ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1590/KH-UBND |
Bình Dương, ngày 05 tháng 4 năm 2024 |
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 149/NQ-CP NGÀY 21/9/2023 CỦA CHÍNH PHỦ VÀ CHƯƠNG TRÌNH SỐ 120-CTR/TU NGÀY 30/6/2023 CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY BÌNH DƯƠNG VỀ VIỆC THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 23-CT/TW NGÀY 25/5/2023 CỦA BAN BÍ THƯ VỀ TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI CÔNG TÁC BẢO ĐẢM TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG TRONG TÌNH HÌNH MỚI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG
Thực hiện Nghị quyết số 149/NQ-CP ngày 21/9/2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới và Chương trình số 120-CTr/TU ngày 30/6/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương về việc thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới; Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị số 23- CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư, Nghị định số 149/NQ-CP ngày 21/9/2023 của Chính phủ, Chương trình số 120-CTr/TU ngày 30/6/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương; tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT); kiên trì xây dựng văn hóa chấp hành pháp luật, ứng xử văn minh khi tham gia giao thông; tiếp tục kéo giảm tai nạn giao thông, hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông.
2. Nâng cao nhận thức trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với công tác bảo đảm TTATGT; xác định công tác bảo đảm TTATGT là một nội dung quan trọng trong công tác bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, là một trong những động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
3. Nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị hoàn thiện các chính sách liên quan, bảo đảm công tác quản lý nhà nước về giao thông thống nhất, thông suốt, hiệu quả. Nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức công vụ, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác bảo đảm TTATGT.
4. Huy động các nguồn lực, đảm bảo đầu tư phát triển nhanh, đồng bộ hạ tầng giao thông phù hợp với quy mô, định hướng phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh; ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại, thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ trong lĩnh vực giao thông.
II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP VÀ PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM
1. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, quy định của Nhà nước về bảo đảm TTATGT
a) Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Công an tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tăng cường quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, quy định của Nhà nước đối với công tác bảo đảm TTATGT, đặc biệt là các nội dung như Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư, Nghị định số 149/NQ-CP ngày 21/9/2023 của Chính phủ, Chương trình số 120-CTr/TU ngày 30/6/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương. Tổ chức lồng ghép có hiệu quả các chủ trương của Đảng, quy định của Nhà nước vào chương trình, kế hoạch của cơ quan, đơn vị, địa phương, đảm bảo cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị từ cấp tỉnh đến cơ sở, đảng viên, cán bộ, chiến sĩ, công chức, viên chức, người lao động được nâng cao nhận thức và thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp theo tinh thần Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý các tổ chức, cá nhân không thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao về lĩnh vực giao thông.
- Tăng cường công tác kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm TTATGT theo đúng quy định của pháp luật, kịp thời khởi tố các vụ tai nạn giao thông có dấu hiệu tội phạm, điều tra, xác định nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông để làm rõ trách nhiệm, xử lý cá nhân, tổ chức có liên quan và có giải pháp phòng ngừa hiệu quả.
b) Từng đảng viên, cán bộ, chiến sĩ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu phải gương mẫu và tích cực tuyên truyền vận động người thân, gia đình và người dân thực hiện đúng theo các quy định pháp luật về việc bảo đảm TTATGT; đồng thời không can thiệp vào quá trình xử lý các hành vi vi phạm về TTATGT của các cơ quan chức năng.
c) Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội từ cấp tỉnh đến cơ sở, các cơ quan báo chí, truyền thông và Nhân dân đẩy mạnh hoạt động giám sát, phản biện trong công tác bảo đảm TTATGT.
2. Hoàn thiện hệ thống pháp luật, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và phân định rõ trách nhiệm trong quản lý nhà nước về giao thông
a) Các sở, ban, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về TTATGT để đề xuất, tham mưu sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo đảm TTATGT theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xác định rõ phạm vi quản lý nhà nước giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm TTATGT gắn với bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông và phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện nghiêm công tác quản lý nhà nước, khắc phục tình trạng chồng chéo, buông lỏng quản lý; tập trung tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách huy động và quản lý, sử dụng các nguồn lực xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng và bảo đảm TTATGT.
b) Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tham gia đóng góp ý kiến các quy định pháp luật có liên quan đến Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật giao thông đường bộ để đồng bộ hóa hệ thống pháp luật về giao thông.
c) Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các sở, ngành chức năng có liên quan, chính quyền địa phương rà soát lưu lượng các phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến đường thuộc thẩm quyền quản lý, có dự tính đối với các chủ trương đầu tư làm phát sinh, gia tăng lưu lượng phương tiện tham gia giao thông trong tương lai, đảm bảo hiệu quả cho công tác phân luồng giao thông các tuyến đường trên địa bàn tỉnh.
3. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về bảo đảm TTATGT
a) Ban An toàn giao thông tỉnh, huyện, thị xã, thành phố tăng cường phối hợp với các ngành chức năng, Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tập trung nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT, đa dạng hóa nội dung, hình thức theo hướng dễ hiểu, dễ tiếp thu, phù hợp từng địa bàn, từng nhóm đối tượng, nhất là thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên, người lao động ngoại tỉnh... nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và Nhân dân trong công tác bảo đảm TTATGT, mỗi người dân phải có ý thức tự bảo vệ mình và trách nhiệm bảo vệ người khác khi tham gia điều khiển phương tiện giao thông.
b) Sở Thông tin và Truyền thông định hướng cho các cơ quan truyền thông và các hệ thống thông tin cơ sở tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân về việc đảm bảo TTATGT thông qua các chuyên trang, chuyên mục trên không gian mạng và hạ tầng số.
c) Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh, Công an tỉnh chỉ đạo các cơ sở giáo dục đổi mới nội dung, chương trình giảng dạy về luật giao thông; tăng cường công tác phối hợp giữa nhà trường và gia đình, các cơ quan, đoàn thể giáo dục cho thanh, thiếu niên chấp hành theo đúng quy định về việc đảm bảo TTATGT khi tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông từ trên ghế nhà trường; hàng năm, tổ chức phát động phong trào thi đua bảo đảm TTATGT.
d) Công an tỉnh đẩy mạnh thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” gắn với phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, bảo đảm TTATGT.
đ) Các sở, ban, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về TTATGT, xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến, khen thưởng hoặc đề xuất khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, có cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả; kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền, vận động với giám sát, kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về giao thông, hình thành thói quen tham gia giao thông văn minh.
4. Tập trung nguồn lực xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giao thông
a) Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tăng cường phối hợp các Bộ, Ngành Trung ương, địa phương có liên quan triển khai rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch, tập trung các nguồn lực xây dựng, phát triển và kết nối đồng bộ các hệ thống hạ tầng giao thông, nâng cao năng lực vận tải, bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn theo hướng hiện đại, bền vững, lâu dài, phù hợp với tổng thể quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trọng tâm là tạo mọi điều kiện đầu tư để triển khai các tuyến đường mang tính kết nối vùng, liên vùng, trục đường giao thông huyết mạch và các tuyến đường huyện, đường đô thị, đường xã trên địa bàn tỉnh; tổ chức điều tiết, đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến đường đang thi công không để xảy ra ùn tắc và tai nạn giao thông.
- Tập trung nguồn lực, quan tâm phát triển vận tải hành khách bằng xe buýt, xe công cộng và nâng cao chất lượng dịch vụ để thu hút ngày càng nhiều sự tham gia của người dân nhằm giảm hoạt động xe tư nhân, tránh ùn tắc ở khu đô thị; phối hợp nghiên cứu, đề xuất chủ trương đầu tư, xây dựng kết nối hiệu quả các loại hình giao thông đường sắt, đường thủy nội địa để giảm áp lực cho giao thông đường bộ.
- Đầu tư, nâng cấp bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật và điều kiện an toàn giao thông đối với hệ thống hạ tầng giao thông. Đầu tư cải tạo, nâng cấp, mở rộng đường giao thông trong khu dân cư, chỉnh trang vỉa hè khu dân cư; cải tạo nâng cấp hệ thống chiếu sáng công cộng...; lồng ghép nội dung về bảo đảm TTATGT trong quy hoạch tỉnh, quy hoạch nông thôn và các quy hoạch chuyên ngành liên quan đến giao thông bảo đảm khả thi, an toàn, phù hợp với thực tiễn và thực hiện nghiêm quy hoạch được phê duyệt.
- Đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, điều hành giao thông; kết hợp với kinh nghiệm của các địa phương trong nước và các quốc gia trên thế giới, nhất là những quốc gia phát triển, có điều kiện kinh tế - xã hội tương đồng để phù hợp với thực tiễn Việt Nam và của tỉnh Bình Dương. Tăng cường hợp tác quốc tế về phát triển, quản lý, bảo đảm TTATGT.
b) Công an tỉnh phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các ngành chức năng có liên quan tập trung nguồn lực, ngân sách, nhân sự để hoàn thành sớm dự án lắp đặt camera giám sát an ninh, an toàn giao thông theo Quyết định số 767/QĐ-UBND ngày 30/3/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh, góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm TTATGT trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
c) Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan thực hiện các giải pháp thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn trong nước, quốc tế và các nguồn vốn hợp pháp khác đầu tư vào tỉnh nhằm xây dựng, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng, các tuyến giao thông huyết mạch, đường vành đai, các trục giao thông trọng tâm...
5. Nâng cao năng lực quản lý, điều hành, phối hợp các lực lượng trong bảo đảm TTATGT
a) Các sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan có chức năng, nhiệm vụ bảo đảm TTATGT theo hướng thu gọn đầu mối, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, khắc phục tình trạng chồng chéo chức năng, nhiệm vụ. Thường xuyên đánh giá, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các tổ chức phối hợp liên ngành trong lĩnh vực bảo đảm TTATGT.
b) Sở Giao thông vận tải nghiên cứu, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban An toàn giao thông tỉnh ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ hiện đại về giao thông thông minh (đèn tín hiệu giao thông thông minh tự điều chỉnh thời gian để phân luồng giao thông; đèn chiếu sáng thông minh tự bật, tắt để cảnh báo cho người tham gia giao thông (đặc biệt vào lúc trời tối) cũng như việc làm giảm khả năng tiêu thụ điện, tiết kiệm chi phí trong công tác quản lý), nâng cao công tác đảm bảo TTATGT.
- Chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng có liên quan nghiên cứu, tham mưu, thực hiện các giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng đăng ký, đăng kiểm phương tiện giao thông; đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép điều khiển phương tiện giao thông, bảo đảm phương tiện tham gia giao thông phải đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn kỹ thuật, người điều khiển phương tiện phải hiểu biết đầy đủ pháp luật, có đủ kỹ năng tham gia giao thông.
- Tăng cường quản lý hoạt động vận tải, ưu tiên đầu tư phát triển vận tải hành khách công cộng, chuyển đổi sang các phương tiện giao thông xanh. Siết chặt công tác quản lý vận tải, nhất là đối với ô tô khách, ô tô tải, ô tô đầu kéo; gắn chặt trách nhiệm của chủ doanh nghiệp vận tải với người điều khiển phương tiện được chủ doanh nghiệp thuê.
- Hàng năm, tổ chức tổng kiểm soát các loại phương tiện vận tải trên địa bàn tỉnh, chú trọng việc rà soát các phương tiện hết hạn đăng kiểm, làm rõ lý do không được đăng kiểm, yêu cầu chủ doanh nghiệp cam kết không đưa phương tiện không đảm bảo điều kiện vào hoạt động; hết niên hạn sử dụng, hết hạn đăng kiểm vào lưu hành. Tăng cường thanh kiểm tra công tác đăng kiểm của các trung tâm đăng kiểm trên địa bàn tỉnh, quản lý chặt chẽ các phương tiện hoạt động trên địa bàn tỉnh.
c) Công an tỉnh tham mưu, thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đăng ký, quản lý, cấp biển số phương tiện giao thông theo hướng định danh phương tiện gắn với định danh cá nhân.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải và các ngành có liên quan tham mưu Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng đề ra các giải pháp kiềm chế tai nạn giao thông, làm giảm số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng và ùn tắc giao thông. Trong đó, quy định rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan nếu để tình hình TTATGT diễn biến phức tạp, đặc biệt là để xảy ra tai nạn giao thông gây dư luận xấu hoặc có hậu quả đặc biệt nghiêm trọng trên địa bàn quản lý.
6. Khắc phục bất cập hạ tầng giao thông, ùn tắc giao thông tại các tuyến trọng điểm
a) Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã thành phố và các ngành chức năng triển khai thực hiện đúng quy hoạch đô thị, quy hoạch giao thông; yêu cầu chủ đầu tư khu đô thị, khu nhà ở thường xuyên duy tu, sửa chữa hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông theo quy trình bảo trì công trình đã được phê duyệt.
- Tăng cường quản lý trật tự đô thị, quản lý lòng đường, hè phố; nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu về bến bãi, điểm đỗ phương tiện giao thông. Xác định rõ trách nhiệm của các cấp chính quyền trong việc để xảy ra vi phạm về TTATGT trên vỉa hè, đường phố.
- Khắc phục kịp thời các “điểm đen”, “điểm tiềm ẩn” tai nạn giao thông và các bất hợp lý trong tổ chức giao thông.
b) Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục phát huy nhân rộng phương án phân luồng, cấm giờ cao điểm đối với các loại phương tiện (phương tiện kéo rơ-mooc và xe sơ- mi rơ-mooc; ô tô có trọng tải toàn bộ xe trên 10 tấn) trên một số tuyến đường, gắn với việc bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là hành lang an toàn giao thông; khai thác hiệu quả các thiết bị quản lý giao thông góp phần giảm ùn tắc giao thông; rà soát, tổ chức phân luồng giao thông hợp lý, trong đó tập trung trên các tuyến đường huyết mạch của tỉnh; tiếp tục phối hợp, xử lý các điểm ngập nước cục bộ trên các tuyến đường tỉnh, quốc lộ.
c) Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Thanh tra Giao thông vận tải xây dựng kế hoạch phân công, bố trí lực lượng ứng trực, điều tiết giao thông tại các giao lộ lớn trong các giờ cao điểm; Tiếp tục tham mưu thực hiện hiệu quả Đề án “Đội Cơ động xử lý sự cố giao thông” theo đúng mục đích, yêu cầu đề ra.
d) Sở Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các doanh nghiệp BOT thường xuyên duy tu, sửa chữa các tuyến đường; khắc phục các bất cập về kết cấu hạ tầng giao thông.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao và tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng Kế hoạch và tổ chức thực hiện hiệu quả các giải pháp về bảo đảm TTATGT theo chỉ đạo của Ban Bí thư, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh. Định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu, báo cáo kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được giao về Công an tỉnh để tổng hợp, báo cáo Bộ Công an, Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.
2. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh tích cực tham gia công tác bảo đảm TTATGT; tổ chức phổ biến nội dung Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư, Nghị định số 149/NQ-CP ngày 21/9/2023 của Chính phủ, Chương trình số 120-CTr/TU ngày 30/6/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương và nội dung Kế hoạch này đến đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân nhằm phát huy hiệu quả của hệ thống chính trị đối với công tác bảo đảm TTATGT trong tình hình mới.
3. Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Ban An toàn giao thông tỉnh và các cơ quan, đơn vị có liên quan theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện Kế hoạch này; định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu, tổng hợp, báo cáo Bộ Công an, Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện; chủ trì, phối hợp tổ chức sơ kết 5 năm, tổng kết 10 năm thực hiện để đánh giá toàn diện việc quán triệt và tổ chức thực hiện.
Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vấn đề khó khăn, vướng mắc phát sinh; các cơ quan, đơn vị, địa phương kịp thời phản ánh về Công an tỉnh để tổng hợp, báo cáo, đề xuất, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.