ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 155/KH-UBND |
Sơn La, ngày 03 tháng 6 năm 2024 |
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN PHÁP LUẬT CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG VÀ NGƯỜI SỬ DỤNG LAO ĐỘNG ĐÁP ỨNG YÊU CẦU THỰC THI CÁC CAM KẾT QUỐC TẾ VỀ LAO ĐỘNG GIAI ĐOẠN 2023 - 2030” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SƠN LA
Căn cứ Quyết định số 1400/QĐ-TTg ngày 17/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động đáp ứng yêu cầu thực thi các cam kết quốc tế về lao động giai đoạn 2023 - 2030”.
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 102/TTr-SLĐTBXH ngày 27/5/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động đáp ứng yêu cầu thực thi các cam kết quốc tế về lao động giai đoạn 2023 - 2030” trên địa bàn tỉnh, như sau:
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu tổng quát
- Tiếp tục đổi mới toàn diện công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ) trong các loại hình doanh nghiệp, tăng cường cơ chế phối hợp liên ngành; huy động nguồn lực xã hội; chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động PBGDPL.
- Triển khai đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm công tác PBGDPL cho doanh nghiệp, tạo chuyển biến có chất lượng, hiệu quả cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận, nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật lao động và thực thi các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản, góp phần thúc đẩy quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ, hạn chế rủi ro pháp lý, giảm thiểu tranh chấp lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Đảm bảo 90% - 100% cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương thực hiện phổ biến, thông tin kịp thời, đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan tới quyền, nghĩa vụ của NLĐ và NSDLĐ trước và sau khi được ban hành theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao với nội dung và hình thức phù hợp theo quy định của pháp luật.
b) Đảm bảo 100% văn bản quy phạm pháp luật, thông tin pháp luật về lao động, quan hệ lao động và nội dung, yêu cầu thực thi cam kết quốc tế về lao động được công khai kịp thời, đầy đủ, chính xác; cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương có trách nhiệm bảo đảm cho NLĐ và NSDLĐ được tiếp cận thông tin thuận lợi, dễ dàng, nhanh chóng.
c) Đảm bảo 100% các câu hỏi và đề nghị tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật lao động của NLĐ và NSDLĐ được tiếp nhận và hướng dẫn, trả lời.
d) Nâng cao nhận thức, trách nhiệm, thói quen tìm hiểu và thực hiện pháp luật của NLĐ và NSDLĐ, đặc biệt là pháp luật về quan hệ lao động, lao động đặc thù liên quan đến việc thực thi các cam kết quốc tế về lao động, nhất là cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên về tự do hiệp hội và thương lượng tập thể; bình đẳng, không phân biệt đối xử trong lao động; phòng, chống lao động cưỡng bức; xoá bỏ lao động trẻ em…
đ) Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác PBGDPL.
e) Duy trì sự phối hợp chặt chẽ giữa các Sở, ban, ngành và địa phương; giữa cơ quan quản lý nhà nước với các tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp trong việc PBGDPL cho doanh nghiệp; triển khai các giải pháp xã hội hoá công tác PBGDPL cho doanh nghiệp.
II. NỘI DUNG, ĐỐI TƯỢNG, THỜI GIAN THỰC HIỆN
1. Nội dung
a) Pháp luật về lao động, quan hệ lao động.
b) Nội dung, yêu cầu thực thi các cam kết quốc tế về lao động, nhất là các cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam tham gia.
c) Các chính sách có tác động lớn đến NLĐ và NSDLĐ.
2. Đối tượng
a) Các cơ quan, tổ chức tham gia thực hiện PBGDPL lao động.
b) Cán bộ, công chức làm công tác PBGDPL.
c) Trọng tài viên lao động cấp tỉnh và hoà giải viên lao động cấp huyện.
d) NLĐ và NSDLĐ, nhất là NLĐ và NSDLĐ tại các địa bàn, khu công nghiệp, khu kinh tế tập trung nhiều doanh nghiệp thâm dụng lao động, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp có sử dụng nhiều lao động là người dân tộc thiểu số, người khuyết tật.
3. Thời gian thực hiện
Thời gian triển khai thực hiện Kế hoạch này từ năm 2024 - 2030.
III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Nâng cao nhận thức, năng lực, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức làm công tác PBGDPL cho người NLĐ và NSDLĐ trong bối cảnh mới thực thi các cam kết quốc tế về lao động
- Quán triệt, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc nâng cao nhận thức, vai trò tầm quan trọng của công tác PBGDPL; tăng cường phối hợp cùng cấp, với cấp trên và cấp dưới trong việc đẩy mạnh tuyên truyền PBGDPL cho NLĐ và NSDLĐ.
- Bồi dưỡng, nâng cao chất lượng về chuyên môn (pháp luật lao động và các cam kết quốc tế về lao động của Việt Nam); bồi dưỡng năng lực, nghiệp vụ, kỹ năng thực hiện công tác PBGDPL cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên để đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh mới.
- Trao đổi về thực trạng, các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện công tác PBGDPL cho NLĐ và NSDLĐ. Tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện Đề án, đề xuất hoàn thiện pháp luật (nếu cần thiết) nhằm nâng cao hiệu quả thực thi công tác PBGDPL cho NLĐ và NSDLĐ gửi cơ quan có thẩm quyền.
2. Triển khai hiệu quả công tác PBGDPL cho NLĐ và NSDLĐ đáp ứng yêu cầu thực thi các cam kết quốc tế về lao động
a) Biên soạn tài liệu làm cơ sở dữ liệu về PBGDPL cho NLĐ và NSDLĐ
- Nội dung tài liệu, cơ sở dữ liệu:
+ Pháp luật lao động, công đoàn.
+ Các cam kết quốc tế về lao động có liên quan của Việt Nam, tập trung vào cam kết trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và các công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).
- Hình thức:
+ Tài liệu đào tạo, tập huấn và các tài liệu nghiên cứu, tham khảo tăng cường kiến thức dành cho đội ngũ báo cáo viên PBGDPL.
+ Tài liệu truyền thông, PBGDPL cho NLĐ và NSDLĐ đa dạng dưới nhiều hình thức khác nhau như các video, tờ rơi, clip ngắn theo chủ đề, phóng sự, tài liệu thông tin pháp luật lao động…
+ Bản tin, tài liệu điện tử cho NLĐ và NSDLĐ theo chuyên đề, lĩnh vực pháp luật, cảnh báo vi phạm pháp luật, rủi ro pháp lý… được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Sơn La, UBND các huyện, thành phố, các Sở, ngành và các nền tảng mạng xã hội khác.
+ Thường xuyên cập nhật, cung cấp thông tin về chính sách, pháp luật lao động, công đoàn, các cam kết quốc tế về lao động, các chính sách có tác động lớn đến NLĐ và NSDLĐ trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Sơn La, UBND các huyện, thành phố và các Sở, ban, ngành liên quan.
b) Tổ chức đối thoại, giải đáp các vướng mắc trong việc áp dụng và thực hiện pháp luật, hỗ trợ doanh nghiệp tuân thủ tốt pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực thi các cam kết quốc tế về lao động của Việt Nam
- Nội dung: Pháp luật về lao động, công đoàn, các cam kết quốc tế về lao động của Việt Nam, tập trung vào các quy định về điều kiện lao động, quan hệ lao động.
- Hình thức: Hội nghị đối thoại, toạ đàm
c) Thực hiện tuyên truyền, PBGDPL bằng các hình thức đa dạng, phong phú, linh hoạt
- Thực hiện tuyên truyền, PBGDPL bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với từng nhóm đối tượng, điều kiện thực tế của từng đơn vị, địa phương. Trong đó, tập trung vào tầm quan trọng, vai trò công tác PBGDPL lao động, công đoàn, các cam kết quốc tế về lao động; lợi ích của việc tuân thủ và thực thi pháp luật.
- Đổi mới phương thức tuyên truyền PBGDPL lao động cho NLĐ và NSDLĐ thông qua nhiều hình thức khác nhau; đẩy mạnh hình thức tuyên truyền qua các nền tảng mạng xã hội, nền tảng số, các kênh truyền thông (facebook, zalo, fanpage, youtube...)
- Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật lao động, công đoàn, cam kết quốc tế về lao động. Lồng ghép công tác PBGDPL thông qua các ngày hội, ngày lễ kỷ niệm, hội nghị người lao động, sinh hoạt văn hoá, thể thao của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhằm thu hút đông đảo các đối tượng tham gia.
d) Phát huy vai trò của cơ quan báo chí, xuất bản, các phương tiện thông tin đại chúng tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật, tư vấn pháp luật.
- Nội dung thực hiện:
+ Chỉ đạo, định hướng cơ quan báo chí, xuất bản, các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống thông tin cơ sở đổi mới nội dung, hình thức, đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật lao động, công đoàn và các cam kết quốc tế về lao động của Việt Nam.
+ Xây dựng tài liệu tập huấn, tuyên truyền, nâng cao năng lực cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên các cơ quan báo chí, xuất bản trên địa bàn tỉnh.
+ Tham gia các lớp tập huấn, tọa đàm các cơ quan báo chí, truyền thông, phóng viên, biên tập viên để nắm bắt thông tin kịp thời các chính sách về pháp luật lao động mới, có tác động lớn đến đời sống, xã hội và các cam kết quốc tế về lao động của Việt Nam.
e) Ứng dụng công nghệ thông tin, hướng tới chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL cho NLĐ và NSDLĐ đáp ứng yêu cầu của tình hình mới
- Đổi mới về hình thức và phương tiện truyền thông, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, nền tảng số, dữ liệu số, đa dạng hoá các loại hình sản phẩm trong công tác tuyên truyền, PBGDPL.
- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng phần mềm chuyên dụng, các ứng dụng mạng xã hội (YouTube, Facebook, Twitter...) vào kế hoạch PBGDPL.
- Nâng cao hiểu biết, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cho đội ngũ làm công tác tuyên truyền, PBGDPL.
IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN
1. Kinh phí thực hiện
- Kinh phí thực hiện Kế hoạch được bố trí từ ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và các nguồn huy động hợp pháp khác (nếu có).
- UBND các huyện, thành phố chủ động bố trí, cân đối nguồn ngân sách của địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ tại kế hoạch này.
- Khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức đại diện cho NLĐ, tổ chức đại diện NSDLĐ, các cá nhân tham gia hỗ trợ kinh phí để triển khai thực hiện Kế hoạch này.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
Chủ trì, theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Kế hoạch này; sơ kết, tổng kết theo yêu cầu và định kỳ báo cáo UBND tỉnh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về kết quả triển khai thực hiện Kế hoạch.
2. Sở Tư pháp
Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc ngành Tư pháp phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của Kế hoạch này.
3. Sở Tài chính
Căn cứ khả năng cân đối ngân sách nhà nước, tổng hợp, tham mưu trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí thực hiện Kế hoạch theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
4. Sở Thông tin và Truyền thông
Chủ trì, chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí, hệ thống thông tin cơ sở trên địa bàn tỉnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về các hoạt động của Quyết định số 1400/QĐ-TTg và Kế hoạch này.
5. Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh
Căn cứ các nội dung tại Kế hoạch này, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan có liên quan triển khai thực hiện tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho NLĐ và NSDLĐ tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh bằng các hình thức phù hợp theo chức năng, nhiệm vụ, phạm vi quản lý của đơn vị.
6. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
Căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai có hiệu quả hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động cho NLĐ và NSDLĐ trên địa bàn.
7. Các Sở, ban, ngành tỉnh
Căn cứ nhiệm vụ được giao tại kế hoạch này chủ động tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nội dung của Quyết định số 1400/QĐ-TTg và Kế hoạch này đến toàn thể công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị; tổ chức thực hiện kế hoạch phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng ngành.
8. Đề nghị Liên đoàn Lao động tỉnh
Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện các nội dung tại Kế hoạch này. Chỉ đạo, hướng dẫn các cấp công đoàn, nhất là công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phối hợp với NSDLĐ tổ chức các hoạt động đối thoại, tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động, luật công đoàn, các cam kết quốc tế về lao động của Việt Nam, đặc biệt là các quy định về điều kiện lao động, quan hệ lao động trong tình hình mới; Tổ chức các hoạt động tuyên truyền về pháp luật lao động trong các cấp Công đoàn đến đoàn viên, người lao động.
9. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh
Tham gia tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này; tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và người dân tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho NLĐ và NSDLĐ trên địa bàn tỉnh.
Yêu cầu các Sở, ban, ngành, các cơ quan, đơn vị, UBND các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch này. Định kỳ hàng năm (tháng 12) hoặc khi có yêu cầu đột xuất, báo cáo tình hình kết quả thực hiện kế hoạch về UBND tỉnh (qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp) để báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.