ỦY BAN NHÂN
DÂN |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 149/KH-UBND |
Quảng Ngãi, ngày 19 tháng 11 năm 2019 |
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU VÀ CƠ SỞ LẬP KẾ HOẠCH
1. Mục đích
- Nhằm cụ thể hóa thực hiện các mục tiêu Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được UBND tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt tại Quyết định số 404/QĐ-UBND ngày 19/8/2016.
- Từng bước giải quyết nhu cầu về nhà ở cho người dân trên địa bàn tỉnh, trong đó đặc biệt là nhà ở cho các đối tượng là người thu nhập thấp, các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, học sinh, sinh viên, người nghèo, người có công với cách mạng. Đảm bảo mối quan hệ hài hòa giữa phát triển kinh tế, tăng trưởng dân số và xây dựng nhà ở phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển nhà ở, nhà ở xã hội của tỉnh và đặc điểm của từng địa bàn dân cư.
- Huy động nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở.
2. Yêu cầu
- Bám sát nội dung Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Quảng Ngãi đã được UBND tỉnh phê duyệt, nhu cầu thực tế nhà ở; diện tích, số lượng căn hộ cần đáp ứng; khả năng thu hút đầu tư; nhu cầu thị trường, để xây dựng Kế hoạch phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh. Các dự án phát triển nhà ở thương mại, nhà ở xã hội trước khi triển khai phải được xem xét, đảm bảo phù hợp với Kế hoạch phát triển nhà ở xã hội của tỉnh.
- Các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố được giao nhiệm vụ phải tổ chức thực hiện có hiệu quả Kế hoạch này.
- Chủ đầu tư dự án thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo Kế hoạch và quy định của pháp luật hiện hành, tập trung nguồn lực triển khai dự án theo đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng xây dựng công trình thuộc dự án.
3. Cơ sở lập kế hoạch
Căn cứ Luật Nhà ở ngày 25/11/2014.
Căn cứ Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở.
Căn cứ Nghị định số 30/2019/NĐ-CP ngày 28/3/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở.
Căn cứ Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.
Căn cứ Thông tư số 20/2016/TT-BXD ngày 30/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.
Căn cứ Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở.
Căn cứ Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg ngày 28/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung.
Căn cứ Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 (Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg giai đoạn 2);
Căn cứ Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 25/7/2017 của Chính phủ về việc thực hiện chính sách nhà ở đối với người có công với cách mạng theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ.
Căn cứ Quyết định số 404/QĐ-UBND ngày 19/8/2016 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
1. Tình hình thực hiện chương trình phát triển nhà ở
- Theo số liệu khảo sát, thống kê, tính đến thời điểm hiện nay diện tích nhà ở trên địa bàn tỉnh khoảng 28.083.389 m2 sàn, diện tích bình quân một căn đạt 82,52m2 sàn, trong đó khu vực đô thị đạt 105,23m2 sàn, khu vực nông thôn đạt 78,72m2. Diện tích bình quân đầu người đạt 22,4m2 sàn/người, trong đó khu vực đô thị đạt 27,8m2 sàn/người, khu vực nông thôn đạt 21,5m2 sàn/người.
- Để đảm bảo mục tiêu diện tích bình quân đầu người đến năm 2020 trên toàn tỉnh là 24,4 m2 sàn/người theo Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 404/QĐ-UBND ngày 19/8/2016; đồng thời đầu tư đúng trọng tâm, trọng điểm tránh đầu tư lãng phí. Trên cơ sở rà soát thực trạng công tác phát triển nhà ở và nhu cầu thực tế về nhà ở công vụ, nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư, nhà ở theo các chương trình mục tiêu, UBND tỉnh xác định nhu cầu thực tế nhà ở thương mại, nhà ở công vụ, nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư, nhà ở theo các chương trình mục tiêu và các chỉ tiêu cần phát triển trong năm 2019 - 2020 và các năm tiếp theo.
Theo Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 thì đến năm 2020 tổng nhu cầu nhà ở xây mới tăng thêm là 61.757 căn nhà ở, tương ứng với diện tích 6.212.153 m2 sàn. Diện tích nhà ở cải tạo, sửa chữa là 1.471.705 m2 sàn, bao gồm diện tích nhà ở do người dân tự cải tạo, sửa chữa và công tác cải tạo nhà ở theo Đề án hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng của Thủ tướng Chính phủ. Riêng đối với nhà ở của các nhóm đối tượng xã hội thì nhu cầu đến năm 2020 là 11.143 căn nhà ở, tương đương với 432.635 m2 sàn.
3. Kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn đến năm 2019 và năm 2020
a) Các chỉ tiêu phát triển nhà ở (m2 sàn)
STT |
Chỉ tiêu |
Giai đoạn đến năm 2020 |
Chia ra kế hoạch từng năm |
||||
|
|
Đến năm 2019 |
Năm 2020 |
||||
Số nhà ở (căn) |
Diện tích (m2) |
Số nhà ở (căn) |
Diện tích (m2) |
Số nhà ở (căn) |
Diện tích (m2) |
||
I |
Xây mới nhà ở |
61.757 |
6.216.153 |
|
|
|
|
1 |
Nhà ở thương mại và dân tự xây dựng |
48.324 |
5.664.407 |
5.192 |
656.168 |
43.132 |
5.008.239 |
a |
- Nhà ở theo dự án |
2.804 |
701.000 |
640 |
160.000 |
2.164 |
541.000 |
b |
- Nhà ở dân tự xây (kể cả nhà dân tự xây theo dự án) |
45.520 |
4.963.407 |
4.552 |
496.168 |
40.968 |
4.467.239 |
2 |
Nhà ở của các nhóm đối tượng xã hội |
11.143 |
432.635 |
5.318 |
210.335 |
5.825 |
222.300 |
a |
- Nhà ở HS-SV |
600 |
36.000 |
300 |
18.000 |
300 |
18.000 |
b |
- Nhà ở công nhân |
300 |
18.000 |
|
|
300 |
18.000 |
c |
- Người nghèo khu vực nông thôn theo QĐ 33 |
6.120 |
214.200 |
2.000 |
70.000 |
4.120 |
144.200 |
d |
- Nhà chống bão theo QĐ 48 |
1.144 |
22.880 |
539 |
10.780 |
605 |
12.100 |
e |
- Hộ có công theo QĐ 22 |
2.479 |
111.555 |
2.479 |
111.555 |
|
|
g |
- Nhà ở xã hội cho các nhóm ĐT khác |
500 |
30.000 |
|
|
500 |
30.000 |
3 |
Nhà ở công vụ |
281 |
8.616 |
129 |
3.096 |
152 |
5.520 |
i |
- Nhà ở công vụ cán bộ CC-VC |
52 |
3.120 |
|
|
52 |
3.120 |
k |
- Nhà ở công vụ giáo viên |
229 |
5.496 |
129 |
3.096 |
100 |
2.400 |
4 |
Nhà ở tái định cư |
2.009 |
110.495 |
1.500 |
82.500 |
509 |
27.995 |
|
TỔNG CỘNG |
61.757 |
6.216.153 |
12.139 |
952.099 |
49.618 |
5.264.054 |
b) Vị trí, khu vực phát triển nhà ở
- Nhà ở thương mại: Khu vực phát triển nhà ở thương mại được triển khai theo dự án trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
- Nhà ở xã hội: Khu vực phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
- Nhà ở tái định cư và các loại hình nhà ở khác: Đối với các loại hình phát triển nhà ở khác được triển khai phân bố trên địa bàn các huyện và thành phố theo các dự án, chương trình mục tiêu.
c) Các loại nhà ở cần đầu tư xây dựng
c1) Nhà ở thương mại và dân tự xây: Xây dựng khoảng 6.216.153 m2 sàn nhà ở thương mại trong giai đoạn đến năm 2019 và năm 2020. Chủ yếu là phát triển nhà ở thấp tầng, kết hợp với biệt thự nhà vườn.
c2) Nhà ở công vụ (bao gồm nhà ở cho cán bộ công chức, viên chức và nhà ở giáo viên): Xây dựng 3.096 m2 đến năm 2019 và 5.520 m2 sàn trong năm 2020 nhà ở công vụ.
c3) Nhà ở tái định cư: Dự kiến đầu tư xây dựng đến năm 2019 là 82.500 m2 sàn; năm 2020 khoảng 27.995 m2.
c4) Nhà ở các nhóm đối tượng xã hội: Dự kiến đầu tư xây dựng đến năm 2019 là 210.335 m2 sàn; năm 2020 là 222.300 m2, trong đó:
- Chỉ tiêu nhà ở cho học sinh - sinh viên: Dự kiến đến năm 2019 xây dựng khoảng 300 căn, tương đương 18.000 m2 sàn; năm 2020 xây dựng khoảng 300 căn, tương đương 18.000 m2 sàn.
- Chỉ tiêu nhà ở công nhân: Dự kiến năm 2020 xây dựng khoảng 300 căn, tương đương 18.000 m2 sàn.
- Chỉ tiêu nhà ở cho người có công với cách mạng: Đến năm 2019 hoàn thành hỗ trợ việc xây dựng 2.479 căn nhà cho đối tượng người có công với cách mạng theo đề án hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng của tỉnh Quảng Ngãi, với khoảng 111.555 m2 sàn.
- Nhà ở cho hộ nghèo theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg: Thực hiện theo Quyết định 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ, tiến hành hỗ trợ cho 6.120 hộ thuộc diện đối tượng được hỗ trợ đến năm 2020, trong đó: Đến năm 2019 hỗ trợ khoảng 2.000 hộ và năm 2020 khoảng 4.120 hộ. Mức vay tối đa đối với mỗi hộ nghèo có khó khăn về nhà ở là 25 triệu đồng/hộ.
- Nhà ở cho hộ nghèo theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg: Thực hiện theo Quyết định 48/2014/QĐ-TTg ngày 10/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ, tiến hành hỗ trợ cho 1.144 hộ thuộc diện đối tượng được hỗ trợ đến năm 2020, trong đó: Đến năm 2019 hỗ trợ khoảng 539 hộ và năm 2020 khoảng 605 hộ. Mức vay tối đa đối với mỗi hộ nghèo có khó khăn về nhà ở là 15 triệu đồng/hộ và các nguồn vốn khác như: Vốn ngân sách địa phương, vốn hỗ trợ từ quỹ GCF.
- Chỉ tiêu nhà ở xã hội cho nhóm đối tượng khác: Dự kiến năm 2020 xây dựng khoảng 500 căn, tương đương 30.000m2 sàn.
d) Diện tích đất để xây dựng nhà ở
d1) Dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư: Tổng diện tích đất dự án đầu tư xây dựng nhà ở là 1.642,161ha, trong đó: Kế hoạch thực hiện đến hết năm 2019 là 474,286 ha, kế hoạch thực hiện năm 2020 là 679,286 ha và tiếp tục thực hiện từ 2021 đến 2025 là 488,608 ha (chi tiết theo Phụ lục 01 đính kèm).
d2) Danh mục các dự án tiếp tục kêu gọi đầu tư (chi tiết theo Phụ lục 02 đính kèm).
d3) Dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư: Tổng diện tích đất dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội là 8,751ha (khoảng 532 căn), trong đó: Kế hoạch thực hiện năm 2020 là khoảng 300 căn và tiếp tục thực hiện từ năm 2021 đến năm 2025 là 232 căn (chi tiết theo Phụ lục 03 đính kèm).
4. Các hình thức đầu tư xây dựng nhà ở
- Đối với nhà ở thương mại: Áp dụng hình thức đầu tư trực tiếp thông qua huy động các nguồn đầu tư từ doanh nghiệp các tổ chức kinh tế xã hội, nguồn vốn ODA và nguồn ngân sách địa phương. Kết hợp sử dụng các hình thức kêu gọi đầu tư theo quy định hiện hành của Nhà nước để đảm bảo nhu cầu về nhà ở và giãn dân giảm tải lên hệ thống hạ tầng cho khu vực đô thị hiện hữu.
- Đối với phát triển nhà ở tái định cư: Áp dụng hình thức hỗ trợ về quỹ đất tái định cư đã được đầu tư cơ sở hạ tầng và kinh phí hỗ trợ theo quy định về đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất thực hiện các dự án để các đối tượng phải tái định cư tự xây dựng nhà ở. Trong tương lai kết hợp hình thức nhà nước trực tiếp đầu tư xây dựng nhà ở tái định cư theo dự án và cấp hoặc cho đối tượng trong diện bồi thường giải phóng mặt bằng mua với giá ưu đãi.
- Hình thức phát triển nhà ở công vụ: UBND tỉnh trực tiếp đầu tư xây dựng nhà ở công vụ từ nguồn vốn Ngân sách địa phương dành cho xây dựng cơ bản và phát triển hạ tầng nhằm đảm bảo nhu cầu về nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức, giáo viên, các lực lượng vũ trang khi điều động chuyển công tác, luân chuyển tăng cường cho vị trí công tác mới.
- Nhà ở cho học sinh, sinh viên phát triển theo hướng nhà nước đầu tư tạo quỹ nhà ở cho sinh viên thuê kết hợp với sự đầu tư của các tổ chức kinh tế khác, trong đó nhà nước thực hiện theo các cơ chế tại Quyết định số 65/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và phát triển thành các cụm ký túc xá tập trung (mỗi cụm dùng cho học sinh, sinh viên nhiều trường thuê).
- Hình thức phát triển nhà ở công nhân: Áp dụng hình thức đầu tư gián tiếp thông qua việc ưu đãi về đất đai, quy hoạch, thuế, tài chính - tín dụng để khuyến khích các thành phần kinh tế, gồm: Doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, doanh nghiệp sử dụng lao động trong các khu công nghiệp, các cơ sở công nghiệp, dịch vụ ngoài khu công nghiệp, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, các hộ gia đình, cá nhân là công nhân lao động tại các khu công nghiệp. Hoặc có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức về một phần kinh phí đầu tư Cơ sở hạ tầng trong hàng rào và cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào.
- Hình thức phát triển nhà ở cho người có công với cách mạng: Áp dụng hình thức đầu tư gián tiếp thông qua việc hỗ trợ về kinh phí, vật liệu, nhân công từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước và các nguồn vốn huy động từ các tổ chức kinh tế - xã hội kết hợp với nguồn lực tự có của cá nhân, hộ gia đình người có công với cách mạng để xây dựng, cải tạo nâng cao chất lượng nhà ở cho người có công với cách mạng.
- Hình thức phát triển nhà ở cho hộ nghèo: Áp dụng hình thức đầu tư gián tiếp thông qua huy động từ nhiều nguồn vốn để thực hiện, kết hợp giữa Nhà nước và nhân dân cùng làm.
5. Vốn thực hiện kế hoạch phát triển nhà ở
- Nguồn vốn đầu tư xây dựng nhà ở thương mại được huy động từ các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế và các đối tượng có nhu cầu cùng đóng góp theo quy định của pháp luật.
- Nguồn vốn đầu tư xây dựng nhà ở công vụ cho cán bộ, công chức, viên chức của địa phương sử dụng bằng nguồn vốn ngân sách của địa phương.
- Đối với nhà ở công vụ cho giáo viên sử dụng từ nguồn vốn ngân sách trung ương và ngân sách của địa phương.
- Nguồn vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho các đối tượng mua, thuê mua nhà ở xã hội chủ yếu sử dụng nguồn vốn của các doanh nghiệp và một phần ngân sách của địa phương hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Nguồn vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho các đối tượng có nhu cầu thuê nhà trên địa bàn tỉnh là nguồn vốn từ các tổ chức, doanh nghiệp, người dân đầu tư vào lĩnh vực trên.
- Nguồn vốn đầu tư xây dựng nhà ở cho người có công với cách mạng theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ được hỗ trợ từ vốn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương theo quy định, cụ thể: Hỗ trợ 40 triệu đồng/hộ đối với trường hợp phải phá dỡ để xây mới nhà ở (ngân sách Trung ương hỗ trợ 32 triệu đồng/hộ, ngân sách địa phương hỗ trợ bổ sung thêm 8 triệu đồng/hộ) và hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ đối với trường hợp phải sửa chữa khung, tường và thay mái mới nhà ở (ngân sách Trung ương hỗ trợ 16 triệu đồng/hộ, ngân sách địa phương hỗ trợ 04 triệu đồng/hộ). Nguồn vốn còn được huy động từ các tổ chức kinh tế - xã hội kết hợp với nguồn lực tự có của cá nhân, gia đình hộ người có công với cách mạng để xây dựng, cải tạo nâng cao chất lượng nhà ở cho người có công với cách mạng.
- Nguồn vốn đầu tư xây dựng nhà ở cho hộ nghèo: Vốn vay ưu đãi Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho các hộ dân thuộc diện đối tượng vay theo mức quy định tại Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Nguồn vốn vay do ngân sách Trung ương cấp 50% trên tổng số vốn vay cho Ngân hàng Chính sách xã hội, 50% còn lại do Ngân hàng Chính sách xã hội huy động, cụ thể: Hỗ trợ cho hộ nghèo thuộc diện cải tạo, làm mới nhà ở cho một hộ khoảng là 50 triệu đồng (trong đó: vốn vay ưu đãi Ngân hàng Chính sách xã hội là 25 triệu đồng/hộ và 25 triệu đồng còn lại do vốn do các hộ dân tự đóng góp, huy động từ dòng họ và gia đình).
- Nguồn vốn đầu tư xây dựng nhà ở phòng tránh bão, lụt cho hộ nghèo theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg ngày 28/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ:
+ Ngân sách nhà nước (ngân sách địa phương do Trung ương chuyển sang) hỗ trợ 12 triệu đồng/hộ; những hộ đang cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn theo quy định tại Quyết định số 1049/QĐ-TTg ngày 26/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn thì ngân sách nhà nước hỗ trợ 14 triệu đồng/hộ; những hộ đang cư trú tại các thôn đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ thì ngân sách nhà nước hỗ trợ 16 triệu đồng/hộ để xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt.
+ Vốn hỗ trợ thêm từ ngân sách địa phương để nâng cao chất lượng nhà ở phòng, tránh bão, lụt cho các hộ gia đình 5 triệu đồng/hộ.
+ Vốn huy động từ "Quỹ vì người nghèo" do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh hỗ trợ 3 triệu đồng/hộ.
+ Hộ gia đình thuộc diện đối tượng theo quy định của Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có nhu cầu vay vốn thì được vay tối đa 15 triệu đồng/hộ từ Ngân hàng Chính sách xã hội để xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt. Lãi suất vay 3%/năm; thời hạn vay là 10 năm, trong đó thời gian ân hạn là 5 năm. Thời gian trả nợ tối đa là 5 năm bắt đầu từ năm thứ 6, mức trả nợ mỗi năm tối thiểu là 20% tổng số vốn đã vay.
+ Hỗ trợ thêm 1.700USD/hộ bằng nguồn vốn hỗ trợ từ Quỹ khí hậu xanh (GCF) cho hộ thuộc đối tượng hỗ trợ theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg ngày 28/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ ở các xã ven biển và xã cận ven biển (không bao gồm vốn hỗ trợ thêm từ ngân sách địa phương để nâng cao chất lượng nhà ở phòng, tránh bão, lụt cho các hộ gia đình 5 triệu đồng/hộ và vốn huy động từ "Quỹ vì người nghèo" do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh hỗ trợ 3 triệu đồng/hộ).
+ Vốn tham gia đóng góp của chính hộ gia đình được huy động từ gia đình, dòng họ.
- Nguồn vốn đầu tư xây dựng nhà ở sinh viên, nhà ở công nhân thực hiện theo phương thức xã hội hóa và một phần ngân sách của địa phương hỗ trợ giải phóng mặt bằng.
- Nguồn vốn đầu tư xây dựng nhà ở tái định cư được sử dụng từ nguồn vốn của các hộ dân và các nguồn vốn hợp pháp khác.
- Ngoài các nguồn vốn dùng trong phát triển nhà ở nêu trên, còn có nguồn vốn do các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh sử dụng để chỉnh trang cải tạo nhà.
III. CÁC GIẢI PHÁP CƠ BẢN THỰC HIỆN
- Đẩy nhanh việc lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng, đảm bảo quy hoạch đi trước một bước, phát triển nhà ở đô thị, điểm dân cư nông thôn một cách hài hòa, kết hợp hiện đại và truyền thống trên cơ sở quy hoạch chung đã được phê duyệt.
- Đối với khu vực đô thị, khu vực được quy hoạch để phát triển đô thị trong tương lai cần chú trọng phát triển nhà ở theo dự án để đảm bảo việc phát triển nhà ở được xây dựng đồng bộ với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, đồng thời nâng cao chất lượng quy hoạch góp phần tạo cảnh quan, kiến trúc để xây dựng và phát triển đô thị và nông thôn bền vững.
- Trên cơ sở các quy hoạch được duyệt, ban hành quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc xây dựng nhà ở đảm bảo việc xây dựng được thực hiện đúng theo quy hoạch; công bố công khai quy hoạch xây dựng và thiết kế xây dựng đô thị để nhân dân biết và tuân thủ, làm căn cứ để quản lý cấp phép xây dựng mới, cải tạo chỉnh trang đô thị nhằm nâng cao chất lượng và thẩm mỹ kiến trúc.
- Rà soát, thực hiện nghiêm quy định về quỹ đất 20% của các dự án nhà ở thương mại, dự án phát triển đô thị (tỷ lệ diện tích đất xây dựng nhà ở xã hội của từng dự án nhà ở thương mại hoặc khu đô thị mới phải được xác định trong quy hoạch chi tiết xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt).
- Đối với các khu công nghiệp có khu đô thị dịch vụ kèm theo: Doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp có trách nhiệm tổ chức giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu nhà ở công nhân theo quy hoạch được duyệt, có thể tự xây dựng hoặc chuyển giao lại quỹ đất đã có hạ tầng cho Nhà nước quản lý.
- Tại khu vực nông thôn, từng bước thực hiện phát triển nhà ở tuân thủ quy hoạch, kế hoạch và các chương trình dự án hình thành các điểm dân cư nông thôn có đầy đủ cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội, đảm bảo phù hợp mục tiêu chương trình xây dựng nông thôn mới.
- Thực hiện xây dựng, rà soát quy hoạch sử dụng đất, trong đó chú trọng đến diện tích đất phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở cho các đối tượng xã hội, công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị.
- Đưa vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chỉ tiêu phân bổ đất xây dựng thực hiện kế hoạch phát triển nhà ở, kiên quyết thu hồi hoặc dừng các dự án chậm triển khai, đã giao đất nhưng không sử dụng quá thời gian quy định của pháp luật.
- Điều chỉnh mục đích sử dụng đất khác sang đất xây dựng nhà ở xã hội đối với khu vực có nhu cầu nhà ở xã hội và phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội của từng giai đoạn.
- Thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất tại những vị trí thuận lợi, đã được bồi thường, giải phóng mặt bằng sau khi đầu tư đường giao thông nhằm khai thác tiềm năng từ đất đai, chủ động điều tiết chênh lệch địa tô do nhà nước đầu tư hạ tầng mà có, thực hiện chủ trương khai thác tiềm năng từ đất đai để phát triển kinh tế.
- Huy động vốn từ các tổ chức tín dụng - tài chính cho việc đầu tư xây dựng các dự án nhà ở, hỗ trợ các đối tượng xã hội với lãi suất ưu đãi để người dân vay tiền mua nhà để ổn định chỗ ở, hỗ trợ các doanh nghiệp vay vốn để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Huy động vốn từ các doanh nghiệp tự bỏ vốn kinh doanh bất động sản.
- Đa dạng hóa các nguồn vốn huy động để triển khai Kế hoạch, lồng ghép các nguồn vốn của các Chương trình mục tiêu Quốc gia, các Chương trình dự án hỗ trợ trên địa bàn tỉnh, nguồn ngân sách Trung ương và vốn trái phiếu Chính phủ.
- Huy động vốn đầu tư của các doanh nghiệp đối với các dự án nhà ở thu hồi vốn trực tiếp, các khoản hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đối với các dự án phát triển nhà ở xã hội.
- Ngân sách nhà nước đầu tư cho giải phóng mặt bằng, giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư các dự án nhà ở xã hội; hỗ trợ xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đến hàng rào; miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định hiện hành.
- Hướng dẫn thực hiện vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội hoặc từ các tổ chức tín dụng khác do Nhà nước chỉ đạo theo quy định tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.
Tổ chức tuyên truyền các doanh nghiệp sử dụng lao động tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp việc hỗ trợ nhà ở bằng tiền cho công nhân, người lao động thuộc đối tượng có khó khăn về nhà ở để thuê, thuê mua, mua nhà ở xã hội, trong đó tập trung thực hiện cơ chế chính sách ưu đãi của Chính phủ quy định tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 và các quy định khác liên quan.
1. Sở Xây dựng
- Chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố và các sở, ngành có liên quan triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển nhà ở; hướng dẫn, đôn đốc và giải quyết những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện theo thẩm quyền và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định đối với trường hợp vượt thẩm quyền; tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện đến UBND tỉnh.
- Chủ trì việc lập quy hoạch xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, thiết kế đô thị, Quy chế quản lý kiến trúc nhà ở đô thị, cải tạo chỉnh trang đô thị và quy hoạch điểm dân cư nông thôn phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt làm cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương quản lý kiến trúc nhà ở.
- Chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan, Ủy ban nhân dân cấp huyện lập kế hoạch phát triển nhà ở hàng năm và 5 năm; lập kế hoạch thực hiện quy hoạch chi tiết xây dựng các khu nhà ở và thiết kế đô thị, trong đó nêu rõ lộ trình thực hiện, nhu cầu và giải pháp để trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt.
- Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội lập kế hoạch xây dựng nhà ở hàng năm cho các đối tượng chính sách như người có công với cách mạng, người nghèo, người có thu nhập thấp và các đối tượng khác.
- Chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan xây dựng Đề án nhà ở xã hội, Quy chế quản lý sử dụng quỹ nhà ở xã hội, tham mưu, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, phê duyệt; tổ chức xây dựng nhà công vụ cho giáo viên; nhà ở cho sinh viên, công nhân cho các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh trên cơ sở phù hợp với quy hoạch ngành và quy hoạch phát triển nhà ở đô thị và nông thôn.
- Phối hợp với các sở, ngành liên quan tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, lựa chọn hình thức phù hợp để triển khai các chính sách hỗ trợ tín dụng, thuế, quỹ đất... liên quan đến vấn đề nhà ở cho các đối tượng có nhu cầu vay vốn đầu tư xây dựng hoặc mua nhà ở.
- Phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan để kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện các dự án nhà ở trên địa bàn toàn tỉnh. Xem xét, đánh giá năng lực của chủ đầu tư, cân nhắc khả năng đáp ứng nhu cầu của các dự án trình UBND tỉnh để có kế hoạch phê duyệt bổ sung, loại bỏ hoặc có các hình thức chuyển đổi phù hợp với nhu cầu thực tế của các địa phương trong từng giai đoạn cụ thể.
- Phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh Quảng Ngãi và các sở, ngành liên quan đưa ra các giải pháp để tham mưu UBND tỉnh nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về các thủ tục cho vay vốn, phương án cho thuê, mua bán nhà ở trên địa bàn tỉnh.
- Nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng bổ sung các chỉ tiêu phát triển nhà ở vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương làm cơ sở chỉ đạo, điều hành và đánh giá kết quả thực hiện theo định kỳ, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.
- Phối hợp với Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh để lập kế hoạch đầu tư từ Quỹ phát triển nhà ở hàng năm theo quy định hiện hành.
- Nghiên cứu, bổ sung danh mục các dự án phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân theo quy định của pháp luật về nhà ở thuộc danh mục dự án khuyến khích đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.
- Lập kế hoạch bố trí nguồn vốn ngân sách, vốn ODA và các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công vụ, nhà ở cho giáo viên, nhà ở nội trú học sinh hàng năm và từng thời kỳ.
- Nghiên cứu các giải pháp khuyến khích đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển nhà ở theo dự án.
3. Sở Tài nguyên và Môi trường
- Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng và UBND các huyện, thành phố cân đối quỹ đất phát triển nhà ở đến 2020, tầm nhìn đến 2030 và chuẩn bị quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công vụ, nhà ở cho sinh viên, công nhân,... theo Chương trình phát triển nhà ở tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được phê duyệt.
- Phối hợp với các địa phương và các sở, ngành liên quan rà soát lại quy hoạch sử dụng đất và nhu cầu phát triển nhà trên địa bàn để có điều chỉnh bố trí quỹ đất cho phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương.
- Tăng cường công tác kiểm tra về việc sử dụng đất của các nhà đầu tư dự án nhà ở thương mại nhằm đảm bảo đúng mục đích sử dụng.
- Bố trí các khu đất dành để phát triển nhà ở tái định cư, nhà ở xã hội ở gần với các khu dân cư đã hình thành hoặc các khu đất phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị mới để kết hợp khai thác sử dụng chung hệ thống kết cấu hạ tầng, giảm chi phí đầu tư xây dựng từ ngân sách.
4. Sở Tài chính
- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan cân đối, đề xuất ngân sách địa phương theo kế hoạch hàng năm, tham mưu thực hiện việc bố trí vốn từ ngân sách Trung ương thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định để triển khai chính sách hỗ trợ cho vay ưu đãi đối với hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng quy định khi mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; cho vay ưu đãi đối với các doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội và hộ gia đình, cá nhân tham gia xây dựng nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở và các văn bản liên quan.
- Hướng dẫn theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền, quy định các cơ chế chính sách về tài chính, thuế liên quan đến phát triển nhà ở xã hội.
- Phối hợp với Sở Xây dựng xây dựng giá cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội nhà ở công vụ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Hướng dẫn quản lý, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư sử dụng vốn ngân sách nhà nước để phát triển và quản lý nhà ở.
5. Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi
Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng và các sở, ngành liên quan rà soát, đánh giá, xác định nhu cầu về nhà ở cho công nhân trong các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh để có cơ sở phục vụ đầu tư phát triển nhà ở cho công nhân. Thực hiện các chức năng, nhiệm vụ khác về phát triển nhà ở theo phân công của Ủy ban nhân dân tỉnh.
6. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan, UBND các huyện, thành phố rà soát hộ nghèo theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để làm căn cứ xác định hộ nghèo có nhu cầu về nhà ở.
- Phối hợp với Sở Xây dựng và các cơ quan có liên quan thẩm định các đối tượng được hỗ trợ nhà ở trên địa bàn tỉnh.
- Phối hợp với Sở Xây dựng trong việc triển khai hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, có công có khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh.
7. Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh
Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, chủ động là đầu mối để được phân bổ vốn vay tín dụng ưu đãi theo quy định; hướng dẫn trình tự, thủ tục thực hiện việc cho vay theo quy định. Định kỳ hàng năm tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện cơ chế, chính sách về tín dụng nhà ở xã hội, báo cáo UBND tỉnh.
8. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh
Tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện và giám sát việc thực hiện pháp luật về nhà ở; vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đóng góp, hỗ trợ các Chương trình xây dựng nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội, người có thu nhập thấp, người nghèo gặp khó khăn về nhà ở.
9. UBND các huyện, thành phố
- Tổ chức, chỉ đạo triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển nhà ở của tỉnh; trên cơ sở Kế hoạch phát triển nhà ở của tỉnh, từng địa phương xây dựng Kế hoạch cụ thể và tổ chức thực hiện quản lý nhà nước về nhà ở trên địa bàn. Hằng năm tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện, báo cáo về Sở Xây dựng để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.
- Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án phát triển nhà ở đảm bảo đúng nội dung, tiến độ dự án đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận hoặc phê duyệt.
- Phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan thực hiện lập, điều chỉnh kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển đô thị, nông thôn để đáp ứng nhu cầu phát triển nhà ở trên địa bàn, đặc biệt là nhà ở xã hội, nhà ở cho các đối tượng có nhu nhập thấp, người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội để thực hiện Chương trình phát triển nhà ở tại địa phương.
- Định kỳ báo cáo 6 tháng (trước ngày 15/6), báo cáo năm (trước ngày 10/12) và báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch về Sở Xây dựng để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh và Bộ Xây dựng.
10. Các Chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở
- Có trách nhiệm lập, trình duyệt dự án nhà ở và triển khai thực hiện dự án sau khi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo đúng nội dung dự án và tiến độ đã được phê duyệt.
- Tập trung nguồn lực triển khai các dự án đầu tư đã được chấp thuận đầu tư hoặc quyết định đầu tư đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng. Thực hiện báo cáo đánh giá tình hình thực hiện đầu tư dự án định kỳ 6 tháng, hằng năm, gửi báo cáo về Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư để theo dõi, quản lý, tổng hợp và báo cáo UBND tỉnh. Thực hiện tốt các quy định về quản lý, đầu tư dự án xây dựng theo quy định của pháp luật hiện hành.
Trên đây là Kế hoạch phát triển nhà ở của tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2019, năm 2020 và dự kiến các năm tiếp theo (2021-2025). Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các sở, ban ngành, UBND các huyện, thành phố và tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm tổng hợp ý kiến, đề xuất giải quyết gửi về Sở Xây dựng để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp./.
|
CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.