ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 155/KH-UBND |
Sóc Trăng, ngày 27 tháng 7 năm 2023 |
KẾ HOẠCH
PHỐI HỢP TRONG CÔNG TÁC TIẾP NHẬN, BẢO VỆ VÀ HỖ TRỢ NẠN NHÂN BỊ MUA BÁN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SÓC TRĂNG
Căn cứ Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011;
Căn cứ Nghị định số 62/2012/NĐ-CP ngày 13 tháng 8 năm 2012 của Chính phủ quy định căn cứ xác định nạn nhân bị mua bán và bảo vệ an toàn cho nạn nhân, người thân thích của họ;
Căn cứ Nghị định số 09/2013/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống mua bán người;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 01/2014/TTLT-BCA-BQP-BLĐTBXH-BNG ngày 10 tháng 02 năm 2014 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Ngoại giao hướng dẫn trình tự, thủ tục và quan hệ phối hợp trong việc xác minh, xác định, tiếp nhận và trao trả nạn nhân bị mua bán;
Căn cứ Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 09 tháng 02 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030;
Căn cứ Quy chế phối hợp số 2548/QCPH-LĐTBXH-CA-QP-NG ngày 18 tháng 7 năm 2022 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán;
Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
- Tuân thủ quy định của pháp luật về phòng, chống mua bán người; đảm bảo thống nhất công tác quản lý nhà nước và sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh trong công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.
- Tăng cường trách nhiệm và sự phối hợp trong chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành của các Sở, ngành, đơn vị có liên quan đối với công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, nhất là việc tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ lấy nạn nhân làm trung tâm, vì quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân bị mua bán. Chủ động, thường xuyên, chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả; không ảnh hưởng đến chức năng, nhiệm vụ, hoạt động chuyên môn của các cơ quan có liên quan.
- Bảo đảm kịp thời, chính xác, an toàn, bình đẳng trong việc bảo hộ tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm và tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của nạn nhân.
- Bảo đảm bí mật thông tin về nạn nhân, người thân thích của họ theo quy định của pháp luật.
II. NỘI DUNG, TRÁCH NHIỆM VÀ HÌNH THỨC PHỐI HỢP TRONG CÔNG TÁC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN
1. Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Đề án, Dự án, Chương trình, Kế hoạch liên quan đến công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán
- Các Sở, ngành, đơn vị có liên quan chủ động rà soát, kiến nghị sửa đổi bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật về tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; ban hành các văn bản chỉ đạo trong phạm vi quản lý nhà nước của từng Sở, ngành, đơn vị có liên quan.
- Tham gia góp ý kiến đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, Chương trình, Kế hoạch, báo cáo rà soát, theo dõi thi hành pháp luật, tổng kết thi hành pháp luật, lập đề nghị xây dựng chính sách về lĩnh vực có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ và nội dung phối hợp.
2. Truyền thông nâng cao nhận thức
- Các Sở, ngành, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức thông qua việc xây dựng tờ rơi, phóng sự, video clip, chuyên trang, chuyên mục; tuyên truyền về chính sách pháp luật, công tác chỉ đạo, triển khai và kết quả thực hiện công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán và đăng tải, cập nhật trên các phương tiện thông tin, đại chúng, trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội (Fanpage) của các Sở, ngành; xây dựng tài liệu, cẩm nang, sách mỏng hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ theo chức năng, nhiệm vụ của mỗi Sở, ngành, đơn vị có liên quan. Đồng thời, thực hiện việc chia sẻ các sản phẩm truyền thông, tài liệu với nhau để phục vụ cho việc tuyên truyền trên các phương tiện, ấn phẩm truyền thông của các bên hoặc tại các Hội nghị, Hội thảo, tập huấn, triển lãm..., nhằm tránh bị chồng chéo, tiết kiệm nguồn lực và nâng cao hiệu quả truyền thông.
- Phối hợp tổ chức hoặc cử đại biểu tham dự các Hội nghị, Hội thảo, tọa đàm, trao đổi thông tin về công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.
- Phối hợp tổ chức các hoạt động truyền thông trực tiếp, trực tuyến, truyền thông tại cộng đồng, đặc biệt hướng đến nhóm nguy cơ cao như phụ nữ, trẻ em gái ở các khu vực nông thôn, vùng sâu và thực hiện đánh giá kết quả để nâng cao hiệu quả công tác này.
3. Đào tạo bồi dưỡng cho người làm công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán
- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng, chia sẻ tài liệu và tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng về công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán cho cán bộ thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội và các cán bộ có liên quan thuộc Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; trọng tâm về các kiến thức, kỹ năng tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân dựa trên quyền và sự hiểu biết về sang chấn tâm lý, nhạy cảm giới.
- Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng, chia sẻ tài liệu và tổ chức tập huấn cho cán bộ thực hiện công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán thuộc ngành mình về những kiến thức chuyên ngành, biện pháp nghiệp vụ và các kỹ năng, tình huống có thể xảy ra trong quá trình tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.
4. Tiếp nhận thông tin, tài liệu về nạn nhân, tiếp nhận nạn nhân bị mua bán
- Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị thuộc Công an tỉnh kiểm tra, xác minh thông tin, tài liệu liên quan đến nạn nhân bị mua bán, các giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam để thực hiện các thủ tục theo quy định hiện hành; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trong công tác phối hợp với các cơ quan đại diện ngoại giao của nước mà nạn nhân là công dân (hoặc thường trú) để thực hiện việc xác minh thông tin, tài liệu về nạn nhân và phối hợp với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Ngoại giao trong việc tiếp nhận nạn nhân theo quy định.
- Công an tỉnh phối hợp với các Cục nghiệp vụ trực thuộc Bộ Công an thực hiện ngay việc xác minh và cung cấp thông tin, tài liệu, giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam theo yêu cầu của Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; phối hợp với Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc tiếp nhận thông tin, tài liệu về nạn nhân và phối hợp với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng trong việc trao trả nạn nhân theo quy định.
- Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tiếp nhận thông tin, tài liệu về nạn nhân bị mua bán; phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi nạn nhân tự trở về, Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh nơi có cửa khẩu mà nạn nhân nhập cảnh và Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện nơi nạn nhân đến trình báo hoặc được giải cứu để thực hiện việc tiếp nhận, hỗ trợ và chuyển tuyến nạn nhân bị mua bán.
- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện thực hiện việc tiếp nhận thông tin về nạn nhân bị mua bán tự đến trình báo hoặc thông tin từ Ủy ban nhân dân cấp xã, Công an cấp xã chuyển đến; phối hợp với cơ quan Công an cùng cấp nơi nạn nhân tự đến trình báo và cơ quan giải cứu nạn nhân thực hiện việc hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, chuyển tuyến họ về nơi cư trú hoặc Cơ sở trợ giúp xã hội theo nguyện vọng của nạn nhân bị mua bán.
- Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ trực thuộc khi thực hiện việc tiếp nhận nạn nhân bị mua bán, thông báo cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để thực hiện việc phối hợp tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.
- Các Sở, ngành, đơn vị có liên quan chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, đơn vị nghiệp vụ thường xuyên chia sẻ thông tin, tài liệu về nạn nhân bị mua bán được tiếp nhận qua các nguồn khác nhau để kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân; trường hợp nhiều nạn nhân được phía nước ngoài trao trả cùng một lúc, tổ chức đoàn liên ngành thực hiện việc tiếp nhận nạn nhân.
5. Bảo vệ an toàn cho nạn nhân bị mua bán và người thân thích của họ
- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh áp dụng các biện pháp bảo vệ an toàn cho nạn nhân bị mua bán và người thân thích của họ theo quy định. Trường hợp cần thiết, khi phát hiện có dấu hiệu không an toàn đối với nạn nhân và người thân thích của họ tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh thì thông tin ngay cho cơ quan Công an tỉnh và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cảnh sát biển khu vực để phối hợp trong việc áp dụng các biện pháp bảo vệ.
- Công an tỉnh chỉ đạo Công an các cấp áp dụng các biện pháp bảo vệ nạn nhân và người thân thích của họ theo thẩm quyền; cử lực lượng phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh trong quá trình bảo vệ nạn nhân khi được đề nghị.
- Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh áp dụng các biện pháp bảo vệ nạn nhân và người thân thích của họ theo thẩm quyền; cử lực lượng phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh trong quá trình bảo vệ nạn nhân khi được đề nghị.
- Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh đề xuất Bộ Ngoại giao chỉ đạo Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài áp dụng các biện pháp bảo vệ nạn nhân, người chưa thành niên đi cùng nạn nhân là công dân Việt Nam tại vùng lãnh thổ nước sở tại theo thẩm quyền.
6. Hỗ trợ nhu cầu thiết yếu và chi phí đi lại cho nạn nhân trong quá trình tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán
- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh tiếp nhận nạn nhân bị mua bán, bố trí chỗ ăn, ở phù hợp với giới tính, lứa tuổi; hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, chăm sóc y tế, tư vấn tâm lý, trợ giúp pháp lý, tư vấn học nghề, việc làm..., cho nạn nhân trong thời gian lưu trú tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh; phối hợp với Công an các cấp, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi nạn nhân cư trú để liên hệ với gia đình hoặc người thân trước khi đưa trở về nơi cư trú; trường hợp trẻ em mồ côi, trẻ em không nơi nương tựa thì làm thủ tục hưởng chế độ bảo trợ xã hội theo quy định; tổ chức các hoạt động, dịch vụ hỗ trợ nạn nhân hòa nhập cộng đồng.
- Công an tỉnh chỉ đạo cơ quan Công an các cấp thực hiện hỗ trợ nhu cầu thiết yếu và bố trí chỗ ở tạm thời cho nạn nhân bị mua bán, thông báo cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và phối hợp chuyển tuyến nạn nhân vào Cơ sở trợ giúp xã hội (trường hợp không đủ điều kiện bố trí ăn, ở cho nạn nhân); bố trí phương tiện, cán bộ đưa nạn nhân là người chưa thành niên về nơi cư trú.
- Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh thực hiện hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, bố trí chỗ ở tạm thời cho nạn nhân bị mua bán (trường hợp nạn nhân tự đến trình báo hoặc do cơ quan Biên phòng giải cứu hoặc phát hiện tại khu vực biên giới, hải đảo, trên biển); trường hợp không đủ điều kiện bố trí ăn, ở cho nạn nhân thì phối hợp với phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện để chuyển tuyến nạn nhân vào Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh.
7. Kiểm tra, thực hiện các biện pháp tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán
- Mỗi Sở, ngành, đơn vị có liên quan được giao chủ trì hàng năm phải xây dựng Kế hoạch tự kiểm tra việc thực hiện công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trên địa bàn tỉnh. Các Sở, ngành còn lại trong Kế hoạch có trách nhiệm cử thành viên tham gia đoàn kiểm tra liên ngành về công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán khi có văn bản đề nghị của Sở, ngành chủ trì. Báo cáo kết quả kiểm tra được gửi cho Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh (gọi tắt là Ban Chỉ đạo).
- Căn cứ kết quả kiểm tra việc thực hiện công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, các Sở, ngành, đơn vị có liên quan cùng trao đổi, phối hợp giải quyết các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị từ các cơ quan, tổ chức và những phát sinh trong thực tiễn triển khai thực hiện.
8. Thống kê, báo cáo về tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán
- Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh tổng hợp thông tin, báo cáo kết quả, thống kê số liệu về việc nạn nhân bị mua bán ở nước ngoài, chi phí về nước cho nạn nhân.
- Công an tỉnh tổng hợp thông tin, báo cáo kết quả, thống kê số liệu về việc xác minh, cung cấp thông tin, tài liệu, giấy tờ chứng minh Quốc tịch Việt Nam theo yêu cầu của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; việc tiếp nhận nạn nhân bị mua bán; hỗ trợ nhu cầu thiết yếu và chỗ ở tạm thời, chi phí đi lại cho nạn nhân và các biện pháp bảo vệ an toàn cho nạn nhân và người thân thích của họ. Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị có liên quan góp ý xây dựng, hoàn thiện hệ thống tiêu chí, biểu mẫu thống kê phòng, chống mua bán người.
- Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổng hợp thông tin, báo cáo kết quả, thống kê số liệu về việc tiếp nhận nạn nhân, hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, bố trí chỗ ở tạm thời, chi phí đi lại cho nạn nhân và các biện pháp bảo vệ an toàn cho nạn nhân và người thân thích của họ.
- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp thông tin, báo cáo kết quả, thống kê số liệu về công tác tiếp nhận, các biện pháp bảo vệ an toàn và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.
- Báo cáo kết quả, thống kê số liệu về công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân được thực hiện định kỳ 6 tháng và 1 năm; các Sở, ngành, đơn vị có liên quan tham gia Kế hoạch xây dựng báo cáo và gửi cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp gửi cho Ban Chỉ đạo tỉnh; đồng thời gửi cho các Sở, ngành, đơn vị có liên quan khác tham gia Kế hoạch để cùng chia sẻ thông tin và đảm bảo số liệu không bị chồng chéo.
9. Hình thức phối hợp
9.1. Trao đổi trực tiếp, trao đổi bằng văn bản hoặc các hình thức phù hợp (điện thoại, email...), tổ chức các cuộc họp liên ngành theo yêu cầu của cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp.
9.2. Tổ chức các đoàn liên ngành để thực hiện việc tiếp nhận, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, giải quyết các vấn đề phát sinh đột xuất và kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.
9.3. Tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả phối hợp thực hiện công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.
9.4. Các hình thức phối hợp khác do các Sở, ngành, đơn vị có liên quan thống nhất thực hiện.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc các đơn vị thuộc phạm vi quản lý triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch này.
2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo Phòng Phòng, chống tệ nạn xã hội; Công an tỉnh chỉ đạo Phòng Cảnh sát hình sự; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh giao Phòng phòng, chống ma túy và tội phạm; Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Phòng Ngoại vụ làm đơn vị đầu mối thực hiện Kế hoạch phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Các Sở, ngành, đơn vị có liên quan được giao cử cán bộ đầu mối; cung cấp số điện thoại, email liên hệ trong thực hiện các hoạt động phối hợp tại Kế hoạch này.
3. Các Sở, ngành chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc, cơ quan liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc nội dung Kế hoạch phối hợp này; Sở, ngành, đơn vị có liên quan giao đơn vị đầu mối luân phiên chủ trì, định kỳ 6 tháng và 1 năm đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phối hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo tỉnh để báo cáo Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ.
4. Các Sở, ngành, đơn vị có liên quan, hằng năm, cùng thời gian lập dự toán, căn cứ nội dung và mức chi theo quy định tại Thông tư số 84/2019/TT-BTC ngày 27 tháng 11 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, lập dự toán kinh phí thực hiện Kế hoạch phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, tổng hợp chung trong dự toán chi thường xuyên của đơn vị, gửi Sở Tài chính tổng hợp, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí theo phân cấp ngân sách, theo quy định của Luật Ngân sách và các văn bản hướng dẫn theo quy định; ngoài ra, kinh phí thực hiện có thể được huy động từ các nguồn tài trợ, viện trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, các nguồn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch, nếu có phát sinh, vướng mắc, đề nghị phản ánh, kiến nghị về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, phối hợp với Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, thống nhất đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.