liên quan; chính sách phát triển ngành dược; tăng cường kiểm tra, chủ động nắm tình hình việc quảng cáo thuốc chữa bệnh, tổ chức sự kiện về thuốc chữa bệnh.
6. Đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các cơ quan truyền thông tích cực tham gia tuyên truyền, giám sát việc tổ chức thực hiện Kế hoạch này.
7. Ủy ban nhân dân huyện, thành phố: Chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch thực hiện Chiến lược đảm bảo hiệu quả, phù hợp; ưu tiên về quỹ đất sạch cho đầu tư xây dựng các nhà máy, khu công nghiệp dược, bố trí giao đất cho các dự án phát triển dược liệu. Áp dụng cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện thực tế nhằm khuyến khích phát triển ngành Dược địa phương trong giai đoạn mới.
(Chi tiết một số nhiệm vụ chủ yếu gửi kèm theo)
Các sở, ngành cấp tỉnh, các cơ quan, đơn vị, địa phương khẩn trương triển khai thực hiện Kế hoạch. Định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Y tế để tổng hợp) kết quả thực hiện hằng năm (trước ngày 25/12) hoặc báo cáo đột xuất theo quy định. Trong quá trình thực hiện, trường hợp phát sinh khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền, kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Y tế để tổng hợp) chỉ đạo, giải quyết./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN |
PHỤ LỤC
MỘT
SỐ NHIỆM VỤ CHỦ YẾU THỰC HIỆN KẾ HOẠCH
(Kèm theo Kế hoạch số 163/KH-UBND ngày 04/9/2024 của UBND tỉnh Tuyên Quang)
TT |
Nhiệm vụ |
Cơ quan chủ trì |
Cơ quan phối hợp |
Thời gian hoàn thành |
1 |
Đề xuất với Bộ Y tế và các ngành có liên quan bổ sung thêm huyện Lâm Bình và các địa phương khác trên địa bàn tỉnh vào dự án đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 |
Sở Y tế |
Các sở, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan, UBND huyện, thành phố |
Năm 2024- 2030 |
2 |
Quan tâm bố trí, dành quỹ đất cho phát triển các cơ sở nghiên cứu, sản xuất thuốc phù hợp với các quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt |
Sở Tài nguyên và Môi trường |
Sở Y tế, các sở, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan, UBND huyện, thành phố |
Hằng năm |
3 |
Tiếp tục triển khai thực hiện đề án thu hút đầu tư của tỉnh, trong đó có lĩnh vực phát triển công nghiệp dược, sản xuất thuốc, vùng nuôi trồng dược liệu trên địa bàn tỉnh |
Sở kế hoạch và Đầu tư |
Sở Y tế, các sở, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan, UBND huyện, thành phố |
Hằng năm |
4 |
Nghiên cứu, xây dựng và đề xuất các chính sách ưu đãi đối với công tác nuôi trồng và chế biến dược liệu; chính sách huy động, thu hút và khuyến khích các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia vào mạng lưới cung ứng thuốc và thực hiện nhiệm vụ công ích theo đúng quy định của nhà nước. |
Sở Y tế |
Các sở, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan, UBND huyện, thành phố |
Hằng năm |
5 |
Xây dựng Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt phòng kiểm nghiệm thuốc” (GLP) |
Sở Y tế |
Các sở, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan |
Năm 2026 |
6 |
Tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức của các cơ sở kinh doanh dược về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về dược, hoạt động khoa học công nghệ và xu hướng hội nhập trong lĩnh vực dược; thông tin, quảng bá sản phẩm thuốc, dược liệu mang thương hiệu quốc gia |
Sở Y tế |
Sở Thông tin và Truyền thông; các sở, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan, UBND huyện, thành phố |
Hằng năm |
7 |
Quản lý chặt chẽ việc cung ứng, đấu thầu mua thuốc, giá thuốc, đảm bảo công khai, minh bạch, ưu tiên thuốc chất lượng cao, giá hợp lý, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc và mọi người dân có điều kiện tiếp cận, lựa chọn, sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả |
Sở Y tế |
Các sở, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan, UBND huyện, thành phố |
Hằng năm |
8 |
Triển khai các quy định về kê đơn thuốc, thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc; các hoạt động giám sát hiệu quả, an toàn và quản lý nguy cơ liên quan đến thuốc trong quá trình lưu hành sản phẩm tại các cơ sở kinh doanh thuốc |
Sở Y tế |
Các sở, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan, UBND huyện, thành phố |
Hằng năm |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.