ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 147/KH-UBND |
Gia Lai, ngày 20 tháng 01 năm 2022 |
KẾ HOẠCH
PHÁT TRIỂN LĨNH VỰC THÔNG TIN CƠ SỞ GIAI ĐOẠN 2021 - 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI
Căn cứ Quyết định số 1497/QĐ-TTg ngày 08 tháng 11 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thông tin quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn 2030;
Căn cứ Quyết định số 135/QĐ-TTg ngày 20 tháng 01 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin;
Căn cứ Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số 876/QĐ-BTTTT ngày 18/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Hướng dẫn xây dựng Chiến lược phát triển lĩnh vực/đơn vị theo giai đoạn tại Bộ Thông tin và Truyền thông;
Căn cứ Quyết định số 1381/QĐ-BTTTT ngày 07/9/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc ban hành Chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở giai đoạn 2021 - 2025;
Căn cứ Công văn số 836/TTCS-TT ngày 20/11/2021 của Cục Thông tin cơ sở về việc thực hiện Chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở giai đoạn 2021 - 2025,
Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai ban hành Kế hoạch phát triển lĩnh vực Thông tin cơ sở giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Gia Lai, như sau:
I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN VÀ TẦM NHÌN
1. Quan điểm phát triển:
- Phát triển thông tin cơ sở là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của các cấp, sở, ngành, địa phương, có giải pháp, cách làm đột phá, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội ở từng đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
- Thông tin cơ sở tăng cường tương tác hai chiều để người dân tham gia nhiều hơn vào các hoạt động của chính quyền, cùng giải quyết những vấn đề phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, cơ sở.
- Đẩy mạnh chuyển đổi số, hiện đại hóa thông tin cơ sở theo mô hình kết hợp giữa tập trung và phân quyền quản lý theo cấp hành chính; kiểm soát, giám sát và đánh giá được hiệu quả hoạt động của hệ thống thông tin cơ sở.
- Sử dụng hạ tầng viễn thông, Internet và các nền tảng công nghệ trong nước để tạo ra dữ liệu dùng chung với các hệ thống thông tin khác, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng đầy đủ thông tin thiết yếu của người dân.
- Tạo sự gắn kết, đồng hành và thúc đẩy các doanh nghiệp công nghệ, truyền thông trong nước phát triển các sản phẩm, ứng dụng nền tảng số “Make in Vietnam”, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin để phát triển hệ thống thông tin cơ sở hiện đại và đồng bộ.
2. Tầm nhìn:
Thông tin cơ sở trở thành kênh thông tin hiện đại, đáp ứng nhu cầu thông tin thiết yếu của người dân, tương tác thông tin hai chiều giữa chính quyền với người dân trên môi trường số; phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền, cơ quan quản lý các cấp; người dân tham gia nhiều hơn vào các hoạt động của chính quyền, cơ quan quản lý các cấp, cùng tạo ra giá trị, lợi ích, sự hài lòng và tạo niềm tin, sự đồng thuận xã hội ở cơ sở và ngay từ cơ sở.
II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN ĐẾN NĂM 2025
1. Mục tiêu tổng quát:
Phát triển mạng lưới thông tin cơ sở hiện đại, đồng bộ và thống nhất từ cấp tỉnh, cấp huyện đến cấp xã và đồng bộ với Hệ thống thông tin nguồn Trung ương, trong một hệ sinh thái thông tin đa ngành, đa lĩnh vực, tương tác và phản ánh nhanh nhạy trước những tác động của đời sống kinh tế - xã hội, thiên tai, dịch bệnh, thảm họa môi trường, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ đất nước.
2. Mục tiêu cụ thể:
a) Phát triển mạng lưới thông tin cơ sở hiện đại:
- Cấp xã:
+ Đến năm 2025, 100% xã, phường, thị trấn có hệ thống truyền thanh hoạt động đến thôn, tổ dân phố, khu dân cư.
+ Đến năm 2025, 100% phường, thị trấn và trên 70% xã có bảng tin điện tử công cộng để phổ biến thông tin thiết yếu đến người dân.
- Cấp huyện:
Đến năm 2025, 100% các thị xã và thành phố thuộc tỉnh có bảng tin điện tử công cộng cỡ lớn (màn hình LED, màn hình LCD) và trên 80% các huyện còn lại có bảng tin điện tử công cộng cỡ lớn (màn hình LED, màn hình LCD) được kết nối với Hệ thống thông tin nguồn của tỉnh.
- Cấp tỉnh:
+ Từ năm 2022 đến năm 2024, đầu tư, hoàn thiện Hệ thống thông tin nguồn cấp tỉnh để quản lý tập trung và cung cấp thông tin thiết yếu cho hệ thống thông tin cơ sở của toàn tỉnh.
+ Đến năm 2025, 100% các sở, ngành, địa phương cung cấp thông tin thiết yếu thuộc lĩnh vực quản lý trên Hệ thống thông tin nguồn của tỉnh.
b) Thúc đẩy chuyển đổi số hoạt động thông tin cơ sở:
- Đến năm 2025, 100% thông tin thiết yếu phổ biến đến người dân của các sở, ban, ngành và các địa phương được cung cấp trên Hệ thống thông tin nguồn của tỉnh phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền ở cơ sở.
- Đến năm 2025, 100% văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan quản lý cấp trên và báo cáo, thống kê từ cơ sở về hoạt động thông tin cơ sở được thực hiện trên Hệ thống thông tin nguồn của tỉnh.
- Đến năm 2025, 100% ý kiến phản ánh của người dân về hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật ở cơ sở được tiếp nhận, xử lý trên Hệ thống thông tin nguồn của tỉnh.
- Đến năm 2025, 100% đài truyền thanh cấp xã không dây FM chuyển đổi sang truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông.
- Đến năm 2025, sử dụng phổ biến công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) kết hợp với công nghệ xử lý dữ liệu lớn (Big Data) trong sản xuất nội dung chương trình phát thanh; chuyển đổi nội dung văn bản sang giọng nói; chuyển ngữ nội dung phát thanh tiếng Việt sang tiếng các dân tộc thiểu số.
c) Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm thông tin cơ sở:
Đến năm 2025, 100% cán bộ làm công tác thông tin cơ sở cấp huyện và cấp xã được đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến về chuyên môn, nghiệp vụ, ứng dụng công nghệ để khai thác, biên soạn tài liệu, lưu trữ thông tin, quản lý và vận hành thiết bị kỹ thuật hiện đại phù hợp với vị trí việc làm.
III. NỘI DUNG NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Phát triển hạ tầng kỹ thuật mạng lưới thông tin cơ sở hiện đại:
1.1. Thiết lập mỗi xã, phường, thị trấn một hệ thống truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông:
Đối với những xã, phường, thị trấn chưa có đài truyền thanh, địa phương cần ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư trong hai năm 2022-2023 để thiết lập mới đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông.
Đối với những xã, phường, thị trấn có đài truyền thanh không dây FM, tổ chức chuyển đổi theo lộ trình từng năm sang đài truyền thanh không dây ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông; theo nguyên tắc chuyển đổi trước những đài hư hỏng, xuống cấp, hết khấu hao (trên 5 năm); hoàn thành việc chuyển đổi toàn bộ hệ thống này trong năm 2025.
Nguồn lực đầu tư từ ngân sách của địa phương; kinh phí thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, huy động xã hội hóa để phát triển hệ thống truyền thanh của địa phương.
Cơ quan chủ trì: Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố.
Cơ quan phối hợp: Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan, đơn vị liên quan.
1.2. Duy trì, nâng cao hiệu quả hoạt động của trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp xã:
Trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp xã là một thành phần của Cổng thông tin điện tử Ủy ban nhân dân cấp huyện, có chức năng cung cấp thông tin về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của xã, phường, thị trấn; thông tin về các chủ trương, chính sách, văn bản pháp luật mới và các quy định của chính quyền cơ sở; tin tức về các sự kiện, hoạt động nổi bật của cơ sở; có chức năng tìm kiếm, tra cứu, hỏi đáp trực tuyến nhằm đẩy mạnh tương tác giữa người dân với chính quyền cơ sở; liên kết, tích hợp thông tin với trang thông tin điện tử Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Các địa phương sử dụng ngân sách của địa phương để tiếp tục duy trì, nâng cao hiệu quả hoạt động trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp xã.
Cơ quan chủ trì: Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố.
Cơ quan phối hợp: Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan, đơn vị liên quan.
1.3. Thiết lập bảng tin điện tử công cộng do Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý:
Căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội, yêu cầu công tác truyền thông phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành của chính quyền cơ sở, các xã, phường, thị trấn tổ chức thiết lập các loại bảng tin điện tử cho phù hợp. Bảng tin điện tử được đặt tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn; địa điểm công cộng tập trung đông dân cư để người dân dễ nhìn thấy, dễ tìm hiểu các thông tin thiết yếu bằng chữ viết, hình ảnh.
Các địa phương sử dụng ngân sách của địa phương và các nguồn lực xã hội hóa để đầu tư, thiết lập bảng tin điện tử công cộng.
Cơ quan chủ trì: Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố.
Cơ quan phối hợp: Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan, đơn vị liên quan.
1.4. Thiết lập bảng tin điện tử công cộng do Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý, được kết nối với Hệ thống thông tin nguồn của tỉnh:
Các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thiết lập bảng tin điện tử công cộng cỡ lớn (màn hình LED, màn hình LCD) đặt ở các địa điểm đông người qua lại như quảng trường, vườn hoa, khu đô thị, trung tâm thương mại. Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao cấp huyện là đơn vị trực tiếp quản lý, vận hành bảng tin điện tử công cộng được kết nối với Hệ thống thông tin nguồn của tỉnh thông qua mạng Internet/Intranet hoặc sim 3G/4G để nhận thông tin tuyên truyền, phổ biến đến người dân. Các địa phương sử dụng ngân sách của địa phương và các nguồn lực xã hội hóa để đầu tư, thiết lập bảng tin điện tử công cộng.
Đối với các bảng tin điện tử quảng cáo cỡ lớn (màn hình LED, màn hình LCD) của các tổ chức, doanh nghiệp thiết lập trên địa bàn, khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền có yêu cầu huy động, trưng dụng phục vụ công tác truyền thông thực hiện nhiệm vụ chính trị, khuyến khích kết nối với Hệ thống thông tin nguồn của tỉnh để nhận thông tin tuyên truyền, phổ biến đến người dân.
Cơ quan chủ trì: Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố.
Cơ quan phối hợp: Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan, đơn vị liên quan.
1.5. Hiện đại hóa thiết bị kỹ thuật, số hóa sản xuất nội dung truyền thông đa phương tiện của cơ sở truyền thông cấp huyện:
Từ năm 2021 trở đi, các địa phương không đầu tư nâng cấp hệ thống truyền dẫn, phát sóng phát thanh của cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện, chỉ duy trì hoạt động hệ thống truyền dẫn phát sóng hiện có cho đến khi xuống cấp, hết khấu hao. Định hướng hoạt động của các đơn vị thực hiện truyền thanh - truyền hình thuộc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao cấp huyện có chức năng, nhiệm vụ sản xuất nội dung truyền thông đa phương tiện.
Nâng cấp, hiện đại hóa thiết bị kỹ thuật, số hóa sản xuất nội dung truyền thông đa phương tiện để tuyên truyền, phổ biến trên hệ thống đài truyền thanh cấp xã ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông; đăng tải trên trang thông tin điện tử, bảng tin điện tử và các phương tiện truyền thông khác của cấp huyện; cộng tác sản xuất, cung cấp nội dung cho Đài Phát thanh - Truyền hình Gia Lai. Các địa phương sử dụng nguồn lực thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 và ngân sách của địa phương để đầu tư, hiện đại hóa các thiết bị kỹ thuật sản xuất nội dung.
Cơ quan chủ trì: Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố.
Cơ quan phối hợp: Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan, đơn vị liên quan.
1.6. Thiết lập Hệ thống thông tin nguồn của tỉnh để tổ chức quản lý tập trung và cung cấp thông tin nguồn cho hệ thống thông tin cơ sở trên địa bàn:
Xây dựng Hệ thống thông tin nguồn của tỉnh do Sở Thông tin và Truyền thông trực tiếp quản lý, vận hành để tổ chức hoạt động thông tin cơ sở ở cả 3 cấp tỉnh, huyện và xã; cung cấp thông tin nguồn của cấp tỉnh và cấp huyện cho hệ thống thông tin cơ sở; theo dõi, giám sát được trạng thái hoạt động của các cụm loa truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông, bảng tin điện tử công cộng, các phương tiện thông tin cơ sở khác được kết nối và đánh giá tình hình hoạt động thông tin cơ sở trên địa bàn tỉnh.
Hệ thống thông tin nguồn của tỉnh đảm bảo kết nối, chia sẻ dữ liệu về tình hình hoạt động thông tin cơ sở của tỉnh với Hệ thống thông tin nguồn Trung ương.
Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai Hệ thống thông tin nguồn cấp tỉnh theo nội dung Công văn số 1085/UBND-KGVX ngày 05/8/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh “Về việc triển khai Hệ thống thông tin nguồn cấp tỉnh theo Quyết định số 135/QĐ- TTg ngày 20/01/2020 trên địa bàn tỉnh Gia Lai”.
Sử dụng ngân sách địa phương để đầu tư hoặc thực hiện thuê dịch vụ của doanh nghiệp công nghệ, viễn thông để thiết lập Hệ thống thông tin nguồn.
Cơ quan chủ trì: Sở Thông tin và Truyền thông.
Cơ quan phối hợp: Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan.
1.7. Thiết lập Cổng thông tin điện tử thông tin cơ sở của tỉnh kết nối, liên thông với Cổng thông tin điện tử thông tin cơ sở của Trung ương:
Cổng thông tin điện tử thông tin cơ sở của tỉnh do Sở Thông tin và Truyền thông thiết lập, quản lý (sử dụng sub-domain của Cổng thông tin điện tử của tỉnh) được kết nối, liên thông với Cổng thông tin điện tử thông tin cơ sở Trung ương.
Cổng thông tin điện tử thông tin cơ sở của tỉnh có chức năng cơ bản sau:
- Cung cấp, phổ biến các thông tin thiết yếu; đăng tải các bản tin, thông tin chuyên đề; phổ biến các văn bản pháp luật; văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về thông tin cơ sở; các hoạt động thông tin cơ sở của Trung ương và các địa phương, để người dân có thể truy cập và theo dõi.
- Thông tin tương tác hai chiều giữa người dân và chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước các cấp. Người dân có thể gửi ý kiến phản ánh, đánh giá, nhận xét về hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật ở cơ sở. Kết quả xử lý được công bố trên Cổng thông tin điện tử thông tin cơ sở của tỉnh.
- Cổng thông tin điện tử thông tin cơ sở của tỉnh kết nối với Hệ thống thông tin nguồn tỉnh, để giúp người dân có thể nghe lại các chương trình truyền thanh cơ sở ở từng địa phương, khu vực.
Cơ quan chủ trì: Sở Thông tin và Truyền thông.
Cơ quan phối hợp: Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan.
2. Hiện đại hóa sản xuất nội dung tuyên truyền:
Sử dụng các thiết bị kỹ thuật số, các phần mềm phân tích dữ liệu lớn (Big Data) kết hợp với công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để tổng hợp, phân tích, chọn lọc thông tin, phục vụ sản xuất nội dung, lưu trữ và quản lý nội dung; tối ưu hóa hoạt động sản xuất, nâng cao chất lượng nội dung, tiết kiệm thời gian, giải bài toán thiếu nhân lực làm công tác thông tin cơ sở.
Nghiên cứu, lựa chọn sử dụng các nền tảng công nghệ trong nước chuyển đổi nội dung văn bản thành giọng nói với các giọng đọc biểu cảm, ngữ điệu tự nhiên, phù hợp với văn hóa từng địa phương, vùng, miền, làm cho nội dung tuyên truyền, phổ biến đến người dân được gần gũi, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ vận dụng thực hiện.
Nghiên cứu, lựa chọn sử dụng các nền tảng công nghệ trong nước chuyển đổi nội dung phát thanh tiếng Việt sang tiếng các dân tộc thiểu số để cung cấp các bản tin phát thanh tiếng dân tộc thiểu số cho những vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Cơ quan chủ trì: Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố.
Cơ quan phối hợp: Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan, đơn vị liên quan.
3. Phát triển nhân lực làm công tác thông tin cơ sở:
Tổ chức nhân lực làm công tác quản lý nhà nước về thông tin cơ sở ở cấp huyện/xã theo hướng tinh gọn và phương châm mỗi công chức quản lý đảm đương nhiều việc, sử dụng thành thạo công nghệ phục vụ hoạt động quản lý, thực thi pháp luật và có năng lực tổ chức các hoạt động truyền thông ở cơ sở. Đồng thời, sử dụng “trợ lý ảo” chuyên sâu về lĩnh vực thông tin cơ sở hỗ trợ xử lý công việc, soạn thảo văn bản, tìm kiếm dữ liệu.
Đối với nhân lực ở cấp huyện: Rà soát, sắp xếp nhân lực làm việc ở cơ sở truyền thông cấp huyện theo hướng nhân lực thực hiện nhiệm vụ truyền dẫn, phát sóng (nhân viên kỹ thuật) có thể tinh giảm dần, hoặc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng để quản lý, sử dụng các thiết bị kỹ thuật số; hỗ trợ quản lý kỹ thuật cho đài truyền thanh cấp xã; chuyển đổi sang thực hiện nhiệm vụ sản xuất nội dung truyền thông đa phương tiện và tổ chức các hoạt động thông tin lưu động. Nhân lực thực hiện nhiệm vụ sản xuất nội dung (phóng viên, biên tập viên, phát thanh viên) tập trung sản xuất nội dung truyền thông đa phương tiện, cung cấp cho đài truyền thanh cơ sở; sản xuất nội dung cho Cổng thông tin điện tử, bảng tin điện tử công cộng và các phương tiện truyền thông khác của cấp huyện; cộng tác sản xuất, cung cấp nội dung cho Đài Phát thanh - Truyền hình Gia Lai.
Tiếp tục thực hiện kiện toàn mô hình tổ chức và hoạt động của tổ, đội thông tin lưu động cấp huyện (nếu có) trực thuộc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao cấp huyện để thực hiện chức năng, nhiệm vụ sản xuất, phổ biến nội dung truyền thông đa phương tiện và tổ chức các hoạt động thông tin lưu động trên địa bàn.
Đối với nhân lực ở cấp xã: Căn cứ điều kiện thực tế của địa phương, có thể bố trí công chức văn hóa - xã hội cấp xã kiêm nhiệm hoặc người hoạt động không chuyên trách cấp xã (quy định tại Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố) để quản lý, vận hành hệ thống thông tin cơ sở của xã, phường, thị trấn: đài truyền thanh, trang thông tin điện tử, bảng tin điện tử công cộng và c ác phương tiện thông tin cơ sở khác.
Tổ chức kết nối mạng lưới nhân lực làm việc tại các cơ quan báo chí, truyền thông, các doanh nghiệp công nghệ, sản xuất, lắp đặt, vận hành, bảo dưỡng thiết bị kỹ thuật phục vụ hoạt động thông tin cơ sở, để hợp tác, tận dụng nguồn nhân lực chất lượng cao hỗ trợ hoạt động thông tin cơ sở.
Cơ quan chủ trì: Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố.
Cơ quan phối hợp: Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan, đơn vị liên quan.
IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN
Kinh phí thực hiện Kế hoạch được bố trí trong kinh phí đối ứng thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025; ngân sách của địa phương chi đầu tư phát triển và bảo đảm kinh phí hằng năm duy trì hoạt động của hệ thống thông tin cơ sở trên địa bàn và các nguồn tài trợ hợp pháp khác (nếu có) như: Huy động các nguồn xã hội hóa hợp pháp từ các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân đề đầu tư phát triển hệ thống thông tin cơ sở; vận động các doanh nghiệp công nghệ, truyền thông trong nước xây dựng các nền tảng, hạ tầng kỹ thuật hệ thống thông tin cơ sở, chính quyền địa phương thuê dịch vụ theo quy định.
Các cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ vào nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch và điều kiện thực tế, xây dựng dự toán kinh phí hoạt động, triển khai thực hiện Kế hoạch, tổng hợp chung trong trong kế hoạch dự toán ngân sách hằng năm của các cơ quan, đơn vị, địa phương, trình cấp có thẩm quyền quyết định.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Thông tin và Truyền thông
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch. Kiểm tra việc thực hiện công tác thông tin cơ sở tại địa phương theo quy định. Thực hiện tổng kết, báo cáo kết quả khi có yêu cầu.
- Nghiên cứu, xây dựng quy định về phối hợp cung cấp thông tin thiết yếu thuộc lĩnh vực quản lý của các sở, ngành địa phương trên Hệ thống thông tin nguồn của tỉnh khi có văn bản hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông.
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức sản xuất, cung cấp thông tin thiết yếu trên Hệ thống thông tin nguồn của tỉnh; tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ thông tin cơ sở cho cán bộ thông tin cơ sở cấp xã và thôn, bản, tổ dân phố.
- Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Dân vận Tỉnh ủy và các cơ quan có liên quan để chỉ đạo, hướng dẫn nội dung công tác thông tin tuyên truyền kế hoạch phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh Gia Lai cho các cơ quan thông tấn, báo chí trong tỉnh.
2. Sở Tài chính
Hằng năm, tại thời điểm xây dựng dự toán, căn cứ khả năng cân đối ngân sách và trên cơ sở dự toán được lập theo đúng quy định của các cơ quan, đơn vị có liên quan, kiểm tra, tổng hợp, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, bố trí kinh phí theo phân cấp quản lý ngân sách hiện hành để triển khai thực hiện những nhiệm vụ trong Kế hoạch.
3. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
- Căn cứ tình hình thực tế của địa phương, xây dựng và triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Phần III và Phụ lục của Kế hoạch này. Đề xuất cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí triển khai thực hiện Kế hoạch. Bố trí kinh phí đối ứng thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, ngân sách của địa phương đầu tư phát triển và bảo đảm duy trì hoạt động thường xuyên hệ thống thông tin cơ sở; bố trí nhân lực trực tiếp quản lý, vận hành hệ thống thông tin cơ sở, để triển khai thực hiện các nhiệm vụ của địa phương trong Chương trình hành động thực hiện Chiến lược này.
- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ thông tin cơ sở cho cán bộ thông tin cơ sở cấp xã và thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn huyện.
(Kèm theo Phụ lục: Các nhiệm vụ thực hiện Kế hoạch phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Gia Lai)
Hàng năm, trước ngày 25 tháng 11; các cơ quan, đơn vị, địa phương báo cáo kết quả triển khai thực hiện Kế hoạch này (kết hợp trong báo cáo thông tin cơ sở) gửi về Sở Thông tin và Truyền thông để tổng hợp, báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai theo quy định./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
PHỤ LỤC:
CÁC NHIỆM
VỤ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN THÔNG TIN CƠ SỞ GIAI ĐOẠN 2021 - 2025 TRÊN ĐỊA
BÀN TỈNH GIA LAI
(Ban hành kèm theo Kế
hoạch số 147/KH-UBND ngày 20/01/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai)
Số TT |
Tên nhiệm vụ |
Đơn vị chủ trì |
Đơn vị phối hợp |
Sản phẩm |
Thời hạn hoàn thành |
I |
XÂY DỰNG, HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT |
||||
1 |
Nghiên cứu, xây dựng quy định về phối hợp cung cấp thông tin thiết yếu thuộc lĩnh vực quản lý của các sở, ngành địa phương trên Hệ thống thông tin nguồn cấp tỉnh khi có văn bản hướng dẫn của Bộ TT&TT |
Sở TT&TT |
Các sở, ngành liên quan |
Quyết định của UBND tỉnh |
2023-2025 |
II |
PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG MẠNG LƯỚI THÔNG TIN CƠ SỞ |
||||
1 |
Tổ chức thiết lập hệ thống truyền thanh cấp xã ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông |
UBND cấp huyện |
Sở TT&TT và các đơn vị liên quan |
Đài truyền thanh ứng dụng CNTT-VT |
2022 - 2025 |
2 |
Duy trì, nâng cao hiệu quả hoạt động của trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp xã |
UBND cấp huyện |
Sở TT&TT và các đơn vị liên quan |
Trang thông tin điện tử |
2022 - 2025 |
3 |
Tổ chức thiết lập bảng tin điện tử công cộng do Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý |
UBND cấp huyện |
Sở TT&TT và các đơn vị liên quan |
Bảng tin điện tử công cộng |
2022 - 2025 |
4 |
Tổ chức thiết lập bảng tin điện tử công cộng do Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý |
UBND cấp huyện |
Sở TT&TT và các đơn vị liên quan |
Bảng tin điện tử kết nối với HT thông tin nguồn |
2022 - 2025 |
5 |
Tổ chức nâng cấp, hiện đại hóa các thiết bị kỹ thuật, số hóa sản xuất nội dung truyền thông đa phương tiện của cơ sở truyền thông cấp huyện |
UBND cấp huyện |
Sở TT&TT và các đơn vị liên quan |
Các thiết bị kỹ thuật số |
2022 - 2025 |
6 |
Tổ chức thiết lập Hệ thống thông tin nguồn cấp tỉnh |
Sở TT&TT |
Cục TTCS và các đơn vị liên quan |
Hệ thống TT nguồn cấp tỉnh |
2022 - 2024 |
7 |
Thiết lập Cổng thông tin điện tử về thông tin cơ sở của tỉnh |
Sở TT&TT |
Cục TTCS và các đơn vị liên quan |
Cổng thông tin điện tử |
2022 - 2025 |
III |
HIỆN ĐẠI HÓA SẢN XUẤT NỘI DUNG VÀ CUNG CẤP THÔNG TIN |
||||
1 |
Tổ chức sản xuất, cung cấp thông tin thiết yếu trên Hệ thống thông tin nguồn của tỉnh |
Sở TT&TT |
Các cơ quan, đơn vị liên quan |
Sản phẩm truyền thông |
2023 - 2025 |
IV |
PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC LÀM CÔNG TÁC THÔNG TIN CƠ SỞ |
||||
1 |
Tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ thông tin cơ sở cho cán bộ thông tin cơ sở cấp xã và thôn, bản, tổ dân phố |
Sở TT&TT |
Cục TTCS và các đơn vị liên quan |
Hội nghị trực tuyến / tập trung |
2022 - 2025 |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.