UỶ BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
VIỆT NAM |
Số: 146/KH-UBND |
Đồng Tháp, ngày 07 tháng 9 năm 2015 |
Thực hiện Quyết định số 244/QĐ-TTg ngày 12/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai Chính sách quốc gia phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020;
Chỉ thị số 04/CT-BYT ngày 13/02/2015 của Bộ Y tế về việc đẩy mạnh thực hiện Chính sách quốc gia phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020 trong ngành y tế;
Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chính sách quốc gia phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020 (gọi tắt là Kế hoạch) với các nội dung như sau:
1. Mục tiêu chung
- Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị trong lĩnh vực quản lý chất lượng, truyền thông nâng cao nhận thức người tiêu dùng về tác hại của việc sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác.
- Phòng ngừa và giảm thiểu tác hại của việc lạm dụng đồ uống có cồn đối với sức khỏe cộng đồng, trật tự an toàn xã hội để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ổn định và bền vững.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Phổ biến và triển khai các chính sách, pháp luật về phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn.
b) Giảm dần và tiến tới chấm dứt việc lưu thông đồ uống có cồn không bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng trên thị trường.
c) Giảm mức gia tăng tỷ lệ tiêu thụ rượu bình quân/người trưởng thành (15 tuổi trở lên)/năm quy đổi theo rượu nguyên chất từ 12,1% giai đoạn 2007-2010 xuống còn 10% giai đoạn 2013-2016, 6,5% giai đoạn 2017-2020.
d) Phòng ngừa, ngăn chặn việc tiếp cận, sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác của người dưới 18 tuổi; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người làm việc trong các lực lượng vũ trang không sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác trước và trong giờ làm việc, tại nơi làm việc, trong bữa ăn giữa hai buổi trong ngày làm việc và ngày trực;
đ) Phòng ngừa người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác; phòng ngừa bạo lực gia đình, gây rối trật tự công cộng do lạm dụng đồ uống có cồn.
e) Đến năm 2016, 60% cộng đồng dân cư trong tỉnh được tiếp cận thông tin, giáo dục, truyền thông về tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn, đặc biệt là những bệnh lý phát sinh, bệnh lý bị tăng nặng do lạm dụng đồ uống có cồn, 50% dân cư trong cộng đồng có nhận thức đúng về tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn; đến năm 2020 tỷ lệ tương ứng là 70% và 60%.
g) Đến năm 2016, 25% số người nghiện rượu, bia và đồ uống có cồn khác được sàng lọc phát hiện sớm, 20% số người nghiện rượu, bia và đồ uống có cồn khác được tư vấn, điều trị cai nghiện và chống tái nghiện tại cộng đồng, 15% số người nghiện rượu, bia và đồ uống có cồn khác được điều trị bệnh mãn tính phát sinh có liên quan đến rượu, bia và đồ uống có cồn khác; đến năm 2020 tỷ lệ tương ứng là 45%, 35% và 25%.
1. Nhóm giải pháp về thông tin, tuyên truyền
- Tăng cường các hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn; chính sách, pháp luật về phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn; về quyền của trẻ em không bị ép buộc hoặc khuyến khích sử dụng đồ uống có cồn; vận động, khuyến khích người dân không lạm dụng đồ uống có cồn; không ép buộc, khuyến khích người khác sử dụng đồ uống có cồn; người điều khiển các phương tiện giao thông không được có nồng độ cồn trong máu hoặc khí thở vượt quá mức quy định;
- Tổ chức lồng ghép nội dung giáo dục về tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn vào các môn học chính khóa và hoạt động ngoại khóa phù hợp với các cấp học, bậc học; tổ chức tuyên truyền, thông tin cho học sinh, sinh viên, học viên về tuổi được phép mua, uống đồ uống có cồn;
- Thông tin, giáo dục, truyền thông trong cộng đồng, trên các phương tiện thông tin đại chúng cảnh báo tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn, chuyển tải thông điệp về đồ uống có cồn hợp lý đến mọi người dân.
- Thông tin, tuyên truyền cho người lao động và chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh đồ uống có cồn các quy định pháp luật về phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn, an toàn thực phẩm nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong cung cấp đồ uống có cồn.
- Chính quyền địa phương tăng cường phát động cộng đồng không lạm dụng đồ uống có cồn trong dịp lễ, hội, đám tiệc; gia đình và khu dân cư không có người nghiện đồ uống có cồn; không điều khiển phương tiện giao thông sau khi sử dụng đồ uống có cồn.
2. Nhóm giải pháp về tập huấn, đào tạo
- Tăng cường năng lực cho mạng lưới chăm sóc sức khỏe ban đầu, đào tạo kiến thức, kỹ năng cho cán bộ y tế, cán bộ công tác xã hội để kịp thời phát hiện, thực hiện có hiệu quả các biện pháp giảm thiểu tác hại đối với người lạm dụng đồ uống có cồn. Chủ động tiếp cận, tạo điều kiện cho người nghiện đồ uống có cồn trong cộng đồng dễ dàng tiếp cận các dịch vụ can thiệp sớm, điều trị cai nghiện tại cộng đồng và phòng, chống tái nghiện.
- Kiện toàn tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo Chăm sóc và Bảo vệ sức khỏe nhân dân các cấp, bổ sung nhiệm vụ phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn cho Ban Chỉ đạo Chăm sóc và Bảo vệ sức khỏe nhân dân các cấp.
- Triển khai các biện pháp dự phòng đặc biệt cho các nhóm có nguy cơ cao như trẻ vị thành niên, phụ nữ có thai hoặc dự định có thai, phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ; cung cấp dịch vụ chẩn đoán, sàng lọc, điều trị can thiệp sớm, chăm sóc liên tục đối với người đã lạm dụng đồ uống có cồn với sự tham gia của nhân viên y tế và nhóm đồng đẳng.
- Nâng cao năng lực kiểm soát an toàn thực phẩm đối với đồ uống có cồn; xây dựng, duy trì hệ thống quản lý, giám sát, đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cán bộ chuyên môn các cấp về phòng, chống ngộ độc thực phẩm do đồ uống có cồn, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa; bố trí kinh phí hoạt động, trang bị thiết bị phát hiện độc tố, thuốc đặc trị, tập huấn phác đồ xử lý ca bệnh cho các đơn vị vùng sâu, vùng xa.
3. Nhóm giải pháp về điều tra số liệu, đánh giá kết quả
- Nghiên cứu, khảo sát thường kỳ, thống kê, đánh giá thực trạng sử dụng đồ uống có cồn, mức độ lạm dụng đồ uống có cồn, mối liên quan giữa lạm dụng đồ uống có cồn với tác hại trên sức khỏe con người và kinh tế - xã hội để đề xuất biện pháp can thiệp phù hợp và khả thi.
- Giám sát, đánh giá hiệu quả thực thi của các chính sách can thiệp giảm tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn để kịp thời điều chỉnh.
4. Nhóm giải pháp về kiểm tra, giám sát
- Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm sử dụng đồ uống có cồn tại công sở, trường học, cơ sở y tế; người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm đưa quy định về cấm sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác vào nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị; tổ chức, giám sát việc thực hiện.
- Tăng cường kiểm tra việc thực hiện và xử lý vi phạm về quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại đồ uống có cồn.
- Tăng cường kiểm tra việc cấp phép kinh doanh rượu, bia; quản lý chặt chẽ việc đăng ký, cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công, quản lý quy trình sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm và nhãn hàng hóa đối với rượu thủ công; tăng cường kiểm soát đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh hộ gia đình, làng nghề, khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.
- Tăng cường kiểm soát, kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm đối với đồ uống có cồn sản xuất trong nước, nhập khẩu; phòng, chống đồ uống có cồn nhập lậu, giả, không bảo đảm chất lượng.
- Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về nồng độ cồn trong máu và khí thở của người điều khiển phương tiện giao thông nhằm giảm tai nạn giao thông do lạm dụng đồ uống có cồn.
- Vận động các tổ chức đoàn thể, xã hội và cộng đồng tích cực tham gia phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự xã hội và tội phạm do lạm dụng đồ uống có cồn.
1. Giai đoạn 2014-2016
- Tập trung thực hiện các giải pháp về thông tin, giáo dục, truyền thông.
- Tổ chức Hội nghị triển khai, sơ kết tình hình thực hiện mục tiêu của Kế hoạch, tổ chức tập huấn, đào tạo chuyên môn, nâng cao kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn.
- Thực hiện điều tra số liệu nền.
- Tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn;
2. Giai đoạn 2017-2020
Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn; các biện pháp kiểm soát nhu cầu sử dụng; phổ biến, triển khai thực hiện các văn bản pháp luật về phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn; đánh giá, tổng kết việc thực hiện Kế hoạch.
1. Sở Y tế
a) Chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện Chính sách quốc gia về phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn trên địa bàn tỉnh.
b) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan rà soát, ban hành, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật về phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn. Phối hợp Sở Công Thương kiểm tra việc thực hiện tiêu chuẩn chất lượng, an toàn của rượu thủ công.
c) Đẩy mạnh hoạt động truyền thông, giáo dục sức khỏe về tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai dịch vụ phát hiện sàng lọc, điều trị can thiệp, phòng, chống tái nghiện và chăm sóc liên tục cho người lạm dụng đồ uống có cồn tại cộng đồng.
2. Sở Công Thương
a) Chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan rà soát, ban hành, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật về sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, xuất khẩu đồ uống có cồn.
b) Tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm về nội dung quảng cáo đồ uống có cồn thuộc thẩm quyền phụ trách.
c) Tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống đồ uống có cồn nhập lậu, giả, không bảo đảm chất lượng.
3. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
a) Tăng cường quản lý hoạt động quảng cáo đồ uống có cồn thuộc thẩm quyền phụ trách, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định cấm bán rượu trong các cơ sở vui chơi giải trí, nơi biểu diễn nghệ thuật, thi đấu thể thao. Quản lý chặt chẽ việc cấp phép hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, lễ hội, bảo đảm các hoạt động không có quảng cáo, tiếp thị của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh rượu.
b) Hướng dẫn địa phương, cộng đồng dân cư cam kết không lạm dụng đồ uống có cồn trong đám tiệc, lễ hội; phối hợp đơn vị liên quan chỉ đạo lồng ghép phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với hoạt động phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn.
c) Chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn liên quan đến lĩnh vực phụ trách.
4. Sở Thông tin và Truyền thông
a) Chỉ đạo các cơ quan báo, đài địa phương truyền thông, đăng tải thông tin về sử dụng đồ uống có cồn phù hợp quy định pháp luật; cảnh báo tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn; giới thiệu các dịch vụ hỗ trợ giảm tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn; phổ biến các quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn.
b) Tăng cường kiểm tra, thanh tra việc đăng tải thông tin, quảng cáo đồ uống có cồn trên báo, đài địa phương.
5. Sở Giáo dục và Đào tạo
a) Chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan nghiên cứu lồng ghép các nội dung giáo dục về phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn vào các môn học chính khóa và hoạt động ngoại khóa phù hợp với các cấp học.
b) Chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan kiểm tra việc thực thi các quy định pháp luật về cấm bán đồ uống có cồn trong trường học và khu vực xung quanh trường học.
6. Công an tỉnh
a) Chỉ đạo kiểm tra, xử lý vi phạm quy định pháp luật về nồng độ cồn trong máu và khí thở của người điều khiển phương tiện giao thông theo quy định.
b) Phối hợp các sở, ngành trong thực thi các quy định pháp luật về phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn; kịp thời phát hiện, ngăn ngừa, đấu tranh, xử lý đối tượng buôn lậu, sản xuất rượu, bia giả, kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm.
c) Chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn xã hội có liên quan đến phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn.
7. Sở Giao thông Vận tải
Tuyên truyền sự nguy hiểm của việc sử dụng đồ uống có cồn khi điều khiển phương tiện giao thông, các quy định về nồng độ cồn trong máu, khí thở đến các đơn vị vận tải, người điều khiển phương tiện giao thông trên địa bàn tỉnh.
8. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Phối hợp Sở Tài chính tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia Vệ sinh an toàn thực phẩm và ngân sách tỉnh để triển khai thực hiện các nội dung Kế hoạch.
9. Sở Tài chính
a) Chủ trì, phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư bố trí nguồn kinh phí hàng năm để thực hiện Kế hoạch.
b) Hướng dẫn các cấp, các ngành có liên quan xây dựng dự toán ngân sách hàng năm cho hoạt động phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn từ nguồn kinh phí sự nghiệp của tỉnh; kiểm tra, giám sát việc sử dụng kinh phí theo quy định hiện hành.
10. Các sở, ban, ngành tỉnh
Triển khai, giám sát việc thực hiện Kế hoạch tại đơn vị; tổ chức sơ kết, tổng kết định kỳ, báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Y tế).
11. Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh
a) Nghiên cứu phát động và triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn liền với các giải pháp phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn;
b) Huy động sự tham gia của các đoàn thể, tổ chức xã hội trong giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn; về sản xuất, kinh doanh đồ uống có cồn trong cộng đồng. Phát huy vai trò của cộng đồng trong giám sát, phát hiện và kịp thời ngăn ngừa hành vi điều khiển phương tiện giao thông có sử dụng đồ uống có cồn, hành vi gây rối trật tự xã hội, bạo lực gia đình và các hành vi vi phạm pháp luật khác do sử dụng đồ uống có cồn.
12. Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:
a) Tổ chức triển khai, giám sát việc thực hiện Kế hoạch tại địa phương, tăng cường giám sát việc thực thi các quy định pháp luật về phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn, đặc biệt là hành vi sử dụng đồ uống có cồn trong thanh thiếu niên, tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh rượu thủ công tại địa phương.
b) Chỉ đạo hệ thống phát thanh, truyền thanh dành thời lượng phổ biến về tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn.
c) Thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch; tổ chức sơ kết, tổng kết định kỳ, báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Y tế).
Tổng kinh phí thực hiện: 1.633.585.000 đồng (Phụ lục 1).
(Một tỷ sáu trăm ba mươi ba triệu năm trăm tám mươi lăm ngàn đồng chẵn)
Kinh phí chi tiết thực hiện chiến lược (Phụ lục 2).
Báo cáo 6 tháng trước ngày 10 tháng 7 hằng năm, báo cáo năm trước ngày 10 tháng 01 năm sau, gửi về Sở Y tế để tổng hợp báo cáo Bộ Y tế và Uỷ ban nhân dân tỉnh.
Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các đơn vị báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Y tế) để xem xét, giải quyết./.
Nơi nhận: |
KT. CHỦ TỊCH |
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN
|
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.