ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
VIỆT NAM |
Số: 162/KH-UBND |
Hà Nội, ngày 30 tháng 11 năm 2010 |
KẾ HOẠCH
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI GIAI ĐOẠN 2013-2015
Thực hiện Nghị quyết số 13/2011/QH13 ngày 19/11/2011 của Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015, Quyết định số 2406/QĐ-TTg ngày 18/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2012-2015, Quyết định số 1210/QĐ-UBND ngày 05/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục và đào tạo giai đoạn 2012-2015; UBND Thành phố ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục và đào tạo trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2013-2015 như sau:
I. Kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục đào tạo giai đoạn 2010-2012:
1. Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy và HĐND, UBND Thành phố đã ban hành Đề án số 106/ĐA-UBND ngày 30/7/2009 nâng cao chất lượng giáo dục mầm non đến năm 2015 và Kế hoạch số 107/KH-UBND ngày 22/7/2010 phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi Thành phố Hà Nội đến năm 2015. Trong giai đoạn 2009-2012, ưu tiên nguồn kinh phí chương trình mục tiêu đầu tư mua sắm trang thiết bị và bồi dưỡng giáo viên mầm non; cơ bản các trường mầm non đã được đầu tư bộ đồ chơi ngoài trời; 100% trẻ 5 tuổi được tổ chức học 2 buổi/ ngày; 98,87% giáo viên mầm non được bồi dưỡng, chuẩn hóa.
2. Duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở đúng độ tuổi; đến hết năm 2011 đạt tỷ lệ 82% số người trong độ tuổi (18 đến 24) đạt trình độ phổ cập trung học phổ thông và tương đương; không có người mù chữ trong độ tuổi 15 đến 35. Chương trình mục tiêu giai đoạn ưu tiên đầu tư mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học tối thiểu cho các trường phổ thông công lập. Thực hiện biên soạn và trang bị lần đầu bộ giáo trình giảng dạy nếp sống văn minh - thanh lịch trong các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông của Thành phố (kỷ niệm 1000 năm Thăng Long), 100% giáo viên được bồi dưỡng theo chương trình sách giáo khoa mới
3. Hoàn thành « Dự án đào tạo cán bộ tin học, đưa tin học vào nhà trường » thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục và đào tạo giai đoạn 2005-2010; đến nay 100% các trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm kỹ thuật tổng hợp-hướng nghiệp, các trường chuyên nghiệp đã được trang bị phòng máy tính, nối mạng Internet; 100% giáo viên, cán bộ tin học được bồi dưỡng nghiệp vụ về Công nghệ thông tin.
4. Mua sắm trang thiết bị và hỗ trợ học phẩm, hỗ trợ đào tạo bồi dưỡng giáo viên trường phổ thông dân tộc nội trú, các trường học miền núi, vùng khó khăn. Tăng cường cơ sở vật chất trường học, hỗ trợ xây dựng các phòng học và trang thiết bị dạy học. Toàn Thành phố hiện nay có 665 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ trên 34% trường công lập đạt chuẩn quốc gia. Bước đầu mua sắm trang thiết bị phục vụ đào tạo thực hành nghề tại một số khoa cơ bản của trường trung học chuyên nghiệp trực thuộc.
Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục và đào tạo đã thực sự mang lại hiệu quả kinh tế xã hội cho các địa phương, đặc biệt là đối với huyện có nguồn thu ngân sách còn hạn chế. Chương trình đã góp phần quan trọng đẩy nhanh việc phổ cập giáo dục, nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường, nâng chuẩn giáo viên, tăng cường đầu tư sách giáo khoa, thiết bị dạy học thực hiện chương trình đổi mới giáo dục phổ thông, tăng cường cơ sở vật chất trường học, nhất là các trường vùng miền núi, vùng dân tộc, vùng khó khăn.
II. Sự cần thiết và căn cứ xây dựng Kế hoạch chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục đào tạo giai đoạn 2013-2015:
1. Giáo dục đào tạo Thủ đô cần phấn đấu để giữ vững vị trí dẫn đầu cả nước trong thực hiện nhiệm vụ chiến lược: Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho Thành phố. Không ngừng nâng cao chất lượng, tạo chuyển biến rõ nét trong giáo dục mầm non. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp theo hướng đồng bộ, hiện đại để thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, các khu vực của Thành phố.
Kế hoạch chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục đào tạo trên địa bàn thành phố Hà nội giai đoạn 2013-2015 nhằm hỗ trợ ngành giáo dục thực hiện các ngnị quyết của Quốc hội, Chính Phủ về giáo dục đào tạo; hoàn thành các đề án, kế hoạch phát triển giáo dục đào tạo của Thành phố Hà Nội.
2. Các căn cứ pháp lý để xây dựng Kế hoạch chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục đào tạo giai đoạn 2013-2015:
- Quyết định số 2406/QĐ-TTg ngày 18/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2012-2015;
- Quyết định số 1210/QĐ-UBND ngày 05/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục và đào tạo giai đoạn 2012-2015;
- Nghị quyết số 06/NQ-TU ngày 31/10/2011 của Thành ủy về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi thành phố Hà Nội giai đoạn 2011-2015.
III. Mục tiêu, chỉ tiêu, quy mô của Kế hoạch chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục đào tạo giai đoạn 2013-2015:
1. Mục tiêu chung: Hỗ trợ ngành giáo dục đào tạo thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về giáo dục và đào tạo và hoàn thành những nhiệm vụ đề ra trong chiến lược phát triển giáo dục 2011 - 2020, góp phần đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố Hà Nội.
2. Mục tiêu cụ thể của chương trình mục tiêu giáo dục đào tạo Thủ đô trong giai đoạn từ 2013-2015:
- Thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, duy trì và nâng cao kết quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục trung học cơ sở; củng cố kết quả xóa mù chữ và chống tái mù chữ;
- Tăng cường dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân;
- Hỗ trợ học sinh người dân tộc thiểu số, học sinh ở vùng khó khăn có điều kiện đến trường;
- Củng cố và tăng cường cơ sở vật chất hệ thống trường trung học phổ thông chuyên và các trường cao đẳng sư phạm, các khoa sư phạm trong trường cao đẳng;
- Nâng cao năng lực cán bộ quản lý Chương trình và giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các dự án thuộc chương trình. Tổ chức tổng kết.
3. Chỉ tiêu cần đạt trong giai đoạn từ 2013-2015:
- Hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi vào năm 2014. Trên 99% trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non được học Chương trình giáo dục mầm non mới.
- Đến năm 2015: Xóa hoàn toàn mù chữ và tái mù chữ trong độ tuổi 15-35 tuổi; tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi 15 - 60 đạt trên 96%. Trên 99% trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận với giáo dục, được đến trường và được hưởng chế độ giáo dục.
- Duy trì kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và THCS đúng độ tuổi; phấn đấu đến 2015 đạt tỷ lệ người trong độ tuổi được phổ cập trình độ THPT và tương đương đạt 90 %.
- Đào tạo bồi dưỡng đội ngũ giáo viên: Ưu tiên bồi dưỡng chương trình giáo duc mầm non mới cho giáo viên mầm non. Bồi dưỡng nghiệp vụ cho 100% cán bộ quản lý công tác phổ cập.
- Đến 2015 các trường tiểu học và phổ thông có đủ giáo viên dạy tiếng Anh đạt chuẩn; 100% trường được đầu tư trang thiết bị phòng học môn ngoại ngữ để dạy bắt buộc môn ngoại ngữ từ lớp 3. Triển khai dạy ngoại ngữ theo chương trình mới. Từ năm học 2015-2016 triển khai dạy và học tăng cường ngoại ngữ đối với 60% học sinh dạy nghề/trung cấp chuyên nghiệp, 60% số sinh viên cao đẳng.
- Hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị theo hướng đạt chuẩn quốc gia cho các cơ sở giáo dục miền núi, vùng khó khăn và cơ sở giáo dục có học sinh người dân tộc, các trường phổ thông dân tộc bán trú.
- Đến năm 2015 các trường, khoa sư phạm có cơ sở vật chất hiện đại phục vụ đào tạo giáo viên.
4. Quy mô phạm vi thực hiện của Kế hoạch chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục và đào tạo giai đoạn 2013-2015:
- Triển khai thực hiện các nội dung thuộc phạm vi 4 dự án thành phần của Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục đào tạo giai đoạn 2012-2015 được Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt tại Quyết định số 1210/QĐ-UBND ngày 05/9/2012. Lồng ghép thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của lĩnh vực giáo dục đào tạo đã được UBND Thành phố cụ thể hóa bằng các đề án, kế hoạch có nội dung phù hợp với các dự án thành phần của chương trình mục tiêu quốc gia giáo đục đào tạo.
- Đối tượng triển khai thực hiện: Các cơ sở giáo dục trực thuộc thành phố và quận huyện quản lý bao gồm: Các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục kỹ thuật tổng hợp-hướng nghiệp, trường trung cấp chuyên nghiệp.
- Các trường Cao đẳng trực thuộc Thành phố.
IV. Nội dung cụ thể của các dự án thành phần thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục và đào tạo giai đoạn 2013-2015 (bao gồm 4 dự án).
Dự án 1: Hỗ trợ phổ cập mầm non 5 tuổi, xóa mù chữ và chống tái mù chữ, duy trì kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, thực hiện phổ cập giáo dục THCS đúng độ tuổi và hỗ trợ phổ cập giáo dục trung học
a. Mục tiêu chỉ tiêu: Hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi vào năm 2014. Hoàn thành chỉ tiêu đào tạo bồi dưỡng giáo viên thuộc Đề án số 106/ĐA-UBND nâng cao chất lượng giáo dục mầm non của Thành phố đến 2015.
- Trên 99% trẻ em 5 tuổi được đến trường và học 2 buổi/ngày đủ 1 năm trước khi vào lớp 1. Có 100% trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non được học chương trình giáo dục mầm non mới.
- Hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ Việt Nam đã ký kết theo Chỉ thị số 10-CT/TƯ của Bộ chính trị: Thành phố Hà Nội không có người mù chữ và tái mù chữ trong độ tuổi 15-35 tuổi. 99% trở lên trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận với giáo dục, được đến trường và được hưởng chế độ giáo dục. Nâng tỷ lệ người trong độ tuổi từ 15-60 biết chữ đạt trên 98%.
- Củng cố nâng cao kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở đúng độ tuổi. Hỗ trợ phổ cập trung học phổ thông và tương đương đạt 90% vào năm 2015.
b. Nội dung:
- Năm 2013, hoàn thành trang bị bộ đồ chơi ngoài trời cho các trường mầm non (những trường xây mới và điểm trường chưa được đầu tư sẽ tiếp tục đầu tư mua sắm từ nguồn ngân sách quận, huyện, thị xã trong giai đoạn từ 2014-2015).
- Hoàn thành hỗ trợ bồi dưỡng, đào tạo 134.237 lượt giáo viên mầm non; hoàn thành cơ bản Đề án số 106/ĐA-UBND về Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non Thành phố Hà Nội đến năm 2015.
c. Kinh phí thực hiện: 135.400 triệu đồng (trong đó dự kiến nguồn TW 22.110 triệu đồng, ngân sách Thành phố 113.290 triệu đồng nguồn vốn sự nghiệp)
Dự án 2: Tăng cường dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân (thực hiện Quyết định số 1400/QĐ-TTg ngày 30/9/2008 của Thủ tướng phê duyệt Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân gian đoạn 2008-2020; chỉ đạo triển khai Đề án của Phó Thủ tướng tại Thông báo số 337/TB-VPCP ngày 04/10/2012; Kế hoạch số 90/KH-UBND ngày 21/6/2012 của UBND Thành phố về việc thực hiện Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020).
a. Mục tiêu: Đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ trong các bậc học nhằm đảm bảo đến năm 2015 nâng cao rõ rệt trình độ ngoại ngữ. Triển khai chương trình ngoại ngữ 10 năm đối với 70% học sinh lớp 3 và 40% học sinh lớp 6 vào năm học 2015-2016. Triển khai dạy và học tăng cường ngoại ngữ đối với 60% học sinh dạy nghề/trung cấp chuyên nghiệp, 60% số sinh viên cao đẳng từ năm hoc 2015-2016.
b. Nội dung:
- Đổi mới mục tiêu và phương pháp giảng dạy: xây dựng chương trình soạn sách giáo khoa tương ứng chương trình dạy ngoại ngữ 10 năm bắt đầu từ lớp 3 cho đến hết lớp 12
- Đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị phục vụ chương trình dạy ngoại ngữ 10 năm.
- Đào tạo và bồi dưỡng giáo viên dạy ngoại ngữ nhằm triển khai chương trình dạy và học ngoại ngữ mới đối với các cấp học và trình độ đào tạo.
- Từ năm học 2015-2016: Triển khai chương trình ngoại ngữ 10 năm đối với 70% học sinh lớp 3 và 40% học sinh lớp 6; triển khai dạy và học tăng cường ngoại ngữ đối với 60% học sinh dạy nghề/trung cấp chuyên nghiệp, 60% số sinh viên cao đẳng.
c. Kinh phí thực hiện: 496.700 triệu đồng (trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ dự kiến 60.000 triệu đồng, ngân sách Thành phố 436.700 triệu đồng nguồn vốn sự nghiệp)
Dự án 3: Hỗ trợ giáo dục miền núi, vùng dân tộc thiểu số và vùng có nhiều khó khăn; hỗ trợ cơ sở vật chất trường chuyên và trường sư phạm (Thực hiện Nghị quyết số 06/NQ-TU ngày 31/10/2011 của Thành ủy về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi thành phố Hà Nội giai đoạn 2011-2015).
a. Mục tiêu: Đảm bảo bình đẳng trong tiếp cận giáo dục giữa các vùng, miền. Hỗ trợ học sinh người dân tộc, học sinh con nhà nghèo, học sinh ở vùng khó khăn được đến trường qua đó đảm bảo phổ cập vững chắc bậc tiểu học và THCS. Đến năm 2015 hoàn thành xây dựng trường Phổ thông Dân tộc nội trú trực thuộc sở Giáo dục và Đào tạo đạt chuẩn Quốc gia.
- Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo bậc học phổ thông đối với học sinh người dân tộc để từ đó chuẩn bị nguồn nhân lực là người dân tộc có trình độ, có chất lượng.
- Hỗ trợ cơ sở vật chất trường, khoa sư phạm. Đến năm 2015 các trường, khoa sư phạm có cơ sở vật chất hiện đại phục vụ đào tạo giáo viên.
b. Nội dung:
- Thực hiện đầu tư thiết bị dạy học các trường thuộc huyện miền núi, vùng khó khăn. Triển khai thực hiện Nghị quyết số 06/NQ-TU ngày 31/10/2011 của Thành ủy, ưu tiên đầu tư xây dựng cải tạo trường học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở của 13 xã và 1 thôn thuộc 5 huyện Thạch Thất, Ba Vì, Quốc Oai, Mỹ Đức, Chương Mỹ; phấn đấu đến hết 2015 có trên 50% số trường đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất.
Nguồn vốn đầu tư phát triển ngân sách Thành phố cấp để thực hiện Kế hoạch của UBND Thành phố về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc miền núi của Thủ đô Hà nội theo Nghị quyết 06/NQ-TU ngày 31/10/2011 của Thành ủy Hà Nội.
- Hỗ trợ cơ sở vật chất trường, khoa sư phạm (nguồn vốn TƯ để đầu tư các trường cao đẳng sư phạm và các khoa sư phạm).
c. Kinh phí: 489.000 triệu đồng; trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ dự kiến 39.000 triệu đồng; ngân sách thành phố Hà Nội 450.000 triệu đồng nguồn vốn đầu tư.
Dự án 4: Tăng cường năng lực cán bộ quản lý Chương trỉnh và giám sát đánh giá thực hiện Chương trình
a. Mục tiêu: Nâng cao năng lực cán bộ quản lý Chương trình và giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các dự án thuộc chương trình.
b. Nhiệm vụ: Tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện hàng năm. Định kỳ theo yêu cầu. Tổ chức tổng kết, hội nghị giao ban. Thực hiện kiểm toán khi có yêu cầu.
c. Kinh phí: 900 triệu đồng (nguồn sự nghiệp ngân sách trung ương cấp).
V. Tổng vốn và nguồn vốn thực hiện chương trình:
1. Tổng kinh phí đầu tư giai đoạn 2013-2015: 1.122 triệu đồng (dự kiến ngân sách trung ương hỗ trợ 122,010 triệu đồng, ngân sách thành phố 999,990 triệu đồng).
2. Nguồn vốn:
- Nguồn đầu tư phát triển: 450.000 triệu đồng - ngân sách Thành phố.
- Nguồn vốn sự nghiệp: 672.000 triệu đồng (dự kiến ngân sách trung ương 122.010 triệu đồng, ngân sách thành phố 549.990 triệu đồng)
(chi tiết theo biểu Phụ lục số 2)
VI. Tổ chức thực hiện Kế hoạch:
1. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội: Là cơ quan thường trực, chủ trì thực hiện Kế hoạch chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục và đào tạo giai đoạn 2013-2015. Chủ trì xây dựng chỉ tiêu và kế hoạch kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu giáo dục và đào tạo từng năm và cả giai đoạn theo chỉ đạo của Trung ương và Thành phố. Tổng hợp báp cáo, tham mưu đề xuất tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện; hướng dẫn và đôn đốc các quận, huyện, thị xã, các trường cao đẳng trực thuộc Thành phố triển khai thực hiện đảm bảo hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch.
2. Ban Dân tộc Thành phố Hà Nội, UBND các huyện, các sở ngành có liên quan triển khai thực hiện dự án 3 theo nhiệm vụ được phân công tại kế hoạch của UBND Thành phố thực hiện Nghị quyết số 06/NQ-TU ngày 31/10/2011 của Thành ủy về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi thành phố Hà Nội giai đoạn 2011-2015;
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính: Căn cứ kế hoạch 3 năm 2013-2015 để tổng hợp cân đối trình UBND Thành phố phê duyệt phân bổ kinh phí thực hiện chương trình hàng năm, đảm bảo hoàn thành mục tiêu và chỉ tiêu định hướng.
4. Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã: Triển khai thực hiện Kế hoạch chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục đào tạo trên địa bàn; có trách nhiệm bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương ưu tiên thực hiện các mục tiêu thuộc chương trình. Thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.
5. Các trường Cao đẳng trực thuộc Thành phố có trách nhiệm lập kế hoạch kinh phí, đề xuất các nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Thành phố để thực hiện kế hoạch giai đoạn 3 năm và từng năm để đảm bảo đủ điều kiện triển khai dạy và học tăng cường ngoại ngữ đối với 60% học sinh dạy nghề/trung cấp chuyên nghiệp, 60% số sinh viên cao đẳng từ năm học 2015-2016.
Kế hoạch chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục đào tạo trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2013-2015 có hiệu lực kể từ ngày ký. UBND Thành phố yêu cầu các quận, huyện, thị xã, các sở, ban, ngành, các trường cao đẳng trực thuộc nghiêm túc triển khai thực hiện, bảo đảm hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu phê duyệt./.
Nơi nhận: |
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.